The Tears Of Love

Chương 2:




“Đây là bản báo cáo, thưa senor.”
Đang ngồi viết lách tại bàn làm việc Ramón ngước lên nhìn, và Canuela thấy hắn có vẻ ngạc nhiên.
“Bản báo cáo tôi đưa cho cô hôm qua à?”
“Vâng, senor.”
Hắn đón lấy và bằng vào thái độ của hắn cô đoan quyết là hắn chắc mẩm làm nhanh như vậy thế nào cũng đầy những lỗi. Câu kế tiếp của hắn đã xác định điều đó.
“Cô ngồi xuống đi, cô Gray. Giấy tờ có một số thay đổi và tôi cũng cần giải thích cho cô trong lúc tôi đọc cái này.”
Canuela ngồi xuống trên cùng một chiếc ghế khi cô đến đây lần đầu cách đây ba ngày. Cô thầm nghĩ trong lúc hắn ngồi dựa ra sau đọc giấy tờ cô vừa đánh máy rằng mỗi lần cô đến gặp hắn là cô lại càng căm ghét hắn nhiều hơn trước. Thật không lầm lẫn rằng hắn chính là người đã bỏ rơi cha cô trong lúc ông cần một người bạn xiết bao.
“Senor de Lopez sao?” Mẹ cô hỏi thật chậm rãi khi cô về nhà báo cho mẹ cô biết đã tìm được việc làm.
Rồi kêu lên nho nhỏ bà Arlington nói thêm.
“Không được! Con không thể làm việc cho Ramón de Lopez!”
“Mẹ kể cho con nghe mẹ biết gì về hắn đi.”
“Ba con mến anh ta lắm. Ba ngưỡng mộ anh ta và phương cách anh ta cố gắng để tiến hành cải cách trong đất nước đó...”
Bà ngưng lại một chút.
“Khi ba bị buộc tội phản quốc, anh ta là một trong số bạn bè mưu đồ chống lại ba,” Canuela xen vào.
“Không hẳn vậy,” mẹ cô trả lời, “nhưng anh ta không đến gặp ba con lấy một lần, thậm chí cũng không gửi thư từ gì cho ba cả.”
“Ba có viết thư cho hắn sao?”
“Phải, ba con cảm thấy tuyệt vọng quá đỗi, quá kinh ngạc trước những lời bịa đặt đang lan truyền lúc bấy giờ đến nỗi phải viết thư cho senor Lopez hỏi ý kiến.”
Giọng bà Arlington đanh lại trong lúc bà tiếp tục kể.
“Người mà ba con cho là bạn qúy trong nhiều năm trời chẳng buồn đoái hoài để hồi âm.”
“Thật khó mà tin được!” Canuela giận dữ bật thốt. “Thư gửi đi bằng tay sao mẹ?”
“Ba con đã phái một trong những gia nhân thân tín nhất đưa đi,” bà Arlington trả lời. “Nếu anh ta không có mặt ở nhà trên quảng trường St. Martin, thì có lẽ thư sẽ được nhân viên của anh ta chuyển trực tiếp đến Estancias (điền trang, nông trại) chỉ mất độ gần hai tiếng đi ngựa từ thành phố thôi.”
“Con còn nhớ chỗ đó! Tất nhiên bây giờ con nhớ được!” Canuela tức tối kêu lên. “Con chưa bao giờ đến đó, nhưng có một lần ba chỉ cho con thấy khi ba và con cưỡi ngựa về hướng đó. Ba bảo đấy là một trong những Estancias tân thời và bề thế nhất trong toàn thể Argentina.”
“Senor đó rất giàu và là người có thế lực lớn.” Bà Arlington nhận xét.
Bà nhấn mạnh tính từ cuối và Canuela nói.
“Con ghê tởm hắn vì những điều hắn đối xử với ba, nhưng con vẫn tiếp tục làm việc cho hắn bởi vì hắn trả lương cao cho con, và con hy vọng bằng cách này hay cách khác con có thể báo thù cho ba.”
“Đừng! Đừng nói như thế con ạ,” bà Arlington van nài con gái.
“Cách nói năng như thế không giống con, Canuela. Con cũng biết rõ như mẹ rằng thù hận nguy hiểm lắm, không chỉ ảnh hưởng đến người bị con báo thù mà còn ảnh hưởng đến cả chính con đấy.”
Môi Canuela nở nụ cười nhẹ.
“Đó là điều mẹ dạy con khi con còn nhỏ, và do kết quả lời dạy đó con đã cố gắng cả đời mình không bao giờ thù hận bất cứ ai. Nhưng mẹ không thể mong con có bất cứ cảm giác nào khác ngoài kinh tởm với bọn người có trách nhiệm trước cái chết của ba.”
Những từ ngữ căm phẫn ấy dường như nhấn chìm căn phòng trong yên lặng.
Đây là lần điều tiên cả bà Arlington và Canuela đã lớn tiếng thể hiện ý tưởng cứ mãi khuất sâu trong tâm trí họ – rằng cái chết của Lionel Arlington không phải là một tai nạn.
“Chắc con có thể làm việc cho người khác chứ?” Sau một hồi lâu bà Arlington cất tiếng.
“Con không chắc có người sẽ trả cao như thế,” Canuela đáp lời mẹ mình, “nhưng dù sao đi nữa việc làm này cũng không kéo dài lâu đâu mẹ.”
Có lẽ thế, cô thầm nghĩ, đến cuối tuần Ramón de Lopez sẽ sa thải cô như hắn từng đe dọa nếu cô không đáp ứng được yêu cầu hắn đưa ra, hay là hắn tìm được nam thư ký để thay thế cô.
Trong lúc này ít ra mẹ cô có thể có sữa, cream và nho, và gà tơ non mềm mà bác sỹ cứ dặn đi dặn lại là rất cần cho sức khỏe của bà.
“Trong lúc mình lấy tiền của hắn, mình vẫn ghét hắn và mong rằng bằng cách nào đó hắn sẽ bị phương hại.” Ghét hắn, nhưng tiền lương cao mà senor Lopez đề nghị cũng phần nào an ủi cho tâm tình của cô.
