Tên Tôi Là Đỏ

Chương 46:




TÔI SẼ BỊ GỌI LÀ KẺ SÁT NHÂN
Phần 1
Các vị có thể xác định được tôi là ai qua cách tôi vẽ một con ngựa không?
Ngay khi nghe nói tôi được mời vẽ một con ngựa, tôi biết ngay đây chẳng phải cuộc thi gì ráo: Chúng muốn bắt được tôi qua bức vẽ này. Tôi biết rất rõ rằng những bức phác thảo ngựa mà tôi vẽ trên giấy thô đã được tìm thấy trên thi thể của Zarif Kính mến tội nghiệp. Nhưng tôi chẳng có sai sót hay phong cách nào để chúng có thể phát hiện ra tôi qua những con ngựa tôi đã vẽ. Tuy tôi có thể hoàn toàn tin chắc điều này, nhưng tôi vẫn hoảng loạn khi vẽ con ngựa đó. Liệu tôi đã làm điều gì có thể tố giác mình khi vẽ ngựa cho Enishte không? Lần này tôi phải vẽ một con ngựa mới. Tôi nghĩ đến những chuyện hoàn toàn khác. Tôi "kìm hãm" chính mình và trở thành một người khác.
Nhưng tôi là ai? Phải chăng tôi là một họa sĩ, kẻ có thể trấn áp thứ tuyệt tác mà mình thừa khả năng thực hiện để thích nghi với phong cách của họa xưởng, hay một họa sĩ có thể một ngày kia miêu tả thành công con ngựa sâu thẳm trong hồn mình?
Đột nhiên và với nỗi kinh hoàng, tôi cảm nhận được sự hiện hữu của nhà tiểu họa thành công đó trong tôi. Tình trạng này cứ như tôi đang bị quan sát bới một linh hồn khác, và tóm lại, tôi thấy hổ thẹn.
Tôi lập tức hiểu rằng mình không thể ngồi lại trong nhà, thế là tôi lao ra ngoài, bước đi mạnh mẽ theo những con phố tối đen. Như thủ lãnh Osman Baba viết trong cuốn "Cuộc đời các thánh," nếu một kẻ khổ tu đích thực muốn thoát được con quỷ trong tim, anh ta phải rảo khắp nơi suốt cuộc đời mình mà không ở lại quá lâu bất cứ chỗ nào. Sau khi lang thang từ thành phố này sang thành phố khác suốt sáu mươi bảy năm, anh ta quá mệt mỏi với việc miệt mài chạy nên đành chịu thua Quỷ sứ. Đó là độ tuổi mà các tiểu họa bậc thầy đạt tới kiếp mù, hoặc cõi tối đen của Allah, độ tuổi mà họ ngẫu nhiên đạt tới một phong cách, đồng thời giải phóng mình khỏi mọi phát biểu về phong cách.
Tôi lang thang qua khu chợ gà ở Bayazid, qua quảng trường trống trơn ở chợ nô lệ, giữa mùi thơm dễ chịu của các cửa hàng bán bánh bột gạo và xúp, cứ như đang tìm kiếm. Tôi đi ngang qua khung cửa đóng kín của những tiệm hớt tóc, tiệm giặt ủi quần áo, một ông bà chủ lò bánh mì đang đếm tiền và ngước lên nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên; tôi đi qua một tiệm tạp phẩm đầy mùi dưa rau cải và cá muối, và bởi mắt tôi chỉ bị thu hút vì màu sắc nên tôi bước vào một cửa tiệm dược thảo và tạp hóa nơi người ta đang cân món gì đó, và dưới ánh đèn tôi nhìn say mê, theo kiểu người ta nhìn những người yêu dấu, những túi cà phê, gừng, quế và nghệ, những hộp sặc sỡ đựng nhựa cây nhũ hương, hột hồi hương tỏa mùi từ trên kệ, những đống rau ngổ nâu và đen. Đôi lúc tôi muốn nhét hết mọi thứ vào miệng; có khi tôi muốn lấp kín trang giấy bằng một bức tranh vẽ mọi tạo vật.
