Xương Rồng Đốt Rương

Chương 9:




Bản đồ núi là do nhiều thế hệ quỷ non dò núi vẽ ra, bao gồm dáng núi, thế núi và những nơi cổ quái trên núi, ghi chú vô cùng tường tận, bởi “bản đồ núi không rời núi” nên đều được cất ở các nơi, cũng không tập hợp lại để ở Phường Quế Non.
Hai ngày trước, Mạnh Kình Tùng cũng đã điều động mang bản đồ núi Tương Tây tới Vân Mộng Phong, cất riêng trong một phòng trọ, nghe cô nói muốn xem, vội phân phó Liễu Quan Quốc dẫn người vào phòng treo lên.
Tân Từ ở chếch đối diện Mạnh Thiên Tư, nghe thấy động tĩnh cũng ló đầu ra hóng, chỉ thấy hai người Liễu Quan Quốc và Khưu Đống đang chuyển từng chuyến những trục cuốn từ căn phòng trọ cuối cùng tới phòng Mạnh Thiên Tư.
Ghé sát lại nhìn mới nhận ra đó không phải trục cuốn mà là những ống cuộn dùng để cất giữ tranh ảnh, cũng không biết làm bằng loại mây tre cỏ cây gì mà mùi rất kì lạ, rất có vị thuốc bắc, khá chắc là để phòng mọt đuổi trùng, trên mỗi ống đều dán ký hiệu, như là “kinh ba vĩ hai”, “kinh sáu vĩ tám” vân vân.
Chờ đến lúc mở ống cuộn, rút lõi ra, đều là những mảnh da thuộc ngả màu da bò già, hai mặt trên dưới bôi một lớp dầu không rõ là dầu gì, khiến mặt giấy nhìn bóng loáng, bên trên chằng chịt những nét bút cực nhỏ.
Liễu Quan Quốc dẫn theo Khưu Đống chuyển bàn dời ghế, dành ra một mặt tường lớn để trống, sau đó dùng đinh dẻo ráp từng mảnh da thuộc lên theo thứ tự. Lúc này Tân Từ mới hiểu ra ký hiệu trên ống cuộc là hai điểm định vị, kinh là trục tung, vĩ là trục hoành, bức hình này rất lớn, đến đến khi ráp xong thì cả một mặt tường gần như đều bị che kín cả rồi – trên đó là dáng núi thế sông, đường đi thôn trại, nhìn rất sống động, mồn một ngay trước mắt.
Có điều cách vẽ bản đồ kiểu cổ của Trung Quốc cũng giống như sa bàn tác chiến vậy, xem mà hệt như xem “vẽ”, chẳng hạn như có một vài đỉnh núi còn điểm thêm đường nét cây tùng. Tân Từ sáp lại gần Mạnh Thiên Tư, hạ giọng: “Thực ra tội gì phải xem cái này, khó chết được, cô mở bản đồ Google lên đi, đều là ảnh chụp vệ tinh cả, cần dùng là xem được ngay.”
Không ngờ tai Liễu Quan Quốc lại đặc biệt thính: “Tôi biết cái cậu nói, bản đồ Google gì chứ, chỉ là vẽ da vẽ lông mà thôi, bản đồ núi của chúng tôi mới là vẽ xương.”
Tân Từ cười cười khách khí, trong lòng thầm nguýt: Coi thường hắn xem không hiểu à, cái này liếc cái là hiểu, xương xẩu quái gì.
***
Sau khi chỉnh lý xong xuôi, Mạnh Thiên Tư đuổi những người khác đi, chỉ ra hiệu cho mình Mạnh Kình Tùng ở lại.
Mạnh Kình Tùng lòng sáng như gương, không đợi cô phân phó đã mở giành quỷ non ra, lấy một người đồng cao chừng một gang tay ra. Gương mặt người đồng này dữ tợn xấu xí, có thể so với dã quỷ, hai tay đang cáu kỉnh gãi đầu – Mạnh Kình Tùng nắm lấy búi tóc trên đỉnh đầu nó, vặn khẽ một vòng, xoay nửa cái đầu xuống.
Thì ra người đồng này rỗng ruột, tiết diện dẹt nhỏ, nhìn khá giống mắt người, bên trong chứa đầy dầu sáp màu đen đã đông lại, ở giữa tòi ra đầu mút bấc đèn màu đỏ tươi, là một giá nến được chế tác tinh xảo, giá nến này có kèm theo bật lửa, chỉ cần nắm một chân người đồng kéo mạnh ra ngoài rồi thổi nhẹ một hơi, lửa sẽ bùng lên, cùng nguyên lý với quẹt diêm.