Sau khi rời sở làm, Canuela đón xe bus đến đường Bloomsbury, rồi đổi thêm một chuyến khác đưa cô xuống gần các cửa hiệu cô tới hàng ngày mua thực phẩm. Trên đường cô lo lắng biết bao nhiêu vì để mẹ ở nhà một mình gần cả ngày trời. Bà Arlington vẫn có thể đi lại trong phòng, nhưng chính vì nghĩ đến nỗi cô đơn của mẹ mà cô nao lòng. Dường như căn bệnh phần nào là do bà càng ngày càng trở nên đau khổ, phiền muộn. Thoạt đầu bà cứ cay đắng khóc mỗi khi nhớ đến chồng, điều đó cũng có thể hiểu được và có lẽ tự nhiên hơn là thái độ đờ đẫn ủ rũ. Nhưng giờ đây bà dường như thức giấc mỗi buổi sáng trong tâm trạng thoái chí và hầu như phải cố hết sức mới có thể chú ý đến bất cứ chuyện gì. Cô đã phải nói chuyện suốt buổi cho bà khuây khỏa, cố thắp lại nụ cười trên mặt mẹ, nhưng điều họ vẫn không tránh khỏi là hầu hết các lần chuyện trò đều liên quan đến quá khứ. Vào những lúc đó cô thật tuyệt vọng khi thấy mắt mẹ mình đã không còn sinh khí và bất cứ việc gì cô làm hay điều gì cô nói cũng không cách nào nhóm lên ngọn lửa ấy nữa.
Cô xuống xe bus tiến vào con phố đông đúc, len lỏi đến một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chủ nhân ở đây là một ông cụ đầu hói vui tính tốt bụng.
“Chào buổi chiều, cô Gray,” ông chào ngay khi cô vừa xuất hiện. “Hôm nay tôi giúp gì được cho cô, mẹ cô ra sao rồi?”
“Mẹ cháu cũng vẫn vậy, cám ơn ông Robinson,” Canuela trả lời, “cháu có cả một danh sách đồ cần mua, ông làm ơn cho cháu trả tiền vào cuối tuần được không?”
“Ồ tất nhiên là được, cô Gray.”
Canuela đặt mua nhiều hơn số hàng thường lệ rồi hỏi ông cụ.
“Ông Robinson, cho cháu hỏi ông có biết địa chỉ của một bà nhỏ người đến đây chiều hôm qua mà ông bảo cháu là cô giáo đã hồi hưu không?”
Ông Robinson là người ngồi lê đôi mách thâm căn, chẳng có khách hàng nào rời khỏi cửa tiệm sớm nổi khi ông chủ chưa thu thập đủ tin tức về gia cảnh, đặc tính, cũng như sở thích của họ.
“À cô muốn nói tới bà Graham, bà ấy tốt lắm, nhưng tôi e lúc này bà ấy gặp khó khăn đấy.”
“Ông Robinson à, chuyện đó ông kể rồi,” Canuela xác nhận, “nếu tiện thì cháu muốn liên lạc với bà Graham.”
“Cô nghe được chuyện gì có lợi cho bà ấy sao?” Ông Robinson hỏi, không giấu nổi tò mò.
“Gần như vậy,” Canuela trả lời một cách tránh né, “bà ấy sống ở đâu vậy hở ông?”
“Thật là tình cờ đấy, chỉ vòng qua góc đường đó là tới.” Ông Robinson thao thao, “trong căn phòng hẹp bằng lỗ mũi không xoay trở gì được, ấy con trai tôi bảo thế, thỉnh thoảng nó giao hàng tới đó. Trong trường hợp đó, tôi cũng nghĩ là cô biết, người làm chức vụ đó thì khó mà dành dụm được.”
“Cháu chắc là khó rồi,” Canuela đồng ý, “còn địa chỉ thì sao?”
“Số nhà 22 đường Museum,” ông Robinson trả lời, “này cô, để tôi sai thằng Joe giao hàng cho cô nhé. Khoảng nửa tiếng thôi.”
“Dạ ông thật tốt miễn là anh ấy đừng trễ quá, cháu phải nấu chút gì tẩm bổ cho mẹ cháu ăn tối.”
Canuela rời cửa tiệm và đi thẳng đến 22 đường Museum. Thật là may bà Graham có ở nhà.
Đấy là người phụ nữ khoảng trên 60, trông gầy gò xanh xao. Canuela đoán sắc diện bà như thế chắc có lẽ do ăn uống thiếu thốn. Bà cười tươi với Canuela khi ra mở cửa cho cô.
“Cháu có thể thưa chuyện với bà một lát không, bà Graham?” Canuela lễ phép hỏi.
“Ồ được chứ, cô Gray. Nào vào đây, tôi e là phòng của tôi nhỏ quá, nhưng với tôi thì là tổ ấm.
Căn phòng sạch như li như lau và ngăn nắp, nhưng đúng như ông Robinson nói, rất chật hẹp. Giường ngủ được kê trong góc, ban ngày thì xếp lại thành sofa và được trang hoàng với vài chiếc gối dựa nét thêu tỉ mỉ. Một bên tường thì chất đầy sách, và kê một chiếc tủ ngăn không những để cất quần áo mà còn là nơi để vật dụng nấu nướng cần thiết, còn bếp nấu là lò ga tròn đặt trong lò sưởi. Khoảng phòng còn lại đủ chỗ cho một chiếc ghế bành nhỏ xíu và một chiếc ghế đẩu bên cạnh chiếc bàn xếp đặt trước cửa sổ.
Canuela ngồi xuống ghế bành và chủ nhà ngồi ghế kia.
“Cháu đến mong bà có thể giúp cháu một chuyện, bà Graham.”
“Ta có thể giúp cháu như thế nào đây? Nếu trong khả năng của ta, ta sẽ cố hết sức giúp cháu.”
Trong lúc nói, Canuela để ý thấy tia nhìn trong mắt bà nửa sợ hãi, nửa lo âu. Cô gần như kinh hoàng nhận ra có lẽ bà Graham cho rằng nàng đến mượn tiền chăng.
Cô vội nói ngay, “cháu vừa tìm được việc.” Công việc này rất tốt dù có thể không kéo dài lâu, và cháu rất lo cho mẹ cháu.
Nét mặt bà Graham dịu xuống ngay, cho nàng biết điều mình nghi ngờ là đúng.
“Cháu không muốn để mẹ cháu ở nhà một mình từ sáng sớm đến chiều tối,” Canuela giải thích, “nên cháu không biết bà có thể đến ở với mẹ cháu mỗi ngày vài tiếng không?”
“Dĩ nhiên là được, cô Gray,” bà giáo già trả lời, “ta mừng là giúp được cháu.”
“Cháu đương nhiên là sẽ gửi tiền thù lao cho bà.”
“Ta cảm thấy hân hạnh và thích thú được ở cùng mẹ cháu,” bà Graham cương quyết lập lại, “không hề liên quan đến vấn đề trả công đâu.”
“Nhưng bà hiểu cho là mẹ và cháu không muốn lạm dụng lòng tốt của bà,” Canuela vừa cười vừa nói.
Khi thấy bà Graham toan khăng khăng từ chối, cô vội nói.
“Bà là người tự trọng thì mẹ con cháu cũng thế, ngoài ra cháu muốn chia xẻ vận may có được việc làm lợi lộc như thế. Như cháu đã nói, có lẽ sẽ không lâu đâu.”
“Vậy thì cháu nên dành dụm tiền ấy cho mẹ cháu.”
