Chương 637: Kẻ Mẩy
Theo chiến thuật “nhảy cóc” do bọn Liêu Nhất Khổng và những mưu sĩ đưa ra, trung quân Thiên Đức lần lượt từ Văn Khê di chuyển đến La Khê và bỏ lại trang bị nặng tại đây. Từ La Khê, trung quân phân tán thành các đại đội độc lập trang bị nhẹ, đem theo một số chiến mã của Lê Phụng Hiểu. Các đơn vị lần lượt lặng lẽ xuất phát cách nhau chừng nửa canh giờ trong những cơn gió lạnh buốt không ngừng thổi và màn đêm bao phủ lên vạn vật.
Đội tiên phong có hơn hai trăm binh sĩ do Bố Giáp chỉ huy trực tiếp gồm đại đội Thân Vệ quân dưới quyền Vi Thọ Kỳ, đại đội bộ binh còn lại do Cao Tòng Chinh phụ trách. Trong đội tiên phong còn có Mai Đắc Thắng và một số người thông thuộc địa bàn được tuyển chọn kĩ càng. Bố Giáp dẫn đội ập vào một ngôi làng nhỏ cách La Khê chừng hai mươi dặm về hướng Tây Bắc. Tuần binh bố trí ngoài làng chỉ có hơn chục người địa phương chủ yếu làm nhiệm vụ cảnh giới b·ị b·ắt hết lượt. Bố Giáp bàn giao lại ngôi làng này cho đơn vị phía sau kiểm soát. Toàn bộ dân làng được cảnh báo, bất kì ai tìm cách trốn ra khỏi làng thì cả làng vạ lây, già trẻ gái trai bêu đầu hết lượt. Ngược lại, nếu dân làng tuân thủ quân lệnh, khi Thiên Đức kiểm soát toàn bộ vùng phía Đông sông Nhuệ sẽ miễn thuế 3 năm, miễn quân dịch 1 năm. Bên cạnh đó, Bố Giáp tuyên chỉ của Vạn Thắng vương, ban thưởng cho dân làng 10 nén vàng. Với những điều kiện như vậy, dân trong làng chẳng ai không tuân. Tuần binh sẽ ở lại làng, chỉ có hai người làm nhiệm vụ cảnh giới cùng với binh sĩ Thiên Đức nhằm đảm bảo khi binh triều có đến dò la tình hình cũng không bị lộ.
Trong một đêm, đội tiên phong di chuyển được mấy chục dặm đường, kiểm soát 5 ngôi làng trên đường hành quân, trong đó lớn nhất là làng Cự Mỗ với gần hai nghìn nhân khẩu. Trong đêm tiếp theo, Bố Giáp đến đất Hương Canh, kiểm soát được làng Ngọc Mịch trước khi trời sáng một cách êm thấm theo cách đã làm trước đó. Đêm tiếp theo, làng Ngọc Mịch có đến hơn một nghìn tinh binh Thiên Đức ẩn náu.
Chương có mặt tại Ngọc Mịch vào tối thứ tư từ lúc xuất phát ở La Khê. Ngay đêm đó Bố Giáp, Cao Tòng Chinh và Vi Thọ Kỳ dẫn đội tiên phong vượt sông Nhuệ trong màn đêm tĩnh lặng. Tổng cổng quân Thiên Đức âm thầm kiểm soát cả thảy 11 ngôi làng lớn nhỏ với hơn bảy nghìn dân trên đường hành quân. Trung bình tại mỗi làng có ít nhất một đơn vị tương đương quân số tiểu đoàn trú quân. Vài ngày sau, Phùng Hiền dẫn một trung đoàn hành quân theo con đường này mà thần chẳng biết quỷ chẳng hay. Liêu Nhất Khổng đã dựa vào đặc điểm các ngôi làng cách nhau bởi một cánh đồng lúa rộng lớn để bày kế sách.
Tại khu vực bờ sông gần điếm canh đê làng Ngọc Mịch, quân Thiên Đức đóng nhiều cọc gỗ lẫn trong đám cỏ phi bồng, cỏ lau rậm rạp. Bên bờ đối diện, cọc gỗ hoặc gốc tre già đóng sâu xuống đất, lẫn trong lau lách. Quân Thiên Đức lần lượt vượt sông bằng cách bám dây chão. Chỉ trong một đêm, đơn vị của Phùng Hiền cùng nhiều đơn vị khác đã sang hết bờ bên kia. Một số dân làng Ngọc Mịch xung phong dẫn đường và gia đình họ nhận được những món hậu hĩnh. Có thể nói Thiên Đức quân lợi dụng màn đêm và lũy tre xanh ngát để chuyển quân. Buổi chiều Dương Tử Sung đến Ngọc Mịch thì trong làng chỉ còn hơn năm trăm Thân Vệ quân và Thần Vũ quân đảm bảo an toàn cho Chương.
