Âm Dương Giới

Chương 15: Sấm động gió giăng




Văn Thiếu Côn và Chu Diệp Thanh nấp trên đỉnh núi nhìn xuống, trông thấy rõ ràng mọi việc xảy ra trong hang.
Dưới hai trái núi cao ngất đứng sừng sững đối diện song song với nhau, hơn một trăm quần hùng cùng quy tụ lại một nơi đông đúc như chõm ong lũ kiến. Họ xôn xao nhớn nháo, bàn tán một lúc rồi cùng lũ lượt kéo nhau xông qua đám mây mù vào bên trong.
Văn Thiếu Côn vốn giàu lòng nghĩa hiệp, thấy cảnh tượng ấy không khỏi chạnh lòng lo lắng hộ cho đám quần hùng vì phiêu lưu mạo hiểm dám thử thách với tử thần.
Thình lình Chu Diệp Thanh chỉ tay nói :
- Xem kìa, bao nhiêu người đang chen chúc rủ nhau đi yết kiến Diêm Vương cả đám.
Văn Thiếu Côn cau mày nói :
- Nơi đây đã có quá nửa số tinh hoa trong giới võ lâm đang xông vào Văn Thiếu Côn, chỉ sợ rằng rồi đây ngọc đá đều tan, thật là một điều đáng ân hận.
Sở dĩ chàng nói như vậy vì chàng biết Chu Diệp Thanh vốn hiểu rõ và am tường nhiều chuyện, muốn đem vài vấn đề này gợi ý để nàng tiết lộ thêm một vài chi tiết về các chuyện liên quan tới Vô Nhân cốc.
Quả nhiên Chu Diệp Thanh bĩu môi nói :
- Những người này tuy cũng là các nhân vật từng gây sóng gió trong võ lâm, nhưng thực ra muốn tìm được những kẻ có thiên tài tột chúng, chẳng có mấy người. Huống chi...
Liếc mắt nhìn qua một cái, nàng tiếp luôn :
- Huống chi Vô Nhân cốc là nơi bí mật huyền diệu nhất trong thiên hạ đương thời, hàng nửa thế kỷ nay biết bao nhiêu kẻ liều mạng xông vào, nhưng rốt cuộc không một ai đã sống sót để trở về. Thiếp thấy chỉ có duy nhất lệnh tôn của công tử là Văn đại hiệp.
Văn Thiếu Côn không nói gì, nhưng bụng thầm nghĩ :
- “Té ra nàng cũng chưa biết chuyện trọng đại hơn nữa. Không phải chỉ một mình Văn Tử Ngọc vào đó rồi về được, mà còn một kẻ khác là Độc Nhãn Thần Cái ở hang Vọng Ngã tại núi Vân Mộng sơn nữa”.
Chàng đang suy nghĩ thì đoàn người xông vào hang đều đã dừng lại trước tấm thạch bia “Âm Dương Giới”.
Rõ ràng họ dám đem sinh mạng để tìm được hy vọng, đánh cuộc với một hư danh, thế mà họ không ngần ngại gì hết.
Trong hang tiếng sấm vẫn nổi liên hồi, mây mù bốc lên cuồn cuộn. Đám quần hùng tập trung trước tấm bia “Âm Dương Giới” chẳng khác nào đang đứng trước mặt một quái vật khổng lồ đang mở hoác cái miệng đen ngòm đầy nguy hiểm chờ nuốt chửng họ.
Trong đám mây mờ mù mịt kia là một thế giới khủng khiếp, một thiên đường hay một địa ngục. Sự việc còn chìm trong vòng bí mật chưa kẻ nào có thể đoán trước ra sao.
Cái hang sâu thăm thẳm, đầy sự huyền bí ghê rợn, chưa có bầu trời chết chóc, máu lửa, thế mà lại là một miếng mồi ngon vô cùng quyến rũ đang hấp dẫn một đám thiêu thân.
Họ quyết định vào đây, dù phải chết. Không mãnh lực nào có thể cản ngăn họ, không một lời nào có thể khuyên nhủ họ được nữa.
Văn Thiếu Côn hồi hộp theo dõi đám quần hùng, trên trăm cao thủ chịu tiến vào hang và không biết giờ phút này tâm tư họ đang nghĩ gì? Họ đang hăng say, quên sợ hãi. Họ đang ham muốn quên cả mạng mình.