“Cho cháu đề nghị như vậy nhé, cháu sẽ trả hết mọi chi phí bao gồm luôn tiền xe từ đây đến chỗ cháu ở.”
Người phụ nữ lớn tuổi mỉm cười.
“Giày da cũng đắt tiền như mua vé xe bus vậy. Cháu rất cảm kích nếu bà đi chợ dùm cháu. Nếu cháu bị chủ giữ lại trễ các cửa tiệm đều đóng cửa, và cháu không muốn để mẹ chịu đói.”
“Chuyện đó không thành vấn đề, cô Gray.”
“Nếu bà có thể nấu ăn trưa cho mẹ cháu – quan trọng là mẹ cháu cần phải ăn điều độ, bác sỹ đã dặn như thế ạ – và ăn chung với mẹ cháu cho vui, như thế cháu biết ơn lắm.”
“Ta không muốn lấy thức ăn của cô, cô Gray,” bà Graham phản đối.
“Nhưng cháu biết mẹ cháu không thích ăn một mình đâu.”
Cuối cùng bà Gram chịu nhận một số thù lao rất ít, và đồng thời Canuela hiểu là ít ra cũng giúp được bà phần nào. Bên cạnh đó đề nghị của cô cũng đem lại điều lợi đáng kể là bà không phải trả tiền ăn.
Thế nào cô cũng phải bảo đảm có dư dả café hay trà cho hai người phụ nữ thưởng thức với nhau.
Bà Arlington chấp nhận sắp xếp của con gái không hề phản đối. Canuela có cảm giác mẹ mình không còn hơi sức để phản đối bất cứ chuyện gì, ít hơn cả là những dự định có liên quan đến bà. Nhưng về phần cô, thì bà lại quá lo âu.
“Có nhiều đàn ông trong chỗ con làm việc không?”
“Khá nhiều mẹ ạ,” Canuela trả lời, “dựa vào số người con thấy khi con lên xuống thang. Nhưng mẹ đừng lo cho con. Ai mà nhìn vào cặp kính to tướng của con là không bao giờ liếc con lần nữa đâu!”
“Mẹ cũng không ngạc nhiên!” Bà Arlington bật thốt, đó là lần tiên sau biết bao lâu bà mỉm cười.
“Tháo xuống đi Canuela. Mẹ không chịu nổi thấy con nhìn như thế. Ba con luôn luôn ghét phụ nữ xấu!”
-o0o-
Ngày kế khi cô được dẫn đến văn phòng của cô, phòng này thông với phòng khách xa hoa nơi senor Lopez làm việc, Canuela thấy có cả một số lượng lớn công việc cô phải làm. Cô sửng sốt trước con số các bức điện được mã hóa hắn gửi đi và chi phí phải trả. Điện tín nhiều chi tiết có thể lên đến cả trăm bảng hoặc hơn, và hiển nhiên Canuela thấy chủ mình trong lúc này không nghiên cứu gì đến gía cả lệ phí.
Điện tín qua lại giữa Anh và Argentine nườm nượp như chim bay. Canuela đoan chắc rằng senor Lopez đang bận bịu với những thương lượng rất phức tạp liên quan không chỉ một mà gần cả chục mặt hàng.
Argentina không chỉ quan tâm đến xuất cảng thịt đông lạnh, một nền thương nghiệp đang gia tăng mỗi năm, mà còn chú ý đến việc bán khối lượng lớn len và xuất cảng ngũ cốc, lúa mì, và hạt lanh đang phát triển hàng năm . Canuela thầm nghĩ, cũng không lấy làm lạ rằng tầng lớp có đất và những nhà quản trị của các tổ chức khuyến khích thương mại càng ngày càng giàu sụ.
Và Buenos Aires đang trở thành một biểu tượng của phồn vinh.
Trước khi rời Argentian cô và mẹ phải bật cười khi nghe thấy có một số nhà đại tư bản thuê nguyên chuyến xe lửa tư để chở gia nhân và vật dụng từ biệt thự nghỉ đông đến tận nhà nghỉ mùa hè. Và một điền chủ mang sữa bò trong nông trại của mình đến tận châu Âu để bảo đảm con mình được uống đúng loại sữa ngon. Và còn nữa hội đua ngựa trên đường Florida không những là câu lạc bộ giải trí cho thành phần thượng lưu như senor Lopez mà còn là nơi sưu tập sách và các công trình nghệ thuật ba cô thường mô tả cho cô.
Tuy nhiên Canuela hiểu rằng sự thịnh vượng lại bị phân chia thiếu cân xứng nhất trong Buenos Aires, nhưng chỉ có một số rất ít người cùng đinh như dân nghèo cô thấy trong những con hẻm ở London.
Trong Argentina thực phẩm dồi dào, rẻ, và ngon. Ba cô luôn luôn nói nguyên nhân người dân trong đất nước này cao to, khỏe mạnh, và đẹp đẽ thực tế là do tổ tiên trực hệ không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy dinh dưỡng, thời tiết lạnh lẽo, và tình trạng sức khỏe yếu kém triền miên như những thành phần nghèo đói trong các khu ổ chuột bên Anh.
Nhưng giờ đây nhìn vào senor Lopez đang đọc bản báo cáo cô vừa đánh máy, Canuela thầm nghĩ tầng lớp qúy tộc của Argentine lại có hết tất cả. Thần thái ung dung của người đàn ông này trông ngạo mạn làm sao. Đó chính là điều mà cô căm ghét hắn, và đó là tại sao mắt cô tóe lửa hận thù sau làn kính đen trong khi quan sát Lopez bên kia bàn viết.
Hắn trông vô cùng tự tin, quá chắc chắn nơi bản thân mình. Không những thế lại còn giống cướp biển nữa, điệu bộ của hắn cứ như đang nhất quyết dùng vũ lực để đoạt bằng được bất cứ cái gì hắn muốn nếu không lấy được bằng cách nào khác.
Y phục của hắn được may cắt may khéo léo và rõ ràng là từ các cửa hàng sang trọng trên Saville Row. Quần áo may theo kiểu Anh và thật vừa vặn với thân hình hắn không hề thái quá, tuy nhiên trong bộ đồ đó dáng dấp hắn trông có vẻ phóng đãng dù diện mạo hắn không có một khuyết điểm nào cả.
Cô nghĩ mình có cảm giác đó chắc bởi vì hắn trông tuấn tú quá ngoài ra thêm vào tính cách vượt trội giữa bao nhiêu đàn ông khác trong phòng.
Hắn lật từng trang, từng trang báo cáo nhưng không đưa ra nhận xét nào.
Cô cảm thấy thỏa mãn quá vì vẻ mặt hắn trông thật sửng sốt khi đặt tờ giấy xuống bàn.
“Bản này rất hay, cô Gray. Tôi cứ ngỡ đây là bản nháp đầu tiên và tiếp theo còn nhiều nữa, nhưng thế này là thông qua được rồi.”
Canuela đứng lên toan đi.
