35 Ki Lô Hy Vọng

Chương 1: Tôi ghét trường học




Tôi ghét nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời này.
Thậm chí còn hơn cả thế nữa...
Nó làm cho cuộc sống của tôi thật khốn khổ.
Cho đến năm ba tuổi, có thể nói là tôi đã sống hạnh phúc. Tôi không còn nhớ rõ lắm, nhưng tôi nghĩ, cho đến lúc đó mọi thứ đều ổn. Tôi chơi đùa, tôi xem cuốn băng Gấu con lông nâu đến mười lần liền tù tì, tôi vẽ và tôi tưởng tượng ra hàng tỉ tỉ cuộc phiêu lưu dành cho con Mập-Lông-Xù, con chó bông tôi cưng nhất. Mẹ kể rằng tôi từng ngồi hàng giờ trong phòng nói chuyện huyên thiên một mình. Qua đó tôi rút ra kết luận rằng mình đã từng hạnh phúc.
Vào giai đoạn đó trong đời, tôi yêu tất cả mọi người, và tôi tưởng rằng tất cả mọi người đều yêu thương nhau. Nhưng rồi, khi tôi được ba tuổi năm tháng thì, choang! Trường học.
Có vẻ như buổi sáng hôm đó tôi đã rất vui vẻ đi đến trường. Bố mẹ tôi chắc chắn đã nhồi nhét vào đầu tôi những điều như thế này trong suốt cả mùa hè: "Con yêu, con thật may mắn, con sẽ đi học ở ngôi trường lớn đó... ". "Nhìn cái cặp xinh xắn mới tinh này xem! Cặp để con đeo đến ngôi trường xinh đẹp của con đấy!", vân vân và vân vân... Có vẻ như tôi đã không khóc (Tôi là đứa tò mò, chắc lúc đó tôi chỉ muốn biết tụi nó có đồ chơi gì và đồ xếp hình Lego gì... ). Có vẻ như trưa hôm đó vào giờ ăn, tôi trở về nhà rất sung sướng, tôi đã ăn rất ngon lành rồi lên phòng kể cho con Mập-Lông-Xù nghe về buổi sáng tuyệt vời của mình.
Khi đó, giá như biết trước, hẳn tôi đã tận hưởng bằng hết từng phút giây hạnh phúc cuối cùng ấy, bởi vì ngay sau đó, cuộc sống của tôi đã trượt khỏi đường ray.
- Chúng ta quay lại đó thôi nào. - Mẹ tôi bảo.
- Đi đâu ạ?
- Thì... đến trường chứ còn đi đâu nữa!
- Không.
- Không cái gì?
- Con không đến đó nữa.
- Thế ư... tại sao vậy?
- Bởi vì thế là xong rồi, con đã thấy ở đó như thế nào, con không thích nơi đó. Con có nhiều cái khác cần làm trên phòng. Con đã nói với con Mập-Lông-Xù là con sẽ chế cho nó một cái máy đặc biệt biết giúp nó tìm lại những khúc xương nó chôn dưới giường con, thế nên con không có thời gian để đi đến đó nữa.
Mẹ đã ôm tôi lên, và tôi bắt đầu gào thật to.
Và tôi bị ăn một bạt tai.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi.
Vậy đấy.
Trường học là như thế đấy.
Khởi đầu của một cơn ác mộng.
Câu chuyện này, tôi đã nghe bố mẹ kể cả ti tỉ lần. Với bạn bè của họ, với các cô trông trẻ, với các giáo viên, với các bác sĩ tâm lý, với các chuyên gia về phát âm và với côn cố vấn hướng nghiệp của nhà trường. Mỗi lần nghe kể như thế, câu chuyện lại làm tôi nhớ mình vẫn chưa làm cho con Mập-Lông-Xù cái máy dò tìm xương.
Bây giờ tôi mười ba tuổi và tôi đang học lớp sáu. Vâng, tôi biết có cái gì đó không ổn. Tôi sẽ giải thích ngay đây, quý vị chẳng cần xòe tay ra tính đâu. Tôi đã ở lại lớp hai lần: lớp ba và lớp sáu.
Ở nhà, việc học hành của tôi luôn là một thảm kịch, chắc quý vị có thể tưởng tượng ra... Mẹ tôi khóc còn bố tôi mắng tôi, và nếu không phải thế thì là ngược lại, mẹ tôi mắng tôi còn bố tôi chẳng nói gì cả. Còn tôi, tôi rất đâu khổ khi nhìn thấy họ như thế, nhưng tôi có thể làm gì được đây? Tôi có thẻ nói gì với họ trong những trường hợp như vậy? Chẳng gì cả. Tôi chẳng thể nói gì vì nếu tôi mở miệng ra, mọi chuyện còn tệ hơn. Họ chỉ biết lặp đi lặp lại có một điều như lũ vẹt:
"Học đi!"
"Học đi!" "Học đi!" "Học đi!"
"Học đi!"
