Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 149: Hồi Hai Mươi Bốn Thánh Giá Và Bồ Đề A





Thường thì Chúa Nhật Phạm Thành Nhân sẽ cùng gia đình đi Lễ, nhưng kể từ lúc tạm trú trong đây, vào ngày này cậu sẽ thức dậy thật sớm để đọc kinh một mình.
Biết cậu là Giáo Dân như mình, một viên giám thị đã tặng cậu một sợi dây chuyền có mặt là cây Thánh giá.
Ba mẹ và anh chị Phạm Thành Nhân đã vào thăm cậu ta sáng nay, mang theo rất nhiều quà bánh, trái cây và đồ dùng cá nhân cho cậu.
Dì cậu hẹn sáng mai sẽ đưa chồng con tới thăm cậu, tuy rằng không thấy mặt, nhưng giọng nói của dì đã lột tả hết nỗi niềm lo lắng cho đứa cháu trai của dì.
Hồi còn được tự do, cậu không biết quý trọng gia đình, suốt ngày chỉ biết dán mắt vào mạng xã hội xem mấy cái clip dàn dựng và hóng coi thiên hạ cãi nhau, còn không thì la cà quán xá quên cả lối về, tụm năm tụm ba với đám bạn nhiều chuyện bất hảo.
Đã bao lâu rồi cậu đã quên khuấy đi gia đình và người thân vậy?
- Ê, trái này kêu là Kiwi hả? Chua hông?
- Hông.
Ngọt, ngon lắm.
Anh Hai muốn ăn thì cứ lột vỏ ra mà ăn.
Nó chín hết trơn hết trọi rồi.
Đó, anh bóp trái nào mềm mụp là trái đó ăn được hà.
Vừa nói dứt tiếng, Phạm Thành Nhân đưa cho anh Hai năm trái kiwi mềm ngọt.
Anh Cả đang ngồi ăn gà chiên Popeyes của cậu.
Còn Lương Hảo thì ngồi đọc cuốn "Muôn kiếp nhân sinh".
- Anh Hai.
- Gì?
- Anh Hai có đức tin không?
- Có cũng như không.
Tao sống ở xóm Chùa từ bé đến lớn nhưng chưa từng đảnh lễ ông sư nào.
Phạm Thành Nhân mân mê cây Thánh giá, sau lưng có ghi dòng chữ "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Có đám mây nhỏ bay ngang qua buồng giam, vương lại vài vụn xốp nơi ô cửa sổ nhỏ xíu chạm trần, sắc trắng của mây xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của nền trời ngày Hạ trông thật bình yên xiết bao.
- Nếu như mày đến với Chúa, Phật vì mong cầu những điều bản thân đang muốn thành hiện thực thì đó không phải đức tin, mà phải gọi là lợi dụng.
Phạm Thành Nhân thoáng ngạc nhiên.
Một con người thô tục nói ra câu ấy đã khiến cậu ngạc nhiên tột độ.
- Tao vẫn đang đợi ngày ấy.
Cái ngày mà tao biết đức tin của mình là gì và tao sẽ theo ai.
Có thể sau này tao sẽ trở thành Đan sĩ mặc áo dòng.
Hoặc cũng có thể sau này tao sẽ trở thành Tỳ-kheo đắp lên người chiếc áo cà-sa.
- Anh Hai?
- Gì?
- Anh tên chi?
Anh Hai không đáp, cúi mặt lột vỏ kiwi.
Móng tay của anh ta trông rất sạch sẽ, không hề có dính tí cáu ghét nào.
Cái mũi lai Tây làm cho khuôn mặt anh ta trở nên khôi ngô bội phần.
- Nhìn chú giám thị mà em nhớ tới bà giám thị dạy cấp Ba.
Mèn đét ơi bà dữ không có bút mực nào tả nỗi cái sự dữ của bả.
- Giám thị nhà nào cũng dữ ngang ngửa nhau.
Nhưng một đằng còn giữ thái độ lịch sự với mày, còn một đằng thì coi mày như kẻ đào mồ cuốc mả tổ tiên nhà nó lên vậy.
Ăn kiwi xong, Phạm Thành Nhân nằm vắt chân ngũ mà nghe bài "Ru con tình cũ" do Ngọc Lan trình bày.
Nhạc phẩm này là một trong hai ca khúc viết về cô Hồ Thị Thu.
Ngoài nhạc sĩ Đynh Trầm Ca ra, còn có "Thu, hát cho người" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Không rõ nàng Thu trong hai ca khúc trên có thật là thiếu phụ vì chồng không may chết trận, hay đây chỉ là cách ví von của hai nhạc sĩ về sự có chồng như không của nàng.
Đời tư của nàng cũng còn nhiều khúc mắc và bí ẩn chưa được giải đáp rõ ràng...!
Bên ngoài trời đang đổ mưa to nên đám tù nhân được nghỉ lao động một buổi.
Buồng giam của bọn họ nằm ở khu vực đã lâu không ai ở, bốn bề toàn là buồng giam trống huơ trống hoác nên về đêm trông vô cùng rợn người và u ám.
Phạm Thành Nhân tánh sẵn nhát gan, hễ nửa khuya là lại chuồn qua ngủ dưới giường của Lương Hảo cho đỡ sợ, vì giường của anh ta kê sát vách tường và cạnh cửa sổ, nhờ thế mà cậu có thể thấy rõ động tĩnh ở cái giường giữa; còn nếu ngủ ở cái giường giữa thì mắt cậu sẽ chỉ thấy mỗi bóng tối ở cái giường số Ba, do đó nỗi sợ hãi càng tăng lên cực điểm.
Biết cậu sợ ma, ba người kia không đả động gì tới chủ đề kinh dị, cũng không ai lên tiếng trêu chọc cậu.
- Hảo Hảo.
- Tôi tên Hảo, không phải tên gói mỳ.
- Lương Hảo cười gằn.
- Mày ăn kiwi không?
- Có dao bổ đôi sẽ nhanh hơn.
- Anh Cả xen vào.
Trên miệng anh ta dính vài vệt sốt tương cà, "chứng tích" của việc ăn xong một bữa no nê, ngon lành.
- Mày làm như ở nhà vậy.
- Anh Hai trề môi.
Rồi càm ràm.
- Mà công nhận trái này khó lột thiệt, ý là tao có móng tay mà lột ra còn khó.
Nè, ăn đi mậy.
- Cảm ơn anh.
Chiều nay trong trại sẽ tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ nho nhỏ.
Trại giam này không một ai vướng phải các tội đại hình như giết người, cưỡng hiếp hay đâm chém, nên thái độ của nhân viên công tác nơi đây khá thoải mái và "nhẹ nhàng".
Sắp tới ngày bầu cử tổng thống nên cấp trên giao cho viên giám thị trung niên nhiệm vụ khảo sát lòng dân.
Chú chưa kịp phát phiếu khảo sát cho tên tù nhân ngồi ở bàn đầu, đã nghe hắn la ong ỏng:
- Tao bận ở tù rồi.
Hổng có quởn bầu cho thằng nào con nào đâu nghen.
Bớt làm phiền.
- Đ*má ở tù mà cũng bị bắt tham gia bầu cử.
- Các anh vẫn còn tư cách công dân hợp pháp...!- Chú ráng dịu giọng xuống.
- Ê, quỷ mắc dịch, nay mày bị trúng gió hay sao mà nói giọng ngọt xớt vậy?
Viên giám thị đập bàn một cái "Rầm":
- Giờ tụi bây muốn tao dữ như mọi hôm phải hôn?
- Ờ, chớ nhìn cái bản mặt giả tạo này bọn tao chịu hổng thấu đa.
- Khi nào có thanh tra xuống mày diễn cũng không muộn mà.
- Đứa nào lẽo lự thêm một câu nữa, tối nay đứa đó nghỉ ăn cơm.
Điền cho tao nhanh lên!
Đợi cho viên giám thị rời khỏi phòng, đám tù nhân bắt đầu nhao nhao như ong vỡ tổ.
Lớp thì hò hét gọi tên đứa kia, lớp thì tụm năm tụm ba lại thảo luận.
- Lập bàn cầu cơ đi mấy đứa ơi.
- Chi?
- Chớ tao nhìn bản mặt thằng ứng viên tranh cử nào cũng khó ưa thì làm sao chọn đây?
- Thì mày bỏ phiếu trắng.
- Bỏ phiếu trắng thì tao có lỗi với tiền thuế của đồng bào, có lỗi với đội ngũ đánh máy và thằng chó giám thị quá.
- Nếu cô Thiền ra tranh cử tao bầu liền...!Cổ dễ thương quá trời quá đất.
Ai như hai thằng Nhạc Bất Quần với Doãn Chí Bình này.
Phạm Thành Nhân đã điền xong phiếu khảo sát, rảnh rang quá nên ngồi vẽ nguệch ngoạc trên mặt bàn xước xác.
Bà cậu dặn tuyệt đối không được ký tên trên những trang giấy trắng để phòng hờ việc bị ngụy tạo chứng cứ phạm tội hoặc ép cung.
Anh Cả đang trò chuyện với một tù nhân xăm trổ đầy mình.
Hai người có vẻ quen biết nhau từ trước khi vào tù, cậu đoán thế chứ không chắc mấy.
- Đảng là đảng, Đất Nước là Đất Nước.
Đừng có ngu dốt mà xem hai thứ này là một.
Mất đảng này thì có đảng khác thay thế, nhưng mất Tổ Quốc là mất hết tất cả.
- Việt Long là đảng bù nhìn từ trước tới giờ mà.
So với Cộng Hòa và Dân Chủ, Thái Bình Thạnh Trị thì lép vế hẳn.
Anh tin ai? - Người thanh niên gãi cằm hỏi.
- Tôi không tin đảng nào hết.
Không ai biết diều sẽ đứt dây vào thời khắc nào nên hãy chú tâm tìm người có tài trước đã.
- Anh tính làm chính trị à?
Ông bác ở bàn bên quay sang nói:
- Ai dốt nát lắm mới dùng nhóm chữ "làm chính trị".
Ngay cả quyền công dân của mình còn không biết thì làm sao hiểu được tự do ngôn luận? Anh có quyền bác bỏ, phê bình, đánh giá, chỉ trích, đóng góp ý kiến bất cứ chính sách và chính khách nào của Quốc gia này mà không sợ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Một Quốc gia mà cứ chực rình rập ai bất đồng ý kiến với chính phủ là kêu cảnh sát tới bắt và hốt vào tù thì Quốc gia đó đâu còn tính nhân quyền.
Anh Cả bật cười:
- Gặp các cụ chí sĩ yêu Nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học,...!mà sống ở thời này chắc cũng bị hốt vào tù vì tội phản động quá.
Thêm một đám trẻ chụp mũ các cụ ấy "tự nhục" và "không thích thì cút sang nước ngoài sống" nữa.
Hai người kia nghe xong chỉ biết lắc đầu cười ngao ngán.
Ở một góc khác, hai tên tù nhân đang bàn luận sôi nổi về vấn đề tôn sùng và hâm mộ chính khách thái quá.
- Bây giờ tao hỏi mày nè? Dựng một tình huống thế này: Mày bị ngã gãy tay và được một ông thầy thuốc tận tình cứu chữa, phục hồi lại, sau khi hết bệnh mày sẽ đối xử với ông ta ra sao? - Người nói câu ấy là người vừa xin Phạm Thành Nhân cho mình chai dầu gội đầu chiều nay.
- Thì tao phải biết ơn ổng chớ sao, chưa kể đến còn phải trả công hậu hĩ nữa, vì người ta giúp tao chữa thương mà.
- Mày có để hình ổng trên bàn thờ hông?
- Hông.
Trời, dầu ổng có tốt cách mấy thì công sức và ơn nghĩa đó cũng chưa đủ đô để được tao đội lên đầu thờ đâu.
Vả lại ổng là bác sĩ thì đương nhiên ổng phải cứu người rồi.
- Khi mày ra ứng cử tổng thống thì mày phải để Tổ Quốc trên hết, đó là lẽ dĩ nhiên tới mức không thể dĩ nhiên hơn.
Nếu mày làm tốt chức vụ của mày thì đồng bào sẽ hoan hỷ giữ mày làm tiếp, còn nếu không thì nên tự giác đi xuống trước khi đồng bào tổng biểu tình.
Tao từng biết ơn một vài người chính khách trong quá khứ, nhưng tao chưa từng suy tôn hay cuồng si ông nào hết.
Đầu tao thờ cha thờ mẹ, thờ Cửu Huyền Thất Tổ nhà tao, chớ hổng phải là nơi cho thằng người dưng nước lã nào ngồi trên trển hết.
- Ý mày nói Hác Đăng Khánh à?
- Ừ.
Một vài chính sách của ổng tao rất tán thành, còn về đời tư của ổng thì không.
Người này tự nhiên làm cho tao thấy vừa đáng thương vừa đáng ghét.
Phạm Thành Nhân chợt nhớ đến anh Ba và chú Út, hai người thầy dạy guitar hết lòng hết dạ với cậu, họ không muốn bỏ phiếu bầu cho tổng thống đương nhiệm.
