Bác Sĩ Zhivago

Chương 86:




Sau khi bị vặn hỏi và khám nhà, bà con thuê nhà lại lục tục mặc áo choàng và quàng khăn ấm quay trở lại căn phòng không có lò sưởi trước kia là kho để trứng, bây giờ là trụ sở của ban quản lý nhà ở đầu phòng có một chiếc bàn giấy và vài cái ghế tựa không thể đủ chỗ cho ngần ấy người ngồi. Người ta lấy những hòm rỗng, vốn để đựng trứng, lật úp xuống, xếp thành một hàng ghế dài hình vòng cung. Đầu phòng đằng kia, cả một đống hòm gỗ như thế xếp cao đến tận trần. Ở góc nhà phía ấy người ta dùng chổi vun vào sát tường hàng đám vỏ bào lạnh cứng dính với lòng đỏ các quả trứng vỡ thành từng búi một. Chuột chạy rào rào trong đám vỏ bào, đôi lúc chúng cả gan chạy ra khoảng trống trên nền nhà lát đá rồi lại chuồn vào chỗ nấp cũ. Cứ mỗi lần chuột chạy ra như thế, một mụ thuê nhà béo trương béo nứt, hay la lối lại thét lên và co hai chân lên mặt hòm gỗ. Mụ đưa vài ngón tay vén vạt váy một cách rất đỏm dáng, chân đi đôi giày cao cổ hợp thời trang cứ giậm thình thịch vào mặt thùng và cố ý kêu to bằng cái giọng khàn khàn như một ả say rượu:
- Olia! Olia! Sao ở chỗ chị chuột chạy dữ thế này. Ê, cút đi, đồ bẩn thỉu? Ối, ối giời ơi, nó hiểu mới chết chứ, quân khốn kiếp! Nó lại nhe răng ra doạ mình. Ôi- ối- ối, nó leo lên hòm kìa! Nó định chui vào váy mình đây mà. Eo ơi, tôi sợ quá, eo ơi, tôi kinh quá! Kìa các ông, quay mặt đi chứ. Ấy chết, tôi xin lỗi, bây giờ không còn các ông nữa, mà phải gọi là các đồng chí công dân.
Mụ đàn bà làm náo động ấy mặc chiếc áo da cừu không cài khuy để lộ cái cằm ba ngấn cứ rung rung như món sương xáo bộ ngực lớn và cái bụng được bó chặt trong chiếc áo lụa.
Rõ ràng xưa kia mụ từng nổi danh là sư tử giữa đám lái buôn tầm thường và đám quản lý của họ. Cặp mắt ti hí như mắt lợn của mụ gần như chỉ hé ra được một tí dưởi hai hàng mi sùm sụp Ngày xưa, một tình địch đã tạt axít và mặt mụ, nhưng tạt hụt nên chỉ có hai, ba giọt bắn vào má bên trái và bên khóe miệng, để lại hai vết sẹo kín đáo khiến mụ đâm ra hơi có duyên.
- Đừng gào lên thế, bà Khrapughina. Ai còn làm việc được nữa! - người phụ nữ ngồi sau bàn đại diện Xô viết quận, được bầu làm chủ toạ buổi họp lên tiếng.
Những người sống nhiều năm ở khu nhà này biết rõ chị ta từ lâu và chị ta cũng biết rõ về họ. Trước khi khai mạc cuộc họp, chị ta đã thì thầm trò chuyện với bà Phatima, vợ bác gác cổng toà nhà, trước kia sống chui rúc với chồng con dưới tầng hầm bẩn thỉu, bây giờ bà và cô con gái được dọn lên hai phòng sáng sủa ở lầu một.
- Thế nào dì Phatima, được chứ? - Chị chủ toạ hỏi.
Bà Phatima phàn nàn rằng một mình bà không tài nào trông coi xuể một khu nhà rộng lớn và đông đúc như thế này, rằng chẳng ai chịu giúp bà, mặc dầu đã cắt phiên các hộ phải lần lượt quét dọn sân và vỉa hè, song chẳng được nhà nào thực hiện.
