Bông Hồng Mất Tích

Chương 33:




Trở về từ chuyến đi tuyệt vời dọc theo eo Bosphorus, Diana đi luôn lên phòng để nghỉ ngơi, trước khi đến giờ học tiếp theo. Tâm trí cô vẫn còn mải nghĩ về thời gian đã đi chơi cùng Zeynep Hanim.
Đón Diana từ sáng, Zeynep Hanim lái xe, đưa cô tới một khu nằm trên bờ biển, có tên là Ortakoy. Sau khi ăn món Shazeli Kebab trong một nhà hàng nhỏ ở đó, họ lên một chiếc thuyền tư, khởi hành từ bến tàu ngay đằng trước một nhà thờ bằng đá rất lộng lẫy.
Họ đi thuyền từ vùng nước trong xanh thanh bình của Bosphorus, dọc theo bờ biển châu Âu tới tận pháo đài Rumeli. Sau đó, thuyền của họ băng qua mạn châu Á rồi theo dòng nước xuôi về biển Marmara. Trên đường về, họ dùng bữa trưa trên một đảo nhỏ nơi có tháp Maiden - tháp mới được mở cửa gần đây cho khách đến tham quan sau hàng thế kỷ đóng kín. Diana đã nghĩ rằng món Kebab đã quá đủ cho bữa trưa rồi, thế mà lúc tới đây cô vẫn không thể chống lại được sức hấp dẫn của những món ăn nấu theo kiểu của người Ottoman được dọn ra từng món một.
Zeynep Hanim đã yêu cầu cô không được nói bất cứ thứ gì về chủ đề hoa hồng hay Maria cho đến khi vào buổi học. Thay vào đó, họ đã cười đùa rất nhiều, thậm chí còn thi kể chuyện vui nữa.
Diana nghĩ Zeynep Hanim đã rất chú ý để biến ngày hôm đó thành một ngày đáng nhớ. Cô còn cảm thấy mình được chăm sóc đến mức khó mà không nghĩ rằng Zeynep Hanim lại không nhầm mình với Maria lần nữa.
Lúc đi xuống vườn để học, cô băn khoăn không biết nụ cười trên gương mặt bà Zeynep Hanim suốt cả ngày nay có bị thay thế bởi vẻ nghiêm nghị khi nói về tính nghiêm túc của “nghệ thuật nghe hoa hồng” hay không.
Đúng thời gian đã ấn định, cô nghe giọng của bà Zeynep Hanim:
“Đi thẳng vào trong vườn đi, cháu gái. Tới đi, đừng để phí chút thời giờ nào cả.”
Diana đi theo bà Zeynep Hanim trong khi bà rảo bước dọc theo lối đi trong vườn. Khi họ tới giữa vườn, Diana chợt nhận ra ở mé lối đi có một chậu hoa to mà trước đây cô chưa từng thấy. Trong chậu hoa đó có hai cây hồng, thân của chúng bện vào nhau như những cây hồng leo. Một cây hồng hoa màu đỏ, còn cây kia hoa trắng.
Bông hồng đỏ thì vươn thẳng lên cao trong khi bông hồng trắng lại cúi đầu xuống đất. Thân và lá của chúng bện chặt vào nhau khiến người ta có thể cho rằng trong chậu hoa đó chỉ có một cây hồng với hai màu hoa khác nhau mà thôi.
“Đây có phải là Socrates không ạ?” Diana hỏi.
“Không. Tên của nó được viết trên chậu đấy.”
Diana cúi người để đọc cái tên “Ephesus” được viết bằng những chữ cái nhỏ xíu.
“Ephesus...Thành phố cổ ư?”
“Chính xác. Được xây dựng ở Selcuk, phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ.”
“Vậy cái chậu này có xuất xứ từ đó sao? Cháu không thấy bất cứ cây hồng nào khác được trồng trong chậu. Bà có định trồng hai cây này xuống vườn không?”
“Đúng rồi. Cái chậu này có xuất xứ từ Ephesus. Chúng ta đã cất nó trong nhà từ đó tới giờ, nhưng đêm qua ta đã mang nó ra ngoài. Chúng ta có trồng hoa hồng Ephesus ở trong chậu này hay không thì chỉ tùy thuộc vào hai bông hồng này mà thôi. Chúng có ba ngày tất cả. Hoặc chúng sẽ được trồng trong vườn, hoặc sẽ bị gửi trả về Ephesus. Chuyện này sẽ được định đoạt sau khi chúng trải qua một bài kiểm tra.”
