Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 29: Mưa To





Khô hạn càng ngày càng nghiêm trọng.
Sông nhỏ đã lộ ra lòng sông nứt toác thành vô số khe rãnh.
Nước sông ngày xưa chảy xiết hiện giờ biến thành một dòng nước nhẹ nhàng chảy.
Nước ở ruộng lúa đã khô, Yển Đường lại xả nước vài lần nên tạm thời bảo vệ được mạ nhưng nước trong Yển Đường cũng chẳng còn.
Mỗi ngày thôn dân đều đi thật xa tới sông để gánh nước tưới rau, mầm ngô và cao lương.
Bọn họ mệt, mồ hôi ướt đẫm, da phơi đến đen đỏ nhưng vẫn cắn răng kiên trì để bảo vệ chút màu xanh trong đất.
Giếng ở thôn đông đã cạn, các thôn dân đều tới thôn tây gánh nước, mắt thấy giếng ở đây cũng sắp thấy đáy rồi.
Tộc trưởng mang theo thôn dân không ngừng cung phụng nến thơm cho miếu Long Vương chỉ để cầu mưa xuống.
Sáng sớm hôm nay một tầng mây thật dày che khuất mặt trời ở phía đông, trời âm u, gió mang theo hơi nước thổi từ phía tây tới.
Rốt cuộc cũng sắp mưa rồi.
Các thôn dân vui quá mà khóc.
Đào Tam gia ngồi trong sân trước hút thuốc, lúc này dưới mặt sân toàn là lá cây và quả non bị gió thổi rụng.
Lý thị hô: “Lão nhân, sắp mưa rồi ông còn ngồi đó làm gì? Còn không mau vào phòng trong đi?!”
Đào Tam gia thở dài, “Ta phải đợi mưa rơi xuống người mới có thể an tâm được!”
Lý thị chẳng nói gì nữa mà dặn Trường Phú khơi thông rãnh nước quanh sân.
Mọi người đều nói hạn lâu sẽ úng, cơn mưa này hẳn sẽ không nhỏ.
Sau đó bà ta lại gọi Trường Quý nhân lúc mưa còn chưa rơi thì nhanh chóng đi gánh nước đổ đầy lu cho cả nhà già trẻ lớn bé dùng, bởi vì sau khi mưa to nước giếng thường bị đục.
Gió càng ngày càng lớn, hạt mưa giống hạt đậu nện xuống mặt đất khô cạn rồi biến mất không thấy đâu.
Rất nhanh đã có mùi bùn đất tanh tanh lan ra khắp nơi.
Sợi thuốc lá của Đào Tam gia đã tắt, quần áo trên người ông ta cũng ướt.

Lý thị tức quá vọt ra sân kéo ông ta vào trong mái hiên mắng: “Lão bất tử, ông chán sống rồi hả, ông liều mạng với ai?!”
Đào Tam gia không đáp lời mà chỉ cười ngây ngô, Lý thị thì nhanh chóng chạy đi tìm quần áo sạch sẽ cho ông ta thay rồi lại bảo Lưu thị đi nấu chút canh gừng.
Trời mưa càng lúc càng lớn, hạt mưa ào ào che khuất trời đất, chỉ có thể nhìn thấy rõ cây trong sân nhà mình, còn những nơi xa hơn chỉ có một mảnh trắng xóa.
Đào Tam gia vác cái ghế muốn ngồi ở mái hiên tiếp tục hút thuốc nhưng Lý thị không cho.
Bên ngoài mưa sa gió giật, dưới mái hiên căn bản không thể tránh mưa được vì thế Đào Tam gia chỉ có thể ngồi ở phòng chính nhìn màn mưa mênh mang bên ngoài cửa sổ.
Nước trên mặt đất đều chảy tới chỗ trũng, mương xung quanh sân lúc này đang chảy xiết.
May nhà họ sớm khơi thông mương quanh nhà chứ không một khi bị tắc thì nước sẽ dâng lên và thấm cả vào tường nhà.
Mưa quá lớn nên học đường cũng nghỉ, Đại Bảo, Tam Bảo và Nữu Nữu ở trong đông phòng vây quanh cửa sổ xem mưa to tầm tã.
Sân trước đã tích một tầng nước mưa, nước cũng chảy tới đất trồng rau.
Màn trời tối tăm bị một tia chớp màu bạc chiếu sáng lòa, ngay sau đó một tiếng sấm nổ đùng giống như trời sập xuống.
Nữu Nữu sợ tới mức oa oa khóc rống lên.
Lưu thị thấy thế thì vội ôm con gái vào lòng nhẹ giọng dỗ dành.
Đại Bảo và Tam Bảo cũng hơi sợ, cảm thấy sấm sét như đang nổ tung trên đầu mình thế là hai đứa chậm rãi dịch xa khỏi cửa sổ và dựa bên người cha.
Mưa rơi liên tục cả ngày, tới khi chạng vạng thì ngừng lại.
Lý thị khoác áo tơi và mũ tới vườn sau kiểm tra thì thấy chuồng gà rất vững chắc, cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Cả đàn gà đều chen chúc bên nhau, hiển nhiên bị dọa sợ.

