Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay

Chương 3:




Lý quản phụ nhìn lửa than lập lòe mà cứng cả lưỡi, giờ bà ta bắt đầu cảm thấy Tứ nương tử thô tục ngang ngược đã trở lại, dáng vẻ khi con nhãi nổi sùng đánh chửi nô tỳ chính là thế này. Có điều ngày trước nó chưa bao giờ dám làm thế với mình, nay bệnh nặng một trận lại trở nên to gan hơn rồi?

Du Thái Linh nhìn bà ta, cười lạnh đặt lò sưởi cầm tay xuống, xoay cây trâm trong tay, lạnh lùng nói: “Bà còn dám nói thêm một câu vô lễ với ta thì ta sẽ lập tức nhảy xuống xe, có chết cũng không theo bà về.” Cô mà không có bản lĩnh, vậy một con nhóc không cha không mẹ chỉ sống với bà nội già ở góa, dẫu có bác cả thì cũng đủ khiến người ở thị trấn bắt nạt tới chết.

“Ngươi, ngươi…!” Lý quản phụ đờ người, thực ra chuyện phận nô tỳ bị chủ nhân mắng âu cũng bình thường, song xưa nay Tứ nương tử chỉ toàn nịnh nọt lấy lòng bà ta thôi.

Đang định mắng trả thì sực nhớ đến tình hình hiện giờ, Lý quản phụ đành ngậm bồ hòn.

Thực ra lúc nãy khi nghe nói ’bị ốm nặng suýt mất mạng’,  bà ta đã chột dạ rồi, chuyện này vốn do bà ta xử lý không khéo, chính phu nhân cũng không bảo bà ta lấy cái mạng nhỏ của Tứ nương tử. Ý định của phu nhân là từ từ rèn giũa nha đầu này trong vài tháng, đầu tiên cho nếm chút mùi vị khổ sở, sau đó lại nhẹ nhàng an ủi trong mấy tháng tiếp theo, dễ bề khiến Tứ nương tử hoàn toàn nghe lời mình trước khi cha mẹ ruột quay về. Nào ngờ nay đối phương lại trở quẻ, trong thư còn nói phải mấy tháng nữa mới về, nhưng hôm qua bỗng chuyển lời nhắn nói vài ngày nữa sẽ về, khiến bọn họ trở tay không kịp. Giờ phải làm thế nào mới ổn đây? Đến Lý quản phụ cũng bối rối.

Nhìn vẻ mặt bướng bỉnh của Du Thái Linh, Lý quản phụ đành nuốt cơn giận xuống, nghĩ bụng, chờ tới lúc về để xem phu nhân trị ngươi thế nào.

Du Thái Linh phớt lờ bà ta, ôm gối tựa vào thành xe giả vờ ngủ, trong đầu nhớ lại một câu chuyện từng được nghe khi còn ở trong làng: ngày xưa một người nào đó của tiền triều bị bọn cường hào ác bá làm hại, kẻ thù biết phú ông không có con trai cũng chẳng có cháu trai, con gái đã lấy chồng sinh con thì không khỏi khấp khởi vui mừng. Nào ngờ người con gái đã xuất giá cầm đao trả thù, cuối cùng chém chết kẻ thù ngay trong kinh đô, sau đó đến trước mặt bề trên nhận tội đền tội. Kết quả là Thứ sử* với Thái thú** vùng ấy đồng loạt dâng tấu lên triều đình khen ngợi hành động vì nghĩa của cô gái đó, cô gái chẳng những được đại xá phóng thích mà còn được khắc đá lập bia rao danh thiên hạ.

(*Thứ sử là một chức quan trong thời kỳ cổ đại, đứng đầu đơn vị giám sát, sau là đơn vị hành chính ‘châu’, dưới ‘châu’ là ‘quận’.)

(**Thái thú đứng đầu đơn vị hành chính ‘quận’, là người đại diện của triều đình trung ương tiếp xúc với dân địa phương.)

Câu chuyện này không giống với cổ đại trong ấn tượng của Du Thái Linh cho lắm.

