Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 28:




Mười sáu tháng Bảy, Khâm thiên giám xem thiên tượng, kinh hãi phát hiện có dị tượng, không dám lơ là, tấu thẳng lên trên: Trong vòng mười ngày sẽ xuất hiện nhật thực. Trời giáng hình phạt là điềm không lành, hoàng đế giận dữ, chém đầu vài quan viên Khâm thiên giám phong tỏa tin tức, chậm mất nửa bước, tin đã nhanh chóng lan truyền trong giới quyền quý Lạc Dương, nhất thời lòng người hoang mang.
Mồng hai tháng Bảy, sinh nhật hoàng đế, xử thử nhị hậu, ưng nãi tế điểu, thiên địa khai túc.1
1 Nông lịch Trung Quốc có hai mươi tư tiết, chia cho mười hai tháng, cứ mười lăm ngày là một tiết, trong mười lăm ngày đó lại chia nhỏ ra năm ngày là một hậu, mỗi tiết ba hậu. Xử thử là một tiết của nông lịch, vế “xử thử nhị hậu, ưng nãi tế điểu, thiên địa khai túc” có nghĩa là vào hậu thứ hai của tiết xử thử, chim ưng hoạt động mạnh, siêng năng vồ mồi, trời đất bắt đầu vào thu, cỏ cây dần tàn lụi.
Cơm chặt đầu trước khi lên pháp trường phải thật phong phú, Phùng Thiếu Mị tính ngày, đồ ăn tích trữ đến hôm nay vừa vặn dùng hết, bữa trưa đến tửu lâu Trương Kí làm một bữa cơm no rượu say.
Đây là lần đầu tiên hầu bàn thấy nàng dẫn người tới, không khỏi ngạc nhiên, trông thấy Tạ Khê Tiết A Ất dắt tay thì “ôi chao” một tiếng: “Thì ra khách quan đã thành thân, chúc hai vị trăm năm hòa hợp, bạc đầu giai lão.”
“Bẻm mép ghê.” Phùng Thiếu Mị cười, “Trương Kí có cậu thật không ế cho được.”
Hầu bàn mười bảy, mười tám tuổi, thẹn thùng đỏ mặt, gãi đầu: “Hôm nay thầy Phùng trực bếp, ngài còn gọi ‘Cá vượt long môn’ nữa không?”
Phùng Thiếu Mị gật đầu, gọi thêm mấy món Tiết A Ất thích ăn: “Cho một đĩa móng giò thủy tinh, một thịt cua viên, nửa con vịt quay, hai phần cơm rang Dương Châu, một bầu rượu hoa cúc hâm nóng nữa.”
Xoay người cúi xuống: “Tiểu Khê muốn ăn gì nào?”
Tạ Khê chậm mấy nhịp mới há miệng, trắc trở: “Thỏ, thỏ, bánh.”
Phùng Thiếu Mị hỏi: “Còn gì nữa không?”
Tạ Khê lắc đầu.
Hầu bàn lên tiếng đáp: “Vâng, mời ngài vào trong!”
Lên tới lầu hai, chợt nghe có tiếng tranh chấp, người cao giọng nói nghe sang sảng nhưng giọng thì già nua: “Tục ngữ có câu: Biển nạp trăm sông, dung chứa bao la. Lạc Dương đường đường là đế đô mà tửu lâu làm ăn trên đất này đến một đĩa thịt ướp ớt đỏ cũng không làm được?”
Tiểu nhị đáp lời cũng tức tối: “Tửu lâu chúng tôi không có đầu bếp Tương Tây, khách quan muốn ăn thì sang hàng khác đi. Tôi kính ngài là cụ cao tuổi, chớ có cậy già lên mặt mà càn quấy!”
Lên tới bậc thang cuối cùng, ba người Tiết A Ất nhìn về phía ầm ĩ, chỉ thấy một ông già lưng gù, tay cầm gậy trúc đưa lưng về phía họ, nghe tiếng quay đầu lại nhìn, sáu con mắt chạm nhau, đều ngẩn ra.
