Chương 640: Loa Sơn phía trước
Tin đồn một đạo binh Thiên Đức vượt Nhuệ Giang chiếm làng Kẻ Mẩy từ chợ Dừa, một ngôi chợ tấp nập ngay cửa Đông thành ngoại, theo miệng các bà các cô mau chóng lan ra. Người nọ kháo người kia, đến quá trưa, hầu hết dân trong thành đều biết song chẳng rõ thực hư. Tin đồn lan đến phủ thái uý lúc nửa buổi. Tô Trung Từ hồi phủ, nghe quân hầu bẩm báo, bán tín bán nghi vội sai thám mã xác minh. Thám mã báo rằng, từ làng Sở, làng Đơ Thao đến đất Kẻ Mọc gồm các hương như Nhân Mục Tả, Nhân Mục Hữu rồi đến bờ sông Nhuệ vẫn yên. Tin tức đại quân Lý Đô thống t·ấn c·ông phản tặc Lê Phụng Hiểu tại La Khê, cự với quân Thiên Đức dưới cờ Cam Giá Phùng thị ở mạn Cự Khê đều thuận lợi khiến Tô Trung Từ phần nào an lòng. Lúc này thám mã cử đến doanh Kẻ Mẩy vẫn chưa có tin tức.
Đầu giờ chiều, thân nhân những tù binh ở doanh Kẻ Mẩy chẳng biết vô tình hãy hữu ý mà kéo nhau đến trước phủ thái uý khóc lóc van xin Tô Thái uý mau điều binh cứu con cháu của họ. Khung cảnh hỗn tạp. Lúc chiều muộn, cả nghìn giả trẻ lớn bé tụ tập trước phủ khiến quân canh phủ phải đuổi đi.
Nói về bọn thằng Cò cùng đám bạn mục đồng theo lời dặn của Mai Đắc Thắng dễ dàng qua cổng thành lúc gần chính Ngọ với gánh củi trên vai, mặt mày lem luốc, áo sống nhàu nhĩ, vá chằng vá đụp.
Thằng Cò và một đứa khác tìm chỗ bán trâu. Lái trâu trông thấy hai đứa trẻ nên dụ khị, nhờ đó mua được cả trâu lẫn nghé với giá hời. Lúc đếm tiền, thằng Cò quay sang đồng bạn dặn:
- Tiền này tao với mày cưa đôi, đường ai nấy đi, có duyên ắt gặp lại.
Lái trâu tò mò hỏi:
- Hai đứa chúng bay ă·n t·rộm trâu ở đâu? Để tao biết đường mà tránh.
Thằng Cò thật thà:
- Cháu chăn trâu cho ông phú hộ Mão ở Kẻ Mẩy Thượng. Ông ấy hay bỏ đói, trời lạnh chẳng cho cháu nổi cái áo tươm tất nên nửa đêm cháu dắt luôn cả trâu lẫn nghé đi bán, may có thằng này dẫn đường. Nam nhân ra đường, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu.
Lái trâu hất hàm hỏi bạn thằng Cò:
- Mày người đâu
Thằng bé bận nhét những đồng xu vào cạp quần, đáp gọn lỏn:
- Cháu bên Ngọc Mịch.
- Chúng mày nói láo! - Người lái trâu nạt. - Dân đây đang đồn ầm lên, quân Thiên Đức chiếm Kẻ Mẩy, nội trong ngày nay đánh đến kinh thành.
Thằng Cò tròn mắt, tỏ ra ngạc nhiên quay ra hỏi bạn:
- Thật à?
Thằng bé nhếch miệng cười nhạt:
- Hơi đếch đâu nghe tin đồn nhảm! Chiều hôm kia tao ở làng có gì đâu. Tao làm lạc trâu, sợ b·ị đ·ánh nên chiều tối tao lên đò ngang sang bên này.
