Tình Yêu Phù Thủy (Biệt Thự Bạch Mã)

Chương 3:




- Thật vậy thưa ngài, tôi thấy là không có gì để nói thêm với ngài nữa. Tôi đã kể hết với ông trung sĩ của ngài rồi. Tôi không biết bà Davis là ai và bà ấy từ đâu tới. Bà ấy đã ở trọn trong nhà tôi sáu tháng nay. Bà ấy trả tiền thuê nhà đều đặn và tỏ ra rất yên lặng và đáng kính nể. Tôi chắc chắn là không biết gì hơn nữa.
Bà Coppins ngừng nói để lấy hơi và ném cho Lejeune một cái nhìn lạnh lùng. Anh đáp lại bà bằng một nụ cười thân mật và sầu muộn mà anh đã nhiều lần làm thử.
- Không, tôi không từ chối giúp ngài nếu tôi có thể - Bà nói thêm.
- Xin cảm ơn bà. Đó là cái mà chúng tôi cần. Phụ nữ có một bản năng chính xác hơn nam giới.
- À - Bà Coppins thở dài nói - Nếu ông Coppins nhà tôi được nghe lời ông nói. Cái đầu rỗng tuếch ấy lại dặn tôi đừng nói những cái gì mà mình không trông thấy. Ấy thế mà thường thường chín phần mười tôi có lý.
- Đó là lý do mà tôi muốn biết ý kiến của bà về bà Davis. Bà có nghĩ rằng bà ta... khổ sở không?
- Nói cho đúng ra là không. Bà ấy hình như yêu thích lao động và phương pháp làm việc. Bà ấy có vẻ như sống theo một kế hoạch đã được vạch trước. Qua những cái mà tôi hiểu thì bà ấy làm công cho một hãng lập những bảng thống kê về tiêu dùng nói chung. Bà ấy đi bấm chuông các nhà, hỏi người ta về loại xà phòng bột mà người ta đang dùng; những khoản đó chiếm bao nhiêu ngân sách của họ. Về phần tôi, tôi cho rằng cách làm như vậy là rất tò mò, và tôi tự hỏi rằng tại sao chính quyền lại làm ngơ trước những việc ấy. Và cái đó dùng vào việc gì, ngài có thể cho tôi biết được không? Đó chỉ là cái mốt thời thượng.
- Bà có biết cái hãng đã thuê bà ta không?
- Không, tôi không biết…
- Bà ta thỉnh thoảng có nói tên một người bà con nào không?
- Không. Tôi có thể biết là bà ấy goá chồng đã nhiều năm. Chồng bà trước đây là một người tàn phế. Không bao giờ bà ấy nói nhiều về chuyện này.
- Có bao giờ bà ta nói là bà ta ở đâu, ở nơi nào trong nước ta, tới đây không?
- Tôi không tin rằng bà ấy là dân Luân Đôn. Bà ấy có thể là người ở miền Bắc.
- Bà có bao giờ cảm giác rằng bà ta còn một điều gì… bí mật không?
Đây là một câu hỏi phiền phức nếu bà Coppins là loại người không thể ảnh hưởng đến được. Nhưng bà không vội vàng nắm lấy cái cơ hội mà anh đưa đến cho bà.
- Thật ra là không, không có trong cách nói của bà ấy, trong mọi trường hợp. Chỉ duy nhất có một điều làm tôi suy nghĩ: Chiếc vali của bà ấy. Vào loại tốt, nhưng không còn mới nữa. Về những chữ viết tắt, người ta đã xoá đi và viết lại: J.D tức là Jessie Davis. Nhưng trước kia ở chỗ chữ J là một chữ khác. Có thể là H hay là A. Xin ngài chú ý là người ta có thể mua ở hàng đồ cũ với một giá rất hời và người ta thay chữ viết tắt đi. Nó chẳng có gì là to chuyện. Đúng là chiếc vali này.
Lejeune đã biết rõ chi tiết này. Người đàn bà quá cố có rất ít đồ dùng cá nhân. Bà ta không giữ một lá thư, một tấm ảnh nào. Hình như bà ta không có cả đến sổ bảo hiểm, một tập séc. Quần áo của bà ta rất đơn giản nhưng vào loại vải tốt và hầu hết là mới.