Còn ngoại thì sao? Mẹ thì sao? Và ba thì sao?
- Điền cho tao chưa hả bây? - Viên giám thị bất thình lình "hiện hồn".
- Dạ con điền cho ông nội rồi ạ...!
- Đứa nào xong rồi thì theo tao vào hội trường dự buổi văn nghệ.
Còn chưa thì ngồi im đó mà điền.
- Sao mày hổng nói sớm? Đ* má làm tao ngồi như ông Từ giữ đình từ hồi nãy tới giờ...!
- Ai biểu mày làm biếng.
Viên giám thị vừa nói dứt tiếng, liền đi thu phiếu khảo sát.
Nhiều tay tù nhân viết chữ xấu không thể tả, không biết đám kiểm phiếu sau mùa này có bị loạn thị hết không ta?
Chú thấy sắc mặt giận lẫy của đám chưa điền xong, lòng thấy ray rứt quá nên nán lại đợi bọn nó viết xong rồi đi chung một lượt cho vui.
- Nay có nấu hủ tíu Mỹ Tho...!
- Tao hổng muốn ăn hủ tíu Mỹ Tho, tao muốn ăn hủ tíu Mỹ Lồng cơ...!
- Vậy con nhịn luôn đi con.
- Chú nhéo lỗ tai của hắn một cái cho bõ ghét.
Đoạn quay qua hỏi.
- Ai biết chơi nhạc cụ thì mau lên đây tôi biểu.
Phạm Thành Nhân dụ dự một hồi, mới giơ tay thông báo.
- Cậu Nhân biết chơi nhạc cụ gì?
- Dạ, em biết chơi guitar và piano.
- Được, lát tôi giao cho cậu cây guitar thùng.
Nhưng đừng hăng máu quá mà "Đập vỡ cây đàn" như nhạc sĩ Lê Mộng Bảo nghen?
- Dạ.
Mất thêm nửa tiếng nữa thì đám tù nhân ấy mới điền xong, chú lầm bầm mắng vài câu, rồi giục cả bọn mau chóng lên đường.
Té ra hội trường là một bãi đất trống có căng lều bạt, trang hoàng nhìn cũng tươm tất và tiện nghi lắm.
Trại giam của Phạm Thành Nhân nhập với hai trại khác, cậu đếm sơ thì thấy có gần trăm người; hiện hai nhóm trại kia đã ăn hủ tíu gần xong, chỉ còn mỗi trại của cậu mà thôi.
Lương Hảo nắm tay dẫn Phạm Thành Nhân đi xếp hàng lấy hủ tíu.
Hai người kia ngồi tại bàn đợi họ bưng hủ tíu về.
Tô hủ tíu vừa ngon vừa nhiều.
Ai ăn hết thì được phép lấy thêm nữa, nên đám tù nhân thi xem ai ăn nhiều nhứt.
- Ê ăn vừa vừa thôi nghen tụi bây.
Ăn quá bể bụng chết bọn tao hổng có chịu trách nhiệm đâu đó.
- Giám thị trại số C cất giọng cảnh báo.
Phạm Thành Nhân đang ngồi che miệng xỉa răng, nghe chú giám thị kêu tên mình thì giật mình đứng dậy thưa.
- Xuống cơm chưa? Xuống rồi thì lên đây biểu diễn văn nghệ góp vui cho mọi người.
- Dạ, chú đợi con xíu.
Sân khấu nâng cao hơn mặt đất chừng nửa thước.
Trên đó có để sẵn ba cái micro cây, một bộ trống, một cây đàn piano và hai cây đàn guitar thùng.
Ngoài ra còn có một dàn loa có kiểu dáng giống với loại thường thấy trong tiệc cưới.
Phạm Thành Nhân chẳng trông mong gì phẩm chất âm thanh sẽ hay và rõ.
- Dạ, mấy anh muốn nghe bài gì?
- "Ngày về", khúc bi hùng ca chiêu hồi của Hoàng Giác.
- Viên giám thị trại C xen vào.
Phạm Thành Nhân khảy đàn, rồi him mắt hát.
Một bài hát đã bị lãng quên mấy mươi năm nay, nhưng vẫn sống âm ỉ trong tim người hiểu rõ nguồn gốc của nó.
Đám tù nhân không thuộc lời, nhưng vẫn muốn hòa giọng cùng cậu nên ê a hát bè theo.
Ánh mắt của từng người chứa chan giấc mộng lành của nhạc sĩ Hoàng Giác trong thời kỳ binh đao khói lửa.
- Mày chọn bài nào mà có thể khích lệ tâm trạng bọn tao đi.
- Dạ, vậy em hát liên khúc "Anh - Hàng hàng lớp lớp" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nghen?
- Bài "Anh" thì Anh Khoa - Giao Linh song ca, còn bài "Hàng hàng lớp lớp" phải để Hùng Cường hoặc Hà Thanh hát mới hay.
Nhưng bữa ni đừng hát bài nì, mi đổi qua bài chi mà nghe sôi động ấy.
- Một bài hát do huyền thoại Elvis Presley biểu diễn, mang tên là "Jailhouse Rock", tạm dịch là "Rock Nhà tù".
Cả hội trường cười ồ.
- Tôi lãnh phần đánh trống.
- Một gã tù nhân chợt đứng lên phát biểu.
Hội đồng bỗng chốc bừng sáng bởi những giai điệu rộn rã của bản nhạc đến từ thập niên Năm mươi.

Một số người có khiếu nhảy bắt đầu thực hiện những điệu vũ của riêng mình.
Số không biết nhảy thì vỗ tay theo nhịp.
Phạm Thành Nhân chợt chuyển tông, rồi ôm đàn mà gảy bài "Bad" của huyền thoại Michael Jackson.
Tiếng của cậu cất lên cao vút, như muốn trút hết nỗi oan khuất vào trong ca từ:
"...!Ừ thì tao tệ đấy, mày biết thừa mà
Và rồi cả thế giới này sẽ biết ai mới thực sự là kẻ xấu xa..."
Đột nhiên, Phạm Thành Nhân đổi nhạc, cậu hát bản "Smooth Criminal" cũng do Michael Jackson trình diễn.
Giọng của cậu bắt đầu khàn đặc, nghe như sắp bể tiếng.
Ai nấy đều cảm nhận được dây thanh quản của cậu ta rung lên dữ dội.
Viên giám thị vội chạy lên kêu cậu ta ngừng lại, trước khi tự làm đứt dây thanh quản của mình.
- Khụ...!Em...!em còn hát nổi mà.
- Một bài nữa thôi nghen.
Phạm Thành Nhân chọn bản "Mặt trời đen" của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang để kết thúc phần trình diễn của mình.
Nãy giờ toàn "rốc" với "rống" nên giờ tông giọng của cậu không còn trong trẻo và rõ ràng nữa.
Một gã tù nhân thuộc bài này bèn đứng lên hát bè phụ cậu.
Phạm Thành Nhân bước xuống sân khấu trong tràng pháo tay nồng nhiệt xen lẫn tiếng huýt sáo tán thưởng.
Nếu ông thầy dạy nhạc và anh, chú cậu có mặt tại đây vào giờ phút này, hẳn họ sẽ tặng cậu một tràng ký đầu nhiệt liệt mất vì tội biểu diễn không ra giống ôn gì.
- Ê, sao bài này tiết tấu với lời nhạc nghe ngộ vậy?
- Dạ, tại vì ông Nguyễn Trung Cang sáng tác ca khúc trong lúc đang bị mắc căn bệnh trầm uất, nên khả năng soạn nhạc và viết lời của ổng đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ít lâu sau khi bài hát này được phát hành, ông đã vì đau buồn quá đỗi mà sinh bệnh chết.
Ca từ trong bản "Mặt trời đen" chính là tâm trạng vào những ngày tháng cuối đời của cố nhạc sĩ.
- Cũng là tâm trạng của mày...!
- Dạ.
- Thôi hát "xả stress" được thì cứ hát.
- Người tù nhân đáng tuổi cha chú ấy vỗ vai cậu an ủi.
Nhờ có dịp này mà Phạm Thành Nhân mới biết trong tù có những người hát rất hay và chơi nhạc cụ rất giỏi.
Cậu không hiểu nổi rằng tại sao họ lại chôn vùi tài năng mình có để đổi lấy cuộc đời tù tội...!
Để kết thúc chương trình, mỗi giám thị mời tù nhân trại mình lên phát biểu cảm nghĩ và dự định tương lai sau khi ra tù.
Ban đầu còn ngần ngại, thằng này đùn đẩy thằng kia, thằng kia xúi thằng nọ, nhưng sau rốt cũng lần lần dạn dĩ hẳn.
Đến lượt người tù nhân cuối cùng của trại C, một số thằng buồn ngủ đến nỗi hai con mắt híp hịp, ngồi mà cứ ngáp ngắn ngáp dài liên tục.
Bác ta độ khoảng sáu mươi lăm, vào tù vì tội quỵt nợ thay gia đình con gái.
Bác ôn tồn kể lại chuyện "Đời cô Lựu" của mình bằng giọng nói đã nhuộm khan sầu đời.
- ...!Bọn tao là lũ cô hồn sống mà.
Không cha, không mẹ, không người thân, không họ hàng.
Sống nương dựa nhau như đám cỏ hoang mọc bờ mọc bụi.
Đói rách tự lo, muốn sáng trí phải tự mò mẫm học.
Khôn sống, dại chết.
Thế thôi.
Bây giờ con cháu tao nó ngu như tao, thì phận làm cha làm mẹ phải gỡ rối giùm.
Thế thôi.
Một vị sĩ quan Lục Quân cải trang thành nhân viên cảnh sát bỗng bước lên bục, rồi nhỏ nhẹ mời bác nhường micro cho mình phát biểu chút xíu.
Anh ta ra hiệu cho mọi người giữ im lặng, đoạn nói:
- Thay mặt cho những người hành pháp và bên an sinh xã hội, bọn tôi cúi đầu xin lỗi mọi người vì đã không lo tròn cho đời sống của các anh thuở bé, để đến nỗi các anh phải trở thành phường du thủ du thực sống đời khốn khó như bây giờ.
Anh ta vừa nói dứt câu, toàn bộ nhân viên hành pháp và an sinh xã hội đồng loạt đứng nghiêm trang mà cúi gập người xuống.
Chừng vài phút sau, họ mới thôi.
Cái cúi đầu tạ tội với đồng bào hay là cái cúi đầu tạ tội với hồn thiêng sông núi nước Nam vì đã không làm tròn trách nhiệm mà đồng bào phó thác.
Bao nhiêu tiền thuế của nhân dân đã đổ đi đâu trong suốt mấy mươi năm qua.
Suốt ngày cứ vịn hết cớ này rồi lại đến cớ kia hòng trốn tránh trách nhiệm về tội thất thoát của công và lãng phí ngân khố Quốc gia.
Hễ ai nêu lên những mặt chưa tốt và trì trệ của Nước mình là lại có một đám đông xúm vào chửi rủa người đó.
Trong khi đáng lẽ nên dành thì giờ để sửa đổi những vấn nạn Quốc gia, thì một số kẻ lại thích ngụy biện và nói tục hơn là chung tay khắc phục chúng.
- Bây giờ bọn mình cùng hòa ca một bài nghen? - Viên sĩ quan mỉm miệng cười, hỏi.
Đám tù nhân reo hò kêu "Đồng ý", "Đồng ý".
Ấy là bài "Phải lên tiếng" của nhạc sĩ Anh Bằng:
"Trường Sa là máu của ta
Hoàng Sa là thịt của ta
Đất Nước ta là xương là máu Ông, Cha để lại..."
Ánh mắt người sĩ quan trẻ ngấn lệ.
Khi bài hát chấm dứt, anh ta gào lên:
- Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!
- Đúng, phải đánh, phải đánh!!!
Bầu không khí của một thời "Hịch xuất quân" và "Hội nghị Diên Hồng" bỗng chốc bao trùm lấy hội trường "dã chiến".
Phạm Thành Nhân cảm thấy mình nhỏ bé đến lạ.
Cậu đã bàng quan với tình hình Đất Nước hằng bao năm trời.
Biển Đông đã trở thành biển lửa đối với những ngư dân mang dòng máu Lạc Hồng như cậu.
Hình như cậu chưa một lần khóc cho Quê Hương, khóc cho Dân Tộc, nhưng sẵn sàng rơi lệ cho những thứ Trời ơi Đất hỡi...!
Sau buổi văn nghệ, ai về trại nấy.
Nhóm của Phạm Thành Nhân tuy ở trại A, nhưng bị biệt giam ở khu khác, cách tập thể trại A một khoảnh sân con con lát gạch thẳng thớm.
Lương Hảo chắc bị trúng gió nên cảm thấy sật sừ, bải hoải, rêm mình.
Anh thôi không ngồi đọc như mọi hôm, mà xuống giường dưới ngồi dựa lưng vào tường nghe nhạc.
Hành trang của anh có radio và MP4.
"...!Và trong bóng đêm tôi tìm thấy tôi thương hại chính tôi bao ngày đã qua...!Ngây dại quá!"
