Câu Chuyện Phù Sinh

Chương 3:




Tôi trích từ trong trí não ra tất cả những ký ức liên quan tới Mộ.
Đó là khoảng thời gian tôi mới thành hình người, bắt đầu tu luyện trên núi Phù Lung.
Cứ sau mỗi dịp Trung thu, tôi liền đi xuống thung lũng dưới chân núi, tìm một loại quả dại tên là sơn mang tử. Giống quả này chẳng ngon chút nào, chua loét lại hơi đăng đắng, thịt quả thô xác, cứ như quăng vào miệng một nắm gai nhỏ, nhưng Tử Miễu cứ khăng khăng bắt tôi mỗi ngày phải ăn một quả, cho tới tận tiết Đông chí, nói rằng nó có lợi cho điều hòa hơi thở, củng cố nguyên khí. Ngoài mùi vị của giống quả này, tôi còn nhớ đến một cây hòe mọc trơ trọi một mình giữa thung lũng, một cây hòe nhỏ thấp bé gầy gò, thiếu sức sống, cành nào cũng rũ xuống rũ rượi, giống như một mớ tóc xõa rối bù.
Trông nó chẳng có gì đáng chú ý. Nếu không phải vì cả một thung lũng chỉ có một cái cây này, có lẽ tôi đã không phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Khi đó, tôi vẫn là một yêu cây bé nhỏ ham chơi quên trời, thích bứt những sợi dây leo nhỏ bé mọc quanh thung lũng bện thành lưới, sau đó chạy tới bên đầm nước được hình thành bởi dòng suối phun ra từ một hang ngầm nào đó bắt cá chơi. Cá trong đầm nước đẹp tuyệt vời, không những sắc màu rực rỡ, mà có nhiều con còn biết kêu lên những âm thanh rất vui tai, đặc biệt là khi chúng bị tôi nhốt vào trong lưới, có con còn kêu khóc như trẻ nhỏ, khiến tôi lúc đó vô cùng thích chí, thường xuyên bắt chúng lại, rồi thả ra, rồi lại bắt lại, sau đó lại thả ra, cứ đùa ác mãi như thế mà không biết chán.
Trong thung lũng còn có rất nhiều động vật nhỏ. Có loài chim cánh vàng cam rực rỡ, có cáo trắng tinh khôn, có chuột chũi xảo quyệt, nhiều vô số kể. Nhưng tôi thích nhất vẫn là con thỏ ba tai, mặt đen mình trắng, béo nung núc như một quả bóng xù, dẫn theo bầy con nhỏ, phục phịch tìm đến ven đầm nước tìm đám cỏ dại trông giống hệt rêu xanh gặm ăn. Khi thấy những con vật béo núng nính vừa nhìn đã muốn trêu chọc này, tôi luôn nấp vào một chỗ mà chúng không ngờ tới, sau đó thình lình nhe ranh giơ vuốt nhảy vọt ra, dọa cho bọn chúng giật mình tháo chạy tán loạn, suýt lăn cổ xuống hồ nước, còn tôi thì đứng ở bên cạnh cười ngặt nghẽo đến đau cả bụng.
Tôi đã thỏa sức tận hưởng cuộc sống tự do nhờ tu được hình người, thân thể và linh hồn tôi ngất ngây trong niềm vui sướng nguyên sơ nhất, thuần túy nhất.
Nhưng ngày hôm đó, khi cây hòe nhỏ ngượng ngùng đưa cành lá giữ lấy cánh tay tôi, gọi tên tôi, khẩn cầu tôi tìm Tử Miễu để biến cô ta thành người như tôi, tôi đã thẳng thừng từ chối.
– Tại sao lại không thể? Chị Sa La, rõ ràng em đã nhìn thấy thượng tiên Tử Miễu ban hình dạng con người cho chị vào cái đêm hôm ấy! – Cành cây của cô ta càng quấn chặt lấy cánh tay tôi, lắc qua lắc lại một cách không cam chịu – Chị ơi, chị hãy cầu xin thượng tiên Tử Miễu, cũng ban hình người cho em!
Thật nực cười! Chúng ta thân quen lắm hay sao?