Hắn không trao cho cô bản văn như cô nghĩ, thay vì thế lại hỏi.
“Cô học ở đâu mà viết được những báo cáo phức tạp quá giỏi như thế?”
Canuela lặng thinh không trả lời rồi hắn nhắc.
“Cô Gray, tôi vừa hỏi cô đấy.”
“Trong chỗ làm cũ của tôi.”
“Thế chỗ đó ở đâu.”
“Ngoại quốc.”
“Lần chót cô làm ở nước nào?”
“Portugal.”
“Cô có thể nào làm việc ở Portugal mà lại có khá nhiều kinh nghiệm về từ ngữ thương mại của Argentina sao?”
Canuela lại giữ im lặng rồi Ramón de Lopez lại nhắc.
“Cô Gray tôi hỏi cô lần nữa đấy.”
“Ông đã xem xong báo cáo rồi. Nếu bây giờ tôi đem đi thì sẽ gửi kịp chuyến kế tiếp.”
Ramón ngồi dựa lưng vào ghế.
“Nói cách khác là cô không muốn trả lời câu hỏi của tôi?”
“Không!”
“Cô cho rằng tôi không có quyền hỏi sao?”
“Mấy câu hỏi vừa rồi của ông không thích hợp với công việc của tôi ở đây.”
“Trái lại, tôi nghĩ rất thích hợp.”
Hắn ngưng một chút rồi nói tiếp.
“Cô Gray, tôi thấy tôi khá sơ xuất trong lần phỏng vấn đầu tiên giữa hai chúng ta. Một người chủ nên đưa ra những câu hỏi như thế cho người đến xin việc. Tôi cứ tưởng những thẩm vấn sơ bộ như vậy đúng ra ông Hayward phải tiến hành rồi chứ, nhưng ông ấy báo cho tôi biết cô không nói với ông ấy bất cứ điều gì về bản thân cô cả.”
“Không! Tôi không nói.”
“Tại sao không?”
“Ông ấy không hỏi tôi.”
“Vậy bây giờ cô không nghĩ tôi được quyền hỏi sao?”
“Senor, tôi hy vọng đã đáp ứng với yêu cầu công việc rồi.”
“Cô biết là cô làm rất tốt mà, cô Gray. Tôi chưa bao giờ, điều này tôi nói rất thật lòng, biết bất cứ người nào soạn báo cáo được như cô trong lần thử đầu tiên, rất thạo hoặc rất nhanh.”
Canuela cúi đầu như chấp nhận lời khen với vẻ dè dặt.
“Tôi thắc mắc về cô đấy, cô Gray. Thật là không bình thường để tìm, tôi nên nói là, người có thân thế như cô lại phải kiếm sống.”
Dường như đối với câu hỏi này trả lời cách nào cũng không an toàn, vì thế cô chỉ lẳng lặng đứng đợi.
“Cô sống ở nhà sao?”
“Tôi sống với mẹ tôi.”
“Bà ấy bằng lòng để cô ra ngoài làm việc sao?”
“Vâng.”
Từ ngữ dường như kéo mãi mới thoát ra khỏi đôi môi cô khiến Ramón bật cười khẽ.
“Cô đang muốn nói với tôi là đó không phải là chuyện của ông! Tôi biết rõ mặc dù tôi không thể nói là tôi thấy điều đó hiện lên trong mắt cô! Cô nhất định phải đeo loại kính đó sao? Đúng ra tôi nên nghĩ cặp kính đó làm cho cô làm việc khó hơn.”
“Tôi phải đeo kính.”
“Nhưng đeo cặp kính đó cô trông giống chim cú lắm, nhưng dĩ nhiên là con chim cú rất khôn ngoan. Bên Argentina có loại cú nhỏ lông màu trắng và xám tiếng kêu khá giống tiếng chim bồ câu. Loại cú đó thường kêu vào ban đêm chung quanh nhà của người ta.”
Nghe đến đây Canuela nín thở.
Đã bao nhiêu lần rồi cô từng nghe giọng hót du dương của loại chim này khi cô và ba mẹ du ngoạn đồng quê?
Trong khoảnh khắc ý nghĩ đó mang lại cho cô cảm giác nhớ nhà không cách gì chịu nổi, nhớ đến thời gian cô rất hạnh phúc và mọi vật dường như ngập tràn nắng ấm. Nào là những khoảng không rộng mở thênh thang mà chỉ cần hồi tưởng lại là đã gợi về mùi cỏ xạ hương dại, hương hoa đậu và và cỏ linh lăng.
Nhưng cô vẫn lẳng lặng không nói năng gì và sau một hồi Ramón hừ một tiếng mà cô nhận ra đấy là dấu hiệu hắn đang bực bội, Ramón chìa tờ giấy về hướng cô.
“Cô Gray, cô đi gửi báo cáo này ngay lập tức đi, khi trở lại nhớ mang theo sổ ghi chú. Tôi sẽ giao cho cô một bản văn khác dài hơn và phức tạp hơn.”
Hắn đọc cho cô ghi với một tốc độ thần kỳ và chỉ vì cô am hiểu đề tài hắn đang nói nên mới lấy nổi hết ngần ấy chi tiết bằng kiểu tốc ký riêng của mình. Đôi khi hắn đi từ bàn viết qua bên kia phòng và vẫn tiếp tục đọc trong lúc nhìn những hàng cây xanh rợp trong quảng trường St. James lưng xoay về phía cô. Hắn làm như thế để cô khó lòng nghe được lời hắn nói.
Chính vì biết được hắn đang ngầm giao chiến với cô, Canuela đánh trả. Cô không đời nào chấp nhận mình bại trận đâu, dù thỉnh thoảng không nghe được hắn nói thì cô tự nghĩ ra cách lấp vào những chỗ khiếm khuyết. Cô làm tài tình lắm nên hắn không cách nào nhận ra khi đọc báo cáo.
Khá nhiều lần hắn thừa cơ đột nhập cố dẫn dụ cho cô lỡ lời tiết lộ nhiệm sở cũ của cô ở nơi nào và cô từng làm việc cho ai, nhưng cô đã tự luyện mình để trả lời những câu hỏi của hắn chỉ bằng một từ duy nhất và giữ im lặng khi câu hỏi quá khó. Với phương pháp đó cô hả hê đắc chí biết chừng nào vì đã thắng oanh liệt trong trận đấu thầm lặng giữa hai người họ.
Giá mà không bị lôi cuốn bởi chính lòng căm ghét của mình, cô tự nhủ, thật không thể nào không ngưỡng mộ phương cách Ramón sử dụng để đoạt được những thỏa hiệp cũng như những hợp đồng lớn lao cho Argentina. Hắn điều đình không những cho sản phẩm của hắn nói riêng mà còn còn cho cả chục điền chủ , hay các điền chủ chăn nuôi. Tất cả những thành phần điền chủ này sở hữu cả hàng ngàn mẫu đất chăn nuôi phì nhiêu đang góp phần thịnh vượng cho Argentina.