Tôi bước vào nơi tôi đã dùng bữa no nê hai lần trong tuần rồi, mà tôi đã tự đặt tên là nhà bếp nấu xúp cho lũ dân đen - thực ra, gọi là "bọn cùng đinh" thì chắc thích hợp hơn. Nó mở cửa đến nửa đêm cho những khách quen. Bên trong có vài kẻ khốn khổ ăn mặc như bọn ăn trộm ngựa hay những người vừa trốn khỏi giàn xử giảo, một bộ đôi tội nghiệp mà vẻ u sầu và tuyệt vọng đã khiến hình ảnh của họ trôi tuột khỏi thế giới này để đến những thiên đàng xa xôi như thường thấy ở những con nghiện thuốc phiện; hai gã ăn xin mà ngay cả việc giữ được cung cách cái bang cũng là khó nhọc; và một thanh niên quý phái ngồi trong một góc tách khỏi đánh đông, tôi lịch sự chào ông đầu bếp người xứ Aleppo. Múc đầy bắp cải nhồi thịt vào tô, tôi rưới sữa chua và rắc thêm một nắm ớt xắt lát lên trên trước khi đến ngồi cạnh chàng thanh niên quý phái.
Mỗi đêm một nỗi buồn lại tràn ngập tôi, một nỗi thống khổ trùm lấy tôi. Ôi, các anh em của tôi, các huynh đệ thân mến của tôi, chúng ta đã bị đầu độc, chúng ta đang thối rữa, hấp hối, chúng ta vắt kiệt chính mình khi ta sống, chúng ta chìm tận cổ trong thống khổ... Có những đêm, tôi mơ thấy hắn từ giếng trồi lên và săn đuổi tôi, nhưng tôi biết chúng ta đã chôn hắn rất sâu dưới lòng đất. Hắn không thể đội mồ sống dậy.
Chàng quý phái, người mà tôi tưởng chỉ chúi mũi vào món xúp và quên hết thế giới chung quanh, đã khởi đầu một cuộc trò chuyện. Có phải đây là một dấu hiệu của đấng Allah? "Phải," tôi đáp, "họ đã nghiền thịt tới một độ nhuyễn đúng mức, món bắp cải nhồi thịt này thật vừa ý tôi." Tôi hỏi thăm anh ta: Anh vừa tốt nghiệp một học viện khốn khổ giá hai mươi đồng bạc một ngày và được nhận làm thư ký dưới sự bảo trợ của Tổng trấn Arifi. Tôi không hỏi anh ta tại sao vào giờ khuya khoắt này anh ta không có mặt tại dinh tổng trấn. Ở thánh đường hoặc ở nhà riêng trong vòng tay của vợ yêu, mà lại chọn có mặt ở cái nhà bếp lề đường đầy bọn du đãng không vợ con này. Anh ta hỏi tôi từ đâu đến và làm nghề gì. Tôi suy nghĩ một lát.
"Tôi tên là Bihzad. Tôi từ Herat rồi Tabriz lưu lạc tới đây. Tôi đã vẽ những bức tranh tráng lệ nhất, những tuyệt tác khó tin nhất. Ở Ba Tư và Ẳ Rập, trong mọi xưởng làm sách nghệ thuật nơi người ta làm minh họa, người ta đã nói thế này về tôi cả mấy trăm năm nay: Cái này trông thật quá, giống y tác phẩm của Bihzad."
Dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề. Tranh của tôi thể hiện những gì tâm trí - chứ không phải con mắt - nhìn thấy. Hội họa, như các vị biết quá rõ rồi đấy, là bữa tiệc cho con mắt. Nếu các vị kết hợp được hai ý tưởng này thì thế giới của tôi sẽ xuất hiện. Nghĩa là:
ALIF: Hội họa đem những gì tâm trí thấy được vào cuộc sống, như một bữa tiệc cho con mắt.