Đợi cho Hồ Quỳnh Hương ca xong bản "Tôi tìm thấy tôi", anh Hai mới cất giọng hỏi Lương Hảo:
- Cạo gió hông mày?
- Ở đâu có sẵn đồng xu vậy?
- Tao có ai lo đâu, nên phải tự sắm đồ nghề cạo gió cho mình.
Cứ hễ bị trật cổ hay nhức đầu là lại lôi ra cạo.
Anh Hai cạo gió rất lành nghề.
Chưa được mười phút mà Lương Hảo cảm thấy bớt rêm mình rất nhiều, đầu cũng không còn choáng váng nữa.
- Ra tù anh định làm gì?
- Làm bảo kê, nhưng tuyệt đối không đâm thuê chém mướn.
- Muốn làm bảo vệ không? Tôi giúp anh và anh Bắc ghi danh.
- Ừ, được thì tốt.
Tao đang muốn rửa tay gác kiếm.
Lương Hảo chợt cất tiếng gọi cai ngục.
Hai đằng xầm xì vài câu, rồi viên cảnh sát rời đi.
Một lúc lâu sau, anh ta quay trở lại với cái túi nylon nặng trĩu.
"Lạch cạch..."
- Làm phiền anh quá...!Cảm ơn nghen.
- Không có chi.
- Vừa khóa cửa lại, anh cảnh sát trẻ vừa đáp.
Cử chỉ vô cùng thân tình.
- Gì đây? - Anh Cả ngóc đầu dậy hỏi.
- Sữa chua uống.
Sao cậu không uống đi mà ngồi đó cười hoài vậy?
- Tại em nhớ tới bài "Hôm nay không sữa" do chú Duy Quang hát.
- Bài tên gì ngộ vậy?
- Dạ, bài gốc là "No milk today" do ban nhạc Hermans Hermits biểu diễn.
- Hát thử một đoạn xem.
- Anh Bắc vừa lột lớp giấy bạc trên miệng chai vừa nói.
Phạm Thành Nhân bèn hát một đoạn:
"Hôm nay không sữa, chắc em đã đi thật xa
Chiếc chai lăn trong góc nhà, dấu tích đêm chưa xóa nhòa
Hôm nay không sữa, có khác chi hơn bao ngày qua
Khách quen đi ngang thấy lạ, thắc mắc em không có nhà..."
Bốn người tụ lại đánh Domino.
Ngoài hành lang heo hắt đèn trần, các phòng giam xung quanh họ rỗng không.
Ánh sáng trong phòng họ bỗng chốc nổi bật giữa không gian quạnh vắng, tăm tối ấy.
Viên cảnh sát trẻ thấy đã hơn mười giờ mà họ chưa dẹp sòng thì đằng hắng vài tiếng nhắc nhở.
- Ngủ thôi mọi người.
- Lương Hảo nói xong, bèn đứng dậy đi tắt đèn.
Phạm Thành Nhân chắp tay đọc kinh một đỗi, mới ngả lưng xuống chiếu.
- Anh Hảo.
- Chi cậu?
- Anh là "cớm" phải không?
Lương Hảo không đáp.
Anh ta chơi "tình quờ" bằng cách đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Sao cậu vào tù?
- Dạ, em bị vu oan giá họa.
Họ tạo hiện trường giả để vu khống em giết người.
- Tôi cũng y chang cậu.
Anh Hai chợt leo xuống giường, rồi đi gọi viên cảnh sát trẻ mở cửa cho mình đi tiểu.
Viên cảnh sát thoáng cau mày, nhưng rồi cũng mở cửa cho anh ta ra.
Một người bạn đồng nghiệp của viên cảnh sát dẫn anh ta đi.
Dáng hình hai người nhanh chóng chìm khuất trong lớp bóng tối đậm đặc.
- Này, cậu có biết chưởng môn Quyền Đạo Võ Công Hạ Quốc Huy không?
- Có, em đã từng đọc tin ông ấy cầm ly thủy tinh đập vỡ khối xi-măng.
Buổi biểu diễn ấy tổ chức ở Los Angeles.
- Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy.
Văn võ song toàn.
Cầm, kỳ, thi, họa cũng giỏi nốt.
Đã thế lại còn khôi ngô, tuấn tú nữa...!Và là một tay súng thiện xạ.
- Tiếc rằng giới trẻ cỡ tuổi em không ai biết đến ông ấy, phần đông bạn của em toàn ngưỡng mộ mấy kẻ tào lao âm binh, ăn nói thô tục khiếm nhã.
Lương Hảo bỗng đọc cho cậu nhỏ đáng tuổi em mình nghe một bài thơ đã khiến Hội nhà văn đô thành dậy sóng:
"Trả người chí sĩ năm xưa
Một bầu rượu quý, một lời minh oan
Vùi chôn bao kẻ anh tài
Vào vòng lao lý chỉ vì nhỏ nhen
Đau không hỡi Quốc gia ơi
Ngày ngày lại vắng thêm người trung can
Sâu mọt gặm nát Quê hương
Đồng bào tôi vẫn ơ hờ cười vui
Tôi đi trên Đất Nước mình
Mà lòng lại ngỡ lạc vào rừng sâu..."
- Người viết ra bài thơ đó bây giờ ra sao hả anh?
- Anh ta vẫn đi giữa nhân gian, lòng không thể bàng quang với thế tục, và lấy chân thật, can gián và sẻ chia làm tôn chỉ viết lách của mình.
- Viết thế không sợ "đụng chạm" rồi bị tẩy chay sao anh?
- "Nếu trên tay anh cầm cây viết.
Xin hạ xuống muôn ngàn lời chân thật."
Ánh trăng hắt qua ô cửa nhỏ không đủ soi sáng căn phòng.
- Anh ta đã nếm gần đủ hết rượu đời, trải qua những tình huống rất khó tin là có thực, nên thích lồng ghép yếu tố huyền bí vào tác phẩm của mình.
"Két."
"Cạch."
- Ủa, chưa ngủ nữa?
- Đợi anh vào ngủ chung cho vui.
- Thằng khỉ gió.
- Anh Hai bật cười, mắng yêu.
- Ê, bật vài bản nhạc êm êm cho dễ ngủ coi.
Anh Hai chuyển mền gối xuống giường dưới, nên Phạm Thành Nhân đi sang giường số Ba nằm.
Lương Hảo ngồi dưới chân giường cho rộng chỗ cậu nhỏ nằm.
- Người hoạt động trong ngành Văn hóa - Nghệ thuật đi hai hàng thì nhiều không sao kể xiết, người đi một hàng thì còn ít hơn tỷ lệ bị thiên thạch rơi trúng đầu, chính vì lẽ đó mà tao ít coi trọng người trong ngành này lắm.
Sau một hồi cân nhắc, Lương Hảo bật bản nhạc "Đêm dài chiến tuyến" do Anh Khoa trình bày, người sáng tác là nhạc sĩ Lam Phương.
Bài này Tuấn Vũ ca cũng rất hay.
- Thời nay kiếm một bài nhạc lính hay khó như mò kim đáy biển.
Không thực sự yêu lính và xem trọng đời lính thì đừng có gắng sáng tác.
Sáng tác gì đâu mà nghe bốp chát kinh khủng.
- Như nhạc sĩ Trường Sa đó, ổng tuy là Hải Quân nhưng không có cảm hứng viết về lính biển và thủy thủ như nhạc sĩ Anh Thy, Nguyễn Vũ, nên chỉ toàn viết nhạc trữ tình lãng mạn.
Rạch ròi như vậy mới hay chớ.
Thích gì thì viết nấy, chớ không buộc mình "vắt ra" một bài nhạc con cóc sáo rỗng về lính.
Ngược lại với Trường Sa, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không thể sáng tác hay nếu không lồng ghép hình ảnh người lính vào trong lời bài hát; đa số những tác phẩm được ưa chuộng nhứt của ổng đều có chủ đề về tình yêu và cuộc đời người lính.
Lương Hảo ngồi nghe mà ngủ hồi nào không hay, tới chừng anh Hai lên tiếng mới giựt mình tỉnh dậy:
- Khuya rồi.
Mày lựa bài nào nói về ban đêm đi.
Sao trăng cũng được.
- Nhạc sĩ Huỳnh Anh đặt lời Việt cho ca khúc "Johnny Guitar" và lấy tên là "Đàn trong đêm vắng".
Có khi tôi nghe Sĩ Phú hát, khi khác thì nghe Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Ngọc Lan,...!
- Biết vậy tao mua vài băng nhạc Vàng đem vô đây nghe rồi.
Nghe ké mày hoài cũng phiền.
Rủi tao bấm lộn nó hư còn mích lòng nữa.
- Tánh anh giống võ tướng Trương Tấn Bửu quá.
Thẳng đuột.
Chẳng màu mè gì sất.
- Ổng sao?
- Tôi từng đọc trong một cuốn Dã sử thế này: Có lần vua Gia Long đánh thua quân Tây Sơn, ngài cùng một vị tướng quân đã tắp đại vào một nhà dân lánh nạn.
Trương Tấn Bửu đi mần ruộng về, nghe cha nói trong nhà có Minh Chúa tới thì vội xăm xăm bước xuống nhà sau xem mặt.
Vua đang ngồi bàn bạc với hộ giá Nguyễn Đức Xuyên, bỗng thấy một người thanh niên mặt mày bặm trợn tiến tới chỗ mình thì tưởng thích khách bên quân Tây Sơn phái đến nên trong lòng đâm ra lo lắng, song vẫn giả chước bình tĩnh.
Người thanh niên ấy cất giọng sang sảng hỏi rằng ai là Minh Chúa.
Vua Gia Long im re.
Sau một hồi tra hỏi, rốt cuộc vua cũng chịu xưng tên họ.
Ông bèn quỳ xuống hành lễ với vua, và hỏi vua có chịu cho mình theo phò tá hay không thì dứt khoát nói cho ông nghe rõ một tiếng, chớ xin đừng có ậm ờ.

Cảm phục tấm lòng khẳng khái của ông, về sau vua đặt cho ông cái tên thân mật là Long, tức Trương Tấn Long.
- Tao đách thích màu mè.
Gọi "Dạ", thưa "Vâng", rặt một phường ngụy quân tử.
- Làm sao anh biết họ ngụy quân tử hay không chỉ qua một lời nói? - Lương Hảo hơi chồm người về phía anh Hai và vỗ nhẹ lưng an ủi anh ta.
- Bị gạt nhiều riết hổng tin được thằng nào, con nào.
Hồi xưa tao còn bị dụ làm đ* đực nữa, may phước hổng bị dính chưởng, chớ hông giờ này diễn tuồng "Nửa đời hương phấn" rồi.
- Người đó nói sao mà anh bị gạt vậy?
- Nó biểu cần tuyển phục vụ phòng.
Cần cao ráo, đẹp mã chút.
Tao tự biết mình hổng có đẹp trai, nhưng cũng hổng tới nổi xấu quá...!- Nói tới đó anh Hai cười rộ lên, khoe hai chiếc răng thỏ rất duyên.
-...!nên cũng mạnh dạn ghi danh ứng tuyển.
Tưởng rớt từ ngoài vòng gửi xe, dè đâu nó tuyển tao cái rụp.
- Rồi sao?
- Mẹ, lo ngủ đi thằng mỏ hô nhiều chuyện.
- Tao chả ngủ, tao muốn nghe mày kể chuyện cơ.
- Tao gặp con heo nái mẹ.
Trời ơi, mẻ điệu chảy nước...!
- Nước gì?
- Tao vả vô mỏ mày à.
- Anh Hai giơ tay lên dọa, rồi húng hắng giọng kể tiếp.
- Bả đáng leo lên bàn thờ tao ngồi luôn mà dám tự tin kêu tao bằng "Anh", xưng "Em" ngọt xớt.
Bả nói tới đâu tao rởn da gà tới đó.
- Rồi sao mày "hô biến" được?
- Tao nói bả đợi tao đi lấy bao cao su, tao gấp quá nên bỏ quên trong xe.
Rồi tao "hô biến" luôn...!
Ba cười kia nghe xong ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Họ cười đến nỗi đau cả bụng.
Nước mắt thi nhau chảy giàn giụa.
- Mẹ, tao mà ngủ với bả chắc tao nghỉ ăn thịt kho tàu tới chết.
Phạm Thành Nhân quẹt nước mắt.
Hôm nay là ngày gì mà vừa bị đau cổ họng, vừa bị đau bụng thế nhỉ?
- Còn chú em thì sao? Đã từng ngủ với ai chưa?
- Dạ, chưa kịp thì bị tống vô đây rồi.
- Anh nói cho chú nghe...!Bình còn đầy thì gắng mà dùng, tới chừng bình cạn khóc thầm trong đêm.
- Một bài thơ đâm bang ngoài sức tưởng tượng của tao.
- Này, khuya rồi đấy.
- Rồi, rồi ngủ đây.
- Anh Cả và anh Hai đồng thanh kêu lên.
Phạm Thành Nhân mượn Lương Hảo cái MP4.
Cậu để nhạc phát theo trình tự mà chủ nhân đã sắp xếp, rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
oOo
Lạc Tương Giang thơ thẩn dạo bước trong nghĩa trang phía sau khuôn viên chùa Khánh Hỷ.
