Dạ Cậu, Em Là Mùa!

Chương 6: Cô Thuỳ




Tìm thấy xác Gấu con, tôi oà khóc tu tu lên một trận rồi cũng nín, không khóc nữa. Tôi ôm nhóc đi lau vết máu rồi tìm cái hộp vuông thật đẹp, lót khăn trắng sạch sẽ rồi đem chôn trong góc vườn. Những thứ tôi có thể làm cho Gấu con của tôi, nhiều lắm cũng chỉ có vậy... mong cho nhóc mau sớm đầu thai chuyển kiếp khác, tôi thật sự nhớ nhóc nhiều lắm.
Vừa xót xa vừa tức giận, tôi biết Gấu con không phải tự nhiên mà chết, nó là bị người khác đánh đến chết. Nhưng dù cho tôi có xót thì cũng không làm được gì khác, nhà này không phải là nhà của tôi, tôi với Gấu con chỉ là ở nhờ mà thôi, không thể vì một chuyện được coi là cỏn con mà làm ầm lên được. Đối với tôi, Gấu con là một sinh mạng nhưng đối với những người khác, nó chỉ là một loài xúc vật... không hơn không kém. Nhưng tôi ghim, tôi ghim sâu vào trong lòng, để tôi biết được là ai đánh chết chó con của tôi, tôi nhất định không bỏ qua cho đâu.


Biết tôi buồn nên chị Hồng với chị Liễu cũng có an ủi, dì Tư thì càm ràm:
- Thôi đi mạy, dù sao cũng là một con chó, lỡ chết rồi thì thôi, buồn làm gì, mốt nhà ai cho tao xin cho mày con khác. Tưởng gì chứ chó thì đầy, sợ gì không có con khác nuôi.
Tôi im ru không trả lời, dì Tư cằn nhằn mấy câu nữa thì cũng mặc kệ. Tôi thì không giận ai đâu nhưng tôi buồn, loài chó là loài trung thành với con người nhất, vậy mà có nhiều người vô tâm với nó quá.
Qua ngày hôm sau, tôi xin bà chủ cho tôi về thăm nhà nửa buổi, bà chủ cũng biết con chó của tôi mới chết, mặc dù cằn nhằn nhưng vẫn cho tôi về. Qua phà, tôi ghé chợ mua ít trái cây hoa tươi cúng mẹ với lại mua ít bánh ngọt thuốc lá làm quà cho cha. Mua mấy thứ cao sang hơn thì tôi không có tiền chứ mấy thứ quà vặt đó, tôi đủ sức. Biết tôi về, cha ra ruộng bắt cá lóc về nấu canh chua bông điên điển cho tôi ăn, có ít khô ngon, cha đem đi nướng thơm phức đãi con gái. Ngồi ăn cơm, cha gắp cho tôi miếng khô đầy thịt, cha hỏi:


- Mày qua bển ăn đồ ngon không chứ gì, giờ ăn khô ăn được không?
Tôi nhìn cha, bĩu môi:
- Cha làm như con gái cha là chủ cả không bằng vậy, con cũng ăn uống bình thường chứ có ăn ngon đâu. Con thèm canh chua cha nấu muốn chết luôn, tới bữa nay mới xin về được.
Cha tôi cười cười:
- Vậy ăn đi, ăn cho đã thèm.
Ăn xong bữa cơm, hai cha con ngồi nói chuyện, chợt cha hỏi:
- Con Gấu bao lớn rồi? Nếu mà nuôi không được thì đem nó về cho tao, để bên nhà người ta, ăn cơm nhà người ta riết cũng kỳ.
Nghe cha nhắc tới con Gấu, tôi buồn so, trả lời:
- Con Gấu... nó chết rồi cha.
Cha tôi giật mình:
- Chết rồi? Sao chết? Bệnh chết hả?
Tôi không muốn nói cho cha tôi biết về chuyện con Gấu bị đánh chết, nói ra làm chi thêm buồn nên liền gật đầu cho qua chuyện.
Lúc chuẩn bị qua phà, cha có nhìn tôi an ủi:


- Thôi, để mai cha đi xin cho mày con khác, nhà bà Tí có bầy chó con mới đẻ thấy thương lắm, để cha xin rồi đem qua bển cho mày nuôi.