LAM: Những gì con mắt nhìn thấy được trong thế giới này sẽ đi vào hội họa tới mức nó phục vụ cho tâm trí.
MIM: Sau đó cái đẹp là con mắt khám phá ra những gì mà tâm trí đã biết trong thế giới này.
Liệu anh chàng tốt nghiệp học viện khốn khổ có hiểu được luận lý này, điều mà tôi đã rút ra được bằng cảm hứng chớp nhoáng từ sâu thẳm tâm hồn, hay không? Tuyệt đối không. Tại sao? Bởi vì, tuy các vị đã mất ba năm ngồi dưới chân một vị hoja, người giảng những bài học tại một trường tôn giáo hẻo lánh đâu đó với giá hai mươi đồng bạc một ngày - hiện nay với số tiền đó các vị có thể mua được hai chục ổ bánh mì - nhưng các vị vẫn không biết được Bihzad là tay cha căng chú kiết nào. Hiển nhiên là ông Hoja Kính mến hai mươi đồng một ngày kia cũng chẳng biết Bihzad là ai. Được rồi, để tôi giải thích cho. Tôi nói:
"Tôi đã vẽ mọi thứ, tất tần tật mọi thứ: đấng Tiên tri của Chúng ta tại thánh đường ngồi cùng bốn trưởng giáo của Người trước hốc cầu kinh màu xanh lá cây; trong một cuốn khác, Tông đồ và Tiên tri của Thượng đế bay lên bảy tầng trời trong đêm Thăng thiên; Alexander trên đường tới Trung Hoa vỗ vào cái trống ở một đền thờ ven biển để xua một con quái vật đang nổi bão khuấy động biển cả; một vị vua vừa thủ dâm vừa nhìn trộm những mỹ nữ ở hậu cung đang bơi trần truồng dưới hồ tắm trong khi nghe đàn luýt; một đô vật trẻ chắc chắn chiến thắng sau khi học được mọi đòn thế của sư phụ, nhưng rồi lại bại trận trước mặt nhà vua dưới tay chính sư phụ bởi ông này đã giấu lại một miếng đòn cuối cùng; Leyla và Mejnun lúc còn nhỏ quỳ gối trong phòng học với những bức tường được trang trí cực đẹp, phải lòng nhau khi cùng đọc kinh Koran; sự bất lực của những tình nhân, từ những kẻ bối rối nhất đến những cặp ngu xuẩn nhân không dám nhìn vào mắt nhau; kiến trúc từng viên đá một của cung điện; việc trừng phạt kẻ có tội bằng tra tấn; đường bay của lũ chim ưng; những con thỏ vui chơi; những con cọp phản trắc, những cây bách và tiêu huyền làm chỗ trú cho bọn ác là; Thần chết; những thi sĩ đang đua tài những bữa tiệc mừng chiến thắng; và những người như anh chẳng nhìn thấy gì ngoài món xúp trước mặt mình."
Anh thư ký dè dặt không còn sợ hãi nữa, anh ta thậm chí còn thấy tôi thú vị và đang mỉm cười.
"Vị Hoja Kính mến của anh hẳn đã đọc cuốn này, rồi anh sẽ biết" tôi nói tiếp. "Có một chuyện tôi rất thích trong pho Bostan 1 của Saadi. Anh biết chuyện đó mà, Vua Darius lạc khỏi đám tùy tùng trong một chuyến đi săn và bắt đầu lang thang qua những ngọn đồi. Bất ngờ, một kẻ lạ trông đáng ngại có chòm râu dê xuất hiện trước mặt vua. Nhà vua hoảng sợ thò tay lấy cung tên quàng trên mình ngựa, nhưng kẻ lạ liền cầu xin: "Tâu Hoàng thượng của thần, khoan hãy bắn tên. Làm sao mà bệ hạ không nhận ra thần? Hạ thần không phải là tên chăn ngựa của Hoàng cung từng được bệ hạ giao phó cả trăm con ngựa lớn nhỏ đó sao? Hoàng thượng đã thấy hạ thần biết bao lần rồi? Thần biết rõ tính nết và khí chất của cả trăm con ngựa của Hoàng thượng, thậm chí thuộc cả màu lông của từng con nữa. Nên tại sao Hoàng thượng lại không lưu ý tới chúng thần, những tôi tớ dưới quyền của Người, kể cả những kẻ hèn như thần mà bệ hạ gặp mặt thường xuyên như thế?"
