Chương 665: Nỗ lực của Thái uý
Tô Thái uý thực hiện chỉnh đốn binh mã sau khi bọn Sùng Hoán, Hoàng Hựu, Nguyễn Nặc thất trận. Lý Mẫn điều động binh sĩ có gốc gác ở phía Đông kinh thành như Vĩnh Thuận, Nhân Mục Môn, kẻ Mọc, Văn Quán trang… sang mạn Nam hoặc mạn Tây và ngược lại. Đó là đối sách sáng suốt của Tô Trung Từ. Nhờ đó, kế hoạch chiêu an, chiêu hàng sĩ tốt La thành trấn giữ bờ tả ngạn sông Tô của Thiên Đức trở nên vô ích. Nhiều người mẹ, người vợ có chồng con đang phục vụ binh triều đứng bên sông gọi khản cổ, song đáp lại họ là những loạt tiễn vu vơ rơi tõm xuống sông và họ phải trở về làng mang theo nỗi lo canh cánh trong lòng.
Quân sĩ La thành phần đông mù chữ, nếu không nói là hầu hết. Bởi vậy bộ máy tuyên truyền Thiên Đức có dày công cuốn hàng nghìn tờ bố cáo kêu gọi binh sĩ triều đình hạ khí giới sẽ được trọng thưởng quanh những đạn pháo bắn sang sông đều vô ích. Hàn Thuyên gặp Chương bày tỏ sự lo lắng nhưng Chương lại cười mà rằng:
- Hãy vui vì ta đang đối đầu với những tinh hoa đất Vạn Xuân. Có thể nói văn nhân mưu sĩ không thần phục Thiên Đức đều rủ nhau về kinh bày mưu tính kế đối phó ta. Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Họ gạt mối hiềm cũ sát cánh chống lại ta có gì lạ. Ngay như Đỗ Động Giang giờ cũng dốc toàn lực tương trợ La thành đó thôi. Ta liệu trước việc này nên mới phải chia quân đánh Trường Châu và La thành cùng lúc.
Rồi anh động viên Hàn Thuyên:
- Ông hãy dành tâm sức giúp ta an dân vùng mới chiếm được, đầy việc ra đấy, lo gì.
Chương triệu kiến lão tướng Đặng Lương Xá cùng bộ tướng ban thưởng, cho giữ nguyên quân số trú đóng gần hồ Móng Ngựa. Sau cuộc yết kiến Vạn Thắng vương, Đặng Lương Xá trà dư tửu hậu với cố nhân Lê Phụng Hiểu, Cao Quang Chương. Lão tướng họ Cao lựa lời khuyên giải Đặng Lương Xá cùng bộ tướng. Tư tưởng đã thông, Đặng Lương Xá xin đảm trách việc đốn hạ hàng trăm cây lớn, vận chuyển ra nhánh sông Tô để bọn Cao Mộc Lân, Cao Tòng Chinh chở về Trang Khúc Giang chuẩn bị cho việc làm cầu.
Các tướng trực tiếp cầm quân Phùng Hiền, Lê Phụng Hiểu, Bố Giáp, Cao Quang Chương, Phạm Bạch Hổ cùng đề đạt và khẳng định với Chương, họ sẽ dốc toàn lực, nội trong một ngày sẽ đánh đến cửa Đông kinh thành vì sĩ khí ba quân đang lên cao. Chương lắng nghe tất cả nhưng vẫn kiên định với chủ trương vây, lấn, tấn, diệt. Chương không muốn chiến trường đầy xác người, máu bên nào cũng là máu người Vạn Xuân.
- Ta rất hiểu mong muốn của các ông và tin rằng một khi các ông hợp sức đánh tới thì binh triều chẳng thể chống đỡ được. Cuộc chiến cuối cùng này ta chắc chắn thắng. Ta muốn những kẻ chống đối Thiên Đức tụ về một nơi, trừ bỏ một lần cho nhẹ tay. Vả lại… kẻ nào chịu đòn tốt hơn sẽ là người chiến thắng. La thành cậy tường cao hào sâu, kéo dài thì giờ làm ta mỏi mệt. Lúc này các ông nên tranh thủ huấn luyện binh sĩ cả về tư tưởng lẫn sức chiến đấu trước khi nhập thành.