Chương giảng giải rành mạch, dùng chính những chén trà nhỏ minh hoạ cho làng mạc. Doãn Tử Sung chăm chú lắng nghe, chẳng bỏ sót lời nào, thi thoảng lại gật đầu như bổ củi, cặp mắt sáng choang, nét mặt không giấu vẻ háo hức. Chương vẫn giữ vẻ điềm nhiên:
- Tám cái chén này mỗi chén chứa mấy trăm tinh binh từ La Khê đến Ngọc Mịch.
Đoạn anh nhận cái ấm từ Mai Đắc Thắng, đặt lên cạnh bàn, nói thêm:
- Cái ấm này bên kia sông Nhuệ, tượng trưng cho mấy nghìn tinh binh sáp sát kinh thành.
Doãn Tử Sung hơi nhăn mặt, khẽ lắc đầu:
- Khó lắm! Bên kia sông có làng Kẻ Mẩy là lớn nhất. Binh mã triều đình trấn ở đó ước chừng cả nghìn quân, có động lập tức cấm quân từ cửa Đông thành ngoại sẽ tiếp ứng ngay tức thì.
Chương xoè bàn tay ra trước mặt Doãn Tử Sung, cười mà rằng:
- Tại Kẻ Mẩy chỉ có hơn năm trăm binh mã, phân nửa trong số ấy là quân già yếu, phần còn lại toàn lính dõng với con em nhà quan sung quân cho đủ số. Nói chung sức chiến đấu của họ không đáng kể.
Doãn Tử Sung tròn mắt. Nãy giờ mải mê nghe Chương thao thao bất tuyệt, nhất thời chưa nhận ra sự lạ gì. Đến lúc này, nhìn nét mặt mười phần chắc thắng của Chương thì Doãn Tử Sung bỗng chột dạ, lắp bắp hỏi:
- Cớ sao Quan huynh lại nói chắc nịch như vậy? Bây giờ tại hạ ngẫm mới thấy lời Quan huynh chí lí, chả lẽ…
Chương so vai, ngả lưng ra ghế, nhoẻn miệng cười, ánh mắt hấp háy nhìn sang:
- Doãn công tử tài trí hơn người, Lý Đô thống mà nghe lời công tử thì ta đã chẳng ngồi uống trà câu cá ở nơi này. Hãy còn nhiều thì giờ, Doãn công tử cứ từ từ nghiền ngẫm.
Chương ngoắc tay ra hiệu. Doãn Tử Sung còn chưa kịp định thần thì hai chàng Thân Vệ quân đã áp sát xốc nách kéo Doãn Tử Sung đứng lên. Sung hoảng hốt, hết nhìn Chương lại quay trái ngó phải, miệng ú ớ chẳng thành tiếng.
- Đối đãi với Doãn công tử đàng hoàng, cậu ấy là khách.
Hai chàng thân vệ dạ ran, mau chóng đưa Doãn Tử Sung vào làng. Sung vùng vằng nhưng sức công tử bột chẳng thể cựa quậy, cố ngoái cổ lại định hỏi nguyên cớ nhưng nhoáng một cái đã qua cổng làng Ngọc Mịch.
- Vương thượng, dường như ngài mến anh chàng khôi ngô đó?
Chương ngoảnh sang đáp lời Quan Lam Giang:
- Người sáng dạ, tư tưởng tốt như vậy dĩ nhiên ta muốn hắn phục vụ cho Thiên Đức. Qua lời hắn nói ta càng thêm khẳng định mọi hành động của tướng sĩ binh triều tưởng như đều do bọn mưu sĩ phương Bắc thao túng. Điều này khiến ta củng cố quyết tâm, bằng mọi giá phải trừ bỏ bộ sâu bên kia sông mới được.
Dương Yên Thư bỏ dở việc vót tiễn, đến ngồi phệt bên cạnh ghế của Chương, thắc mắc:
- Hắn đã phần nào đoán được ý đồ của ta, Đại Vương có nghĩ những kẻ khác sẽ lưu tâm không? Ngay khi nhắm đến Loa Sơn, ắt bọn Lý Mẫn nháo nhào.
Chương không vội trả lời, cúi người giật mạnh cần câu nhưng chẳng có con cá nào.
- Bọn cá này rỉa mồi ghê đấy!
