Các Trận Chiến Làm Thay Đổi Thế Giới

Chương 12: Nhật Bản VS Đế chế Nga




Hải chiến Tsushima(hải chiến Đối Mã) là một trận hải chiến giữa hạm đội của Đế quốc Nga và hạm đội của Đế quốc Nhật Bản diễn ra tại eo biển Tsushima trong Chiến tranh Nga-Nhật ngày 27-28 tháng 5 năm 1905.
Trong trận hải chiến, Hạm đội Nhật bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc (Admiral) Heihachiro Togo tiêu diệt hai phần ba hạm đội Nga dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky. Theo sách Theodore Rex (ISBN 0-394-55509-0), sử gia Edmund Morris gọi nó là trận hải chiến lớn nhất kể từ sau trận Trafalgar. Nó là trận hải chiến lớn nhất thời kỳ chiến hạm tiền-dreadnought.
Trận chiến kết thúc với thắng lợi to lớn của hạm đội Nhật, buộc Nga phải ký Hiệp định Porstmouth, nhượng lại cho Nhật Bản các quyền lợi ở châu Á và khẳng định vai trò bá chủ của Nhật Bản ở Đông Á.
Trận hải chiến Tsushima là trận hải chiến đầu tiên trong lịch sử khi các thiết giáp hạm đóng vai trò quyết định kết cục trận đánh. Hơn thế nữa, phải kể đến hạm đội Nga của Đô đốc Rozhestvensky khi buộc phải thực hiện một cuộc hải trình kéo dài lên đến 18.000 hải lý (chừng 33.000km) để đến được đích là vùng Viễn Đông do Anh, đồng minh của Nhật không cho qua kênh đào Suez.
Trước khi chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, các cường quốc xây dựng tàu chiến với đủ loại pháo với các cỡ nòng khác nhau, chủ yếu là 150mm (6-inch), 203mm (8-inch), 254mm (10-inch) và 305mm (12-inch), với dự kiến là các chiến hạm này sẽ đánh giáp lá cà trong đội hình khép kín để quyết định chiến trường. Kinh nghiệm chiến trường cho thấy các cỗ trọng pháo với tầm bắn xa có lợi thế hơn, được ưa chuộng trong các trận hải chiến hơn là các khẩu đội pháo gồm nhiều cỡ nòng hỗn hợp. Ngay từ năm 1904, Hải quân Đế chế Nhật bản đã cho đóng tàu Satsuma (hạ thủy ngay trước trận hải chiến Tsushima, ngày 15 tháng 5 năm 1905), chiếc tàu chiến đầu tiên được trang bị hoàn toàn bằng trọng pháo. Hải quân Hoàng gia của Đế quốc Anh nhanh chóng bắt nhịp, khởi công đóng tàu chiến HMS Dreadnought tháng 10 năm 1905, và trở thành tàu chiến đầu tiên được trang bị hoàn toàn bằng đại pháo 305mm. Tàu HMS Dreadnought được hạ thủy vào năm 1906, đánh dấu mốc thời kỳ "tiền-Dreadnoughts" trước 1906 và "Dreadnoughts" từ 1906 trở đi.
1. Hoàn Cảnh Trước Trận Chiến
* về nước Nga:
Phần lớn diện tích đất đai của nước Nga ngày nay là lãnh thổ của các bộ lạc khác nhau như người Goth, Hun và Avar gốc Thổ trong khoảng thời gian từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 6. Bộ lạc người Scythia gốc Iran sinh sống ở các thảo nguyên miền nam, và bộ lạc người Ca dắc (Khazar) gốc Tuốc (Turk) đã cai trị phần phía tây của vùng đất này cho đến thế kỷ 8. Sau đó họ đã bị bộ lạc gốc Scandinavi là người Varangia thay thế, bộ lạc này đã thiết lập thủ đô tại thành phố của người Slav Novgorod và dần dần hòa trộn với người Slav. Người Slav tạo thành nhóm dân cư chính từ thế kỷ 8 trở đi và đồng hóa một cách chậm chạp cả những người gốc Scandinavi cũng như các bộ lạc bản địa gốc Phần Lan-Ugric, chẳng hạn như người Merya, Muromia và Meshchera.
Chính quyền của người Varangia tồn tại trong vài thế kỷ, trong thời gian đó họ liên kết với Chính thống giáo và chuyển thủ đô về Kiev năm 1169. Trong kỷ nguyên này thuật ngữ "Rhos", hoặc "Russ" lần đầu tiên được sử dụng để chỉ người Varangia và người Slav sinh sống trong khu vực. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 11 quốc gia Rus Kiev (Киевская Русь) đã trở thành lớn nhất ở châu Âu và rất thịnh vượng nhờ các hoạt động thương mại tích cực với cả châu Âu và châu Á.
Trong thế kỷ 13 khu vực này trở nên suy yếu vì những tranh chấp nội bộ và bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược phương đông là Kim trướng của người Mông Cổ và các bộ lạc Hồi giáo gốc Turk, là những kẻ đã cướp bóc các công quốc Nga trên ba thế kỷ. Còn được biết đến như là người Tatar, họ đã cai trị vùng miền nam và miền trung Nga ngày nay, trong khi các vùng miền tây bị sát nhập vào Đại công quốc Litva và Ba Lan. Sự chia rẽ về chính trị của Rus Kiev đã tách người Nga ở phía bắc ra khỏi người Belarus và người Ukrain ở phía tây.
Phần phía bắc của Nga cùng với Novgorod vẫn giữ được sự tự trị ở một mức độ nhất định trong thời gian cai trị của người Mông Cổ. Tuy thế Nga cũng đã phải chiến đấu chống lại đội quân thập tự chinh của người Đức khi người Đức có ý đồ chiếm khu vực này làm thuộc địa.