Tiết A Ất phản ứng lại trước: “Từ biệt năm tháng, Kim lão tiền bối vẫn khỏe chứ?”
Ông già chính là võ nhân Tương Tây Kim Hồng Phi, chưởng quỹ ở trấn Bạch Thủy.
Kim Hồng Thu thu lại vẻ mặt giận dữ, sờ lên bàn tính vàng treo bên hông. Không còn dáng vẻ tháo vát lần đầu gặp, người võ vàng đi nhiều, giống một quả hạch khô quắt, cười lên nếp nhăn trên mặt sâu hoắm: “Khỏe, khỏe, cảm ơn còn nhớ mong.”
Quan sát tỉ mỉ một nam một nữ một trẻ em, ông vuốt chòm râu bạc: “Không ngờ lão phu côi cút cả đời, lúc sắp chết còn làm mai được một bận.”
Tiết A Ất lấy làm kinh ngạc: “Ngài đây là…”
“Ta sắp chết rồi.” Kim Hồng Phi nói lời hãi người, mỉm cười không mặn không nhạt, “Nợ khi còn trẻ về già phải trả lại gấp bội, vết thương cũ tái phát, đại phu nói không sống qua tháng sau. Đời này sống uất ức, có thù với nhà họ Hoài… Vô Nhai Tông mà không dám báo, mắt thấy đã sắp tới ngày giỗ, nghĩ tới nghĩ lui không bỏ được, bèn đóng cửa quán trọ, chạy tới Lạc Dương xem kết cục của Vô Nhai Tông cho mình chết cũng không thấy tiếc.”
Nheo mắt nhìn Phùng Thiếu Mị: “Nha đầu, lão thất phu Hoài Vô Nhai kia là do cô giết?”
Nàng gật đầu.
Kim Hồng Phi cười to: Tốt tốt tốt!”
Cười được nửa chừng thì khựng lại, ông già ho sù sụ, cúi gập người xuống, trong đờm dính máu. Tiết A Ất đỡ ông ngồi xuống, đưa cho cốc nước.
Nhuận họng rồi, Kim Hồng Phi lại sức, tiếp tục lẩm bẩm: “Tốt, tốt, tốt.”
“Chỉ e lão thất phu kia nằm mơ cũng không ngờ được mình sẽ chết một cách thân bại danh liệt như vậy, tốt lắm, nha đầu, cô làm thích khách làm hay lắm.”Kim Hồng Phi lau nước mắt già cỗi rỉ ra nơi khóe mắt, cảm thán, “Đời người mười mài chín khổ, thật ra ai cũng là thích khách, bất kể trong tay có đao sắc hay không, trong lòng đều giấu một chuôi, trực diện đón đầu một đời truân chuyên.”
“Không có đồ ăn Tương Tây không thú vị,” Ông chống gậy trúc, còng lưng đứng dậy, “Đi đây!”
Gậy trúc gõ lên mặt đất nghe đốc đốc, bụng ngón tay kết chai dày vuốt lên hạt tính vàng, Kim Hồng Phi xây lưng giơ tay vẫy: “Hai vị tiểu hữu, bảo trọng.”
Ăn qua năm vị, dưới lầu vọng tới tiếng rao, Tạ Khê chợt kéo ống tay áo Tiết A Ất.
Hắn cúi đầu nhìn sang.
Tạ Khê nhìn ra ngoài cửa sổ, đối diện đường có ông cụ đẩy xe gỗ, bán tò he đường.
Tiết A Ất nắm tay nó, nhỏ hơn tay trẻ con bình thường, nằm gọn trong lòng bàn tay dày rộng của người đàn ông. Nói một tiếng với Phùng Thiếu Mị, hắn dắt Tạ Khê xuống lầu, đi tới đối diện phố, trên xe gỗ cắm một hàng tranh đường làm hàng mẫu, muôn màu muôn vẻ cho người chọn.
Hắn hỏi: “Muốn cái nào?”
Tạ Khê gặm đầu ngón tay hồi lâu, chỉ vào một bức long hổ tranh châu.
Tiết A Ất bằng lòng, ngắm nghía hồi lâu, lại lấy thêm bức mèo vờn quả cầu.
