Xương Rồng Đốt Rương

Chương 3:




Mạnh Thiên Tư cau mày, nhìn theo Mạnh Kình Tùng ra ngoài, cửa không đóng hẳn, loáng thoáng có giọng nói vọng vào, hình như là Liễu Quan Quốc.
Tân Từ cũng đánh mắt về phía cửa, nhỏ giọng nói: “Buổi chiều cô chỉ thuận miệng nói một câu hàng quán ven đường bán nhiều ớt băm thật, Liễu Quan Quốc đã vội vàng nói tay nghề làm ớt băm dầm chua của nhà mình rất tốt, lộc cộc băm dưới nhà cả đêm. Trà bảo tĩnh hoàng kim lúc trước bưng tới còn chưa uống hết, bây giờ không biết lại đưa cái gì tới – cái kiểu xu nịnh bề trên này, thật chẳng biết kín đáo uyển chuyển gì cả.”
Mạnh Thiên Tư cũng đoán như vậy, nhưng lời Tân Từ nói thẳng thắn khó nghe quá, cô lại cảm thấy nên giữ thể diện cho người ta một chút: “Đây là lần đầu tiên tôi tới, người ta chưa chắc đã muốn lấy lòng, có thể cũng chỉ đơn thuần là nhiệt tình mà thôi.”
Tân Từ nhún vai: “Dạo này chỉ có giả bộ đơn thuần thôi chứ lấy đâu ra đơn thuần thật sự.”
Lát sau, Mạnh Kình Tùng đóng cửa đi vào, vẻ mặt có phần nghiêm nghị: “Thiên Tư, ban nãy Liễu Quan Quốc nói ngọn núi đối diện hình như xuất hiện lều âm.”
Lều âm? Đó là cái gì? Tân Từ không hiểu ra sao.
Mạnh Thiên Tư ngồi dậy, nghi hoặc nhiều hơn là kinh ngạc: “Mắt Liễu Quan Quốc có thể nhìn ra được thận lâu núi?”
“Anh ta không nhìn được nhưng nói là có người bạn vào núi tối nay có vẻ như đã bắt gặp cảnh trùng rắn chạy âm, hơn nữa anh ta rất quen thuộc với đỉnh núi vùng này, nói rất chắc chắn là bình thường có mười tám đỉnh núi, hiện giờ lại nhiều thêm một đỉnh.”
Đỉnh núi còn có thể nhiều thêm sao? Tân Từ càng thêm hồ đồ.
Mạnh Thiên Tư ừ một tiếng, thoáng im lặng rồi ra dấu về phía cửa sổ sát đất: “Mở cửa sổ.”
***
Mạnh Kình Tùng chỉ chờ đúng câu này, lập tức rảo bước về phía cửa sổ, roẹt một tiếng kéo tấm vải rèm vừa dày vừa nặng qua hai bên, lại đẩy nửa cánh cửa sổ trên ra – vừa đúng lúc trong tầm mắt hiện lên một tia chớp rạch ngang bầu trời, phần đuôi tách ra thành mấy nhánh uốn lượn sáng bạc, thăm dò vào khu sơn dã tối đen như mực trong nháy mắt, nhìn rất tráng lệ.
Gió lớn, dù trên mái có chụp che mưa nhưng vẫn có vài tia nước bị gió thổi xéo hắt vào, Mạnh Kình Tùng lùi ra sau hai bước, Mạnh Thiên Tư lại tiến lên, đưa tay đón lấy vài hạt mưa lau lên mắt rồi tập trung tinh thần nhìn thật kỹ.
Rốt cuộc là nhìn cái gì vậy? Tân Từ cũng mở to hai mắt nhìn ra ngoài, chỉ cảm thấy trước mắt gió táp mưa sa, định mở miệng ra hỏi, lại sợ quấy rầy Mạnh Thiên Tư “làm việc quan trọng”, đành tạm nín xuống.
Một lúc sau, Mạnh Thiên Tư giơ tay chỉ vào một ngọn núi trong số đó: “Đằng kia, màu sắc không bình thường, viền mép cũng hơi nhão.”
Lúc quay lại, vừa vặn bắt gặp Tân Từ đang duỗi cổ ra như ngỗng già kiếm ăn, Mạnh Thiên Tư nổi cáu: “Cậu có nhìn được đâu mà nhìn.”