- Bà ta có được sung sướng không?
- Tôi cho là có.
- Bà không chắc chắn lắm về điều này?
- Đó là vấn đề người ta thường không nghĩ đến. Bà ấy có một chỗ làm việc tốt và một cuộc sống thích hợp với bà. Bà ấy ít cởi mở, nhưng đúng là, khi bà ấy ốm...
- Vâng - Lejeune thúc giục.
- Thoạt tiên thì bà ấy bực bội. Như là bà ấy đã nói, việc này đã hất mọi dự định của bà ấy xuống đất. Nhưng bệnh cúm là bệnh cúm. Bà ấy phải nằm trên giường. Bà ấy tự pha trà và uống aspirine. Tôi đã đề nghị với bà ấy là mời một thầy thuốc. Bà ấy từ chối, nói rằng bệnh cúm sẽ tự nhiên khỏi thôi. Lúc bà ấy cảm thấy đỡ bệnh và bà ấy xuống bếp. Bà ấy có sa sút tinh thần, chắc chắn là như vậy, đó là chuyện bình thường khi đau ốm. Tôi nhớ rằng, bà ấy ngồi ở đây, bên cạnh bếp lửa và có một lần bà ấy bảo tôi: "Tôi rất muốn là không có thời gian để mà nghĩ ngợi. Tôi không thích như vậy, cái đó làm tôi có vẻ như là một kẻ đạo đức giả".
Lejeune nghe bà Coppins rất chăm chú và bà này tiếp tục nói khá hăng hái:
- Tôi cho bà ấy mượn những tờ tạp chí. Nhưng bà ấy chỉ đọc một cách chiếu lệ. Bà ấy đã nói với tôi, tôi nhớ rất rõ: "Nếu các sự việc không như nó phải xảy ra thì tốt nhất là không nghĩ đến chúng nữa. Ý kiến của bà cũng như thế chứ?". “Thật là đúng", tôi trả lời. Bà ấy lại tiếp tục nói: "Tôi không biết... tôi không bao giờ chắc chắn". Tôi lưu ý bà ấy rằng tất cả sẽ tốt đẹp thôi. Nhưng bà ấy lại nói thêm: "Tất cả những việc tôi đã làm đều hoàn toàn thật thà. Tôi không có gì phải ân hận". Tôi nói để bà ấy yên tâm: "Chắc chắn là như vậy". Nhưng tôi tự hỏi có phải là cái hãng thuê mướn bà ấy có sự bất chính về mặt kế toán tiền nong không, ví dụ như vậy, bà ấy cũng phong thanh biết được, nhưng bà ấy có tự bảo cái đó không liên quan gì đến mình không.
- Cái đó là có thể - Lejeune giả định.
- Dù thế nào đi nữa, khi bà ấy khỏi, hoặc gần khỏi, bà ấy tiếp tục đi làm. Tôi đã bảo bà ấy rằng như vậy là quá sớm, bà ấy phải để ra một hoặc hai ngày nghỉ thêm. Và tôi đã đúng. Hôm sau bà ấy đi làm về với một cơn sốt dữ dội. Bà ấy vẫn từ chối thầy thuốc. Bệnh của bà ấy chỉ trầm trọng thêm. Sáng ngày thứ hai bà ấy bảo tôi, và rất đúng nếu tôi hiểu bà ấy: "Một linh mục. Tôi cần gặp một vị linh mục. Nhanh lên, nếu không thì quá muộn mất". Bà ấy cũng nói rõ: "Một linh mục thiên chúa giáo”. Tôi trông thấy cháu Mike ở ngoài phố, tôi bảo nó đi tìm Cha Gorman. Sau đó tôi gọi dây nói cho thầy thuốc và cho bệnh viện.
- Bà đã đón Cha khi Cha tới?
- Vâng, tôi để cho họ gặp nhau.
- Họ đã nói gì?
- Tôi không biết chính xác, nhưng khi khép cửa tôi thấy bà ấy nói về hành vi tội ác và cũng nói về một con ngựa... Có lẽ một con ngựa đua...