Trong ấn tượng của cô, điều lệ thời phong kiến trói buộc phụ nữ theo kiểu muốn một đòi mười, phải giữ đức hạnh công dung như mạng, quy định chi tiết tới độ một bước đi được rộng ba nhiêu cen-ti-mét, khi nói chuyện được ngẩng đầu cao mấy tấc, có những quy định rõ ràng và nghiêm ngặt hệt như hệ thống đo lường chuẩn quốc tế, nữ giới bị kiểm soát chặt chẽ đến mức không biết tức giận, tựa như người gỗ.

Nhưng ở đây, dân trí dường như rất phóng khoáng tự do, kiểu như không thế này thì thế kia; thiên hạ rộng lớn, không có gì là không thể, đoan trang tài đức vẹn toàn tất sẽ được mọi người ngợi khen, nhưng rắn rỏi kiên cường cũng sẽ được tung hô y thế.

Như nhà họ Thu kia chẳng hạn, tuy Thu đại nương tử gả cưới nhiều lần, nhưng vì nàng ấy vừa lớn gan vừa kiên quyết, dù là khi hai anh trai vẫn còn trong quân đội hay thành thương binh trở về nhà, thì mỗi lần cha mẹ người thân bị ức hiếp, nàng ấy luôn là người dẫn dắt phe cánh đi tranh giành đánh chửi, chẳng trách vợ chồng cụ Thu lại cưng chiều cô con gái này đến thế, mấy cậu con trai đều không lợi hại bằng em gái. Người ở làng cũng chỉ nói vài câu cười đùa thô tục trong buổi hôn lễ, chứ không hề ho he mấy câu đầy mỉa mai như ngựa tốt không xứng hai yên gì đó.

Tóm lại là, con gái dịu dàng đằm thắm tất nhiên dễ xuất giá, nhưng người hung dữ mạnh mẽ cũng sẽ không bị người đời chê trách như cô nghĩ.

Cứ như để chứng minh căn bệnh của Du Thái Linh là thật mà khi đi được nửa đường, cô bỗng lên cơn sốt, xe ngựa xóc nảy khiến cô nôn ra hết bữa trưa mới ăn cách đó không lâu, nôn cả dịch mật. Lý quản phụ sợ hãi, bảo phu xe đánh xe nhanh lên, thế nên khi về tới phủ thì cơn sốt nhẹ của Du Thái Linh đã thành sốt cao, đầu đau muốn nứt, thần trí mơ màng, cô không nhìn rõ phủ đệ trông như thế nào, chỉ cảm thấy xe ngựa đang tiến dần vào phủ thôi.

Lý quản phụ chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi gánh nặng này, vừa thấy cửa viện thì chẳng sĩ diện đòi người hầu đến đỡ mà lập tức nhảy xuống khỏi xe ngựa, sau đó nhanh chóng đỡ Du Thái Linh xuống xe đưa vào nhà lớn, cũng may cô gái còn chưa trưởng thành, dù cõng cũng không tốn bao nhiêu sức.

Du Thái Linh sốt nóng đến mức mặt đỏ bừng, trong bụng lại cười nhạt: hồi còn ở làng, Trữ luôn đợi mặt trời mọc cao xua tan khí lạnh mới đồng ý cho cô ra ngoài, còn quấn cô kín mít rồi mới cho đi. Nhưng đám người này thì cứ thế lôi một đứa trẻ đang bệnh chỉ mặc mỗi khúc cư thâm y ra khỏi khoang xe ấm áp, vội vã giao nộp. Thế nên nếu còn nhắc gì đến việc cái người gọi là thẩm thẩm gì đó yêu thương chủ nhân cơ thể này thế nào, cô sẽ không đời nào tin; đợi sau này có cơ hội, cô chắc chắn sẽ khiến đám khốn kiếp này ăn một trận đòn no mới trút giận được.

Lý quản phụ khổ sở nửa kéo nửa cõng Du Thái Linh đến cửa nhà chính, chỉ thấy mười mấy người phụ nữ ăn mặc sang trọng đứng trên bậc thềm. Trước mắt Du Thái Linh mờ mờ, nhìn không rõ lắm, nghĩ người mặt thoa phấn trắng mặc y phục gấm tím khoác áo da cừu đứng giữa chắc là  ‘vị thẩm tốt’ của mình rồi. Vừa trông thấy ‘vị thẩm tốt’ kia là Du Thái Linh chỉ muốn bật cười, nếu bảo Lý quản phụ gầy như một chiếc đũa thì ‘vị thẩm tốt’ này chính là chiếc đũa còn lại, chủ tớ đứng cạnh nhau là có thể gắp được thức ăn rồi.