Khu đất trồng rau thì có vẻ tiêu điều, hoa mướp hương và bí đỏ rụng đầy đất, cà tím và ớt cay cũng đổ ngả rạ.
Lý thị thấy thế thì hái chút ớt cay, cà tím, mướp hương làm cơm chiều, coi như vớt vát.
Trời mưa nên khô hạn giảm bớt, cục đá đè trong lòng mọi người cũng rơi xuống.
Lý thị quyết định tối đó sẽ làm mì nước.
Lưu thị và Trương thị đến nhà bếp hỗ trợ như ngày thường.
Lưu thị nhào bột còn Trương thị thì rửa rau, xắt rau và nhóm lửa.
Lý thị cắt chút thịt khô xào cho mỡ chảy ra và bỏ thêm cà tím cùng mướp hương thái chỉ vào.
Đợi nước sôi cho thêm mì là đã làm xong món mì nước.
Trên bàn cơm người lớn theo thói quen bỏ thêm sa tế và ăn ngon lành.
Lý thị nấu nhiều, đầy một nồi to vì thế người một nhà ăn đến thấy đáy mới mỹ mãn buông chén bát.
Sau khi ăn xong Đào tam gia sắp xếp công việc đồng áng ngày mai, “Mặc kệ ngày mai có mưa hay không cũng phải tranh thủ trồng khoai lang đỏ!”
Ngày hôm sau trời vẫn âm u, lúc nào cũng có thể mưa.
Lý thị và hai cô con dâu cắt dây khoai lang từ ruộng ươm sau đó lại cắt nhỏ từng dây thành mấy phần rồi mọi người cùng cõng dây khoai lang tới ruộng.
Người trong thôn vui tươi hớn hở chào hỏi nhau sau đó vội vàng trồng khoai lang đỏ của nhà mình.
Ngày hôm qua mưa lớn ào ạt nhưng con đường lại không lầy lội lắm.
Nếu là mưa nhỏ lâm thâm thì con đường đất sẽ nhanh chóng bị lầy lội khó đi.
Trước đó người ta đã chôn gốc rạ còn thừa trên ruộng lúa mạch xuống ruộng khoai lang để làm thành phân bón lót.