Chu Diệp Thanh có vẻ thích chí, múa tay hoa chân cười luôn mồm. Nàng gọi Văn Thiếu Côn :
- Này Văn công tử, hãy nhìn con người cao ốm ôn đàng kia. Đó là Long môn hiệp Ngũ Bá Hóa, một nhân vật nổi tiếng miền Xuyên Trung. Phía sau lưng lão ta là ba người con trên giang hồ thường gọi là Ngũ Thị Tam Hung đấy.
Văn Thiếu Côn nhìn theo hướng nàng chỉ thấy một người râu tóc bạc phơ, ước chừng chín mươi tuổi, tay cầm trường kiếm. Đàng sau có ba đại hán vạm vỡ hùng dũng, tướng mạo khôi ngô chừng bốn năm chục.
Chu Diệp Thanh lại đưa ngón tay nõn nà chỉ nữa :
- Bốn người đội khăn tiêu dao mặc đồ thư sinh, tay cầm quạt cán sắt là bốn tay tú sĩ ở Thiểm Nam đấy, công tử có thấy không?
Bên cạnh bốn tay tú sĩ Thiểm Nam có người ăn mặc có vẻ khác thường là Lạc Cảnh Thiên, Giáo chủ Ngũ Độc giáo cùng mười hai vị Đường chủ, tức là thủ hạ của lão đấy.
Chàng nhìn kỹ, gật đầu đáp :
- Đúng, hai lão này râu bạc dài quá gối cùng cầm trường kiếm cả.
Nàng có vẻ cao hứng chỉ trỏ giới thiệu lung tung. Đem lòng mến phục, chàng tự hỏi :
- “Cô bé này chưa quá mười bảy tuổi đầu, lại sống tận dãi núi Trường Bạch, một vùng hẻo lánh xa xôi từ mạn Đông bắc, thế mà nàng thuộc tên biết mặt hầu hết cao thủ trong thiên hạ, thật một điều đáng sợ đáng phục thật”.
Đám Mang Sơn thất kiếm vượt qua ranh giới vào trong hang vẫn không thấy động tĩnh, tâm dạng gì. Có lẽ họ đã sang bên kia thế giới rồi.
Đám quần hùng xúm xít trước tấm thạch bia “Âm Dương giới” ngơ ngác nhìn nhau rồi nô nức bồn chồn, chực kéo nhau lướt qua nhưng chưa có kẻ nào đủ can đảm xông vào trước.
Nhất thời quang cảnh trở nên yên lặng, một cái yên lặng nặng nề khó chịu.
Hơn một trăm người đứng yên như tượng đá, ngoài tiếng sấm vang gió thổi ào ào từ trong xa vọng ra, tuyệt nhiên không có một tiếng động nào khác.
Bỗng dưng trong đám đông có người lên tiếng. Người đó đằng hắng một cái thật to, vang lên như tiếng chuông rền. Rõ ràng hắn ta cố tình tập trung hết nội lực phát âm hùng hậu để chứng sơ bản lãnh và nội công của mình.
Văn Thiếu Côn để ý thấy kẻ phát ra tiếng ấy là Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa, đang đứng cách tấm bia Âm Dương Giới độ năm thước.
Tiếng tằng hắng đã gây nên tác dụng hấp dẫn lưu ý quần hùng. Trên một trăm cặp nhãn quang đồng thời hướng về phía đó.
Liếc qua một vòng, ngạo nghễ nhìn khắp quần hùng một lượt y nói lớn :
- Nãy giờ theo sự nhận xét nơi đây, lão phu đã đi tới hai điểm kết luận.
Lời nói có vẻ hiên ngang cộc lốc, ai nấy cũng lắng tai nghe. Nhưng nói tới đó lão bỗng ngưng lại.
Hồi lâu có người đứng gần se sẽ nói :
- Ngũ lão hiệp có kết luận gì thì nói ngay ra, đừng để quần hùng sốt ruột.
Lời nói có vẻ thật tình nhưng nóng nảy. Mọi người nhìn lại thì kẻ đó không ai khác hơn là Lạc Cảnh Thiên, Giáo chủ Ngũ Độc giáo.
Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa đắc chí cười khà khà từ từ nói :
- Điểm thứ nhất là Vô Nhân cốc phải đi đôi với thực tế. Gọi là Vô Nhân cốc tất nhiên trong hang không có người...
Vừa nói tới đây quần hùng xôn xao, có kẻ phụ họa theo, có kẻ phản đối.
Những tiếng lào xào bàn tán lại nổi lên náo nhiệt.
Chập sau yên lặng trở lại.
