Bạch Cốt Đạo Cung

Chương 12: Tiên thiên linh giác và kiếm




Dịch: Hoa Gia Thất Đồng
***
Hoàng Linh trước nay chưa từng theo sư phụ là Bất Chấp Đạo Nhân rời khỏi Thông Thiên Quán dù chỉ một lần. Thằng bé như một con hươu nhỏ, sống lẩn khuất sâu trong rừng rậm.
Lúc này, thằng bé đang đứng bên cạnh bàn, ngẩng đầu nhìn mặt Thanh Dương Tử. Một lúc sau, nó lại quay sang nhìn những vết phù văn(*) mà Thanh Dương Tử đang vẽ ra.
(*) Phù văn: hoa văn trên bùa chú
Chẳng mấy chốc, Thanh Dương Tử đã vẽ xong một lá bùa, bèn chuyển cho Hoàng Linh. Hoàng Linh cầm lấy, nhanh chân chạy đến và dán vào một góc tường. Lá bùa chớp mắt đã biến mất, ngay sau đó, trên mặt tường bằng phẳng bỗng xuất hiện những lằn vết phù văn bò loằng ngoằng tựa như giun đất.
Thực ra, Thanh Dương Tử không cần thằng bé dán bùa giúp, bởi y có thể làm việc đó chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng y thấy Hoàng Linh đang đứng bên cạnh, nên cứ để thằng bé dán bùa giúp. Y chỉ đơn thuần muốn cho Hoàng Linh biết những lá bùa này là để dung hòa khí tức của ngọn núi với tòa đạo quán thành một thể.
Nếu tự tay Thanh Dương Tử dán những lá bùa này, y cứ cảm thấy nơi nào khí tức không được hài hòa thì sẽ dán bùa vào chỗ ấy.
Việc xảy ra ngoài dự tính của Thanh Dương Tử chính là, Hoàng Linh nhìn quanh bốn phía bằng đôi mắt non nớt như mắt hươu non, mà mỗi lá bùa thằng bé dán đều đúng vào chỗ khí tức của ngôi đạo quán không dung hòa được với linh khí của ngọn núi. Điều này khiến y không khỏi có chút kinh ngạc.
“Vì sao đệ lại dán bùa vào những nơi đó?” Thanh Dương Tử đột nhiên cất tiếng hỏi.
Hoàng Linh nghiêm nét mặt. Chần chừ một lúc, thằng bé mới nhỏ giọng hỏi: “Đệ dán sai rồi sao? Giờ có thể xé ra được chứ?”
“Không phải, đệ dán rất đúng. Nhưng đệ căn cứ vào đâu mà dán bùa ở những nơi đó?” Thanh Dương Tử hỏi.
Hoàng Linh nghe nói mình dán không sai, bỗng nhiên lại có chút ngại ngùng. Thằng bé gãi gãi đầu, nói: “Đệ cũng không biết nữa, đệ chỉ cảm thấy nên dán vào những nơi đó...”
Thanh Dương Tử nhìn dáng vẻ yếu ớt của nó, thầm nghĩ: “Quả nhiên thằng bé có được tiên thiên linh giác rất nhạy bén.” Trước đó Thanh Dương Tử đã cảm nhận được sự nhạy bén từ tiên thiên linh giác của Hoàng Linh, nay vừa thử thì quả nhiên là đúng như vậy.
Trên đỉnh Thông Thiên Quán chẳng biết từ lúc nào đã kết thành một màn sương, mà bên ngoài Thông Thiên Quán bấy giờ lại khô ráo. Đó là bởi những lá bùa kia không chỉ dung hòa khí tức của Thông Thiên Quán với ngọn núi này, mà còn có thể tập hợp linh khí của trời đất.
Linh lực của kẻ tu hành không giống như linh khí trong trời đất, mà ẩn nơi hồn phách, tiềm tàng nơi thần hồn phiêu du...
