Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 25: Vụ bê bối ở avonlea




Một sáng tháng Sáu tươi đẹp nọ, hai tuần sau cơn bão của bác Abe, Anne từ vườn chầm chậm đi xuyên qua sân trước Chái Nhà Xanh, tay cầm hai cành thủy tiên trắng ẽo ợt.
“Nhìn này, bác Marilla,” cô buồn bã thốt, giơ hai cành hoa lên trước mặt một bà đeo tạp dề vải bông kẻ ô xanh, vẻ mặt nghiêm nghị, tóc cuộn, đang đi vào nhà tay cầm một con gà đã nhổ sạch lông, “chúng là những nụ hoa duy nhất mà cơn bão bỏ qua... nhưng đến cả chúng cũng không hoàn hảo nữa. Cháu buồn quá... cháu muốn đặt hoa lên mộ bác Matthew. Bác ấy lúc nào cũng thích hoa loa kèn tháng Sáu cả.”
“Ta cũng thấy hơi nhơ nhớ mấy bông hoa,” bà Marilla thú nhận, “dù thương xót hoa hoét như thế thì thật không nên không phải khi có quá nhiều chuyện tồi tệ hơn xảy ra... trái cây lẫn hoa màu đều bị hư hỏng hết cả.”
“Nhưng mọi người đã bắt đầu gieo hạt lại,” Anne an ủi, “và ông Harrison nói nếu mùa hè thời tiết tốt thì hạt giống sẽ nảy mầm thôi mặc dù có muộn một chút. Và mấy cái cây thường niên của cháu lại nhú mầm lên lại... nhưng chao ôi, chẳng gì có thể thay thế những đóa loa kèn tháng Sáu. Hester Grey bé bỏng đáng thương cũng chẳng có đóa hoa nào. Tối qua cháu đi đến tận vườn của cô ấy, nhưng hoa đều bị hư hết cả. Chắc cô ấy sẽ nhớ chúng lắm.”
“Ta cho rằng cháu không nên nói những điều như thế, Anne ạ, thực sự là không nên,” bà Marilla nghiêm khắc. “Hester Gray đã chết ba mươi năm nay rồi, và linh hồn cô ta đang ở trên thiên đường... ta hy vọng thế.”
“Vâng, nhưng cháu tin cô ấy vẫn yêu thương nhớ nhung khu vườn của mình ở đây,” Anne nói. “Cháu dám chắc dẫu cháu có sống bao lâu trên thiên đường đi nữa, cháu vẫn sẽ thích nhìn xuống xem xem có ai đặt hoa lên mộ mình không. Nếu cháu có riêng một khu vườn như Hester Gray thì chắc phải mất hơn ba mươi năm trời, dẫu là đang ở thiên đường, mới có thể phù phép làm cháu khuây khỏa nỗi nhớ nhung nó.”
“Trời ơi, đừng để hai đứa trẻ sinh đôi nghe cháu nói chuyện như thế,” bà Marilla phản đối một cách yếu ớt rồi đem gà vào trong nhà.
Anne gắn bông thủy tiên lên tóc rồi đi ra cổng, cô đứng đó một lúc tắm mình trong ánh nắng tháng Sáu rực rỡ trước khi tất tả đi làm những công việc sáng thứ Bảy của mình, cảnh sắc đang dần tươi đẹp trở lại, mẹ thiên nhiên đang làm hết sức để gỡ bỏ dấu vết của cơn bão, và dẫu trong nhiều tháng tới việc đó vẫn chưa thể hoàn thành, kết quả đạt được lúc này cũng hết sức ấn tượng.
“Ta ước gì được rảnh rỗi nguyên ngày hôm nay,” Anne nói với chú chim sơn ca đang líu lo trên cành liễu, “nhưng một cô giáo làng đang có trách nhiệm phụ giúp nuôi lớn hai đứa trẻ sinh đôi thì không thể đắm mình trong sự lười nhác được, chim cưng à. Giọng hát của mi ngọt ngào quá, chú chim bé nhỏ. Mi đưa mọi cảm xúc của trái tim ta vào bài hát còn thuần thục hơn cả ta nữa. Ồ, ai đang đến thế nhỉ?”