Đã học được cách không phải quá ngạc nhiên trước những điều Zeynep Hanim nói nên Diana chỉ hỏi như thể việc những bông hồng phải trải qua một bài kiểm tra trước khi được trồng là một điều vô cùng tự nhiên vậy.
“Dạng bài kiểm tra như thế nào ạ?”
“Một trong số những phẩm chất quan trọng nhất của những bông hồng trong vườn là khả năng sống hòa đồng với những cây hoa khác, bất kể sự khác biệt về màu sắc kích cỡ hay nguồn gốc. Cuộc sống của chúng ở nơi này sẽ không có tranh cãi, không có ghen tị hay những chuyện phù phiếm. Vậy nên bất cứ khi nào trồng một cây hồng mới, chúng ta cũng phải lựa chọn kỹ càng, cẩn thận. Hoa hồng cũng bị ảnh hưởng lẫn nhau và qua thời gian sẽ trở nên giống với những cây xung quanh. Người ta có một câu tục ngữ rất hay là: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Vậy nên đó là lý do tại sao trước khi trồng một cây hoa nào đó, chúng ta muốn biết xem nó có ảnh hưởng xấu lên những cây hoa khác hay không đã.”
“Thêm nữa, về trường hợp hoa hồng Ephesus, đây là trường hợp khá đặc biệt. Cây hồng hai loại hoa này có hình dạng như thế khi hai cây hồng với những đặc tính hoàn toàn khác nhau được trồng chung vào trong một chậu. Theo thời gian, rễ của chúng đã bện vào nhau chắc đến nỗi không còn có thể gỡ chúng ra được nữa. Nhưng điều làm cho chúng trở nên khác thường là chúng vẫn tiếp tục mâu thuẫn với nhau. Đối với chúng ta, để những cây hoa hồng được trồng trong vườn, đầu tiên chúng phải chứng tỏ được chúng đã cố gắng thế nào để trở thành ‘một cây hoa hồng’”.
Sau khi nhìn cây hồng Ephesus với vẻ đầy suy tư, Zeynep Hanim tiếp tục:
“Nhưng ta e là điều này không dễ chút nào. Mặc dù chúng đều đến từ một vùng, mọc lên từ cùng một loại đất, nhưng cái cách chúng nhìn nhận bản thân lại rất khác nhau. Cây hồng nhung từng được trồng ở đền Artemis tại Ephesus còn cây hồng bạch được trồng ở nhà thờ Đức Mẹ Maria, cũng ở Ephesus. Hoa hồng nhung cho rằng mình là Artemis - nữ thần săn bắn, và không chấp nhận bất cứ cái tên nào khác. Hoa hồng bạch lại không có ý kiến gì về vấn đề này, nhưng chúng ta gọi nó là Miriam.”
“Bà vừa nói ‘nữ thần săn bắn phải không?’ Không phải Diana mới là nữ thần săn bắn sao? Bởi vì cháu có tên giống bà ấy và đôi khi bạn bè gọi cháu là ‘nữ thần...’” Diana nói.
“Đúng vậy. Theo thần thoại La Mã thì Diana là nữ thần săn bắn. Nhưng trong thần thoại Hy Lạp thì bà ấy được biết đến với cái tên Artemis. Những giai thoại về Artemis có từ trước, rất lâu sao đó thì thay đổi một chút khi bà trở thành ‘Diana’ trong các sách bằng tiếng La Tinh.”
Diana im lặng một lát rồi hỏi:
“Những cây hồng này đang có chuyện mâu thuẫn gì thế ạ?”
“Cháu muốn nghe ta truyền đạt lại cuộc nói chuyện của chúng chứ?”
Dù Diana chẳng muốn thể hiện điều đó ra cho Zeynep Hanim biết nhưng thú thực là cô cũng muốn nghe đoạn hội thoại giữa Artemis và Miriam nên cô bèn nói:
“Sao lại không chứ? Nếu nó không làm gián đoạn bài học của chúng ta...”
Zeynep Hanim ngồi trên nền đất, bên cạnh chậu hoa. Diana cũng làm như thế.
“Xin chào Ephesus” Zeynep Hanim nói. “Chúng tôi lắng nghe các bạn một lát được không?”