Cát thị thấy cảnh tượng trước mắt thì vội hỏi sao thế. Lý quản phụ hoảng hốt thưa: “Phu nhân, lần này phiền toái rồi, Tứ nương tử bị bệnh không nhẹ, nô tỳ đi chuyến này vừa mệt vừa vội vì chỉ sợ chậm trễ lời dặn dò của phu nhân thôi!”

Cát thị đưa mắt nhìn gương mặt hồng hào mũm mĩm do Trữ bồi bổ mấy ngày qua của Du Thái Linh, vẫn làm ra vẻ song lại nói với vẻ không tin: “Chắc là giả vờ thôi, trẻ con thì làm gì lắm bệnh thế.” Mọi người có mặt trong sân đều nghĩ bụng: Nữ quân nói lời lạ thật, trẻ con mới càng dễ bị bệnh hơn chứ.

Bấy giờ bỗng một bàn tay có vết chai sờ vào trán Du Thái Linh, tiếp đó là một giọng nói già nua vang lên: “Không ổn rồi, nóng quá. Phu nhân, thế này khéo rắc rối to mất.” Sau đó người nọ cao giọng bảo: “Người đâu, mau đi mời thầy lang tới đây! Mời vị họ Trương ở phía Nam thành ấy!”

“Vú à.” Cát thị có vẻ bất mãn với bà lão kia, sau đó cũng đưa tay sờ trán Du Thái Linh, cảm giác nóng ran, thế là cũng sững sờ, “Ôi chao, sốt đến thế này kia à, mau lên, mau đi mời người đi!”

Du Thái Linh dùng chút sức lực cuối cùng hé mắt nhìn, chỉ thấy một bà lão tóc hoa râm đứng cạnh Cát thị, rồi sau đó trước mắt tối sầm đi, cô bất tỉnh nhân sự.

Sau đó nữa là quá trình đút canh đút thuốc quen thuộc, Du Thái Linh cũng chẳng biết mình đã ngủ bao lâu, mơ màng không biết đã uống bao nhiêu thuốc, chỉ cảm thấy đãi ngộ bây giờ quá tốt. Chăn nệm dưới thân mềm và thơm hơn ở trong tiểu viện, căn phòng ấm áp hơn thông gió đều hơn, cũng có nhiều bàn tay thay áo lau người cho mình hơn, đáng tiếc là không được nhẹ nhàng bằng Trữ.

Chỉ vừa đỡ lên tí thì đã bị đỡ dậy uống thuốc, Du Thái Linh ghét cay ghét đắng cái mùi thuốc đắng chát này, vốn dĩ mình cũng sắp khỏe rồi, thế mà lại bị đám thần kinh này hại đổ bệnh thêm, phải uống thuốc tiếp, chịu giày vò lần nữa, thế là cô bực tức vung tay hất đổ cốc chén bên cạnh, vỡ loảng xoảng, nước thuốc màu nâu lênh láng khắp sàn. Chuyện này đã khiến Cát thị nổi giận, bà ta rất muốn mắng chửi Du Thái Linh, nhưng biết lúc này cô cần phải mau khỏe lại nên đành cố nhẫn nhịn.

Ai ngờ thầy lang tới lui mấy bận, uống thuốc mấy ngày rồi mà cơn sốt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Khi thấy phần thịt trên mặt đứa bé gái dần dà biến mất, lửa giận lập tức biến thành lo lắng, Cát thị xua nô tỳ ra ngoài hết, ngồi trước giường của Du Thái Linh, thấp thỏm sợ con bé gặp chuyện không hay thì phải lấy cớ thế nào để chối tội đây. Đúng dịp hôm đó Du Thái Linh vừa uống thuốc xong, trong cơn nửa tỉnh nửa mê nghe thấy bà lão hôm đó đang nói chuyện với ‘vị thẩm tốt’.