Làm xong, Mạnh Kình Tùng lui xuống cạnh chân tường, vươn tay bấm công tắc tắt đèn.
Trong phòng tối om, chỉ nghe thấy tiếng phát ra khi Mạnh Thiên Tư di chuyển, lát sau, chợt nghe “xoẹt” một tiếng, bật lửa lóe lên ánh lửa màu cam, phút chốc, ngọn nến được châm lên.
Ánh nến này khá kỳ dị huyền ảo, ở bấc nến có màu bạc trắng, ra ngoài dần chuyển màu đỏ tía rồi tím lạnh, dầu sáp xung quanh óng ánh, trong bóng tối nhìn rất giống một con mắt đột ngột mở bừng, đây là “mắt lửa nhận hình” chuyên dùng để xem bản đồ núi.
Mạnh Thiên Tư giơ cao mắt lửa lên để sát vào bản đồ núi, kể cũng lạ, phàm chỗ nào được ánh nến chiếu tới, trên bề mặt sẽ hiện lên những đường nét tỏa ra như tơ máu, hoặc là chú giải, hoặc là phác họa, đây mới là thành quả chân chính của dò núi, trong bản đồ có bản đồ, trong họa có họa.
Cô gọi Mạnh Kình Tùng: “Anh qua đây xem này.”
Mạnh Kình Tùng lại gần thì trông thấy ngọn nến mắt lửa đặt nghiêng, trên bề mặt bò ra một vách rìa ngoằn ngoèo, đó là vách rìa Miêu Cương, còn gọi là Nam Trường Thành – thời Minh, dân Miêu không phục sự quản chế của triều đình, để ngăn chặn xâm phạm biên giới, quân đóng giữ đã lục tục xây một vách rìa dài gần bốn trăm dặm, tách Miêu Sống và Miêu Chín (*), cho rằng phía bên ngoài tường là “dân vùng thiếu văn minh”, còn nghiêm lệnh “Miêu không xuất cảnh, Hán không nhập động”.
(*) Người Hán xưa chia người Miêu ra làm hai loại, Miêu Sống (生苗) chỉ tộc Miêu không chịu ảnh hưởng của văn hóa người Hán còn Miêu Chín (熟苗) thì ngược lại, khu vực sinh sống của Miêu Sống đều là địa khu chịu ràng buộc, không được chân chính vẽ vào bản đồ.
Mạnh Kình Tùng nói: “Còn có một đường vách rìa nhỏ phải không?”
Mạnh Thiên Tư gật đầu: “Đúng vậy.”
Cô dời mắt lửa đi, trên bề mặt quả nhiên lại hiện ra một đường đứt quãng.
Người đời đa số đều biết đến vách rìa Miêu Cương, tức vách rìa lớn, nhưng vách rìa nhỏ lại hiếm có ai biết.
Thì ra, quân trú đông khi trước sợ Miêu Sống làm loạn, nhưng người Miêu cũng sợ quân trú đóng xâm phạm, dù họ không có tài lực xây Trường Thành nhưng Miêu Sống có rất nhiều thầy mo, giỏi nuôi cổ vẽ bùa, hiểu đạo lý biến hóa sinh khắc – họ dựa theo địa thế, dáng núi, nơi hiểm yếu mà thiết lập rất nhiều cơ quan bí hiểm, những bẫy rập lấy mạng, đường đi rải rác, không phải vách rìa mà vượt qua vách rìa, thường gọi là vách rìa nhỏ.
Có điều quân biên phòng thực chất rất dè chừng Miêu Sống, tránh còn chẳng kịp, sao có thể nổi dậy chinh phục nơi sơn cùng núi hiểm mù mịt chướng khí vô vàn trùng độc này, lâu dần, vách rìa nhỏ cũng từ từ chìm vào quên lãng.
Mắt lửa chuyển khỏi hai vách rìa lớn nhỏ, tiếp tục đi vào trong, dừng lại giữa một mảng chọc trời những cột rừng đá rộng lớn.