Một chiếc xe ngựa tốc hành đang lóc cóc chạy ngược con đường, hai người ngồi ở ghế trước và một cái hòm lớn đằng sau. Khi nó chạy lại gầnr Anne nhận ra người đánh xe là con ông quản lý trạm xe lửa ở Bright River, nhưng người đồng hành thì không biết là ai... một bóng phụ nữ nhanh chóng nhảy xuống trước cổng khi ngựa còn chưa kịp dừng lại hẳn. Bà là một phụ nữ nhỏ bé xinh đẹp, tuổi rõ ràng là gần năm mươi hơn là bốn mươi, nhưng má đỏ hồng, mắt đen lay láy, tóc đen óng ả, đầu đội chiếc mũ đính hoa và lông chim xinh hết chỗ nói. Mặc dầu đi xe dọc đoạn đường bụi bặm dài gần tám dặm, nhìn bà vẫn gọn gàng tề chỉnh cứ y như vừa bước ra khỏi hộp quà.
“Đây có phải là nơi ông James A. Harrison sống không?” bà hỏi nhanh.
“Không, ông Harrison sống ở đằng kia,” Anne ngẩnngười ngạc nhiên.
“Ồ, tôi đã nghĩ rằng nơi này quá sạch sẽ mà... quá sạch nên không thể là nơi ở của James A., trừ phi ông ta đã thay đổi chóng mặt kể từ lần cuối tôi gặp,” quý bà nhỏ nhắn ríu ran. “Có phải James A. sắp cưới một phụ nữ nào đó sống ở vùng này không?”
“Không, không đâu,” Anne kêu lên, đỏ bừng mặt vẻ hối lỗi khi thấy người phụ nữ lạ mặt này tò mò nhìn mình, cứ như bà ta nghi ngờ rằng cô có ý đồ hôn nhân gì đó với ông Harrison vậy.
“Nhưng tôi đọc thấy vậy trên một tờ báo của đảo mà,” quý bà xinh đẹp lạ mặt khăng khăng. “Một người bạn gửi một bản có đánh dấu cho tôi... bạn bè lúc nào cũng sẵng sàng làm những việc kiểu ấy. Tên của James A. được viết ngay phía trên 'công dân mới.’”
“Ồ, mẩu tin ấy chỉ là để đùa thôi,” Anne nghẹn lời kinh ngạc. “Ông Harrison không có ý định kết hôn với bất cứ ai cả. Cháu đảm bảo với bác như thế.”
“Tôi rất vui khi biết thế,” quý bà hồng hào đáp, thoăn thoắt leo lên chỗ của mình trên xe ngựa, “bởi vì ông ta lỡ lập gia đình trước rồi. Tôi là vợ của ông ta. Ồ, cô cứ tự nhiên mà lộ vẻ ngạc nhiên đi. Tôi cho rằng ông ta đã giả danh là một người độc thân và làm hàng đống trái tim tan vỡ đây. Hừ hừ, James A.” bà gục gặc đầu về căn nhà trắng dài ở bên kia cánh đồng, “trò vui của ông đã kết thúc rồi. Tôi đã đến đây... dẫu tôi chẳng định đến làm gì cho phiền nếu không nghĩ rằng ông đang giở trò quỷ quái. Tôi cho rằng,” bà quay sang Anne, “cái con vẹt của ông ta vẫn láo toét như thường lệ, phải không?”
“Con vẹt của ông ấy... đã chết... hình như thế,” Anne lắp bắp, lúc này đến tên mình là gì cô còn không chắc nữa là.
“Chết! Vậy thì mọi việc sẽ ổn thỏa thôi,” quý bà hồng hào reo lên vui sướng. “Tôi có thể xử lý James A. nếu con chim đó khuất mắt tôi.”
Nói xong những lời bí ẩn như vậy, bà vui vẻ tiếp tục lên đường còn Anne chạy ngay tới cửa bếp để tìm bà Marilla.
“Anne, người phụ nữ đó là ai vậy?”
“Bác Marilla,” Anne long trọng nói nhưng ánh mắt lộ vẻ tinh nghịch, “trông cháu có giống như đang phát điên không?”
“Cũng chẳng điên hơn thường ngày bao nhiêu,” bà Marilla nói, nhưng chẳng có ý châm biếm nào.
“Ồ, vậy thì bác nghĩ cháu có tỉnh táo không?”
“Anne, cháu lại nói nhảm gì thế? Ta hỏi là người phụ nữ đó là ai?”
