Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 21: Quán ăn cũng bán rượu




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Thẩm Thiều Quang dẫn thợ mộc tới đo đạc trong quán, vắt óc tìm cách tận dụng hết giá trị của hơn mười thước vuông này.
Mấy chiếc bàn vốn dùng để bày đồ ăn, Thẩm Thiều Quang đột nhiên nghĩ tới kiếp trước từng đọc được trên diễn đàn về kiểu thiết kế dùng quầy bar thay thế cho bàn ăn trong các căn hộ nhỏ, nàng đi bộ ước lượng một vòng, quyết định để thợ mộc làm mấy cái bàn dài gắn liền với tường, khá giống với quầy bar ở thời hiện đại nhưng thấp hơn một chút.
Chỗ ngồi đã có rồi, nhưng nếu ghế ngồi bày khắp nơi thì e là sẽ trông rất lộn xộn, thế là trải chiếu tre trên nền nhà, đổi ghế xếp thành đệm cói. Giá nến, chậu hoa trang trí các kiểu có thể treo lên tường thì đều treo hết lên tường.
Cũng không phải công trình gì to tát, chỉ vài ba ngày là đã thu xếp xong xuôi. Tường trắng, bàn gỗ dài gắn liền với hai mặt tường, hai cái bàn ăn ngắn hơn đặt ở giữa, dài ngắn đan xen thành ra lại không hề có vẻ chen chúc chật chội. Nền nhà trải chiếu tre màu nâu, đệm cói màu vàng nhạt, một mặt tường khảm thêm một giá đỡ, trên đó bày mấy bình sứ trắng, trong bình trồng phong lan, hoa nhài các loại, tường trắng nền nâu lại thêm một chút xanh, thế mà trông cũng rất có cảm giác nghệ thuật – có lẽ mặt tường bên kia cũng có thể treo vài bức tranh chữ, hoặc là để trắng thế cũng được.
A Viên gật đầu: “Nếu như lớn hơn chút nữa thì tốt hơn.”
Thẩm Thiều Quang cắn răng, ấn lên đầu nha đầu ngốc kia một cái, bản lĩnh chọc vào chỗ không nên chọc càng lúc càng điêu luyện.
Nàng lại lập chí, ngày nào đó, ta phải mở một quán rượu lớn nhất thành Trường An này, quán rượu sẽ rộng mấy trăm thước vuông, chia làm mười mấy gian, đại sảnh sẽ có một khoảng rộng chuyên biểu diễn tạp kỹ, nuốt đao, chui vòng lửa, ca vũ, múa kiếm, không thể thiếu cái nào hết.
“Cô nương, cho ta một lồng thang bao!”
“Được được!” Thẩm Thiều Quang cao giọng đáp lại, lấy thang bao đặt vào khay mang đến cho khách, thu một ít tiền lẻ ném vào trong rổ.
Xoay vòng với mấy đồng tiền lẻ, thế mà bà chủ Thẩm cũng không bị chóng mặt.
Tốt xấu gì thì bây giờ trong tiệm cũng đã có chỗ cho người ta ngồi xuống uống chén rượu rồi.
Tới xưởng chưng cất rượu mua rượu, lấy thịt mã não, sư tử đầu làm món chính, lại thêm các loại đồ nhắm như rau trộn, cá khô chiên, đậu hoa lan, thủ lợn kho nước tương, chân giò hầm, thế là tiệm ăn kiêm quán rượu Thẩm Ký cũng coi như bắt đầu buôn bán.
21 đậu hoa lan
21 thủ lợn
21 chân giò
Khách rất ủng hộ quán rượu nhỏ gọn này của Thẩm Thiều Quang, vừa sạch sẽ lại có phần mộc mạc, quan trọng nhất là không cần cầm đĩa thịt viên, thịt mã não đi khắp nơi tìm chỗ uống rượu nữa.
Ăn đồ ăn của Thẩm Ký lại cảm thấy, chà, tuyệt thật!
Nói về tay nghề của Thẩm cô nương thì đúng là tốt thật, bánh rán thì nóng sốt lại sạch sẽ, ngọc tiêm diện và bánh hoa thì đúng là tinh xảo, có nét giống đồ ăn trong cung. Thịt mã não, sư tử đầu cũng vậy, có thể tính vào “mỹ thực lạ và quý”. Không ngờ rằng đồ ăn sáng vốn dĩ rất bình thường mà cũng có thể làm được tốt đến vậy.
“Chủ quán, thêm một đĩa cá khô chiên nữa!”
A Viên nhanh chân lấy đồ ăn.
“Cô nương, sao cá khô chiên nhà ngươi lại thơm thế?”
“Cái này… nô tỳ không biết.” A Viên cười ngây ngô: “Nếu ngon thì lang quân ăn thêm một chút đi.” Quả thực rất giống Thẩm Thiều Quang lúc bị hỏi một câu tương tự thì trả lời là “Nếu thích thì tới đây mua, cớ gì phải tự mình vất vả.”
Thẩm Thiều Quang đang gói ngọc tiêm diện trong bếp nghe vậy thì cười, thực ra cũng không có bí quyết gì, chẳng qua là lúc ướp cá thì bỏ thêm cơm rượu nếp mà thôi – mùa hè muối một hũ như vậy, thế là có thêm cả mùi thơm của rượu nếp, lúc chiên thì chiên hai lần, lần đầu chiên chín kĩ, lần sau thì chiên với bơ bằng lửa lớn, chỉ như thế mà thôi.
Thẩm Thiều Quang thì thích đậu hoa lan chiên hơn. Trước luộc sau chiên, vừa mềm vừa thơm, khiến Thẩm Thiều Quang nhớ tới món lạc mà nàng thích ở kiếp trước.
