Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 41:




Cuộc vây thành La Rochelle.
Cuộc vây thành La Rochelle là một trong những sự kiện chính trị trọng đại dưới triều Vua Louis XIII, và là một trong những sự nghiệp quân sự lớn của Giáo chủ. Vì vậy sẽ thú vị và cần thiết nữa để nói đôi điều về việc đó. Vả lại nhiều tình tiết của cuộc vây hãm này liên hệ rất quan trọng đến câu chuyện này không thể bỏ qua.
Những quan điểm chính trị của Giáo chủ, khi ông quyết định cuộc vây hãm này rất quan trọng. Trước hết hãy trình nó ra, rồi sẽ chuyển sang những quan điểm riêng biệt có lẽ không kém ảnh hưởng đến Giáo chủ hơn những quan điểm trước của chính ông.
Những thành phố quan trọng mà Henri IV dành cho những người theo đạo Canvanh như những vị trí an toàn nay chỉ còn lại mỗi thành Rochelle, vị trí cuối cùng của giáo phái Canvanh này, cái mầm mống nguy hiểm không ngừng dính líu với những việc kích động nội loạn hay chiến tranh với nước ngoài.
Người Tây Ban Nha, người Anh, người Ý đều bất bình, khách lục lâm giang hồ, những binh lính gặp may của đủ mọi loại quân nghe thấy lời kêu gọi đầu tiên, đã đổ đến dưới cá cờ của bọn Tin lành, và tổ chức thành một hiệp hội rộng lớn mà các chi hội thoải mái phân nhánh trên khắp các điểm của châu Âu.
La Rochelle giữ một tầm quan trọng mới từ sự sụp đổ của những thành phố Canvanh khác, đã trở thành cái lò của những mối bất hòa và những tham vọng. Còn thêm nữa, hải cảng của nó là chiếc cửa cuối cùng mở ra cho bọn Anh vào vương quốc Pháp và nếu đóng nó lại với bọn Anh, kẻ thù vĩnh viễn của chúng ta, thì Giáo chủ sẽ hoàn tất được sự nghiệp của Janđa (1) và Công tước de Ghidơ, vậy nên, Bassompirre(2) vừa là Tin lành vừa Cơ đốc giáo, Tin lành trong tín ngưỡng và Cơ đốc giáo vì được ban tặng huân chương Thánh Trí tuệ(3). Bát xompie là người giữ vai trò chỉ huy đặc biệt cuộc bao vây thành La Rochelle, lại đi nhồi vào đầu nhiều lãnh chúa Tin lành khác như mình câu nói sau:
- Rồi các vị sẽ thấy là chúng ta khá ngu ngốc khi đánh chiếm thành La Rochelle!
Và Bassompirre đã đúng: Trận đại bác nã vào đảo Rê đã là khúc dạo đầu cho những vụ thảm sát ở Xêven(4) và việc đánh chiếm La Rochelle là phần lời tựa cho sắc lệnh Nante.
Nhưng như đã nói, bên cạnh những quan điểm của vị Thủ trướng muốn san bằng giai cấp, và đơn giản hóa bộ máy Nhà nước, thuộc về lịch sử, còn phải nhặn ra những mục tiêu nho nhỏ của một người đàn ông si tình và một tình địch cả ghen.
Richelieu đã từng si mê Hoàng hậu. Mối tình ấy ở ông là một mục đích chính trị hay chỉ hoàn toàn tự nhiên là một trong những mê đắm sâu sác mà Anne d' Autriche đem lại cho mọi người xung quanh? Đó là điều chúng ta không thể nói sao cho đúng.
Nhưng dẫu sao, qua những sự phát triển trước đây của chuyện này, người ta cũng thấy Buckingham đã nẫng tay trên mất của Richelieu trong vài ba trường hợp và đặc biệt trong chuyện những nút kim cương, nhờ sự tận tâm của ba chàng ngự lâm và lòng can đảm của D' Artagnan, đã chơi ông một vố tàn bạo.
Vì vậy đối với Richelieu, đây không những là tống cổ kẻ thù ra khỏi nước Pháp mà còn là trả hận một địch tình. Hơn nữa việc rửa hận phải lớn lao, rạng rỡ và hoàn toàn xứng đáng với một người nắm trong tay toàn bộ lực lượng vũ trang của vương quốc như thanh gươm chiến của mình.
