Bác Sĩ Zhivago

Chương 148:




Bác sĩ bận lút đầu với công việc của đoàn quân ở rừng. Mùa đông thì bệnh sốt phát ban, mùa hè thì bệnh kiết ly, cộng với số thương binh ngày một nhiều do chiến sự gia tăng.
Mặc dù gặp thất bại và chủ yếu phải rút lui, hàng ngũ du kích quân không ngừng được bổ sung bởi những người dân mới vùng dậy ở các vùng đoàn quân đi qua và bởi những người rời bỏ hàng ngũ kẻ thù chạy sang với du kích. Trong vòng một năm rưỡi Zhivago ở với họ, số lượng du kích quân đã tăng lên mười lần, thực sự bằng con số mà Liveri bịa ra để khoe khoang tại cuộc họp ban tham mưu bí mật ở thành phố Crestovozdvigiensck hôm nào.
Zhivago có thêm mấy y tá quân y mới ra trường, đủ trình độ cần thiết, phụ giúp chàng. Về điều trị thương binh, cánh tay phải của chàng là Kereni Laiot, đảng viên cộng sản Hungary, bác sĩ quân y bị áo bắt làm tù binh, mà ở trại người ta gọi là đồng chí Laiusi, và viên y sĩ người Khovat, tên là Anghelia, cũng là tù binh của áo. Với Laiot, Zhivago trao đổi bằng tiếng Đức, người thứ hai vốn gốc dân Slavơ miền Bancăng, thì hiểu lõm bõm đôi chút tiếng Nga.
Theo công ước quốc tế về Hội chữ thập đỏ, các bác sĩ quân y và nhân viên các đơn vị cứu thương không được quyền võ trang và tham chiến. Nhưng một lần bác sĩ Zhivago đã buộc phải vi phạm quy chế ấy, trái với ý muốn của chàng. Chàng bị đụng một trận đánh nhỏ giữa cánh đồng, phải chia sẻ số phận với các chiến hữu và phải bắn để tự vệ.
Đơn vị du kích nằm rải thành phòng tuyến ở bìa rừng. Zhivago nằm cạnh anh chiến sĩ điện báo. Phía sau lưng đơn vị là rừng tai ga, đằng trước mặt là một bãi trống khá rộng và trơ trụi nơi bọn bạch vệ đang xông lên tiến công.
Chúng đã tới rất gần, Zhivago nhìn rõ mặt từng người. Đó là những cậu thiếu niên, thanh niên trẻ măng xuất thân từ các tầng lớp không phải quân nhân của xã hội thủ đô, và những người nhiều tuổi hơn bị động viên từ lực lượng dự bị. Nhưng sự hăng hái được khởi xướng từ bọn trẻ, những sinh viên năm thứ nhất các học sinh trường trung học hệ tám năm mới ghi tên làm quân tình nguyện.
Bác sĩ không quen biết tên nào cả, nhưng khuôn mặt của một nửa số lính ấy khá quen thuộc đối với chàng. Một số tên gợi chàng nhớ đến các bạn học ngày xưa. Không chừng chúng nó là con em của họ cũng nên? Những đứa khác tựa hồ chàng thường gặp giữa đám đông trong nhà hát hay ngoài đường phố hồi xưa. Những khuôn mặt biểu cảm, hấp dẫn của chúng, chàng cảm thấy gần gũi, gần như của những người cùng giới với chàng.
Ý thức nghĩa vụ, theo quan niệm của chúng, đã khích lệ chúng trở nên hăng say cuồng nhiệt một cách vô ích và đầy khiêu khích. Chúng tiến thành một hàng thưa thớt, ưỡn ngực hiên ngang hơn cả sĩ quan ngự lâm quân, chúng bất chấp nguy hiểm, không thèm chạy từng quãng hoặc nằm xuống đất, mặc dù bãi trống có nhiều mô đất và gò đống dùng để ẩn nấp rất tốt. Làn đạn của quân du kích quét ngã chúng gần hết.
Ở giữa bãi trống trơ trụi, nơi bọn bạch vệ đang tiến công, có một cây bị chết cháy. Nó bị sét đánh, bị lửa thiêu, hoặc bị đốt sém bởi các cuộc giao tranh trước đây. Mỗi tên lính bộ binh tình nguyện kia trong lúc tiến lên đều nhìn vào cái cây ấy, cố chống chọi cái ý muốn nấp vào sau thân cây để nhắm bắn chính xác và an toàn hơn, nhưng chúng coi khinh nó và tiếp tục tiến tới.
Du kích chỉ có một ít đạn nên phải tiết kiệm. Lệnh đưa ra và được tất cả ủng hộ, là chỉ bắn từ cự ly gần và từ những vị trí thấy rõ mục tiêu!