Đó là hình dáng của rừng đá ráp thạch anh điển hình của Trương Gia Giới: những cột đá cao lớn với những góc cạnh thẳng sắc như được rìu đục tạc thành phân bố rải rác trong hẻm núi khổng lồ, rừng thẳm chằng chịt dây mây, xanh um tươi tốt – nghe nói trăm triệu năm trước, nơi này là một vùng biển cổ, trải qua mấy phen biến động vỏ Trái Đất, bị phong hóa, thủy thực, bấy giờ mới hình thành nên kiểu địa mạo hiếm thấy này. Khuôn mẫu núi nổi trong bộ phim bom tấn “Avatar” của đạo diễn người Mĩ James Cameron chính là được lấy từ nơi này.
Nói một cách công bằng thì Đại Vũ Lăng Nguyên được xưng là “non lạ ba ngàn, nước hiếm tám trăm”, chẳng hề kém cạnh Hoàng Sơn chút nào, không thể lọt vào mắt Từ Hà Khách, rớt khỏi cuộc tranh đấu xếp hạng danh sơn Trung Hoa một cách đáng tiếc, nhưng thật sự cũng chẳng phải tại nó – Từ Hà Khách chưa từng tới Trương Gia Giới, ghi chép về những nơi ông ta đến quá nửa đều là du ký, nhưng phần đề cập đến đất Tương lại ghi là “Nhật ký gặp cướp ở sông Tương”, khi đó đỗ thuyền qua đêm, gặp phải giặc cướp trắng trợn vung đao chém loạn, thân bất do kỷ nhảy xuống nước chạy trốn, khốn đốn đến mức chỉ còn lại một chiếc áo lót dài lửng chỉ tới ngang eo, phải mượn người lái đò manh vải rách, “uống gió cắt xương, cát đá toác chân” giữa trời đông buốt giá, đoán chừng cũng chẳng còn hứng thú mà đi phẩm non luận núi nữa.
Mạnh Thiên Tư chậm rãi di chuyển mắt lửa ở đây, trống ngực Mạnh Kình Tùng nổi lên: rừng đá này cũng không phải không có lai lịch, quỷ non gọi là “rừng đá treo túi mật”, là nơi đặt túi mật núi, Mạnh Thiên Tư chòng chọc xem chỗ này hẳn là có gì đó khác lạ.
Quả nhiên, cô mở miệng hỏi y: “Chuyện cấp bách quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là làm gì?”
“Người chết lớn nhất, mạng người quan trọng, hiện giờ chúng ta hẳn là nên dồn hết toàn lực tìm ra hung thủ giết Lưu Thịnh.”
Mạnh Thiên Tư gật đầu, đổi đề tài: “Vậy vốn chúng ta tới Tương Tây là để làm gì?”
Đương nói, dưới mắt lửa đã ẩn hiện vài hàng chữ nhỏ hình dạng đầu tằm đuôi nhạn theo thể chữ Lệ màu đỏ tươi, xâu chuỗi thành mấy câu: “Đầu mỹ nhân, trăm hoa hổ thẹn, mắt nhỏ dầu, lưỡi chạy lung tung, không gan không ruột treo túi mật, có sinh có tử một tim đời…”
Mạnh Kình Tùng nín thinh không đáp, đây là bài kệ về túi mật núi được lưu truyền từ cổ xưa, kể cũng lạ, ghi chép để lại sau khi quỷ non dò núi đa số đều rất tường tận, rất nhiều bản đồ thậm chí còn có thể đối chiếu theo tỉ lệ thực, nhưng chỉ duy mấy bài kệ là suy đoán mơ hồ, giấu kín như bưng.
Mạnh Thiên Tư đọc kĩ mấy hàng chữ: “Ban nãy trong đầu tôi đột nhiên nảy ra vài ý nghĩ, quỷ non chúng ta xưa nay không có kẻ thủ, không có đối thủ, sao bỗng dưng đến nơi này mới thấy máu mất mạng? Tôi cũng đã hỏi Liễu Quan Quốc, hộ núi Ngọ Lăng luôn bỏ tiền trừ họa, dĩ hòa vi quý, trước nay chưa từng có xung đột với bất kì ai.”
Trong lòng Mạnh Kình Tùng khẽ động, liên hệ trước sau, mọi việc dần hiện ra đầu mối: “Ý cô là mục đích của hung thủ không nhằm vào Lưu Thịnh mà là không muốn cho chúng ta mổ núi?”