Lây thêm mồi cho vào lưỡi câu, Chương chậm rãi trả lời Dương Yên Thư, mắt vẫn đăm đăm nhìn mặt nước yên ắng:
- Lý Mẫn sẽ sớm đoán ra ý đồ của ta, kinh thành chẳng thiếu người tài, như tay Doãn Tử Tư vừa rồi ấy. Họ không được trọng dụng là cái may của ta, sau phải lưu tâm điều này. Hiền tài là nhân khí quốc gia, phải dùng người Vạn Xuân ở những vị trí quan trọng và nên lắng nghe ý kiến người bản địa. Ta chiếm Kẻ Mảy làm chỗ đứng chân, làm bàn đạp tiến đánh Loa Sơn. Lý Mẫn có nhiều lựa chọn để đối phó nhưng… ta không muốn dồn ông ta vào đường cùng, điều đó rất nguy hiểm. Dân kinh thành chịu ơn nhà Lý hơn ba mươi năm, chẳng thể thay đổi suy nghĩ của họ trong ngày một ngày hai. Sắp tới, cần tập trung thực hiện công tác tư tưởng cho những nam thanh nữ tú vùng mới chiếm được. Với những người lớn tuổi, phải làm cách khác, mưa dầm thấm đất.
Dương Yên Thư lại hỏi:
- Ngài có nghĩ Lý Mẫn kéo binh đến đánh vào những làng mạc ta đang giữ không?
Chương lắc đầu bảo rằng:
- Nếu ông ta làm vậy thì Lê Phụng Hiểu ở mạn Đông và quân Sơn Tây ở Cự Khê hai mặt giáp công. Lý Mẫn đôi lúc hồ đồ nhưng nhiều năm cầm đại binh cũng có kinh nghiệm. Ông ta hoặc cố thủ giữ Văn Quán, hoặc lui về giữ Vĩnh Thuận.
Thả câu xong chờ nước tĩnh, Chương nói thêm:
- Chỉ cần tin tức quân ta xuất hiện gần Loa Sơn thì Văn Quán trang không còn ý nghĩa gì nữa. Cuộc chiến cam go sẽ diễn ra ở Loa Sơn.
Vừa lúc ấy Mai Đắc Thắng chạy như bay từ trong làng trở ra, mặt hớn hở, hồ hởi báo cáo:
- Dạ thưa, có tin thắng trận của Bàn tướng quân gửi đến ạ. Bàn tướng quân đã làm chủ mạn Nam thành ngoại. Quân của Tô Thái uý đã rút vào thành.
Chương nhoẻn miệng cười hỏi lại:
- Từ khi nào?
- Dạ báo cáo, từ chiều hôm kia ạ! Tiếp theo, Bàn tướng quân sẽ phong toả, chia cắt kinh thành với vùng Đỗ Động Giang.
Chương đứng dậy, nheo mắt nhìn về hướng bờ đê sông Nhuệ suy tư một chặp, đoạn anh nói:
- Nói với Bàn Phù Sếnh, không nhất thiết phải chặn mọi đường sống của quân dân trong thành. Phải để một cửa cho họ rút sang Đỗ Động Giang, nếu bịt hết, họ chống đến cùng thì lấy đâu ra quân dân sau này dựng nước. Nhắc anh Sếnh, đây là lệnh của ta. Hãy lo an dân khu vực mới chiếm, đối đãi tử tế với tù binh, khai thác triệt để tin tức tình báo.
Mai Đắc Thắng định quay trở đi, Chương gọi lại dặn rằng:
- Nhắn với cậu Tôn trực tiếp có mặt bên cạnh anh Sếnh. Nhớ nắm thêm tình hình bên thủy quân, có gì mới lập tức báo ngay cho ta.
Mai Đắc Thắng đi rồi, Chương lại ngồi câu. Dương Yên Thư ngồi vót tên bên cạnh. Bên còn lại, Quan Lam Giang hì hụi chế thuốc độ kèm thuốc giải.
- Vương thượng vẫn đề phòng binh triều vượt Xích Giang đánh sang Vũ Ninh ạ?
Chương tủm tỉm cười, lắc đầu đáp:
- Cáo già họ Tô sẽ làm vậy để giải toả áp lực.
Dương Yên Thư làu bàu:
- Em nghĩ Đại Vương nên từ bỏ ý định sang Kẻ Mẩy. Ngài không nhất thiết phải có mặt ở trận tiền như thế. An nguy của ngài quan trọng.
- Ta phải có mặt ở trận tiền khích lệ sĩ khí ba quân. Thiên Bình cũng sẽ đến. Ta muốn bàn dân thiên hạ biết để bớt đổ máu, nhất là đám hào phú trung dung. Hồi trước binh yếu tướng mỏng ta còn chẳng sợ, nay thiên binh vạn mã sao ta có thể lui phía sau. Hơn nữa, kinh thành cũng chẳng phải nơi xa lạ với ta, ta thực tò mò lắm.