“… Phu nhân cần gì phải giày vò một đứa trẻ như thế chứ. Người chỉ chẳng qua không thuận mắt với Tiêu phu nhân thôi.” Bà lão kia nói.

Cát thị bực tức trả lời: “Ta ghét ả đấy! Cái đồ sa cơ lấy chồng hai lần mà còn dám ra vẻ với ta! Cát gia ta giàu hơn ả, lai lịch cũng sạch sẽ hơn ả, việc gì ta phải nhịn ả chứ!”

Bà già thở dài: “Ngày trước Tiêu gia cũng giàu có như ai, nào ngờ gặp phải thiên hạ đại loạn, không phải lưu dân thì đạo tặc đến, nên nhà nàng ấy mới dần lụi bại. Hồi đó ở quê chúng ta, nàng ấy cũng được gọi là nữ quân, khi đó đến Trình gia còn không bì kịp. Xét cho cùng, người đâu cần phải đấu đá với Đại phu nhân làm gì, giữa cả hai không thù cũng chẳng oán.”

Du Thái Linh đang định đi ngủ, nhưng vừa nghe thấy thế thì lập tức chấn động, A Di Đà Phật, cô biết ngay không phải ai cũng miệng kín như Trữ mà, kiểu gì cũng có người miệng rộng sẩy chuyện cho cô biết; cô bèn giả vờ ngủ tiếp nhưng thực chất lại vểnh tai lắng nghe, ngay đến cơn sốt dường như cũng thuyên giảm.

“Không thù cũng chẳng oán?!” Cát thị bỗng cao giọng, sau đó nghe thấy *suỵt* một tiếng, chắc hẳn bà lão kia ra hiệu cho Cát thị thấp giọng lại. Cát thị quả nhiên hạ giọng ngay, nói nhỏ: “Đáng nhẽ ta mới là người gả cho tế bá*! Ta mới nên được cáo mệnh, được phong quân!”

(*Tế bá: từ cũ, anh trai của chồng.)

“Phủi phui lời này ngay. Bà già này nhìn người lớn lên, có bao giờ Trình gia lọt được vào mắt xanh của người đâu. Còn Tiêu phu nhân ấy, hồi về quê xuất giá, chính gia chủ thuê kèn trống hát hò rầm rộ cả con phố, người ở quê chẳng ai không biết cả. Về sau gặp đại loạn, mới mấy năm Tiêu phu nhân đã có xích mích với nhà chồng, dẫu chưa đến mức hủy hôn nhưng gia chủ vẫn ủng hộ vô điều kiện. Nói khó nghe thì, dù Cát gia chúng ta có tới cầu hôn với gia chủ thật, gia chủ cũng không chịu đâu.”

Cát thị tức tới tím tái mặt, “Đều tại cha mẹ hết, cứ khăng khăng không chịu gả ta đến Trình gia!”

Du Thái Linh nhanh chóng suy đoán: Ừm, người nhà này họ Trình, số anh em trong nhà ≧ 2, con trưởng chính là cha ruột của cơ thể này, chưa chết, hơn nữa hình như còn rất khá.

Bỗng nghe *bộp* một tiếng, hình như bà lão ấy vỗ vai Cát thị, nói: “Người còn nói mớ gì vậy? Chuyện Tiêu gia lụn bại thế nào, người ở huyện bên kia cũng biết mà. Chẳng phải cha anh của Đại phu nhân đều chết trong tay cường đạo sao? Hồi trước Tiêu gia của nàng ấy không những giàu có mà Tiêu thái công còn là tam lão* của làng, lúc làng bị thổ phỉ ào vào cướp bóc, ông ấy dẫn gia đinh ra chống trả, giết rất nhiều kẻ tặc, nào ngờ phía địch ghi thù, giả vờ tháo chạy, đợi mọi người buông lỏng cảnh giác, nhân lúc nửa đêm lẻn vào Tiêu gia diệt sạch già trẻ cả nhà, may mà bọn địch không biết mấy gia đình lớn như chúng ta thường xây hầm trú ẩn, nhờ vậy mới giấu được vài phụ nữ trẻ em. Tiếc nỗi, nam đinh trưởng thành với tài sản đều chẳng còn.”