Đối mặt với một đồng loại chẳng biết chui từ đâu ra, đối mặt với một yêu cầu “vô lễ” đến thế, đương nhiên là tôi thấy phản cảm, lại càng không thể đồng ý với yêu cầu của cô ta. Tử Miễu từng nói với tôi, khi anh ban tặng hình người cho tôi, thoạt nhìn ngỡ như đơn giản, nhưng kỳ thực đã tổn hao không ít nguyên khí và linh lực, phải mất đến bốn mươi chín ngày sau mới coi như hồi phục hoàn toàn, để tôi có được hình dạng con người là việc không hề dễ dàng, nên rất mong muốn tôi sẽ chăm chỉ tu luyện. Trước sự thực này, điều khiến tôi quan tâm không phải là những lời Tử Miễu nói ra, mà là đôi môi trắng bệch khi anh nói. Bắt đầu từ giây phút đó, tôi liền phát hiện ra, điều tôi quan tâm nhất, hoàn toàn không phải là tôi tu luyện thế nào, mà là Tử Miễu có được bình an hay không.
Giờ đây, làm sao tôi có thể vì một “tham vọng” viển vông vô lý của một kẻ được gọi là đồng loại mà chuốc thêm phiền phức cho Tử Miễu? Tôi chẳng hề quen biết cây hòe này, chỉ đôi lúc chạy chơi mệt thì tựa vào thân nó nghỉ ngơi chốc lát, thi thoảng tâm sự vài câu vô thưởng vô phạt với nó mà thôi. Lẽ nào chỉ vì thế mà nó khẳng định rằng nó đã là bạn thân tri kỷ của tôi, tôi sẵn sàng hi sinh vì nó? Thật nực cười!
– Chị Sa La, hãy dẫn em đi với!
– Không được, tôi và cô không giống nhau! – Tôi bắt đầu giằng những cành cây bám lấy cánh tay mình ra.
– Tại sao lại không giống nhau? Chẳng phải chúng ta được sinh ra cùng một chỗ đấy ư? – Nó ngỡ ngàng, dường như hơi tức giận.
– Tôi đã nói rồi, chúng ta không giống nhau!
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi cứ nhấn mạnh điều đến điều này. Tôi và nó có điểm nào không giống nhau? Chẳng qua chỉ là một cây mọc trên đỉnh núi, một cây mọc dưới chân núi mà thôi.
– Không giống nhau ở chỗ nào? Chị có thể làm được, thì em cũng có thể! Em muốn giống như chị, sống tự do tự tại! – Cành cây quấn lấy cánh tay tôi mỗi lúc một chặt hơn.
– Ở lại nơi này sẽ tốt hơn cho cô. – Tôi đã tìm ra được một lý do khác thuyết phục hơn, rồi vừa giằng giật những cành cây đang quấn lấy cánh tay mình, vừa lặp lại một cách máy móc.
– Nói dối! Chị nói dối! Chị nói dối! Chị có thể làm được, tại sao em lại không thể?
Những cành cây bất ngờ vươn lên cổ tôi, chất chứa một niềm phẫn nộ muốn bóp chết tôi.
Đùa à? Một cây hòe nhỏ bé yếu ớt thế này, làm sao có thể là đối thủ của tôi? Tuy tôi khi đó mới chỉ có chút bản lĩnh mèo què, nhưng dù sao tôi cũng đường đường là một yêu cây được thượng tiên trên thiên giới, thủy thần của bốn phương Tử Miễu đích thân chăm chút thành hình, với thân phận là tỳ nữ của anh.
Cành cây của nó đã bị thần chú của tôi cắt phăng thành mấy đoạn.
Tôi nghe thấy tiếng khóc của nó ở sau lưng.
– Em muốn được giống như chị… Em cũng muốn được ăn quả dại trong núi, muốn hù dọa bầy thỏ béo tròn… Em muốn có người nói chuyện với em, đưa em cưỡi gió bay lượn, giống như Tử Miễu đã đối xử với chị…
Tôi lập tức chạy vụt đi. Tiếng khóc của cô ta khiến tôi rất khó chịu. Khi đó, tôi vẫn chưa biết cách cảm thông với nỗi đau buồn của người khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.