Vẫn câu cũ, có một số việc không thể nghĩ tỉ mỉ, càng nghĩ càng cảm thấy đúng là có chuyện như vậy – Mạnh Thiên Tư tới Tương Tây là vì túi mật núi, mở tiệc đãi khách chỉ là một bữa phải phép cho đúng lễ nghi, nhưng Lưu Thịnh bị sát hại đích xác đã bẻ ngoặt trọng tâm, chuyện túi mật núi phải gác lại ra sau…
Trống ngực Mạnh Kình Tùng dồn dập: “Nhưng người biết chuyện này chỉ có…”
Người trong nhà tuyệt đối sẽ không nói lung tung ra ngoài, cô bảy để lọt cũng chỉ là vô tình lỡ lời, chẳng lẽ mồm lão Thần Côn kia lại rộng đến vậy, rêu rao khắp nơi để người hữu tâm nghe thấy?
Mạnh Thiên Tư cũng nghi ngờ chỗ này: “Thần Côn đâu?”
“Được Thẩm Bang và Thẩm Vạn Cổ dẫn sang Vũ Lăng Nguyên leo núi rồi, tôi nói với Thần Côn là việc này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, không vội, bảo ông ta chơi vài ngày trước, ông ta tưởng thật, vô cùng vui vẻ rời đi.”
Chuyện Lưu Thịnh bị giết hại cũng không rảnh thông báo cho hai Thẩm.
Mạnh Thiên Tư trầm ngâm một hồi: “Bảo hai người kia theo dõi sát sao, ngủ cũng phải mở một mắt, Thần Côn có gì không đúng lập tức báo lại ngay; chuyện Lưu Thịnh phải tra ra sao thì tra thế ấy; mặt khác, gióng trống khua chiêng tỏ ra chúng ta đang chuẩn bị tiến vào vách rìa nhỏ.”
Nếu quả thật mục đích của hung thủ là để ngăn cản cô mổ núi thì khi thấy biện pháp giết người này không có hiệu quả rất có thể sẽ lại ra tay lần nữa, cô treo cao mồi câu, đợi hắn mắc câu vậy.
Phân phó xong, Mạnh Thiên Tư không nói gì nữa, dời mắt lửa xuống, dừng lại bên bài kệ.
Ở đó còn có một dòng đề chú nhỏ nữa, viết rằng “Kinh kệ cái gì, nhảm nhí”.
Lạc khoản: Đoàn Văn Hi.
***
Cùng lúc đó, Thẩm Bang và Thẩm Vạn Cổ đang đưa Thần Côn đi ăn đêm.
Hai người này thực ra không có quan hệ huyết thống gì, nhưng cùng họ Thẩm, bằng tuổi nhau, tính cách cũng giống nhau, may là ngoại hình bù đắp lẫn nhau nên cũng dễ phân biệt: Thẩm Vạn Cổ cao béo, mắt nhỏ, lông tóc thưa thớt, tóc trên đầu lại càng quý báu, che ở giữa thì hở bốn phương, đắp bốn phương thì giữa nguy hiểm, bởi vậy nên ngày nào cũng phải sắp xếp hợp lý, suy tính chải từng sợi một.
Thẩm Bang thì gầy lùn, mắt to, không chỉ tóc dày mà trên người chỗ nào có lông là chỗ đó rậm rạp, nhất là lông chân, nói hơi ngoa một chút thì tết thành bím cũng khả thi.
Hai người này hạn hạn chết, lụt lụt chết, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, rất hợp cạ với nhau, ra ngoài làm việc cũng thường là hai người đi chung, ghép vào gọi là hai Thẩm.
Vừa hay cũng ăn nồi ba thả, còn chọn thêm đồ nướng, lấy củ cải muối làm món nhắm rượu, ba người ở chung với nhau chừng mười tiếng đồng hồ, cũng đã quen thân, Thần Côn hớp một ngụm rượu, mặt mày đỏ rực, tiếp tục kể cho hai người nghe những trải nghiệm du hành gặp nạn của mình mấy năm trước.
“Con cổ trùng lúc đó tôi thấy to thế này, dài thế này này.”
Lão khua tay minh họa.
Thẩm Vạn Cổ nhíu mày: “Con cổ trùng này sao có vẻ giống bắp ngô thế, tôi nghe người già kể, Tương Tây chúng tôi cũng có cụ bà nuôi cổ nhưng cổ họ nuôi đều chỉ nhỏ thế này thôi.”
Gã xòe một gang tay ra, thấy vẫn dài quá, lại rút ngắn lại.
Thẩm Bang đang nghe say sưa, chê Thẩm Vạn Cổ lắm lời: “Không phải đã bảo là lấy thân nuôi cổ rồi à, dinh dưỡng tốt thôi. Hơn nữa, cổ nội Côn gặp là cổ người Hắc Miêu đất Điền, hẳn là có khác biệt với cổ người Miêu đất Tương chúng ta rồi, có thể bên đó giống cổ của người ta lớn.”