Tôi khẽ cười rồi lắc đầu:
- Thôi cha, con không nuôi nữa đâu, cha đừng có xin. Mình qua nhà người ta làm chứ cũng không phải nhà mình, để hết năm con về rồi cha xin cho con cũng được.
- Ờ, thì thôi cha không xin nữa, mà qua bển có cần cái gì thì gọi cho cha, cha mua đem qua cho mày, nghen.
Phà tới giờ chạy, tôi liền tạm biệt cha rồi lên phà để sang sông về lại bên cồn Quý. Về thăm cha mới có nửa ngày thôi mà tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn hẳn. Đúng là khi mệt mỏi thì gia đình vẫn là nơi ấm áp để về nhất, còn có cha... thật là tốt.
Xuống phà, tôi đi bộ về nhà chủ để đỡ tiền xe ôm, đi được một đoạn, tôi nghe sau lưng có tiếng còi xe hơi, vì đường nhỏ nên tôi nhanh chân tránh sát vô trong nhường cho xe qua trước. Chiếc xe hơi chạy ngang qua tôi rồi đột nhiên dừng lại, nhìn biển số xe cũng thấy quen quen, đang còn ngờ ngợ không biết là ai thì người trong xe đã mở cửa xe bước xuống. Úi chao, là cậu Tư, cậu Tư chắc vừa đi công chuyện về, quần tây áo sơ mi phẳng phiu quá chừng.
Thấy cậu, tôi liền cúi đầu chào hỏi:
- Cậu Tư.
Cậu Tư bước tới trước mặt tôi, cậu cười tươi:
- Ừ, đi đâu mà đi bộ vậy Mùa? Sao không lấy xe đi?
Tôi cười trừ:
- Dạ, hồi sáng giờ em về thăm cha, giờ về lại nhà bà đó cậu. Nhìn xe thấy quen quen mà em đâu có biết là xe của cậu đâu.
Cậu Tư ngoắc tay, cậu nói:
- Biết rồi thì lên xe đi, cậu chở về luôn, đi bộ chi cho mỏi chân.
Tôi có chút ngập ngừng, thật lòng là không muốn theo cậu về cho lắm.
- Thôi cậu, em mang dép đi từ nãy giờ xìn lầy dơ lắm, giờ bước lên xe là dơ xe cậu hết. Cậu về trước đi cậu, em đi bộ sẵn tập thể dục luôn.
Cậu Tư chau mày:
- Cứ lên đi, có dơ bao nhiêu đâu mà lo. Lên đi, đừng làm trễ giờ cậu.
Cậu Tư đã nói vậy, tôi không lên thì không được, hết cách, tôi liền đi theo cậu về nhà. Cậu Tư giúp tôi mở cửa xe, tôi chui vào ngồi xuống rồi nhanh tay tháo dép ra cầm trên tay. Thấy tôi xách đôi dép, cậu phì cười, hỏi:
- Em để dép xuống đi, cầm làm gì cho mỏi.
Tôi cười hề hề:
- Dạ thôi, đi ké xe phải biết điều chứ cậu. Mình về đi cậu, về trễ dì Tư la em nữa.
Cậu Tư lắc đầu chịu thua, cậu nói:
- Thôi thì tùy em, mỏi quá thì để xuống, cậu không bắt đền tiền dơ xe đâu mà sợ.
- Dạ.
Xe chạy chừng 5 phút là tới nhà, tôi vì ngồi xe không được thoải mái nên thấy hơi khó chịu. Xe chạy thẳng vô cổng, cậu Tư xuống xe trước rồi mới đi ra sau mở cửa cho tôi xuống theo. Tôi vừa bước xuống xe liền thấy cậu Ba, mợ Tư Diệp, cô Thuỳ với một cậu nào đó đang ngồi trong vườn nói chuyện. Thấy tôi bước từ xe xuống, bọn họ nhìn tôi chằm chằm, tự dưng có chút hoảng, tôi liền cúi đầu chào hỏi:
- Chào cậu Ba, mợ Tư... em mới về.
Cậu Tư lúc này cũng thấy mấy người bọn họ, cậu liền cười nói:
- Chà, bữa nay Phong qua chơi sao không gọi cho anh trước, anh mua chút gì cho em.
- Dạ không cần đâu anh Tư, em qua chơi với chị Thuỳ á mà.