Sau vài giây, bà quay sang Diana bảo:
“Artemis mắng ta, nó bảo: ‘Tên tôi là Artemis, chứ không phải Ephesus, bà già ạ!’ Bởi vì đó là điều nó muốn nên ta sẽ gọi tên chúng bằng tên riêng. Ta sẽ nhắc lại đoạn hội thoại cho cháu nghe từng từ một. Cháu sẵn sàng rồi chứ?”
Diana gật đầu nên Zeynep Hanim bắt đầu truyền đạt lại cuộc nói chuyện giữa Artemis và Miriam:
“Cô không lịch sự hơn được hả Artemis?” Miriam nói. “Chúng ta được gọi là gì thì đâu có thực sự quan trọng cơ chứ?”
“Ý cô ‘không quan trọng’ là sao? Tôi có tên của tôi. Đó là cái tên tuyệt vời được mọi người biết đến, được tôn vinh đến tận trời cao. Tôi là Ar-te-mis! Tên của tôi nổi tiếng khắp nơi và các thánh thần cũng đều biết đến tôi. Tôi là Artemis cao quý và được trọng vọng, tôi là người đẹp nhất trong tất cả những người đẹp. Tôi là nữ thần, không phải chỉ đơn thuần là một bông hoa như cô. Tất cả các bông hoa chỉ có thể là vật trang trí trong đền thờ của tôi mà thôi.”
“Cô có nhận thấy điều gì không?” Miriam hỏi.
“Điều gì?”
“Tất cả những điều cô nói đều là: ‘Tôi’, ‘tôi’ và ‘của tôi’”.
“Tất nhiên tôi phải nói ‘Tôi’, ‘tôi’ và ‘của tôi’ rồi! Nếu Artemis không xứng đáng để xưng ‘TÔI’, thì còn ai xứng đáng chứ? Một bông hoa trần tục như cô sao?”
“Cô lúc nào cũng nói cùng một điều như thế, cô là nữ thần còn tôi chỉ là một bông hoa tầm thường. Nhưng cô biết sự thật là gì không?”
“Sự thật gì chứ?”
“Mà thôi, quên nó đi. Tôi không muốn làm cô thất vọng.”
“Cô có thể sao? Cô làm được tôi thất vọng ư? Đừng có chọc cười tôi như thế chứ, cô nàng hoa tội nghiệp! Một bông hoa có thể làm Artemis thất vọng sao? Ha ha haaa! Cô cứ nói đi, thật là nực cười quá, cố làm tôi thất vọng xem nào.”
“Được rồi Artemis. Nhưng trước tiên hãy nói cho chúng tôi nghe xem Artemis thực sự là ai. Nói to lên để cả khu vườn này được biết.”
“À, thật vô nghĩa! Có ai mà không biết Artemis chứ? Có ai mà không biết tôi chứ?”
“Chúng ta không phải đang ở trong đền của cô đâu, Artemis ạ. Đây là vườn hồng. Những bông hồng có thể không biết cô là ai đâu. Không phải họ có quyền được biết Artemis cao quý là ai hay sao? Cô là người tuyệt vời nhất mà! Vậy hãy cho chúng tôi có được cái vinh hạnh nghe cô giới thiệu về bản thân mình đi.”
“Rốt cục cũng có lúc cô nói sự thật, cô nàng hoa ạ. Đúng thế, mọi người đều có quyền nghe về sự tuyệt vời của tôi và những bông hồng tất nhiên cũng vậy. Họ cũng cần biết Artemis vĩ đại là ai. Thế thì hãy im lặng và lắng nghe đây này...”
“Ta!... Ta là Artemis, con gái của thần Zeus - chúa tể của những vị thần. Ta từng sống ở Ephesus, thành phố nổi tiếng vì đền thờ của ta chứ không phải vì cái lều cũ tồi tàn của bà Maria. Qua hàng trăm năm ta đã đón nhận biết bao nhiêu người tới bái lễ tại đền của mình - một trong bảy kỳ quan của thế giới. Hàng nghìn người, đông như kiến cỏ, từ những nơi rất xa, đã đến đó chỉ vì ta. Họ đến ngày càng nhiều, để ca tụng ta, tôn vinh ta, cúi đầu trước ta, háo hức đến nỗi giẫm đạp cả lên nhau.”
“Cô đã hiểu chưa, cô nàng hoa vô dụng? Giờ thì cô đã thấy Artemis vĩ đại thế nào chưa? Những người tới viếng ta, người ta hái những bông hoa như cô, cắm vào lọ rồi đặt ở ngưỡng cửa nhà ta như những kẻ nô lệ vậy.”