Giống như khu vực Balkan và Tiểu Á sự cai trị kéo dài của những người du mục đã làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước này. Sự chuyên quyền kiểu châu Á đã ảnh hưởng tiêu cực tới thể chế dân chủ của đất nước cũng như tới văn hóa và kinh tế.
Bất chấp điều đó, không giống như lãnh đạo tinh thần của mình là Đế chế Byzantin, Nga đã không suy tàn và tổ chức những cuộc nổi dậy để giành độc lập, cuối cùng đã khuất phục được các kẻ thù của mình và khôi phục, mở mang lãnh thổ. Sau thất thủ của Constantinople năm 1453, Nga là quốc gia Chính thống giáo duy nhất còn thực sự hoạt động nhiều hay ít ở phần biên giới phía đông châu Âu, điều này cho phép Nga có quyền nhận mình là quốc gia kế tục hợp pháp của Đế chế Byzantin.
Trong khi về danh nghĩa vẫn nằm dưới sự cai trị của người Mông Cổ thì công quốc Moskva đã bắt đầu xác nhận ảnh hưởng của mình và cuối cùng đã thoát khỏi sự kiểm soát của những kẻ xâm lăng vào cuối thế kỷ 14. Ivan Hung đế, vị vua đầu tiên xưng tước vị Sa hoàng, đã kết thúc quá trình này và liên kết các khu vực xung quanh dưới ảnh hưởng của Moskva và xâm lược những vùng đất rộng lớn ở Siberi. Đế chế Nga ra đời.
Sự kiểm soát của Moskva đối với quốc gia mới ra đời còn tiếp tục dưới triều đại Romanov kế tiếp, bắt đầu với Sa hoàng Mikhail Romanov năm 1613. Pyotr Đại đế, Sa hoàng từ 1689 tới 1725, đã thành công trong việc đem các tư tưởng và văn hóa từ Tây Âu vào Nga, khi đó còn chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa du mục nguyên thủy. Ekaterina Đại đế (Екатерина II Алексеевна), cai trị từ năm 1762 đến năm 1796, đã gia tăng cố gắng này, làm cho nước Nga không chỉ là một quyền lực ở châu Á, mà còn muốn ngang hàng với Anh, Pháp, Đế quốc Áo và Phổ ở châu Âu
*về Nhật Bản:
Tên "Nhật Bản" viết theo Rōmaji là Nihon theo chữ Hán hai chữ "Nhật Bản" có nghĩa là "gốc của Mặt Trời" và như thế, được hiểu là "xứ Mặt Trời mọc".
Nhật Bản còn có các mĩ danh là "xứ sở hoa anh đào", vì cây hoa anh đào (桜 sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa "thoắt nở thoắt tàn" được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ; "đất nước hoa cúc" (xin xem: Hoa cúc và thanh kiếm, của Ruth Benedict, nhà dân tộc học người Mỹ năm 1946) vì bông hoa cúc 16 cánh giống như Mặt Trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản hiện nay; "đất nước Mặt Trời mọc" vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông, tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (天照 Thái dương thần nữ).
Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản đã lấy tên nước là Yamato. Còn người Trung Quốc từ trước Công nguyên đã gọi Nhật là Nụy quốc (倭国 "nước lùn", người Nhật là Nụy nhân (倭人 "người lùn", những tên cướp biển trên biển Đông Trung Hoa thời Minh là Nụy khấu (倭寇 "giặc lùn". Do thời đó người Nhật chưa có chữ viết riêng nên Yamato được viết bằng chữ Hán 倭. Sau này, người Nhật dùng hai chữ Hán 大和 (Đại Hòa) để biểu ký âm Yamato, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.
Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang (扶桑). Cây phù tang, tức một loại cây dâu. Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc
Năm 670, năm đầu niên hiệu Hàm Hanh (670-674) nhà Đường (vua Đường Cao Tông), Nhật Bản gửi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình Trung Quốc
và từ đó được đổi tên là Nhật Bản.
Thời kỳ Azuchi-Momoyama (安土桃山時代 | An Thổ - Đào Sơn thời đại) kéo dài từ năm 1573 đến năm 1603. Đây là thời kỳ thống nhất đất nước. Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi là hai nhà quân sự lỗi lạc có công đầu.
Oda Nobunaga trục xuất viên shogun Ashikaga cuối cùng và thành công trong việc thống nhất một khu vực quan trọng của đất nước. Sau khi ông chết do bị phản bội, công việc của ông được người tùy tùng trung thành tên là Toyotomi Hideyoshi kế nghiệp và hoàn thành.
Trong thời kỳ này, những người châu Âu đầu tiên đã đến Nhật Bản, mang theo súng ống và Cơ đốc giáo. Việc buôn bán với nước ngoài bắt đầu. Đạo Cơ đốc và việc buôn bán với nước ngoài phát triển mạnh mẽ dưới thời Oda và vào đầu thời Toyotomi, nhưng cuối cùng Toyotomi nghi ngờ những tham vọng về đất đai của người châu Âu và đã ra lệnh trục xuất những người truyền giáo. Mặc dù vậy, việc buôn bán vẫn tiếp tục.
Toyotomi Hideyoshi đưa quân xâm chiếm Triều Tiên. Cuộc viễn chinh sau những thành công lớn bước đầu đập tan các đạo quân kháng cự yếu ớt và kiểm soát nhiều phần rộng lớn thuộc lãnh thổ Triều Tiên, cuối cùng lại thất bại nặng nề. Sự thất bại này, bên cạnh nguyên nhân do Triều Tiên, đương thời là phiên thuộc Trung Hoa, đã nhờ quân đội Trung Hoa giúp sức, thì nguyên nhân lớn là do lực lượng hải quân Nhật Bản giai đoạn này còn yếu. Những chiến thuyền còn nhỏ và kinh nghiệm hải hành còn thiếu, kế hoạch đổ bộ của các đạo quân lên bán đảo Triều Tiên không khớp nhau đã dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cánh quân. Sau này người Nhật đã rút kinh nghiệm và lưu ý đến việc xây dựng hải quân hùng mạnh hơn.