Qua hôm sau Thiên Bình, với vai trò Chủ tịch Đảng Lao động Vạn Xuân chủ trì cuộc họp sĩ quan, thành phần gồm những chỉ huy cấp đại đội trở lên. Cuộc họp diễn ra trong nửa ngày, Thiên Bình nhấn mạnh các sĩ quan phải truyền đạt với cấp dưới khi vào thành không được c·ướp phá, lạm sát, phải giữ đúng kỷ luật trong quân.
Nhìn chung, việc an dân, chỉnh đốn, sắp xếp lại binh mã diễn ra trong nửa tuần trăng, đến hạ tuần tháng 3 thì xong.
Trong khoảng thời gian này thủy quân Yết Kiêu liên tục tổ chức đánh phá công sự La thành bên kia cửa sông Tô bằng các loại Cự thạch pháo, Song thủ pháo. Binh triều giữ phần còn lại cửa sông Tô bắn trả cầm chừng, ngăn cản chiến thuyền Thiên Đức áp sát. Cửa sông Tô rất rộng, có nhiều gò nổi lớn nhỏ gần cửa sông. Binh triều đóng cọc tre ở nhiều khúc sông khiến các loại chiến thuyền lớn không thể di chuyển. Yết Kiêu từng cho khinh thuyền thá·m s·át, nhổ vào đoạn cọc tre các vị trí trọng yếu song binh triều sắp đặt nhiều pháo và thủy binh canh giữ nên chưa thu được kết quả. Để ngăn cản Yết Kiêu, binh triều có 4000 quân và 2000 dân phu chống giữ quanh khu vực cửa sông. Phần lớn binh sĩ và dân phu La thành ở khu vực này từng có gia quyến t·hiệt m·ạng trong các cuộc giao tranh giữa Thiên Đức và La thành nên vô cùng kiên định. Vì những lí do như vậy, thủy quân Thiên Đức chưa thể từ Xích Giang theo lối sông Tô áp sát kinh thành.
Phạm Bạch Hổ cùng bộ tướng họp cùng Dương Yên Thư và Triệu Nhã Lâm, hai nữ nhân đứng đầu Thiên Tử quân. Chương đích thân chủ trì cuộc họp này. Sau khi lắng nghe phần trình bày của mọi người, Chương đưa ra một số điều chỉnh phù hợp với tình bình thực tế chiến trường. Ngay sau đó Yên Thư, Nhã Lâm và Bạch Hổ họp với Phùng Hiền, Bố Giáp, Vương Chí Linh. Lý An tham gia hầu hết các cuộc họp trước khi trở về tham mưu cho Bàn Phù Sếnh. Yên Thư nhận lệnh Chương, dẫn theo tiểu đội Thiên Tử quân tháp tùng Lý An.
Những ngày cuối tháng 3, hàng trăm thân gỗ vót nhọn một đầu được Cao Mộc Lân, Cao Tòng Chinh tập kết tại một bãi đất gần xóm Tây Trà, phía Tây Trang Khúc Giang. Bãi Tây Trà chỉ cách làng Đình bên kia sông Tô quãng 6 dặm đường chim bay. Dựa theo lời các cụ cao niên Trang Khúc Giang, sông Tô chảy ngang bãi Tây Trà thuận lợi cho việc đóng cọc làm cầu vượt sông.
Mấy trăm tráng đinh Trang Khúc Giang, những người không lâu trước đó được Thiên Đức quân phóng thích mình trần đóng khố sẵn sàng đợi lệnh. Thiên Đức quan huy động thôn nữ Trang Khúc Giang lo cơm nước cho cả nghìn người. Ban đầu, tráng đinh và thôn nữ Trang Khúc Giang thập phần lo sợ khi bị gọi. Tuy nhiên, nỗi sợ của họ nhanh chóng tan biến khi binh sĩ Thiên Đức đối với họ rất thân thiện.