* * *
Không có gì mới khi gặp ba người cùng thuê nhà trong toà nhà ấy. Hai người trong số họ, một người làm việc ở nhà băng và một người đã đứng tuổi làm việc ở cửa hàng giày dép, đã ở chung nhà với nhau nhiều năm. Người thứ ba là một cô gái hai hai tuổi mới tới trọ, làm việc ở một cửa hàng trong khu phố. Cả ba người biết rất ít về bà Davis.
Cô gái tuyên bố rằng mình đã trông thấy Cha Gorman trong phố tối hôm xảy ra tội ác. Cô ta chỉ gặp thôi, sau đó cô tới quán Tony lúc tám giờ kém mười. Đó là tất cả.
Ông Osborne, người chủ một cửa hàng dược phẩm ở góc phố Barton thì có nhiều chuyện đáng nói. Đó là một người tuổi trung bình, trán hói, mặt tròn và có vẻ ngây thơ. Ông ta mang kính mắt.
- Xin chào, ngài thanh tra. Chúng ta vào phòng phía sau, ngài đồng ý chứ? - ông ta đề nghị và mở cánh cửa quầy hàng đóng theo kiểu cũ để đi ra.
Lejeune đi theo ông ta qua một căn phòng nhỏ. Ở đấy có một chàng trai mặc áo blu trắng đang đổ thuốc nước vào chai lọ với một sự nhanh nhẹn của người làm trò ảo thuật, rồi vào một phòng nhỏ. Ở đấy có hai chiếc ghế bành, một bàn nước và một bàn giấy.
Osbome kéo rèm che kín cửa, ngồi xuống và ra hiệu, mắt long lanh.
- Tôi có thể giúp ngài. Thời buổi khó khăn, hàng họ ế ẩm, một mình cô bán hàng của tôi là đủ. Tôi đứng trước cửa, sương mù sa xuống. Phố xá hoang vắng. Rồi tôi thấy bên kia đường - Cha Gorman, người mà tôi biết rất rõ khi nhìn thấy, đang đi tới. Việc giết người ấy mới ghê gớm làm sao! Rơi vào một con người như Cha.
"Đúng là Cha Gorman" - Tôi tự bảo mình - Cha đang đi về phía phố West, đó là con đường rẽ trái đầu tiên, trước khi tới đường sắt. Một thoáng sau, một người đàn ông đi theo Cha. Tôi sẽ không chú ý nếu hắn không đi ngang qua cửa hàng tôi. Tôi tự hỏi tại sao hắn ngừng lại khi từ xa Cha Gorman đi chậm lại. Hắn có vẻ đang suy nghĩ tợn khiến hắn quên cả việc tiếp tục đi. Sau đó hắn lại bước rất nhanh khi Cha cũng đi như vậy Tôi tự hỏi rằng có phải là hắn quen Cha Gorman và hắn muốn đuổi kịp để nói chuyện với Cha hay không.
- Nhưng có đúng là người ấy muốn đi theo Cha hay không?
- Ngay lúc đó thì không, còn bây giờ thì tôi chắc chắn như thế. Nhưng sương mù dày đặc sa xuống rất nhanh và tôi không còn trông thấy họ nữa.
- Ông có thể tả hình dáng người đó không?
Lejeune không ảo tưởng. Anh đã có thói quen cho rằng việc nhận dạng không phải bao giờ cũng đúng. Nhưng Osbome có một tính cách khác so với những người ở đây.
- Vâng, tôi nghĩ rằng - ông ta nói với một giọng thoả mãn - Hắn ta cao lớn...
- Cao lớn? Cao khoảng bao nhiêu?
- À, khoảng một mét tám. Do đó vóc người của hắn vốn bình thường nhưng lại có vẻ cao hơn thực tế. Hắn có đôi vai xuôi và cái yết hầu nhô lên. Tóc hắn màu xám và khá dài lòi ra khỏi mũ. Cái mũi thì rất đặc biệt: đúng là một cái mỏ! Tôi không chú ý màu da mặt của hắn, tôi chỉ trông được phần ngang của mặt hắn. Hắn khoảng năm chục tuổi, qua dáng điệu thì hắn không còn trẻ nữa.
