Chương 646: Lý Hoàng hậu đến Kẻ Mẩy
Chỉ còn lại ba người, Liêu Gia Trinh bỏ thân phận gia nô, bảo rằng đích thân Vạn Thắng vương cử đến. Và rằng Vạn Thắng vương rất coi trọng nhà họ Khúc, mến mộ tài năng, đức độ, ngay thẳng của Khúc Bàng Giang.
- Đại Vương rất hiểu những khó khăn tướng quân đang gặp phải. - Liêu Gia Trinh nói. - Đại Vương cũng muốn giữ danh tiếng cho ngài, lại chẳng muốn Khúc gia ở trong thành gặp phiền phức. Đại Vương lệnh thuộc hạ chuyển lời và hầu cận bên tướng quân. Bẩm tướng quân, anh hùng trong thiên hạ phải thờ đúng chủ mới là hơn.
Khúc Bàng Giang tỏ ra lúng túng, chẳng biết nên cảm tạ thế nào, đành lặng im. Doãn Tử Sung hiểu được cái khó của Khúc Bàng Giang bèn lên tiếng:
- Chú chớ bận lòng. Cháu có vinh hạnh được ngồi đàm đạo với Vạn Thắng vương dễ đến nửa canh giờ. Đại Vương là bậc minh quân trong thiên hạ, yêu nước thương nòi, kế thừa vương nghiệp Lý tiên vương để lại rất phải. Cơ hội đến, họ Khúc phải chuyển mình, vang danh trong thiên hạ. Đại Vương đủ lòng nhân từ, coi trọng kẻ dưới, tin dùng người tài. Nay chú còn lưỡng lự là dễ hiểu, chỉ cần chú thuận lòng theo sắp xếp của Đại Vương thì ngày rộng tháng dài, chẳng thiếu cơ hội báo quốc. Còn như trước sau chú một lòng phụng sự Trữ quân, Đại Vương chẳng thể ép. Vả lại, đại binh Thiên Đức sớm muộn sẽ từ cửa Liên Mạc kéo đến, khi ấy chú chỉ còn cách vượt sông về chịu tội. Già trẻ lớn bé trong phủ đệ cũng vạ lây.
Khúc Bàng Giang nhìn Doãn Tử Sung một chặp rồi nói:
- Doãn đại nhân trung thành với Thái uý.
Doãn Tử Sung khẳng khái:
- Cháu không thể khuyên cha, cháu chưa có cơ hội nhưng cháu nghĩ Hồng Châu, một võ tướng trẻ tuổi nhất định giống cháu, sẽ theo Vạn Thắng vương lập công danh, thống nhất giang sơn về một mối. Đại Vương có tầm nhìn, nghĩ cho người khác.
- Doãn đại nhân sẽ nghĩ gì khi biết cháu theo Thiên Đức quân?
Doãn Tử Sung mỉm cười, khẽ so vai:
- Cháu có con đường của riêng cháu. Mấy ngày qua cháu đã nghĩ thông. Mạng cháu chỉ có một, sống một lần cho thoả. Chú còn nhiều gánh nặng, nhất thời chưa thể quyết nhưng thì giờ như bạc vàng, trù trừ sẽ bỏ lỡ. Đại Vương có thể lệnh ba quân trừ bỏ quân doanh, tại sao ngài ấy không làm? Cháu nghĩ… chú hẳn đã có cân nhắc.
Khúc Bàng Giang khẽ thở dài, hướng ánh mắt nhìn ra cửa trướng, suy nghĩ mông lung.
- Phó tướng Đào Phương Chanh là thuộc hạ thân tín của Thái uý. - Liêu Gia Trinh ngửa bài. - Từ khi Tô Tể tướng có ý chống đối Thái uý, Thái uý đã có sắp đặt phòng hữu sự.
Khúc Bàng Giang khẽ giật mình, nhướng mày ngoảnh nhìn chàng trai trẻ họ Liêu. Liêu Gia Trinh mỉm cười, chậm rãi rót thêm rượu cho Khúc Bàng Giang.