Chương đến Tây Trà thị sát, luôn miệng căn dặn Cao Mộc Lân, Cao Tòng Chinh chú tâm. Anh cho tập hợp tráng đinh, thôn nữ Trang Khúc Giang giúp đỡ đóng cọc trên sông, nói với họ vài lời, chủ yếu xoay quanh việc bỏ hiềm cũ, ban thưởng hậu hĩnh cho các làng có tráng đinh, thôn nữ đang ở Tây Trà. Và rằng Thiên Đức quân muốn Trang Khúc Giang sau này phát triển nghề dệt.
- Trang Khúc Giang rất gần kinh thành mà đời sống bách tính còn cơ cực. Đất bỏ hoang hoá nhiều, cỏ mọc cao quá đầu người thật phí phạm. Đội quân vạn người Thiên Đức cần y phục tốt. Bách tính Trang Khúc Giang ta chỉ cần trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải đem bán cho quân thì tự nhiên cuộc sống sẽ sung túc.
Thực tế những năm sau Trang Khúc Giang chẳng khác nào đại công xưởng dệt vải. Sau mỗi cuộc chinh phạt của Thiên Đức quân, đất Trang Khúc Giang lại mọc lên đôi ba thôn xóm mới. Nữ nhân Trang Khúc Giang từ đó chuyên nghề dệt vải, nam nhân nếu không theo đường binh nghiệp ắt sẽ theo thương thuyền rong ruổi tứ xứ tìm cách bán vải vóc.
Đó là chuyện của những ngày sau.
Theo kế hoạch, các lực lượng Thiên Đức tại Tây Trà gồm có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Lữ đoàn Pháo binh Thần Sấm do đích thân Phạm Bạch Hổ chỉ huy. Tiểu đoàn 321 Thiết kị Vũ Ninh, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn Bộ Binh 1 Sơn Tây. Tổng cộng khoảng 3600 binh sĩ tinh nhuệ, gọi là đạo Tây Trà, thống nhất dưới quyền chỉ huy của Phạm Bạch Hổ. Triệu Nhã Lâm được chỉ định chỉ huy một tiểu đội Thiên Tử quân phối hợp với Phạm Bạch Hổ.
Nhằm nghi binh cho bọn Cao Mộc Lân hoàn thành nhiệm vụ. Tại phía Tây làng Sở, Phùng Hiền chỉ huy Trung đoàn 1, Sư đoàn Bộ Binh 1 Sơn Tây với sự hiệp đồng của Tiểu đoàn 3 Pháo binh, Lữ đoàn Thần Sấm và 1 tiểu đoàn nữ binh Thần Vũ, tổng cộng 2000 quân gọi là đạo Sở gióng trống mở cờ sẵn sàng qua sông. Một tiểu đội Thiên Tử quân do chính Chương nắm quyền chỉ huy sẽ hỗ trợ Phùng Hiền.
Đạo binh thứ ba do Bố Giáp chỉ huy, Vương Chí Linh làm phó tướng tập hợp binh mã, đặt chỉ huy sở tại Chiêu Thiền tự, một ngôi chùa đất nằm trên khu gò nổi bằng phẳng ven sông Tô, gần thôn Húng, một thôn nhỏ có vài mươi nóc nhà tranh đang bỏ hoang sau rặng tre xanh, và cách đạo Sở vài dặm về phía Bắc. Đạo binh thứ ba vì vậy còn gọi là đạo Chiêu Thiền gồm quân số Trung đoàn 2, Trung đoàn 5 Sơn cước và Tiểu đoàn 4 Pháo binh Thần Sấm, ước chừng 3000 binh sĩ.
Đạo binh thứ tư được xác định là thủy quân Yết Kiêu trấn ở cửa sông Tô.
Còn lại, Lê Phụng Hiểu trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 320 và 322 Thiết kị Vũ Ninh với 1000 quân nhận nhiệm vụ hậu bị cơ động đóng ở trung quân ven làng Sở cũ đã cháy rụi cùng 4 đại đội Thân Vệ quân.
Sáng ngày 29 tháng 3, binh triều nhận thấy đạo binh Thiên Đức đóng tại Sở và Chiêu Thiền khiêng vác nhiều thuyền tam bản đặt gần bờ sông, đắp ụ, kéo hàng chục Cự thạch pháo lớn nhỏ, dựng nhiều tháp canh quanh đó thể hiện rõ ý đồ vượt sông.