Tân Từ hậm hực theo cô trở lại bên giường: “Thế sao cô không nói sớm, hại tôi trợn đến suýt rớt tròng mắt ra ngoài. Ê, Thiên Tư, đó là cái lâu gì thế.”
Đằng sau, Mạnh Kình Tùng đóng mạnh cửa sổ lại, sau một tiếng rầm vang dội, trong phòng lại quay về trạng thái yên lặng như trước: “Thiên Tư, theo quy định, cô phải đi bắt thận châu.”
Mạnh Thiên Tư thở dài, nhìn ra ngoài cửa sổ vẻ ngán ngẩm: “Mưa to quá đi.”
Mưa to mưa nhỏ gì cô cũng phải đi, Mạnh Kình Tùng làm bộ nghe không ra ý bóng gió trong lời cô: “Tôi hỏi Liễu Quan Quốc rồi, mưa trong núi không kéo dài, thường đến nửa đêm là ngừng – từ đây vào núi còn phải đi một đoạn đường, Thiên Tư, mưa ngừng rồi thận châu sẽ không duy trì được bao lâu, còn rề rà nữa là không bắt được đâu.”
Hay lắm, còn chưa biết lâu đài gì đã lại đẻ ra thêm một hạt châu, Tân Từ giơ tay phải lên, làm như đang giơ tay hỏi bài trong lớp học không bằng: “Ai có thể giải thích cho tôi thận lâu núi là cái gì không?”
Mạnh Kình Tùng liếc hắn: “Trên điện thoại của cậu có phải là không có sơn điển đâu, không biết tự tra đi à?”
Lại nhìn sang Mạnh Thiên Tư: “Tôi đi lấy giành quỷ non nhé?”
Chắc là Mạnh Thiên Tư đồng ý vì ngay sau đó Mạnh Kình Tùng đã mở cửa ra ngoài, có điều Tân Từ không còn nhìn họ nữa, đầu ngón tay hắn đang bận trượt lên trượt xuống trên màn hình điện thoại, nhanh chóng mở một tệp tài liệu ra, lại mở thêm tệp nữa.
Chiếc điện thoại này hắn được nhận lại sau khi kỳ hạn khảo hạch nhậm chức trôi qua, bên trong quả thực đã được cài thêm vài ứng dụng mới, nhưng người làm brief nói với hắn là không có ảnh hưởng gì lớn, hắn cũng không xem kĩ, bỏ hết vào tệp không thường sử dụng.
Giờ nghĩ mới thấy, sơn điển hẳn có ý nghĩa không khác từ điển là bao.
Tìm được rồi, biểu tượng ứng dụng quả đúng là hình một quyển từ điển, Tân Từ vội mở ra, trang chủ là khung tìm kiếm, gọn gàng đơn giản.
Hắn nhập ba chữ “thận lâu núi vào”.
Không thể không nói, ứng dụng này được xây dựng rất hoàn mỹ, ngoài những đoạn giải thích dài nói có sách mách có chứng ra thì còn có hình ảnh minh họa, có điều Tân Từ không có kiên nhẫn nghiên cứu tỉ mỉ, chỉ đọc lướt một mạch xuống dưới.
Thận lâu núi cũng tương tự như thận lâu biển (*), đều là ảo ảnh hư vô, song còn hiếm thấy hơn là bởi phải có bốn điều kiện cơ bản sau, thận lâu núi mới có thể xuất hiện: nửa đêm, mưa to, núi thẳm, ánh đèn.
(*) Trên mặt biển lặng hoặc trên mặt sông hồ, cánh đồng tuyết hay sa mạc, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện ảo ảnh lâu đài, thành quách hoặc cây cối trong không trung, thực chất là một hiện tượng quang học do không khí bên trên bề mặt cát hoặc đá nóng lên khiến ánh sáng khúc xạ gây nên. Ở Trung Quốc, hiện tượng này thường xuất hiện trên mặt biển ở Bồng Lai, Sơn Đông, người xưa cho rằng đây là do con thận – một loài sinh vật thần thoại – phun khí mà thành lâu đài, thành thành quách, bởi vậy nên gọi đó là “thận lâu biển” (thận lâu = lâu đài của con thận) mà cảnh hiện ra thì gọi là “thận cảnh”.