Ngũ Độc giáo chủ cau mày nói :
- Nếu nói hang này không có người thì ai đã viết mấy chữ “Vô Nhân cốc” và “Âm Dương giới” trên hai tảng đá kia.
Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa khinh khỉnh tủm tỉm cười đáp :
- Việc này cũng dễ giải thích lắm. Bất cứ kẻ nào cũng có thể khắc cái chữ ấy là người ở bên ngoài, mục đích không ngoài để làm tăng thêm vẻ màu nhiệm bí hiểm hay hăm dọa người đời để tạo nên một câu chuyện thần bí hoang đường trên võ lâm.
Ngũ Độc giáo chủ Lạc Cảnh Thiên không chịu được, cười nhạt nói :
- Ngũ lão hiệp sĩ giàu kinh nghiệm nhiều kiến văn có lẽ người tầm thường không ai bì nổi. Tuy nhiên sự phán đoán này có vẻ không hợp lý và chưa đầy đủ.
Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa đỏ mặt hỏi :
- Tại sao?
Ngũ Độc giáo chủ nói :
- Vì dù những chữ ấy do người ngoài khắc cũng có thể được. Nhưng còn những tiếng sấm liên hồi trong hang, những luồng mây mờ ảo, những cây cối xanh tươi, khí hậu ôn nhu như mùa thu vĩnh viễn như vậy thì giải thích như thế nào?
Còn cái chết của Vưu Bá Đạt, Giáo chủ Vô Cực phái hồi năm mươi năm về trước phải vì nguyên nhân gì đây?
Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa cười dài nói :
- Lạc giáo chủ, ngài nên tự trách mình kiến thức không dồi dào phong phú, còn hang này sở dĩ được sầm uất cây cối xanh tươi là vì trong lòng đất hơi ấm xông ra. Từ cái khe nứt, những làn sóng nóng hừng hực bốc lên liên miên, lại nhờ sự che chở của hang núi không chỉ vận chuyển phát ra những tiếng ầm ì như sấm động.
Ngoài ra hơi ấm từ lòng đất phát sinh được vách đá che chở bốn bề nên quanh năm khí hậu ấm áp như mùa xuân, có hoa tươi tốt là vì thế. Hàng mấy mươi năm qua, hằng ngày không có một bóng người lai vãng. Dù ai tò mò tìm đến cũng chỉ có vào mà không có ra. Cái chết của Chưởng môn phái Vô Cực là Vưu Bá Đạt hồi năm mươi năm trước là do hang này bốn phía núi đa che bít, thêm địa thế hiểm trở vách dựng cao ngất tới mây, bao nhiêu khí độc từ lòng đất tiết ứ tụ lại khiến ai hít phải đều bỏ mạng hết.
Câu giải thích ấy khiến bao nhiêu hào kiệt nghe xong đứng im phăng phắt, ai ai cũng công nhận Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa nói có lý.
Ngay cả Ngũ Độc giáo chủ cũng gật gù rồi đứng trân ra suy nghĩ.
Văn Thiếu Côn nấp trên đỉnh núi nghe qua, trong lòng không khỏi xúc động.
Câu nói ấy quả nhiên có khả năng rất lớn cởi mở một số điều thắc mắc trong lòng chàng từ lâu.
Chàng sực nhớ đến cái chết bất ngờ của dưỡng phụ Văn Tử Ngọc, có lẽ cũng vì hít khí độc trong hang này. Nhờ công lực dồi dào, ông có thể nhất thời chịu đựng nổi, nhưng thời gian sau, khí độc xâm nhập vào nội tạng khiến trở thành chứng đau tim mà chết.
Có lẽ cũng vì thế mà khi mở nắp áo quan ra thi hài nám đen bầm tím như đã bị ngộ độc.
Càng tưởng nhớ lại bao nhiêu, chàng càng cảm thấy sự huyền bí của hang này là do nơi đó. Văn Tử Ngọc chết không phải vì cạm bẫy hay người sát hại, mà vì hơi độc chứa chất tác quái mà thôi.
Nhưng bao nhiêu lý lẽ đó bỗng nhiên sụp đổ, vì tại sao Văn Tử Ngọc không nói ra yếu tố đó mà còn di ngôn bảo đem táng thi hài vào Vô Nhân cốc.
Hơn nữa còn một chuyện chưa rõ ràng là vì sao Độc Nhãn Thần Cái sau khi vào hang Vô Nhân cốc rồi giấu hết mọi chuyện thần bí đã thấy, còn viết thư với Niệp Sáp hòa thượng đem mình, một ấu nhi vừa hai tuổi giao cho vợ chồng Văn Tử Ngọc?