Để đối phó, Lý Mẫn cũng điều hàng chục pháo lớn tiến sát bờ, sẵn sàng trút đạn xuống sông ngăn cản đối phương. Pháo hai bên bắn qua bắn lại vài lượt và… cùng đặt lùi vào trong bờ hai, ba mươi trượng so với vị trí ban đầu.
Sau nhiều thất bại, lần này Lý Mẫn cẩn trọng hơn, đặt thêm nhiều trận địa pháo lui hẳn về sau, đảm bảo rằng một khi Thiên Đức quân đổ bộ chiếm các trận địa pháo gần bờ sông sẽ phải trả một giá rất đắt. Bên cạnh đó, các đội cung thủ binh triều được Lý Mẫn bố trí phân tán hình rẻ quạt ngay phía trước các trận địa pháo trong bờ nhằm ngăn cản bộ quân Thiên Đức tiếp cận pháo. Các đạo bộ quân binh triều thay vì tập hợp số lượng đông đảo, dàn trận như trước đó, nay chia thành nhiều doanh. Mỗi doanh trên dưới hai trăm quân sĩ, bố trí cách nhau khoảng 1 dặm, tận dụng địa thế sẵn có như bờ tre, gò đống, mương máng nhỏ… làm nơi đóng quân.
Lý Mẫn đã lệnh ba quân và bách tính đào hào chông ngụy trang dài hàng chục dặm dọc theo bờ sông nhằm cản bước Thiên Đức quân xung phong. Lý Mẫn đích thân thống lĩnh binh triều đối trận với Phùng Hiền trong khi Hoàng Hựu đảm trách cánh Bố Giáp. Tô Trung Từ đem hơn 1000 quân túc vệ rời thành, đến đóng tại Loa Sơn làm hậu bị cho Lý Mẫn vào trưa ngày 29 tháng 3. Sau khi trực tiếp cưỡi ngựa thá·m s·át trận tiền, Tô Trung Từ yêu cầu Lý Mẫn điều thêm một đạo bộ quân cùng vài chục khẩu pháo trấn giữa mé Đông Nam làng Đình.
- Ông nắm trong tay thiên binh vạn mã lại chỉ nhìn vào những thứ địch muốn ông thấy thật là vô cùng thiển cận. - Tô Trung Từ gọi Lý Mẫn đến trách mắng. - Tế tác của ta từng bẩm báo đã trông thấy Thiên Đức quân chuyển nhiều thân gỗ từ dưới hồ Móng Ngựa đến bãi Tân Triều. Đương lúc nghỉ chân hồi quân, chúng đốn gỗ làm gì? Dựng nhà hay đóng thuyền?
Lý Mẫn liếc sang Liễu Môn Nhân, Nhân bèn đứng ra thưa:
- Bỉ nhân có nắm được tin này và vẫn đang theo dõi sát. Đô thống đại nhân rất cảnh giác ở mé làng Đình.
Cặp lông mày của Tô Trung Từ như dính lại, ông hỏi:
- Vậy các ông lí giải thế nào? Chúng đốn gỗ làm gì?
Bấy giờ Lý Mẫn mới thưa:
- Mạt tướng đồ chúng dựng thêm nhiều pháo.
Tô Trung Từ gạt đi:
- Ta không tin! Gần đây Thiên Đức không quá chú trọng dựng pháo. Các ông đừng nghĩ khắc chế được thần khí của chúng mà yên lòng. Mạc tặc tuy thua kém các ông về tuổi tác nhưng hắn dụng binh như thần. Việc Thiên Đức đưa gỗ đến bãi Tân Triều sau đó không rõ đem đi đâu đặt ra nhiều nghi hoặc. Ta nhận thấy Thiên Đức quân gần đây không ỷ vào thần khí đánh trận, chúng dùng cái này!
Tô Trung Từ chỉ tay lên thái dương, nói tiếp:
- Mạc tặc không ỷ vào thần khí lạm sát, hắn dùng mưu loại bỏ từng phần, đánh tan rã từng phần quân ta. Giờ các ông bày binh bố trận đợi hắn sang sông chả phải sẽ mắc mưu hắn sao?
Lý Mẫn chắp tay, cúi đầu nói:
- Xin Thái uý chỉ bảo cho mạt tướng nên làm sao cho phải.