“Bác Marilla, nếu cháu không điên và không ngủ say, vậy thì bà ấy không phải xuất hiện trong giấc mơ của cháu... bà ấy là người thực. Dù sao chăng nữa, cháu chắc chắn mình không thể tưởng tượng ra một cái mũ như thế. Bà ấy nói mình là vợ ông Harrison, bác Marilla ạ.”
Đến phiên Marilla sững sờ nhìn cô.
“Vợ ông ta! Anne Shirley! Vậy thì ông ta giả vờ độc thân để làm quái gì?”
“Thực ra cháu không cho rằng ông ấy cố ý làm thế,” Anne cố đánh giá công bằng, “ông ấy chả bao giờ nói là mình chưa lập gia đình. Mọi người chỉ mặc định thế thôi. Ôi bác Marilla, bà Lynde sẽ nói thế nào về chuyện này đây?”
Họ biết được bà Lynde đã nói gì khi bà ghé thăm vào chiều hôm đó. Bà Lynde thậm chí cũng không ngạc nhiên nữa! Bà Lynde lúc nào cũng trông chờ một điều gì đó tương tự! Bà Lynde luôn biết có điều gì đó không ổn ở ông Harrison!
“Ai mà ngờ là ông ta bỏ rơi vợ chứ!” bà phẫn nộ. “Cứ như chuyện trong mấy tờ báo bên Mỹ vậy, nhưng ai ngờ lại xảy ra ở ngay Avonlea này?”
“Nhưng chúng ta đâu có chắc là ông ấy đã bỏ rơi vợ,” Anne phản đối, kiên quyết tin tưởng sự vô tội của bạnmình khi chưa có bằng chứng xác thực. “Chúng ta còn không biết chuyện xảy ra thế nào nữa là.”
“Ồ, sẽ sớm biết thôi. Tôi đi thẳng qua bên đó đây,” trong từ điển của bà Lynde chẳng có từ “tế nhị”. “Cứ cho là tôi chẳng biết gì về chuyện bà ta đến, và hôm nay ông Harrison có đem vài loại thuốc từ Carmody về cho Thomas, cho nên đó là một lý do tốt để ghé qua. Tôi sẽ tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện rồi kể lại với cả nhà trên đường về.”
Bà Lynde hấp tấp đến nơi mà Anne ngại ngần không dám đặt chân vào. Chẳng có gì có thể khiến cô ghé qua nhà ông Harrison bây giờ, nhưng dù sao thì cô cũng có tính tò mò bẩm sinh kha khá, và cô mừng thầm rằng bà Lynde sẽ lần ra manh mối của vụ bí ẩn này. Cô và bà Marilla bồn chồn chờ đợi bà Lynde quay về, nhưng đợi mãi mà chẳng có ai. Tối đó bà Lynde không ghé qua Chái Nhà Xanh như đã hứa. Lúc chín giờ, Davy từ nhà Boulter về, đã cho họ biết lý do.
“Cháu gặp bà Lynde và một phụ nữ lạ mặt ở dưới thung lũng,” nó giải thích. Và trời ơi, cứ nhìn hai người họ nói chuyện cùng lúc xem! Bà Lynde bảo cháu nói với mọi người bà ấy xin lỗi vì đã quá muộn nên không thể ghé qua. Anne, cháu đói khủng khiếp. Bọn cháu dùng trà ở nhà Milty lúc bốn giờ, và cháu nghĩ bà Boulter thật là keo kiệt. Bà ta chẳng cho cháu chút mứt hay bánh ngọt nào... đến bánh mì còn khô nữa là.”
“Davy, khi đến chơi nhà người khác thì không được chê bai đồ ăn người ta mời,” Anne nghiêm giọng. “Cư xử như vậy không hay chút nào.”
“Được rồi... cháu chỉ nghĩ thôi chứ không nói nữa,” Davy vui vẻ thốt. “Nhưng hãy cho cậu bé này ăn chút gì đi, cô Anne ơi.”
Anne nhìn sang bà Marilla, bà đã theo cô vào phòng lương thực và cẩn thận đóng cửa lại.
“Cháu phết ít mứt lên bánh mì của nó đi, bác biết bữa trà ở nhà Levi Boulter là như thế nào rồi.”
Davy cầm lát bánh mì phết mứt của mình rồi thở dài.