(*Tam lão là chức dành cho các cụ già được nhiều người trong làng kính trọng, chịu trách nhiệm dạy dỗ lớp trẻ trong làng.)

Dường như bà lão kia vừa thở hắt một hơi, lại nói: “Trong trận loạn lạc hồi đó, một gã mãng phu tuyển vài tên thổ phỉ là có thể xưng vương xưng bá rồi, thấy ai giàu có thì giết người cướp của, nữ giới còn tủi nhục hơn. Cát gia chúng ta là một miếng thịt béo bở như vậy, nguy hiểm dữ lắm. Trình gia tuy nghèo, nhưng ở trong làng này gia chủ là hy vọng của mọi người, bản thân ngài ấy có bản lĩnh không nói, ngài ấy còn có thể dẫn dắt dân làng  tiêu diệt bọn xấu. Hồi đó lão thái công nhà chúng ta từng nói rằng không dám học Lã thái công xem tướng cho con trai của Xích Đế*, chỉ mong không phải là Tiêu gia thứ hai thôi. Hồi ấy gia chủ mới vừa cầu hôn Đại phu nhân, Trình lão tam vẫn còn nhỏ, người không cưới lang tế** thì còn có thể cưới ai nữa.”

(*Hán Cao Tổ Lưu Bang được xem là con trai của Xích Đế chuyển thế. Sử sách chép rằng, khi Lưu Bang mới chỉ làm quan, Lã thái công đã nhìn thấy “quý tướng” của Lưu Bang, biết Lưu Bang sau này ắt sẽ nên nghiệp lớn, vì vậy mới hứa gả con gái cho ông.)

(**Từ cổ, nghĩa tương tự ‘cô gia’, cách người bên nhà người vợ gọi người chồng.)

“Vú nói nhiều như vậy cũng chỉ muốn khuyên ta cúi đầu trước ả thôi!” Cát thị nổi đóa, “Vú không nghĩ xem, ta với ả trước sau gả vào đây, bất luận sức người sức của ta đều hơn ả, nhưng rồi ta sống thế nào?! Ta phải lấy của hồi môn bù tiền cho Trình gia, còn ả lại mang trợ cấp của Trình gia về nhà ngoại! Rồi ngày nào cũng vênh vênh váo váo, sao ta có thể không giận?!”

“Vậy già hỏi phu nhân, mấy năm qua của hồi môn của phu nhân vẫn còn nguyên chứ?” Bà lão thấp giọng hỏi.

Cát thị cứng họng.

Bà lão thừa thế nói tiếp: “Hồi vừa mới thành thân, đúng là phu nhân đã đem của hồi môn đỡ đần cho Trình gia, nhưng chỉ mấy năm tướng quân đã vùng dậy khởi nghĩa. Mỗi lần đi đánh trận là từng rương tiền bạc vải vóc lại được đưa về nhà, của hồi môn của chúng ta đã được bù lại đủ từ lâu, e thậm chí giờ còn nhiều hơn trước. Số tiền Tiêu phu nhân mang đi giúp đỡ nhà mẹ đẻ chẳng tính là gì.”

Cát thị cười khẩy, “Cha mẹ còn thì không thể tính tài sản riêng được. Vẫn chưa phân nhà, tiền của huynh trưởng nên để cha mẹ chồng* quản lý, ba huynh đệ thì người ba nhà cũng đều có phần!”

(*Từ cổ gốc là quân cữu quân cô, quân cữu là cha chồng, quân cô là mẹ chồng.)

Bà lão thở dài: “Lý này không sai, nhưng tiền là do Trình đại nhân xuất trận lấy được, Tiêu phu nhân luôn ở cạnh ngài ấy, nên dĩ nhiên tiền sẽ qua tay nàng ấy trước. Bên ngoài loạn lạc, đánh giặc khắp nơi, ai còn để tâm đến quy định này nữa. Như bây giờ, đến hoàng đế cũng đâu màng tới mấy châu quận bên này, ngoài kia còn đang loạn kia kìa.”