Lúc này, linh khí của trời đất hội tụ, ngưng kết thành sương. Không như linh lực mà các môn các phái trao cho đệ tử của mình, ẩn chứa bên trong là sự huyền diệu có thể dùng hộ thân, thứ linh khí này của thiên địa rất mạnh mẽ, có thể dùng bày trận pháp. Linh khí của trời, đất, núi, sông là thứ linh khí thích hợp nhất để bày trận pháp.
ooOoOoOooo
Cùng lúc đó, phía dưới chân núi, ngay tại lối giao dẫn về Thông Thiên Quán, có một nữ tử phi ngựa vọt đến. Trông mồ hôi nhễ nhại trên mặt, rõ là nàng đang rất gấp gáp.
Trông thấy tại lối giao dưới chân núi, người người tụm năm tụm ba, nàng ngóng nhìn quanh bốn phía, rồi cất tiếng hỏi một ông lão sắc mặt có vẻ hiền từ: "Vị lão gia gia này, nơi đây có phải là Thăng Tiên Đài không?"
Lão già kia nhìn dò xét cả người nàng một lượt từ trên xuống dưới rồi mới nói: “Cô nương từ đâu biết được nơi đây chính là Thăng Tiên Đài?"
Nữ tử cưỡi con ngựa xanh phát cáu vì lão già không có chút lễ độ, nhìn ngó dò xét mình như thế, bèn bực dọc nói: “Ta hỏi lão, lão hỏi ngược lại ta, phải hay không phải, hỏi nhiều như thế làm gì?!"
Lão già kia khẽ híp mi mắt, từ tốn nói: “Phải thì sao, những vị tiên nhân thượng giới ấy chắc chắn chẳng thu nhận người không có chút căn cơ đạo pháp nào. Tiểu cô nương này, hay là cô trở về nhà gả chồng sinh con đi thôi." Nói rồi, lão quay người bỏ đi.
Nữ tử cưỡi ngựa nào biết người vừa nói chuyện với nàng chẳng phải là một lão già, mà là một thanh niên mới độ khoảng ba mươi tuổi, tên gọi Sở Cấm. Bởi công pháp tu hành của gã phạm phải sai sót, nên cả thân thể trở nên già yếu như người già đã tám mươi tuổi.
Bình sinh, gã ghét nhất là bị người khác gọi hai tiếng “lão già”. Vốn dĩ, gã hỏi câu đầu tiên chỉ để nghe ngóng xem nàng ta có lai lịch thế nào, rồi cho nàng ta vài lời giáo huấn. Nào ngờ nữ tử kia tính khí lại quá nóng nảy, không phải là kẻ dễ đối phó, thế nên gã mới bồi thêm câu “về nhà gả chồng sinh con” ở sau cùng.
Quả nhiên, không ngoài dự tính của Sở Cấm, nữ tử kia bị gã chọc đến tức điên lên. Chỉ nghe sau lưng tiếng nữ tử kia trỏ kiếm vào gã, lớn giọng nói: “Này lão khọm già, chớ có cậy mình già cả mà lớn lối trước mặt bản cô nương. Bản cô nương ghét nhất là thứ người như lão. Xuất thủ đi, bản cô nương biết lão là kẻ tu hành, thế thì để bản cô nương coi lão đã tu luyện được pháp thuật gì ở từng này tuổi?!”
Nàng tuôn một hơi, nào là “lão khọm già”, nào là “từng này tuổi”, đã khiến Sở Cấm bốc lửa giận ngùn ngụt trong lòng, tuy vậy, gã vẫn cố nhẫn nhịn. Nhìn quanh bốn phía, gã phất tay, nói: “Xem ra hôm nay không thể không bắt nạt hậu bối.”