Thật tuyệt diệu khi cô nhớ đến con cừu đầu tiên được đem vào Argentina chỉ vào năm 1550, và hai năm sau đó bẩy con bò cái và một con bò đực đã đặt nền móng cho số gia súc khổng lồ hiện nay đang phân tán khắp vùng đồng cỏ của xứ sở này.
Thực dân Tây Ban Nha chính là người nhận ra tầm quan trọng của các đồng cỏ hoang thích hợp cho việc nuôi gia súc. Nhưng phải mất nhiều năm các nhà chăn nuôi mới có ý định xuất cảng những sản phẩm khác ngoài việc bán da sống cho Tây Ban Nha và Brazil. Canuela vẫn nhớ được ba cô từng kể trong năm 1882 một thương nhân Argentine đã làm cách nào để cải tiến chiếc tàu thủy chở hàng, được gọi là saladero (phòng ướp muối) chở thịt khô và thịt muối cung ứng cho thị trường nội địa, thành một frigorifico (phòng lạnh). Bắt đầu từ thời điểm đó thương gia mới có phương tiện chở thịt đông lạnh sang u châu và Anh quốc.
Lionel đã phá lên cười khi thuật lại câu chuyện đó cho con gái.
“Anh quốc là vùng đất bảo thủ, nên thịt cừu lạnh đâu dễ dàng gì chạy thẳng đến các nhà bếp của người Anh được.”
“Tại sao không được hả ba?”
“Vì một nhà đại lý cung ứng London gọi là Tallerman gặp phải chống đối nghiêm trọng từ những tiệm thịt ở Manchester khi ông ta cố thâm nhập vào thị trường đó.”
“Họ đã làm gì?”
“Họ ra giá để giải quyết thịt cừu đông lạnh của Argentine có ba xu một pound! Lẽ đương nhiên đó là cách để trả lời ‘không chấp nhận’.”
“Rồi chuyện gì xảy ra?”
“Tallerman quyết định phá hỏng ý đồ của các hàng thịt bằng cách dựng lên riêng một quầy của ông ta trong chợ Knot Hill.”
Lionel mỉm cười.
“Tallerman nói rằng lúc đầu ông không có khách hàng, nhưng ông vẫn phấn chấn khi thấy một hai phụ nữ mua một hoặc nửa pound thịt và không bao lâu lại trở lại, kéo thêm bạn bè người quen đến mua.”
“Thế là người ta bắt đầu truyền miệng?” Canuela thích thú kêu lên.
“Đúng như thế! Cái năm mà Tallerman cho các hàng thịt đo ván, trên 17,000 con cừu đông lạnh được nhập cảng từ Argentina vào Anh. Sáu năm sau việc mua bán này đã tăng đến 900,000 con.”
“Thật là kết quả tốt đẹp!” Canuela thốt lên. Cô hiểu là tổng số đang tăng không thể ngờ được hàng năm và những hợp đồng của Ramón de Lopez sẽ làm cho Argentina giàu hơn bao giờ so với trước đó.
Và công việc cô đang làm thú vị làm sao, không chỉ vì cô luôn hứng thú với những con số và tính toán, nhưng chính là vì khi làm việc cô có thể hình dung những bầy gia súc đông đảo đang lan tràn khắp miền đất dưới ánh nắng vàng ấm áp. Giữa những đàn bò hay cừu là các tay chăn bò đang cưỡi ngựa thật tài tình cứ như người và ngựa là một, tay họ đang bập bập điếu xì gà và chân đeo đinh thúc ngựa bằng bạc to tướng, dáng dấp cũng cao ngạo như đặc tính của Ramón de Lopez.
Khi tối về nhà có một điều cô rất lấy làm hài lòng rằng có thể trả lời mẹ cô một cách thành thật là không có người nào tỏ thái độ thiếu ân cần đối với cô. Bởi vì cô chỉ làm dưới quyền của senor Lopez nên các thư ký trong sở đều đối xử một cách tôn trọng và giữ khoảng cách với cô. Các qúy ông, thương gia, và mọi người đàn ông khác đến tiếp xúc với Ramón nhiều lần trong ngày không bao giờ nhìn đến cô lần thứ hai.
Đêm đến cô cảm thấy thanh thản hơn vì không phải đeo kính, và không cần bới tóc. Lúc đó cô cứ để tóc xõa. Những lọn tóc buông xuống vai thành những gợn sóng mềm mại tuyệt đẹp như thể vui mừng vì thoát khỏi búi tóc tù túng trong ngày. Có một tối cô nhìn bóng mình trong gương trước khi đi ngủ và vô tình tự hỏi nếu cô không cải trang Ramón có nghĩ cô quyến rũ không.
Trong số những nhiệm vụ Ramón giao cho cô sau khi cô đến làm cho hắn đôi ba ngày không những phải đặt mua cơ man là hoa để hắn gửi cho phụ nữ mà còn mua cả quà cáp cho họ. Canuela phải ra những cửa hiệu trên đường Bond, nơi hắn có tài khoản cố định, lễ mễ khuân về hàng lô những lọ nước hoa Pháp to tướng, hay là cả tá găng tay dài, hay xách tay bằng satin.
Với cô bạn này của hắn thì quà tặng là cái dù có cán cẩn đá qúy, với người khác thì là kính để xem ca kịch có gọng bằng vàng và đồi mồi.
Hắn có vẻ rất tin cậy nhãn quan của cô, vì có một buổi chiều hắn gọi cô vào trong phòng, trên bàn của hắn cô thấy bày một lô vòng đeo tay kim cương lóng lánh, mỗi cái nằm trong hộp dài lót nhung.
“Tôi cần cô cho ý kiến, cô Gray. Tôi đang chọn một món quà khá đặc biệt và không muốn có sơ xuất nào. Trong mắt nhìn của phụ nữ cô sẽ chọn món nào?”
Canuela ngắm những món nữ trang và nhận ra mấy món này chắc phải lên đến con số thiên văn. Theo cô thấy nhiều cái kiểu trang nhã nhưng còn lại thì rườm rà hào nhoáng.
Cô nhìn một hồi rồi lên tiếng.
“Senor, vấn đề này thì tùy thuộc rất nhiều vào người được tặng quà.”
Hắn trừng mắt nhìn cô.
“Cô nói vậy là có ý gì?”
“Thì chính xác như tôi nói,” Canuela lạnh lùng đối đáp. “Đối với diễn viên hay người nào thích được chú ý thì mấy cái bên tay phải ông là thích hợp nhất, còn với các công nương qúy phái thì bên trái.”
“Cô rất có nhận thức đấy, cô Gray. À cô có thắc mắc xem tôi sẽ chọn món nào không?”