Thần Côn tiếp tục: “Tôi bèn chém một dao qua, ai ngờ lại chém thành hai nửa, hai nửa đều biết chạy, nếu để chạy thoát thì phải làm sao? Tôi thét lên một tiếng, ngồi phịch xuống đè chết một nửa, tay cũng không để lỡ, xoạt xoạt xoạt, chém chém chém, giáng chết luôn cả nửa còn lại.”
Thẩm Bang nhíu mày đến rúm ró cả khuôn mặt: “Vậy mông nội có bị làm sao không?”
“Sao có thể không sao, nứt xương, không thể nằm ngửa, ngủ sấp mấy tháng liền đó.”
Thẩm Vạn Cổ hít mạnh một hơi lạnh, vội rót rượu cho Thần Côn: “Lợi hại lợi hại, nội Côn dũng mãnh quá, kính…”
Gã định nói “kính cái mông chú”, lại cảm thấy không được lịch sự cho lắm: “Cạn, cạn chén!”
Thần Côn đắc ý vô cùng, một hớp cạn chén. Lão không biết uống rượu, dù đây chỉ là rượu đế ngọt song hai chén vào bụng cũng đã bốc lên đầu, ánh mắt mơ mơ màng màng.
Lão mở to đôi mắt say lờ đờ, ngửa cổ lên nhìn đỉnh núi tối hù trên cao, thân núi Đại Vũ Lăng Nguyên vĩ đại, dù còn cách khu thắng cảnh một đoạn song nhìn trong đêm thế này vẫn có cùng cảm giác nó đang đè xuống ngay trên đỉnh đầu: “Tôi xem tờ rơi quảng cáo du lịch, thấy nói vùng núi này đã có lịch sử hai, ba trăm triệu năm rồi.”
Thẩm Vạn Cổ vừa đút một đũa thức ăn vào miệng, quai hàm phình ra, lúng búng nói: “Đúng đó, nội lơ đãng đá phải một cục đá nhỏ thôi cũng là đá cụ tổ của cụ tổ của cụ tổ nội rồi.”
Thần Côn hơi cảm khái: “Vậy cậu nói xem, vì sao người là linh hồn của vạn vật mà tuổi thọ lại ngắn như vậy?”
Thích xây nhà cất lầu, lại không thọ hơn được nhà lầu; thích tích cóp tài sản, lại chẳng thọ hơn được vàng bạc; thích khai ruộng mua đất…
Ha ha, bỏ đi, càng không thọ hơn được.
Miệng Thẩm Bang đang tuốt miếng thịt dê trên que xiên nướng xuống, thuần thục đớp hết miếng thịt dê vào miệng: “Nội Côn, núi không quý ở cao mà quý vì có tiên, mạng không quý ở thọ mà quý ở cảm xúc – người như chúng ta quan trọng nhất là sống sao cho có cảm xúc, làm đá có ý nghĩa gì chứ, hai ba trăm triệu năm vẫn chỉ là một cục đá, nói cũng không biết nói.”
Thẩm Vạn Cổ chen ngang: “Cũng có người sống thọ mà, ai ấy nhỉ, Bành Tổ (*) ấy, không phải thọ đến tám trăm tuổi sao?”
Thẩm Bang cười khẩy: “Nói dóc vậy ông cũng tin được.”
Thẩm Côn nói: “Tiểu Bang Bang, cậu nói vậy thiếu kiến thức quá rồi. Bành Tổ, rất có thể là…mạt đại…hức hức…mạt đại…”
Rượu xông lên óc lão, lưỡi trương ra, Thẩm Bang dỏng tai hồi lâu, cũng không nghe được phần sau “mạt đại” của lão là gì.
Mạt đại gì đây? Mạt đại hoàng đế? Đó không phải là Phổ Nghi à?
(*) Bành Tổ tức Bành Khang, là một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa được cho là sống lâu gần 800 tuổi. (chi tiết sự tích ở cuối chương)
***
Buổi sáng vừa thức giấc, Mạnh Thiên Tư đã vội vàng soi gương kiểm tra tổn thương bên mắt trái.
Kỳ thực có thuốc bôi của bệnh viện, cộng thêm thuốc mỡ đặc biệt của quỷ non, tốc độ hồi phục đã có thể nói là thần tốc rồi, nhưng yêu cầu của phụ nữ đối với dung nhân mãi mãi là cái hộp không đáy, Mạnh Thiên Tư chỉ cảm thấy mí mắt phù thũng, mặt mày nhìn đáng ghét chết được.