Trường phái hội họa Kano và trà đạo đạt tới giai đoạn hoàng kim.
Sau khi Toyotomi Hideyoshi chết, quyền lực bị Tokugawa Ieyasu thâu tóm.
Thời kỳ Edo (江戸時代 | Giang Hộ thời đại), còn gọi là thời Tokugawa, kéo dài từ năm 1603 đến năm 1868.
* Sơ kỳ Edo (1603 đến đầu thế kỷ 18)
1600, Tokugawa Ieyashu đánh bại liên quân 40 Daimyo miền Tây tại Shekigahara và nắm chính quyền. Tokugawa được bổ nhiệm làm shogun (cả Oda Nobugana lẫn Toyotomi Hideyoshi đều không cố gắng trở thành shogun mà chỉ duy trì quyền lực qua các vị trí chính thức tại triều đình). Các daimyo chống đối gia đình Tokugawa đều bị chuyển tới các thái ấp ở những vùng xa trung tâm và bị ép phải dùng phần lớn của cải của họ để làm đường và các dự án khác, bị buộc phải luân phiên di chuyển hàng năm giữa Edo và thái ấp của mình, để lại gia đình làm con tin lâu dài ở Edo. Các thái ấp được những người tùy tùng của shogun cai quản, tuy nhiên quyền lực ở đây rất lớn. Thành lập bộ luật hợp pháp cho các gia đình quý tộc, tạo điều kiện cho chế độ shogun kiểm soát triều đình và hoàng đế. Hệ thống 4 đẳng cấp shinokosho(sĩ nông công thương) được thừa nhận, cùng với việc hôn nhân giới hạn trong những người ở cùng một đẳng cấp. Ở từng đẳng cấp, mối quan hệ chủ-tớ phong kiến được thiết lập. Chế độ shogun Tokugawa được cấu thành vững chắc từ hệ thống này và được biết tới dưới tên gọi bakuhan (kết hợp shogun và chủ thái ấp). Buôn bán và đạo Cơ đốc một lần nữa lại phát triển thịnh vượng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, cũng như Hideyoshi, Ieyasu ngày càng e ngại đạo Cơ đốc và bắt đầu những biện pháp đàn áp với mức độ ngày càng tăng. Tới thời kỳ của shogun Tokugawa thì đạo Cơ đốc hoàn toàn bị cấm tại Nhật Bản. Những người Nhật Bản theo đạo Cơ đốc bị hành hình. Các thương gia, trừ người Hà Lan và người Trung Hoa, đều bị cấm tới Nhật Bản, và người Hà Lan bị hạn chế chỉ cho phép đến một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki.
Cùng với việc thống nhất đất nước, quyền lực của chế độ shogun được củng cố, việc cai trị tập trung, công nghiệp và nghề thủ công phát triển mạnh mẽ, giao thông được cải thiện, đem lại sự thịnh vượng cho buôn bán và thương mại nội địa. Các thị trấn mọc lên ngày càng nhiều và rất hưng thịnh, đặc biệt là các đô thị quanh cung điện. Giới thương gia trở nên giàu có, và từ tầng lớp này xuất hiện những hình thức nghệ thuật mới, bao gồm thơ haiku mà Matsuo Basho là người khai sáng, tiểu thuyết bình dân của Ihara Saikaku, kịch của Chikamatsu Monzaemon, các bản tranh khắc gỗ, kịch Ca vũ kỹ được dàn dựng lần đầu tiên ở Kyoto vào đầu thời kỳ này, sau đó hạn chế chỉ dành cho diễn viên nam, bắt đầu được diễn ở Edo và Osaka vào cuối thế kỷ 17.
* Trung kỳ Edo (Đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19)
Hệ thống bakuhan không ngừng suy yếu do sự tập trung của cải vào tay giới thương gia. Chế độ shogun gặp phải những khó khăn tài chính, samurai và nông dân rơi vào cảnh nghèo khó. Đã có các nỗ lực nhằm cải cách chế độ shogun, nhưng do vẫn duy trì chính sách thả lỏng việc tư nhân kinh doanh nên tình trạng suy vong ngày càng nặng nề. Nạn đói kém và thảm hoạ thiên nhiên, cộng thêm sưu cao thuế nặng (đối với lúa gạo) mà chế độ shogun và daimyo bắt người dân gánh vác đã biến những người nông dân và các tầng lớp dân thường khác thành nghèo khổ. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân xuất hiện. Lĩnh vực văn hoá chứng kiến sự nở rộ cuối cùng của nền văn hoá Edo. Các truyện ngắn theo xu hướng phóng đãng, truyện tình lịch sử, nghệ thuật đóng kịch Kabuki, các loại tranh và bản in gỗ gồm nishiki-e (bản in tranh nhiều màu) được phát triển. Giáo dục được truyền bá vào tầng lớp thương gia và thậm chí cả những nông dân tại terakoya. Phát triển các trường kokugaku (Quốc học), một xu hướng giáo dục thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và trở lại các truyền thống quốc gia. Rangaku (Lan học) - việc nghiên cứu các tác phẩm khoa học khác nhau du nhập từ phương Tây qua các thương nhân Hà Lan như địa lý, y học, thiên văn, vật lý, hoá học cũng dần dần phát triển.