“Chuyện đó không liên quan đến tôi, senor.” Rồi không đợi hắn trả lời ra sao hay xin phép ra ngoài, cô bước một mạch ra khỏi phòng và đóng cửa lại.
Dường như cô cảm thấy hắn cố tình khiêu khích cô thì phải, và cô lại có cớ để ghét hắn dữ dội hơn nữa. Tuy nhiên cô lại nhận thấy không thể nào không nghĩ đến hắn, không nhận thức rõ rệt về hắn ngay cả trong lúc cô làm việc ở phòng kế bên.
“Mình hy vọng công việc này sẽ không lâu.”
Nhưng đến cuối tuần cô không cách nào ngăn được cảm giác choáng ngợp trước số tiền to tát lĩnh được. Ramón de Lopez thực sự đã giữ cô ở lại trễ trong ba dịp. Số tiền phụ trội đã khiến lương của cô tăng lên đáng kể, nhưng trong thoáng chốc cô lại dự định nói với hắn cô không muốn nhận. Khi đó cô hỏi hắn có thể về nhà lúc năm giờ, cô cũng chẳng nghĩ chuyện gì trong đầu ngoài việc không muốn để mẹ cô ở nhà một mình. Chính vì hắn đã cho rằng cô cứ tỏ ra khó khăn vì lý do vụ lợi, nên bây giờ cô sẽ lấy tiền không màng nói năng gì về chuyện đó cả.
Nếu hắn thấy cô kinh ngạc vì số tiền lớn thì có vấn đề gì chứ?
Cô đã kiếm từng xu một rất đích đáng, chứ đâu có ngồi mát ăn bát vàng, bởi vì cô thành thạo trong nghề hơn bất cứ người nào khác mà hắn có thể tìm được ở Anh.
Có nhân viên nào không cần phải giải thích và đọc một cách chính xác cho họ những từ đặc biệt của Argentine được sử dụng trong các thư từ gửi cho Điền chủ và bộ thương nghiệp ở Buenos Aires?
Có nhân viên nào hiểu được dễ dàng những cách nói và từ ngữ không thuần tuý Tây Ban Nha nhưng là từ mới không những được thu nhận từ tay chăn bò mà còn từ các sắc dân định cư đến Argentina sau khi quân xâm lăng Tây Ban Nha rời khỏi?
Dân Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, người Nga gốc Do Thái, và Đức. Tất cả các sắc dân này đều đóng góp những nét riêng của họ vào tiếng Tây Ban Nha dùng ở Argentina.
“Hắn may mắn lắm mới thuê được mình!”
Tuy thế cô vẫn cảm thấy một chút ân hận khi về nhà gặp mẹ với số tiền nhiều hơn bất cứ phụ nữ nào kiếm được trong thời gian ngắn như vậy.
Không cần ai nói cô cũng biết chắc Ramón người thành công trong London. Mỗi ngày thiệp mời từ khắp các nơi quan trọng nhất đều để sẵn trên bàn cho cô phân loại, và hỏi chỉ thị của hắn.
“Ông có muốn dùng cơm tối với thủ tướng vào thứ tư không?” Đấy là một trong những câu cô phải hỏi để xin ý kiến hắn.
“Tôi nghĩ chắc tôi phải đi.”
“Tối hôm sau có buổi chiêu đãi ở bộ ngoại giao.”
“Tiệc đó tôi khó mà trốn được.”
Trong số những thiệp mời có tính cách giao thiệp cũng có nhiều thư từ chủ yếu là cá nhân. Có lần Canuela sơ ý mở một lá thư và đọc luôn dòng đầu trước khi kịp nhận ra thư đó viết những gì khiến mặt cô đỏ bừng.
Chao ôi, nội dung đó nhất định không phải dành cho cô rồi!
Không may cô đã dùng dao rọc ra nên chẳng còn cách nào khác là phải bỏ thư vào lại phong bì rồi đặt lên bàn của Ramón de Lopez. Sau lần đó cô vô cùng cẩn thận tránh những lá thư có hơi hướng phụ nữ. Vài cái có ướp nước hoa thì dễ nhận ra, nhưng cô đã trở nên tinh mắt hơn với chữ viết phái nữ và đặt những thư này trên bàn thấm mực của hắn và coi như là hắn phải đích thân lo vấn đề đó.
Đôi khi cũng có tin nhắn mang tới bởi gia nhân sắc phục bảnh bao đang đợi hồi âm bên ngoài.
Ramón cũng bắt đầu ra lệnh cho cô đặt bàn ăn tối ở nhà hàng, mua vé xem kịch, và phải lo liệu cho xe đến chở khách của hắn đi hay về nếu hắn đang bận hay quá lười không tự đón đưa được.
Cũng không khó mấy Canuela biết được hắn đang để ý đến Sylvia Standish, một vũ công trình diễn ở nhà hát Gaiety. Hết đêm này đến đêm khác cô phải kêu xe đợi ngay cửa rạp đợi buổi diễn chấm dứt. Sylvia Standish là một ngôi sao sáng trong tiết mục hài của rạp gọi là Don Juan, cái tựa này Canuela nghĩ sao mà thích hợp thế không biết. Cô ta đẹp như các nữ nhân vật trong truyện thần thoại quyến rũ mọi người bằng vẻ duyên dáng, nét khêu gợi thầm, và dáng dấp uyển chuyển của mình.
Ngoài cô vũ công lại có một nữ diễn viên Pháp tên là René Lefleur. Không cần ai nói thì cô cũng hiểu người nghệ sỹ này đã thu hút senor Lopez. Có một lần cô ta đến tận văn phòng gặp hắn, René gương mặt có duyên, miệng rộng môi dầy gợi cảm, giọng nói đặc biệt khiến mọi điều cô ta nói đều có vẻ quyến rũ. Y phục của cô ta được chọn lựa nhằm lôi cuốn chú ý tối đa, người đeo đầy trang sức bằng kim cương đến chóa cả mắt.
Từ văn phòng của mình Canuela vẫn nghe được Ramón và René cười thỏa thuê trong căn phòng kế bên khiến cô phân vân không hiểu có chuyện gì thú vị mà họ cười như thế. Sau khi cô ta đi mùi nước hoa lạ lùng ta vẫn còn vương lại một lúc lâu.
Ramón có một bàn lúc nào cũng dành sẵn cho hắn ở nhà hàng Romano trên đường Strand. Đó là một nơi ăn tối nhộn nhịp, nơi mà ba cô thường kể đùa với mẹ cô rằng có lần ông đưa một nữ diễn viên đóng vai chính đến dùng bữa. Nhưng ông thót cả tim vì cô diễn viên đó kêu nhiều món đắt tiền quá, khiến ông phải chật vật biết bao nhiêu để thanh toán hóa đơn.
Còn nhiều nơi nữa như hộp đêm, nhà hàng ăn tối mà Ramón hiển nhiên thấy thú vị nhưng Canuela cũng không chắc nếu có các quý cô đến đó dùng bữa.