Mối tình đầu của cụ yên nghỉ ở dưới bóng cây bồ đề tươi tốt; khung ảnh trên tấm bia chạm trổ hoa hồng theo kiểu đắp nổi rất đẹp và lãng mạn, người phụ nữ trong hình chắc chỉ chừng bốn mươi đổ lại.
"Click."
Lạc Tương Giang lắng tai nghe tình khúc "From Sarah with love" do nữ ca sĩ Sarah Connor trình bày.
Mối tình đầu của cụ đã trao cho cụ cái máy ghi âm này kèm theo một phong thơ dày cộm trước khi quyết định rời xa cụ mãi mãi.
Cụ chọn Tổ Quốc, cụ không chọn khối tình riêng, và giờ thì cụ phải sống lủi thủi một mình.
- Thầy ơi...!
Hác Đăng Khánh đưa cho người thầy đất Thần Kinh một lon bia Sài Gòn.
Phần chú, chú cũng làm một lon.
- Uống cho cố cha vào rồi lát về quậy dinh Đại Việt hả?
- Thưa, con không dám.
- Mi thì cái chi mà nỏ dám.
Tao noái hoài noái mãi mà mi có chịu tiếp thu mô.
Cứ cái đà nì thì sớm muộn gì mi cũng khiến tao bị tức chết thôi.
- Họ thương thì nói "Trai tài gái sắc", còn ghét thì dè bỉu "Trâu già gặm cỏ non".
Chỉ có một cái miệng mà xoay chuyển được Càn - Khôn trong Vũ trụ.
- Mi biết rứa mà vẫn ráng "chạy theo con tim"?
- Răng mà con nỏ dám.
Ai biết được mình bị ám sát ngày nào mà cố sống giữ kẽ...!Ui da.
- Tao bả vô cái mỏ mi.
Miệng mồm toàn ăn mắm ăn muối.
- Chứ người nước mình ăn cái gì hằng ngày hả sư phụ?
- Uổng công tao với anh Đông cho mày đi du học, về toàn cãi thầy cãi cha nhem nhẻm.
Hác Đăng Khánh bật cười khúc khích.
Rồi mời thầy uống thêm lon bia.
- Mi là tổng thống mà tao cứ tưởng Tôn Ngộ Không, đi năm non bảy núi nỏ biết đường mô mà lần.
Hai thầy trò chạm mặt thủ tướng Mateo Nhã trong nhà hàng, anh ta đi cùng với bộ trưởng Ngoại Giao Lăng Phụng Quốc.
- Nếu không phiền thì tôi có thể mời tổng thống và cụ đây dùng bữa với chúng tôi được không?
- Được thôi.
Lạc Tương Giang chợt cất giọng cáo lỗi, rồi đi một hơi vào nhà vệ sinh.
Điện thoại của bộ trưởng cũng đột nhiên đổ chuông, anh ta bèn xin phép ra ngoài nghe máy.
Trong phòng giờ chỉ còn lại hai người.
- Tôi đã gặp người yêu của chú.
Hác Đăng Khánh nhếch miệng cười.
Rồi cúi mặt xem thực đơn tiếp.
Ngón trỏ của chú di trên những con chữ kiểu cách như thể đang thận trọng di quân cờ.
- Người tình năm cũ, động lực đẩy chú vào con đường chính trường, đứa con vô thừa nhận...!
Hác Đăng Khánh mỉm miệng cười.
Một nụ cười giả tạo thấy rõ.
- Tôi không thích bươi móc đời tư của chú để giành lấy lá phiếu của nhân dân.
Tôi thừa khả năng...!
Hác Đăng Khánh đặt ngón trỏ trên cánh môi ngài thủ tướng, rồi khẽ "Suỵt" một tiếng, đoạn ghé sát tai hắn mà thủ thỉ:
- Nói trước thường bước không qua.
"Xạch."
- Ở đây không phải kho đạn Long Bình mà sao tôi lại ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc nhỉ? - Vừa bước vào phòng, Lăng Phụng Quốc đã lên tiếng hỏi.
- Con ếch chết tại cái miệng.
- Lạc Tương Giang liếc mắt nhìn hai khuôn mặt giống Nhạc Bất Quần như tạc, rồi thay đổi tông giọng nhanh như kép cải lương diễn tuồng trên sân khấu.
- Các cậu ưng món gì? Tôi thì ăn món Huế rồi đó nha.
- Dạ, thưa thầy, con muốn ăn món bò tùng xẻo.
- Còn con, con muốn dùng gỏi gà xé phay.
- Một đứa "tùng xẻo", một đứa thì đòi "xé phay".
Đứa nào cũng "hiền" ghê há?
Hai người bèn nhờ Lạc Tương Giang "tư vấn", cụ không do dự chọn ngay ẩm thực xứ Huế.
- Thưa cụ, con ăn cay không giỏi.
- Mấy món ni chả phải Huế rặt mô mà cậu sợ khó ăn.
Ra khỏi đất Thần Kinh là bị lai tạp hết rồi.
Như món bún bò ấy, dân Huế nỏ có bỏ giò heo hay rau muống vào trong tô như ở đây đâu...!Mi làm gì nhại tao hỉ thằng ba bớp? Tao noái làm mi mỏi miệng lắm răng?
Hai người kia nhìn Hác Đăng Khánh mà cười ngặt nghẽo.
- Dạ, vậy con yên tâm ăn rồi.
Bao tử con vốn không mạnh nên dễ bị kích thích nếu ăn cay hoặc các món có bỏ nhiều gia vị.
- Hình như cậu chưa đi thăm tướng Kỳ?
- Dạ.
- Thế sẵn có bộ trưởng Quốc ở đây, sau giờ cơm chúng ta cùng đi nhé?
- Dạ.
Nguyễn Giai Kỳ không biết được ai độ mạng mà vẫn chưa chết, hiện gã đang nằm thảnh thơi trong Tổng Y Viện Tả Quân - Lê Văn Duyệt, có kẻ hầu người hạ, thêm một đám biên bài khóc mướn và kể lể "công đức" của gã nữa, nên không bao giờ buồn.
oOo
Quả đúng như hai người đã đoán, Trần Cảnh Chiêu từ chối không đi chung, anh ta viện rằng hôm ấy mắc tăng ca.
Chiếc xe Mazda đã được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng trước khi "lên đường hành quân".
Xăng, nhớt đều đã được châm đầy nhóc.
Bốn bánh xe được bơm thêm hơi.
- Lát về kiếm quán hủ tíu nào ăn trưa nghen?
Đặng Xương Tuyết gật đầu thật nhẹ.
Một người thanh niên mặc áo lụa trắng, quần lãnh trắng, chân đi guốc mộc đứng tựa lưng vào cây cột inox của bến xe buýt.
Thấy anh ta ăn bận như bước ra từ trong trang sách của cụ Hồ Biểu Chánh, tự dưng hai người sinh lòng cảm mến, bèn tắp xe vào lề để hỏi xem anh ta có muốn đi quá giang không.
Chàng ta không do dự chi sất, nghe lời mời liền gật đầu cái rụp rồi leo lên xe ngồi.
Hỏi ra mới biết chàng ta cũng tới chùa Mẹ Đông Hải như họ.
- Các anh cho tôi quá giang xe, vậy tôi khao các anh một chầu cà-phê trả lễ nghen?
Hai người đáp "Được."
Vì không rành chỗ bán cà-phê ngon, nên ba người nhất trí mua trà sữa ở một tiệm nằm sát cây xăng cho đỡ mất công tìm kiếm và lựa chọn.
Trong lúc đợi barista pha chế đồ uống, hai người ra ngồi trên băng ghế đá trong khuôn viên cây xăng chờ đợi, còn người khách quá giang xe thì vào nhà vệ sinh của cây xăng đi giải.
- Bọn phản động đời đầu chắc là các cụ trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm quá...!Nhất là cụ Trần Dần, cụ tức tới nỗi lấy dao lam cứa cổ để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng đã chọn, mà vẫn bị vu là trùm phản động...!Cho nên mỗi bận nghe ai nói mình là thằng phản động, tôi lại cảm thấy mắc cười, tại vì nó làm tôi nhớ tới vẻ mặt của cụ Trần Dần lúc "được" sắc phong danh hiệu ấy...!Nhiều kẻ tin yêu lý tưởng ấy lắm, mà chỉ biết nói suông thôi, chứ chẳng ai dám cứa cổ tự sát để chứng tỏ lòng trung như cụ Trần Dần cả.
- Đặng Xương Tuyết châm thuốc hút.
- Giờ có thêm Nguyên Ngọc "Rừng xà nu" nữa.
Cho nên chắc sau này học sinh không còn thi cái đề liên quan tới ổng nữa đâu.
- Và Đỗ Trung Quân "Quê hương".
- Còn nhiều lắm những nhà văn nhà thơ "sáng mắt sáng lòng".
Đâu thể nào ép buộc người ta sống đời ca ngợi hay phải viết những đề tài theo khuôn khổ nhàm chán mãi được.
- Cụ Phùng Quán cũng trung dữ lắm, bị bắt đi học tập cải tạo, đày ải trăm chiều nhưng vẫn sáng tác thơ ca ngợi lý tưởng đã chọn.
Rồi đến tận lúc mất đi không được cái gì hết, ngoài hai tiếng "Phản động" và hàng trăm xấp bản thảo không biết lúc nào mới được phép xuất bản.
- Và cũng giống thế, bên phía đối lập, phần đông những ca-nhạc sĩ thuộc dòng nhạc Vàng vẫn tận trung với lý tưởng của mình tới chết, điển hình như Anh Bằng, Lê Dinh, Hùng Cường, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Thái Thanh,...!
- Tôi vốn dĩ thường hay cảm mến những ai dám sống dám chết với lý tưởng và đức tin của mình, nên dù họ nghĩ khác tôi, tôi vẫn luôn dành cho họ sự tôn trọng.
- Mỗi bận đọc lại mấy dòng nhận xét về "vũ trụ quái thai thơ" của cụ Trần Dần và cụ Phan Khôi là tôi lại được một trận cười no bụng.
Đặng Xương Tuyết nghỉ nói để hút thuốc.
Mỗi bận viết lách anh thường làm vài điếu cho tỉnh táo đầu óc, còn hằng ngày thì ráng không hút để tiết kiệm tiền.
- Trà sữa có rồi nè mấy anh.
Trần Bảo Sơn có hẹn với người bạn đồng đạo vào lúc chín giờ rưỡi, bây giờ mới có tám giờ, chắc là đi vẫn kịp.
Thấy anh ta ngó đồng hồ hoài, hai người liền hiểu ra anh ta có việc gấp, nên kêu anh ta theo họ lên xe đi.
- Khẩu chiến Nam - Trung - Bắc trên văn đàn thì đã có từ rất, rất lâu rồi.
Tiêu biểu có Vương Hồng Sển, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Hồ Biểu Chánh,...!Ai đúng, ai sai, ai ngạo mạn vong ơn thì tự đi mà tìm hiểu, ắt sẽ nhìn thấy nhiều "góc khuất" thú vị lắm.
- Phải, muốn biết cái gì thì phải tự đi mà tìm hiểu.
Thấy người ta nói không đúng ý mình thì cào mặt ăn vạ, tru tréo chửi bới thay vì ngồi xuống phản biện lịch sự và tranh luận có văn hóa, cái thứ đó tôi thấy nhiều quá rồi.
- Phan Hoài Việt gật gù.
Trần Bảo Sơn chợt hỏi:
- Nếu họ biểu anh phản Quốc thì sao?
- Tôi phản Quốc ở chỗ nào? Tôi có dâng đất cho ngoại bang không? Tôi có tham ô, ăn hối lộ không? Tôi có hà hiếp, bức bách đồng bào không? Tôi có buôn bán hàng cấm, buôn người hay buôn lậu vũ khí không? Tôi có ỷ chức cậy quyền không? Tôi có thiên vị người nhà không? Tôi có biến đất công thành đất của mình không? Tôi có bạo hành lính mới đi nhập ngũ không?
Vị trà sữa mát ngọt trong miệng Phan Hoài Việt chợt biến mất.
Anh ta nhớ đến những sinh viên năm cũ, những sinh viên không dám chỉ trích tham quan, mà lại rất "sung mãn" chụp mũ cho những người dám nói lên Sự Thật.
Hạng người như vậy mà bước chân vào con đường Chính trị chỉ tổ khiến cho Quê Hương tan nát.
- Làm sao anh biết bia đá không đau? - Đặng Xương Tuyết chợt phỏng theo câu hát trong bài "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn.
Tiếng hát của Anh Khoa vẫn nức nở vang lên bên tai anh.
Phan Hoài Việt vừa nhai trân châu, vừa tâm sự:
- Rất nhiều bản hùng ca của các nhạc sĩ nhạc Vàng đã khuyến khích chúng ta phải tự lực tự cường, chẳng nên dựa dẫm vào bên nào hết.
Nhất là đi nhận viện trợ quá nhiều sẽ rất dễ bị vướng phải tình trạng "há miệng mắc quai" trong tương lai.