- Tuy thuộc hạ mới 19 nhưng tuổi quân cũng không ít. Thuộc hạ là tai mắt của Phùng tướng quân, nói ra tướng quân có thể không tin nhưng các tướng Thiên Đức dụng binh sẽ nắm chắc dăm bảy phần thắng vì hiểu được tính cách, ý đồ sắp xếp của binh triều. Đào Phương Chanh tuổi trẻ, tính tình cao ngạo, thích tỏ vẻ. Bản thân Chanh có chút nghệ lận lưng nhưng… tài nghệ như vậy cũng chỉ cỡ thuộc hạ. Phép dụng binh dùng trí óc, đề cao mưu kế.
Nhìn phong thái chàng tuổi trẻ họ Liêu người Cam Giá, Khúc Bàng Giang bất giác bật cười.
- Một tiểu tốt trong quân mà đĩnh đạc, ăn nói gãy góc như ngươi thử hỏi… Phùng Hiền thế nào?
Liêu Gia Trinh ngồi ngay ngắn đáp rằng:
- Bọn thuộc hạ đều phải học, càng lên cao càng phải học nhiều. Người sau học người trước. Tướng quân gặp tiểu tướng Thiên Đức nào cũng có tác phong giống nhau, ăn nói đều gãy góc và… đều biết chữ. Các đại tướng cầm đại quân nếu tính tình nóng nảy thì bên cạnh nhất định có mưu sĩ và ngược lại, tướng cầm quân ngả về văn thì phó tướng nhất định phải là hổ tướng. Đại Vương rất thích Khúc tướng quân, muốn cùng ngài uống trà bàn thế sự. Sở dĩ Đại Vương được ba quân kính nể, ngoài tài năng xuất chúng thì ngài lắng nghe tâm tư người đối diện lắm. Bọn thuộc hạ không sợ Đại Vương trách tội, được ngài ấy trách thì luôn có thêm cơ hội sửa chữa. Trừ phi lặp lại sai lầm mới bị loại bỏ mà thôi.
- Ta nghe nói Vạn Thắng vương là con của thần!
Liêu Gia Trinh ngoảnh sang Doãn Tử Sung, Sung cười mà rằng:
- Ngài ấy như người thường. Thiên hạ ví ngài là con của thần nhân có lẽ bởi những điều ngài ấy từng làm được
Khúc Bàng Giang xoay chén rượu một hồi mới uống cạn.
- Ta phải tính cho vẹn toàn kẻo sĩ tốt vong mạng vô ích. Gia quyến của họ sẽ réo tổ tông ba đời nhà ta nếu đột nhiên ta hạ cờ đầu Thiên Đức. - Khúc Bàng Giang nói. - ta tính thế này…
Khúc Bàng Giang đưa cho Doãn Tử Sung thẻ bài mới. Cầm thẻ bài trong tay, Doãn Tử Sung rời quân doanh lúc gà lên chuồng, đi về hướng sông Nhuệ. Gần đến bờ sông, Doãn Tử Sung rẽ phải, lẩn mình dưới ánh trăng khuya. Sung bị trinh sát của Trung đoàn 5 Sơn cước đè ngửa, đánh cho một trận tối tăm mặt mũi. Sung ú ớ:
- Xin gặp Kiều tướng quân, xin gặp…
Binh sĩ tra hỏi thêm, Sung ngậm tăm. Sung được đưa đến gặp Kiều Quân Kỷ trong làng Ngọc Mịch lúc ba quân nổi lửa thổi cơm đầu canh Năm với khuôn mặt sưng vù. Kỷ mắng mỏ ba quân tướng sĩ vài câu, tay bắt mặt mừng, tự tay rót nước mời Tử Sung. Sung không để bụng chuyện b·ị đ·ánh tơi tả, trình bày một mạch kế sách của Khúc Bàng Giang. Kiều Quân Kỷ nghe xong thì vui mừng khôn xiết, lập tức triệu tập cuộc họp, bàn định cho tới sáng. Doãn Tử Sung được tham gia.