Ông cụ bán tò he đường cầm thìa múc đường mật lỏng, rưới qua lại thật nhanh lên đá phiến tạo hình, mùi thơm ngọt ngào tỏa ra, từng sợi luồn vào mũi.
Hai bức tranh đường dần thành hình, nắng vàng rực rỡ rung rinh trên cục đường. Ông già cầm dao xúc lên, cẩn thận cạy tranh đường ra, cục đường óng ánh trong suốt chậm rãi tách khỏi phiến đá, giống như vỏ cây bị bóc xuống.
Dính lên que trúc, trái phải mỗi tay đưa một bức ra.
Tạ Khê kiễng chân nhảy cẫng lên lấy tranh đường, Tiết A Ất đưa bức long hổ tranh châu trong tay trái cho nó, trẻ con không biết thỏa mãn, muốn đòi cả tranh mèo vờn quả cầu hắn cầm trong tay phải.
Tiết A Ất nâng cao khuỷu: “Cái này là cho Phùng tỷ của em.”
Tạ Khê chớp mắt, cúi đầu liếm tranh đường trong tay.
Trong tửu lâu Trương Kí, Phùng Thiếu Mị ngồi lặng chốc lát, cầm đũa khều con ‘cá vượt long môn’ chỉ còn lại xương, nhìn chòng chọc hồi lâu, bỏ đũa xuống.
Gọi hầu bàn lại: “Tôi muốn gặp thầy Phùng.”
Phùng Bảo Vinh vội vã lên lầu, mu bàn tay còn dính vài mảnh vảy cá trắng bạc. Ông dùng ống tay áo lau mồ hôi trên trán: “Tiết cô nương có chuyện gì khẩn yếu thế, nếu không gấp có thể chờ tôi làm xong không? Trong tay còn nhiều món khách quan khác gọi…”
Phùng Thiếu Mị ngắt lời ông: “Sức khỏe phu nhân thế nào rồi ạ?”
Phùng Bảo Vinh sững người: “Thuốc đắt, uống không mấy ngày nhà đã chẳng còn tiền dư, vợ tôi suy nhược, e là sẽ gặp chuyện trong vòng hai tháng này… Chẳng lẽ Tiết cô nương quen biết vợ tôi?”
Phùng Thiếu Mị không đáp, bưng một hộp gỗ ra đưa cho ông.
Phùng Bảo Vinh vô thức nhận lấy, bên trong đựng một xấp ngân phiếu mười hai tờ dày, ước chừng phải hơn ngàn lượng. Trố mắt líu lưỡi, ông vội trả lại: “Không được, Tiết cô nương làm gì vậy?”
Phùng Thiếu Mị đứng dậy tránh, ông trả hụt: “Nhận lấy đi, đây là duyên phận của bác.”
Trong lúc đưa đẩy, dưới lầu vọng lên tiếng gọi: “Phùng Thiếu Mị, đi thôi!”
Là Tiết A Ất.
Phùng Bảo Vinh khựng lại, trợn tròn mắt: “Cháu họ Phùng?”
Dĩ vãng như đèn kéo quân hiện rõ rành rành, như bị sét đánh, ông váng đầu hoa mắt, đợi đến lúc hoàn hồn, Phùng Thiếu Mị đã xoay người đi. Phùng Bảo Vinh đuổi theo ra tửu lâu, lại thấy cuối phố, Tạ Khê trái phải mỗi tay nắm một người, Phùng Thiếu Mị đang nhận tranh đường Tiết A Ất đưa cho.
Lại chớp mắt một cái, ba người đã biến mất ở ngã rẽ.
Trên đường tiếng người ồn ã, người đi đường vội vã lướt qua.
Phùng Bảo Vinh đứng ngẩn ngơ chốc lát, chợt lau mặt, ôm chặt hộp gỗ trong ngực, quay đầu trở lại tửu lâu Trương Kí.
Tranh đường đã ăn hết, Phùng Thiếu Mị cắn que trúc đi thêm trăm bước là về đến nhà.