Nhiều bạn trẻ bây giờ còn chẳng biết nước chúng ta nhận viện trợ hay vay nợ từ ai và đã bao lâu, trong khi có sẵn công cụ tìm kiếm miễn phí, chỉ cần tra cứu là ra ngay.
- Nhiều người ngộ lắm, mắt họ tự động đui mù mỗi khi nhìn thấy Sự Thật, và bỗng dưng sáng quắc trở lại mỗi khi thấy sự Dối Trá có thể mang tới lợi lộc và bình yên cho mình.
Bản nhạc "Ba lần mẹ khóc" do Khánh Ly trình bày vẳng đến tai ba người.
Nhạc sĩ Hoài Linh đã vắt kiệt tâm tư và nỗi lòng trăn trở về thời cuộc Đất Nước vào trong lời bài hát.
Một nhạc sĩ duy mỹ như ông lại viết ra những câu ca oán than và khổ ải đến nhường ấy, thật khiến người yêu mến dòng nhạc của ông cảm thấy vừa lạ lẫm vừa đau lòng.
"...!Đời ông con kháng chiến nát thây
Đời cha con cách mạng tù đày
Còn con, sao con hèn vậy
Nhà ta giờ đang cháy, đứng ngoài nhìn khói bay..."
- Đức Phật từng nói rằng, "Với người không có duyên, dù con có nói cho họ nghe bao nhiêu cũng bằng thừa.
Ngược lại, còn như hữu duyên, chỉ cần con xuất hiện, con cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ."
Nghe anh chàng khách lạ nói thế, hai người bạn thiết bèn thay phiên nhau hối thúc anh ta nói tiếp.
- Tôi thấy rất nhiều kẻ ghét Chúa và Phật, cứ hễ mở miệng ra là văng tục mắng mỏ hết sức bẩn thỉu.
Nhưng khi đối diện với kẻ mà mình ghét hay đã từng làm hại mình, lại cun cút rụt vai đi mất hút.
Tôi không bao giờ ghét những người vô thần, tôi ghét những kẻ báng bổ và phỉ nhổ đức tin của người khác.
- Anh có thể giải thích rõ hơn về quan điểm trên không? - Phan Hoài Việt thử tài hùng biện của chàng ta.
- Nếu như anh nói đức tin chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo thành, thì anh lại càng không có cớ để báng bổ nó, bởi như tôi đã nói ban nãy, anh chẳng có bằng chứng gì chứng minh Đức Chúa hay Đức Phật gây phương hại đến anh tới nỗi anh phải thốt lên những lời cay đắng nghiệt ngã.
Còn nếu như anh bảo anh bài xích đức tin vì một số tăng-ni và tu sĩ đã làm ra những chuyện không tốt đẹp và gây ảnh hưởng đến xã hội, thì suy nghĩ của anh vô cùng sai lầm; không lẽ học trò giết người thì thầy giáo phải lãnh án à? Ai làm thì người ấy chịu chứ.

Đức Chúa và Đức Phật để lại "nhà" cho những người kế tục quản lý, họ làm sai giáo lý trong kinh sách mà Đức Chúa và Đức Phật để lại thì anh phải trách và lên án cái người làm sai, cớ sao lại đi đổ thừa Đức Chúa và Đức Phật?
Xe sắp tới chùa Mẹ Đông Hải nên Phan Hoài Việt giảm tốc độ xuống để tiện bề tìm kiếm.
Từ xa đã trông thấy bức tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng uy nghiêm trên tòa sen trắng.
- Nếu Đấng Thế Tôn để tâm đến những lời trái tai thì Ngài ấy đã không trở thành Phật.
Anh có biết vị tôn giả nào vướng mắc trong chuyện này không?
Hai người biết nhưng đều chọn chước giả vờ không biết.
- Là Ananda - Khánh Hỷ.
Tôn giả là người đa cảm, dễ xúc động, luôn sợ mọi người không vui nên hay để tâm đến mọi tiểu tiết nhỏ nhặt nhất.
Mãi đến năm Đấng Thế Tôn nhập diệt, tôn giả Đại Ca-Diếp phải bày kế răn rằng nếu ông không chứng đắc quả A-La-Hán thì không được phép đặt chân vào Tăng đoàn.
Tôn giả nghe xong khóc một chập, đêm đó nhờ một cơ duyên mà ông đã chứng đắc thành công quả vị A-La-Hán.
Nội trong đêm hôm đó, ông đã tới phòng của huynh trưởng bạch lại sự việc; nhưng tôn giả Đại Ca-Diếp không ra mở cửa, ông ở trong phòng nói vọng ra rằng ông Khánh Hỷ phải hóa phép mà vào.
Và tôn giả Ananda đã hóa thành con muỗi bay qua khe cửa để vào phòng...!
Người bạn đồng đạo của Trần Bảo Sơn ngồi trong xe hơi đợi anh ta, nên vừa thấy mặt liền vội bước xuống xe ra đón.
Thấy Trần Bảo Sơn đã gặp bạn, hai người bèn vào viếng chùa.
Hồi nãy trên xe vị tín hữu Hòa Hảo ấy có đánh tiếng nhờ họ chở về giùm, hai người liền vui vẻ nhận lời.
Gần đúng Chính Ngọ, hai người y theo lời hẹn mà đứng dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa đợi Trần Bảo Sơn.
Chừng năm phút sau, anh bạn Hòa Hảo tới điểm hẹn.
Nhìn nụ cười héo hắt trên môi Trần Bảo Sơn, hai người nhận thấy anh ta đang buồn, rất buồn.
- Hì, cái mặt tôi "dễ thương" lắm đúng không?
- Anh bị cảm nắng nên mệt hả? - Phan Hoài Việt vừa chỉnh kính hiệu hậu vừa hỏi.
- Tôi thấy một số người tự xưng là Phật Tử, mà không thể nào nhận định được lời nào là của ma tăng xúi giục, lời nào là của Đấng Thế Tôn khuyên dạy.
Đức Phật không biểu phá rừng xây chùa, Đức Phật không biểu cung phụng tăng sĩ như vua chúa, Đức Phật không biểu đốt vàng mã hay lập đàn cúng tế màu mè giải nghiệp, giải vong, và Đức Phật không biểu nhiều thứ lắm.
Một số thứ thời nay trong Phật Giáo là do bọn ma tăng dựng nên hòng moi tiền của những kẻ mộ đạo mù quáng.
Nhiều người ngoại đạo nghe lời giảng pháp sai trái của bọn ma tăng rồi giở giọng chê bôi Phật Giáo, tôi tự dưng lấy làm thương hại cho sự nông cạn và thiếu hiểu biết của họ quá.
Trời hè nóng như đổ lửa.
Máy lạnh trong xe đã vặn hết nấc mà vẫn không đủ xua tan cái oi nồng của xứ nhiệt đới cận xích đạo.
Ven đường, bà con buôn bán tấp nập, trên những gánh hàng rong bày biện đủ món ăn chơi, khách trả tiền, khách vào mua chen chân nhau không ngớt.
- Nếu họ muốn tìm một người sống đúng theo chánh pháp mà Đức Phật đề ra, hãy về Bến Tre, ghé vào ngôi chùa Phước Duyên để nghe lại chuyện đời của một vị sư thầy đức độ sống vào trước thời điểm 75.
Thuở còn sinh thời, ông luôn chọn giờ Chính Ngọ làm giờ khởi hành để tránh giẫm phải côn trùng nhỏ bé, ăn trộm vào chùa khuân hết thứ này khiêng hết thứ kia mà không hề oán trách một tiếng, con muỗi lại hút máu ông cũng chẳng nỡ đập, trẻ nhỏ chơi ác xô ông xuống mương ông chỉ cười hì hì coi như không có chuyện gì xảy ra.
Đặc biệt hơn nữa, trong chùa không hề có hòm công đức, thí chủ nào cúng dường bằng tiền thì ông sẽ đem số tiền ấy trao tặng người khốn khó trong vùng.
Có một lần ăn trộm vào chùa, ông biết nhưng không tri hô kêu bắt vì sợ tên đó giựt mình mà sảy chân vấp té tội nghiệp.
Mỗi lần ông bị trộm lấy mất thứ gì, bà con sống gần đó liền đem tặng ông món đó; và mỗi lần như vậy, tên ăn trộm lại có tiền!
Phan Hoài Việt thấy xe bán kem ống bèn tắp vào lề đường, rồi mua ủng hộ cụ ông một tá kem ống.
Mỗi người lấy một cây, số còn lại anh phát cho đám trẻ học sinh đứng gần đấy.
- Nhiều kẻ nói rằng trên đời này làm gì có chân tu, xin thưa vẫn còn đấy chứ, họ sống ẩn dật ở Nepal, Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ,...!và có cả trên Đất Nước mình, nhưng những vị ấy không giống bọn ma tăng làm màu, vẽ chuyện để kiếm tiền nên rất hiếm người biết đến nơi ẩn tu của họ.
- Anh nghĩ sao về việc ăn mặn hả anh Sơn? - Đặng Xương Tuyết lấy khăn giấy lau miệng.
- Đấng Thế Tôn đã đề ra ba quy tắc ăn mặn.
Thứ nhất: Không biết con vật đó vì mình mà chết.
Thứ hai: Đó là động vật đã chết sẵn.
Thứ ba: Nguyên nhân khiến con vật bị giết không phải do mình.
Họ cúng dường heo quay như lời ước hẹn là đã vi phạm vào quy tắc ăn mặn nhà Phật, nói cụ thể là ở điều thứ Nhất và điều thứ Ba, thì anh nghĩ họ có coi trọng Đấng Thế Tôn không?
- Vậy ai là người thọ lãnh đồ cúng dường ấy? - Phan Hoài Việt góp lời.
- Thế lực ở cõi Âm.
Anh nghĩ sao Chư Thiên, Thần Phật lại hưởng dùng đồ cúng vương mùi tục lụy ở thế gian?
- Đức Phật không bao giờ can thiệp vào Nhân - Quả, Nghiệp Lực hay Luân Hồi ở trần gian.
Ngay cả Đấng Thế Tôn hồi còn tại thế cũng vì nghiệp ác ở một số tiền kiếp mà lâu lâu lại bị đau đầu như búa bổ.
- Phan Hoài Việt nói đoạn, chế gel rửa tay khô vào lòng bàn tay để rửa tay.
Đặng Xương Tuyết vừa cười vừa nói:
- Nhiều kẻ ghét tôi như Đề Bà Đạt Đa ghét Đấng Thế Tôn.
Để dành thời gian ấy tu tâm dưỡng tánh thành Phật thì không muốn.
Lại thích đi sau lưng săm soi từng cái vết sờn trên quần áo người mà mình ghét cho phí thời giờ chơi.
Chẳng ai biết mình sống được bao lâu, suốt ngày kêu ca oán than một ngày trôi qua nhanh quá, nhưng không chịu bỏ cái tật đi sau lưng người mình ghét đặng kiếm cớ chửi bới và trút giận cho đã cái nư.
Trời đột ngột sụp nắng.
Áng mây đen từ phương Bắc bay đến che khuất vầng dương rực rỡ.
Bà con hớt hải kêu nhau mau thu dọn quầy hàng kẻo trời đổ mưa là ướt hết.
- Tôi không phải là Đấng Thế Tôn, có thể dùng lời nói chuyển hóa tâm thức bất kỳ ai, giải trừ ác tâm và ý niệm sân hận của họ.
Tôi cũng không phải là Đức Chúa Trời, dẫu người ta thù hằn mình thế nào cũng có thể rủ lòng xót thương tha thứ và chịu chết thay cho họ.
Tôi chỉ là một người viết lách thích sống trong cõi văn chương Chân Thật, ham thích tạo ra những hình ảnh độc đáo và mới mẻ.
Và nhất quyết không quỳ lụy hay suy tôn bất cứ ai.
- Anh biết không? Trên đời này có một loài quỷ dữ vô cùng sợ hãi Sự Thật và Ánh sáng Công Lý, hễ thấy ai lên tiếng là phải kêu bầy đàn lại cắn xé người đó tới chết mới thôi.
Chúng cũng rất thích báng bổ tôn giáo và bợ đỡ kẻ có quyền thế.
Chúng xuất hiện ở đâu, nơi ấy thành bình địa hết.
Đặc biệt hơn, vì sống đời chửi thuê khóc mướn, nên chúng rất thích chụp mũ những ai trái quan điểm là được thế lực nào đó đứng sau hậu thuẫn.
- Phan Hoài Việt nhịp ngón trỏ trên vô-lăng theo điệu nhạc "Mưa trên biển vắng" do Ngọc Lan trình bày; bài gốc mang tên "Je ne pourrais jamais toublier" do đôi nhạc sĩ Emil Dimitrov - Patricia Carli đồng sáng tác, người viết lời Việt cho tình khúc này là nhạc sĩ Nhật Ngân.
"....!Tình như bóng mây, ngàn năm vẫn bay
Mây ơi mây hỡi, cánh mây giang hồ
Ngày tháng lênh đênh, bờ bến nơi đâu
Biết chăng lòng em, mãi luôn chờ mong..."