Lúc này phòng bỗng yên tĩnh lại, chắc hai người kia không nói gì nữa. Du Thái Linh vừa kiên nhẫn chờ, nghĩ bụng thì ra bây giờ bên ngoài vẫn đang có chiến tranh, không biết tình hình thế nào; vừa nóng lòng muốn thúc giục, tám nữa đi, đừng dừng mà.

“Nói thế, phu nhân muốn lấy mạng nhỏ của Tứ nương tử là vì giận Tiêu phu nhân sao?” Bà lão nói.

Cát thị cười gằn, bảo: “Vốn ta định giữ ả tiện nhân kia lại, ai ngờ ả ác độc như thế, thà bỏ con cái ở lại chứ cũng phải đi theo Đại bá! Đại bá đương nhiên về phe ả rồi, mà thủ đoạn của ả cũng cao thâm lắm, mời vu sĩ có tiếng tới đoán lành dữ, cuối cùng đem con trai theo hết, chỉ để lại con gái. Đúng, ta muốn dạy hư Tứ nương tử cho ả xấu mặt đấy, nhưng ta không muốn lấy mạng con bé!”

Nghe tới đây, Du Thái Linh không khỏi cười nhạt trong bụng. Xem ra cô quả thật không có duyên phận với cha mẹ, đời trước thì cha mẹ ly hôn, đời này cha mẹ không ly hôn, nhưng vẫn vứt bỏ cô.

Lúc trẻ mẹ Du tham gia đội nữ văn nghệ, hồi đó có không ít thanh niên địa phương muốn kết hôn với bà, không thiếu người mạnh mẽ hơn, nhà giàu hơn, nhưng mẹ Du chỉ nhìn trúng mỗi cha Du. Bà biết rõ sống ấm êm quan trọng hơn sĩ diện, những người đó suốt ngày kéo anh em hô hào ầm ĩ, nhưng trong nhà chẳng có nổi mấy cân lương thực dự trữ mà dùng. Cha Du thì khác, khéo léo tinh ranh, mẹ già lại hiền lành.

Mẹ Du không thỏa mãn khi làm một kế toán viên ở trong trấn nhỏ, nên sau khi chế độ thi đại học được khôi phục, bà lập tức học hành điên cuồng, mấy năm sau đỗ đại học, còn có được một chức vụ tương lai xán lạn ở thành phố lớn, cũng ‘vô tình gặp được’ thanh mai trúc mã môn đăng hộ đối năm xưa nay ‘tình cờ’ cũng vừa ly hôn. Thế nên chuyện sau đó cũng hợp lẽ thôi, sai lầm duy nhất có lẽ chính là đã sinh ra cô.

Du Thái Linh bên này đang nghĩ miên man, Cát thị bên kia càng nghĩ càng tức, bực dọc nói: “… Ngoài việc không dạy dỗ chu đáo ra thì ta chẳng làm gì cả. Không lẽ vú không biết, chỗ chúng ta vừa có động tĩnh là mụ Vạn bên kia liền xua nô tỳ đến xem, ta còn có thể đánh mắng hay bỏ đói Tứ nương tử được ư?”

Bà lão kia dường như lại thở dài, “Phu nhân nghe già nói một câu này, nay Trình gia đã không còn là Trình gia của năm xưa, nhưng Cát gia chúng ta thì vẫn là Cát gia năm ấy, thời thế bất đồng, người đừng cay cú nữa. Già định ghé thăm người trước mồng Một, chứ ít bữa nữa già phải theo con cháu đến Thanh Châu rồi, sau khi bệ hạ đánh dẹp chỗ đó, cuối cùng mấy năm qua cũng quét sạch thổ phỉ, ruộng hoang còn nhiều lắm, đang dán cáo thị gọi dân chúng đến, thu thuế cũng ít, chỉ cần trồng trọt mấy năm thì mảnh đất đó sẽ thành của nhà mình rồi…”

Cát thị giật mình, “Sớm vậy sao? Giờ mới qua Đông Chí* mà, sao không đợi hết Tết rồi hẵng đi?” Tuy biết gia đình nhũ mẫu muốn đến Thanh Châu lập nghiệp, nhưng thị đã quen nước tới chân mới nhảy nên vẫn bị bất ngờ.