“Này, những bông hồng trong vườn. Các người nghe thấy ta nói cả rồi chứ? Giờ thì các người đã thấy sự vĩ đại của Artemis rồi phải không?”
“Cô nói đúng như điều mà tôi đã nghĩ,” Miriam nhận xét. “Khi tôi bảo cô nói cho chúng tôi biết về bản thân mình, cô bắt đầu bằng việc kể về cha mình, về vẻ lộng lẫy của mình, và về những người ca tụng cô. Nhưng tôi không cần cô nói những thứ như thế. Tất cả những điều tôi muốn biết là cô là ai mà thôi.”
“Ôi, bông hoa tội nghiệp. Cô đang cố để nói điều gì vậy chứ? Nếu cô muốn biết tôi là ai thì cô cần biết tôi là sự vĩ đại. Đó chính là tôi.”
“Điều gì khiến cô tin rằng mình vĩ đại như thế?”
“Nếu tôi không vĩ đại thì sao hàng ngàn người lại chú ý tới tôi như thế? Sao họ lại ca tụng tôi cho đến khô cả cổ họng như thế? Sao họ lại chịu làm nô lệ cho tôi như thế chứ?”
“Sự thật là,” Miriam tiếp. “Chính cô mới là người làm nô lệ cho họ. Nhưng cô không muốn hiểu điều đó.”
“À, hóa ra là cô ghen tị. Cô không biết mình đang nói gì đâu.”
“Đó là sự thật. Rõ ràng cô mới chính là nô lệ của họ. Ai mới là Artemis, thực sự ấy? Chẳng là ai cả ngoài một ảo tưởng đã được hình hài hóa và được người ta thờ phụng. Ai tạo ra Artemis? Chẳng phải là những con người mà cô khinh bỉ sao? Trước tiên họ tạo ra trong đầu mình một hình ảnh đẹp đẽ để tôn thờ, sau đó thì họ hình hài hóa cô lên bằng những lời ca tụng của mình. Đừng để bị đánh lừa bởi việc sau đó họ đã tôn thờ cô như thế. Chính họ là người đã sáng tạo ra cô, rồi họ định ra những phẩm chất của cô, rồi họ tôn vinh tên của cô. Tôi rất lấy làm tiếc nhưng cô chẳng có chút tự lập nào trong sự tồn tại của mình cả. Cô chỉ tồn tại khi có họ mà thôi. Cô sống bằng những lời ca tụng của họ, sự ngưỡng mộ và tán dương của họ. Cô phụ thuộc vào kẻ khác.”
“Giờ thì cô đi quá xa rồi đấy, cô nàng hoa ạ! Hãy nhìn bản thân cô trước đi đã rồi hãy nói. Cô nghĩ mình là ai mà nói với tôi như thế hả, đồ hèn mọn?”
“Vâng, phải rồi. Tôi chẳng có gì vĩ đại cả. Nhưng tôi là một bông hồng... Tôi là một bông hồng bất kể là tôi có được ngưỡng mộ hay không, bất kể là người ta có điên lên vì tôi hay không. Như tôi đã nói. Tôi chẳng có gì vĩ đại cả, chỉ là một bông hồng... Nhưng cô có biết một bông hồng có nghĩa là gì không, cô bạn? Một bông hồng có nghĩa là “tự do”. Nó có nghĩa là không phải sống vì những lời tán dương của người khác hay cũng không phải chết đi vì sự chê trách của người ta. Đừng hiểu nhầm ý của tôi; Tôi, bản thân tôi cũng yêu mọi người. Tôi cũng muốn họ đến thăm mình, hít hà hương thơm của mình. Nhưng tôi chỉ muốn điều này vì tôi có cơ hội cho họ tận hưởng hương thơm của tôi mà thôi.
“Đúng là có thể tôi chưa bao giờ có nhiều khách ghé thăm bằng cô. Có thể nhiều người đến thăm nhà thờ mẹ Maria đã không nhận ra một cây hồng nhỏ được trồng ở đó. Nhưng vẫn còn có rất nhiều người nhận ra tôi. Nhưng đừng bao giờ nhầm lẫn những người này với những người đến để thờ phụng cô.”
“Tất nhiên là không rồi. Sao tôi có thể nhầm được chứ ?” Artemis bảo. “Khách của tôi đến cả hàng ngàn người cơ mà.”