Được rồi, hiểu rồi. Tôi có phải là đứa ngu đần toàn diện đến độ đó đâu. Tôi cũng muốn học lắm; nhưng khổ nỗi tôi không học nổi. Tất cả những gì diễn ra ở trường, tôi nghe cứ lùng bùng trong lỗ tai. Nó vào tai này, ra tai kia. Người ta đã mang. Người ta đã mang tôi đi khám cả ti tỉ bác sĩ, khám mắt, khám tai, thậm chí cả khám não nữa. Kết luận cuối cùng sau hàng loạt những việc vô bổ ấy, đó là khả năng tập trung của tôi có vân đề. Thế cơ đấy! Tôi thì tôi biết rất rõ là mình bị làm sao, nếu họ mà hỏi tôi sẽ nói ngay. Tôi không có vấn đề gì hết, hoàn toàn không. Chỉ bởi vì những điều đó không làm tôi quan tâm. Tôi không quan tâm, có vậy thôi. Chấm hết.
Chỉ có một năm duy nhất ở trường, tôi cảm thấy hạnh phúc, đó là khi học lớp mẫu giáo lớn, với một cô giáo tên là Marie. Không bao giờ tôi có thể quên được cô ấy.
Mỗi khi nghĩ lại, tôi tự nhủ, cô Marie trở thành cô dạy trẻ chính là để tiếp tục làm những gì cô ấy yêu thích trong cuộc sống, đó là sáng tạo, làm ra những thứ đồ vật nho nhỏ có ích. Tôi đã yêu mến cô ấy ngay lập tức, ngay từ buổi sáng đầu tiên của ngày học đầu tiên. Cô ấy luôn mặc những bộ đồ do chính cô may, những chiếc áo len cô tự đan và những món đồ nữ trang cô tự thiết kế. không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không có cái gì đó mang về nhà: một con nhím bằng giấy bồi, một con mèo làm từ chai đựng sữa, một con chuột trong vỏ quả hồ đào, dây treo các vật trang trí, tranh vẽ, tranh màu nước, hình cắt dán... Cô không cần đợi đến Ngày Của Mẹ để dạy chúng tôi sử dụng đôi tay của mình. Cô thường nói rằng một ngày thành công là khi ta tạo ra được một thứ gì đó. Mỗi khi nghĩ về điều đó, tôi tự nhủ rằng cái năm hạnh phúc ấy cũng là nguồn cơn mọi nỗi bất hạnh của tôi, bởi chính từ lúc đó mà tôi hiểu ra một điều rất đơn giản: chẳng có thứ gì trên đời làm tôi quan tâm hơn là đôi tay của mình và những gì chúng có thể tạo ra.
Nói cho hết về Marie, tôi biết rõ có một điều mà cô ấy đã làm cho tôi. Chính nhờ cô ấy mà năm lớp một, tôi đã học không đến nỗi tệ. Bởi vì cô ấy hiểu tôi là đứa trẻ như thế nào. Cô ấy hiểu rõ rằng tôi chật vật ra sao khi phải viết tên của mình và nước mắt tôi cứ chảy ra, rằng tôi chẳng nhớ nổi cái gì và rằng đối với tôi, thật kinh hoàng khi phải đọc thuộc lòng một bài đồng dao. Ngày cuối năm học, tôi đã đến chào từ biệt cô. Cổ họng tôi khô lại và tôi chẳng nói được gì. Tôi chìa tay đưa tặng cô món quà của mình, đó là một cái ống đựng bút tuyệt đẹp có một ngăn kéo để đựng những chiếc kẹp giấy, một cái ngăn khác để đựng kim ghim, có cả một chỗ riêng để đựng cục tẩy nữa. Tôi đang ngồi hàng giờ để làm và trang trí nó. Tôi thấy rõ là cô ấy rất thích và cô có vẻ xúc động y như tôi. Cô bảo:
- Cô cũng vậy, cô có một món quà cho em, Grégoire...
Đó là một quyển sách lớn. Cô nói thêm:
- Năm sau, em sẽ lên lớp lớn hơn, lớp của cô Daret, và em sẽ phải cố gắng học rất nhiều... Em biết vì sao không?
Tôi lắc đầu:
- Để có thể đọc tất cả những gì viết trong này...
Ngay khi về đến nhà, tôi đã bảo mẹ đọc cho tôi tựa sách. Mẹ đặt cuốn sách to lớn đó lên đầu gối và đọc:
- 1.000 ý tưởng dành cho những đôi bàn tay nhỏ. Ái chà chà, thế nào cũng bày ra đủ thứ trò đây!
Tôi đã rất ghét cô Daret. Tôi ghét giọng nói của cô ấy, ghét điệu bộ và cái thói luôn thiên vị mấy đứa học trò cưng của cô ấy. Nhưng tôi đã học để biết đọc bởi vì tôi muốn làm con hà mã bằng hộp các-tông đựng trứng ở trang 124.
Trong cuốn sổ học bạ cuối năm mẫu giáo lớn của tôi, cô Marie đã viết:
"Cậu bé này có cái đầu như một cái sàng thưa, những ngón tay thiên thần và một trái tim cũng to như thế. Chừng ấy hẳn là đủ để ta giúp cậu bé làm được một điều gì đó."
Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng trong đời tôi không bị một thành viên của hệ thống giáo giục quốc gia vùi dập.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.