Richelieu biết rằng trong khi chiến đấu với Anh quốc tức chiến đấu với Buckingham, thắng Anh quốc ông thắng luôn Buckingham, cuối cùng làm nhục nước Anh trước con mắt châu Âu cũng là làm nhục Buckingham trước mặt Hoàng hậu.
Về phía Buckingham, trong khi đặt danh dự nước Anh lên trước hết, cũng bị lay chuyển bởi những lợi ích tương đồng với những lợi ích riêng của Giáo chủ. Buckingham cũng theo đuổi một cuộc trả thù đặc biệt, Buckingham không thể viện được bất cứ cớ nào để có thể vào nước Pháp như một sứ thần, ông ta định vào đó như một kẻ chiến thắng.
Kết luận là khoản được thua đích thực trong canh bạc mà hai vương quốc hùng mạnh nhất chơi với nhau theo trò hứng trí của hai kẻ si tình chỉ đơn giản là cái liếc nhìn của Anne d' Autriche.
Lợi thế ban đầu thuộc về Công tước De Buckingham.
Bất ngờ có mặt ở đảo Rê với chín mươi chiến hạm và khoảng hai mươi nghìn quân, ông ta đột kích Bá tước de Toiras, người thay mặt nhà Vua trấn giữ đảo. Sau một trận giao chiến đẫm máu, Buckingham đã đổ bộ được lên đảo. Và Nam tước de Săngtan đã tử trận ở đây, để lại cô con gái mồ côi mười tám tháng tuổi, chính là nữ nhà văn De Xêvinhê sau này.
Bá tước De Toiras rút lui vào thành Saint-Martin, cùng với quân đồn trú và tung một trăm quân vào một pháo đài nhỏ mà người ta gọi là pháo đài De La Prê.
Biến cố đó đẩy nhanh những quyết định của Giáo chủ. Trong khi chờ đợi nhà Vua, và đích thân mình chỉ huy cuộc bao vây thành La Rochelle, Giáo chủ đã phái Hoàng đệ chỉ huy những trận đánh đầu tiên, và đưa tất cả các đạo quân có thể bố trí lên sân khấu chiến tranh.
D' Artagnan có mặt trong đạo quân tiên phong đó.
Nhà Vua, như đã nói, đáng lẽ đã đi theo, ngay khi họp xong Nghị viện, nhưng vừa đứng lên sau khi họp xong, ngày 23 tháng sáu, ông bị lên cơn sốt, không phải không muốn ra đi, nhưng thể trạng xấu thêm, buộc phải dừng lại ở Vilơroa.
Mà, nhà Vua dừng ở đâu, thì ngự lâm quân dừng ở đó, kết quả là D' Artagnan vốn chỉ đơn thuần là quân cận vệ ít ra đã tạm thời bị tách rời khỏi các bạn tốt của mình là Athos, Porthos và Aramis. Cuộc xa cách này chỉ là một sự bực dọc đối với chàng, chắc chắn đã trở thành một mối lo nghiêm trọng nếu như chàng đoán được những hiểm nguy chưa biết đang vây bọc quanh chàng.
Chàng vẫn đến được doanh trại thiết lập trước thành La Rochelle mà không gặp tai họa nào vào ngày 10 tháng 9 năm 1627.
Mọi việc vẫn trong tình trạng cũ. Quận công De Buckingham và quân Anh, làm chủ đảo Rê, tiếp tục bao vây không có kết quả thành Saint-Martin và pháo đài La Prê, và những trận giao chiến với La Rochelle đã bắt đầu từ vài ba hôm, nhân một pháo đài Quận công vừa cho xây dựng gần thành phố.
Quân cận vệ, dưới quyền chỉ huy của ông des Essarts đóng ở Minim. Nhưng D' Artagnan vẫn băn khoăn với tham vọng được chuyển sang Ngự lâm quân, ít thân mật với đồng đội, chàng thấy mình cô đơn, và đắm mình trong những suy nghĩ riêng tư.
Những suy nghĩ ấy không lấy gì làm vui vẻ lắm. Chàng đến Paris đã được hai năm. Chàng đã hòa mình vào những việc công. Những việc riêng tư như tình yêu và hạnh vận đều không được suôn sẻ lắm.