Lúc này mọi người chỉ cần vội vàng trồng dây khoai lang vào từng luống đã chia sẵn.
Mới trồng được một nửa thì trời lại đổ mưa, tuy không to như hôm qua nhưng cũng không nhỏ.
Mọi người vội vàng mặc áo tơi và đội mũ sau đó vẫn tiếp tục trồng khoai lang.
Mãi cho đến trời tối hẳn người lớn mới về tới nhà.
Vì Lý thị cũng vội vàng trồng khoai lang nên cơm chiều do Đại Bảo và Nhị Bảo làm.
Đồ ăn rất đơn giản, chỉ có một nồi cháo ngũ cốc, đợi Lý thị trở về làm thêm chút bánh trứng thế là cả nhà có thể ăn.
Đợi ăn xong lại nấu nước tắm, uống canh gừng và đi nghỉ ngơi.
Trời mưa một đêm đến hôm sau vẫn không tạnh.
Trời hạn đã lâu nay uống no nước rồi thì đống nước dư thừa bắt đầu chảy vào ruộng lúa, mạ nhanh chóng bị ngập.
Đào Tam gia lại khoác áo tơi, khiêng cuốc tới ruộng lúa đào bờ ruộng xả nước ra ngoài bớt.
Nước mưa tụ ở con sông nhỏ khiến nước sông nhanh chóng dâng lên vẩn đục và chảy xiết về phía trước.
Ngày mưa mọi người đều ở nhà nghỉ ngơi, Trường Phú và Trường Quý lấy mấy cái cuốc rồi liềm ra tu sửa, Đào Tam gia thì nhàn nhã đan sọt tre, Lý thị đóng đế giày, Lưu thị và Trương thị thì mang quần áo cũ ra khâu vá.
Đại Bảo và Nhị Bảo tới học đường, Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu thì ngồi dưới mái hiên chơi con ve đất.
Sau cơn mưa to mùa hè có rất nhiều ve bò từ trong bùn đất ra, tụi nó thường bò lên thân cây để lột xác biến thành con ve trưởng thành.
Hoàng Hoàng cũng ghé vào giữa đám nhỏ và nghiêng đầu nhìn con ve trong tay tụi nó sau đó nhân lúc cả đám không chú ý nó ngậm luôn con ve vào miệng.
“Ế, Hoàng Hoàng, ngoan ngoãn nhổ ra!” Tam Bảo duỗi tay với Hoàng Hoàng.
Hoàng Hoàng nghiêng đầu không nhổ, đuôi lắc lư lắc lư.
Tứ Bảo ôm chặt đầu Hoàng Hoàng còn Tam Bảo thì tiến lên bẻ mồm con chó ra.
Hoàng Hoàng lập tức giãy giụa chạy đi sau đó ô ô và răng rắc nhai luôn con ve.
Tam Bảo nổi giận vung nắm tay tiến về phía Hoàng Hoàng, ai biết con chó kia lại phe phẩy đuôi chạy tới nằm dưới ghế của Lưu thị.
Tam Bảo đương nhiên không dám đi tới chỗ mẹ hắn để lôi con chó kia ra thế là chỉ có thể hung hăng trừng mắt nhìn Hoàng Hoàng vài lần, trong lòng ghi tạc món nợ này.
Hắn định dầm mưa chạy ra sân tới cạnh cây ăn quả đào một con ve khác lên chơi.

Tứ Bảo và Nữu Nữu đứng ở dưới mái hiên không dám đi theo.
Nữu Nữu nhẹ giọng nói: “Tam ca đừng đi, quần áo ướt hết đó!”
Tứ Bảo cũng nói: “Tam Bảo, ngươi không sợ bị đánh à?”
Tam Bảo không thèm nghe, chân cứ thế nhấc lên chạy ra ngoài sân.
Sân trước lúc này vừa trơn vừa ướt, Tam Bảo đi gần tới chỗ cái cây thì ngã nhào một cái, xui xẻo ngã đúng vũng nước bùn.
Hắn xám xịt mà quay về dưới mái hiên sau đó xoay người nhìn nhìn và phát hiện mặt sau quần và khuỷu tay đều là bùn.
Hắn vội dựng ngón trỏ lên thở dài một tiếng không cho Nữu Nữu và Tứ Bảo lên tiếng.
Nhưng chờ hắn ngẩng đầu thì thấy tất cả mọi người đều đang nhìn hắn.
Mọi người đều ngồi dưới mái hiên thì hắn làm sao mà tàng hình cho nổi.
Tam Bảo thầm kêu không xong rồi, mông lại sắp đau rồi.
“Tam Bảo, lại đây!” Lưu thị lạnh giọng gọi.
Tam Bảo chỉ đành ngoan ngoãn đi qua.
“Đổi quần áo khác rồi đi ra đây quỳ!” Lưu thị tức đến cắn răng.
Tình huống sau đó chính là Tam Bảo quỳ, Tứ Bảo và Nữu Nữu ngồi ở một bên nhìn, Hoàng Hoàng cũng lặng lẽ vươn đầu ra khỏi băng ghế giả vờ vô tội.
Tam Bảo nghĩ thầm: Hừ! Nếu không phải ngươi ăn mất con ve kia thì sao ta phải quỳ ở chỗ này chứ?
Lưu thị khâu xong quần áo trong tay rồi cầm gậy trúc cho Tam Bảo một trận.
Lý thị vui vẻ nói: “Hôm nay nhận một đống thịt trúc nhưng không đổi được thịt khô ăn rồi!”
Tam Bảo cắn răng không khóc và quỳ đến khi ăn cơm trưa.
Sau đó hắn đi đường cứ lắc lư lảo đảo..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.