Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 634: Dưới làn nước lạnh




Chương 634: Dưới làn nước lạnh
Sau bốn ngày cho đại quân đánh trống khua chiêng phất cờ chẳng theo quy luật nào thì sẩm tối một ngày hạ tuần tháng Giêng trong cái rét căm căm, chiến thuyền Thiên Đức kéo bè chở quân kị vượt dòng Hát Giang. Quân binh triều sau mấy ngày báo động liên miên đã mệt mỏi, quân Thiên Đức ra đến giữa dòng ở mé hạ lưu thì Cự thạch pháo cảnh giới lác đác bắn trả. Lý Mẫn hay tin quân kị Thiên Đức vượt sông vội điều động lực lượng xạ tiễn từ trung quân trợ chiến. Quân xạ tiễn còn chưa xuất trại thì hướng chính diện trung quân, bên kia sông, đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, ở bờ bên này nhìn rõ bộ binh Thiên Đức lũ lượt xuống thuyền chuẩn b·ị đ·ánh sang. Nghe quân hầu báo, Lý Mẫn liền hỏi động tĩnh của quân Thiên Đức bên cánh phải, mé thượng nguồn Hát Giang, lát sau quân hầu báo:
- Đằng ấy tối như hũ nút và tĩnh lặng lắm ạ, bọn thuộc hạ còn chẳng nghe thấy tiếng mái chèo khua nước.
Lý Mẫn bặm môi, chưa biết quyết ra sao, một thuộc hạ bèn thưa:
- Quân kị qua sông lúc trời nhá nhem, trông ra cũng chỉ dăm trăm ngựa. Dạ bẩm, quân Thiên Đức đóng đối diện chúng ta chủ yếu là binh Sơn Tây, Tam Đái cùng đám thổ binh mạn ngược. Đám hỗn tạp ấy cùng vài trăm con ngựa có thể là kế nghi binh, làm như chúng sẽ t·ấn c·ông vào sườn trái của ta.
Lý Mẫn cảm thấy có lý song vẫn không chắc liền quay sang hỏi ý một mưu sĩ phương Bắc ngồi bên tả. Kẻ này vuốt chòm râu đen, hai mắt lim dim mà rằng:
- Trong tam thập lục kế của người phương Bắc, kế thứ mười lăm là “Thanh Đông kích Tây”. Hay như cách người phương Nam hay gọi là “Giương Đông kích Tây” qua thực tiễn cho thấy giặc sử dụng kế này nhuần nhuyễn, thành thục. Thiên hạ nghĩ chúng đánh kinh thành trước Tết vậy mà sự thực chúng t·ấn c·ông Trường Châu. Đến nay chúng cù cưa ở đó, thắng bại chưa ngã ngũ lại đánh ta.
Lý Mẫn sốt ruột song đành nhịn bởi Liễu Môn Nhân đánh giá cao kẻ đang nói.
- Quân kị qua sông, dùng Cự thạch pháo và quân xạ tiễn chế áp như Lý đại nhân dự liệu là phải, đám quân kị ấy hẳn là hư chiêu. Ngay đám đại quân đốt đuốc xuống thuyền trong tiếng trống ngũ liên thúc giục cũng là nghi binh. Chúng dành vỗ mặt khi ta phòng bị ắt sẽ thiệt hại lớn mà khó chiếm lợi. Bên ấy có tay họ Liêu trở cờ, hắn sẽ để yên một mặt, muốn quân ta dồn binh chặn đánh chính diện và bên tả rồi lựa thời cơ t·ấn c·ông cánh hữu.
Lý Mẫn hỏi:
- Ý đại nhân là trọng binh Thiên Đức ở bên hữu, chờ ta đối chiến ở chính diện sẽ vượt sông?

Mưu sĩ khẽ gật đầu, hai tay vẫn luồn trong áo, vẻ ung dung tự tại bày kế:
- Ngài đưa một bộ phận từ trung quân đốt nhiều đuốc, phất nhiều cờ hiệu, dặn ba quân giữ khoảng cách với nhau tỏ như đại quân đang tràn lên chống giặc ở chính diện. Trời tối đen như mực, giặc nhìn cờ, nhìn đuốc nhiều sẽ mắc mưu. Tại hạ đồ rằng khi ấy, quân Thiên Đức sẽ sang sông t·ấn c·ông vào mé hữu quân doanh. Lúc ấy ngài tung lực lượng chính là vây bọc, đẩy lui chúng xuống sông là thắng.