“Thế cô có nhớ là người ta đã ồ ạt kéo đến viếng cô vào những ngày nắng đẹp thế nào không? Rồi từng ngày qua cứ thưa thớt dần cho đến khi mùa thu tới thì lẻ tẻ vài người còn mùa đông, mùa đông lạnh lẽo mà chẳng có ai bên cạnh cô, đúng không? Niềm kiêu hãnh chỉ làm khắc sâu thêm sự cô đơn của cô mà thôi. Rồi cô còn không thể khóc bởi vì nó sẽ làm tan mất niềm kiêu hãnh trong cô. Những lời ca tụng của họ càng nhiều vào mùa xuân thì cô lại cảm thấy ngã quỵ, càng đau vào mùa thu. Ngay khi thời tiết thay đổi nó đã đánh gục cô rồi.”
“Vớ vẩn! Chỉ là mùa thu nó thế thôi.”
“Điều đó không dành cho những bông hồng, Artemis ạ. Với một cây hoa hồng, mùa thu có nghĩa là có nhiều mưa. Mùa thu có nghĩa là khoảng thời gian chuẩn bị cho mùa xuân. Còn những người đến với một bông hồng thì không bao giờ phản bội như những người tới để thờ cúng cô. Những người tới để thờ cúng, họ chỉ thờ cúng và cầu cho chính bản thân mình. Không giống như những vị khách của cô, những người tới thăm tôi, họ chỉ đến là vì hương thơm của tôi mà thôi. Tôi không bao giờ mong chờ người ta phải quỳ lạy trước mình cả. Không, vì đó không phải là tình yêu. Tình yêu là không hạ thấp mình trước người yêu mà phải nâng mình lên.”
“Thôi nào, bông hoa vô dụng. Cô có hiểu thế nào là được ngưỡng mộ không?”
“Tôi rất tiếc, bạn của tôi ạ. Nhưng những người nồng nhiệt, sốt sắng với cô một ngày nào đó sẽ khiến cô đánh mất chính mình. Bởi vì không phải người ta đang thờ phụng cô mà là thờ phụng những niềm đam mê của họ. Sẽ có một ngày người ta chuyển sang đam mê một nữ thần khác, một người đẹp hơn, hấp dẫn hơn, đáng để khát khao hơn. Lúc đó cô sẽ bị lãng quên. Và bởi vì cô phó mặc sự sống của mình vào những lời ca tụng của họ nên một khi bị lãng quên, cô sẽ không còn có thể tồn tại được nữa.”
“Không. Tôi sẽ sống mãi! Cô mới là người phàm tục, cô nhớ chứ ?”
“Đúng thế. Tôi không bất tử. Một ngày nào đó tôi sẽ tàn úa và quay về với đất mẹ. Tôi sẽ chết. Nhưng cuộc sống của tôi vẫn chưa kết thúc. Bởi vì đất mẹ sẽ lại sinh dưỡng một cây hồng khác. Ngoài những người yêu tôi vì hương thơm của tôi, thì những người khác sẽ không nhớ gì đến tôi. Không ai có thể nghĩ rằng một cây hồng chết rồi lại có thể tỏa hương thơm được. Nhưng khi bạn bè tôi hít thở cái không khí mà tôi đã phả hương vào, họ sẽ mỉm cười. Lúc đó tôi có thể nói rằng: “Cuộc sống của tôi không phải là vô nghĩa. Việc trải qua bóng tối trước khi hoa của tôi nở không phải là vô ích.” Tôi cũng sẽ nói to lên rằng: ‘Tôi vui vì được là một cây hoa hồng...’”
“Thôi nào, cô bạn, cô cũng có thể có giá trị khi chỉ là một cây hoa hồng. Đừng cố che giấu sự thật đó nữa. Hãy cho mọi người thấy gương mặt hoa hồng của cô và trở thành một cùng tôi. Cô hãy bảo người trồng hoa đập vỡ chậu của chúng ta ra thôi. Cô không thấy rằng kể cả những chậu hoa lớn nhất cũng là quá nhỏ cho những cây hồng thực sự sao?”
“Tôi không phải một cây hồng, bông hoa ngớ ngẩn ạ! Tôi là một nữ thần” Artemis gắt.