Dựa vào các cuộc giao thiệp của hắn Canuela nghĩ rằng hầu hết các nữ diễn viên ở London đều cảm thấy hắn quyến rũ đến xiêu lòng. Hắn đào hoa nhưng rất khác xa với các loại vương tôn công tử đồi trụy trác táng, những kẻ thường chờ chực ngay cửa rạp hát đợi diễn viên và tổ chức những buổi tiệc tùng xa hoa, trong những chốn đó có kẻ còn uống rượu rót vào hài satin của phụ nữ.
Đôi khi Canuela tự hỏi phải chi cô được thưởng thức những vũ hội ở London trong năm nay, nếu ba cô về Anh nghỉ phép thì cô sẽ được mời. Cô sẽ được đến hoàng cung diện kiến, đeo ba cánh lông trắng của Hoàng tử xứ Wales trên đầu và mặc chiếc áo trắng có gắn thêm một vạt dài buông từ trên vai xuống. Cô sẽ diện kiến cùng với nhân viên ngoại giao đoàn. Họ luôn luôn được hành lễ trước nhất với Nữ hoàng trong vũ hội tại điện Buckingham.
Trong các dạ tiệc cô có thể gặp gỡ những thiếu nữ cùng trang lứa, tất cả đều có cha mẹ tháp tùng. Rồi cô được khiêu vũ với các thanh niên đến tuổi thành hôn, những anh chàng trai trẻ thường tụ họp đông đảo mỗi tối trong khách sảnh khiêu vũ của các biệt thự trên đường Park mà trong số đó Hoàng tử và Công chúa xứ Wales sẽ là các vị khách danh dự được trọng vọng nhất.
Dù cho cương quyết đến đâu cô cũng không nén nổi tiếng thở dài khe khẽ. Giá mà Mỹ đừng cho việc có được căn cứ hải quân trong Argentina là một ý kiến hay thì mọi chuyện đã khác biệt đến dường nào.
Nhưng rồi cô kiên quyết tự nhủ là mơ mộng lãng đãng chẳng đưa mình tới đâu.
“Tôi còn phải chăm sóc mẹ. Tôi phải làm cho mẹ tôi khoẻ lại. Biết đâu ngày nào đó mẹ có thể gặp lại bạn bè.”
Canuela thầm nghĩ, việc này đối với mẹ cô còn tệ hơn là đối với cô bởi vì bà Arlington luôn luôn thích sinh hoạt hội hè. Bà từng là vị nữ chủ nhân khả ái thành thạo trong việc giao tiếp. Nhìn trở lại, Canuela gần như không nhớ được có lấy một ngày mà không có khách đến tiêu khiển ở nhà của họ trong Madrid, Lisbon, hay Buenos Aires. Cô đoan chắc hầu hết bạn bè cha mẹ cô sẽ không tin những lời buộc tội phỉ báng ba cô trên báo chí, và họ sẽ ân cần niềm nở đón tiếp người vợ góa của bạn họ. Nhưng cô hiểu rõ mẹ cô sẽ không bao giờ muốn đặt bà vào hoàn cảnh ngượng ngùng hay bị mất thể diện gây ra bởi những người từng tiên đoán ba cô sẽ trở thành nhà ngoại giao trẻ nhất và lỗi lạc nhất của Đại sứ Anh ở u châu.
“Trèo càng cao thì ngã càng đau!” Cô cay đắng thầm nhủ. Và cô biết cô sẽ hả dạ biết bao nhiêu nhìn thấy cái ngày Ramón de Lopez sẽ sụp đổ!
Cho đến nay cô đã đi làm được ba tuần và cô có cảm giác mẹ mình đã bắt đầu khởi sắc. Bà Graham quả là người tài ba. Bà là một phụ nữ thông minh nên bà Arlington rất thích trò chuyện cùng bà. Hai người phụ nữ đúng là có nhiều điểm tương đồng. Thấy thế Canuela cũng nhẹ lòng. Mỗi ngày cô quá mệt mỏi chật vật suốt thời gian đón xe bus, nếu hôm nào xe đông khách không còn chỗ cô phải cuốc bộ cả nửa đoạn đường về nhà, nên thật là quá tốt khi về đến nơi đã thấy bà Graham sắp đặt mọi thứ ngăn nắp chu đáo. Thường thường bà cũng để phần cơm cho Canuela nên cô khỏi phải tự nấu nướng cho mình. Giường mẹ cô đã được trải lại và mẹ cô chỉ việc nằm trên gối đợi nghe Canuela kể chuyện làm trong ngày.
Canuela sớm nhận ra mẹ cô đã tự tôi luyện giữ lòng cứng rắn khi nghe tin tức Argentina – thật ra bà còn muốn bàn luận về việc đó là khác. Chỗ cô làm có rất nhiều báo và tạp chí, nên lúc nào cô cũng có những mẩu tin về bạn bè cũ đem về nhà kể cho mẹ. Nào là các em bé chào đời, người này người nọ làm đám cưới, và bà Arlington càng lúc càng thích thú nghe về cuộc sống mà bà từng đóng một vai trò quan trọng trong đó.
Rồi có một tối, khi Canuela vừa chuẩn bị ra về thì nghe tiếng chuông Ramón gọi cô. Lúc bước vào phòng của hắn cô thấy hắn đứng tựa lưng vào thành lò sưởi. Cô tiến thêm một chút và đứng đấy đợi hắn nói. Ngay lúc đó cô thấy trong tay hắn có một bức điện. Cô nhận ra điện tín đó không giao trực tiếp cho cô, để sau đó cô đem qua cho hắn đọc. Canuela mơ hồ thầm đoán chắc bức điện chuyển đến khi hắn vừa vào hành lang, nên tiện tay đem lên đây.
“Tôi phải về lại Buenos Aires cuối tuần này!”
Canuela đã chuẩn bị tinh thần rằng sớm hay muộn gì hắn sẽ nói với cô chuyện này, nhưng khi thời điểm tới thì cô lại bất chợt cảm thấy nuối tiếc. Thật quá khó khi nghĩ đến cô không còn được lĩnh lương hậu hĩnh nữa và lại phải quay về văn phòng Brewstead tìm việc khác.
“Cô không tỏ ra buồn rầu chút nào khi nghe tôi sắp đi sao?” Ramón hỏi cô, giọng thoáng châm biếm.
Canuela nhận ra nếu mình cứ giữ im lặng thì có vẻ khiếm nhã, nhưng cô chỉ nghĩ cho bản thân cô thôi.
“Tôi xin lỗi,” cô lẳng lặng nói, “nhưng tôi biết là có ngày ông sẽ rời khỏi đây.”
“Tôi muốn cô đi chung với tôi!”
Trong thoáng chốc cô cứ tưởng mình nghe lầm, rồi cô vội nói.
“Không thể nào!”