Lý Mẫn nghe có lý, sai quân hầu rót rượu, tự tay mời mữu sĩ phương Bắc:
- Có ngài trong quân thực như hổ thêm cánh, xin kính Ngụy tiên sinh một chén.
Ngụy Trí cảm tạ, uống cạn chén rượu mời, nét mặt không giấu nổi vẻ tự tin.
Theo kế của Ngụy Trí, Lý Mẫn truyền lệnh cho bộ tướng điểm hai nghìn quân già yếu đốt đuốc cầm cờ khua trống hò reo xuất trại. Trông xa, hàng nghìn bó đuốc đỏ lửa như thể dăm bảy nghìn binh mã đang xông pha, hừng hực khí thế. Bên kia sông, hàng chục chiến thuyền chở quân Thiên Đức đã rời bến song hãy còn chờ các thuyền neo nhận quân. Một vài Cự thạch pháo binh triều thảng hoặc thả một viên đạn đá đo tầm xuống dòng sông lạnh giá, sẵn sàng trút mưa đạn ngay khi các chiến thuyền Thiên Đức ra giữa dòng.
Cùng thời điểm đó, quân kị Thiên Đức buộc phải từ bỏ ý định đổ bộ, quay trở lại điểm xuất phát bên kia sông sau khi bị binh triều đánh bật khỏi bãi đổ bộ ven sông, chịu thiệt hại một số ngựa và vài mươi binh sĩ. Lý Mẫn ở trung quân nghe quân cấp báo, thở phào nhẹ nhõm, bật cười lớn, kính Ngụy Trí thêm một chén. Ngụy Trí còn chưa tận hưởng hết niềm vui thì thám mã lại vào báo, quân Thiên Đức lợi dụng trời tối cho quân ôm thân chuối lặn dưới dòng nước lạnh đổ bộ. Quân cảnh giới phát hiện đối phương chỉ có chừng hơn trăm quân, đoán là đám tiền trạm nên đã ém binh.
- Theo lệnh của ngài, tướng quân Nguyễn Nặc truyền ba quân án binh bất động. Dạ bẩm, lúc tiểu nhân về đây bẩm báo thì bọn Thiên Đức đang đóng một số cọc tre ở bờ sông. Tướng quân Nguyễn Nặc phán đoán giặc buộc dây chão làm lối qua sông, chờ chúng sang nhiều mới đổ ra đánh ạ.
Lý Mẫn đắc chí cười rung đùi:
- Khá lắm, khá lắm! Sau đận này nhất định ta sẽ trọng thưởng Nguyễn Nặc.

Đoạn nâng chén rượu lên cao, cất giọng oang oang như lệnh vỡ nói với chúng tướng có mặt:
- Bọn giặc Thiên Đức kì này chịu thua Ngụy tiên sinh. Chúng phô trương thanh thế suốt mấy ngày trời hòng khiến quân ta mệt mỏi mà lơ là phòng bị, nào ngờ đâu mưu của giặc đều bị Ngụy tiên sinh đoán được cả.
Chúng tướng hướng về phía Ngụy Trí đồng thanh hô lớn:
- Chúc mừng Ngụy tiên sinh lập đại công!
Ngụy Trí tỏ vẻ khiêm nhường:
- Tại hạ chỉ mách nước, chiến thắng lần này do Lý đại nhân, các tướng quân và ba quân mưu trí.
Hơn một khắc đồng hồ sau, khi người nào người nấy đang hồ hởi, thám mã lần nữa báo tin, quân Thiên Đức bám dây chão bơi qua sông ở phía thượng nguồn Hát Giang, áng chừng đã dăm trăm quân ẩn náu trong các bờ bụi ven sông.
Ngụy Trí nhận định chắc như đinh đóng cột:
- Mới gần cuối canh Hai, giặc cần ít nhất hai canh giờ để đem khoảng hai nghìn bộ quân vượt dòng nước lạnh. Thiên Đức thường tổ chức t·ấn c·ông lúc rạng sáng, đó là thói quen của chúng.
Lý Mẫn gật gù bảo với thám mã:

- Dặn Nguyễn Nặc chờ chúng sang đông đủ hãy đổ ra đánh, nhớ chia cắt bọn dưới sông với đám trên bờ, không để đứa nào thoát.
