Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 26:




Tôi đã gởi đi trước cho mình một thùng sách, ngay trước khi rời New York đến Ý. Người ta bảo đảm cái thùng sẽ tới căn hộ của tôi ở Roma trong vòng bốn đến sáu ngày, nhưng tôi nghĩ bưu điện Ý chắc đã hiểu sai hướng dẫn là "bốn mươi sáu ngày", vì đã hai tháng trôi qua rồi, tôi chẳng thấy bóng dáng thùng sách của mình đâu. Mấy người bạn Ý khuyên tôi dẹp quách cái thùng sách ra khỏi đầu đi. Họ nói rằng cái thùng có thể đến hoặc có thể không đến, nhưng những chuyện như vậy ta không kiểm soát được.
"Có khi ai đó đã đánh cắp nó rồi chăng?" Tôi hỏi Luca Spaghetti. "Bưu điện có để thất lạc không?"
Anh che mắt. "Đừng hỏi những câu này," anh nói. "Cô sẽ chỉ làm mình bực bội thôi."
Bí ẩn về cái thùng sách thất lạc của tôi một tối đã gợi nên một cuộc thảo luận dài giữa tôi, người bạn Mỹ Maria và chồng cô ấy, Giulio. Maria cho rằng trong một xã hội văn minh lẽ ra người ta có thể trông cậy vào những chuyện như bưu điện phát thư nhanh chóng, nhưng Giulio xin phép có ý kiến khác. Anh trình bày là bưu điện không thuộc về con người, mà về số phận, và việc phát thư không phải là điều ai đó có thể bảo đảm. Maria, phật ý, nói rằng điều này chỉ là một minh chứng nữa về sự khác nhau giữa Tin lành và Cơ đốc. Cô nói sự chia rẽ này được chứng minh rõ nhất ở thực tế là người Ý - kể cả chồng cô - không bao giờ có thể lập kế hoạch cho tương lai, dù chỉ trước một tuần. Nếu ta yêu cầu một tín đồ Tin lành vùng trung tâm phía Bắc nước Mỹ hứa một cái hẹn ăn tối vào tuần sau, tín đồ Tin lành đó, tin tưởng mình là thuyền trưởng của số mệnh mình, sẽ nói, "Tối thứ Năm sẽ tiện cho tôi hơn." Nhưng nếu ta yêu cầu một tín đồ Công giáo vùng Calabria cam kết như vậy, anh ta sẽ chỉ nhún vai, ngước mắt nhìn trời, và hỏi, "Làm sao ai trong chúng ta biết được mình có rảnh để ăn tối vào thứ Năm tới không, vì rằng tất cả mọi sự đều nằm trong tay Chúa và không ai trong chúng ta có thể biết được số phận mình?"
Dù sao, tôi đến bưu điện một vài lần để thử lần dò cái thùng của tôi, chẳng ích gì cả. Cô nhân viên bưu điện Roma không vui vẻ chút nào khi đang gọi điện cho bạn trai lại bị sự hiện diện của tôi làm gián đoạn. Và thật lòng mà nói, tiếng Ý của tôi - đã trở nên khá hơn - đánh trượt tôi trong tình huống căng thẳng như vậy. Khi tôi cố nói hợp lý hợp lẽ về cái thùng sách thất lạc của mình, cô nàng nhìn tôi như thể tôi đang thổi bong bóng bằng kẹo gôm.
"Có lẽ nó sẽ đến đây tuần sau?" Tôi hỏi cô ta bằng tiếng Ý.
Cô ta nhún vai, "Magari."
Lại một mẩu tiếng lóng Ý không thể dịch được, nghĩa là gì đó giữa "hy vọng vậy" và "có mà mơ, đồ khờ."
À, có lẽ vậy là tốt nhất. Thậm chí bây giờ tôi không thể nhớ lúc đầu mình đã xếp những quyển sách nào vào thùng. Chắc chắn đó là mấy thứ tôi nghĩ mình nên học, nếu tôi phải thực sự hiểu tiếng Ý. Tôi đã xếp đầy các thùng đó đủ loại tài liệu nghiên cứu cặn kẽ về Roma mà giờ có vẻ không quan trọng nữa vì tôi đang ở đây. Tôi nhớ mình thậm chí còn chất một bản đầy đủ Lịch sử suy vong và sụp đổ của đế quốc La Mã của Gibbon vào cái thùng đó. Suy cho cùng thì có lẽ tôi sẽ vui vẻ hơn nếu không có nó. Vì cuộc đời quá ngắn ngủi, mình có thật sự muốn dành một phần chín mươi những ngày còn lại của mình trên đời để đọc Edward Gibbon không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.