Bột Mì Vĩnh Cửu

Chương 8:




Dòng thác bột
Cả làng sống trong tình trạng khiếp sợ. Mỗi nhà dân chài chỉ có một ít “bột mì vĩnh cửu”: Khi mùa hè nóng nực đến và “bột” bắt đầu nở nhanh, mọi người đều thấy phấn khởi trước “vụ mùa” bội thu chưa từng thấy. Nhưng những sự việc xảy ra tiếp theo đã làm họ hoảng hốt: “bột” nở với tốc độ kinh khủng, đã biến từ một chất dinh dưỡng quý báu thành một kẻ thù đáng sợ, nó sinh sổi nảy nở thành một dòng thác bột mạnh mẽ, đe dọa dìm chết hết thảy mọi người.
Tai họa chung đó làm cho mọi người kinh hoàng. Cần phải thực hiện những biện pháp nào đó để thoát khỏi cái chết khủng khiếp này.
Cũng như lão Hans, những người dân chài ban đầu cố gắng tiêu diệt “bột” bằng cách ăn thật nhiều. Họ ăn một cách tuyệt vọng và điên cuồng, ních nhiều đến nỗi đau tức cả bụng, đến bất tỉnh nhân sự. Số đông sinh ra ích kỷ, độc ác và man rợ. Để tự cứu mình, những người khỏe hơn ép buộc những người yếu hơn phải ăn, nhưng phỏng có ích gì. Chẳng bao lâu mọi người thấy rõ rằng ăn không thể nào làm giảm được số “bột”. “Bột” nở đấy ắp những căn nhà, phá vỡ cửa sổ, tràn ra ngoài đường và chảy như một dòng thác xám xịt. Sức nở của “bột” lớn đến nỗi “bột” lấp đầy lò sưởi, chui lên cả ống khói và trào ra ngoài phủ đẩy mái nhà như những tảng tuyết lớn. Những gia đình đông người còn chống chọi với “bột” được phần nào. Họ kịp thời đem “bột” từ trong nhà vứt ra ngoài đường. Đêm đêm đám dân chài ném trộm “bột” sang nhà hàng xóm. Những người bị bắt quả tang đều bị đánh đập tàn nhẫn.
Một trong những kẻ phạm tội đó bị Fris túm được ở ngay gần nhà hắn. Fris tức điên người lên, đánh gục kẻ ném trộm đó bằng một quả đầm thôi sơn và ném xác kẻ bất hạnh vào đống “bột”. Sáng hôm sau “bột” đã nuốt chửng cái xác đó. Thế là Fris lại giết người lần thứ hai. Hắn thậm chí không cần giấu diếm nữa. Hắn giải thích cho nhũng người cùng làng của mình rằng việc làm của hắn chỉ là tự vệ cần thiết. Các vị thẩm phán ở tòa án thành phố có thể lên án là hành động của Fris đã “vượt quá giới hạn của sự tự vệ cần thiết”. Nhưng tất cả dân chài đều một mực cho rằng Fris hành động như vậy là đúng và việc đó có thể lấy làm gương cho những kẻ khác.
Những người bị “bột” đuổi ra khỏi nhà bối rối gần như phát điên lên vì quá sợ hãi. Họ thường tụ tập ngoài bờ biển và thảo luận về tình thế gay go của mình. Mỗi khi tụ tập, họ lại kể cho nhau nghe những chuyện kinh khủng. Nào là cả nhà lão thợ mộc chết ngạt trong “bột”: ban đêm khi mọi người ngủ say, “bột” bịt kín cửa ra vào và cửa sổ những người bất hạnh đã bị “bột” làm cho chết ngạt. Nào là những đứa trẻ sơ sinh và những người ốm yếu bị bỏ lại trong các ngôi nhà đã chết ra sao.
Một bà mẹ mất đứa con nhỏ kể:
- Tôi chạy sang mấy nhà hàng xóm để nhờ khuân giúp đồ đặc ra khỏi nhà. “Bột” lúc đó mới nở đầy một nửa căn phòng, còn đứa con nhỏ của tôi nằm ở phòng bên cạnh. Tôi hi vọng sẽ mau chóng quay về. Nhưng tôi phải đi khắp làng nhờ giúp đỡ mà chẳng ai chịu đi cả. Người nào cũng bận rộn công việc của mình. Tôi không thể nói rõ ràng tôi vắng nhà có lâu hay không. Khi quay về, tôi thấy căn phòng đã đầy “bột” đến gần trần nhà khiến tôi không thể đi qua để vào phòng bên bế cháu ra được nữa. Tôi vội chạy ra cửa sổ, nhưng cửa sổ lại đóng bên trong. Lúc đó, tôi quyết định xéo qua “bột” mà vào. Nó dính quá bùn đặc. Tôi mới đi một vài bước mà đã mệt lử. Đầu tôi còn cao hơn mức “bột”: “bột” chỉ mới ngập đến vai. Nhưng chẳng bao lâu “bột” đã dềnh tới cổ, rồi đến cằm... Mấy phút nữa “bột” có thể làm tôi chết... Tôi sa lầy trong “bột” như trong vũng bùn nhớp nháp của một cái đầm. Tôi bắt đầu kêu ầm lên. May thay, bác Fris chạy qua. Bác nghe thấy tiếng tôi kêu bèn dùng cây sào kéo tôi ra. Còn cháu bé chúng tôi không sao cứu được.
- Vâng, mọi việc xảy ra đúng như vậy - Fris xác nhận - Chính tôi cũng phải nuốt khá nhiều “bột” mới lôi được bà Martha ra đấy.