Khi vẽ cảnh này, tôi mô tả những con ngựa đen, nâu và trắng - được anh chăn ngựa chăm sóc ân cần trên một đồng cỏ xanh ngắt điểm đầy hoa với đủ màu sắc mà ta có thể tưởng tượng ra - với vẻ hạnh phúc và bình yên đến độ những độc giả đần độn nhất cũng hiểu được bài học trong câu chuyện của Saadi: cái đẹp và bí ẩn của thế giới này chỉ hiện ra qua cảm tình, sự chú ý, quan tâm và đam mê; nếu các vị muốn sống trong thiên đàng đó nơi những con ngựa hạnh phúc đang sống, hãy mở to mắt và thực sự thấy được thế giới này bằng cách chú ý đến những màu sắc, chi tiết và sự trớ trêu của nó.
Môn đồ của vị hoja hai mươi đồng bạc vừa thú vị vừa hoảng sợ vì tôi. Anh ta muốn buông thìa mà bỏ chạy, nhưng tôi không cho anh ta cơ hội.
"Đấy là cách mà Bihzad, bậc thầy của các bậc thầy, đã miêu tả nhà vua, anh mã phu và các con ngựa trong bức tranh đó, tôi nói. "Suốt hàng trăm năm các nhà tiểu họa không ngừng mô phỏng những con ngựa đó. Mỗi con ngựa xuất phát từ trí tưởng tượng và tâm hồn của Bihzad đã trở thành khuôn mẫu về hình dáng. Hàng trăm nhà tiểu họa, kể cả tôi, có thể vẽ những con ngựa đó theo ký ức. Anh có bao giờ thấy một bức tranh ngựa chưa?"
"Tôi có lần được thấy một con ngựa có cánh trong một pho sách rất đẹp mà một sư phụ vĩ đại, nhà học giả của các học giả, trình cho hoja quá cố của tôi."
Tôi không biết mình có nên nhấn cái đầu của thằng ngốc này vào tô xúp của hắn không - anh ta cùng với ông thầy của mình đã quá xem trọng cuốn "Những sinh vật lạ" - khiến anh ta chết đuối hay là để yên tho anh ta mô tả bức tranh ngựa duy nhất anh ta từng thấy trong đời bằng những từ ngữ hào nhoáng, trong một bản sách sao chép tồi tệ đến mức nào có ai biết được. Tôi đi tới một giải pháp thứ ba, đó là buông thìa xuống và rời quán. Sau khi tản bộ hồi lâu tôi bước vào một ngôi nhà khổ tu bỏ hoang, nơi tôi được chìm trong một cảm giác bình yên. Tôi dọn dẹp và không làm gì khác, tôi lắng nghe sự im lặng.
Sau đó, tôi lấy tấm gương từ chỗ cất giấu trước đây mà đặt trên cái bàn làm việc thấp. Kế đó, tôi đặt tờ giấy hai trang và cái bảng vẽ lên lòng mình. Khi nhìn được khuôn mặt mình từ chỗ tôi ngồi, tôi cố vẽ chân dung mình bằng chì than. Tôi vẽ trong hồi lâu một cách kiên nhẫn. Rất lâu sau khi tôi một lần nữa thấy rằng khuôn mặt trên trang giấy không giống khuôn mặt tôi trong gương, tôi cảm thấy sầu khổ đến độ lệ trào lên khóe mắt.