“Tại sao không thể chứ?” hắn vặn hỏi. “Tôi có cả núi các bản báo cáo tường trình phải viết trên đường đi, và cô biết rõ cũng như tôi là ngoài cô ra không có ai làm được chuyện đó.”
“Tôi rất tiếc, nhưng tôi không thể đi với ông.”
“Tại sao không?”
Thấy Canuela không trả lời hắn nói tiếp.
“Tôi hiểu được, khi cô kể với tôi cô đang sống với mẹ cô, rằng cô phải chăm sóc cho mẹ bằng đồng lương của mình. Tôi sẽ lo liệu chuyện đó, mẹ cô không phải vất vả khi cô đi vắng.”
“Tôi không dự định làm như vậy!” Canuela cương quyết phủ nhận.
“Nếu tôi chịu trách nhiệm với mẹ cô,” Ramón khăng khăng yêu cầu, “chắc chắn cô sẽ có thời gian rảnh để đi với tôi chứ, chỉ đi xa đến Buenos Aires là cùng?”
“Không được!”
“Thật là chết tiệt!” hắn đột ngột nói bằng giọng cáu kỉnh, “tại sao cô cứ phải khó khăn như thế? Bất cứ người phụ nữ nào đồng tuổi cô đều sẽ nhảy lên mừng rỡ trước cơ hội được ra ngoại quốc, ngắm thế giới bên ngoài, đi du lịch trong xa hoa.”
“Hoàn toàn không có vấn đề tôi đi với ông,” Canuela trả lời thẳng, rồi không đợi hắn nói thêm cô bước ngay ra khỏi phòng.
Bất chợt cô có cảm giác thôi thúc muốn thoát khỏi chỗ này – được ở nhà trong lúc này. Cô hầu như cảm thấy hắn đang thò tay ra với cô bằng những cái vòi như bạch tuộc khiến cô không bao giờ có thể trốn thoát.
Cô biết quá rõ hắn tính tình hắn kiên định như thế nào rồi khi muốn đoạt những thứ khó lấy. Hắn đâu có nói sai rằng không có ai, ở bất cứ giá nào trong văn phòng của hắn, có khả năng thực hiện những việc cô làm cho hắn trên chuyến hành trình.
Nhưng ý nghĩ đi chung với hắn thì là điều không tưởng. Thứ nhất, cô không thể để mẹ ở nhà một mình. Thứ hai, làm cách nào mà cô về lại Buenos Aires đây?
Không hiểu sao vì e ngại Ramón cứ khăng khăng đòi hỏi, Canuela cảm thấy không đến sở nổi hôm sau. Thế nào cô sẽ viết thư cho ông Hayward nhắn ông ta gửi cho cô tiền lương cô chưa lĩnh, hay có lẽ cô chịu thiệt thòi cũng được.
Rồi nghĩ lại cô biết mình cần tiền, cần cho mẹ nên phải trở vào làm. Chỉ còn vài ngày nữa thôi và dù cho hắn có gây sự với cô, thậm chí cố dụ cô đến cỡ nào đi nữa, hắn sẽ không làm gì được cô nếu cô tiếp tục từ chối.
“Đương nhiên là hắn sẽ nhớ tôi rồi, chuyện đó thì tôi vui lắm.” Nhưng đồng thời cô cũng phân vân không biết hắn có nhớ các bà các cô mà hắn bỏ nhiều thời gian ở chung trong lúc hắn ở Anh không. Rồi cô lại liên tưởng đến những món quà cô mua cho họ. Đôi khi những món này được gửi đến các tiểu thư công nương trong xã hội thượng lưu và gương mặt qúy phái xinh đẹp của người nhận đó thường xuất hiện trên các tạp chí thời trang.
Cố không chú ý, cố tự bảo mình đấy không phải là chuyện của cô, tuy thế Canuela vẫn thấy khó lòng không ngắm những tấm ảnh ấy hay nhớ đến những cái tên đó.
Trời đang mưa khi cô bước xuống xe bus đông nghẹt và đi chặng cuối về nhà. Đột nhiên cô cảm thấy chán nản một cách không ngờ khi đến gần khu phố nghèo nàn nơi hai mẹ con cô đang sống và nhìn thấy cánh cửa trước tồi tàn phải cần sơn lại của chung cư.
“Chào buổi tối, bác sỹ Lawson,” cô thốt lên chào.
“Cô Gray tôi mong cô về trước khi tôi đi. Tôi có chuyện muốn nói với cô.”
Canuela nghĩ ông sẽ quay vào phòng, nhưng thay vì thế lại bước ra cầu thang và đóng cửa lại.
“Tôi đến vì mẹ cô có bệnh.”
Canuela khẽ thở dốc.
“Có chuyện gì xảy ra hả bác sỹ?”
“Hiện tại bà ấy không sao. Tôi đã đến thăm bệnh lúc sáng sớm.”
“Sao ông không cho tôi biết? Mẹ tôi biết sở làm của tôi ở đâu mà.”
“Tôi đã làm cho bà ấy thoải mái rồi, và chiều nay tôi trở lại với một bác sỹ chuyên môn.”
Canuela gỡ kính xuống. Mắt cô như dán vào gương mặt của bác sỹ, và mặt thì tái nhợt.
“Mẹ tôi có chuyện gì sao?” cô hỏi bác sỹ, câu hỏi của cô chỉ là tiếng thì thào.
“Tôi sẽ nói thật với cô. Mẹ cô mắc bệnh lao phổi. Tôi đã nghi điều này và giờ bác sỹ chuyên môn đã xác định chẩn đoán của tôi.”
Canuela lại thở dốc và bác sỹ nhẹ nhàng nói.
“Tình trạng cũng không xấu lắm và bà ấy vẫn còn hy vọng cứu được nếu có khả năng cho bà ấy được điều trị thích đáng.”
“Ở đâu?” Giọng Canuela nhỏ rứt.
“Bác sỹ chuyên môn nói rằng bà ấy phải đi Thụy Sỹ ngay lập tức,” bác sỹ Lawson trả lời, “ông ấy rất tự tin giới thiệu một trung tâm trị liệu trên núi. Khi bà ấy tới đó, ông ấy nghĩ có lẽ khoảng ba tháng vết nám trên phổi bà ấy sẽ lành lại.”
Canuela thở thật sâu.
“Điều trị như thế tốn phí... bao nhiêu?” Cô gần như không ép nổi mình hỏi câu đó vì biết quá rõ cho dù tiền trị liệu có ít cỡ nào, thế nào cũng nhiều vượt hẳn số tiền dành dụm ít ỏi của mẹ con cô.
“Tôi đã đoán trước cô sẽ hỏi thế,” bác sỹ Lawson nói một cách nghiêm trọng. “Tôi đã cân nhắc điều này, bao gồm chi phí đi đường và thuốc men ít ra cô cần có 200 bảng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.