Không sai, còn phải có cả ánh đèn nữa, dù sao cũng là nửa đêm, lại cộng thêm gió táp mưa sa, không có ánh đèn thì nhìn bục mắt ra cũng chẳng thấy được.
Trong quỷ non chỉ có vài người đứng ở vị trí cao cấp mới có thể chỉ dùng mắt thường mà nhìn ra được thận lâu núi, nhưng lại nảy sinh một vấn đề khác – thận lâu núi xuất hiện đi kèm với mưa, mưa ngừng cũng sẽ biến mất, nhanh thì trong vài phút mà lâu nhất cũng không duy trì được quá nửa giờ.
Bởi vậy nên người biết đến thận lâu biển thì nhiều mà người biết thận lâu núi lại chẳng có bao nhiêu, trong sơn điển có liệt kê thời gian lần trước nhìn thấy thận lâu núi là vào những năm Gia Khánh thời Thanh, khi đó mày núi Kỳ Bách Linh đang dò núi ở biên giới phía tây Vân Nam, trông thấy đằng xa có thận lâu núi, lập tức vội vã dẫn người chạy về phía đó, vậy nhưng giữa chừng mưa lại ngừng mất, thành ra công toi.
Vậy thận châu là cái gì? Tân Từ vội thoát khỏi trang này, đang định nhập tiếp chữ vào thì Mạnh Kình Tùng kéo một chiếc vali vỏ cứng lớn vào phòng, đặt thẳng xuống trước giường, lại bảo Tân Từ: “Tìm chuông vàng phục thú của Thiên Tư ra đây.”
Chuông vàng?
Tân Từ hơi kích động, cũng không đoái hoài gì tới chuyện tìm hiểu thận châu nữa, rảo mấy bước vòng qua giường la hán, kéo một cái vali nhỏ tới, đặt nằm ngang xuống cạnh Mạnh Kình Tùng, mở ra.
***
Vali là hàng đặc chế, mở ra toàn là những ô đựng phân tầng bằng kính trong suốt như hộp trang sức, bên trong lấp lánh ánh sáng, rực rỡ lung linh.
Quỷ non không bao giờ thiếu khoáng thạch quý hiếm, mà cái gì hiếm có nhất, chất liệu tốt nhất thì tất nhiên là phải giữ lại cho ai kia ngồi trên ngai vàng, nói vali này là vô giá tuyệt đối không phải nói ngoa, mà đó mới chỉ vẻn vẹn là cái vali Mạnh Thiên Tư thường dùng nhất trong số rất nhiều những vali đồ trang sức khác của Mạnh Thiên Tư – có điều, theo quy định, đời đời truyền lại, Mạnh Thiên Tư có quyền sử dụng, đem vài món đi tặng người khác cũng không sao nhưng phần lớn đều sống không đeo lên chết không đeo xuống được, chết rồi còn phải truyền cho người mới kế nhiệm.
Đồ trang sức có rất nhiều, dẫu có thay đổi hằng ngày thì trong vòng nửa năm một năm cũng chẳng đeo hết được, cũng may Mạnh Thiên Tư rất vui lòng đeo, theo cách nói của cô thì khí sắc không đủ, khí chất không tới, giá trị dung nhan thiếu hụt, da tối màu, đều có thể dùng đồ trang sức để bổ sung.
Tân Từ mở ô chính giữa, gần như nín thở mà lấy chiếc chuông vàng phục thú Mạnh Kình Tùng nhắc tới ra.
Nói là chuông vàng song kỳ thực chất liệu không phải là bằng vàng, ngược lại có phần giống đồng hơn, màu sắc tối trầm, trên sợi dây mảnh treo chuông phủ kín những đường vân kỳ dị, nghe nói có ngồi được vào ngai vàng hay không thì phải xem có điều khiển được chuông vàng phục thú hay không – điều khiển được chuông vàng rồi, mãnh thú trong núi có hung dữ hơn nữa cũng phải cúi đầu hàng phục, không dám lại gần.
Cảnh tượng đó nghĩ thôi đã thấy chấn động rồi, Tân Từ vẫn luôn mong đợi có thể tận mắt chứng kiến, có điều từ khi nhậm chức tới nay, Mạnh Thiên Tư hoặc là đi Lư Sơn nghỉ dưỡng, hoặt là đi Hoàng Sơn xem Phật quang, đó giờ vẫn chưa từng vào rừng sâu núi thẳm lần nào, điều này khiến hắn nảy sinh chút ít mong chờ đối với đêm nay, cơ mà nghĩ lại thì, núi Ngọ Lăng đã được khai phá thành khu thắng cảnh rồi, sài lang hổ báo gì đó có vẻ như cũng chẳng trông cậy được.