Những họa sĩ Venice mà Enishte mô tả bằng ngôn từ hoa mỹ như thế đã làm việc này như thế nào? Rồi tôi tưởng tượng mình là một người trong bọn họ, nghĩ rằng nếu mình minh họa trong tâm trạng như thế, chắc tôi có thể làm được một bức chân dung tự họa đủ thuyết phục.
Sau đó nữa, tôi nguyền rủa cả Enishte lẫn những họa sĩ châu Âu, tẩy xóa hết những gì đã vẽ và bắt đầu nhìn vào gương lần nữa để bắt đầu một bức vẽ mới.
Cuối cùng, tôi lại thấy mình lang thang trên các con phố, và rồi, ở đây, tại quán cà phê tởm lợm này. Thậm chí tôi cũng không biết chắc mình đã tới đây như thế nào. Khi tôi bước vào, tôi cảm thấy bối rối với việc la cà giữa đám các nhà tiểu họa và thư pháp này đến độ mồ hôi túa ra trên trán tôi.
Tôi cảm thấy mọi người đang nhìn tôi, dùng cùi chỏ ra hiệu cho nhau về sự xuất hiện của tôi, và bật cười - phải, tôi có thể thấy rõ họ đang làm như thế. Tôi ngồi vào một góc, cố tỏ ra tự nhiên. Đồng thời tôi liếc mắt tìm kiếm những tay thợ cả khác, những huynh đệ thân mến đã một thời cùng tôi làm thợ học việc cho Thầy Osman. Tôi chắc chắn mỗi người trong bọn họ tối nay đều bị yêu cầu vẽ một con ngựa và họ đều nỗ lực hết sức mình, xem cuộc thi mà bọn ngốc kia bày ra là chuyện rất nghiêm túc.
Tay kể chuyện chuyên nghiệp vẫn chưa bắt đầu trình diễn. Bức tranh còn chưa được treo lên. Tôi buộc phải trò chuyện xã giao với đám người trong quán cà phê.
Cứ để mọi chuyện như thế, cho phép tôi thẳng thắn với các vị: Giống như mọi người khác, tôi cũng nói đùa, kể chuyện tục, hôn má bạn bè với những cử chỉ cường điệu, nói những câu hai nghĩa, bóng gió và chơi chữ, hỏi thăm xem những cậu phụ tá thợ cả đang làm gì, và giống mọi người khác, châm chích thẳng tay bọn kẻ thù chung của chúng tôi; và sau khi đã hứng chí, tôi còn đi tới mức la lối om sòm và hôn vào cổ bọn đàn ông. Nhưng, ý thức rằng một phần tâm hồn tôi vẫn im lặng một cách tàn nhẫn khi tôi lao vào sinh hoạt như thế khiến tôi đau khổ không chịu được.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc không những tôi có thể sử dụng ngôn ngữ bóng bẩy để so sánh con cu của tôi, và của những kẻ được đồn đãi nhiều, với những cây cọ, bút sậy, cột cái của quán cà phê, ống sáo, trụ đầu cầu thang, vồ gõ cửa, cây tỏi tây, tháp nhọn trên thánh đường, những ngón tay phụ nữ nhúng vào xirô đặc, cây thông, và so sánh với cả thế giới này đến những hai lần, tôi cũng so sánh được mông đít của những cậu trai nổi tiếng trong làng chơi với trái cam, trái vả, bánh nướng, gối nằm và cả ụ kiến nhỏ xíu. Trong khi đó, những nhà thư pháp trạc tuổi tôi và huênh hoang nhất cũng chỉ có thể so sánh đồ nghề của hắn - tôi phải nói là theo một cách rất nghiệp dư và thiếu tự tin - với cột buồm và đòn gánh của phu khuân vác. Hơn nữa, tôi còn bịa ra những ẩn dụ về vũ khí của những nhà thư pháp già chẳng còn cương lên nổi nữa, những đôi môi màu anh đào của các thợ học việc mới, những sư phụ thư pháp cất giấu tiền bạc (giống như tôi) ở chỗ nào đó ("hốc tối ghê tởm nhất"); chuyện có lẽ người ta đã bỏ thuốc phiện vào rượu mà tôi đang uống thay vì những cánh hoa hồng; những bậc thầy vĩ đại cuối cùng của Tabriz và Shiraz; việc trộn cà phê với rượu ở Aleppo, và những nhà thư pháp và các cậu trai xinh xắn có thể tìm gặp được ở đó như thế nào.