Căn nhà này họ mới ở không đến một tháng, đồ đạc phải thu dọn không nhiều. Lúc bưng chồng quần áo đã gấp gọn gàng lên, chẳng biết từ đâu rơi ra một que xăm, rơi “bộp” xuống đất, tiếng nghe lanh lảnh.
Phùng Thiếu Mị cúi người nhặt lên, là xăm nhân duyên cầu cho Tiết A Ất ở chùa Kim Sơn Giang Đô mà Thúy Thúy giao cho nàng trước khi xuất giá, bên trên khắc hai dòng văn xăm:
Lấy bọt thấm ướt, ba miệng góp nên sự; nâng khay ngang mày, hai người tương trợ chính là trời.
Nàng cúi đầu nhìn que xăm một hồi, nhét vào bọc quần áo. Xử lí xong xuôi đẩy cửa đi ra ngoài, Tiết A Ất đang mài đao trong sân, thong thả ung dung mài tám thanh đao Tiết Côn Ngọc để lại.
Tiếng mài đao cheng cheng.
Sau cùng cắm từng thanh vào hộp, người đàn ông đang định cất đá mài đao đi thì cô ả khoanh tay tựa vào cửa tháo dao mổ cá bên hông xuống, chuôi dao xoay một vòng trong lòng bàn tay, ném cho hắn, dao rạch một đường vòng cung trên không trung.
Tiết A Ất dừng lại, giơ tay bắt.
Phùng Thiếu Mị nói: “Thanh này cũng cùn rồi, mài cùng với.”
Dao mổ cá nằm trong lòng bàn tay Tiết A Ất, dà ba tấc bảy li, dày hai li, nặng mười ba lượng rưỡi, hắn nhớ rất rõ, gần đầy hay dùng, đúng là hơi cùn.
Thời niên thiếu đánh cược với Tiết Côn Ngọc, nếu tự mình rèn thành một thanh đao thì không được ép hắn học rèn đao, kế thừa gia nghiệp nữa. Lúc đó nảy lòng phản nghịch, cố ý làm dao mổ cá, Tiết A Ất hãy còn nhớ ánh sáng trong mắt Tiết Côn Ngọc lúc biết hắn đúc thành đao và vẻ thất vọng khi thấy rõ hình dáng đao. Thanh này là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng hắn rèn đao, cuối cùng thành dao mổ cá thật, đặt ở một góc thớt, Thúy Thúy quen dùng dao thái nên ít khi đụng vào.
Tiết A Ất không ngờ sẽ có một ngày con dao này một lần nữa xuất hiện trên đá mài đao của mình.
Người đàn bà khoanh tay tựa vào cửa đang cụp mắt nhìn hắn, xưởng cổ tay mới rồi cầm dao mảnh khảnh vô cùng, như cần cổ hạc hoang rong chơi trong lau sậy, bẻ là đứt. Tiết A Ất vẫn lấy làm ngạc nhiên, một thân mình mảnh khảnh, mềm mại đến thế rốt cuộc đã bộc phát sức mạnh khổng lồ khiến người ta rung động như thế nào.
Gió thổi nhíu áo váy Phùng Thiếu Mị, hoa đỗ quyên thêu trên vạt váy thu vào rồi lại nở ra, mi mắt người đàn bà nhạt như núi xa, tựa như lần đầu tiên gặp mặt ở trấn Bạch Thủy.
Tiếng ve râm ran.
Lòng bàn tay đè trên sống đao, Tiết A Ất cúi đầu.
Lưỡi đao cọ lên đá mài, phát ra tiếng vừa giòn giã vừa hỗn độn.
Phùng Thiếu Mị chợt nhớ tới một chuyện: “Thúy Thúy có biết dự tính của chúng ta không?”
Mũi tên rời cung không thể quay đầu, bất kể có thành sự hay không, họ chắc chắn không thể ở lại Lạc Dương. Vương công quý tộc cá mè một lứa, Giang Đô vương cố nhiên bất nhân bất nghĩa, thái tử cũng coi mạng người như cỏ rác, họ biết quá nhiều bí mật hoàng gia, đợi mọi chuyện lắng xuống, tất sẽ bị diệt khẩu.