“Xét cho cùng thế giới này cũng khá là đáng chán,” nó nhận xét. “Milty có một con mèo hay ngất xỉu... nó ngất xỉu đều đặn mỗi ngày suốt ba tuần liên. Milty nói nhìn nó tức cười khủng khiếp. Hôm nay cháu cố ý xuống để xem nó ngất xỉu, nhưng cái đồ mèo già nhỏ nhen ấy chẳng chịu ngất xỉu gì cả mà cứ khỏe như vâm, dẫu Milty và cháu lẩn quẩn quanh nó chờ đợi suốt cả buổi chiều. Nhưng chẳng sao”... Davy tươi hẳn nét mặt khi được món mứt mận tuyệt vời xoa dịu linh hồn đang đói khát của mình... “có lẽ cháu sẽ xem được vào dịp nào đó. Chẳng có lý nào nó thôi không ngất xỉu hẳn khi đã có thói quen làm vậy lâu rồi, phải không? Món mứt này ngon khủng khiếp.”
Chẳng có nỗi buồn nào của Davy mà món mứt mận không chữa được.
Ngày Chủ nhật trời mưa tầm tã đến mức chẳng thò chân ra ngoài được, nhưng đến thứ Hai thì mọi người đều nghe được một phiên bản nào đó của câu chuyện gia đình Harrison. Tin đồn rì rầm lan truyền trong trường học, Davy về nhà với hàng đống tin tức mới.
“Bà Marilla, ông Harrison có một bà vợ mới... à, không hẳn là mới, nhưng họ đã ngừng kết hôn trong một thời gian dài, Milty nói vậy đó. Cháu luôn nghĩ rằng người ta phải giữ cuộc hôn nhân đến cùng khi đã lỡ bắt đầu, nhưng Milty nói không phải vậy, có nhiều cách chấm dứt kết hôn nếu hai bên không thống nhất được ý kiến. Milty nói một trong những cách đó là cứ bỏ ra ngoài để vợ ở lại nhà, và ông Harrison đã làm như vậy. Milty nói ông Harrison bỏ vợ vì bà ấy ném đồ đạc vào người mình... những vật cứng ấy... và Arty Sloane nói lý do là vì bà ấy không cho ông ấy hút thuốc, còn Ned Clay nói là vì bà ấy cứ quở trách ông ấy liên tục. Cháu sẽ không đời nào để vợ của cháu làm những chuyện như thế. Cháu sẽ kiên quyết phản đối, và nói rằng, 'Bà Davy, bà phải làm theo ý của tôi, bởi vì tôi là đàn ông.' Khi ấy cô nàng sẽ ngoan ngoãn hẳn, cháu chắc thế. Nhưng Annetta Clay lại nói bà ấy bỏ ông ấy vì ông ấy không chịu chùi chân trước khi vào nhà, và nó hoàn toàn không trách bà ấy. Cháu sẽ sang nhà ông Harrison ngay bây giờ để xem bà ấy là người thế nào.”
Davy mau chóng quay lại, có chút tiu nghỉu.
“Bà Harrison không có nhà... bà ấy đi Carmody với bà Rachel Lynde để mua giấy dán tường mới cho phòng khách. Và ông Harrison dặn cháu bảo côAnnesang gặp vì ông ấy muốn nói chuyện với cô Anne. Cho mọi người biết nhé, sàn nhà được chùi sạch, ông Harrison cũng cạo râu đàng hoàng, dẫu hôm qua không phải đi lễ.”
Căn bếp nhà Harrison nhìn hoàn toàn xa lạ với Anne. Quả thật, sàn nhà sạch như li như lau, và mọi đồ đạc trong phòng cũng y như thế, bếp lò được đánh bóng đến mức có thể soi gương được, tường quét vôi trắng và kính cửa sổ lấp lánh trong ánh nắng, ông Harrison bận bộ đồ lao động ngồi bên bàn, hôm thứ Sáu bộ quần áo đó vẫn còn rách rưới te tua, nhưng giờ nó đã được vá víu và ủi phẳng. Mày râu ông nhằn nhụi, túm tóc ít ỏi còn lại cũng được tỉa tót cẩn thận.
“Ngồi xuống đi, Anne, ngồi xuống đi,” ông Harrison nói với giọng hơi giống giọng người Avonlea chuyên dùng trong những dịp tang lễ. “Emily đã đi Carmodỵ với Rachel Lynde... bà ấy và Rachel Lynde đã trở thành bạn chí cốt rồi. Đúng là phụ nữ thật là trái ngược. Ôi, Anne, thời gian dễ chịu của tôi đã hết rồi... hết thực rồi. Phải sống ngăn nắp và sạch sẽ cho đến cuối cuộc đời, chắc là thế.”