- Đừng lo, dì Phatima ạ, rồi chúng tôi sẽ trị họ, dì cứ yên tâm. Ban quản lý là gì? Có cần hoạt động hay không nào? Có phần tử khả nghi lẩn trốn này, có kẻ hạnh kiểm đáng ngờ sống không đăng ký hộ khẩu này. Bọn ấy, chúng tôi sẽ tống cổ đi, sẽ chọn một ban quản lý mới. Tôi sẽ cử dì làm trưởng ban, dì đừng ngại mới được.
Bà Phatima khẩn cầu chị chủ toạ đừng làm như thế nhưng chị ta chẳng buồn nghe. Chị đưa mắt nhìn khắp phòng, thấy đã khá đông đủ, bên yêu cầu mọi người yên lặng và nói vài lời vắn tắt tuyên bố khai mạc cuộc họp. Sau khi lên án Ban quản lý cũ bỏ bê công việc, chị đề nghị nêu danh sách bầu ban quản lý mới, đoạn chuyển sang vấn đề khác. Xong xuôi đâu đấy chị kết luận:
- Như vậy là thưa các đồng chí, chúng tôi xin nói thẳng thế này: khu nhà của các đồng chí rộng rãi, dùng làm chung cư rất tiện. Lắm khi các đại biểu về thành phố dự hội nghị, chả biết bố trí họ ở đâu. Đã có quyết định lấy khu nhà này cho Xô viết quận dùng làm nhà khách cho các đại biểu qua lại và đặt tên là Chung cư Tiverzin, vì đồng chí Tiverzin đã sống ở đây trước khi bị đi đày, như mọi người đều biết. Không ai phản đối chứ? Bây giờ sang vấn đề di chuyển các hộ khỏi khu nhà này. Đó là biện pháp tương đối lâu dài, các đồng chí còn cả một năm chuẩn bị. Bà con dân lao động, chúng tôi sẽ lo liệu giùm chỗ ở, còn dân phi lao động thì xin báo trước để tự liệu ấy và chúng tôi cho họ thời hạn mười hai tháng.
- Ai là người phi lao động ở đây? Khu nhà này chẳng có ai là người phi lao động cả? Tất cả đều là dân lao động…
Cả phòng họp nhao nhao lên, và một giọng hét to:
- Đó là chủ nghĩa sô- vanh nước lớn! Mọi dân tộc bây giờ đều bình đẳng. Tôi biết chị ám chỉ cái gì rồi.
- Yêu cầu phát biểu từng người một. Cứ nhao nhao thế này thì biết trả lời ai. Dân tộc nào mới được chứ? Sao lại có vấn đề dân tộc ở đây, công dân Vandyakin? Như bà Khrapughina chẳng hạn, hoàn toàn không phải là dân tộc dân tiếc gì đâu, song chúng tôi cũng sẽ mời đi chỗ khác.
- Mời đi? Để xem cô sẽ mời tôi đi như thế nào! Đồ đệm lõm! Đồ Thập chức! - mụ Khrapughina ném ra những biệt hiệu vô nghĩa để gọi vị đại diện Xô viết quận mà trong lúc nóng giận mụ nghĩ ra.
- Đồ rắn độc! Đồ quỷ cái! Mụ đúng là đồ vô liêm sỉ! - Bà Phatima tức tối mắng.
- Dì Phatima đừng dây vào; cứ để mặc tôi với mụ ta. Này mụ Khrapughina, mụ im đi. Thấy được đằng chân, mụ lân đằng đầu hả! Đã bảo im mồm ngay, nếu không tôi sẽ giao mụ cho cơ quan Nhà nước, khỏi cần chờ lúc họ đến bắt vì tội nấu rượu lậu và chứa chấp các phần tử bất hảo.