Cũng vì vấn đề thân thế của chàng không giải đáp được mà bao nhiêu ý nghĩ đã bị xúc động cả lên.
Chàng cố đem hết lý trí và khả năng xét đoán, cố vứt bỏ hết những điều thắc mắc rồi quay sang nhìn Chu Diệp Thanh, thấy nàng cũng lộ vẻ băn khoăn chẳng kém chi mình.
Quả nhiên những lời giải thích của Long môn hiệp đã gieo ít nhiều tác động và tin tưởng.
Bỗng nghe Ngũ Bá Hoa cười nói :
- Tiếng tăm Lăng Trung song kỳ, ai mà không ngưỡng mộ. Vậy xin hai vị cứ lãnh đạo quần hùng xông vào hang.
Thiền Vu Vũ nghiêm giọng nói :
- Lão phu đã trên trăm tuổi, há sợ cái hang khỉ này sao? Lão phu nhất định phải xông vào cho biết.
Nói xong tiến bước tới Âm Dương giới. Lúc ấy có người lên tiếng :
- Hãy khoan!
Thiền Vu Vũ quay lại hỏi :
- Tại sao lại ngăn cản ta?
- Tại sao lại cản ngăn? Chẳng lẽ đại ca lại cam lòng tiêu hủy cái tiếng anh hùng do Lăng Trung song kỳ đã tạo ra mấy chục năm rồi sao?
Thiên Vu Vân cau mày nói tiếp :
- Người khôn ngoan không bao giờ chịu hành động như thế. Nếu vì lời nói khích vu vơ, đem mạng mình lao vào chỗ chết, kẻ dũng phu sẽ bị đời mai mỉa, ngay ngu huynh đã có kế hay để giải quyết bằng lối khác.
Nói xong, bằng truyền âm nhập mật, lão cười kha khả nói tiếp cùng mọi người :
- Anh em lão phu tuổi tác hầu tàn được tham dự cùng quần hùng vào thám hiểm Vô Nhân cốc, lẽ cố nhiên phải có lòng sốt sắn hưởng ứng với các vị mở đường đi vào. Ngũ lão hiệp sĩ đã dự tính trong hang có nhiều chất độc việc này đâu phải sở trường của anh em lão phu, nếu chẳng tự xét mình có lỗi với quần hùng chẳng ít...
Nói xong chắp tay bái dài xung quanh rồi liếc nhìn Ngũ Độc giáo tủm tỉm cười.
Ngũ Độc giáo chủ cùng thấy ngán thầm muốn dùng lời lẽ thối thoái, nhưng Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa cười dài một tiếng nói luôn :
- Phải lắm, Lạc giáo chủ rất đáng mặt chỉ huy trong vụ này không nên khiêm nhường từ chối. Xin trước hết hãy thí nghiệm xem trong hang còn độc tố gì tồn tại hay không. Chừng đó chúng ta hãy cùng nhau bàn định kế hay khử độc để vào hang sau.
Lời nói của Ngũ Bá Hoa có vẻ ngang tàng như muốn tự mình quyết định an bài mọi việc, lãnh đạo quần hùng. Nhưng không có một ai phản đối. Thái độ và lời nói phù hợp với tâm lý của mọi người, hơn nữa chẳng ai theo về môn độc dược, cho nên khi y nói xong ai nấy cùng nhìn chăm chăm vào Lạc Cảnh Thiên mặc nhiên ép buộc ông ta phải xung phong đi trước.
Ngũ Độc giáo chủ là Chưởng môn của một phái, danh cao địa vị lớn, chẳng lẽ tuân theo sự cắt đặt của Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa. Nhưng ông ta cũng thừa biết hầu hết quần hùng ai ai cũng muốn mình đi trước, nên đưa ra lời từ chối sẽ gây sự chỉ trích không lợi.
Ông ta vốn là người tế nhị, tuy trong lòng căm thù Ngũ Bá Hoa đến tận xương tủy, chỉ muốn đem hắn ra băm vằm thành ngàn mảnh, tuy nhiên ngoài mặt vẫn giữ vẻ điềm nhiên bình tĩnh, ôn tồn nói :
- Ngũ lão hiệp đã nói thế, bổn Giáo chủ đâu dám chối từ.