Ông Harrison cố hết sức để giữ giọng u sầu hết mức có thể, nhưng ánh mắt lấp lánh không thể che giấu được đã phản bội ông.
“Ông Harrison, ông rất vui vì vợ mình quay lại,” Anne kêu lên, lúc lắc ngón tay trước mặt ông. “ông không cần giả vờ ngược lại đâu, vì cháu thấy rõ mồn một mà.”
Ông Harrison mặt giãn ra và nở một nụ cười bẽn lẽn.
“À... ừ... thì tôi cũng đang quen dần thôi,” ông thừa nhận. “Không thể nói là tôi không vui khi gặp lại Emily. Một người đàn ông cần phải có ai đó bảo vệ trong một cộng đồng như thế này, nơi ông ta chẳng thể sang chơi cờ với hàng xóm mà không bị buộc tội là đang đi tán tỉnh em gái hàng xóm và còn bị đăng lên báo nữa chứ.”
“Chẳng ai nghi ngờ bác đi tán tỉnh Isabella Andrews nếu bác không giả vờ là mình còn độc thân đâu,” Anne nghiêm khắc trách cứ.
“Tôi có giả vờ đâu. Nếu có ai hỏi thì tôi sẽ trả lời ngay là mình đã lập gia đình. Nhưng mọi người cứ cho chuyện tôi độc thân là đương nhiên. Tôi chẳng mấy hào hứng muốn nói về việc này... tôi vẫn còn chua chát lắm. Bà Rachel Lynde chắc sẽ sướng đến phát điên nếu biết vợ tôi đã bỏ tôi, có phải thế không?”
“Nhưng có người nói ông đã bỏ bà ấy.”
“Bà ấy bắt đầu trước, Anne ạ, bà ấy bắt đầu trước. Tôi sẽ kể cho cháu nghe toàn bộ câu chuyện, vì tôi không muốn cháu suy nghĩ xấu về tôi hơn mức tôi đáng nhận... và cả về Emily nữa. Nhưng chúng ta hãy đi ra hàng hiên đi. ở đây mọi thứ ngăn nắp phát sợ, đến mức làm tôi cảm thấy lạc lõng. Chắc một thời gian nữa tôi sẽ quen dần, nhưng nhìn ra sân khiến tôi dễ thở hơn. Emily chưa có thời gian dọn dẹp cái sân.”
Ngay khi họ thoải mái ngồi xuống ghế ở hàng hiên, ông Harrison bắt đầu câu chuyện buồn của mình.
“Tôi sống ở Scottsford, New Brunswick trước khi đến đây, Anne ạ. Chị tôi coi sóc nhà cửa cho tôi và chị ấy rất hợp với tôi, chị ấy chỉ sạch sẽ ở mức vừa phải, để tôi yên và chiều chuộng tôi quá đáng... Emily nói thế đấy. Nhưng chị ấy qua đời ba năm trước. Trước khi qua đời, chị ấy rất lo lắng về sau tôi sẽ thế nào và cuối cùng đã bắt tôi hứa là sẽ lập gia đình. Chị ấy khuyên tôi nên hỏi cưới Emily Scott vì Emily có thu nhập riêng và là một bà nội trợ mẫu mực. Tôi đã nói, 'Emily Scott không thèm để mắt đến em đâu.’’Em cứ hỏi đi rồi biết,’ chị tôi bảo thế, và để chị yên tâm tôi đã hứa sẽ hỏi. Và tôi đã làm thế thật. Và Emily bảo rằng bà ấy chịu lấy tôi. Chưa bao giờ tôi ngạc nhiên đến thế, Anne ạ... một phụ nữ bé nhỏ xinh đẹp thông minh như bà ấy và một lão già như tôi. Nói cho cháu biết, ban đầu tôi nghĩ mình thật may mắn. À, chúng tôi cưới nhau, đi nghỉ hai tuần ở St. John rồi về nhà. Chúng tôi về đến nhà lúc mười giờ tối, và tôi thề với cháu, Anne ạ, chỉ sau nửa tiếng, bà ấy đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. ôi, tôi biết cháu đang nghĩ nhà tôi cần được dọn