Dứt lời, Lý Mẫn ngoảnh sang dặn một tuỳ tướng họ Đặng:
- Ông mau đem năm trăm cung thủ còn lại tiếp viện cho Nguyễn Nặc. Cự thạch pháo không thể dùng lúc vừa nhập vì dễ lộ lúc vận chuyển đến chỗ cần thiết. Nhằm lúc Nguyễn Nặc giao chiến, ông vòng sang bên hông chặn bọn dưới sông để trọng binh có thời gian di chuyển Cự thạch pháo.
- Đại nhân thật thông tuệ! - Ngụy Trí khen. - Ngài cắt đặt như vậy thì giặc chẳng còn đường tháo thân, khác nào cá trong rọ.
Lý Mẫn lấy làm hài lòng lắm, nét mặt rạng rỡ vì nhiều lần thất bại muối mặt trước Thiên Đức, có những lúc tưởng chừng chiến thắng đã nằm trong tầm tay bỗng tan biến như khói sương. Lần này, Lý Mẫn cẩn trọng hơn nhưng với bản tính lưỡng lự, nghe lời mưu sĩ vào lúc nguy khốn tuy rằng hay song mưu sĩ phò tá có thực tài hay không lại khó mà biết được. Đoán được ý đồ của đối phương, hư trương thanh thế chính diện, đẩy lui giặc bên tả, chờ bắt gọn giặc bên hữu, Lý Mẫn vui mừng khôn xiết bèn sai quân hầu thảo thư đưa thám mã gửi gấp về kinh thành báo tin thắng trận, không quên đề cao tài trí của Ngụy Trí.
Quá nửa đêm, tin tức thuận lợi liên tục đưa về, rằng quân kị Thiên Đức dường như từ bỏ kế hoạch vượt sông, người ngựa đã lên bờ hết lượt, chỉ còn loe hoe vài ngọn đuốc ven bờ, lẫn trong đám lau sậy um tùm. Tại mặt chính diện, đại quân Thiên Đức đã lên thuyền đầy đủ song vẫn loay hoay tiến thoái, vài thuyền trúng đạn đá, đôi ba thuyền bị chìm, sĩ tốt lóp ngóp kêu cứu giữa dòng nước lạnh trong đêm. Trong khi đó, như Ngụy Trí tiên liệu, quá nửa đêm, áng chừng có non hai nghìn quân Thiên Đức âm thầm vượt sông bằng cách bám vào dây chão. Lý Mẫn chắc như đinh đóng cột quân Thiên Đức sẽ t·ấn c·ông vào rạng sáng. Trong nghiệp cầm quân, vị tướng La thành chưa bao giờ mong trời mau sáng đến vậy.
Trong lúc ấy tại quãng sông nơi Phùng Hiền chọn làm lối qua sông trong đêm tối bằng dây chão, đúng là có gần một nghìn bộ quân thuộc Sư đoàn Sơn Tây, tương đương hai tiểu đoàn, thay nhau trầm mình trong làn nước lạnh giá. Mỗi binh sĩ sau khi sang được bờ tả ngạn lại âm thầm ngậm ống đu đủ lần theo dây chão trở lại bờ hữu ngạn. Quân cảnh giới La thành theo sát tình hình song do đêm hạ tuần trời tối đen như mực, dựa vào bóng người, tiếng khua nước trong đêm tĩnh mịch mà đếm, chẳng thể biết được những người vừa lên bờ lập tức quay trở lại lặn một hơi ra giữa dòng. Tại bờ tả ngạn, trước sau chỉ có tương đương một đại đội bộ binh ẩn náu, trườn bò loanh quanh trong lau lách cốt cho đối phương trông thấy ngọn lau lay động trên nền trời xám đen.
Tờ mờ sáng, Nguyễn Nặc quyết định dùng hoả công, đốt lau lách ven sông, thúc quân từ các vị trí ẩn nấp đổ ra. Đặng tướng quân chỉ huy đội xạ tiễn, vòng sang sườn trái đội hình, trông thấy bóng quân Thiên Đức bơi dưới sông thì hạ lệnh phóng tiễn. Tiễn cắm phầm phập vào những tấm khiên gỗ che lưng của binh sĩ Thiên Đức. Trông thấy giặc chỉ độ vài mươi người dưới nước, Đặng tướng quân dáo dác nhìn quan, đoạn như tỉnh cơn mê, toát mồ hôi lạnh. Vừa lúc ấy, Nguyễn Nặc sau hồi ngơ ngác vì lau sậy cháy rực mà chẳng có quân binh Thiên Đức nào tháo chạy như dự liệu, mồ hôi rịn hai bên thái dương, Nguyễn Nặc gào lên:
- Trúng kế, Trúng gian kế rồi! Mau cấp báo trung quân, giặc không qua lối này.