Sáng ngày 17 tháng 2, Kiều Quân Kỷ điều động Tiểu đoàn 190, Trung đoàn 2 Sơn cước, với hơn bốn trăm binh sĩ trang bị hoả mai, hoả hổ, Hoả pháo liên hoàn tiến lên phía Tây Bắc, t·ấn c·ông doanh tiền phương của Khúc Bàng Giang do Đào Phương Chanh chỉ huy nhằm ngăn cản Đào Phương Chanh phối hợp với Bùi Công Hoảng. Chanh chống cự quyết liệt. Bấy giờ, Tiểu đoàn 191 và 192 thuộc Trung đoàn 5 Sơn cước nổ súng ở mé Đông Nam, uy h·iếp trung quân Khúc Bàng Giang. Khúc Bàng Giang lập tức điều động phân nửa binh mã tiếp ứng cho Đào Phương Canh cự với Tiểu đoàn 190. Đồng thời, đích thân Khúc Bàng Giang chỉ huy 500 quân bản bộ trang bị nặng, có hơn trăm quân khinh kị và một số Song thủ pháo nống ra khỏi quân doanh giao chiến với Thiên Đức quân. Hai bên đấu pháo, xung phong đôi lần nhưng đều dừng chân trước tầm pháo đá. Đến chiều, Tiểu đoàn 191 bất ngờ lui binh, Khúc Bàng Giang nhân cơ hội ấy đốc quân truy tới cùng. Tiểu đoàn 191 rút chạy về phía Nam được vài dặm mới dàn trận phòng thủ. Khúc Bàng Giang dẫn đầu hơn trăm quân khinh kị tạo thành mũi đột phá, t·ấn c·ông cánh phải Tiểu đoàn 191. Tiểu đoàn 191 một lần nữa lùi về phía Nam thêm 3 dặm, tựa lưng vào một làng nhỏ tổ chức phòng ngự.
Khoảng giữa giờ Thân, mé Tây Bắc nơi Tiểu đoàn 191 đang đứng chân chờ đợi Khúc Bàng Giang bỗng vang lên nhiều t·iếng n·ổ rền vang. Tiểu đoàn 192 chính thức nhập trận, đem lựu đạn tre cột lại với nhau điểm hoả gây chú ý trước khi tràn vào quân doanh Khúc Bàng Giang bỏ lại. Quân doanh họ Khúc chỉ còn hơn hai trăm binh sĩ đủ sức chiến đấu, còn lại toàn binh sĩ già yếu, dân binh mới trưng tập chẳng phải địch thủ của Tiểu đoàn 192 nên mau chóng tan chạy. Tiểu đoàn 192 chiếm giữ quân doanh, thu lương thảo, giữ tù binh rồi phóng hoả. Tiếp đó, đại bộ phận Tiểu đoàn 192 đánh tập hậu Đào Phương Chanh. Đào Phương Chanh lưỡng đầu thọ địch, ba quân hoảng loạn tan vỡ, Chanh t·ử t·rận trong đám loạn quân.
Quân sĩ dưới quyền Khúc Bàng Giang hoang mang vì mất trại, Khúc Bàng Giang định quay lại ứng cứu nhưng Tiểu đoàn 191 lại dấn lên. Bấy giờ Kiều Quân Kỷ mới ung dung cưỡi chiến mã xuất hiện trước trận tiền, gọi Khúc Bàng Giang ra nói chuyện phải quấy. Khúc Bàng Giang vận giáp trụ, cầm trường thương một mình một ngựa ra mặt, lăn xả vào đâm chém Kiều Quân Kỷ. Tướng sĩ hai bên đứng ngoài hò reo không ngớt. Giao chiến hồi lâu, Kiều Quân Kỷ bất ngờ quay ngựa bỏ chạy, Khúc Bàng Giang quất ngựa đuổi theo. Hai bên đánh thêm một hồi, người ngựa đều thấm mệt. Khúc Bàng Giang lộ sơ hở, Kiều Quân Kỷ nhảy khỏi lưng ngựa, vật Khúc Bàng Giang ngã xuống đất. Hai chiến tướng vật nhau bất phân thắng bại trong tiếng reo hò. Sau cùng Khúc Bàng Giang nhận thua vì quá mệt, hạ lệnh quân sĩ buông khí giới quy hàng. Khúc Bàng Giang đã khéo kéo tách quân bản bộ khỏi binh mã thuộc quyền. Kiều Quân Kỷ nhờ đó thu phục quân họ Khúc, đưa về hậu cứ đối đãi tử tế. Khúc Bàng Giang không bị trói, ngay trong đêm ấy, tướng quân họ Khúc theo Kiều Quân Kỷ sang Kẻ Mẩy tham kiến Vạn Thắng vương.