Tiếng ồn ào lên đến cực điểm. Người nói chẳng có người nghe. Lúc ấy Zhivago bước vào phòng họp, chàng đề nghị người đầu tiên ngồi cạnh cửa chỉ cho chàng một vị nào đó trong bản quản lý nhà. Người ấy bèn úp hai bàn tay làm loa trước miệng và gọi to át cả tiếng ồn ào nhao nhao:
- Phatima Galiulin! Ra đây. Có người hỏi.
Bác sĩ Zhivago tưởng mình nghe nhầm. Một bà gày gò, lưng hơi còng, bà gác cổng, bước ra. Chàng ngạc nhiên thấy bà ta với anh con trai quá ư giống nhau, nhưng chàng coi như chưa biết gì, chỉ nói:
- Có một phụ nữ ở trong khu nhà này (chàng nói tên họ chị ta) mắc bệnh thương hàn. Cần phải đề phòng không cho nó lây lan. Ngoài ra, cần phải chở bệnh nhân đi bệnh viện. Tôi viết giấy chứng nhận gửi chị ta đi, song phải có dấu của ban quản lý nhà. Tôi có thể làm việc ấy ở đâu và gặp ai?
Bà Phatima lại hiểu rằng bác sĩ nói đến việc chở bệnh nhân, chứ không phải là việc làm giấy tờ gửi đi bệnh viện.
- Có xe của Xô viết quận sắp đến đón nữ đồng chí Olia Demia, bà nói. - Đồng chí Olia tốt bụng lắm, tôi sẽ nhờ, đồng chí ấy thể nào cũng cho mượn xe. Đừng lo, đồng chí bác sĩ ạ, chúng tôi sẽ chở bệnh nhân của đồng chí đi ngay.
- Ồ tôi không hỏi chuyện ấy. Tôi chỉ hỏi có thể ngồi chỗ nào viết giấy chứng nhận và lấy dấu thôi. Nhưng nếu có một cỗ xe, thì càng hay… Xin lỗi, bác có phải là thân mẫu của trung uý Galiulin không ạ? Tôi với anh ấy cùng ở một đơn vị với nhau ngoài mặt trận.
Bà Phatima giật nảy mình và tái mặt đi. Bà nắm lấy cánh bác sĩ mà bảo:
- Ta ra ngoài kia nói chuyện tiện hơn.
Vừa bước ra ngoài ngưỡng cửa, bà đã nói luôn:
- Đừng nói to, cầu Chúa đừng để họ nghe thấy. Anh đừng hại tôi. Thằng Yuxupka là ai? Một thằng nhỏ học việc ở xưởng rồi làm thợ. Nó phải hiểu dân nghèo bây giờ sướng hơn hẳn hồi xưa, có đui mù cũng thấy được như thế, khỏi phải bàn cãi. Tôi không biết anh nghĩ sao, anh đi lính có lẽ chẳng sao, chứ thằng Yuxupka làm vậy là có tội, Chúa sẽ không tha thứ cho nó. Bố nó đi lính đã bị chết, chết thảm chết thương, nát cả mặt mũi, chân tay.
Bà nghẹn ngào không nói được nữa, bà phẩy tay, chờ cơn xúc động qua đi. Rồi tiếp:
- Ta đi nào. Tôi sẽ lo xe ngựa cho anh. Tôi biết anh là ai rồi. Thằng Yuxupka có về đây hai hôm, đã kể với tôi. Nó bảo, anh quen cô Lara Ghisarova. Cô ấy tử tế. Trước vẫn đến đây chơi, tôi nhớ. Bây giờ, ra sao, chả ai biết. Khó lòng có chuyện các ông lớn bà lớn chống lại nhau. Còn thằng Yuxupka như thế là có tội. Nào ta đi hỏi mượn cỗ xe. Đồng chí Olia sẽ cho mượn. Anh có biết đồng chí Olia là ai không? Ngày trước đồng chí ấy làm thợ ở xưởng may của mẹ cô Lara đấy. Thế đấy! Và cũng đã sống ở đây, ở khu nhà này. Nào, ta đi thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.