Thằng Cò lắc đầu thản nhiên nói với người lái trâu:
- Chú nghe ở đâu thế? Làng Kẻ Mẩy Thượng ai cháu chả biết. Cháu dắt trâu đi lúc gà còn chưa gáy nào có Thiên Đức? Có Thiên Đức thì chú nghĩ cháu dắt trâu đi bán được ư?
Nói đoạn, Cò quay sang vỗ vai đứa bạn:
- Thế nhé, gặp sau.
Mỗi đứa nhảy chân sáo theo một hướng, chẳng quan tâm đến điệu bộ của người lái trâu. Là dân lái trâu, sao không biết phú hộ Mão ở Kẻ Mẩy Thượng.
- Thây kệ! Thời buổi nhiễu nhương, tin Thiên Đức nay đánh mai lui chẳng liên quan gì mình.
Nói đoạn ông ta bảo kẻ hầu mau dắt trâu đi, sợ gia nô phú hộ Mão tìm đến bắt vạ. Con trâu này đích thực trong đàn trâu của phú hộ Mão ở làng Kẻ Mẩy Thượng vì có đóng ấn đàng hoàng.
Đến chiều hôm ấy, dân sinh sống gần cửa Đông thành ngoại lại nghe rằng tin Thiên Đức chiếm Kẻ Mẩy là tin đồn nhảm, nhiều người còn khẳng định chắc nịch, cam đoan bản thân vừa ở đó lúc sáng.
Tin tức nhiễu loạn chẳng biết đường nào mà lần.
Thám mã phái đi Kẻ Mẩy bặt vô âm tín, Tô Trung Từ đứng ngồi không yên, cử bộ tướng Lý Tùng Hoán dẫn một nghìn quân kị bộ xuất thành vào giữa giờ Thân, hạ trại dã chiến cách cửa Đông 7 dặm về hướng Đông Bắc, bảo vệ sườn phải Loa Sơn, sẵn sàng ứng phó khi có động. Đồng thời, Tô Trung Từ truyền lệnh, yêu cầu Lý Mẫn tạm dừng t·ấn c·ông La Khê, quay lại Văn Quán trang và đưa một bộ phận tinh binh rút về đất Vĩnh Thuận, nơi có làng Sở, giáp đất Kẻ Mọc.
Loa Sơn, dãy gò đồi thoai thoải nằm cách chợ Dừa chẳng bao xa sáng đuốc khi bóng chiều vừa tắt. Đứng trên bờ tường thành ngoại, bằng mắt thường vẫn trông thấy bóng quân canh chống giáo đứng trên lâu cao đổi gác khi trống canh Một vừa điểm.
Cách Loa Sơn chưa đầy 3 dặm là lũy tre của các xóm Đình, Đông, Tứ, Dộc, Cái. Bờ tre của 5 xóm dày san sát, nổi bật trên nền trời đêm. Mỗi xóm ngăn cách với nhau bởi một con đường đất chạy ngang qua hoặc vài thửa hoa màu. Dân sinh sống trong 5 xóm phần đa là thân nhân binh sĩ trong quân hoặc tiểu tướng nên rất trung thành với triều đình. Có thể nói, 5 ngôi làng như phên giậu che chắn cho cửa Đông thành ngoại.
Cách làng Tứ, ngôi làng nằm giữa 5 ngôi làng hơn 1 dặm về phía Đông là làng Sở, một làng nhỏ với hơn trăm nóc nhà, hình thành hơn ba chục năm về trước.
Dân làng Sở xưa kia gốc làng Sở Hạ bên phủ Sơn Tây, nơi phát tích của Lý tiên vương. Lý tiên vương lên ngôi, đưa dân làng Sở Hạ về đây lập làng. Dân làng lấy tên làng Sở nhằm nhắc nhở con cháu đời sau vể gốc gác. Thuở ban đầu lập nước, dân làng Sở có chút vị thế hơn mấy làng bản địa như Đình, Đông, Tứ, Dộc, Cái hay Đơ Thao gần đó bởi dân làng Sở từng theo Lý tiên vương lúc dấy cờ.