Được đích thân Vạn Thắng vương mở tiệc khoản đãi, lại cho ngồi cạnh bên hỏi chuyện, Khúc Bàng Giang lấy làm cảm động rơi nước mắt, dập đầu quỳ lạy, xin một lòng thần phục Vạn Thắng vương. Vạn Thắng vương căn dặn Khúc Bàng Giang về hậu cứ Thiên Đức vỗ an binh sĩ. Mai Đắc Thắng hộ tống Khúc Bàng Giang, tranh thủ khai thác thông tin tình báo. Ngay hôm sau, 19 tháng 2, tin tức Khúc Bàng Giang cùng quân bản bộ bị tiêu diệt và bắt sống hết lượt lan truyền khắp chốn.
Việc thu phục Khúc Bàng Giang cùng quân họ Khúc có tầm quan trọng như thế nào đối với việc chiếm giữ kinh sư chẳng ai biết. Chẳng mấy người hiểu rõ vì sao Vạn Thắng vương tốn công sức thu phục vị tướng họ Khúc. Chỉ biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại hậu cứ, Khúc Bàng Giang cùng quân sĩ phải dành toàn bộ thời gian lắng nghe những cô gái Thần Vũ giảng giải về đường lối, chính sách của Thiên Đức.
Thiên Đức quân kiểm soát được hữu ngạn sông Nhuệ từ cửa Liên Mạc đến gần làng Thiên Mỗ hất về phía sông Hát, dài mấy mươi dặm. Nhờ vậy, binh mã Thiên Đức đóng ở Cổ Loa (tức thành Côn Lôn) và phủ Vĩnh Yên lũ lượt chuyển quân sang từ trung tuần tháng 2. Bên cạnh đó, một vài đạo binh nhỏ, ít thì hơn trăm người, nhiều thì hơn ba trăm, có cả nữ nhân người Mường, Mán, Sán Rìu… từ miền thượng du cũng bắt đầu xuất hiện trên chiến trường. Các đạo binh này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu, không trực tiếp tham chiến.
Hạ tuần tháng 2, sau khi tập hợp được một lực lượng đủ mạnh, Lý Mẫn bắt đầu t·ấn c·ông Kẻ Mẩy từ hướng Đông, Đông Nam và hướng chính Nam. Quân Thiên Đức dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vạn Thắng vương chỉ lo phòng ngự, dựa vào ưu thế hoả lực đẩy lui nhiều cuộc t·ấn c·ông của Lý Mẫn. Lý Mẫn chưa dám dốc toàn lực bởi Lê Phụng Hiểu đã tập hợp mấy nghìn quân kị bộ sẵn sàng vượt sông Nhuệ đánh sang đất Vĩnh Thuận ở sau lưng bất cứ lúc nào. Trước tình hình ngày một nguy khốn, Đỗ Thục chi viện hai nghìn binh mã, chủ yếu người thượng, đóng ở Kẻ Mọc, giúp binh triều phòng thủ.
Thời điểm này, sau khi lực lượng tăng nhanh, Vạn Thắng vương ra lệnh cho Yết Kiêu lấy nốt phần còn lại của cửa Liên Mạc. Bùi Công Hoảng đem quân ứng cứu. Bấy giờ Phùng Hiền theo lệnh của Vạn Thắng vương, chỉ huy quân Sơn Tây đánh Bùi Công Hoảng. Bị vây ép hai mặt, hoả lực thua thiệt hoàn toàn, Bùi Công Hoảng, Nguyễn Xuân Tảo cùng các bộ tướng đành rút về lập trại ở cửa sông Tô. Kiểm soát hoàn toàn hai bờ tả hữu thượng nguồn Nhuệ Giang, Yết Kiêu dùng các chiến thuyền nhỏ chở quân, lương thảo. Hàng chục cầu phao tạm được thiết lập giúp cho việc qua lại giữa hai bờ trở nên dễ dàng.