(*Tiết Đông chí, theo lịch Trung Quốc cổ đại, là tiết khí khởi đầu bằng điểm giữa của mùa đông, bắt đầu từ khoảng ngày 21 hay 22 tháng 12 khi kết thúc tiết đại tuyết và kết thúc vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 1.)

Bà lão cười đáp: “Mấy năm qua bảo huynh* của người tiết kiệm được khá nhiều tiền nhờ vào kinh doanh nhỏ, nó đắc ý tìm một vu sĩ bói quẻ, được phán cái gì mà nên chuyển đến chốn xa dựng nghiệp, phải thỉnh cả tổ tiên di dời cùng thì mới phù hộ được cả nhà, nên mọi người định đến Thanh Châu kịp ngày mồng Một đầu năm, tới lúc đó cả nhà cúng tế đàng hoàng, xin phù hộ người nhà  thịnh vượng nhiều con nhiều cháu.”

(*Đây lon trai lớn của nhũ mẫu nên là vai anh.)

Cát thị thoáng im lặng, khẽ nấc lên bảo: “Vú à, tuy hai năm nay vú thường xuyên ở bên ngoài, nhưng ta muốn gặp vú lúc nào cũng được, giờ nếu đi Thanh Châu thì ta biết làm sao? Không phải ta đã nói sẽ tìm tương lai cho con trai vú sao?”

Bà lão cười nói: “Đi Thanh Châu tốt lắm chứ, già này với mấy thằng cháu cũng sẽ theo cả nhà đi cùng, đại gia đình người đông thế mạnh không sợ bị ức hiếp. Huống hồ…” Bà dừng lại, đoạn bảo: “Phu nhân nghĩ mà xem, mấy năm qua con cháu Cát gia nhà ta nào có công danh triển vọng gì, ngay đến Thái Học viện cũng không vào được, huống hồ là cái thân già này.”

Cát thị bực tức nói: “Đều do ả tiện nhân Tiêu thị kia, tế bá toàn hành sự theo ý ả.”

Bà cụ chỉ cười mà không tiếp lời.

Tuy Du Thái Linh sốt đến mức choáng váng nhưng chưa tới nỗi hỏng não, không cần bà lão ấy nói tự cô cũng nghĩ tiếp được… Bà thẩm não tàn này chỉ biết nghĩ lệch hướng lung tung thôi, suốt ngày kiếm chuyện với Tiêu phu nhân người ta, giờ còn muốn chồng người ta giúp nhà mẹ đẻ bà?!

Du Thái Linh tự cảm thấy bản thân mới mười tuổi cũng thông minh hơn Cát thị. Tát người ta rồi còn muốn người ta liếm tay mình à, Tiêu phu nhân cũng không phải người có khuynh hướng chịu ngược. Tốt nhất bà nên uống hẳn hai chai nước tẩy bồn cầu rồi im miệng lại đi, giờ người duy nhất tỉnh táo bên cạnh bà cũng sắp đi luôn rồi, chắc tại cảm thấy tuyệt vọng trước chỉ số thông minh của bà quá đó mà.

“Giờ phu nhân tính sao? Nhìn Tứ nương tử đổ bệnh như vậy, trong mấy ngày khó mà khỏe lại được.” Bà lão nói.

Cát thị cầu khẩn: “Vú nghĩ lý do giúp ta đi. Tứ nương tử quả thật không tốt, nhưng toàn là lỗi nhỏ nhặt như cãi vã với nữ công tử nhà khác, đánh người trong buổi tiệc dạo vườn… Nếu Tứ nương tử phạm sai lầm lớn thì đỡ nhiều rồi. Là ta đã xem thường, trước đây nó còn nhỏ không gây ra họa gì lớn, nhưng nay lớn rồi mà chưa được thu xếp ổn thỏa, ta cứ nghĩ từ từ  vài tháng nữa rồi xử lý. Ả Tiêu thị giảo hoạt kia nói phải mấy tháng nữa mới về, ai ngờ mấy hôm nữa đã về rồi!”