Đang lẩm bẩm, khóe mắt liếc thấy Mạnh Kình Tùng lấy một lọ thủy tinh trong vali lớn ra đặt lên mặt đất.
Đó là chiếc vali lớn nhất trong số tất thảy hành lí của Mạnh Thiên Tư, còn gọi là ‘giành quỷ non’, trước nay chưa từng thấy mở ra bao giờ, Tân Từ chỉ biết bên trong chứa trang bị cần dùng khi quỷ non vào núi – thời xưa khi vào núi, người ta thường cõng sau lưng một cái giành, bởi vậy nên dù hiện giờ không còn thịnh hành dùng cái giành nữa nhưng cách gọi này vẫn tiếp tục được lưu truyền.
Tân Từ sáp lại xem, trong lòng chợt nhảy dựng.
Bên trong lọ thủy tinh vậy mà lại nhốt một con nhện, diện tích cả thân và chân cộng lại lớn chừng bàn tay trẻ con, màu vàng nâu đan xen, trên thân còn có lông, trông hơi ghê tởm, có điều kỳ quặc là trên một chân của nó có đeo một sợi xích sắt nối với một cái khuyên nhỏ, lúc cử động trong lọ, khuyên sắt gõ lên thủy tinh phát ra những âm thanh khiến người ta nghe mà khó chịu.
Cái này dùng để làm gì vậy?
Tân Từ muốn hỏi, lại sợ mình cứ hỏi suốt thế sẽ khiến người ta phản cảm, đang do dự thì Mạnh Kình Tùng lấy một gậy tre chia đốt to bằng ngón tay cái ra, vung vẩy mấy cái, vung cho gậy tre dài ra thêm hai, ba đốt nữa, khá giống một cần câu co duỗi.
Đầu cuối của gậy tre vừa vặn hướng về phía Mạnh Thiên Tư mới thay xong trang phục quỷ non đi từ phòng vệ sinh ra. Bộ trang phục quỷ non này nhìn tương đối giản dị, rất giống trang phục tập yoga bó sát người, không thấm nước cũng ít bị phản quang, vị trí vai, khuỷu tay, đầu gối và ngực bụng đệm thêm một lớp vải chịu ma xát bằng da, eo và bả vai đính đai vũ trang, thuận tiện treo cắm vũ khí.
Tay Mạnh Thiên Tư đúng tầm đầu cây gậy, thuận thế đẩy ngược về làm đoạn cần câu dài co lại còn không đến một mét. Mạnh Kình Tùng thu gậy tre lại, trưng cầu ý kiến cô: “Ai không phận sự thì thôi không dẫn theo nữa nhé? Tôi chỉ bảo Liễu Quan Quốc dẫn đường cho chúng ta tới miệng núi thôi… Chuyện này người dưới không nhất thiết phải biết.”
Tân Từ vội thanh minh: “Tôi không phải người không phận sự, dẫn tôi đi xem với.”
Mạnh Thiên Tư ừ một tiếng, nhận lấy chuông vàng trong tay hắn, đế ủng cứng đi mưa có khả năng chống nước, miệng ủng có khóa kéo nối tiếp với quần, cô ngại mất công, lười cởi giày ra, bèn đeo luôn chuông vàng lên đai lưng.
Mạnh Kình Tùng thoáng lưỡng lự: “… Có cần phải báo một tiếng với các cô bác bên Phường Quế Non không? Dù sao cũng không phải việc nhỏ.”
Mấy vị này là tầng lớp hạt nhân quyền lực chân chính của quỷ non, cũng là những bậc trưởng lão tiền bối đã bồi dưỡng nuôi lớn Mạnh Thiên Tư.
Mạnh Thiên Tư chẳng buồn ngẩng đầu lên: “Báo làm gì? Lỡ thất bại thì sao, khiến họ không vui thì đã đành, còn mắng thầm trong bụng là tôi bất tài. Hai người nghe cho kỹ, việc này mà thành thì muốn khoe khoang thế nào cũng được, nhưng nếu không thành…”
Nói tới đây, khựng lại vài giây rồi ung dung cười, nói: “Chuyện đêm nay coi như chưa từng xảy ra.”