Lời vừa dứt, gã vươn tay điểm một cái. Một chiếc xuyến màu bạch kim vốn đeo trên cổ tay gã, bị che phủ bởi ống tay áo, bay vọt ra, hóa thành một luồng bạch quang ập xuống đỉnh đầu nữ tử nọ.
“Khóa!” Sở Cấm gằn giọng quát một tiếng.
Chiếc xuyến bạc trùm xuống người nữ tử.
Chỉ thấy nữ tử kia tuốt kiếm.
Một tiếng kiếm rít ngân vang. Kiếm quang lóe sáng một đường, đỡ lấy chiếc xuyến đang ập xuống đỉnh đầu nữ tử.
Sở Cấm cười thầm trong bụng: “Kiếm phàm sao có thể chống đỡ được pháp bảo?”
Thế nhưng, kết quả lại khiến gã thất kinh. Thanh kiếm ấy thế mà lại đủ bền chắc để chống đỡ được Tỏa Linh Khuyên là món pháp bảo gã vừa tung ra.
Chỉ nghe một tiếng “keng”, Tỏa Linh Khuyên kêu lên một tiếng thê lương rồi bay ngược trở lại.
Sở Cấm âm thầm bắt pháp quyết, vươn tay thu Tỏa Linh Khuyên về. Vừa nhìn, gã đã phát giác trên Tỏa Linh Khuyên bấy giờ đã có một vết hở. Trong lòng cả kinh, gã trừng mắt nhìn thanh kiếm trên tay nữ tử, nói thầm: “Thanh kiếm đó là bảo vật chi, mà lại có thể phương hại pháp bảo của ta. Ả ta là kẻ không thông đạo pháp mà đã có thể sử dụng với uy lực như thế, nếu kiếm ấy để ta dùng thì…”
Không phải chỉ mỗi mình gã phát hiện ra thanh kiếm ấy là thứ bất phàm, mà cả những người khác cũng đã nhận ra. Người nào người nấy đều nhìn chăm chăm vào thanh kiếm trên tay nữ tử, có kẻ lấy làm kinh ngạc, có kẻ thầm toan tính trong lòng, lại có kẻ lộ ra vẻ thèm thuồng trong ánh mắt. Chung quy kẻ mang ánh mắt chứa đựng ham muốn lại nhiều hơn. Ý ham muốn tất sẽ nảy sinh lòng tham.
“Hừm, bản lĩnh cũng chỉ có vậy,...” Nữ tử kia ngoài miệng nói thế, song trong lòng lại đang âm thầm cảnh giác. Nàng nghĩ: “Bọn họ ai nấy đều đang nhìn chằm chằm kiếm của ta, há chẳng phải là thấy kiếm của ta sắc bén mà muốn chiếm đoạt sao?!”
Nghĩ đến đấy, nàng ta lại vờ như không biết gì, ngẩng cao đầu, ngạo nghễ nhìn quanh bốn phía, kỳ thực trong lòng lại đang cực kỳ cảnh giác. Nàng chầm chậm quay người nhảy lên ngựa, nói: “Các người đều thấy cả rồi đó, là lão ta động thủ trước. Sau này khi sư phụ muốn phạt ta, các người phải làm chứng cho ta.”
Nàng ta làm gì có sư phụ, nói như thế là vì bấy giờ có đến hai mươi mấy người tụ tập quanh bãi đất trống này, mà người nào người nấy đều đang nhìn chằm chằm kiếm của nàng ta. Nàng ta sợ họ sẽ đoạt kiếm, thế nên mới chế bừa một ông sư phụ để hù dọa bọn họ.
Những người ở cục trường chỉ cho nàng ta là kẻ mới lăn lộn giang hồ, chẳng tự biết trên người mình có bảo vật, chứ họ đâu biết, ẩn sau dáng vẻ nóng nảy bề ngoài, nàng còn có khả năng nhìn nhận sự việc hết sức thấu đáo, hơn người.