Về tình yêu, người đàn bà duy nhất chàng yêu là bà Bonacieux thì đã biến mất không để cho chàng khám phá ra được nàng đã ra sao.
Về hạnh vận, nhỏ nhoi như chàng mà lại biến mình thành kẻ thù của Giáo chủ, nghĩa là một con người mà đứng trước ông ta những bậc quyền quý nhất vương quốc bắt đầu từ nhà Vua, cũng phải run sợ.
Con người đó có thể nghiền nát chàng, tuy nhiên, ông ta lại không làm thế. Đối với một trí tuệ minh mẫn như D' Artagnan, sự độ lượng đó như một ánh sáng qua đó chàng nhìn vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế rồi, chàng lại biến mình thành kẻ thù của một kẻ khác ít đáng sợ hơn, chàng nghĩ vậy, tuy nhiên linh tính báo cho chàng biết không thể coi thường, đó là Milady.
Đổi lại tất cả những điều đó chàng có được sự che chở và sự ưu ái của Hoàng hậu, nhưng sự ưu ái của Hoàng hậu chả mấy chốc lại là cái cớ để thêm nhiều ngược đãi, và sự che chở của bà lại rất tồi, bằng chứng là Cale(5) và bà Bonacieux.
Cái mà chàng kiếm được rõ rệt nhất trong mọi chuyện đó lại là cái nhẫn kim cương đáng giá năm sáu nghìn quan chàng vẫn đeo trên tay. Và còn nữa, cái nhẫn kim cương ấy, giả dụ D' Artagnan trong những dự định đầy tham vọng của mình, giữ nó để một ngày nào đó minh chứng cho lòng biết ơn Hoàng hậu thì trong khi chờ đợi, vì không thể đem bán nó đi được, nên nó cũng chỉ có giá trị như viên sỏi lăn dưới chân chàng.
Nói tới viên sỏi lăn dưới chân chàng, bởi D' Artagnan đang một mình dạo chơi trên con đường nhỏ đẹp từ doanh trại đến làng Ănggúttanh, vừa đi vừa suy nghĩ. Suy nghĩ miên man khiến đi quá xa mà cũng không biết, trời bắt đầu tà, trong tia nắng cuối cùng của mặt trời xế bóng, chàng như trông thấy lóe lên đằng sau một bờ giậu một họng súng hỏa mai.
D' Artagnan mắt tinh và nhanh trí, hiểu ngay khẩu súng hỏa mai không đến đó một mình và kẻ đang mang nó không phải nấp sau bờ giậu với ý đồ thân thiện. Chàng quyết định lánh xa ra, thì bên kia đường, sau một tảng đá, chàng thấy đầu một nòng súng hỏa mai thứ hai.
Rõ ràng là một cuộc phục kích.
Chàng đưa mắt nhìn khẩu súng thứ nhất, có phần lo ngại khi thấy nó đang hạ xuống hướng về phía mình, nhưng ngay khi thấy họng súng bất động, chàng vội nằm sấp xuống đất. Vừa kịp lúc súng nổ và chàng nghe thấy tiếng đạn réo qua đầu.
Không để mất một phút, D' Artagnan vùng ngay dậy và ngay lúc đó viên đạn của khẩu hỏa mai kia làm bay những viên sỏi đúng nơi chàng vừa nằm xuống đất.
D' Artagnan không phải là một kẻ can trường vô ích đi tìm cái chết lố lăng để được người ta nói là hạng người không chịu lùi một bước. Vả lại không phải chuyện can đảm ở đây.
D' Artagnan đã rơi vào một âm mưu sát hại. Chàng tự nhủ, nếu có phát thứ ba, mình chết rồi!
Thế là ngay lập tức chàng vắt chân lên cổ chạy trốn về phía doanh trại, với tốc độ nổi tiếng của dân xứ chàng. Nhưng dù có chạy nhanh đến đâu, thì tên bắn trước đã kịp nhồi lại thuốc súng và bắn chàng phát thứ hai khá trúng. Viên đạn xuyên qua mũ chàng và làm bay mũ xa đến mươi bước.