Hậu kỳ Edo (Đầu thế kỷ 19 đến 1868): Chính sách bế quan tỏa cảng đã kéo dài hơn 200 năm cho đến ngày 8 tháng 7 năm 1853, khi tướng Matthew Perry của Hải quân Hoa Kỳ cùng với 4 chiến hạm — Mississippi, Plymouth, Saratoga, và Susquehanna — vào vịnh Edo, Tokyo cũ, và phô diễn sức mạnh của các khẩu pháo hạm. Ông lịch sự đề nghị Nhật Bản mở cửa thương mại với phương Tây. Từ đây, những con tầu này được gọi là kurofune, Hắc thuyền.
Năm sau, tại Hiệp ước Kanagawa ngày 31 tháng 3 năm 1854, Perry quay lại với 7 chiến hạm và đề nghị shōgun ký "Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị," thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong vòng 5 năm, Nhật Bản đã kí các hiệp định tương tự với các quốc gia phương Tây khác. Hiệp định Harris được ký với Mỹ ngày 29 tháng 7 năm 1858. Giới trí thức Nhật Bản coi các hiệp định này là bất bình đẳng, do Nhật Bản đã bị ép buộc bằng sự đe dọa chiến tranh, và là dấu hiệu phương Tây muốn kéo Nhật Bản và chủ nghĩa đế quốc đang nắm lấy phần còn lại của lục địa châu Á. Bên các phương tiện khác, họ đã cho các quốc gia phương Tây quyền kiểm soát rõ rệt đối với thuế nhập khẩu và đặc quyền ngoại giao (extraterritoriality) đối với tất cả các công dân của họ tới Nhật Bản. Đây sẽ là một cái gai trong quan hệ giữa Nhật Bản với phương Tây cho tới khi thế kỉ mới bắt đầu.
Thời kỳ Meiji (明治時代 | Minh Trị thời đại) kéo dài từ năm ngày 25 tháng 1 năm 1868 đến ngày 30 tháng 7 năm 1912, là thời kỳ tại vị của Minh Trị Thiên Hoàng.
* Cải cách Minh Trị
Xem bài chính về Cải cách Minh Trị
Việc nối lại quan hệ với phương Tây đã dẫn đến sự đổi thay lớn đối với xã hội Nhật Bản. Shogun phải từ bỏ quyền lực, và sau Chiến tranh Boshin năm 1868, quyền lực của hoàng đế được khôi phục. Cuộc cải cách Minh Trị tiếp theo đó đã mở đầu cho nhiều đổi mới. Hệ thống phong kiến bị hủy bỏ và thay vào đó là nhiều thể chế phương Tây, trong đó có hệ thống luật pháp phương Tây và một chính phủ gần theo kiểu lập hiến nghị viện. Các thái ấp phong kiến bị bãi bỏ và thay thế bằng hệ thống quản lý hành chính theo cấp tỉnh. Quyền lực tập trung trong tay Thiên hoàng. Các đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị huỷ bỏ. Quân đội quốc gia và việc tuyển quân, chế độ thuế mới, hệ thống tiền tệ theo hệ thập phân, mạng lưới đường sắt, cùng các hệ thống thư tín, điện thoại, điện báo được thiết lập. Công nghiệp hiện đại được khởi đầu với các nhà máy do nhà nước xây dựng và điều hành, sau này được chuyển sang sở hữu tư nhân. Việc cải cách gặp phải sự chống đối đáng kể nhưng đều bị dẹp yên. Quan hệ buôn bán với Triều Tiên và Trung Quốc được thiết lập. Nhà nước đã nỗ lực hết sức để sửa đổi những hiệp ước bất bình đẳng đã được ký kết với các nước phương Tây. Năm 1898, hiệp định cuối cùng trong các "hiệp định bất bình đẳng" với các cường quốc phương Tây đã được hủy bỏ, đánh dấu vị thế mới của Nhật Bản trên thế giới. Trong vài thập kỉ tiếp theo, bằng cách cải tổ và hiện đại hóa các hệ thống xã hội, giáo dục, kinh tế, quân sự, chính trị và công nghiệp, "cuộc cách mạng có kiểm soát" của Minh Trị đã biến Nhật Bản từ một nước phong kiến và bị cô lập thành một cường quốc trên thế giới.
Năm 1874, do tranh cãi với Đài Loan ở quần đảo Ryukyu năm 1871, Nhật Bản xuất binh đánh chiếm Đài Loan. Năm 1875, đánh Triều Tiên, buộc nước này phải mở cửa cho hàng hóa của Nhật Bản. Do Trung Quốc tranh chấp ảnh hưởng của Nhật đối với Triều Tiên, tháng 7 năm 1894, chiến tranh Thanh-Nhật nổ ra tại bán đảo Triều Tiên; đến tháng 4 năm sau thì kết thúc với thắng lợi thuộc về Nhật.
Năm 1894, hiệp ước bất bình đẳng với Anh trong buôn bán được sửa đổi và các hiệp ước với những quốc gia khác cũng sửa đổi theo cho phù hợp.
Sau thắng lợi của Nhật trước Trung Quốc, Nga, Đức và Pháp ép Nhật phải từ bỏ một số quyền lợi do lo ngại Nhật bành trướng lấn Nga, tạo ra mâu thuẫn lâu dài và sâu sắc giữa Nhật và các nước trên. Liên minh Nhật - Anh hình thành.
* cuộc Chiến Nga -Nhật:
(tiếng Nhật: 日露戦争 Nichi-Ro Sensō; tiếng Nga: Русско-японская война; tiếng Trung: 日俄戰爭 Rìézhànzhēng; 10 tháng 2 năm 1904 – 5 tháng 9 năm 1905) là một cuộc xung đột xảy ra giữa các đế quốc đối địch đầy tham vọng Đế quốc Nga và Đế quốc Nhật Bản trong việc giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên. Nơi diễn ra cuộc chiến là Nam Mãn Châu thuộc Trung Quốc, đặc biệt là khu vực xung quanh bán đảo Liêu Đông và Phụng Thiên, và các khu vực biển quanh Triều Tiên, Hoàng Hải và Nhật Bản.