Đặng Xương Tuyết cất giọng buồn thật buồn:
- Tôi mà được thế lực nào đó đứng sau hậu thuẫn thì giờ này đã ở villa, đi xe Mercedes rồi, tài khoản ngân hàng phải trên bảy số không.
Chớ không phải đi bằng "xe hăng cải", ở cái gác bé xíu như tổ chim cúc cu, lương tháng nào thì xào hết tháng đó đâu...!Nhưng như anh đã nói đấy anh Sơn, giải thích với kẻ cố tình không hiểu mình thì chẳng khác nào nói chuyện với cái đầu gối.
- Ừ, không có duyên, không cùng chung chí hướng thì khó mà thành bạn của nhau được...!A, tới rồi! Anh Việt, cảm phiền anh tắp xe vào lề giùm tôi.
Trần Bảo Sơn mời hai người dùng cơm phần với mình.
Nơi đó là quán cơm do gia đình anh ta mở ra nhằm đỡ đần bữa ăn cho người khốn khó.
Gia đình anh ta tính nấu cơm chay, nhưng sợ bà con không đủ no bụng để làm việc nên đành phục vụ đồ mặn.
Trong quán có gian thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ, hai bên bàn thờ treo liễn đối, trước án thờ kê một cái bàn thấp đặt một bình bông hình tứ giác, nhang trầm thoảng hương nghiêm cẩn.
Trần Bảo Sơn dẫn hai người ra sau gian thờ ngồi dùng bữa.
Nơi đấy có đặt một cái bàn tròn mặt inox, chính giữa mặt bàn đặt một chậu bông vải tươi tắn.
Trên trần treo một chùm đèn bằng đồng chụp thủy minh cổ xưa rất đẹp mắt.
Trần nhà không đóng la-phông nên thấy được mặt ngói lợp nóc và xà nhà.
Trên đài đang phát sóng buổi phỏng vấn các ứng cử viên tranh cử tổng thống, ai nấy đều cố tỏ vẻ khiêm nhượng, nhún nhường đối thủ một cách triệt để, và luôn gắng giữ trên môi một nụ cười thâm tình và hiền lành nhất có thể.
Trần Bảo Sơn bình luận trước:
- Anh làm tổng thống như làm dâu triệu họ vậy.
Chưa kịp quán xuyến cái này thì phải lo chạy Đông chạy Tây lo liệu chuyện khác.
- Anh có biết không? Một tổng thống tốt là người không bao giờ kể công và luôn ngẩng cao đầu mà sống dẫu rằng bị phe đối lập chà đạp, xúc xiểm ̣đến mức độ nào.
Người đó cũng không bao giờ bắt ép người dân phải ca tụng hay tôn thờ mình.
Trong mắt người đó, đồng bào là anh em, là thân nhân của mình, nên dù bị đối xử tàn tệ và khắc bạc ra sao, người đó chỉ mỉm môi cười khoan dung tha thứ và lựa lấy những lời góp ý trong mớ câu chửi rủa tục tằn để sửa mình.
- Đâu có ai chĩa súng vào đầu bắt anh phải tham gia tranh cử đâu mà anh than khóc? Cũng như anh vậy thôi, anh Tuyết.
Những chứng bệnh thường gặp ở người ngồi lâu viết lách ắt hẳn anh cũng đã nếm trải đủ rồi hả? Và những vị độc giả của anh đâu cần biết điều đó, thậm chí có một số kẻ chỉ cần đọc được dòng nào không thuận mắt là sẽ mở miệng văng tục bừa bãi.
Đó là cái bất công, nhưng nghề nào cũng phải ráng mà đưa lưng hứng chịu.
Đặng Xương Tuyết để mặc cho hai người bạn tranh luận, phần anh thì ngồi coi trò đời đang diễn ra trên màn ảnh nhỏ.
Yêu thì nó nói Thiên Thần
Ghét thì nó tố Quỷ Thần, Diêm La
Chợt ba người thấy một đứa bé ăn bận tươm tất.
Đứa bé mập mạp ấy khoanh tay và cúi đầu thưa từng người, rồi đủng đỉnh đi vào nhà vệ sinh của quán.
- Con rửa tay xà bông chưa đó?
- Dạ, thưa chú, con rửa rồi.
- Vệ Khương giơ hai bàn tay mũm mĩm lên cho Trần Bảo Sơn xem.
Một người đàn ông đứng ló đầu vào ngó bọn họ.
Chắc không phải nhìn bọn họ, mà là kiếm em, con hay cháu của anh ta.
Quả đúng thế thật, đứa bé mũ mĩ thấy anh ta liền vui mừng tới gần, miệng không ngớt kêu "Chú", "Chú".
Trần Bảo Sơn nheo mắt nhìn kỹ, rồi thảng thốt kêu lên:
- Trời, anh Trác...!Từ ngày Đức Thầy viên tịch, anh đi đâu vậy?
- Phật không còn trong chùa thì tôi ở đó làm chi...!
- Đáng ra anh nên nói với tôi một tiếng.
- Anh còn nhớ tôn giả Đại Ca-Diếp đã từng nói với tôn giả Ananda câu gì khi Đấng Thế Tôn viên tịch không?
- Nhớ.
"Nhìn kìa, cây phướn đổ."
- Sadhu, sadhu.
- Uông Trác chắp tay.
- Cây phướn đã đổ rồi, tôi...!
- Anh còn chấp ngã quá...!Ăn gì chưa? Ngồi đây dùng cơm với tôi.
- Xin lỗi, tôi mắc bận trông trẻ thuê rồi.
Uông Trác bước tới trước án thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ mà quỳ trên chiếu chắp tay xá.
Mỗi một lần cụng đầu xuống nền chiếu xong, anh ta lại ngẩng lên xá một cái.
Tổng cộng bảy lần.
Sau đó đi thắp hương cúng Đức Thầy.
Trần Bảo Sơn cáo lỗi với hai người, rồi tất tả chạy lên nhà trên cầm chân chú cháu Uông Trác.
Gã văn sĩ điên và anh thầy giáo trẻ đợi anh ta đi khỏi mới ngó nhau cười, rồi người này giục người kia mau bưng chén, cầm đũa lên ăn để còn lo công chuyện khác.
Uông Trác nể tình đồng đạo mà nhận lời ở lại nói chuyện vãng với Trần Bảo Sơn.
Hai người ra đứng dưới bóng cây Vô Ưu.
Trời gầm gừ nãy giờ mà vẫn chưa chịu mưa.
Mưa đi Ông Trời ơi, người dân miền Tây quê con đang bị hạn nặng...!
Uông Trác mở lời trước:
- Đây là thời mạt pháp, biết chứ, nhưng không chỉnh sửa được thời cuộc.
Đau không? Có đấy.
Nhưng làm được gì nào.
- Tôi đọc những bình luận của bọn ngoại đạo vin vào hành động phạm pháp của bọn ma tăng để mượn nước rủa xả, châm biết giáo pháp của Đấng Thế Tôn mà chỉ biết cười buồn.
Tôi đâu có xúc xiểm, nhạo báng tôn giáo của họ, sao họ lại nỡ buông lời nặng nề và mai mỉa đức tin của tôi?
Lá cờ phướn treo nơi cột cờ vẫn phất phới bay.
- Một số kẻ ngoại đạo còn không biết cách gọi đúng danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bố Tát, mà toàn gọi theo kiểu bên Tàu như Quan Âm Đại Sĩ hay Quan Âm Bồ Tát.
- Quán Thế Âm Bố Tát: "Quán sát thế gian bằng con mắt vô thường." Người đã từng đọc sách về Phật Giáo Nguyên Thủy mới nắm được điều này.
Coi ba cái Tây Du Ký riết...!
- Chắc có kẻ còn không biết rằng, vì ông vua Đường tên Lý Thế Dân nên đã bắt sửa danh hiệu của Bố Tát thành Quan Âm hòng tránh trùng chữ lót của mình.
- Và danh hiệu Như Lai là cách xưng của Đấng Thế Tôn, tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Hai tín đồ Phật Giáo chán nản cái đời mạt pháp cùng cực, nên gặp nhau vừa mừng vừa tủi, bao nhiêu sự tức tưởi cứ thế phô ra.
- Anh theo Đức Thầy, tôi theo trụ trì Thanh Đan.
Sau khi thầy mất thì tôi đi xứ khác mà sống...!
- Mộ phần thầy ở đâu?
- Ở quê thầy.
- Anh làm gì có tiền mà mua đất cất mộ cho thầy?
- Tôi bán gan.
- Sao không nói với tôi một tiếng?
- Tôi không muốn nợ ơn ai hết.
Tôi chấp ngã thế đấy.
Uông Trác thấy Boo mỡ vừa ăn bánh ít vừa đỏ đẻ nói chuyện với bà Hai bên ngoại của Trần Bảo Sơn thì tạm gác ý định dẫn cu cậu về nhà.
- Anh quen với hai người đó à?
- Không.
Nãy họ cho quá giang nên tôi đãi cơm trả lễ thôi.
- Trần Bảo Sơn bị họ bắt không được trả giùm tiền mua trà sữa, nên phần ai nấy lo.
- Đứa nhỏ con ai mà trông dễ cưng quá vậy anh?
- Con của cậu chủ.
Ngoài này, Đặng Xương Tuyết và Phan Hoài Việt đang ngồi xem màn ảnh cỡ lớn phát sóng về cuộc biện luận giữa các ứng cử viên tranh cử.
Hai người đã trả tiền cơm chứ quyết không "ăn chùa", mỗi người góp một tờ hai mươi đồng.
- Tôi thích đưa ra những quan điểm khác lạ về Lịch Sử để mọi người có thể trổ tài hùng biện.
Có lần tôi nêu quan điểm: "Tính ra chỉ có Đàng Ngoài bị Bắc thuộc, còn Đàng Trong thì không vì giai đoạn ấy đã chấm dứt trước khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dẫn quân thành lập Đàng Trong", và đã bị sinh viên đệ đơn phản ảnh hiệu trưởng.
Tôi thực sự rất lấy làm ngạc nhiên, bởi muốn tìm hiểu nền Sử học nước nhà mà không dám đặt ra nhiều quan điểm trái chiều thì làm sao có cái nhìn khách quan và công tâm cho được.
Mà tôi mắc cười nhứt là đám sinh viên năm ấy giỏi đấu tố hơn là hùng biện và học thức.
Đã đặt chân vào ngưỡng cửa Đại học mà vẫn còn mang tư duy nô lệ sở kiến thì trông mong gì khi ra trường có thể giúp ích cho xã hội.
Người ta chỉ Đông anh đi đằng Đông, người ta chỉ Tây anh răm rắp đi đằng Tây, người ta khen ông này tốt anh "a-lê" ông này tốt, người ta chửi rủa ông kia xấu anh cũng vác mỏ chửi theo trong khi chứng cứ về việc phạm tội của ông kia hết sức mù mờ và rất có thể đã bị ngụy tạo; những trường hợp trên đều mắc phải chứng bệnh "nô lệ sở kiến", tức rằng anh chẳng có tí chính kiến riêng của mình gì cả, suốt ngày chỉ dám hùa theo ý kiến đám đông để giữ cho bản thân được an toàn.
- Anh có cảm thấy mình quá khắt khe với họ không?
- Không.
Nếu muốn đất nước tiến lên thì phải tự khai phóng trí óc mình, cố gắng không để bất kỳ ai dẫn dắt theo sở kiến của họ, và phải làm chủ được lý tưởng lẫn đức tin của mình.
Có nhiều kẻ phát biểu một câu nghe vô cùng đần độn: "Tôn giáo này phản động quá thôi mình không theo nữa." Vậy thì từ trước đó tới giờ người này làm gì có đức tin? Anh thấy tôi nói có đúng không? Ngay cả việc mình có đức tin hay không mà còn không thể khẳng định dứt khoát, thấy có lợi thì theo, thấy có "biến" thì dông, con người ba phải như vậy tốt nhứt không nên thân cận và nói chuyện lâu, bởi anh không chắc mình sẽ bị đấu tố lúc nào...!
- Còn nếu có bằng chứng chắc chắn rằng người đó không tốt thì phải cùng mọi người biết được điều ấy chung tay bài trừ cái ác phải không?
- Phải.
Không nên biện minh thay kẻ thủ ác, và cũng chẳng nên "dìm hàng" người có tài nhưng không có đức.
Tôi công nhận cái tài của họ và lên án cái ác của họ để tránh nhìn đời, nhìn người quá phiến diện và sực mùi tư thù cá nhân.
Trời đã bắt đầu đổ mưa.
Cái nóng nhanh chóng biến mất.
Một sự mát mẻ mang đậm nét khắc khoải bao trùm không gian.
Tiếng mưa nhịp trên nóc xe như thanh âm dương cầm.
- Mua trà sữa về khao đại gia đình pháp y Cảnh hén?
- Ờ, được đó, mua mỗi người một ly uống lấy thảo.
Anh hay chữ thì nhắn tin hỏi họ uống gì để mình đặt cho dễ.
Còn hai đứa mình thì khỏi uống.
Sáng uống rồi trưa uống nữa, chắc tiểu đường quá! Mà này...!