Zhivago không có súng, nằm trên cỏ quan sát diễn biến trận đánh. Toàn bộ sự thông cảm chàng dành cho cái bọn trẻ đang chết một cách anh dũng kia. Chàng thật tâm mong cho chúng thắng trận. Đó là con em những gia đình rõ ràng rất gần gũi về tinh thần với chàng, có cùng nền giáo dục cùng nề nếp luân lý, cùng những quan niệm như chàng.
Chàng thoáng nảy ra ý nghĩ chạy xuóng bãi trống đầu hàng chúng, do đó sẽ lấy lại được tự do. Nhưng làm như thế là liều lĩnh, quá nguy hiểm.
Giả sử chàng chạy được tới giữa bãi trống, hai tay giơ cao, thì chàng có thể sẽ bị hạ thủ từ cả hai phía, vào lưng và vào ngực, phiá du kích thì để trừng phạt chàng về tội phản bội, phía bạch vệ thì vì không hiểu ý định của chàng. Chàng đã mấy lần lâm vào cảnh ngộ tương tự, chàng đã suy tính mọi khả năng và từ lâu đã gạt bỏ mọi kế hoạch trốn chạy ấy. Chàng đành nhẫn nhục bằng lòng với hai cảm xúc trái ngược ấy, nằm sấp hướng mặt về phía bãi trống, không có vũ khí, nấp mình trong cỏ mà theo dõi diễn biến trận đánh.
Song phải nằm một chỗ quan sát thụ động trận đánh một mất một còn đang diễn ra quanh mình thì quả là vô nghĩa và vượt quá sức người. Và vấn đề không phải ở lòng trung thành với cái bên đang cầm chân chàng, không phải ở sự tự bảo vệ mình, mà là ở chỗ phải tuân theo diễn biến trước mắt, phải phục tùng những quỵ luật của tấn thảm kịch đang diễn ra xung quanh chàng. Không tham gia vào đó tức là chống lại quy luật cần phải làm những gì người ta đang làm. Trận đánh đang diễn ra. Người ta đang bắn vào chàng và các chiến hữu của chàng. Cần phải bắn trả.
Bởi vậy khi anh chiến sĩ điện báo nằm bên cạnh chàng giãy đành đạch rồi nằm duỗi thẳng cẳng bất động, thì chàng bèn bò lại bên anh ta, gỡ lấy bao đạn và cây súng của anh ta, trở về chỗ cũ của mình, nạp đạn và súng và bắn hết viên nọ đến viên kia.
Nhưng lòng thương hại không cho phép chàng nhắm vào những thanh niên mà chàng cảm mến. Mà bắn chỉ thiên thì là hành động quá ngu ngốc và lố bịch, trái với dự định của chàng. Vì thế chàng chọn những lúc không có ai giữa tầm súng của chàng và mục tiêu, để nhắm bắn vào cái cây khô cháy. Chàng có thủ pháp riêng của chàng.
Lúc điểm ngắm chính xác dần, chàng khẽ ấn tay vào cò súng. Ấn rất nhẹ, theo kiểu bắn chơi, để viên đạn bay đi theo đúng dự kiến, trúng vào các cành thấp xung quanh cái cây cháy xém làm cho chúng rơi lả tả.
Nhưng than ôi! Dù chàng hết sức cẩn thận để khỏi bắn trúng ai, song kẻ này kẻ nọ trong đám lính đang tấn công vẫn hiện ra vào cái khoảnh khắc quyết định giữa chàng và mục tiêu để rơi đúng vào xạ tuyến khi súng nổ. Chàng đã bắn bị thương hai tên, tên thứ ba vô phúc gục chết gần gốc cây.
Cuối cùng tên chỉ huy bạch vệ cầm chắc là cuộc tấn công chỉ vô ích, bèn ra lệnh rút lui.
Đơn vị du kích ít người. Lực lượng chính không có ở đây: một số đang trên đường hành quân, một số đang giao chiến với những lực lượng lớn hơn của quân địch ở phía khác. Để khỏi bộc lộ sự thua kém về quân số của mình, anh em du kích không xông ra truy kích bọn địch.
Y sĩ Anghelia dẫn hai y tá mang cáng ra bìa rừng. Zhivago bảo họ săn sóc thương binh, còn chàng bước tới chỗ anh lính điện báo đang nằm bất động, với hy vọng mong manh rằng anh ta còn thở, may ra có thể cứu sống. Nhưng anh ta đã chết.
Để kiểm tra cho chắc chắn, Zhivago cởi cúc áo sơ mi trên ngực anh ta và áp tai nghe tim. Tim đã ngừng đập.