Tô Trung Từ gọi quân hầu đem tấm họa đồ da dê trải lên mặt bàn, tự tay đánh dấu vài chỗ rồi gọi Lý Mẫn, Liễu Môn Nhân, Hoàng Hựu và nhiều bộ tướng đến xem.
- Mạn Đông Nam có phần yên ắng, tế tác không thu thập được tin gì, vài kẻ mất dạng lành ít dữ nhiều nói lên điều gì?
Tô Trung Từ nhướng mày nhìn Liễu Môn Nhân rồi Lý Mẫn chờ đợi. Liễu Môn Nhân quệt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương, đoán chừng:
- Là nơi ấy được canh phòng cẩn mật, phong toả tin tức. Thiên Đức quân có sở trường tạt sườn, bọc hậu, chia cắt binh mã đối phương. Dạ… có thể chúng bố trí trọng binh ở Trang Khúc Giang tìm vị trí thuận lợi vượt sông. Và… dạ bẩm… bọn Sơn Tây quân chỉ diễu võ dương oai nghi binh.
Tô Trung Từ nhìn xoáy vào Nguyền Nặc khiến Nặc lạnh gáy.
- Ông Nặc! - Tô Trung Từ nói. - Ta đoán tám phần Thiên Đức sẽ đánh vào làng Đình sau đó nhắm đến quân Lý Đô thống. Ông phải đề cao cảnh giác, đào thêm hào, đặt thêm pháo, nhất định phải đẩy bật bọn Thiên Đức ngay khi chúng đặt chân lên bờ.
Nặc vâng dạ, xin cấp thêm 1000 dân phu, Tô Trung Từ đồng ý. Ngay chiều hôm ấy, dân làng Đình đốn toàn bộ tre làng vót làm chông, đan thành phên… nhằm đối phó Thiên Đức.
Nửa buổi chiều thám mã trong thành cấp báo với Tô Trung Từ rằng cánh Bàn Phù Sếnh đang đắp ụ đất, thả diều đo hướng gió, khả năng sẽ dùng Chỉ diên quân thám thính khu vực cửa Nam thành ngoại. Nghe vậy Tô Trung Từ trở về thành, trực tiếp đến lâu thành trên cửa Nam trông ra ngoài. Từ trên cao, Tô Trung Từ thấy Thiên Đức quân đang ra sức đắp hàng chục ụ đất cao bốn, năm trượng cách bờ đê ngoài thành khoảng một tầm đạn pháo. Hàng trăm cánh diều lớn nhỏ bay rợp trời. Trên nhiều ngọn cổ thụ ngoài thành có cắm những lá cờ dạng ống có hình tam giác đo gió.
Dõi nhìn một hồi, Tô Trung Từ quay ra bảo với đám thuộc hạ:
- Chúng dùng Chỉ diên quân được thì ta cũng dùng được. Các người trông mà xem, nào có khó khăn gì. Mau tìm trong thành những kẻ gan dạ dám treo mình trên sáo diều, thưởng hậu.
Một thuộc hạ thưa:
- Diều của chúng rất lớn ạ.
Tô Trung Từ quát lên:
- Đồ ngu! Ta nghe các người tả mãi không tưởng tượng ra được, nay ta nhìn là biết có thể làm được. Trong thành nào thiếu người biết làm sáo diều. Ta lại có thành cao, lợi thế như vầy mà không biết tận dụng, nuôi các người thật tốn cơm gạo. Mau đi tìm cho ta hoặc đem đầu các người về đây.
Thuộc hạ vâng dạ lấy ngựa chạy vào thành trung, thành nội gấp rút tìm những người làm sáo diều cỡ lớn.
Ánh chiều buông dần, Tô Trung Từ vẫn đứng trên lâu gác trông ra, thi thoảng lại lẩm nhẩm:
- Ngươi thật đáng sợ! Rốt cuộc ngươi là ai? Chả nhẽ ngươi thực là con trời?
Màn đêm buông xuống, hàng nghìn ngọn đuốc trên mặt thành thắp sáng. Tô Trung Từ vẫn đứng chỗ cũ phóng tầm mắt nhìn ra khoảng không tối đen ngoài thành.