Ngày 26 tháng 2, Đại Thắng Lý Hoàng hậu Lý Thiên Bình cùng một nghìn quân thân vệ từ phủ Thiên Đức đến Kẻ Mẩy theo lối sông Nhuệ. Thuyền Hoàng hậu đi đến đâu đều gióng trống mở cờ. Dân chúng sinh sống gần thượng nguồn sông Nhuệ hay tin đều đổ ra xem. Đại Thắng Lý Hoàng hậu nhân danh Vạn Thắng vương, lệnh miễn thuế 1 năm cho dân chúng trong vùng. Làng nào theo dưới cờ Thiên Đức lập công sẽ miễn thuế 3 năm.
Do thực hiện nghiêm quân lệnh từ lúc bắt đầu vượt sông Hát, về cơ bản, dân các vùng mới bị chiếm không rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Ngay những dòng họ có người làm quan trong triều cũng chưa bị định tội. Tuy dân chúng hãy còn nhìn Thiên Đức quân với ánh mắt hồ nghi, nhưng việc không b·ị b·ắt lính, không b·ị c·ướp của, đàn bà con gái không bị làm nhục đã là tốt lắm rồi. Dân đen nơi nào cũng vậy, ai làm vua cũng được.
Bộ máy tuyên truyền của Thiên Đức, nòng cốt là nữ binh Thần Vũ, hoạt động hết công suất. Mục tiêu an dân vùng tạm chiếm lấy làm đầu. So với một nam binh sĩ tay cầm giáo xộc vào làng thì một nữ nhân y phục vàng, ăn nói nhỏ nhẹ vẫn dễ chịu hơn nhiều.
Vạn Thắng vương và Hoàng hậu ở Kẻ Mẩy, ban bố miễn tội cho toàn bộ quân sĩ binh triều đã và đang cầm giáo chống lại Thiên Đức. Quan quân trong thành nếu biết phải trái tìm đến trình diện trung quân Thiên Đức sẽ được giữ nguyên chức vụ, bổng lộc. Thông tin từ Kẻ Mẩy tung ra khiến bách tính La thành nhốn nháo, bắt đầu bồng bế nhau tìm đường tháo thân tránh cảnh máu chảy đầu rơi. Tuy vậy, cổng thành ngoại đã đóng chặt, bách tính muốn cũng không thể ra ngoài. Nhiều nhân sĩ trẻ trong thành sẵn lòng bất mãn vì không được trọng dụng, bằng những cách khác nhau trốn khỏi thành đến đầu quân Thiên Đức. Ngược lại, những nhân sĩ thủ cựu vẫn một lòng trung thành với Trữ quân, họ không chấp nhận vương triều rơi vào tay họ Mạc. Ngay như trong phủ Tể tướng, tuy không còn giữ quyền bính song Tô Tể tướng vẫn có tầm ảnh hưởng. Ông muốn Tô Thái uý rời chức vị, Trữ quân tiến hành thương thảo với Vạn Thắng vương, tìm giải pháp cắt đất phong vương. Trong khi đó hai người con của Tô Tể tướng mười phần chán nản, muốn nhân cơ hội này xoá bỏ quyền lực của Thái uy, loại bỏ trữ quân, lập vương triều mới, chấm dứt cảnh binh đao.
- Ngô sứ quân bị vây khốn, bên Đỗ Động Giang chỉ lo thủ thế, kinh thành bị vây khốn ba mặt. - Tô Vĩnh Khang, nguyên Hộ bộ Tả thị lang nói. - Kinh thành bị hạ chỉ còn tính ngày tính tháng, cố chống đến cùng thì bách tính lầm than. Thân phụ, lúc này người nên dùng uy tín để khuyên răn thuộc hạ mới là hơn.
Nguyên Công bộ Hữu thị lang Tô Hiến Khái tiếp lời:
- Trữ quân không thể cắt đất phong vương cho Mạc Thiên Chương. Quân Mạc hùng mạnh, thiện chiến hơn cả phương Bắc, sở dĩ họ nhùng nhằng không đánh vào thành là muốn quân dân trong thành suy ngẫm. Thực tế lúc này kinh thành đã chia làm ba phần, một chống đến cùng, một trung dung và còn lại âm thầm ủng hộ Thiên Đức. Những kẻ ủng hộ Thiên Đức do không giữ trọng trách nên thân phụ chưa nhận rõ, tuy chẳng có tiếng nói song họ rất đông. Thân phụ muốn tỏ tường, cứ vận y phục thường nhân rảo một vòng các chợ trong thành sẽ hiểu nhân tình thế thái. Từ lâu bách tính La thành chán ghét Trữ quân, chỉ những gia tộc nhận bổng lộc trung thành mà thôi.