Nhiều lúc, có vẻ như một trong hai linh hồn trong tôi, cuối cùng đã vượt lên thắng thế, bỏ lại linh hồn kia đàng sau, và tôi rốt cuộc đã quên được cái bản thể câm lặng và thiếu tình yêu của mình. Vào những lúc đó tôi nhớ những cuộc ăn mừng dịp lễ hội hồi còn thơ trong đó tôi có thể là chính mình bên cạnh những người thân trong gia đình. Mặc cho mọi trò đùa cợt, hôn hít và ôm ấp đó, sự câm lặng trong tôi vẫn còn, nó khiến tôi đau khổ và cô đơn ngay giữa đám đông.
Ai đã cho tôi tấm linh hồn tàn nhẫn và câm lặng này - nó không phải là một linh hồn mà là một âm hồn - vốn luôn kết án tôi và tách tôi ra khỏi mọi người vậy? Quỷ Satan chăng? Nhưng sự câm lặng trong tôi được xoa dịu, không phải bởi trò quái ác ngu xuẩn do Satan gây ra, mà trái lại, bởi những câu chuyện đơn sơ và thuần khiết nhất có khả năng đi thẳng vào hồn người. Dưới tác động của rượu, tôi đã kể hai câu chuyện, hy vọng việc này sẽ cho tôi chút bình yên. Một cậu học việc thư pháp cao gầy, nhợt nhạt, nhưng nước da ửng hồng, tập trung đôi mắt xanh của cậu ta vào tôi và lắng nghe với sự chú tâm cao độ.
Hai câu chuyện về kiếp mù và phong cách của nhà tiểu họa được kể cho vơi nỗi cô đơn trong hồn
ALIF
Ngược với những điều ta thường nghĩ, vẽ ngựa bằng cách nhìn vào con ngựa thực không phải là một phát kiến của các bậc thầy người Âu. Ý tưởng sáng tạo này thuộc về đại sư phụ Jemalettin ở Kazvin. Sau khi Uzyn Hasan, đại hãn của xứ Akgoyunly, chiếm được Kazvin, lão sư phụ Jemalettin không hài lòng với việc đơn thuần gia nhập xưởng nghệ thuật sách của vị đại hãn chiến thắng, ông đã xung phong đi chiến dịch với vị hãn này, tuyên bố rằng ông muốn tô điểm cho bộ Tarih của vị hãn này bằng những cảnh chiến tranh mà ông sẽ tận mắt chứng kiến. Thế là bậc thầy vĩ đại này, người đã trải qua sáu mươi hai năm vẽ những con ngựa, những cảnh kỵ binh xung phong và những trận chiến mà chưa hề nhìn thấy một trận đánh nào, lần đầu tiên tham gia chiến sự. Nhưng trước khi ông kịp nhìn thấy sự va chạm dữ dội và kinh khủng của những thớt ngựa đẫm mồ hôi, ông đã mất cả hai bàn tay và đôi mắt vì đạn thần công của kẻ thù. Vị sư phụ này, giống như mọi thiên tài khác, trong mọi trường hợp đều chờ đợi cảnh mù lòa cứ như đó là ơn phước của Allah, và ông cũng không xem việc mất đôi tay là khiếm khuyết lớn. Ông quan niệm rằng ký ức của nhà tiểu họa không nằm ở bàn tay như một số người tin chắc, mà nằm trong trí tuệ và con tim, và hơn nữa, do bấy giờ ông đã mù, ông tuyên bố rằng ông có thể thấy những bức tranh đích thực, cảnh trí và những con ngựa cốt tủy và hoàn hảo mà đấng Allah muốn người ta nhìn thấy. Để chia sẻ những điều kỳ diệu này với những người yêu nghệ thuật, ông thuê một cậu học nghề thư pháp cao gầy, da ửng hồng, mắt xanh, rồi đọc cho cậu viết rõ ràng cách thức