Thế nhưng D' Artagnan không còn chiếc mũ nào khác, nên chàng phải vừa chạy vừa nhặt lấy mũ, vừa chạy vừa thở, mặt tái nhợt đi, về đến nơi trú quân, rồi ngồi xuống lẳng lặng bắt đầu suy nghĩ.
Sự cố đó có thể có ba nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên và cũng là tự nhiên nhất, có thể đây là một ổ phục kích của bọn Rochelle, chắc chẳng thấy phiền lòng khi giết một cận vệ của nhà Vua, trước hết bởi ít nhất đấy cũng là một kẻ thù, và kẻ thù biết đâu lại không có một bọc vàng trong túi.
D' Artagnan cầm mũ, xem lỗ thủng viên đạn và lắc đầu.
- Không phải đạn súng hỏa mai, đó là viên đạn của loại súng có bệ tì, sự chính xác của viên đạn khiến chàng nghĩ nó phải được bắn ra từ một vũ khí đặc biệt, đây không phải một ổ phục kích quân sự một khi viên đạn không thuộc cỡ súng quân dụng.
Đó cũng có thể là một kỷ niệm quý hóa của Giáo chủ. Chàng nhớ lại lúc đó, nhờ có một tia sáng mặt trời may mắn, chàng mới nhìn thấy cái nòng súng và lấy làm ngạc nhiên về tính kiềm chế của Đức ông trong chuyện này.
Nhưng rồi D' Artagnan lại lắc đầu. Đối với những kẻ mà Đức ông chỉ cần giơ tay ra, ông hiếm khi phải dùng đến những thủ đoạn đó.
Có thể đó là sự trả thù của Milady. Có thể có khả năng này hơn.
Chàng tìm cách nhớ lại những nét dạng hay trang phục những tên sát thủ nhưng vô ích. Chàng chạy quá nhanh để thoát khỏi chúng, còn thì giờ đâu để chú ý đến điều gì.
- Ôi các bạn chia sẻ đắng cay của tôi ơi - D' Artagnan lẩm bẩm - các bạn ở đâu? Sao tôi nhớ các bạn đến thế!
D' Artagnan trải qua một đêm thật là tồi tệ. Ba bốn lần chàng giật mình tỉnh dậy, như thấy có người lại gần giường cầm dao đâm mình. Tuy nhiên cho đến rạng sáng bóng đêm không đem đến sự cố gì.
Nhưng D' Artagnan ngờ rằng cái công việc bị trì hoãn này không phải đã mất đi.
Suốt ngày chàng không ra khỏi nơi trú quân, tự bào chữa cho mình vì trời xấu.
Ngày hôm sau nữa, khoảng chín giờ, hai bên đánh nhau.
Quận công De Oóclêăng đi thị sát các vị trí chiến đấu, quân cận vệ vơ lấy vũ khí tập hợp lại, D' Artagnan xếp hàng giữa các đồng ông Hoàng thị sát mặt trận. Các sĩ quan cao cấp, ông des Essarts, đại úy cận vệ, cũng như những người khác đến bên ông Hoàng để chúc tụng.
Một lát sau hình như ông des Essarts ra hiệu cho D' Artagnan lại gần mình, chàng sợ mình hiểu nhầm, đang đợi ông ra hiệu lần nữa, quả nhiên ông ra hiệu lần nữa, chàng liền chạy ra khỏi hàng ngũ, tiến lên để nhận lệnh.
- Đức ông yêu cầu một số người tình nguyện làm một nhiệm vụ nguy hiểm, và sẽ thưởng huân chương cho người nào hoàn thành nhiệm vụ. Và ta đã ra hiệu cho ông hãy sẵn sàng.
- Xin cám ơn, ông đại uý! - D' Artagnan trả lời, không đòi hỏi gì hơn là được tỏ ra nổi trội trước mặt ông trung tướng.
Quả thật, bọn Rochelle đã ra khỏi thành ban đêm và đã chiếm lại được một pháo lũy mà quân đội bảo hoàng đã chiếm trước đây hai ngày. Vấn đề là cần phải tung một nhóm trinh sát quyết tử để xem quân đối phương phòng thủ pháo lũy đó ra sao.
Một lát sau Đức ông cất cao giọng nói:
- Để làm nhiệm vụ này, ta cần ba bốn người tình nguyện do một người chín chắn điều khiển.