Ba quân nhớn nhác, chẳng còn lòng dạ hò nhau đuổi bắt quân Thiên Đức ở dưới sông. Đặng tướng quân hạ lệnh thu quân trong khi Nguyễn Nặc vội vã cắt cử một toán binh nhỏ ở lại bờ sông, đại bộ phận còn lại gấp rút trở về trung quân.
Lại nói cánh quân thiết kị Thiên Đức sau khi giả thua rút về điểm xuất phát, chờ đến đầu trống canh Năm theo sau bộ quân Sư đoàn Sơn Tây của Phùng Hiền sẵn sàng vượt sông một lần nữa. Phùng Hiền sử dụng quân số tương đương một trung đoàn bộ binh cho việc th·iếp lập cầu phao vào quãng giữa giờ Dần theo kế hoạch, bất chấp mặt sông đầy những cột nước trắng xoá trong đêm đen. Tờ mờ sáng còn chưa rõ mặt người, bộ binh Sơn Tây được trang bị hoả hổ, lựu đạn tre thiết lập được chỗ đứng chân ven bờ tả ngạn sau khi chịu một số thiệt hại. Một cầu phao kết bằng nhiều bè tre tươi, thêm nhiều thuyền lớn nhỏ xuôi dòng hỗ trợ, bảo vệ quân thiết kị của Lê Phụng Hiểu lần lượt qua sông. Tiền quân thiết kị vừa sang được lập tức men theo bờ sông t·ấn c·ông các vị trí đặt Cự thạch pháo. Sau khi hơn hai nghìn bộ quân Sơn Tây của Phùng Hiền sang được bờ tả ngạn, cuộc chiến giáp lá cà diễn ra. Lê Phụng Hiểu theo kế hoạch, dẫn quân thuộc quyền rời trận chiến, thẳng hướng Tây hơn hai mươi dặm rồi ngoặt lên hướng Bắc. Lê Phụng Hiểu đụng quân của Lý Mẫn dàn trận chờ sẵn, trận chiến giữa thiết kị và bộ quân diễn ra ở phía Nam làng Bối Khê từ quãng cuối giờ Thìn đến giữa giờ Tỵ. Địa hình giao chiến trống trải, lại thua thiệt về hoả khí lẫn tính cơ động, càn lướt của kị binh khiến quân binh triều thua to. Lê Phụng Hiểu không truy kích, thay vào đó thúc quân bản bộ trực chỉ hướng Cự Khê đi cho mau.
Tình hình của Lý Mẫn nguy ngập, sườn trái bị thủng, quân kị Thiên Đức ở sau lưng, mặt chính diện b·ị đ·ánh mạnh vào giữa giờ Mão. Quân tướng tiền phương tan hàng tháo chạy. Một mặt Lý Mẫn phái quân chặn Lê Phụng Hiểu, mặt khác gấp rút lui quân về hương Thất Khê, nơi có nhiều sông ngòi chẳng chịt, cố thủ. Chiều muộn, Lê Phụng Hiểu t·ấn c·ông doanh Cự Khê gần làng Cự Khê thuộc hương Thất Khê. Lý Mẫn tận dụng địa hình sông ngòi, dùng Cự thạch pháo chống trả quyết liệt. Phùng Hiền, Bố Giáp đem đại quân đến lúc trời ngả bóng, Lê Phụng Hiểu bàn giao lại chiến trường, dẫn quân nhắm đến La Khê ở phía Bắc. Do đường sá nhiều mương máng, trời tối đen, tốc độ hành quân chậm lại. Quá nửa đêm, Lê Phụng Hiểu cha con họ Cao cùng quân bản bộ bắt được liên lạc, dẫn đường cho quân thiết kị đến La Khê trước khi trời sáng. Quân binh triều đồn trú ở La Khê đã bỏ chạy trước khi Lê Phụng Hiểu đến, nhờ thế Lê Phụng Hiểu chiếm được La Khê làm chỗ đứng chân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.