Tôi cúi đầu nên cũng không biết là có người đang đi tới, nghe tiếng bước chân bước tới gần, một giọng nói khe khẽ cất lên kèm theo đó là cái tên quá mức quen thuộc:
- Nghi... là Nghi phải không?
Nghe ai đó kêu đúng tên mình, tôi liền ngước mặt lên nhìn, úi... là Phong... Quý Phong nổi tiếng khắp trường tôi đây mà.
Tôi có chút kinh ngạc, reo lên:
- Quý Phong... là ông hả?
Quý Phong gật đầu, môi nở nụ cười tươi tắn:
- Ừ là tôi nè, mà bà làm gì ở nhà bác Hai tôi vậy?
Tôi thật thà, nói thẳng:
- Đi ở đợ cho nhà chủ trừ nợ cho cha, ông... ông là cậu chủ nhà họ Quý có phải không?
- Ừ, tôi họ Quý.
Tôi cười khà khà:
- Chà, cậu ấm đây mà đó giờ tôi không biết, được nghỉ hè nên về chơi hả?
- Biết rồi còn hỏi... mà sao bà nghỉ học, thầy cô kiếm bà quá chừng?
Tôi gải đầu, ái ngại nói:
- Chuyện dài lắm, để bữa nào rảnh kể ông nghe... mà quên nữa, giờ tôi phải kêu ông là cậu Phong mới đúng... quên quên.
Quý Phong phủi tay, cằn nhằn:
- Cậu gì mà cậu, bà cứ kêu tôi là Phong là được rồi, cậu cả gì không biết.
Cậu Tư đứng bên cạnh nghe nãy giờ, giờ cậu mới lên tiếng:
- Phong với Mùa là bạn học hả?
Tôi gật gật:
- Dạ cậu.
- Cũng trùng hợp quá, thôi hai đứa nói chuyện đi, cậu lại đằng kia với mợ.
Thấy cậu Tư đi rồi, Quý Phong mới kéo tôi qua một bên, cậu ta thì thầm:
- Nghi, chuyện của tôi... bà làm ơn đừng có nói cho người ở đây nghe nha.
Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta:
- Chuyện của ông... là chuyện gì?
Quý Phong ngại ngùng:
- Thì chuyện... chuyện... chuyện tôi là LGBT đó...
Tôi ngỡ ngàng hét lên một tiếng:
- Hả? Ông nói ông là LG...
Chưa kịp nói hết câu, Quý Phong đã bịt miệng tôi lại, cậu ấy gấp gáp:
- Bà la cái gì? Nhỏ nhỏ tiếng lại đi... bà la một hồi người ta biết hết giờ đó.
Tôi đẩy tay cậu ấy ra, nhỏ tiếng lại:
- Quên quên... nhưng mà cậu nói gì... cậu là LGBT... cậu thích con trai?
Quý Phong gương mặt khổ sở, cậu ấy vỗ vỗ vào trán mấy cái:
- Thì ra là bà... không biết?
Tôi gật gật:
- Ừ, tôi có biết gì đâu, giờ ông nói tôi mới biết đó.
- Thôi chết rồi, ngu ơi là ngu mà...
Thấy cậu ta chật vật, tôi sinh ra thương cảm:
- Thì giờ tôi có biết tôi cũng không nói cho ai nghe đâu, ông yên tâm đi.
- Bà chắc không?
Tôi gật đầu chắc nịch:
- Chắc, chuyện đó là chuyện riêng của ông, tôi nói ra làm gì, có ích lợi gì cho tôi đâu mà nói.
Quý Phong mừng rỡ:
- Bà hứa nha, tôi không muốn ai biết đâu... thân phận của tôi không nói mấy chuyện này ra được đâu.
- Ừ biết rồi, tôi hiểu nhà họ Quý ra sao mà, ông yên tâm đi, không phải lo về tôi đâu.
- Nếu vậy... sau này bà cần giúp đỡ gì thì kêu tôi một tiếng, tôi sẵn sàng.
- Cảm ơn ông trước.