dẹp... cháu có khuôn mặt rất biểu cảm, Anne ạ, mọi suy nghĩ của cháu hiện rõ mồn một ấy... nhưng nhà tôi không đến nỗi tệ thế. Tôi phải thú nhận là nó khá bừa bãi khi tôi sống có một mình, nhưng trước đám cưới tôi có nhờ một bà đến dọn dẹp và còn sơn sửa lại đáng kể nữa. Tôi nói cho cháu biết, nếu cháu dẫn Emily vào một tòa lâu đài cẩm thạch trắng mới tinh, bà ấy sẽ bắt tay lau chùi ngay sau khi tìm được một chiếc váy cũ để mặc. À, bà ấy lau chùi căn nhà tới tận một giờ đêm, và bốn giờ sáng bà ấy thức dậy để lau chùi tiếp. Và bà ấy cứ tiếp tục như thế... tôi chẳng thấy bà ấy dừng tay bao giờ cả. Lúc nào cũng chà, quét, phủi bụi, ngoại trừ Chủ nhật, vào Chủ nhật thì bà ấy chỉ mong mỏi mau đến thứ Hai để bắt tay làm tiếp. Nhưng đó là cách giải trí của bà ấy, và tôi cũng sẽ chiều theo nếu bà ấy để tôi yên. Nhưng bà ấy chẳng dễ thế. Bà ấy quyết tâm cải tạo tôi, nhưng tiếc là bà ấy không tóm được tôi khi tôi còn đủ trẻ. Tôi không được phép bước vào nhà trừ phi thay đôi bốt ra và mang đôi dép đặt sẵn ở cửa vào. Tôi chẳng dám hút lấy một điếu thuốc trừ phi chui vào kho. Và tôi nói chuyện không đúng ngữ pháp như bà ấy muốn. Hồi trẻ Emily từng là cô giáo làng, vậy nên bà ấy không tài nào chấp nhận được cách nói sai ngữ pháp. Rồi bà ấy ghét cái kiểu ăn bằng dao của tôi. Vâng, cứ thế đấy, cằn nhằn càu nhàu mãi không dứt. Nhưng Anne ạ, nói cho cùng, tôi cho rằng mình cũng thuộc loại quạu quọ khó ưa. Tôi không cố cải thiện hành vi như lẽ ra tôi có thể làm... Tôi chỉ phát cáu và bực bội mỗi khi bị bà ấy bới móc. Một ngày nọ, tôi nói với bà ấy là khi tôi cầu hôn thì bà ấy có chê tôi nói không đúng ngữ pháp đâu. Đó không phải là một lời nói khéo léo cho lắm. Một phụ nữ sẽ dễ tha thứ cho một người đàn ông đánh vợ hơn là kẻ dám ám chỉ rằng mình quá hăng hái muốn lấy chồng, ôi, chúng tôi cứ cãi cọ qua lại như thế và mọi chuyện không hẳn dễ chịu cho lắm, nhưng có thể chúng tôi sẽ chấp nhận nhau sau một thời gian ngắn nếu không có Gừng. Gừng chính là giọt nước làm tràn ly. Emily không thích vẹt và càng không chịu nổi cách nói chuyện thô tục của nó. Tôi thì thương con chim vì ông anh thủy thủ của mình, ông anh thủy thủ rất thân với tôi khi chúng tôi còn bé xíu, và anh ấy gửi Gừng cho tôi khi anh ấy đang hấp hối. Tôi thấy chả việc gì phải nóng máu vì thói chửi thề của nó. Tôi ghét nhất cái thói hỗn xược ở con người, nhưng bọn vẹt thì chỉ lặp lại những gì chúng nghe mà chẳng hiểu tí gì, cũng như tôi chẳng hiểu tiếng Tàu vậy, nên có thể thông cảm được. Nhưng Emily không chịu nhìn nhận như thế. Phụ nữ chẳng có lý chút nào. Bà ấy cố bắt Gừng không được chửi bậy, nhưng chẳng thành công lắm, cũng như khi bắt tôi không được nói là 'tôi tháy’ hay 'cái lũ chúng nó'. Dường như bà ấy càng cố thì Gừng càng tồi tệ, tôi cũng thế.