Sau cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, chính phủ Meiji lao vào nỗ lực tiếp nhận các tư tưởng, tiến bộ khoa học kỹ thuật và phong tục phương Tây. Cho đến cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã tự chuyển mình từ một nước cô lập thành một quốc gia công nghiệp hiện đại trong một thời gian rất ngắn. Người Nhật muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và được công nhận ngang hàng với các cường quốc phương Tây.
Nga, một cường quốc chính, có tham vọng ở phía Đông. Cho đến cuối thập kỷ 1890, nước này đã mở rộng biên giới ở Trung Á đến Afghanistan, sáp nhập các quốc gia khác trong quá trình đó. Đế chế Nga trải dài từ Ba Lan ở phía Tây đến bán đảo Kamchatka ở phía Đông[2]. Với việc xây dựng tuyến đường sắt Trans-Siberia đến cảng Vladivostok, Nga hy vọng có thể củng cố hơn nữa ảnh hưởng và sự hiện diện của mình tại vùng này. Đây là điều Nhật Bản vô cùng lo ngại, vì họ coi Triều Tiên (và một phần nào đó với Mãn Châu) như một vùng đệm an toàn.
Chính phủ Nhật Bản coi Triều Tiên, địa chính trị gần gũi với Nhật Bản, là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Người Nhật muốn, ít nhất, giữ Triều Tiên độc lập dưới ảnh hưởng của Nhật. Việc Nhật đánh bại Trung Quốc sau này trong chiến tranh dẫn đến Điều ước Shimonoseki theo đó nhà Thanh buông bỏ quyền bá chủ với Triều Tiên và nhượng lại Đài Loan, quần đảo Pescadores và bán đảo Liêu Đông (Cảng Arthur) cho Nhật Bản.
Tuy vậy, Đế chế Nga cũng có tham vọng của riêng mình đối với vùng đất này thuyết phục Đức và Pháp gây áp lực với Nhật. Vì Tam cường can thiệp, Nhật Bản phải từ bỏ bán đảo Liêu Đông để đổi lại một khoản đền bù tài chính lớn hơn.
Tháng 12 1897, một hạm đội Nga xuất hiện ở cảng Arthur (Lữ Thuận). Sau 3 tháng, năm 1898, một hiệp định được ký kết giữa Trung Quốc và Nga theo đó Nga được thuê cảng Arthur, vịnh Đại Liên và vùng nước xung quanh. Nó còn được thỏa thuận rằng hiệp định này có thể được mở rộng bằng sự đồng ý của đôi bên. Người Nga tin tưởng rõ ràng rằng đây là cách mà họ không mất thời gian xâm chiếm và cảng Arthur vững chắc là hải cảng nước ấm duy nhất của họ ở bờ biển Thái Bình Dương, và có giá trị chiến lược quan trọng. Một năm sau, để củng cố vị thế của mình, Nga bắt đầu xây dựng một tuyến đường sắt từ Cáp Nhĩ Tân (Harbin) qua Thẩm Dương (Mukden) đến cảng Arthur. Sự phát triển của đường sắt là yếu tố góp phần dẫn đến cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn và các ga tại Thiết Lĩnh và Liêu Dương bị đốt cháy. Người Nga cũng tìm đường vào Triều Tiên, đến năm 1898, họ nhận được nhượng bộ về khai mỏ và lâm nghiệp gần sông Áp Lục và Đồ Môn (Tumen), khiến cho người Nhật quan ngại sâu sắc.
Nga và Nhật đều tham dự vào Liên quân tám nước được gửi đến dẹp cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn và để giải vây cho công sứ các nước đang bị bao vây tại thủ đô Trung Quốc. Như các quốc gia thành viên khác, người Nga gửi quân đến Trung Quốc, đặc biệt là Mãn Châu để bảo vệ lợi ích của mình Nga đảm bảo với các cường quốc khác rằng họ sẽ bỏ trống vùng đất này sau cuộc khủng hoảng. Tuy vậy, năm 1903, người Nga vẫn chưa đưa ra một lịch rút quân nào và thực tế còn củng cố thế đứng của mình tại Mãn Châu.
Chính khách Nhật Bản, Itō Hirobumi, bắt đầu đàm phán với người Nga. Ông tin rằng Nhật quá yếu để có thể đánh đuổi Nga bằng biện pháp quân sự, vì vậy ông đề xuất trao quyền kiểm soát Mãn Châu cho Nga để đổi lấy việc Nhật Bản kiểm soát Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản và Anh đã ký hiệp ước Liên minh Anh-Nhật năm 1902, người Anh muốn hạn chế đối thủ hải quân bằng cách giữ các cảng biển của Nga ở Thái Bình Dương như Vladivostok và Arthur không được sử dụng triệt để. Liên minh với Anh có nghĩa rằng nếu bất kỳ quốc gia nào liên minh với Nga trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Nhật, thì Anh sẽ tham chiến về phe Nhật. Nga không thể nhận sự giúp đỡ từ cả Đức lẫn Pháp thêm nữa vì sự nguy hiểm của việc Anh tham chiến. Với một liên minh như thế, Nhật Bản cảm thấy có thể tự do khai chiến, nếu cần thiết.