để vẽ những con ngựa diệu kỳ hiện ra với ông trong cõi tối đen thần thánh của Thượng đế - y như ông sẽ vẽ nếu như tay ông còn cầm được cọ. Sau khi sư phụ này qua đời những mô tả của ông về phương pháp vẽ ba trăm lẻ ba mẫu ngựa bắt đầu từ chân trước bên trái đã được cậu học nghề thư pháp đẹp trai sưu tập lại thành ba tập sách có tựa lần lượt là "Cách vẽ ngựa," "Dòng chảy ngựa" và "Tình yêu của ngựa," chúng được nhiều người yêu chuộng và tìm đọc suốt một thời gian tại nhiều địa phương của nước Akgoyunly. Tuy chúng xuất hiện dưới nhiều bản sao mới mẻ khác nhau, được mọi nhà minh họa, thợ học việc và đệ tử của họ thuộc nằm lòng và được dùng làm sách hướng dẫn thực hành, nhưng sau khi nước Akgoyunly của Uzyn Hasan bị xóa sổ và phong cách minh họa Herat thống trị toàn Ba Tư, thì Jemalettin và những bản thảo của ông bị quên lãng. Hiển nhiên, lập luận đằng sau những phê bình gay gắt trong cuốn "Bọn ngựa của gã mù" của Kemalettin Riza xứ Herat đối với ba pho sách đã hình thành trong chuỗi diễn biến này. Kemalettin Riza tuyên bố rằng không có mẫu ngựa nào do Jemalettin xứ Kazvin mô tả trong ba pho sách của ông ta lại có thể là một con ngựa trong cái nhìn của Thượng đế - bởi vì không có mẫu nào trong đó là "nguyên tuyền" do vị sư phụ già đó đã mô tả chúng sau khi chứng kiến quang cảnh một trận đánh thực, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Vì những kho tàng của Uzyn Hasan xứ Akgoyunly đã bị vua Fatih Mehmet cướp bóc và chuyển về Istanbul nên không có gì lạ khi một số trong ba trăm lẻ ba câu chuyện đó đôi khi xuất hiện trong những bản thảo khác ở Istanbul và thậm chí một số ngựa còn được vẽ theo những chỉ dẫn trong đó nữa.
LAM
Ở Herat và Shiraz, khi một bậc thầy tiểu họa bị mù lúc xế bóng sau khi làm việc quá nhiều suốt cả đời, người ta không chỉ xem đó là dấu hiệu cho lòng quyết tâm của bậc thầy vĩ đại đó mà còn ca ngợi nó như sự thừa nhận của Thượng đế đối với công trình và tài năng của bậc thầy đó nữa. Thậm chí đã có một thời ở Herat, nếu các bậc thầy tuy đã già mà vẫn không bị mù, họ sẽ bị mọi người nhìn với vẻ nghi ngờ, hoàn cảnh này buộc rất nhiều người trong bọn họ phải tìm cách được mù lúc về già. Có một thời gian dài người ta kính cẩn nhớ lại những họa sĩ đã tự làm mình mù mắt, đi theo con đường của các sư phụ huyền thoại vốn sẵn sàng làm thế chứ không phục vụ cho một triều đại khác hoặc thay đổi phong cách của mình. Và chính trong thời kỳ này mà Abu Said, cháu nội của Tamerlane thuộc chi họ vua Miran, đã tạo ra một chuyển biến xa hơn trong họa xưởng của mình sau khi ông chinh phục Tashkent và Samarkand: tập tục kính trọng việc bắt chước mù hơn là chính kiếp mù. Kara Veli, một nghệ nhân già đã gợi hứng cho Abu Said trong việc này, đã khẳng định rằng một nhà tiểu họa mù có