“Ôi, chuyện cứ tiếp diễn như thế, cả hai chúng tôi càng lúc càng gay gắt hơn, cho đến đỉnh điểm. Emily mời vợ chồng mục sư chỗ chúng tôi cùng vợ chồng một mục sư khác đang ở chơi nhà họ đến dùng trà. Tôi hứa là sẽ nhốt Gừng vào một góc khuất để không ai nghe thấy tiếng của nó... Emily chẳng bao giờ chịu chạm vào cái lồng dù có cách nó chừng chục bước... tôi định sẽ làm theo, vì tôi không muốn các vị mục sư nghe những lời khó chịu trong nhà mình. Nhưng tôi quên khuấy mất... Emily giày vò tôi quá nhiều về cổ áo sạch với lại ngữ pháp nên tôi có quên vài chuyện cũng chẳng có gì lạ... và tôi chẳng nhớ gì đến con vẹt đáng thương ấy cho đến khi ngồi vào bàn. Ngay khi mục sư số một đang nói lời cầu nguyện, Gừng ở hàng hiên bên ngoài cửa sổ phòng ăn bắt đầu cất giọng. Một con gà tây vừa bước vào sân, mà cứ thấy gà tây là Gừng lại phản ứng tồi tệ. Lần đó nó xuất sắc hơn hẳn ngày thường. Cháu cứ cười đi, Anne, và tôi không phủ nhận mình cũng cười khùng khục sau này khi nhớ lại, nhưng lúc ấy thì tôi thấy xấu hổ chẳng kém gì Emily. Tôi chạy ra đem Gừng vào chuồng bò. Tôi ăn không ngon miệng nữa. Nhìn Emily tôi biết ngay Gừng và James A. sắp gặp rắc rối to rồi. Khi khách khứa ra về, tôi đi ra đồng cỏ chăn bò, và trên đường đi, tôi suy nghĩ dữ lắm. Tôi cảm thấy tội cho Emily và cho rằng mình không thông cảm với bà ấy như đáng ra phải thế; ngoài ra, tôi còn lo không biết các mục sư có cho rằng Gừng học mấy lời chợ búa ấy từ tôi hay không. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định tốt nhất là nên tống khứ Gừng đi, và khi đưa bò về nhà, tôi bước vào định nói với Emily như vậy. Nhưng bà ấy không ở nhà, và trên bàn có một lá thư... y chang như trong truyện vậy. Emily viết rằng tôi phải chọn giữa bà ấy và Gừng, bà ấy quay về nhà mình và ở nguyên đấy cho tới khi tôi đến đón và bảo với bà ấy là tôi đã tống khứ con vẹt đi.
“Tôi tức điên lên, Anne ạ, tôi nói bà ấy cứ ở đó mà chờ cho tới ngày tận thế đi, và tôi cứ kiên quyết tới cùng như thế. Tôi dọn đồ của bà ấy và gửi hết sang cho bà ấy. Chuyện đó khiến mọi người bàn tán phát khiếp lên được... Scottsford cũng bà tám y hệt như Avonlea này vậy... và mọi người đều thông cảm với Emily. Điều đó làm tôi quạu quọ khó chịu, và tôi thấy rằng mình phải đi thôi nếu muốn yên thân. Tôi quyết định ra đảo. Hồi còn nhỏ tôi từng đến đây và thích vùng này, nhưng Emily lúc nào cũng nói rằng bà ấy sẽ không sống ở một nơi mà người dân không dám bước ra khỏi nhà vào buổi tối vì sợ té xuống nước. Thế là,để làm trái ý bà ấy, tôi chuyển tới đây. Và đó là toàn bộ câu chuyện. Tôi không biết tí tin tức gì về Emily cho đến khi tôi từ cánh đồng phía sau về nhà hôm thứ Bảy thì thấy bà ấy đang cọ sàn, nhưng trên bàn có bữa trưa ngon lành đầu tiên mà tôi có được từ khi bà ấy bỏ đi. Bà ấy bảo tôi cứ ăn đi rồi nói chuyện... do đó tôi kết luận rằng Emily đã học được cách sống hòa hợp với một người đàn ông. Thế là bà ấy ở đây, và sẽ ở lại luôn... khi thấy rằng Gừng đã chết và đảo lớn hơn hẳn so với điều bà ấy nghĩ trước đây. Bà Lynde và bà ấy về rồi kìa. Không, đừng đi, Anne. ở lại làm quen với Emily đi. Bà ấy khá ấn tượng với cháu hôm thứ Bảy rồi.... muốn biết cô gái tóc đỏ xinh đẹp ở nhà bên cạnh là ai.”