Nói đoạn, Chương lần lượt xoa đầu hai cô gái. Như vậy, Chương đã đến Vạn Xuân được 11 năm, chẳng biết bố mẹ lúc này có mạnh khoẻ, có còn trông ngóng đứa con trai bỗng nhiên m·ất t·ích hay không. Em gái Chương bây giờ đã 27 tuổi, chẳng biết đã lập gia đình hay còn độc thân. Nếu La thành chính là Thủ đô, nơi Chương biết ít nhiều, thì anh vô cùng háo hức, tò mò khi đặt chân đến. Dòng sông Nhuệ kia có phải dòng sông Nhuệ chảy giữa lòng Thủ đô hay không? Thật khó mà biết được. Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều ký ức về nơi Chương đến bắt đầu phai nhạt.
- Lại có điều gì khiến vương thượng bận tâm?
Quan Lam Giang thỏ thẻ, cắt đứt dòng suy tư, kéo Chương trở lại thực tại.
- Hoàng hậu và Thần phi có bảo với em, dường như Quốc lão, Quốc mẫu và Hoàng muội còn ở đất kinh sư nên mỗi khi nhắc đến, ngài đều trầm ngâm, buồn bã, nhớ nhung khắc khoải. Sắp tới về kinh, vương thượng phải cho chúng em đến bái kiến mới được.
Chương ngẩng mặt nhìn bầu trời xanh thẳm cười buồn mà rằng:
- Cũng là kinh sư mà kinh sư khác, ta không thể giải thích tường tận với các em. Em gái ta bây giờ 27 tuổi, ta muốn biết nó đã thành gia lập thất hay chưa. Ta có gia đình mà lại chẳng có ai.
Dương Yên Thư ngả đầu vào lòng Chương nũng nịu:
- Đại Vương nói chúng em là gia đình của ngài, đất nước này là nhà của ngài cơ mà. Hoàng hậu có nói, nhất định một ngày nào đó chúng em sẽ có cơ hội diện kiến Quốc lão, Quốc mẫu và cả Hoàng muội nữa.
Chương cười, vỗ nhẹ vào lưng Yên Thư:
- Thôi được rồi, nếu ta được gặp lại cha mẹ thì ta nhất định đưa các em theo cùng. Có điều… ở nơi ta đến chỉ được phép một vợ một chồng, ta không biết giải thích thế nào khi có đến bảy cô vợ đây.
- Ngài là vua, ai dám quở chứ.
Chương cười khổ:
- Bây giờ vào chuẩn bị cơm nước, tối sẽ xuất phát. Phùng Hiền đang chờ ta.
Hai cô gái gác lại công việc líu díu theo chân Chương vào làng chuẩn bị bữa tối. Sau một ngày nắng đẹp, lúc gà lên chuồng trời lại đổ mưa một chặp rồi ngưng.
Hơn năm trăm người chia thành ba hàng dọc lần lượt vượt sông Nhuệ vào cuối giờ Hợi. Chục chiếc thuyền nan của dân Ngọc Mịch được trưng dụng chở khí giới như đạn dược, hoả liệu, súng và lựu đạn qua sông. Một chiếc thuyền nan dành riêng chở Chương cùng Quan Lam Giang, Dương Yên Thư. Thân Vệ quân trầm mình trong nước lạnh đẩy thuyền.
Ma Kê dẫn một trung đội thân vệ tiền trạm, Hùng Sơn đoạn hậu. Ngô Phù Khê bên tả, Phạm Văn Xảo dẫn đội bảo vệ sườn hữu, đội binh theo trinh sát lặng lẽ xuyên màn đêm hướng đến Kẻ Mẩy. Chương đi giữa đội hình, xung quanh là hơn ba mươi cô gái trẻ tuyển chọn từ quân Thần Vũ do Dương Yên Thư chỉ huy. Cả đội quân như những bóng ma, dỏng tai chỉ nghe thấy tiếng bước chân cùng âm thanh loạt xoạt của cành lá. Do không thể đi đường bằng băng qua những cánh đồng bát ngát vì sợ lộ. Trinh sát dẫn bọn Chương đi lòng vòng qua những gò đống, những khoảng cỏ cây dại cao quá đầu người tránh để lại dấu chân trên đất ẩm, bùn nhão.
Hành trang của Chương có khẩu AK choàng sau lưng, ba băng đạn giắt dưới thắt lưng. Khẩu súng ngắn nạp đầy đạn do Quan Lam Giang đi sát bên giữ khư khư. Đây là yêu cầu của Thiên Bình, Duệ, Lam Khuê, Uyển Như và các lão thần như Phạm Tu trước khi Chương rời điện Hưng Quốc.
Quãng nửa đêm, Chương dừng chân trong một khoảng nhiều cây cối um tùm gần một ao nước rộng như hồ nhỏ chờ Ma Kê bắt liên lạc với bọn Phùng Hiền.
- Đây có phải là Mễ Trì không nhỉ?
Chương lẩm nhẩm tự hỏi rồi gạt đi bởi phương hướng ở Vạn Xuân khác rất xa so với hiểu biết của anh.