Vật đổi sao dời, Lý tiên vương băng hà, triều đình có biến, xảy ra loạn tam vương, một phần nhỏ dân làng Sở tay xách nách mang về Sơn Tây do cha anh theo chân Lý Đạo Thành. Dân làng Sở còn lại dần mất vị thế vì những người con làng Sở chẳng còn mấy ai được trọng dụng dưới quyền Tô Thái uý. Làng Sở hiện tại bị pha loãng, là nơi trú ngụ của nhiều cô đầu, của dân tứ xứ phiêu bạt.
Từ lúc Thiên Đức động binh vào cuối năm trước, cổng làng Sở có một doanh bộ binh với hơn ba trăm quân thường trực. Lui về sau cổng làng Sở một quãng là nơi đứng chân của một đơn vị khinh kị hơn hai trăm quân cùng một trận địa Cự thạch pháo chừng ba mươi khẩu được bố trí rìa làng Đông và làng Dộc.
Tại làng Đình, ngoài cùng bên tả, là vị trí đóng quân tạm thời của hai trăm quân thiết kị làm nhiệm vụ cơ động. Làng Cái ở ngoài cùng bên hữu, như tên gọi, ngôi làng lớn nhất với hơn một nghìn nhân khẩu là bản doanh tạm thời của hơn năm trăm quân kị bộ dưới quyền Trần Hoàng Sinh.
Cánh đồng các làng quanh khu vực trở nên nham nhở khi hàng trăm hầm hố, ụ đất, rào cự mã… được sắp đặt có chủ đích kể từ khi Lý Mẫn rút quân về Văn Quán trang.
Từ làng Sở cho đến bờ sông Nhuệ, cách vài ba dặm lại có một trại quân nhỏ. Trại lớn nhất vừa được dựng gấp gáp ven bờ sông, ngay cạnh bến thuyền. Tô Trung Từ xác định, một khi Mạc Thiên Chương đẩy lui Lý Mẫn, muốn sát thành ngoại thì phải trả một cái giá vô cùng đắt khi vượt qua quãng đường chưa đẩy hai mươi dặm.
Bộ Chỉ huy và Bộ Tham mưu của Chương biết rất rõ điều đó, và vì vậy mới cần thiết phải tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu. Đích nhắm đến của Chương là làng Cái hay xóm Cái, tuy theo cách gọi của từng người. Theo dự tính của Chương, một khi anh t·ấn c·ông Trần Hoàng Sinh, binh triều ở Loa Sơn gần đó sẽ chi viện ngay tức khắc. Và tất nhiên, bộ binh tại làng Sở cùng các đơn vị khác sẽ ứng chiến rất mau lẹ.
Chương nhận tin do trinh sát tiền trạm cấp báo, biết Lý Tùng Hoán lập trại dã chiến gần Loa Sơn liền bật cười mà rằng:
- Lão cáo già họ Tô thừa biết Loa Sơn là điểm yếu chí tử nên điều binh che chắn là lẽ tất nhiên.
Mai Đắc Thắng trải tấm hoạ đồ bằng da dê để mọi người cùng xem. Sau khi trinh sát chỉ rõ vị trí đóng quân của Lý Tùng Hoán, Chương khẽ nhíu mày:
- Lạ nhỉ? Sao Lý Tùng Hoán lại hạ trại cạnh hồ nước? Chiến mã cần nước nhiều đến vậy ư? Có gì đó không đúng ở đây.
Chương gõ nhẹ ngón tay lên hoạ đồ, ngoảnh nhìn bọn Bố Giáp, Phùng Hiền, Vi Thọ Kỳ, Cao Tòng Chinh…
- Có thể Lý Tùng Hoán muốn tận dụng hồ nước để giảm thiểu việc bị t·ấn c·ông bên sườn phải. - Cao Tòng Chinh đưa ra nhận định. - Vốn là sở trường của ta đó ạ.