Ngày 28 tháng 7 năm 1903, Công sứ Nhật Bản tại St. Petersburg được chỉ thị thể hiện quan điểm của nước mình chống lại kế hoạch củng cố Mãn Châu của Nga. Quan hệ thương mại bị cắt đứt và tình hình lên tới mức ngày 13 tháng 1 năm 1904 nhờ đó Nhật Bản đề xuất một công thức mà Mãn Châu nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nước này và tương tự với tìm kiếm một tuyên bố tương tự liên quan đến các từ bỏ các lợi ích của Nga tại Triều Tiên. Cho đến ngày 4 tháng 2 năm 1904, không có lời đáp lại chính thức nào được gửi đi và ngày 6 tháng 2, Công sự Nhật Bản Kurino Shinichiro, thăm Bộ trưởng Ngoại giao Nga, bá tước Lamsdorf, để thông báo mình sẽ về nước. Nhật Bản cắt đứt quan hệ ngoại giao ngày 6 tháng 2 năm 1904.
Nhật Bản tuyên chiến ngày 8 tháng 2 năm 1904. Tuy vậy, 3 giờ trước khi chính phủ Nga nhận được lời tuyên chiến từ phía Nhật, Hải quân Đế quốc Nhật Bản tấn công Hạm đội Viễn Đông tại cảng Arthur. Sa hoàng Nga Nikolai II sững sờ trước tin bị tấn công. Ông không thể tin được rằng Nhật Bản có thể tấn công mà không cần tuyên chiến chính thức, và đã đảm bảo với các bộ trưởng của mình rằng Nhật Bản sẽ không đánh. Nga tuyên chiến với Nhật 8 ngày sau đó. Tuy vậy, việc yêu cầu tuyên chiến trước khi tiến hành chiến sự không được coi là luật pháp quốc tế cho đến khi cuộc chiến đã kết thúc vào tháng 10 năm 1907, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1910. Montenegro cũng tuyên chiến với Nhật như là một hành động ủng hộ về mặt tinh thần với Nga vì biết ơn Nga đã ủng hộ Montenegro kháng chiến chống lại Đế quốc Ottoman.
2. các phe tham chiến::
a. Phe Nga:
8 chiến hạm lớn
3 tàu tuần tiễu ven biển
8 tuần dương hạm hạng trung
b. phe Nhật:
4 chiến hạm lớn
27 tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu hỗ trợ
3. Diễn Biến::
Hải quân Nga định lẩn trốn về Vladivostok, nên khi họ tiến về lãnh hải Nhật bản, họ chuyển hướng khỏi các hải trình quen thuộc để tránh bị phát hiện. Tới đêm ngày 26 rạng ngày 27, Hạm đội Nga đã tiến đến eo biển Tsushima.
Đêm đó trời tối đen, nhiều sương, một làn sương mù bao trùm lên toàn eo biển, nên quân Nga có ưu thế ban đầu. Tuy nhiên đến 2:45 sáng, tàu tuần dương Shinano Maru của hải quân Nhật phát hiện ra ba ánh đèn của một tàu ở đằng xa chân trời, nên tiến lại gần để dò xét. Đó là các đèn hoa tiêu trên boong tàu cứu hộ Orel. Tới 4:30am, tàu Shinano Maru tiến lại gần con tàu kia, và nhận thấy con tàu này không mang hải pháo và có vẻ là một tàu phụ trợ. Tàu Orel nhầm chiếc Shinano Maru với một tàu khác của Nga nên không đánh động cho hạm đội, thay vào đó, nó đánh tín hiệu báo cho tàu Nhật biết là các tàu của Nga đang ở gần đó. Chiếc Shinano Maru sau đó phát hiện ra bóng dáng của mười chiếc tàu khác trong sương mù. Hạm đội Nga như vậy là đã bị phát hiện, và cơ hội để lẻn đến Vladivostok mà không bị phát giác đã mất.
Tới 4:55 sáng, Thuyền trưởng Narukawa của chiếc Shinano Maru đánh radio cho Đô đốc Togo ở Masampo rằng "Địch quân đang ở ô số 203". Tới 5 giờ, do bắt được tín hiệu radio mà phía Nga biết được họ đã bị phát hiện, và các tàu tuần dương trinh sát của Nhật đang tiến đến gần. Lúc 5:05 sáng, Đô đốc Togo nhận được tín hiệu và ngay lập tức chuẩn bị cho hạm đội của mình xuất kích.
6:34 phút sáng, trước khi xuất phát với Hạm đội Liên hợp, Đô đốc Togo đánh điện về cho bộ trưởng hải quân ở Tokyo:
" Tôi vừa nhận được tin là đã phát hiện ra hạm đội địch. Hạm đội của chúng ta sẽ thẳng tiến ra biển để tấn công và tiêu diệt đối phương.[2] "
Cùng thời gian, toàn bộ hạm đội Nhật bản triển khai trên biển, Đô đốc Togo từ kỳ hạm Mikasa chỉ huy trên bốn mươi tàu để nghênh chiến với quân Nga. Trong khi đó, các tàu tuần tiễu của Nhật vẫn bí mật theo dõi và liên tục cứ vài phút lại báo về đội hình và hướng di chuyển của hạm đội Nga. Trời đang có sương mù làm tầm nhìn bị sút giảm, và thời tiết rất xấu. Tới 1:40 chiều, cả hai hạm đội phát hiện đối phương và chuẩn bị tác chiến. Tới 1:55 phút, Đô đốc Togo hạ lệnh trương lá hiệu kỳ Z (Z-flag):
" Vận mệnh Đế chế phụ thuộc vào kết cục trận đánh này, mỗi binh sỹ hãy tận lực thực hiện nhiệm vụ.[3] "
. Khi nói câu này, ông đã vô tình lặp lại câu nói nổi tiếng của Đô đốc Nelson trước trận hải chiến Trafalga năm 1805.