- Thưa Đức ông, về con người chín chắn, tôi đã có sẵn trong tay - Ông des Essarts vừa nói vừa chỉ D' Artagnan, còn về bốn năm người tình nguyện, Đức ông chỉ việc cho biết ý đồ của ngài, người sẽ không thiếu đâu.
D' Artagnan vung gươm nói:
- Bốn người quyết tâm cao sẵn sàng chết cùng tôi!
Hai trong số bạn cận vệ đồng ngũ lao ra ngay và hai người lính khác cũng ra theo họ, quân số yêu cầu đã đủ, D' Artagnan từ chối mọi người khác dành ưu tiên cho mấy người trước.
Không biết liệu sau khi chiếm lại được pháo lũy, bọn Rochelle đã sơ tán hết hay để quân lại đồn trú, vậy nên phải đến rất gần địa điểm đã định để quan sát mới xác định được thực hư thế nào.
D' Artagnan ra đi cùng bốn đồng đội, theo một đường hào, hai cận vệ đi ngang hàng với chàng và hai người lính đi phía sau.
Được che lấp bằng những lớp tường bao, họ cứ như thế tiến bước đến chỗ cách pháp lũy một trăm bước, tới đây, D' Artagnan ngoảnh lại, thấy hai người lính biến mất. Chàng tưởng họ sợ đã tụt lại phía sau, nên tiếp tục tiến bước.
Tới chỗ ngoặt của bức tường bao ngoài, họ chỉ còn cách pháo lũy khoảng sáu mươi bước. Họ chẳng nhìn thấy ai và pháo lũy như thể bị bỏ hoang.
Ba người ngơ ngác bàn nhau có nên tiến nữa hay không, bất thình lình một vành khói bao quanh pháo lũy bằng đá khổng lồ, và một tá đạn véo véo xung quanh D' Artagnan và hai đồng ngũ của chàng.
Thế là họ đã biết được điều họ muốn biết: pháo thành vẫn được canh giữ. Trụ lâu tại vị trí nguy hiểm này là một sự bất cẩn không cần thiết, D' Artagnan và hai cận vệ quân quay lại, bắt đầu rút lui giống như một sự chạy trốn.
Đi đến góc hào có tác dụng với họ như một chiến lũy, một cận vệ quân ngã xuống, một viên đạn xuyên qua ngực. Người kia không việc gì tiếp tục chạy về trận tuyến của mình.
D' Artagnan không muốn bỏ rơi đồng ngũ của mình liền cúi xuống nâng anh ta dậy và dìu trở về chiến tuyến của mình.
Nhưng cùng lúc đó hai phát súng bắn ra, một viên đạn bắn vỡ đầu người lính cận vệ đã bị thương, và viên khác bay đến bẹt ra trên một tảng đá, sau khi sượt qua D' Artagnan hai đốt ngón tay.
Chàng quay phắt lại, bởi cuộc tấn công này không từ pháo lũy mà từ chỗ này ngay góc chiến hào. Nghĩ tới hai tên lính đã bỏ rơi chàng, chàng liền nhớ lại hai tên sát thủ hôm trước nữa.
Thế là chàng quyết định lần này phải tìm cho ra nguyên cớ, và ngã lên thi thể người bạn làm như mình đã chết.
Chàng thấy ngay hai cái đầu ngóc lên trên một công sự bỏ hoang cách đó ba mươi bước chân, đó chính là đầu hai người lính đã đi theo chàng.
D' Artagnan đã không nhầm, hai tên đó đi theo chỉ để ám sát chàng, hy vọng sẽ đổ được cái chết của chàng trai trẻ cho kẻ thù.
- Có điều sợ rằng chàng có thể chỉ bị thương và sẽ tố cáo tội ác của chúng, chúng phải đến gần để kết liễu đời chàng. May sao, bị lừa bởi mưu kế của D' Artagnan, bọn chúng không nạp lại thuốc súng.
Khi chúng đến cách chàng mười bước, D' Artagnan khi vờ ngã vẫn cẩn thận không rời khỏi tay gươm, bất thình lình đứng vụt dậy và nhẩy phắt đến bên chúng.