Nghĩ lại đều tại Giang Luyện cả, Mạnh Thiên Tư uất nghẹn, cảm thấy trong phòng ngột ngạt muốn chết – cô kéo roẹt rèm che, mở toang cửa sổ.
Đêm qua tí ta tí tách, không khí nhuốm mùi bùn, mùi cỏ, mùi cây rừng, được sương sớm gột rửa sạch bong, vô cùng mát mẻ, tiếc là buổi sáng đẹp trời như vậy lại bị một cục phân chuột làm hỏng.
Mạnh Thiên Tư trông thấy Giang Luyện đứng trong sân, hai tay đút túi, dáng vẻ nhàn nhã, không ai để ý tới hắn, hắn tự chơi tự vui, lúc thì tản bộ hai bước, lúc thì ngồi xổm xuống, ngắt cỏ chọc kiến trong bồn hoa chơi, đầu hết nghiêng trái lại ngả phải, chính giữa có một cái xoáy, có thể thấy tương lai đến khi có tuổi, hắn hẳn sẽ bắt đầu hói từ đấy.
Lát sau, Giang Luyện như phát hiện ra điều gì, ngó quanh ngó quất, đến lúc ngẩng đầu lên thì Mạnh Thiên Tư đã ngồi lại về giường la hán.
Cô cầm chiếc quạt tròn quạt gió một hồi, càng quạt càng chậm, sau cùng vứt quạt sang một bên, đi mấy bước tới cửa, kéo giật cửa ra.
Mạnh Kình Tùng vừa hay đang đi tới cửa phòng cô, giật nảy mình.
Tốt, đỡ mất công cô gọi.
Mạnh Thiên Tư ra hiệu về phía cửa sổ: “Tại sao tên họ Giang kia lại ở Vân Mộng Phong?”
Sự tích Bành Tổ:
Thời xưa, nhà nọ sinh được một bé trai kháu khỉnh, mặt mũi sáng sủa, đặt tên là Bành Nhi. Có một vị thầy bói đi qua thấy chú bé liền thất kinh nói rằng: “Tội nghiệp, thằng bé đĩnh ngộ thế mà 10 tuổi đã phải chết!”
Cha mẹ cậu bé hoảng hốt, xin thầy cứu giúp. Thầy liền bảo cha mẹ cậu bé phải làm theo đúng các bước ông chỉ dẫn.
Sáng hôm sau, Bành Nhi bèn bưng một mâm đào vừa to vừa ngon lên núi, tới nơi thầy bói dặn, thì thấy ở nơi đó suối chảy, hạc bay, mây vờn tùng bách, trên một tảng đá phẳng có hai ông tiên đang ngồi đánh cờ tướng. Bành Nhi rón rén lại gần, nhẹ nhàng đặt mâm đào xuống rồi vòng tay ngồi đợi. Hai ông tiên mải đánh cờ, thấy có đào ngon bèn cứ thế cầm lên, vừa đánh cờ vừa thưởng thức đào.
Khi đánh xong ván cờ, hai vị tiên mới phát hiện ra chú bé dâng đào lấy làm thích lắm, bèn hỏi chuyện. Bành Nhi bèn kể hết mọi chuyện của cậu. Té ra hai vị tiên đó là Nam Tào và Bắc Đẩu, giữ sổ sinh tử trên Thiên đình. Giở sổ ra, hai ông thấy số tuổi của Bành Nhi đến số 10 là hết. Cả hai bèn bàn nhau thêm một nét phẩy lên trên chữ “thập”, biến chữ “thập” (十) thành chữ “thiên” (千, hay nghìn). Thế là Bành Nhi được sống đến nghìn tuổi. Từ sự tích này mới có câu “Sống lâu như ông Bành Tổ”.
Theo một truyền thuyết khác Bành Tổ mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Lên ba tuổi thì mẹ cũng qua đời. Từ đó Bành Khang lớn lên trong cảnh lang thang.
Một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, và để trọng thưởng liền bảo: “Nhà ngươi đếm xem trên mình gà rừng có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ, thì nhà ngươi sông được bấy nhiêu tuổi”. Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 1000 sợi. Bành Tổ đã lẳng lặng trốn đến một vùng hẻo lánh phía tây nước Lưu Sa(?), để lẩn tránh sự dò hỏi của mọi người về bí quyết sống lâu, sống nốt quảng đời còn lại của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.