Hạm đội Nga di chuyển từ hướng nam-tây nam về hướng bắc-đông bắc, hạm đội Nhật từ hướng tây về hướng đông bắc. Đô đốc Togo hạ lện cho hạm đội của mình lần lượt nối nhau quay ngoặt lại, sao cho các tàu chiến của ông có cùng hướng di chuyển với các tàu Nga, mặc dù làm như vậy có thể gây nguy hiểm cho chiếc tàu đang đổi hướng. Việc chuyển hướng hạm đội 180 độ hình chữ U cuối cùng cũng được thực hiện thành công. Hai đội tàu đối diện nhau tạo thành hai đường thẳng, được giữ ở khoảng cách 6200 mét và nã đạn pháo vào nhau.
Các trận hải chiến thường bắt đầu ở khoảng cách gần, nên Đô đốc Togo đã có thể ngay tức khắc chiếm lợi thế bằng cách gây bất ngờ. Tàu chiến Nhật có thể đạt đến tốc độ 16 hải lý, nhưng hạm đội Nga chỉ có thể di chuyển với tốc độ 8 hải lý, một phần vì vướng các tàu vận tải đi theo. Đô đốc Togo lợi dụng ưu thế vận tốc này, cộng với năng lực tuyệt vời của binh sỹ dưới quyền, có được do khổ công huấn luyện, cắt ngang hạm đội Nga theo "hình chữ T" hai lần để giáng nhiều tổn thất lên hạm đội Nga.
Tốc độ bắn của hải quân Nhật hết sức xuất sắc, lên đến hơn 2.000 phát trọng pháo trong một phút. Hơn thế nữa, quân Nhật dùng một loại thuốc đạn mới, bắn vào phần thân trên các chiến hạm Nga gây ra nhiều đám cháy trên các tàu bị bắn trúng. Sự chính xác của pháo thủ Nhật khiến cho quân Nga phải kinh ngạc.
Đô đốc Rozhestvensky bị loại khỏi vòng chiến do bị một mảnh pháo bắn vào xương sọ. Hạm đội Nga mất các chiến hạm Knyaz Suvorov, Oslyabya, Imperator Aleksander III and Borodino ngay trong ngày 27 tháng 5. Phía Nhật chỉ bị một số hư hại nhẹ, chủ yếu là ở tàu Mikasa. Tới tối, Chuẩn đô đốc Nebogatov nắm quyền chỉ huy hạm đội Nga.
Khoảng 8 giờ tối, 37 tàu phóng lôi của Nhật và 21 khu trục hạm được tung vào trận. Các tàu khu trục đánh vào các tàu tiền phương, trong khi các tàu phóng lôi đánh vào mạn đông và nam của Hạm đội Nga. Các tàu Nhật tấn công mãnh liệt trong suốt 3 giờ không ngưng nghỉ, kết quả là trong đêm tối đã có những lần các tàu phóng lôi cỡ nhỏ của Nhật và chiến hạm Nga đâm vào nhau. Các tàu của Nga bị phân tán thành nhiều nhóm nhỏ, tìm cách đào thoát về hướng bắc. Tới 11 giờ đêm, hạm đội Nga dường như biến mất, nhưng họ để lộ vị trí của mình cho quân Nhật khi họ bật đèn pha lên, điều nghịch lý là các đèn pha này được bật lên để tìm kiếm tàu địch. Chiếc tàu chiến già nua Navarin đâm phải thủ lôi và phải dừng lại hoàn toàn, kết quả là nó bị 4 thủy lôi nữa bắn trúng và chìm. Trong thủy thủ đoàn gồm 622 người, chỉ có 3 người sống sót, được quân Nhật vớt lên.
Chiến hạm Sisoy Veliki bị hư hại nặng do trúng thủy lôi vào mạn tàu và phải đánh chìm vào ngày hôm sau. Hai tàu bọc thép cũ, tàu Đô đốc Nakhimov và Vladimir Monomakh cũng bị hư hại nặng: chiếc thứ nhất bị thủy lôi đánh trúng vào mũi tàu, chiếc thứ hai đâm vào một tàu khu trục Nhật. Cả hai chiếc đều phải đánh chìm bởi thủy thủ đoàn vào sáng ngày hôm sau, chiếc tàu Đô đốc Nakhimoff ngoài khơi đảo Tsushima khi nước tràn vào tàu. Cuộc tấn công ban đêm làm hải quân Nga rất căng thẳng, vì họ đã mất hai tàu chiến và hai tuần dương hạm bọc thép, trong khi hải quân Nhật chỉ mất ba tàu phóng lôi.
Trong đêm giao tranh xảy ra, Đô đốc Togo đã có thể cho bộ phận chính yếu của hạm đội mình, gồm các tàu bọc thép nghỉ ngơi. Tới 9:30 sáng, các tàu Nga đang tìm cách chạy về hướng bắc bị phát hiện. Tới 10:34, nhận thấy tình hình đã trở nên tuyệt vọng, Đô đốc Negobatov hạ lệnh cho hạm đội đầu hàng bằng cách trương lên lá cờ mang ký hiệu XGE, có nghĩa quốc tế là đầu hàng. Cho tới tận 10:53 quân Nhật mới chấp nhận đầu hàng. Tới đêm ngày 28 tháng 5, các tàu đơn lẻ của Nga còn tiếp tục bị tàu Nhật truy đuổi cho tới khi chúng bị đánh chìm hoặc bị bắt.
Các chiến hạm, tuần dương hạm, và các tàu các loại khác được chia thành từng đoàn, mỗi đoàn được chỉ huy bởi một sỹ quan cao cấp (như đô đốc). Trong trận hải chiến Tsushima, Đô đốc Togo là chỉ huy trưởng chiến hạm Mikasa (các đoàn khác được chỉ huy bởi Phó đô đốc, Chuẩn đô đốc, thiếu tướng hải quân, thuyền trưởng và sỹ quan chỉ huy khu trục hạm). Trong đội hình chiến đấu, kế tiếp theo Mikasa là các chiến hạm Shikishima, Fuji và Asahi, theo sau chúng là hai tuần dương hạm bọc thép.