Những tên sát thủ hiểu rằng nếu chúng chạy trốn về phía phòng tuyến quân Pháp mà chưa giết chết được người định giết, thì sẽ bị tố cáo. Cho nên ý nghĩ đầu tiên đến với chúng là nhảy sang hàng ngũ kẻ thù. Một trong hai tên cầm nòng súng quay ngược lại dùng làm cây chùy và phang một đòn khủng khiếp vào D' Artagnan, chàng nhảy sang một bên và tránh thoát, nhưng do vậy, chàng đã để lối thoát cho tên cướp lao ngay về phía pháo lũy.
Vì bọn Rochelle canh giữ không biết rõ ý đồ của kẻ chạy đến với chúng, chúng nhả đạn về phía tên này. Y ngã xuống vì bị trúng một phát đạn vỡ vai.
Trong khi đó, D' Artagnan đã nhảy vào tên thứ hai, dùng gươm tấn công hắn, trận đấu không kéo dài, tên kia chỉ chống đỡ bằng khẩu súng có bệ tì chưa nạp thuốc, mũi gươm của chàng cận vệ lướt qua nòng súng đã trở nên bất lực và xuyên qua đùi tên sát thủ. Hắn ngã xuống. D' Artagnan dí ngay mũi gươm và họng hắn.
- Ôi! Đừng giết tôi! - Tên cướp kêu lên - xin tha chết, xin tha chết, ngài sĩ quan? Tôi sẽ nói ra hết với ngài.
Chàng dừng tay lại hỏi:
- Bí mật của mày có bõ công tao tha chết cho mày không?
- Có, có, nếu ông coi cuộc sống còn đáng chút gì đó khi người ta mới hăm hai tuổi như ông và đẹp trai, can trường như ông, và có thể đạt tới mọi điều tốt đẹp.
- Đồ khốn! - D' Artagnan nói - Có nói mau lên không nào, ai sai mày ám sát tao?
- Một người đàn bà tôi không quen biết, nhưng người ta gọi là Milady.
- Nhưng nếu mày không biết mụ ấy, làm sao mày lại biết tên?
- Bạn tôi biết bà ta và gọi tên như vậy, và bà ta làm việc với hắn chứ không phải với tôi. Hắn còn có trong túi hắn một bức thư của bà ta, chắc phải rất quan trọng đối với ông theo như tôi được nghe hắn nói.
- Nhưng làm sao mày lại dự phần một nửa trong cuộc mai phục đó?
- Hắn đề nghị tôi hai người cùng làm và tôi đã nhận lời.
- Và mụ ta đã trả cho chúng mày bao nhiêu cho cuộc mạo hiểu đẹp đẽ này?
- Một trăm louis.
- Thế à, trả hậu đấy! - Chàng vừa nói vừa cười - Mụ cho là tao cũng đáng giá đấy chứ, những một trăm louis cơ mà - Một số tiền lớn cho hai tên khốn kiếp chúng mày, vì vậy tao hiểu tại sao chúng mày nhận, và tao tha chết cho mày với một điều kiện?
- Điều kiện gì? - Tên cướp hỏi và lo lắng vì thấy mọi chuyện chưa xong.
- Mày phải đi lấy bức thư trong túi bạn mày cho tao.
- Nhưng - Tên cướp kêu lên - Đó là cách khác để giết tôi. Làm sao tôi có thể đi tìm bức thư ấy dưới hỏa lực của pháo luỹ?
- Tuy nhiên mày vẫn phải đi tìm, nếu không tao thề sẽ tự tay tao giết chết mày.
Tên cướp quỳ sụp xuống và chống tay lên vì bắt đầu yếu sức do mất máu và kêu lên:
- Xin tha tội chết! Thưa ngài, xin rủ lòng thương! Hãy vì người đàn bà trẻ mà ngài yêu và vẫn tưởng có lẽ đã chết, nhưng không phải thế!
- Và do đâu mày biết có một người đàn bà trẻ tao yêu và tao tưởng người ấy đã chết? - D' Artagnan hỏi.
- Do bức thư trong túi bạn tôi.