“Nếu đeo cái ‘mặt nạ của sự vĩ đại’ khiến cô hạnh phúc thì khỏi phải tháo nó ra, hãy cứ đeo nó đi. Hãy cứ tiếp tục nói ‘tôi’. Nhưng cô biết đấy. Cái gì cũng có giá của nó. Cô biết cái giá cho việc lúc nào cũng nói ‘tôi’ là gì không ? Đó là cô sẽ quên mất cái tôi thực sự...”
“Bà trồng hoa! Bà già! Ném ngay bông hoa điên rồ này ra khỏi chỗ tôi mau!”
“Cô biết đấy, cô bạn” Miriam nói. “Bây giờ chúng ta không thể bị chia tách nữa rồi. Bất kể chúng ta có thích hay không thì chúng ta vẫn phải sống cả đời này cùng với nhau. Đến khi nào chúng ta còn tiếp tục đối lập nhau trong cùng một chậu thế này thì không những chúng ta sẽ không tìm thấy yên bình giữa hai ta mà còn phá hủy sự thanh bình của tất cả những bông hồng khác nữa. Thậm chí cả sự thanh bình của con người nữa... Chúng ta sẽ phải khiến những người tới để tận hưởng hương thơm của chúng ta phải nghe hai giọng nói đối lập. Lúc này cô nói thế này, lúc sau tôi nói thế khác. Phút trước là Artemis, phút sau đã thành Miriam, rồi cứ thế, cứ thế mãi. Rồi thỉnh thoảng cả hai chúng ta sẽ cùng nói một lúc. Như thể ồn ào ở trong chậu chưa đủ, chúng ta còn mang sự ồn ào đó tới cho mọi người. Nhưng chúng ta không có quyền làm cho người khác hay chính bản thân chúng ta thấy đau khổ.”
“Nếu đã như thế”, Artemis nói, thì hãy chịu quy phục tôi đi. Hãy trở thành tôi đi!
“Cô cũng biết là tôi sẽ làm thế nếu tôi có thể mà; Tôi sẽ tuyên bố với cả thế giới rằng tôi là Artemis, chỉ để được chung một tiếng nói với cô. Nhưng tôi không thể. Không phải chỉ vì tôi biết tôi là một cây hồng mà còn vì tôi biết cô cũng là một cây hồng. Có lẽ tôi có thể từ bỏ bản thân mình nhưng tôi không thể từ bỏ cô được. Vì chính vì nhìn vào cô mà tôi biết mình là ai.”
“Điều đó không thể là sự thật được. Tôi là Artemis và cô chỉ là một bông hoa hèn mọn mà thôi.”
“Artemis à. Tôi đã nghe thấy người ta gọi cô là ‘người che chở cho những kẻ hèn mọn’. Rồi cô còn dùng tên của mình để ban một cái chết đột ngột, ngọt ngào... Điều đó có thật không?”
“Đúng thế. Tất cả đều là sự thật.”
“Vậy, tôi là một kẻ hèn mọn, hãy bảo vệ cho tôi đi. Hãy bảo vệ tôi khỏi bản thân cô! Ngay bây giờ, ngay thời điểm này! Hãy nắm chắc cung, kéo căng tên và mang tới cho cô một cái chết ngọt ngào, đột ngột đi nào. Đừng sợ. Cô sẽ không tàn úa thành hư không đâu. Artemis chưa bao giờ thực sự tồn tại, vậy sao cô ấy có thể ngừng tồn tại chứ? Nhưng khi cô tưởng tượng ra bản thân mình được nếm vị của cái chết ngọt ngào như thế, cô sẽ được tái sinh. Tái sinh là một cây hoa hồng. Tôi biết điều này không dễ, nhưng tôi xin cô hãy thử xem.”
“Artemis... Cô sẽ làm chứ?”
Artemis không đáp lại.
“Xin cô. Cô nhớ lại được mình là một cây hồng rồi đúng không?”
Zeynep Hanim im lặng một lát rồi quay qua Diana bảo:
“Artemis không trả lời Miriam.”
“Nó không nói gì sao?” Diana hỏi.
“Không” Zeynep Hanim trả lời rồi đứng dậy. “Ta nghĩ thế là đủ cho ngày hôm nay rồi cháu gái ạ. Bài học ngày mai, bài học thứ tư cũng là bài học cuối cùng sẽ bắt đầu vào 4h:1’ sáng.”
Diana cảm thấy như mọi phần trong cơ thể, đặc biệt là trí não mình như bị đông cứng lại. Có rất nhiều thứ cô muốn nói, nhưng cô lại quyết định giữ im lặng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.