Đây cũng là một nỗi tiếc nuối khôn nguôi khác của Thẩm Thiều Quang ngoài ớt – phải mấy trăm năm nữa, tới thời nhà Minh thì hạt lạc mới được truyền tới Trung Quốc. Có người nói đại tài tử Kim Thánh Thán trước lúc bị tử hình đã nói “Đậu phụ chiên nhai cùng lạc có mùi vị như chân giò hun khói”, Trương Ái Linh thì thích “ngồi ghế mây ăn lạc rang muối”, mà hai vị tiên sinh Lỗ Tấn, Lão Xá thì thích vừa đọc sách vừa ăn hạt lạc.
* Kim Thánh Thán, tên thật Kim Vị, là một nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc”.
* Lão Xá, nguyên danh Thư Khánh Xuân, tự Xá Dư, là một văn sĩ Trung Hoa
* Có người nói rằng lạc được truyền vào Trung Quốc từ rất sớm, ở đây tạm thời dùng cách nói cũ – lạc xuất xứ từ Châu Mỹ, truyền vào Trung Quốc từ thời nhà Minh. [tác giả]
Có thể thấy tình cảm của đám văn nhân đối với lạc đúng là chân ái. Thẩm Thiều Quang cũng yêu mến lạc tự đáy lòng – nhưng điều này không cản trở nàng trong lúc không có lạc thì nhâm nhi đậu hoa lan để đỡ thèm. Thẩm Thiều Quang cảm thấy hành vi này của mình có điểm giống hình tượng mấy tên đàn ông cặn bã trong lòng đã có người thương nhưng vẫn không bỏ lỡ việc tìm bạn gái khác.
Nhưng không ngờ rằng, Lâm thiếu doãn – người thâm tình “trong lòng đã có người thương quyết không tìm bạn gái khác” – đi vào, hơn nữa món đầu tiên hắn gọi lại chính là đậu hoa lan này.
Trong đầu Thẩm Thiều Quang đang nghĩ tới vấn đề hình tượng của hai người, vô tình nhìn về phía bàn tay Lâm Yến đang chỉ vào bảng tên đồ ăn, ngón tay thon dài, khớp xương rõ ràng, thực sự là một đôi bàn tay đẹp!
“Chủ quán?” Lâm Yến nhíu mày.
“Đậu này lấy tên hoa lan là bởi vì sau khi chiên lên sẽ có hình dạng giống bông hoa lan mới nở.” Thẩm Thiều Quang bình tĩnh dời tầm mắt ra khỏi đôi bàn tay hắn, mỉm cười trả lời Lâm Yến.
Lâm Yến gật đầu, lại gọi thêm rau trộn, trứng muối, tai lợn hầm tương, tất cả đều là mấy món ăn phổ biến trong dân gian.
Đại khái là mỗi người đều có chút thói hư tật xấu, thấy một thứ tốt đẹp thì cứ muốn phá hỏng một chút, ví dụ như Thẩm Thiều Quang thì mong được chứng kiến vị công tử phong độ ưu nhã này làm một chuyện gì đó không ưu nhã: “Công tử có muốn nếm thử món móng lợn của quán bọn ta không? Ăn nóng thì vừa thơm vừa mềm, ăn nguội thì dai dai, rất hợp để nhắm rượu.”
Lâm Yến nhìn Thẩm Thiều Quang.
Thẩm Thiều Quang cười híp mắt, hơi khom người, tư thế niềm nở.
“Không cần, chỉ những thứ này thôi.” Lâm Yến trả lại danh sách món ăn cho Thẩm Thiều Quang.
Thẩm Thiều Quang hơi tiếc nuối nhận lấy, hôm nay không thể chứng kiến “phó thị trưởng” Trường An gặm móng lợn, không sao cả, còn lâu dài mà, sau này sẽ có chân gà, chân dê các loại…
Lâm Yến hồi tưởng lại tờ thực đơn được làm từ giấy hoa vừa rồi, chữ khải nho nhỏ, trông không giống kiểu viết của tiểu thư khuê các bình thường mà lại có đôi phần tương tự thể chữ sấu thời trước, chữ “Thẩm” trên túi bánh rán và trên bảng quảng cáo trước cửa là bởi vì dùng kiểu chữ triện nên lại càng rõ ràng hơn.
Lâm Yến không khỏi nghiêng đầu nhìn chủ quán đang bận rộn bên kia, đôi mắt híp lại, khóe miệng cong cong, dáng vẻ đầy hứng khởi, hoàn toàn cách xa chữ “phong nhã”, lại nghĩ tới mấy lần gặp nhau lần nào nàng cũng miệng lưỡi xảo quyệt, lời lẽ đanh đá!
Thẩm Thiều Quang đâu biết mình bị người ta vùi dập, còn hỏi: “Khách nhân làm một bát rượu cho ấm người không?”
Lại hỏi: “Ngọc tiêm diện đã hết, hay là ta làm cho lang quân bát bánh canh rau?”
Lâm Yến thu tầm mắt lại: “Cũng được.”
Vị Lâm thiếu doãn này tới muộn, không còn khách nào khác nữa, Thẩm Thiều Quang có thể chuẩn bị thoải mái. Vào giờ cơm thì dù rượu và đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn, lại có thêm A Viên giúp đỡ, hai người vẫn vô cùng bận bịu.
Thẩm Thiều Quang vừa bưng đồ ăn vừa ghi chú thêm một mục nữa vào sự nghiệp lý tưởng của mình – sau này phải có một đội ngũ đầu bếp, còn phải thuê trăm tám chục nhân viên phục vụ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.