Thúy Thúy nặng tâm tư, không giấu được chuyện, huống hồ là ở cùng phòng với Thôi Thanh Giang, dễ làm bứt dây động rừng.
Tiết A Ất lắc đầu: “Sau khi sự thành, tôi sẽ đón nó.”
Hắn nhúng khăn vào nước lau mặt dao, chùi mạt sắt đi, đưa cho Phùng Thiếu Mị.
Nàng đưa tay vuốt ve khuôn mặt méo mó phản chiếu trên mặt dao của mình.
Đao mài xong, lòng hai người lắng xuống.
Tiết A Ất đeo hộp đao lên, gọi thằng bé đang chơi một mình một bên: “Đi thôi.”
Phùng Thiếu Mị thu dao mổ cá: “Đi đường cẩn thận.”
Tiết A Ất dắt Tạ Khê: “Cô cũng vậy.”
Trước đây lúc mới tới Lạc Dương, thuyền ô bồng không được phép vào thành, Tiết A Ất nhờ một chủ thuyền ngoài thành trông hộ. Hai ngày trước hắn ra khỏi thành một chuyến, giấu thuyền ô bồng vào rừng trúc mọc sát sông, men theo sông đi về phía tây không đến ba dặm là ra sông lớn.
Mạn thuyền cao đến ngực Tạ Khê, Tiết A Ất khom người bế nó lên.
Vé mành trúc lên, quá lâu không thông giá, ập vào mặt là mùi hôi của cá và của thứ mùi nào đó chẳng biết tên, khiến người ta buồn nôn.
Sào trúc chống thuyền không biết đã bị ném đi đâu, rừng trúc um tùm, Tiết A Ất xách đao đi quanh thuyền ô bồng một vòng, chọn một cây chặt ngang xuống. Vót nhẵn chỗ đốt trúc nhô ra, hắn nắm trong tay quơ quơ, trúc quá mới, không tiện tay bằng cây sào trước kia.
Vận lực đẩy thuyền ô bồng xuống sông, buộc lên một cọc gỗ.
Xong xuôi, nhảy lên thuyền ô bồng, Tiết A Ất lấy từ trong ngực áo ra hai cái màn thầu bột trắng bốc hơi nóng, ngồi xổm xuống, dúi vào lòng Tạ Khê.
Hắn ngồi ngược sáng, mặt mũi không rõ: “Bất kể bên ngoài xảy ra chuyện gì cũng đừng lên tiếng.”
Tạ Khê cuộn tròn trong góc buồng lán, ôm chặt hai đầu gối.
“Tiểu Khê,” Tiết A Ất chượt hỏi, “Em có sợ rời xa quê hương, lang bạt kì hồ không?”
Tiếng ve kêu vang vọng, bên tai loáng thoáng truyền tới tiếng nước chảy ồ ồ. Mành trúc gió thổi không lọt, oi bức khó chịu, ở bên trong một chốc mồ hôi đã mướt lưng.
Tiết A Ất buông tay, mành trúc rơi xuống, ngăn cách tầm mắt.
Lúc chạy tới vương phủ hơi muộn, đầy tớ như mây yên lặng đứng hai bên, dẫn đầu là Thôi Thanh Giang và Tô Ngạo, nai nịt gọn gàng chờ xuất phát.
Giang Đô vương chắp tay đứng trước cửa, thư đồng hầu hạ bên cạnh đang giục nô bộc bắc thang gỗ lau chùi bức hoành.
Tiết A Ất tìm được Thạch Lãng, đứng sóng vai với hắn.
Thạch Lãng hạ giọng hỏi: “Sao tới muộn vậy?”
Tiết A Ất không đáp, hỏi ngược lại: “Làm gì thế?”
“Trước khi đi tự dưng nổi cáu, nói bức hoành dính bụi.” Thạch Lãng cười giễu, “Tôi thấy sáng bóng soi gương được rồi, còn muốn thế nào nữa chẳng biết?”
Đợi thêm nửa khắc, Giang Đô vương mới vừa lòng, giẫm lên lưng người ở lên xe ngựa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.