Bà Harrison nồng nhiệt chào đón Anne và nhất định ép cô ở lại dùng trà.
“James A. đã kể rất nhiều về cháu, cháu đã tốt bụng làm bánh trái và đủ thứ cho ông ấy ra sao,” bà nói. “Tôi muốn làm quen với tất cả các láng giêng mới của mình càng sớm càng tốt. Bà Lynde là một phụ nữ dễ mến, phải không? Hết sức thân thiện.”
Khi Anne đi về nhà trong ánh hoàng hôn dịu dàng tháng Sáu, bà Harrison cùng đi băng qua cánh đồng với cô, nơi đom đóm đang thắp lên những ngọn đèn nhấp nháy như sao.
“Chắc,” bà Harrison tâm tình, “James A. đã kể cho cháu nghe câu chuyện của chúng tôi?”
“Đúng vậy.”
“Thế thì tôi cũng chẳng cần kể lại nữa, vì JamesA. là một người công bằng và chỉ nói sự thật. Lỗi còn xa mới chỉ thuộc về ông ấy. Giờ tôi mới nhận ra điều đó. Về nhà chưa được một tiếng tôi đã bắt đầu hối hận giá như mình đừng có hấp tấp như vậy, nhưng tôi không chịu lùi bước. Giờ tôi mới thấy mình mong đợi quá nhiều ở một người đàn ông. Và tôi thật ngốc nghếch khi để ý đến ngữ pháp tồi tệ của ông ấy. Đàn ông có nói sai ngữ pháp cũng chẳng sao, chỉ cần ông ấy kiếm tiền nuôi gia đình và đừng có đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành là được. Tôi cho rằng James A. và tôi giờ sẽ hạnh phúc thực sự. Tôi ước gì mình biết 'Người quan sát' là ai để nói lời cảm ơn. Tôi quả thật đã mang nợ ân tình của ông ta.”
Anne giữ im lặng và bà Harrison không bao giờ biết rằng lòng biết ơn của bà đã được gửi cho đúng đối tượng. Anne cảm thấy khá hoang mang trước những hệ quả sâu rộng của những “mẩu tin” ngớ ngẩn đó. Chúng đã giúp hai vợ chồng làm hòa với nhau và khiến một nhà tiên tri trở nên nổi tiếng.
Bà Lynde đang ở trong bếp Chái Nhà Xanh. Bà đang kể đầu đuôi câu chuyện cho bà Marilla.
“Ồ, cháu có thích bà Harrison không?” bà Lynde hỏi Anne.
“Rất thích. Cháu nghĩ bà ấy là một phụ nữ thực sự dễthương.”
“Hoàn toàn chính xác,” bà Rachel nhấn mạnh, “và như tôi vừa nói với Marillla, tôi nghĩ chúng ta nên bỏ qua tính lập dị của ông Harrison vì bà ấy, và giúp bà ấy làm quen với cuộc sống ở đây, thế đấy. ôi, tôi phải về nhà thôi. Thomas chắc đang trông tôi lắm. Tôi đi ra ngoài được một chút vì Eliza tới, và ông ấy trông khá hơn nhiều mấy bữa nay, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn rời ông ấy quá lâu. Nghe nói Gilbert Blythe đã xin nghỉ dạy học ở White Sands. Tôi cho rằng cậu ta sẽ đi học đại học vào mùa thu.”
Bà Rachel liếc mắt sắc lẻm nhìn sang Anne, nhưng Anne đang cúi xuống bé Davy đang ngủ gà ngủ gật trên xô pha và mặt cô kín bưng bưng. Cô ẵm Davy đi, gò má con gái của cô áp lên mái tóc xoăn vàng của nó. Khi họ đi lên cầu thang, Davy quàng cánh tay mệt mỏi quanh cổ Anne, ôm chặt cô và hôn một cái hôn ướt nhẹp lên má cô.
“Cô dễ thương khủng khiếp, cô Anne ạ. Milty Boulter viết lên bảng cho Jenni Sloane coi hôm nay,
'Hoa hồng thì đỏ, violet thì xanh.
Đường thì ngọt và em cũng thế.’
Và những lời đó diễn tả chính xác cảm xúc của cháu đối với cô, cô Anne ạ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.