Khi Đô đốc Togo hạ lệnh tiến hành bước ngoặt "tuần tự" sang cánh trái để giữ nguyên đội hình chiến đấu, tức là kỳ hạm Mikasa tiếp tục dẫn đầu (hiển nhiên là Đô đốc Togo muốn các lực lượng mạnh nhất của mình xung trận trước hết). Quay tàu tuần tự nghĩa là mỗi tàu sẽ tiến hành quay bánh lái tiếp theo tàu trước nó, trên thực tế mỗi tàu sẽ lần lượt đổi hướng tại cùng một điểm trên biển (điều này rất nguy hiểm, vì đối phương sẽ có cơ hội tập trung hỏa lực bắn vào khu vực đó). Đô đốc Togo cũng có thể ra lệnh cho các tàu "đồng loạt" bẻ lái, tức là các tàu sẽ đổi hướng cùng lúc và quay ngược lại, giống như cách hạm đội Pháp-Tây ban nha vận động trong trận Trafalgar. Cách này sẽ nhanh hơn, nhưng sẽ làm rối loạn đội hình chiến đấu, gây ra hỗn loạn khiến cho kế hoạch tác chiến phải thay đổi, đặt các tuần dương hạm lên tuyến đầu, và đó là điều mà Đô đốc Togo không mong muốn.
4. Kết Quả::
*Phía Nga mất 4.380 người chết, 5.917 người bị bắt sống, trong đó có hai đô đốc.Các chiến hạm Knyaz Suvorov, Imperator Aleksander III, Borodino và Oslyabya bị mất trong trận đánh ngày 27 tháng 5. Chiếc Navarin bị mất trong đêm ngày 27 rạng sáng ngày 28, trong khi chiếc Sissoi Veliky, Admiral Nakhimov và Admiral Ushakov hoặc bị đánh đăm hoặc bị chìm ngày tiếp theo. Bốn chiến hạm khác dưới quyền chỉ huy của Chuẩn đô đốc Nebogatov buộc phải đầu hàng và trở thành chiến lợi phẩm cho quân Nhật. Nhóm tàu này gồm một tàu đời mới, chiếc Orel, cùng với một thiết chiến hạm loại cũ, chiếc Imperator Nikolai I và hai chiến hạm tuần duyên loại nhỏ General-Admiral Graf Apraxin và Admiral Senyavin. Chiếc tàu tuần dương cỡ nhỏ Admiral Ushakov từ chối đầu hàng và bị các tàu tuần dương của Nhật đánh đắm. Các ngày tiếp theo, các tuần dương hạm như Vladimir Monomakh, Svyetlana và Dmitri Donskoy bị đánh chìm sau cuộc hải chiến. Tuần dương hạm Dmitri Donskoy chống lại sáu tuần dương hạm của Nhật và sống sot, nhưng do bị hư hại quá nặng nề, nó phải bị đánh đắm. Chiếc tàu Izumrud mắc cạn gần bờ biển Siberia. Ba tuần dương hạm bọc thép Aurora, Zhemchug, và Oleg chạy thoát về căn cứ hải quân của Mỹ ở Manila và bị cầm giữ ở đó. Chiếc chiến hạm cao tốc vũ trang hạng nhẹ, Almaz, cũng thoát được về Vladivostok. Năm tàu khu trục, gồm Buiny, Buistry, Bezupreshchny, Gromky và Bleshyashchy bị đánh đắm trong ngày 28 tháng 5, chiếc Byedovy cũng đầu hàng trong ngày. Chiếc Bodry bị nhà cầm quyền đương cục cầm giữ ở Thượng Hải. Hai tàu khu trục, Grosny và Bravy chạy thoát được về Vladivostok.
Với các tàu phụ trợ, Kamchatka, Ural và Rus bị đánh chìm trong ngày 27, chiếc Irtuish mắc cạn ngày 28, các chiếc Koreya và Svir bị giữ lại ở Thượng Hải và chiếc Anadyr chạy thoát về Madagascar. Các tàu tải thương Orel, Kostromo bị bắt nhưng được thả ra sau đó.
Uy tín của Nga bị tổn thương nặng nề và nó là một đòn đau cho triều đại Romanov. Gần như toàn bộ hạm đội Nga bị mất trong trận hải chiến eo biển Tsushima, trừ chiếc tàu cao tốc vũ trang hạng nhẹ Almaz (được xếp loại tuần dương hạm hạng nhì) và 2 tàu khu trục Grosny và Bravy là những tàu duy nhất trở về được tới cảng Vladivostok. Hạm đội Baltic coi như bị xóa sổ ra khỏi danh sách Hải quân Nga.
Thế lực của Nga ở Viễn Đông sau trận hải chiến này cũng kết thúc, nước Nhật trở thành cường quốc bá chủ Đông Á, Mãn Châu, Triều Tiên. Do những thảm bại này mà nước Nga gần đứng trên bờ vực sụp đổ với cuộc Cách mạng năm 1905.
*Phía Nhật chỉ mất 3 phóng lôi hạm số 34, 35 và 69, với 117 người chết và 500 người bị thương.
Chiến thắng của Hải quân Nhật là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại 1 quốc gia Châu Á đánh bại 1 Cường quốc Châu Âu trong 1 cuộc chiến quy ước, do đó khi hay tin Nhật đánh bại Nga, hàng triệu người Châu Á cũng vui sướng phát cuồng vì người Nhật đã rửa sạch cái nhục của dân da vàng bị người da trắng thống trị.
5. Link:
Tiếng Nhật:
http://www.youtube.com/watch?v=Sr5foWKctuI
tiếng Nga:
http://www.youtube.com/watch?v=jfOLsOyF1pc

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.