Nói xong vội vàng vận nội công đầy đủ, y phục xăn lên gọng gàng, cất bước đi trước tiếnv ào trong. Sau lưng lão cả mười hai vị Đường chủ, thấy Giáo chủ mình đi trước không dám chậm trễ, lục đục kéo nhau nối bước theo liền.
Tấm thạch bia “Âm Dương giới” sừng sững chấn ngang giữa đường vào hang, chỉ chừa mỗi bên vừa đủ cho một người qua lọt.
Trong Âm Dương giới mây vẫn mù mịt, ngoài Âm Dương giới quang đảng sáng trưng, quả đôi bên chia thành hai thế giới rõ rệt.
Ngũ Độc giáo chủ thấp thỏm e ngại dò đại từng bước một đi trước. Việc làm đầu tiên của lão là tìm hiểu và giải thích nguyên nhân chia hai thế giới giữa một đường ranh như vậy.
Số là đàng trước tấm bia Âm Dương giới hai bên vách đá đều có những lằn nứt như nhau. Những vết kẽ ấy tuy không rộng quá hai thước, nhưng đã khiến cho vách núi bị xé làm đôi, bên trong có một luồng gió mạnh thôi thốc ra lướt qua trước tấm Âm Dương giới, sừng sững như một bình phong cản lại.
Trong hang mây mù lảng vảng quay cuồng mờ mịt nhưng vì bia che không thể nào vượt ra ngoài hang được.
Ngũ Độc giáo chủ Lạc Cảnh Thiên không do dự nhảy vèo một cái nhanh như tên bắn, đặt chân xuống một chỗ cách lằn ranh giới ba trượng.
Trong lúc lão sà mình bay vào trong, quần hùng có mặt tại đó đều tái mặt nín thở lặng tiếng, mắt không dám chớp, tay chân không dám cử động, hồi hộp theo dõi.
Cả đến Văn Thiếu Côn và Chu Diệp Thanh đang nấp trên núi cũng toát mồ hôi, tâm thần căng thẳng cực độ.
Lạc Cảnh Thiên nhảy vào hang như để chân vào cõi chết, ý nghĩ lão vô cùng kích động. Nhưng lạ lùng thay, hai chân lão đã chấm đất, thân mình đứng vững mà cũng không có sự gì bất thường xảy ra hết.
Mười hai vị Đường chủ cùng nhau kéo vào, chen chúc phía sau Lạc Cảnh Thiên, ai ai cùng lộ vẻ ngơ ngác hồi hộp khi thấy được bình yên, mọi người đều thở phào một hơi dài như vừa trút được gánh nặng.
Hồi năm mươi năm qua, kể lại câu chuyện Vưu Bá Đạt Giáo chủ phái Vô cực, đặt chân vào đây bị mất tích, hiển nhiên hồi ấy sự việc xảy ra khác hẳn với hiện tượng vừa rồi.
Cái thuyết thịt nát xương tan khiến mọi người lo sợ đề phòng, nay được chính mắt nhìn một cách thực tế.
Lạc Cảnh Thiên vững lòng rảo bước tiến tới trước.
Vượt qua “Âm Dương giới” cảm giác đầu tiên là khí hậu ấm áp dịu dàng, hoa thơm ngào ngạt, nghiễm nhiên là một thế giới thần tiên ngoài ra không có trạng chứng gì nguy hiểm hết.
Lạc Cảnh Thiên hướng dẫn mười hai vị Đường chủ lẹ làng quan sát bên trong phạm vi năm trượng. Nơi đây không khí vẫn ôn nhu mát mẻ, cây cối tốt sinh, hoa tỏa mùi thơm dịu, mặc dầu bóng mây mù mịt không tan. Không có một hơi độc nào như lời Ngũ Bá Hoa dự đoán.
Bao nhiêu quần hùng vẫn đứng ngoài nhìn vào, Lạc Cảnh Thiên và mười hai Đường chủ đang tiến sâu vào ba trượng. Tuy mây vẫn mù mịt nhưng bao nhiêu động tác của mười ba người đều trông thấy rõ.
Quan sát đâu đó xong rồi, Ngũ Độc giáo chủ nhìn ra ngoài kêu lớn :
- Các vị có thể vào đây được rồi.
Bọn quần hùng tuy còn ngần ngừ chưa dám vào ngay, nhưng ai nấy cùng buột miệng hoan hô Ngũ Độc giáo chủ đã an toàn vượt qua ranh giới làm kẻ tiên phong hướng dẫn mọi người hoàn thành một kỳ công mà suốt năm mươi năm qua võ lâm chưa thực hiện nổi.
Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa không ngần ngại vung kiếm xông vào trước.
Trừ những chỗ đá nứt, giữa lằn ranh giáp ranh có luồn gió mạnh thổi lộng vào quần áo tung bay phất phới, tuyệt nhiên không có một điều gì kỳ lạ hết.
Kẻ đi tiếp theo đó là hai ông lão Lăng Trung song kỳ, anh em Thiên Vu Vũ, Thiên Vu Vân, rồi đến Thiễm Nam tú sĩ Văn Trung Hiệp thập quân tử, Động Đình bang và Phang Dương bang.
Tuy đường đi chật hẹp, chỉ vừa lọt hai người nhưng động tác mọi người hết sức lẹ làng, không đầy một khắc toàn bộ trên một trăm người đã qua “Âm Dương giới”.
Văn Thiếu Côn để ý theo dõi từ nãy giờ, tuyệt nhiên không thấy một cao thủ nào trong ngũ đại phái và cũng không có một vị nào trong năm đại Chưởng môn hết. Quả là một sự việc lạ lùng, chàng rất thắc mắc nghĩ mãi không tìm ra nguyên cớ.
Chu Diệp Thanh theo sát bên chàng, không nói năng gì, mắt đăm đăm nhìn theo đám quần hùng tiến vào Vô Nhân cốc, lòng không khỏi e ngại.
Mọi người sau khi vượt qua “Âm Dương giới” chưa dám đi sâu vào trong, dè dặt từng bước đi để tra xét những hoa cỏ kỳ lạ mọc khắp trên mặt đất.
Bỗng dưng từ trong hang sâu lại nổi lên một tiếng rền vang chát óc, khiến quần hùng muốn điếc tai, vách đá xung quanh rung động, từ trên cao sỏi núi rơi xuống ào ào. Âm thanh dội vào hang nghe uông uông, truyền mãi không ngớt làm cho Văn Thiếu Côn và Chu Diệp Thanh trên đỉnh núi cũng giật mình cơ hồ muốn lăn xuống.
Bọn quần hùng ai nấy đều giật mình sợ hãi, rủ nhau tập trung lại một chỗ chờ đợi biến cố, chẳng ai dám hé môi nói một lời nào. Cũng may tiếng sấm rền chỉ phát ra có một lần thôi, nhưng tiếng vang vọng mãi, âm u như ma rên quỷ réo.
Khi mọi người hết sợ, Long môn hiệp Ngũ Bá Hoa cố làm ra vẻ bình tĩnh lớn tiếng nói :
- Việc này chẳng qua vì cảnh tượng ngũ hành đổi ngôi, trường hợp này thường xảy ra trong địa cực, thật ra không có gì đáng sợ hãi cho lắm.
Rồi ông ta lại thong thả cười nói :
- Lão phu này nhất định suy đoán vừa rồi đúng chẳng sai. Vô Nhân cốc đúng là một cái hang không người. Nhưng dẫu có người đi nữa, dù kẻ ấy có bản lãnh kinh thiên động địa chưa hẳn đã đủ sức kháng cự nổi trên một trăm người của chúng ta cùng hợp lại.
Nói xong rảo bước vào trong nữa.
Quân hùng yên tâm lũ lượt kéo đi theo. Nhưng bỗng nhiên có bốn người đi từ phía bên phải vừa thoái lui chạy lại, bốn người ấy chính là bốn tay tú sĩ Thiễm Nam, vừa chạy vừa chỉ lại phía sau, miệng thét lớn :
- Hãy xem kìa, cái gì thế kia?
Tiếng nói trong lúc đang sợ hãi thất thần đến cực độ làm cho quần hùng cũng khiếp vía sợ lây.
Nhìn về phía ấy thấy cát bay đá chạy lung tung, và cả một khoảng trống chừng mười trượng bị cắt ngang từ trên đất bằng, hình như có nổi lên một đợt sóng đang cuồn cuộn chảy.
Làn sóng ngầm cử động rất thong thả, nhưng đi đến chỗ nào thì mỗi vật đều bị xô ngã, những ...
(thiếu 210 - 211)
Luồng Xích Ly chưởng từ hai người tung ra chạm vào đợt sóng ngầm đang cuốn đất ào đến.
Một tiếng nổ “ầm” như trời long đất lỡ, đồng thời một làn sáng rực chớp lòa rồi ngọn lửa bùng lên cháy rần rật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.