Bà lão kia lại thở dài, bảo: “Để già nghĩ. Ừm, có rồi, nói thế này đi. Chẳng phải hôm trước Nhị nương tử về nhà khóc bảo mẹ chồng mình không tốt sao, người cứ nói các nữ công tử nay đã lớn, sắp đến lúc xuất giá, dù gì cũng nên đoan trang hiền thục, nào ngờ Tứ nương tử vẫn không hiểu chuyện như vậy, thế nên người quyết định phạt con bé thật nặng, nào ngờ người hầu sơ suất, đúng rồi, là cái bà già tham lam dưới trướng Lý Truy, quan trọng hơn là phải đẩy bà ta ra…”

Cát thị vui vẻ nói: “Vú nói rất hay, cứ làm vậy đi. Nếu Tiêu thị kiếm chuyện với ta, ta sẽ nói luôn những chuyện hoang đường Tứ nương tử đã làm trong mấy năm qua, xem ả có cảm thấy nên dạy dỗ con gái lại không.” Vui xong thị lại tức giận, “Có gì phải sợ, ả ăn thịt ta được chắc!”

Cát thị còn chưa dứt lời thì bên ngoài bỗng có tiếng kêu lên, một thị tỳ trẻ tuổi ré lên chạy vào: “Nữ quân, không xong rồi, gia chủ đã về! Xa giá đã ở cửa chính! Phải đến mười mấy chiếc xe lớn, lão phu nhân bảo chúng ta ra ngay.” Sau đó là chuỗi tiếng bước chân đầy hoảng hốt, đan xen những tiếng hò hét thay nhau vang lên.

Nghe thế Cát thị giật mình, “Sao lại nhanh thế?” Dừng một lúc, thị nói tiếp: “Không đúng, sao bên nhà Vạn tướng quân lại không có động tĩnh gì vậy, ta vẫn luôn cho người để mắt kia mà! Chẳng phải huynh trưởng vẫn luôn đi theo Vạn tướng quân ư?” Rồi thị giọng la lên, “Người đâu, mau gọi phu chủ* tới!”

(*Từ cổ, nghĩa tương đương ‘lão gia’, tức người đàn ông làm chủ trong gia đình.)

Bà lão đỡ Cát thị đứng dậy, vội quát: “Nữ quân hồ đồ à, giờ này sao lang tế có thể ở nhà chứ, đừng để ý những chuyện này nữa, mau ra ngoài đón người trước đã, không thể mất phép tắc được… Không không, vẫn nên đến chỗ quân cô người trước, đi cùng bà ấy!”

Cát thị tức giận giậm chân, bực mình nói: “Xem cha tìm cho ta cuộc hôn nhân tốt chưa kìa, lang tế suốt ngày đọc mấy thứ kinh học gì đó, quý thúc* nhỏ tuổi hơn nhiều mà nay cũng có bổng lộc mấy trăm thạch, còn y đọc sách mấy năm vẫn chẳng có được chức tước gì! Quân cô thì giả ngốc, chỉ biết mỗi bản thân mình…”

(*Em trai nhỏ nhất của chồng.)

Tiếng nói chuyện xa dần, Du Thái Linh khó khăn chống tay đổi tư thế ngủ, sờ sờ cái trán nóng hầm hập, người bủn rủn yếu ớt, mồ hôi lạnh đầy mình, giờ cô chẳng suy nghĩ được gì, chỉ có ngủ như chết mới là diệu kế, nếu không thực sự có lỗi với ‘thuốc trừ sâu’ đã uống mấy ngày qua!

Mụ già họ Cát chết tiệt này, không có bản lĩnh đối đầu trực diện với oan gia mà ra tay với một đứa trẻ, chồng thị không có công danh gì là đáng. Nhìn thị không khác gì con khỉ miệng nhọn má hóp, mặt xanh như bông cải, chắc chắn buổi tối âm dương không được điều hòa nên ban ngày lửa nóng, tức giận không có chỗ trút thì không biết tự tìm nhân tình giải khuây à? Tìm ba thanh niên trai tráng, một đút nho ăn, một bóp chân, một nhảy nhót hát hò, cuộc sống hạnh phúc biết bao. Gây khó dễ với chị dâu và cháu gái thì có thể giúp bà xả bực bội được hả?! Đúng là đồ ngu ngốc không được mười tám đời tổ tông tích đức!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.