***
Nửa đêm, núi thẳm, hơn nữa mưa còn lúc to lúc nhỏ, trải nghiệm này thật đúng là lần đầu trong đời.
Tân Từ đưa tay lau nước mưa trên mặt, liếc sang Mạnh Kình Tùng bên cạnh: Y cũng giống hắn, đều mặc áo mưa có mũ trùm đầu, chỉ khác là bên hông gồ lên một khối hình thù quái dị, đó là mang súng.
Có chuông hàng muông thú, quỷ non mang súng theo không phải để phòng thú mà đó giờ vẫn luôn là để phòng người – bên cạnh đã có lão đại quỷ non, lại có một món vũ khí nóng lợi hại như thế, Tân Từ cảm thấy chỉ số an toàn tăng vọt.
Mạnh Thiên Tư đi trước dẫn đường, đi một đoạn lại dừng một đoạn, dùng mắt phân biệt phương hướng, mà lúc cô phân biệt phương hướng, đèn pin cũng phải tắt đi để tránh làm ảnh hưởng tới hiệu quả – nửa quãng đường trước là lối đi của khi thắng cảnh, không cần tốn công gì nhiều, Tân Từ còn tranh thủ vào sơn điển tra xem “thận châu” là cái gì.
Nói đến thận châu lại phải đề cập đến thận lâu biển, người hiện đại đều biết đó thực ra là hiện tượng ảo ảnh quang học do khí quyển chiết xạ nhưng người xưa lại giải thích là do “khí của con thận tạo ra”, cho rằng thận lâu biển là cảnh tượng kỳ dị hình thành sau khi con thận nuốt mây nhả khói.
Quỷ núi tiếp tục sử dụng suy luận của người xưa mà cho rằng thận lâu núi là thận châu biến hóa mà ra, mà thận châu thì chính là “nước dãi rồng”.
Có thận châu, trong núi mới có thể hình thành nên thận lâu núi, hạt châu này bình thường ngấm trong lòng đất, lúc nửa đêm mưa to, bằng một cách vô cùng tình cờ, sẽ theo hơi nước bốc lên giữa không trung, tạo ra thận cảnh – nhưng người bình thường không thể nhìn thấy thận châu là bởi nó là một cục nước nhỏ, sau khi mưa ngừng sẽ lại một lần nữa thấm xuống lòng đất, thận lâu núi cũng theo đó mà biến mất…
Đây không phải là nói hươu nói vượn à, viết truyện cũng chẳng dám bịa ra thế, Tân Từ nhìn không nổi.
Nửa quãng sau là đoạn đường chưa khai phá, thật đúng là mỗi bước đi một chân bùn, đi bước nào lảo đảo bước nấy, có lúc còn phải dùng cả tay cả chân. Tân Từ than khổ không thôi nhưng vẫn phải tăng tốc – có vẻ như mưa càng lúc càng nhỏ đi rồi, ngộ nhỡ lại giống như Kỳ Bách Linh, gấp rút một trận kết quả là công toi, vậy thì nửa đêm đội mưa bôn ba gian khổ vào núi có khả năng phải uổng phí rồi.
Cũng không biết đi được bao lâu, Mạnh Thiên Tư chợt dừng bước, thấp giọng nói: “Tới rồi.”
Tới rồi? Thế này mà đã tới rồi?
Tân Từ nuốt nước bọt, da đầu phút chốc tê rần, hắn mở đèn pin lên lướt sơ một vòng, cảm xúc đầu tiên hiện lên trong lòng lại là nỗi thất vọng: Còn tưởng mái âm âm u quỷ dị thế nào chứ, đây còn không phải núi cây bình thường sao?
Mạnh Kình Tùng lại hơi căng thẳng, y bảo Tân Từ cầm hộ gậy tre, mắc một sợi dây câu vào đầu gậy rồi mở lọ thủy tinh, đổ con nhện kia ra, cẩn thận buộc cái khuyên sắt vào cuối đầu dây.
Thật đúng là y như mắc mồi câu vào cần câu cá vậy, Tân Từ thốt lên hỏi: “Gì vậy, thận châu còn ăn nhện cơ à?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.