Nói chuyện thêm lát nữa, tôi cũng tạm biệt Quý Phong rồi xuống sau làm công chuyện nhà. Lát sau, tôi nghe Hạ kêu tôi đem nước lên cho cô Thuỳ, mặc dù không muốn nhưng phận tôi tớ, tôi không làm theo là không được. Pha một bình trà ngon đem lên, cứ tưởng là mọi người còn ngồi ở chỗ cũ, ai dè đã dời tuốt vô trong vườn. Tôi bưng ấm trà đi tới chỗ cô Thuỳ và mợ Tư, nhìn quanh thì không thấy mấy cậu đâu, chắc là đi công chuyện hết rồi. Đặt trà xuống bàn, tôi mời:
- Mời mợ Tư với cô Thuỳ uống trà.
Cô Thuỳ nhìn tôi, mắt khẽ chớp:
- Để đó đi.
- Dạ, vậy em xuống dưới làm công chuyện nha cô.
Cô Thuỳ nhìn tôi chăm chăm, cô ra hiệu cho con Hạ ngăn tôi lại:
- Khoan đã, cô có chuyện cần nói với mày, mày ở lại chút đi.
Tự dưng thấy có chút dự cảm không lành, tôi lùi về sau vài bước rồi nhìn về phía mợ Tư đang rụt rè ngồi đó. Khẽ cất giọng, tôi hỏi:
- Mợ Tư, cô Thuỳ... có chuyện gì vậy?
Cô Thuỳ cười cười nhìn tôi, tay cô rót ra tách trà nóng, cô ta nói:
- Hồi nãy sao cô thấy mày đi theo cậu Tư về vậy?
Thì ra là chuyện này...
Tôi nhìn sang mợ Tư đang ngồi im trên ghế, tôi khẽ cười, thẳng thắn trả lời:
- Chuyện là, sáng này em xin bà về thăm cha, lúc về lại nhà mình, em gặp cậu Tư đang đi công chuyện về. Cậu thấy em đi bộ nên chở em về dùm á mợ.
Mợ Tư gật gật, biểu cảm có chút lúng túng:
- Thì ra là vậy, mợ...
- Có phải thiệt vậy không thì còn chưa chắc nha chị Diệp... chị nhìn nó đi... mặt mày cũng không phải dạng vừa đâu.
Nghe cô Thuỳ nói, tôi thấy có chút kệch cỡm, cười nhạt, tôi hỏi:
- Cô Thuỳ nói vậy là có ý gì, em nghe mà không hiểu?
Con Hạ đứng một bên phùng mang trợn má, nó nói:
- Cô tao nói rõ ràng vậy mà mày nghe không hiểu, mấy cái thứ muốn "lấy" chồng người ta thường hay giả nai vậy lắm.
Tôi nhìn nó, hỏi lớn:
- Cô nói cái gì nghe kỳ vậy Hạ? Chuyện vậy mà cô cũng nói được hả?
Con Hạ bật cười:
- Tao nói vậy á là còn hiền, chứ mấy con không nói mà làm mới ghê đó. Chắc là nghe Quý gia cần cháu trai nên bon chen xin một vé làm bà Quý chứ gì?
Mẹ kiếp, nghe mà giận hết sức, đúng là một lũ điên khùng.
Tôi bước tới gần con Hạ, tôi nói luôn:
- Bà Quý... chắc mày không mơ làm bà hả mà nói tao. Nhưng để tao nói cho mày nghe, mày đừng có suy bụng ta ra bụng người, chỉ có chuyện cậu Tư cho tao đi nhờ xe thôi mà mày cũng nghĩ oan cho tao với cậu được. Nếu mày thấy tao có tình ý với cậu... vậy để tao vô thưa cậu ra hầu chuyện với mày nha.
Mợ Tư nghe tôi nói muốn kêu cậu Tư ra, mợ liền gấp gấp xua tay nói với tôi:
- Thôi Mùa, em đừng có kêu cậu ra, mợ không có nghĩ oan cho em đâu...
Tôi quay sang mợ, lễ phép nói:
- Mợ Tư, em thề là em chỉ lên xe đi nhờ về nhà thôi, em không hề có tình ý gì với cậu hết. Em tới đây ở đợ cho nhà mình để trừ nợ, hết nợ em lên lại Sài Gòn để đi học lấy cái bằng chứ không ham gì ở đây làm bà này bà nọ như con Hạ nó nói đâu. Mà có theo cậu Tư, em cũng chỉ là người thứ ba phá gia can nhà người ta, em không có ngu mà làm mấy chuyện thất đức đó. Mợ tin em đi, em thiệt tình bị oan.