- Thế thì mày càng thấy tao cần bức thư thế nào - D' Artagnan nói - như vậy đừng chậm trễ thêm nữa, đừng ngần ngừ thêm nữa, nếu không cho dù tao có ghê tởm đến đâu phải nhúng mũi gươm của tao lần thứ hai vào máu một tên khốn kiếp như mày, tao xin thề trước lòng tin của một người lương thiện…
Nói đến đấy, D' Artagnan làm một động tác hăm dọa khủng khiếp khiến kẻ bị thương vội đứng dậy, nỗi khiếp hãi khiến y lấy lại được can đảm, cuống cuồng kêu lên:
- Xin dừng lại! xin dừng lại! Tôi sẽ đi… Tôi sẽ đi!…
D' Artagnan cầm lấy súng của tên lính, bắt nó đi trước, tỳ mũi gươm vào mạng mỡ đẩy nó đến chỗ bạn nó.
- Thật là một điều ghê rợn khi nhìn tên khốn kiếp để lại trên đường nó đi qua một vệt máu dài, mặt tái nhợt vì cầm bằng cái chết, cố lê đi để không bị phát hiện tới chỗ xác tên đồng mưu nằm chết cách đó hai mươi bước! Nỗi khiếp hãi in lên trên khuôn mặt lạnh toát mồ hôi, khiến D' Artagnan động lòng thương, chàng nhìn y một cách khinh bỉ và bảo y:
- Nghe đây, ta sẽ tỏ ra cho mày thấy sự khác nhau giữa một con người dũng cảm và một kẻ hèn nhát như mày. Mày cứ ở lại, tao đi tiếp.
Và với bước chân nhanh nhẹn, mắt theo dõi, quan sát những động thái của quân thù, lợi dụng những địa hình lồi lõm, chàng đến được chỗ tên lính thứ hai.
- Có hai cách đạt được mục đích của mình: lục soát ngay tại chỗ hoặc lôi hắn đi dùng hắn như một cái khiên che thân chàng rồi lục soát hắn trong đường hào.
D' Artagnan thích dùng cách thứ hai hơn và xốc tên sát thủ lên vai vừa đúng lúc hỏa lực của địch quân bắn ra. Một cái giật nhẹ, tiếng kêu đục của ba viên đạn cắm vào thịt, một cái rùng mình hấp hối đã chứng tỏ cho D' Artagnan thấy kẻ địch ám sát chàng vừa cứu mạng chàng.
D' Artagnan về tới đường hào, ném cái thây ma xuống cạnh tên bị thương cũng nhợt nhạt như một người chết.
Ngay tức khắc chàng bắt đầu lục soát xác chết: một ví da, một túi tiền đương nhiên có một nửa số tiền tên cướp đã nhận được, một ống sừng gieo xúc xắc và mấy con xúc xắc, hợp thành tài sản của kẻ bị chết.
Chàng để mặc ống gieo và xúc xắc rơi ra đất, ném túi tiền cho tên bị thương và mở ví ra.
Giữa vài thứ giấy tờ không quan trọng, chàng tìm thấy bức thư, chính là bức thư chàng đã liều mạng để tìm ra.
"Một khi các anh đã mất dấu vết của mụ đàn bà và bây giờ mụ đang an toàn trong một tu viện mà các anh đáng lẽ không được để mụ đến đó, vậy hãy cố ít nhất đừng để hụt gã đàn ông. Nếu không, các anh sẽ biết ta có bàn tay dài như thế nào và các anh sẽ phải trả đắt món một trăm đồng louis nhận của ta".
Không có chữ ký. Tuy nhiên rõ ràng bức thư là của Milady.
Do đó, chàng giữ nó như một tang chứng và để an toàn, chàng tiến hành thẩm vấn tên bị thương ở góc chiến hào. Tên này thú nhận cùng với bạn mình, vẫn cái tên vừa bị giết ấy, được giao trách nhiệm bắt cóc một thiếu phụ sẽ phải ra khỏi Paris qua trạm La Vilét nhưng vì dừng lại chén chú chén anh trong một quán rượu, chúng tóm hụt chiếc xe mươi phút.
- Nhưng chúng bay sẽ làm gì người đàn bà ấy? - D' Artagnan lo lắng hỏi.
- Chúng tôi phải giao người ấy cho một tòa nhà ở quảng trường Hoàng gia - Tên bị thương nói.
- Đúng rồi! Đúng rồi! - D' Artagnan lẩm bẩm - Đúng là như vậy, đến chính nhà Milady.