Nhưng việc cứu người sắp chết đầy tinh thần hi sinh đó đối với người ngồi nghe cũng giản đơn và cần thiết như giết một kẻ “ném trộm bột” - tên gọi này nảy sinh từ khi xuất hiện một trọng tội mới. Ba tiếng ấy cũng làm nhục con người ta như hai tiếng “kẻ cắp” trước kia.
Đám dân chài buồn rầu im lặng nghe những câu chuyện khủng khiếp đó.
- Chẳng lẽ chúng ta sẽ chết ráo cả ư? - Một phụ nữ trẻ hỏi.
- Hay là ta bỏ cửa bỏ nhà đi thật xa khỏi nơi này. - Một ngư dân già trả lời.
Fris đăm chiêu nhìn ra biển.
- Nhưng tại sao chúng ta, - Hắn nói - lại không thử quăng “bột” ra ngoài biển khi biển ở ngay sát nách chúng ta nhỉ? Ngoài biển thiếu gì chỗ. Có thể “bột” sẽ chìm xuống nước. À không - gió và sóng sẽ cuốn nó đi khỏi vùng bờ biển làng ta, và thế là xong chuyện.
Ý kiến này làm mọi người thích thú. Dù việc làm đó rốt cuộc ra sao chưa rõ, nhưng cũng giúp họ một lối thoát nào đó khỏi tình trạng bế tắc đau khổ hiện nay. Và họ hăng hái bắt tay vào việc. Ngày đêm họ khuân “bột” ra bờ, quẳng xuống biển.
“Bột” hơi chìm trong nước, nhưng nó không chìm hẳn mà nổi lềnh bềnh trên mặt biển như những tảng băng bẩn thỉu xám xịt dưới ánh mặt trời mùa xuân. Không sao đẩy nó ra xa bờ được. Sóng biển xô một phần “bột” trở lại bờ. Cá rất thích ăn “bột”. Chúng nổi lên lúc nhúc ở gần bờ, đớp lấy đớp để thứ “bột” ngon lành đó.
Những người dân chài lấy làm thú vị trước cảnh tượng này.
- Có lẽ cá sẽ chén hết “bột”. Hay xem chúng sẽ chết sạch thôi.
- Mồi nhử tốt quá nhỉ? Giá đánh cá bây giờ thì tuyệt?
- Chẳng có chiếc lưới nào chịu được. Lưới bọn mình mục nát hết rồi còn đâu.
Tuy nhiên, chẳng ai còn bụng dạ nào nghĩ đến việc đánh cá nữa. Mọi người tiếp tục khuân “bột” ra vứt xuống biển.
Đến ngày thứ ba, một người dân chài nhận xét:
- Thế này là thế nào nhỉ? Bọn mình vứt “bột” đã nhiều, cá ăn cũng lắm, mà “bột” cứ ngày càng nhiều hơn trước?
- Như thế là trong nước, “bột” cũng nở.
Vài ngày sau, ai cũng thấy rõ rằng “bột” không những tiếp tục nở dưới nước, mà còn nở nhanh hơn trên mặt đất, có lẽ vì nó thu nhận thêm chất dinh dưỡng trong nước biển. “Bột” nổi trên mặt nước chiếm một diện tích rộng lớn trên mặt biển, lan mãi ra khơi, sắp vượt ra ngoài tầm mắt. Như để tăng thêm tai họa, nó phủ cả một vạt nước ven bờ biển, chặn sóng lại, rồi trườn lên đất liền. Dường như biển cũng bội thực không tiêu hóa được thêm nữa, nên phải trả lại mặt đất phần thừa. Không sao đi ra sát bờ biển được nữa.
Hy vọng cuối cùng của những người dân chài tan ra mây khói. Họ tuyệt vọng đứng gần bờ biển, không biết nên làm gì để tự cứu mình nữa. Trước mặt họ là mặt biển xa lạ - một khối thịt đông xám xịt, một vũng bột sền sệt trên đó thuyền bè đừng hòng qua lại... Đằng sau họ là những ngôi nhà phải lìa bỏ, hoang vắng...
Một người dân chài thử cố cho một chiếc thuyền xuống nước. Nhưng thuyền dính ngay vào “bột” như keo, còn mái chèo thì không sao rút ra được nữa.
- Thế là biển cũng hỏng nốt - Một ngư dân già nhăn nhó nói - Bây giờ đường thủy cũng như đường bộ đều bế tắc... Khó lòng thoát khỏi đảo này... Ai là kẻ gây ra những tai họa này nhỉ?
Ừ, ai là kẻ gây ra nhỉ? Mọi người bám lấy ý kiến đó. Không còn hi vọng gì thoát chết, mọi người bèn tìm thử phạm để trút cơn giận dữ lên đầu người đó.
- Còn ai là thủ phạm ngoài giáo sư Broie nữa!
Đám dân chài quên bẵng hoặc không muốn nhớ lại rằng họ đã kiếm “bột” ở đâu, rằng giáo sư đã khuyên nhủ họ trả lại cho ông toàn bộ số “bột mì vĩnh cửu” dự trữ.
- Chính lão đã giết bọn mình! Lão làm cho chúng ta tan cửa nát nhà, xô đẩy con cái chúng ta vào chỗ chết. Lão đổ lên đầu chúng ta mọi thứ tai họa.
Phải giết lão giáo sư Broie! Phải giết kẻ bóp cổ chúng ta!
Thế là đám người giận dữ ấy lao về phía ngọn đồi, tới trang trại của giáo sư.
Johan, Robert và Oscar cố gắng thuyết phục đám người đừng có những hành động điên rồ, nhưng vô hiệu. Cơn giận dữ làm cho họ chẳng suy nghĩ gì nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.