thể thấy những con ngựa theo cách nhìn của Thượng đế trong cõi tối đen tuy nhiên tài năng đích thực vẫn có ở nhà tiểu họa nào tuy sáng mắt nhưng có khả năng nhìn thế giới như một người mù. Ở tuổi sáu mươi bảy ông chứng minh luận cứ của mình bằng cách vẽ rất nhanh một con ngựa hiện ra trên đầu cọ của ông mà không một lần liếc nhìn mặt giấy, ngay cả khi mắt ông vẫn mở to và dán vào trang sách. Vào lúc kết thúc nghi thức nghệ thuật này, trong đó Miran cho những nhạc công điếc chơi đàn luýt và những người kể chuyện câm đọc lại các câu chuyện kể để trợ giúp những nỗ lực của bậc thầy huyền thoại ấy, con ngựa tráng lệ mà Kara Veli vừa vẽ được người ta cẩn thận so sánh với những con ngựa khác ông từng vẽ. Không có một khác biệt nào giữa chúng với nhau, trước nỗi bực tức tột độ của vua Miran; sau đó, bậc thầy huyền thoại tuyên bố rằng một nhà tiểu họa tài ba, dù mở hay nhắm mắt, cũng luôn luôn và chỉ có thể nhìn ngựa theo một cách, nghĩa là, cách nhìn của Allah đối với bọn ngựa. Và giữa những đại sư tiểu họa không có gì khác biệt giũa kẻ mù và kẻ sáng: bàn tay sẽ luôn vẽ ra cùng một con ngựa đó bởi vì tuyệt không hề có cái thứ mà sự cách tân của người Tây vực gọi là "phong cách." Những con ngựa do đại sư phụ Kara Veli vẽ ra đã được mọi nhà tiểu họa Hồi giáo bắt chước theo trong suốt 110 năm. Còn với chính Kara Veli, sau khi Abu Said thất trận và họa xưởng của nhà vua bị giải tán, ông ta đã di tản từ Samarkand tới Kazvin, nơi mà hai năm sau đó ông ta bị lên án vì mưu toan bác bỏ đoạn thơ trong kinh Koran, tuyên bố rằng "Mù và sáng mắt thì không như nhau." Vì việc này ông đã bị các binh lính trẻ của vua Nizam đầu tiên là đâm mù màu sau đó thì hạ sát.
Tôi sắp sửa kể thêm chuyện thứ ba, mô tả cho cậu học nghề thư pháp có đôi mắt đẹp chuyện đại sư phụ Bihzad tự làm mình mù mắt, chuyện ông không hề muốn rời Herat, tại sao ông không bao giờ vẽ nữa sau khi bị buộc phải chuyển tới Tabriz, làm sao phong cách của nhà tiểu họa lại chính là phong cách của họa xưởng nơi ông ta làm việc và những câu chuyện khác mà tôi nghe được từ thầy Osman, nhưng rồi tôi chú ý tới người kể chuyện chuyên nghiệp. Làm sao tôi biết rằng tối nay ông ta sẽ kể chuyện về Satan?
Tôi cảm thấy muốn nói, "Chính Satan là kẻ đầu tiên nóiâ��Tôi'! Chính Satan là kẻ đã chọn một phong cách. Chính Satan là kẻ tách phương Đông khỏi phương Tây." Tôi nhắm mắt lại và vẽ quỷ Satan trên tờ giấy thô của người kể chuyện theo nỗi khao khát trong tâm hồn. Trong khi tôi vẽ, người kể chuyện và anh phụ việc, những họa sĩ khác và người tò mò đứng xem vừa cười rúc rích vừa cổ vũ tôi.
Nào, bạn nghĩ rằng tôi có một phong cách riêng, hay tôi có được nó nhờ rượu?
--- ------ ------ ------ -------
1Bostan: Khu vườn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.