Tô Hiến Thành thở hắt ra, giọng buồn phiền:
- Nếu bây giờ ta lên tiếng, Thái uý lập tức lệnh thuộc hạ trừ sạch người trong phủ. Quyền bính không có trong tay, ta lực bất tòng tâm. Thứ nữa, tế tử của ta m·ất m·ạng khi đối đầu Thiên Đức, nay ta ra mặt ủng hộ, dù theo cách nào, thì thiên hạ cũng phỉ nhổ vào mặt ta.
Tô Vĩnh Khang bèn nói:
- Khúc Bàng Giang còn hay mất chưa rõ, phụ thân đừng vội tin lời Bùi Công Hoảng. Hoảng không có ý gì nhưng con đồ Vạn Thắng vương giữ lại mạng của Giang có lợi hơn là g·iết.
Tô Hiến Thành nhướng mày, ngoảnh nhìn trưởng tử. Tô Vĩnh Khang lại tiếp:
- Phụ thân từng gặp thân tín của Vạn Thắng vương trong đại lao, anh ta cũng từng bí mật đến nhà ta.
- Phạm Ngũ Lão? - Tô Hiến Thành hỏi lại.
- Thưa phải, chính hắn. Hiện nay Nguyễn Nhân Nghĩa, không đúng, là Lý Nhân Nghĩa vẫn bị giam trong đại lao. Vạn Thắng vương trọng dụng ông ta. Phụ thân tìm cách vào đại lao hỏi đầu đuôi, nhất định rõ chân tướng.
Tô Hiến Thành đứng dậy. Tô Hiến Khái chạy đến đỡ cha.
- Dựa vào đâu ngươi nghĩ vậy?
- Vạn Thắng vương muốn thu phục họ Khúc, họ Đồng. Phạm Ngũ Lão thoát khỏi đại lao, bị Sát Quỷ Đoàn t·ruy s·át gắt gao song bóng chim tăm cá. Hắn ta tiếp cận cha con ta trước, ắt sẽ tìm cách gặp họ Khúc, họ Đồng. Thực hư… thực hư phụ thân gọi ái nữ về là tỏ cả thôi. Phụ thân ngẫm mà xem, Đồng Mặc và Khúc Bàng Giang bặt vô âm tín, cớ sao ái nữ của phụ thân chẳng mấy đau buồn?
Tô Hiến Thành hất mạnh tay Tô Hiến Khái, giận ra mặt:
- Ý ngươi nói nữ nhân Tô phủ tiếp tay cho nghịch tặc?
Bấy giờ Tô Hiến Khái mới nói:
- Ai là nghịch tặc hẳn phụ thân rõ hơn cả. Di chiếu tiên vương truyền ngôi vị cho trưởng Công chúa, Trữ quân chiếm giữ liệu có đúng?
Tô Hiến Thành vung gậy vụt Tô Hiến Khái, trợn mắt mà rằng:
- Nghịch tử! Các ngươi ăn lộc Trữ quân lại sinh lòng phản trắc.
Dứt lời liền chống gậy bỏ đi. Tô Vĩnh Khang chép miệng thở dài.
- Anh vào đại lao dò hỏi ông Nghĩa, tôi đi gặp chị cả gặng hỏi cho ra nhẽ.
Tô Hiến Khái ra đến cửa, bỗng Tô Vĩnh Khang gọi giật lại rỉ tai:
- Hồng Châu nắm một vệ đóng ở phía Nam, chú phải nhớ lấy.
Tô Hiến Khái khẽ gật đầu rồi rời đi. Còn lại một mình, Tô Vĩnh Khang đứng giữa cửa, ngước nhìn bầu trời trong xanh sau những ngày u ám, lẩm bẩm thành tiếng:
- Giang sơn sắp đổi chủ, chẳng thể khác được. Lòng dân li tán, Thái uý dẫu gắng sức cũng chỉ là hồi quang phản chiếu. Tô phủ mai này ra sao phụ thuộc vào lúc này.