Lejeune tính nhẩm khoảng cách giữa cửa hàng với vỉa hè bên kia đường và ngạc nhiên.
Sự mô tả như người dược sĩ vừa nói có thể là kết quả của một sự tưởng tượng phong phú. Anh không thiếu những ví dụ về loại người này. Thường thì mọi người tô vẽ chân dung của "kẻ giết người điển hình" theo ý họ: lông mày rậm, hàm răng như khỉ, cặp mắt dữ tợn. Nhưng hình dáng người mà Osborne đưa ra thì đây là một con người bình thường. Ông ta có thể là một người làm chứng lý tưởng không, người quan sát hoàn thiện không?...
Nhưng khoảng cách thì lại rất lớn.
- Ông có tin rằng ông sẽ nhận ra người đó nếu ông trông thấy hắn một lần nữa không?
- Ồ, vâng - Osborne trả lời một cách chắc chắn - Tôi không bao giờ quên một khuôn mặt. Đó là một trong những niềm say mê của tôi. Tôi bao giờ cũng đoán chắc nếu có một kẻ giết người dùng sức mạnh để mua thạch tín của tôi. Tôi sẽ đưa hắn ra trước một toà án. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hết hy vọng.
- Cái đó chưa bao giờ đến với ông à?
- Chưa - Osborne chua chát trả lời - Bây giờ thì có ít may mắn. Tôi bán hết tài sản. Tôi được một cái giá khá hời, tôi rút lui về Bournemouth.
- Tôi thấy ở đây việc buôn bán của ông phát đạt đấy chứ?
- Việc buôn bán có nhiều loại - Osborne trình bày với vẻ kiêu ngạo - Gia đình tôi đã sinh sống gần một thế kỷ ở đây. Ông nội tôi và cha tôi đã qui định cho tôi, nhưng khi còn là trẻ con tôi không nhận ra như vậy. Như rất nhiều chàng trai vào lứa tuổi chúng tôi lúc bấy giờ, tôi lại thích sân khấu. Tôi đã chắc chắn về tài năng diễn viên của mình. Cha tôi không tìm cách ngăn cản tôi. "Để xem xem con có thể làm được gì, con trai”, người đã nói với tôi, “con có thấy là con không có gì giống với dịễn viên Henri Irving cả không?” Và cha tôi có lý. Cái đó kéo dài trong mười tám tháng và tôi trở về nhà. Tôi thích thú trong việc kinh doanh. Chúng tôi bao giờ cũng có hàng tốt. Nhưng bây giờ - ông ta lắc đầu - thực sự là một sự chắn đường đối với một người dược sĩ.
Tất cả những sản phẩm vệ sinh mà ngài buộc phải có thì một nửa số liền lại sinh ra từ những việc làm bẩn thỉu. Phấn son, kem bôi mặt, nước gội dầu, túi dụng cụ... tôi không quan tâm. Cô bán hàng của tôi đảm nhiệm những thứ ấy. Không, là một dược sĩ, tôi không thể quen với những cái đó! Dù sao tôi cũng có một số tiền tiết kiệm khá, tôi bán cửa hàng với một giá hời và tôi nộp kỳ đầu tiên mua một biệt thự nhỏ, duyên dáng ở bên cạnh làng Bournemouth. Người ta phải biết rút lui khi người ta còn tìm thấy những thích thú trong cuộc sống. Tôi có rất nhiều đề tài quen thuộc: bướm, chim, làm vườn. Tôi có hàng đống sách nói về làm vườn. Và những cuộc du lịch. Tôi sẽ làm một cuộc du ngoạn trên thuyền... Tôi sẽ ra nước ngoài trước khi đã quá muộn.
Lejeune đứng lên.
- Tôi chúc ông gặp nhiều may mắn - Anh nói - Và trước khi rời khỏi vùng này, nếu ông trông thấy người ấy…
- Tôi sẽ báo cho ngài ngay tức khắc. Ngài có thể tin vào tôi. Đó sẽ là một thú vui. Tôi là một người giỏi nhớ mặt. Tôi sẽ cảnh giác. Ồ, vâng, xin ngài tin ở tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.