- Hửm?
- Tôi thích nói chuyện với anh hơn là pháp y Cảnh.
Có lẽ do tính chất nghề nghiệp của anh ta mà tôi cảm thấy anh ta khá đáng sợ.
Đặng Xương Tuyết cười trừ, rồi bật bản nhạc "Tháng Sáu trời mưa" do Duy Quang trình bày lên nghe.
Bà con miền Tây quê anh cũng đang lạy Trời mưa như nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm và thi sĩ Nguyên Sa.
oOo
Manuel Ngô mời Thích Quy Tâm ăn một bữa cơm chay để tỏ lòng cảm ơn vì đã giữ gìn giùm cái tiểu của cha y.
Ban đầu người tăng sĩ ấy khước từ, nhưng sau khi thấy sắc mặt buồn hiu của cậu Mục sư thì đành thay đổi ý kiến mà nhận lời cho cậu ấy vui.
Sau bữa cơm, Manuel Ngô ở lại chùa Khánh Hỷ để giúp Thích Quy Tâm trồng hoa tỉa nhánh.
Có vẻ hãy còn mang tâm lý "Đạo bất đồng bất tương kiến", nên cách nói chuyện của vị tăng sĩ già hết sức dè dặt.
Nhìn thái độ của ông, y chợt liên tưởng tới các Đan sĩ sống trong Đan viện, tự nhiên sự cảm mến bỗng tăng lên bội phần.
- Thưa cậu, nếu cậu ưng bụng chậu kiểng nào, cứ thoải mái đem về nghen?
- Dạ, vậy con cảm ơn ông trước nha.
Sân chùa rợp bóng mát của những cây bồ đề, muồng bò cạp vàng, phượng vỹ, sala và Vô Ưu.
Thích Quy Tâm chỉ cho Manuel Ngô xem cây sake mới trồng hôm trước, rồi dẫn y ra xem mấy bụi chuối đương mùa trổ quả.
Hai người lựa chuối chín mà hái xuống ăn.
Thấy ở sân trước có để ba pho tượng tạc bằng đá rất trang trọng, Manuel Ngô bèn hỏi đó là ai.
- Cậu thấy pho tượng nào mà sắc diện nghiêm trang thì đó là ông Ma Ha Ca Diếp, còn pho tượng nào mà vẻ mặt tươi cười, đẹp đẽ thì đó là ông Ananda.
Và người ngồi giữa là Đấng Thế Tôn.
Thích Quy Tâm mời Manuel Ngô ra sau bếp ngồi chơi.
Y thấy một người thanh niên mặc áo nâu sồng đang ngồi lặt rau, vừa làm vừa hát ca um sùm, khỏi cần giới thiệu cũng biết tên này bị thần kinh.
- Kể từ ngày nhận giữ cậu Mẫn, ngôi chùa này ngập tràn thanh âm nhạc Vàng.
- Người nhà của cậu Mẫn đâu ạ?
- Chị Bảy đi phụ bếp cho quán nhậu để kiếm tiền mua thuốc thang cho con trai mình.
Chắc chừng hai tiếng nữa mới về.
- Cũng ngặt cho ông hén?
- Hơi hơi thôi.
- Thích Quy Tâm cầm chổi lông gà quét bộ ngựa một đỗi, rồi mời cậu Mục sư lên ngồi với mình.
- Nhiều khách đến thăm thân nhân thường hay phê bình tôi sao đi tu mà lại nghe nhạc trữ tình sướt mướt, tôi chỉ cười xòa cho qua lề.
Châu Tuệ Mẫn tự nhiên mở tủ lạnh lấy ra một túi đậu xanh nặn hình trái cây đủ loại rồi đặt lên đùi Manuel Ngô.
Đoạn lăng xăng đi súc bình, hãm trà.
- Tôi không rành bên Cơ Đốc giáo, nên nếu có nói chi lỡ lời, mong cậu dung thứ mà bỏ qua nghen?
- Dạ, con cũng vậy, mong ông rộng lòng bỏ qua nếu câu hỏi mà con đặt ra có điều chi quá lời.

- Lát tôi đốn cho cậu hai buồng chuối, một buồng tặng cậu và một buồng tặng thầy cậu ăn lấy thảo.
- Thưa ông.
- Sao cậu?
- Dạ, sao ông không thanh minh cho họ hiểu?
- Có một lần ông Ananda được giao việc chia bánh cho tín đồ.
Tới lượt cô gái rất đẹp, thì trùng hợp thay cái bánh bị dính làm hai.
Thấy đoàn người xếp hàng còn đông, trời lại đổ nắng to, nên sau một hồi gỡ bánh không thành, tôn giả quyết định đưa luôn hai cái bánh cho người thiếu nữ ấy để những người còn lại khỏi phải chờ lâu mà sinh bệnh vì cảm nắng.
Ấy thế mà họ lại dám đồn thổi tôn giả có tình ý với thiếu nữ ấy, số khác thì trách tôn giả thiên vị.
Và những lời ong tiếng ve đó đã làm tôn giả bật khóc, ông đã bước vào bạch Phật để giãi bày sự oan khiên của mình.
Và Đấng Thế Tôn đã giảng kinh Phật cho ông ấy...!- Thích Quy Tâm toan giảng giải thêm, nhưng nghĩ thân phận người trước mặt mình là Mục sư Tin Lành nên đành ngắt ngang câu nói.
Manuel Ngô không hỏi han nữa nên ông cũng yên tâm mà kết thúc tích truyện Phật Giáo.
Hai người lặng thinh theo đuổi dòng suy tưởng của riêng mình trong lúc đợi trà hãm xong.
Châu Tuệ Mẫn đem mớ rau đã lặt sạch đi ngâm nước muối.
Tính ra số rau này đủ cho trên hai mươi người ăn, không biết vị tăng sĩ này tính nấu món chi và cho ai mà cần nhiều rau đến thế.
- Cuối năm nay, tôi sẽ viếng thăm đất Phật Bhutan.
- Thích Quy Tâm ngước mắt nhìn vòm cây bồ đề xanh mát ở tít ngoài sân.
- "Bồ đề bổn vô thụ.
Minh kính diệc phi đài."
- Thứ cho con nặng lời.
- Thưa cậu, xin cậu cứ nói.
- Dạ, con không hiểu cúng dường thế nào mới đúng.
- À...!Có một lần Đấng Thế Tôn đi khất thực ngang qua một ngôi làng nọ, đám trẻ thấy Ngài thì vội vàng ngừng chơi nặn đất mà chạy về thông báo cho cha mẹ chúng biết.
Duy chỉ có một đứa bé đứng nhìn Ngài đầy bối rối, bởi cha mẹ em đã vắng nhà thì làm sao em có thể cúng dường thức ăn cho Ngài được.
Bằng tất cả lòng kính ngưỡng Phật, em đã dâng cái bánh nặn bằng đất cho Ngài...!Cậu biết kiếp sau của cậu bé như thế nào không?
Manuel Ngô lắc đầu.
- Cậu ấy đã đầu thai vào một cõi Trời và trở thành Chuyển Luân Thánh Vương.
Manuel Ngô dường như đã nghiệm ra điều gì.
- Khi cậu phát tâm từ bi vì lòng yêu thương chúng sanh và kính ngưỡng Đức Phật thuần thành, cậu mới hưởng được cái Quả và Phước Báo trọn vẹn.
Còn nếu là vì đánh bóng tên tuổi hay làm ác quá nên sợ gặp Quả xấu mà bày chuyện cúng dường, bố thí thì cậu sẽ không bao giờ nhận được Quả ngọt vẹn toàn và Phước Báo nhiều.
Châu Tuệ Mẫn ra ngoài sân chơi năm mười với đám trẻ trong xóm.
Nom anh ta hết sức vui vẻ và tự do tự tại, chẳng vương một xíu muộn phiền của thế gian.
- Cũng như bây giờ có một số kẻ đi mua "sanh" bị bắt xong rồi tổ chức lễ "phóng sanh".
Đó không phải là một người Phật Tử, mà là một kẻ cuồng tín mù quáng.
Đấng Thế Tôn đã từng dạy rằng nếu gặp "sanh" mắc nạn mà mình giúp cho "sanh" ấy tự do và sống sót thì đó là "phóng sanh".
Nhưng, nhưng, cái phóng sanh ấy chỉ nên diễn ra trong âm thầm, chứ không phải bắt nhốt "sanh" lại rồi lập đàn bày lễ phô trương thanh thế hay khoe khoang lòng từ bi của mình, việc làm ấy hoàn toàn đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật.
Manuel Ngô chăm chú lắng tai nghe.
- Lấy một thí dụ nhỏ: Cậu thấy con rùa nằm lật ngửa, cậu mới giúp nó trở về trạng thái bình thường, đó là phóng sanh.
Manuel Ngô nhón một viên bánh đậu xanh nặn hình trái đào, rồi cho vào miệng nhai.
Vị ngọt thơm bùi tan ngay trong khoang miệng y, nó ngon đến nỗi dù không mấy hảo ngọt y vẫn ăn được nửa dĩa bánh.
- Cậu ơi.
- Dạ?
- Thưa cậu, tôi tính Trung Thu và Giáng Sinh năm nay sẽ gởi cho trẻ em mồ côi và người khiếm khuyết một số bánh chay do mình và quý Phật Tử làm ra...!Cậu có thể vui lòng giao bánh đến các cơ sở thiện nguyện, mái ấm, cô nhi viện và trường dòng trực thuộc Hội Thánh Tin Lành giùm chúng tôi được không?
- Dạ, dạ được, con vô cùng hoan hỷ đón nhận việc này.
Thích Quy Tâm cúi đầu mà chắp tay niệm danh hiệu Đấng Thế Tôn, "Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật."
Manuel Ngô bèn làm dấu Thánh và thốt lên tiếng, "Amen" đáp lễ.
Manuel Ngô ra về với chậu kiểng và bịch bánh đậu xanh rất ngon.
Judas bận công chuyện chi mà trễ giờ rước y hơn nửa tiếng, y bèn cuốc bộ thăm thú xóm Chùa trong lúc đợi anh ta tới.
Tấm áo dòng vô tình khiến y trở nên nổi bật, một vài cụ bà thấy y liền cất giọng hỏi thăm ân cần và rôm rả, y bèn nhã nhặn đáp lời từng người một.
Xét ra không phải tự khen, khuôn mặt của y rất dễ nhìn, nếu không nói là rất điển trai.
Y hãy còn nhớ mỗi lần cha y dắt y ra quán ăn, mười thì hết bảy lần đã được cô chủ tiệm bớt tiền hoặc đãi ăn miễn phí; bà ấy thường xuýt xoa, "Mốt con mà lớn chắc khối cô mê như điếu đổ." Bởi vì y hơi thừa cân nên nhìn hơi khang khác ông ấy, chứ nếu y chịu khó tập thể hình và ăn uống điều độ, ắt sẽ giống ông ấy như tạc.
Vậy mà nghĩa đệ của cha vẫn nhận ra y ngay lập tức.
- Quá giang không Mục sư?
Người mời Manuel Ngô quá giang nói tiếng Việt lơ lớ.
Chiếc xe mà anh ta sử dụng quá đỗi sang trọng và đắt tiền.
Manuel Ngô mỉm miệng cười và nói lời từ chối.
Y thường bị hiểu lầm là Cha xứ, nên việc người này gọi y là Mục sư đã khiến lòng y nảy sinh bất an kỳ lạ.
- Mục sư muốn biết mẹ mình là ai không? Muốn biết thì lên xe...!
Nội thất của chiếc xe Limousine vô cùng sang trọng và tiện nghi ngoài sức tưởng tượng của Manuel Ngô.
Trong xe thoảng mùi sáp thơm ngòn ngọt, nếu như y đoán không lầm thì đây là hương của gỗ chiêng đàn có pha với loại rượu nào đó và một ít hoa hòe kiêu sa.
Cấp Trên kêu Manuel Ngô để chậu kiểng lên băng ghế đương ngồi, đừng ngại dơ nệm gì hết.
- Tôi không phải là người lương thiện "nửa mùa", mà là kẻ ác "toàn tập".
- Cấp Trên phả khói vào mặt Manuel Ngô.
Y thoáng cau mày một chút, song không bày vẻ bất bình, vì y đã quá quen thuộc với mùi này rồi; thuở còn sinh thời, ngày nào cha y cũng phải hút vài điếu, cái mùi thuốc lá ấy ám lên người cha y năm này tháng nọ tạo thành một lớp áo vô hình quá đỗi thân thương với y.
- Mẹ tôi...!
- Bà ấy à? Bà ấy và Anzu có một tuổi thanh xuân huy hoàng như trong bài "Livin la vida loca" do Ricky Martin trình diễn vậy.
- Hình như anh ta có hát nhạc World Cup, và là người đồng tính...!Bài ấy tên là "The cup of life".
- Ricky Martin là người đồng tính mà, như Adam Lambert vậy.
Cấp Trên đợi bản nhạc chấm dứt, mới điện cho Judas tới đây nhận tin lành.
- Tao cảnh cáo mày, không được làm hại đến Mục sư Manuel Ngô.