Nữ tử kia ngồi trên lưng ngựa, chẳng có chút mảy may lo sợ, trong lòng chỉ thầm nghĩ: “Bọn họ đều là kẻ tu hành. Có lợi kiếm này trong tay, ta tuy chẳng sợ bọn họ, song pháp thuật của đám tu sĩ khó đề phòng, chỉ cần có một chút sơ suất thì khó tránh được đạo pháp của họ. Chẳng bằng ta lên núi trước vậy…”
Trong lòng nghĩ như thế, nàng càng dụng sức thúc chân vào bụng ngựa. Con ngựa hiểu rõ ý chủ nhân, bèn ngay lập tức phi vọt về phía Lạc Hà Sơn. Mãi cho đến khi rẽ qua hai cái giao lộ, nàng mới khẽ thở phào nhẹ nhõm, thầm đắc ý bản thân mình đã cơ trí.
Nàng ta biết Lạc Hà Sơn này là Thăng Tiên Đài, trước đó hỏi lão già kia cũng chỉ để khẳng định chắc chắn mà thôi. Nàng cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều về chuyện bọn họ vì sao lại tụ tập dưới chân núi chứ không phải ở Thăng Tiên Đài trên ngọn núi này.
oooOoOoOooo
Rốt cuộc cũng đã dắt ngựa lên đến đỉnh núi, nữ tử bấy giờ đã mệt đến mồ hôi nhễ nhại đầy mặt. Đường núi cực kỳ khó đi, huống chi nàng còn phải dắt ngựa.
Trông thấy Thông Thiên Quán bấy giờ được bao bọc trong một lớp bạch quang trong vắt, rực rỡ, nôm vô cùng uy nghiêm, nàng nghĩ: “Trông đạo quán này uy nghiêm lại quanh minh chính đại như thế, người trong quán hẳn là không tầm thường. Ta vào đạo quán này nghỉ ngơi một đêm vậy.”
Nữ tử dắt ngựa băng qua tiền điện, đi về phía hậu điện. Vừa vào đến hậu điện, nàng ta đã trông thấy một tòa thạch sơn cổ quái. Thạch sơn ấy trông giống như khúc chân người chỉ có từ đầu gối trở xuống. Chuyện khiến nàng cảm thấy lạ lùng nhất chính là tòa thạch sơn ấy đang đè lên một người.
Nàng lại nhìn tiếp về phía trước, thì thấy nơi đó còn có một kẻ đang quỳ. Đến gần thêm chút nữa, trông rõ kẻ đang bị đè dưới chân núi, nàng ta bất giác phải che miệng vì kinh ngạc. Kẻ này nàng đã gặp qua, hắn ta chính là vị Tiêu Dao Vương của Nguyên Quốc, cát cứ tại Bạch Nguyên Châu.
Địa vị nhân gian của hắn ta ngang bằng với phụ thân của nàng, đều thuộc hàng Vương. Song, vì hắn còn có một thân phận khác - tu sĩ, mà lại thuộc vào hạng tu sĩ vô cùng cao thâm, nên nàng còn nhớ rõ, phụ thân của nàng khi ở cạnh hắn, ngữ khí lẫn lời lẽ đều phải cực kỳ cẩn trọng, lễ độ, thậm chí còn có vẻ thấp kém hơn hắn.
Nàng dừng bước ngay trước Tiêu Dao Vương Nguyên Trì. Trông thấy một Tiêu Dao Vương khắp mặt đều là vết máu, nàng không kiềm được phải đưa tay sờ vào khối đá hình bàn chân kia, đâu hay rằng tay vừa chạm đến bề mặt đã xuyên hẳn qua khối đá. Lúc này nàng mới biết, tòa thạch sơn trước mặt nàng vốn chẳng phải là thật, trong lòng nàng kinh ngạc vô cùng.