Chương hướng ánh mắt nhìn Mai Đắc Thắng, Thắng vội lấy thêm mấy tấm hoạ đồ bằng giấy vẽ chi tiết địa hình, đối chiếu với vị trí Lý Tùng Hoán dừng chân. Chương xem kĩ, hỏi thêm Bố Giáp, người rành rẽ địa hình hơn cả. Bố Giáp gọi đến mấy người dân Kẻ Mẩy, nhờ họ mô tả kĩ càng hơn vì đã hơn hai chục năm trôi qua, Bố Giáp không dám nói bừa.
Chương chăm chú lắng nghe, thi thoảng lại đưa tay lên trán bóp nhẹ. Đoạn Chương đứng vụt dậy, hướng ánh mắt nhìn về màn đêm u tịch ở mạn Tây Nam.
- Lý Tùng Hoán người ở đâu?
Chúng tướng ngơ ngác nhìn nhau, ánh mắt đổ dồn lên người Mai Đắc Thắng khiến anh này lúng túng. Mai Đắc Thắng ấp úng:
- Dạ bẩm… thuộc hạ không có thông tin về hắn.
Chương lại quay ra hỏi quân trinh sát:
- Hắn đem theo bao nhiêu quân kị?
- Dạ thưa thủ trưởng, không ít hơn bốn trăm ạ.
Bố Giáp mạnh dạn hỏi:
- Thưa Quan gia, ngài còn trăn trở điều gì? Lý Tùng Hoán người ở đâu thì nguy hại ra làm sao ạ?
Chương không trả lời, thay vào đó anh nói với Vi Thọ Kỳ:
- Ta muốn túm vài tên lính để tra hỏi. Ta muốn biết Lý Tùng Hoán gốc gác ở đâu.
Vi Thọ Kỳ lập tức chạy biến vào màn đêm. Chúng tướng im thin thít vì chưa hiểu ý đồ của Chương.
- Truyền lệnh ba quân giữ nguyên vị trí chờ lệnh mới.
Dứt lởi, Chương quay người bỏ đi, đến bên một gò mối, anh thở dài ngồi phệt xuống, tựa lưng vào gò, phóng tầm mắt lên bầu trời đêm khuya suy nghĩ mông lung.
Bọn Bố Giáp chụm đầu bàn tán, đoán già đoán non một hồi bèn nhờ Quan Lam Giang và Dương Yên Thư khéo léo dò ý Chương. Yên Thư và Lam Giang tỏ ra ái ngại vì hiểu mỗi khi Chương lặng im suy tư đều không muốn ai làm phiền. Những lúc như thế này chỉ có Hoàng hậu và Thần phi mới dám hỏi.
Ngọc Hà, cô hầu gái giật nhẹ gấu áo Yên Thư thỏ thẻ:
- Các tướng quân đại nhân chỉ huy thiên binh vạn mã sao lại nể sợ ngài ấy đến vậy hả chị? Giám quân là chức gì vậy ạ?
Yên Thư bật cười mà rằng:
- Xem mấy ông tướng làm gì sai để phạt.
Đoạn Yên Thư bảo nhỏ với Lam Giang:
- Trời lạnh mà cứ đứng ngồi ở đây không được, em đánh bạo đi, lấy cớ nhắc ngài uống nước ấm.
Lam Giang cẩn thận bưng bát nước trà nóng, quỳ xuống bên cạnh Chương nhỏ nhẹ:
- Vương thượng, nếu ngài cần em hầu ở đây, em sẵn lòng.
Chương ngoảnh sang nhìn Lam Giang, nhoẻn cười:
- Sao có thể? Ta uống nước được rồi.
Chương nhấp một ngụm, khẽ lắc nhẹ cái bát rồi thêm ngụm nữa mới trả lại Lam Giang.
- Bảo mấy ông kia lại đây ngồi.
Lam Giang vừa dứt câu, bọn Bố Giáp vội vã chạy lại. Chương đang ngả lưng, chân co chân duỗi, một tay đặt lên đầu gối. Chúng tướng bèn quỳ gối khom lưng chờ lời vàng ý ngọc.