- Đã rõ.
Manuel Ngô chợt nhớ đến câu hát trong bài "Skyfall" của danh ca Adele: "Hãy để bầu trời sập xuống."
- Mục sư có biết một người tựa lưng vào gốc cây bồ đề, và trên lưng thì cõng cây Thánh giá không?
- Tôi không biết.
Nhưng có vẻ người này muốn làm cầu nối hòa giải bất đồng giữa hai tôn giáo.
- Phải.
Và người ấy đang đơn độc, đơn độc như bóng cây bồ đề giữa rừng thông Đà Lạt.
Cấp Trên kêu tên tài xế lái xe rời đi.
Điếu xì-gà trên tay gã vẫn không ngừng nhả khói.
Người đàn ông đẹp như pho tượng thần Hy Lạp ấy hơi nhắm nghiền mắt, vẻ như đang tư lự lung lắm.
Nụ cười trên môi gã chếch choáng như mảnh trăng nép mây ngàn.
Judas đứng đợi trên đài phun nước trong công viên không tên của thành phố nhỏ.
Anh ta vắt chiếc áo vest trên vai trái, vài khuy áo trên cùng của cái áo sơ-mi không cài, tay trái của gã thọc sâu vào trong túi quần.
Mái tóc xoăn đen rối bời.
Và ánh mắt nâu kia đang hướng về con lộ một cách thất thần.
Trông gã...!
- Ê, anh bạn "siêu mẫu"! - Cấp Trên hạ cửa sổ xuống, rồi cầm micro lên nói.
Tiếng nói của gã trai tóc bạch kim làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Manuel Ngô.
Judas không tức tốc chạy đến như Manuel Ngô tưởng.
Anh ta thong dong bước tới.
Vừa đi vừa mặc lại áo vest.
"Xạch."
- My oh my, siêu xe triệu đồng mà anh đẩy mạnh như đẩy cửa sắt nhà xưởng vậy.
Judas hơi nhếch miệng cười, rồi ngồi xuống cạnh Manuel Ngô.
Thấy anh ta đã yên vị, Cấp Trên mới nói:
- Nghe bản "Youre beautiful" của James Blunt sẽ hiểu đôi phần về chuyện tình của cha mẹ Mục sư.
Nhạc vừa trỗi dậy, Cấp Trên liền đọc lại một phần trong bức thư tình mà cha y đã gửi cho mẹ y:
"Nàng đưa ta đến với Đức Chúa Trời
Bằng con tim thiện lương, bằng nét huyền trong mắt
Bằng cái nhíu mày chân thật, bằng những cơn mộng tương tư
Ta chợt nghĩ
Nếu nàng không hiện diện trên cõi Trần
Ắt hẳn ta sẽ vô duyên với Chúa..."
Manuel Ngô trầm mặc.
Giờ thì y mới biết mẹ mình là Kito hữu.
Hèn chi cha y lại gởi y vào trường dòng.
Cấp Trên đột nhiên ngưng ngang câu chuyện.
Gã trở lại với dáng vẻ cao ngạo ban nãy, không buồn để mắt đến ai.
Gã biết mình bị thần kinh, nhưng gã không muốn đi điều trị.
Judas thấy vị Mục sư mà gã hằng quý mến bình an vô sự, trong lòng như trút đi được gánh nặng ngàn cân.
Gã hỏi han y những câu ân tình.
Hai đàng chuyện trò vô cùng vui vẻ và nồng ấm.
Mãi tận đến lúc chiếc xe dừng lại, hai người mới chịu ngừng.
Cấp Trên mỉm miệng cười rất tươi khi thấy cái ban-công quen thuộc ấy.
Gã gấp gáp bước xuống xe, rồi đứng tựa lưng vào đuôi xe mà dõi mắt ngắm cái ban-công.
Cận vệ của gã hiện đương bấm chuông cửa inh ỏi.
- Tới đây chi vậy? - Vệ Thanh đứng trên ban-công mà hỏi vọng xuống.
Cấp Trên cất giọng hát bản "Unchained melody" mà ban nhạc The Righteous Brothers nhờ nó đã nổi danh khắp thế giới.
Công tâm mà nói, gã hát tiếng Anh hay hơn tiếng Việt, nên nét mặt tay công tử con nhà giàu thôi không còn vẻ nhăn nhó, khó chịu.
Vệ Thanh cười khì một tiếng, không rõ cười quê hay cười mừng.
- Đi chơi không cưng?
- Đi thì đi.
Vệ Thanh theo chân Cấp Trên vào trong chiếc xe dài thườn thượt và hết sức rộng rãi.
Hắn ngồi cùng băng ghế với gã, nhưng cách nhau một chỗ ngồi.
Gã ta không thích ngồi gần ai cả.
Cấp Trên mở tủ đông nhỏ để lấy mấy hũ kem Haagen-Dazs.
Gã đặt bốn hũ kem trên bàn, rồi kêu mỗi người chọn một hũ.
Tất cả đều là vị Spirits - Whiskey Hazelnut Latte.
- Lạ quá.
Nhưng ngon.
- Manuel Ngô bật cười.
Rồi đổi sắc mặt buồn hiu, bởi cha y đâu còn trên đời này để y được dẫn ông đi ăn kem ngon như vậy.
Vệ Thanh ăn được nửa hộp thì ngán ngược ngán xuôi, nên đem trả lại cho khổ chủ, rồi tu cạn một bình nước khoáng nhỏ.
- Cưng ghét ăn ngọt hả?
- Không ghét.
Chỉ là tôi không ưa thôi.
Cấp Trên đưa họ đến nhà cha con họ Thẩm dùng cơm chiều.
- A, nay rủ trai đẹp tới nhà tôi chơi hén?
Vệ Thanh không bước vào nhà.
Hắn đứng khoanh tay và nhíu mày nhìn Thẩm Hạc Hiên.
Ranh giới giữa hai người là cổng nhà kiên cố, và mối tình gãy đổ của ông ta và cha hắn.
Thẩm Hạc Hiên đặt bình tưới cây xuống đất, đoạn nhếch miệng cười:
- Ai muốn vào thì cứ tự nhiên vào.
Hai người không quen biết với ông, một người thì xem ông như kẻ thù của mẹ, còn một người thì đến đây trao đổi với ông.
Không một ai là bạn của ông cả.
Vệ Thanh cất những bước chân nặng nề vào khu vườn của người tình năm cũ của cha.
Khu vườn bày trí theo phong cách đặt thù xứ Phù Tang đẹp đến nao lòng.
Ở đây mà lập am ẩn cư thì tuyệt vời vô cùng.
Thẩm Hạc Hiên mời họ vào nhà mát.
Ngôi nhà mát cất ven sông, nên mỗi khi buồn đời ông lại ra đây nằm võng mà ngủ cho quên sầu nhân thế.
Men theo lan-can nhà mát, những buồng dừa nước sai trái nằm phơi mình dưới bóng râm mát rượi của mái ngói dốc.
- Với bọn cô hồn các đảng, cây Thánh giá của Mục sư không làm cho chúng sợ đâu...!Muốn "trấn yểm" chúng, chỉ có tiền tươi mà thôi.
Hãy đưa cho chúng tiền đi, chúng sẽ đổi trắng thay đen, chúng sẽ đào mồ cuốc mả tổ tiên chúng lên để làm vừa lòng chủ thuê,...!
Manuel Ngô thở dài:
- Xin Chúa rủ lòng xót thương họ...!
- Rất nhiều người trên Đất Nước này đã xót thương và khuyên răn họ quay đầu là bờ, họ còn chửi những người ấy tan tành.
Huống hồ chi là Chúa hay Phật...!Coi bộ phong thủy nhà này không hợp với cậu Hai, nên sắc diện kém quá, thôi chúng ta ra quán nói chuyện cho dễ thở nhen?
- Không.
Tất cả phải ở lại đây.
- Cấp Trên mỉm miệng cười lạnh.
- Tôi đã đặt sẵn đồ ăn, thức uống.
Chỉ cần chịu khó bày biện một loáng là xong ngay.
- Cậu mà hành quyết bọn tôi chắc phải vài năm mới tìm thấy xác mất...!Thôi, tô, dĩa, chén, muỗng, đũa, ly, thố, âu không có cái nào từng có enzyme của cha con tôi hết, nên mong cậu Hai ăn mạnh miệng nghen?
Vệ Thanh khẽ gật đầu.
Nhưng đôi lông mày vẫn chưa chịu giãn ra, ánh mắt vẫn thể hiện sự đề phòng và khinh miệt thấy rõ.
- Mẹ của Mục sư là con gái của một tay anh chị có tiếng ở đô thành.
Cha của Mục sư là cảnh sát hai mang, nên đã bị trục xuất khỏi tổ điều tra sau khi cậu ra đời.
- Thẩm Hạc Hiên đưa cho Manuel Ngô một cái thùng carton mới cắt chỉ, có lẽ mới đóng gói hôm qua.
- Việc riêng tư, nhứt là về chuyện tình duyên, không nên để cho người ngoài thóc mách.
Thế hệ sau biết giống đách gì đâu mà bày đặt hờn căm, chửi rủa.
- ...!Chúa ban phước cho ông.
Judas không rõ đầu cua tai nheo "chiến sự" giữa người đàn ông "đẹp gái" và cậu Hai nhà họ Vệ nên sắc mặt không thể hiện thương, ghét.
Không hiểu sao, khi nhìn cái thùng carton, gã lại nghĩ rằng mối tình của cha mẹ Mục sư cũng là mối tình tội lỗi như cha mẹ mình.
Chắc có tối nay, gã sẽ dành ra một tiếng chắp tay sám hối với Đức Chúa vì đã nghĩ bậy cho gia đình Mục sư mất...!
oOo
Vệ Minh đưa cốc trà thủy sâm cho chồng yêu uống, nhưng người thương của cậu lắc đầu nguầy nguậy.
- Không nuốt là tôi giận đấy.
Cực chẳng đã, An Kỳ phải uống cho hết cốc trà thủy sâm.
Nghe đâu trà thủy sâm rất có lợi cho sức khỏe, nên bé cưng của anh cách ngày là lại bắt uống một cốc nhỏ.
Uống nhiều thứ này quá dễ sinh ra chứng loãng máu và gây ra một số tác hại lên cơ thể, do đó hai người không uống thường xuyên.
Vệ Minh hôn lên trán người thương, rồi gục đầu vào vai anh mà hỏi:
- Ngon không?
- Dạ ngon.
- Ngoan quá há?
- Dạ.
Vệ Minh thấy cốc nước đã cạn, mới đi dặn đầu bếp nấu nui gà cho sắp nhỏ ăn.
- Boo mỡ, lại ăn sầu riêng nữa à?
Vệ Khương cười giả lả, tay phải ôm lấy tô sầu riêng đầy vung.
"Tòng phạm" Uông Trác đi một hơi ra nhà xe, vờ như chẳng hay biết gì sất.
- Trời ơi cái mặt tròn hơn trái banh mà suốt ngày ăn đồ ngọt.
- Vừa vò mặt con trai, Vệ Minh vừa than thở.
Cậu ngó thấy hai anh em họ An đang chơi đá banh với cậu phụ bếp thì ngoắc các con vào ăn sầu riêng.
Cậu mua cả cần xé sầu riêng, ai muốn ăn thì cứ xẻ ra mà ăn, không cần phải hỏi ý kiến vợ chồng cậu.
Hai con trai của vợ chồng cậu rất ngoan, chúng tự giác vào nhà vệ sinh rửa tay rửa mặt trước khi ăn uống.
Ba đứa trẻ tranh nhau kể cho cha chúng nghe những câu chuyện vụn vặt, đầy thơ dại của riêng mình.
Bao nhiêu muộn phiền của cậu tan biến đi theo từng từ, từng chữ của đàn con nhỏ.
Sắp tới giờ phim hoạt hình siêu nhân yêu thích của chúng phát sóng, nên sắp nhỏ thưa cha cho chúng ra phòng khách ngồi xem.
Đợi cho các con đi hết, Vệ Minh mới sai phó người giúp việc, rồi trở lên phòng ngủ của hai vợ chồng nằm nghỉ.
An Kỳ đã ở trong phòng tự bao giờ.
Anh ngồi tựa lưng vào đầu giường, hai chân duỗi thẳng, trên đùi đặt Laptop.
Thấy vợ yêu, anh bèn đặt Laptop lên tủ đầu giường, rồi vỗ đùi mình mấy cái.
Hiểu ý chồng, Vệ Minh gối đầu lên đùi người thương, thân hình co lại như con tôm.
Cậu thấp giọng thủ thỉ:
- Này, tự nhiên tôi có linh tính không lành.
Mắt trái cứ giựt lia giựt lịa, không biết là điềm gì nữa đây.
- Thế để tôi "giựt" vài phát là nó hết giựt hà...!Ui da đau.
Hai người lắng tai nghe Rihanna và Jay-Z trình diễn ca khúc "Umbrella", lòng chợt hồi tưởng đến mười năm dài đã qua.
Bất giác, hai người - Chồng cúi xuống, vợ ngẩng lên - Nhìn nhau đầy hạnh phúc..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.