Mợ Tư khó xử nhìn tôi, ánh mắt lo lắng không biết phải làm sao, mợ nói:
- Thôi mợ hiểu rồi... mợ hiểu rồi...
Mợ Tư chưa nói hết câu thì cô Thuỳ đã chen miệng vào mà phán, thái độ hung hãn vô cùng:
- Chị Diệp sao chị hiền dữ vậy, nó nói vậy mà chị cũng tin hả? Bây giờ chị đang bầu bì vậy nè, mà có bầu là con gái nữa... đứa nào không nhào vô anh Tư là đứa đó ngu. Gái đỉ thường già mồm, chị mà nghe nó nói là hư hết chuyện...
Mợ Tư lúng túng thấy rõ:
- Nhưng mà... Mùa nó cũng có làm gì đâu...
Thuỳ phát hỏa:
- Chứ chị đợi nó ngủ với chồng chị thì mới là có gì hả chị? Chị Diệp ơi là chị Diệp, mất chồng như chơi nha chị ơi... mấy con quỷ ở đợ này sao mà tin nó nổi. Tốt nhất nên cảnh cáo nó trước, để nếu nó có ý đồ gì thì bỏ liền... nghe em.
- Thuỳ, khoan đã...
Mặc mợ Tư khuyên ngăn, cô Thuỳ vẫn một mực nghĩ là tôi có ý đồ với cậu Tư. Thấy cô ta khiêu chiến, tôi cũng không ngán, để bảo vệ lòng tự tôn của mình, tôi nói:
- Cô Thuỳ đụng tới tôi là tôi nhờ bà và cậu can thiệp, tôi là người ở thiệt nhưng nếu bị dồn vào đường cùng thì cũng biết đứng lên mà phản kháng.
Cô Thuỳ kênh kiệu nhìn tôi, môi nhếch lên, mặt hầm hố:
- À... vậy mày định phản kháng sao? Định đánh tao hả con ranh?
Tôi lùi về sau vài bước, đang còn không biết nên chạy hay nên hét lên thì cô Thuỳ đã hất hết ấm trà nóng xuống chân tôi. Nước trà nóng thấm vào da thịt, chân tôi như muốn bốc hỏa lên vì quá rát. Uất ức vô cùng, sống bao nhiêu năm trên đời chưa từng bị ai sỉ nhục như vậy, cô ta là người đầu tiên...
Tôi đứng vững trên nền đất, mặc cho mợ Tư có đang quýnh lên hay là chủ tớ cô Thuỳ có đang hả hê thì tôi vẫn không thể hiện ra biểu cảm gì yếu thế. Nhịn hết cơn đau vào trong, tôi sừng sững tuyên bố:
- Cô cũng chỉ làm được tới như vậy thôi hả cô Thuỳ? Cô ăn hiếp một đứa nhà quê như tôi... cũng chỉ để cho nó ăn nước trà nóng thôi hả?
Thấy tôi quá mức bình tĩnh, Thuỳ có hơi không vui, cô ta cười đểu:
- Cảnh cáo mày thôi, cần gì làm nhiều.
Mợ Tư đi tới chỗ tôi, gương mặt mợ xanh tái, mợ vịn lấy tay tôi, quýnh lên:
- Em có sao không Mùa, thôi vào trong đi, mợ kêu dì Tư lấy thuốc sức cho em... nhanh em.
Tôi nhìn mợ, kéo tay mợ ra khỏi người tôi, tôi cắn răng nói nghiêm túc:
- Nước trà nóng đó rửa sạch hết hàm oan của em rồi, hy vọng mợ đừng giữ trong lòng mà nghĩ oan cho em nữa...
Nói xong tôi nhìn về phía Thuỳ, tôi gằn từng tiếng:
- Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, nếu còn có lần sau... đừng hỏi tại sao một đứa chết... một đứa bị thương. Con người tôi nghèo, cùng lắm là làm liều rồi chết, mạng của cô quý, đừng để chết ngu vì một con nghèo như tôi. Bần cùng sinh đạo tặc, đừng để tới lúc người ta bị ép dồn vào đường cùng thì khóc chửi người ta ác. Ác nhất trên đời này chắc là mấy người giàu có đa nghi như các người!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.