Người chết đeo ở cổ một cái hộp nhỏ đựng ảnh. Zhivago gỡ cái hộp ra. Trong hộp có một tờ giấy nhỏ được gấp lại, các mép gấp đã sờn hết, bọc trong một mảnh vải. Bác sĩ giở tờ giấy ra. Nó bị nát bở đến một nửa.
Mảnh giấy ghép những câu trích từ bài Thánh ca thứ 90, với những chữ sửa đổi và thêm thắt và dân chúng thường đưa vào các bài kinh và càng về sau càng xa với nguyên bản.
Những câu văn của giáo hội Slavơ được dịch sang tiếng Nga. Nguyên văn trong Thánh ca "Người sống dưới sự che chở của Đấng Tối cao", trong bản dịch lại trở thành đầu đề của lời cầu "Sự che chở sống động". Câu thơ trong Thánh ca: "Ngươi sẽ không sợ… mũi tên bay giữa ban ngày", lại biến thành lời khích lệ "Chớ có sợ mũi tên của chiến tranh". Thánh ca nói: "Bởi lẽ nó đã biết danh ta", thì trong tờ giấy ghi "Nó biết danh ta quá muộn". Và "Trong sầu não ta sẽ ở cùng ngươi… " bị viết chệch thành "Mùa đông giá lạnh sắp đến cùng ngươi".
Bản Thánh ca được coi là linh diệu, che mũi tên hòn đạn. Trong cuộc chiến tranh đế quốc 1914 - 1918, binh lính đã đeo nó làm bùa hộ mệnh. Hàng chục năm trôi qua và mãi về sau, những người bị giam cầm đã khâu nó vào quần áo và thầm đọc đi đọc lại khi bị gọi đi lấy cung vào ban đêm.
Từ chỗ anh chiến sĩ điện báo, Zhivago đi ra bãi trống, tới bên xác tên bạch vệ trẻ tuổi bị chàng bắn chết. Trên khuôn mặt khôi ngô của hắn, có thể đọc được những nét hồn nhiên vô tội và nỗi đau khổ đầy bao dung. "Mình giết hắn làm gì nhỉ?" - Zhivago tự hỏi.
Chàng cởi cúc áo capốt của hắn mở phanh vạt áo. Trên lớp vải lót, họ tên của hắn được thêu bằng chữ xiên xiên rất đẹp bởi một bàn tay cẩn thận và âu yếm, chắc là bàn tay người mẹ "Seriozha Ransevich".
Từ chỗ vạt áo sơ mi lòi ra một cây thánh giá nhỏ, một tấm ảnh đeo tròn tròn và một chiếc hộp dẹp bằng vàng, nắp hộp bị thủng một lỗ bằng đầu đinh. Chiếc hộp nửa đóng nửa mở. Một nảnh giấy gấp rơi ra. Zhivago giở mảnh giấy và tưởng mình nhìn nhầm: đó cũng chính là bản Thánh Ca số 90, có điều được in bằng tiếng Slavơ đúng như nguyên bản của nó.
Đúng lúc đó, Seriozha rên lên một tiếng, cựa quậy chân tay. Cậu ta còn sống. Sau đó mới biết cậu ta chỉ bị chấn thương nhẹ ở bên trong. Viên đạn ở cuối tầm bay đập vào mép cứng của lá bùa hộ mệnh người mẹ khâu cho cậu ta đã cứu cậu ta thoát chết. Nhưng biết làm gì với gã thiếu niên bất tỉnh nhân sự này?
Thời kỳ này, sự hung dữ của lính tráng lên tới cực điểm. Tù binh bị bắn bỏ giữa đường dẫn giải, thương binh của đối phương bị giết chết luôn tại trận.
Với thành phần luôn luôn thay đổi của quân đội ở rừng, khi thì nhận thêm những thợ săn mới, khi thì có kẻ bỏ trốn hoặc chạy sang hàng ngũ kẻ thù; nếu biết giữ bí mật thật cẩn thận, có thể nói dối mọi người rằng Seriozha là một chiến sĩ mới gia nhập đơn vị.
Zhivago lột lấy quần áo ngoài của anh chiến sĩ điện báo đã chết, rồi với sự trợ giúp của Anghelia, người mà chàng ngỏ cho biết ý đồ của chàng, chàng thay quần áo cho gã thiếu niên lúc ấy vẫn chưa tỉnh lại.
Chàng và viên y sĩ săn sóc cậu ta. Khi Seriozha hoàn toàn bình phục, họ để cậu ta ra đi, mặc dù cậu ta không giấu giếm hai ân nhân của mình, rằng cậu ta sẽ trở lại với quân đội Konchak và sẽ tiếp tục chiến đấu với Hồng quân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.