Lúc đó, D' Artagnan mới rùng mình hiểu ra cơn khát trả thù khủng khiếp đã đẩy mụ đàn bà đó đến mức làm hại chàng và cả những người rất mực yêu chàng, và một khi mụ đã phát hiện ra tất cả như thế, đủ biết mụ thông thạo công việc triều chính đến thế nào. Chắc chắn mụ phải lấy những tin tức Từ Giáo chủ.
Nhưng ở giữa tất cả mọi cái đó, chàng hiểu, với một tình cảm vui mừng thực sự là Hoàng hậu cuối cùng đã tìm ra nhà tù mà nàng Bonacieux tội nghiệp vì tận tậm hết sức phải chịu, và đã giải thoát nàng khỏi nhà tù đó. Vậy là bức thư chàng nhận được của thiếu phụ và việc nàng đi qua con đường Sayô, đi qua như một sự hiện hình đã được giải thích rõ.
Từ đó, như Athos đã tiên đoán, có thể tìm lại được bà Bonacieux và một tu viện không phải là không với tới được.
Nghĩ vậy nên lòng độ lượng trở lại với chàng. Chàng quay lại tên bị thương đang lo lắng theo dõi những biểu hiện khác nhau trên nét mặt chàng và chìa cánh tay ra bảo:
- Vịn vào đây rồi cùng trở về chiến tuyến, tao không muốn bỏ lại mày như thế.
- Vâng - Tên bị thương không tin nổi có sự đại lượng đến thế - Nhưng không phải để treo cổ tôi lên đấy chứ?
- Mày đã được tao hứa rồi - Chàng nói - và lần thứ hai, tao hứa tha chết cho mày.
Tên bị thương liền quỳ xuống và lại hôn chân lần nữa người đã tha mạng hắn, nhưng D' Artagnan không có lý do nào để cảm nhận quá gần kẻ thù như thế, liền cắt phăng những biểu lộ biết ơn ấy đi.
Người lính cận vệ trở về sau loạt súng đầu tiên của pháo lũy đã báo bốn đồng đội bị chết cả, nay thấy chàng trai trẻ lại hiện ra bình an vô sự, mọi người trong binh đoàn đều hết sức ngạc nhiên và vui sướng.
D' Artagnan giải thích vết gươm đâm của tên đồng đội bằng cách bịa ra chuyện phá vây. Chàng kể lại cái chết của tên lính kia và những nguy hiểm mà họ đã trải qua. Câu chuyện kể lại đối với chàng là một cuộc khải hoàn đích thực. Toàn đơn vị nói suốt ngày về cuộc trinh sát này và Đức ông đã gửi lời khen ngợi và chúc mừng chàng.
Hơn nữa, vì mọi hành động đẹp đẽ đều đáng được phần thưởng của chính nó nên hành động đẹp đẽ của D' Artagnan cũng có kết quả là trả lại cho chàng sự bình yên đã mất. Quả vậy, D' Artagnan tin có thể được bình yên, vì hai kẻ thù, một đã bị chết, và kẻ kia trở nên trung thành với chàng.
Sự bình yên này chứng tỏ một điều, là D' Artagnan còn chưa hiểu hết Milady.
Chú thích:
(1) Nữ anh hùng Pháp thế kỷ 15 chống lại quân Anh xâm lược và bị thiêu sống.
(2) Bassompirre. Thống chế và là nhà ngoại giao Pháp, giữ rất nhiều trách nhiệm khác nhau ở Thụy Sĩ, Italia và Anh quốc. Bị tống giam trong ngục Bastille 12 năm vì đã có âm mưu chống lại Giáo chủ Richelieu. Để lại những tập hồi ký rất thú vị.
(3) Huân chương do vua Henri III đặt ra năm 1578 trong cuộc chiến giữa liên minh tôn giáo với giáo phái Canvanh
(4) Cuộc thảm sát người Tin lành ở miền Trung nước Pháp, nhất là ở vùng Cêven trước và sau sắc lệnh Nante.
(5) Hầu tước De Taleiran de Cale, sủng thần của Louis XIII bị buộc tội âm mưu chống lại Giáo chủ Richelieu, bị bắt ở Nante và bị chặt đầu năm 1626
Alexandre Dumas
Ba người lính ngự lâm
Dịch giả: Nguyễn Bản

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.