Bước tiếp về phía trước, nàng đã trông rõ mặt kẻ đang quỳ trên mặt đất. Kẻ này nàng cũng quen biết, gã chính là đồ đệ của lão Tiêu Dao Vương kia. Gã này đã từng quấy rầy nàng, muốn nạp nàng làm thiếp. Chính vì giữa nàng với hai sư đồ họ có những cố sự như thế, nên nàng ta mới hạ quyết tâm nhất định phải học được pháp thuật, bằng không thì cho dù có làm đến bậc quân vương của nhân gian cũng vô ích.
Mà lúc này đây, cái gã Kiềm Thất lúc nào cũng cho mình là kẻ cao cao tại thượng ấy lại đang quỳ trên đất. Vẻ mặt gã dữ tợn, ánh mắt gã lộ rõ sự nhục nhã và phẫn uất. Dường như gã muốn đứng lên, nhưng dù gã làm thế nào cũng không thể đứng dậy được.
Nữ tử một tay dắt ngựa, tay kia nắm khư khư thanh kiếm, nói thầm: “Người của Thông Thiên Quán quả nhiên lợi hại, những kẻ dưới chân núi kia lẽ nào là vì sợ người trong đạo quán mà hết thảy đều ở dưới chân núi, chẳng dám lên đây?”
Nàng ta lại tiến về phía trước mấy bước, đột nhiên phát hiện trước mặt còn có hai người nữa, dường như họ đã ở đây từ trước. Một người trong số hai người họ vận một thân đạo bào tử sắc, búi tóc đội mũ cao. Người còn lại chỉ là một đứa trẻ ước chừng mười hai, mười ba tuổi. Đứa bé ấy đang nhìn nàng.
Người thanh niên vận đạo bào tử sắc kia đang tập trung tinh thần để vẽ hay khắc gì đó lên một tấm lệnh bài có hình dạng như một thanh kiếm nhỏ.
Phía trước hai người họ có một cái bàn, trên bàn đã bày sẵn những mấy thanh lệnh kiếm như thế.
“Người đó… Ta đã gặp qua y.” Nữ tử ngay lập tức nhớ ra, khi nàng ăn chực ở Bạn Tiên Lầu tại đô thành Nguyên Quốc, người ngồi đối diện nàng lúc bấy giờ chính là y.
“Là y đã trấn áp Tiêu Dao Vương và Kiềm Thất ở đây sao?” Nghĩ đến đây, nàng lại ngước mắt nhìn tiểu đạo sĩ bấy giờ cũng đang nhìn nàng, nói: “Nhung Quốc Phong Lăng(*) xin bái kiến nhị vị chân nhân.”
(*) Phong Lăng của nước Nhung
Đạo nhân mặc áo bào tử sắc không buồn chớp mắt. Y vẫn tiếp tục khắc khắc vẽ vẽ lên trên lệnh kiếm. Chỉ thấy ngón giữa trên tay phải của y phát ra quang hoa tựa như ánh kiếm. Điều khiến Phong Lăng cảm thấy kỳ quái chính là, ngón cái của người này lại đứt mất từ gốc.
Hai hàng lông mày rất nhạt của tiểu đạo sĩ đứng bên cạnh nhíu thành hình chữ “bát”. Phong Lăng có thể thấy được nỗi lo lắng ẩn chứa trong ánh mắt của tiểu đạo sĩ đó.
Phong Lăng nhìn tiểu đạo sĩ, tiểu đạo sĩ cũng nhìn Phong Lăng. Miệng nó mấp máy, dường như thằng bé muốn nói gì đó, nhưng rốt cuộc lại chẳng nói ra.
“Nơi này chẳng bao lâu nữa sẽ có đổ máu, cô nương nên nhanh chóng rời đi thì hơn.” Đạo nhân mặc áo bào tử sắc, tức Thanh Dương Tử, đột nhiên cất giọng nói. Y trước sau đều không nhìn đến Phong Lăng, lại tiếp tục nâng thanh lệnh kiếm bằng gỗ cuối cùng lên...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.