Sông Đông Êm Đềm

Chương 208:




Ngày mười bảy tháng Chín, các đơn vị thuộc binh đoàn xung kích của Sorin đã tiến tới sát sông Đông sau một chặng tiến quân ba mươi vec- xta. Từ sáng ngày mười tám, các đại đội pháo Hồng quân đã gầm lên từ cửa sông Medvedicha đến thị trấn Kazanskaia. Sau một đợt hoả lực chuẩn bị ngắn ngủi của pháo binh, bộ binh chiếm các thôn ven sông Đông và ba thị trấn Bukanovskaia, Elanskaia, Vosenskaia. Chỉ trong một ngày, quân Trắng đã bị quét sạch trên bờ bên trái sông Đông trên một đoạn hơn một trăm năm mươi vec- xta.
Các đại đội Cô- dắc rút lui, vượt sông Đông một cách có trật tự tới những vị trí đã chuẩn bị từ trước. Chúng đã nắm được trong tay tất cả các phương tiện vượt sông. Nhưng cầu Vosenskaia thì chỉ thiếu chút nữa là bị Hồng quân chiếm được. Quân Cô- dắc đã chất rơm ở gần đấy và đổ sẵn dầu lên các ván cầu, chỉ chờ rút lui là châm lửa đốt. Nhưng giữa lúc chúng sắp sửa đốt thì có một tên liên lạc phi ngựa tới với cái tin cho biết rằng một đại đội của trung đoàn 37 đang rút từ thôn Perevodnyi tới Vosenskaia, ra chỗ vượt sông. Đại đội tới muộn cho ngựa phi nước đại tới cái cầu giữa lúc bộ binh của Hồng quân đã tiến vào thị trấn. Dưới hoả lựa súng máy, quân Cô- dắc vẫn kịp phi ngựa qua cầu rồi đốt cầu ngay sau lưng họ. Chúng bị chết và bị thương hơn mười tên và mất một số ngựa cũng bằng ngần ấy.
Đến cuối tháng Chạp, hai trung đoàn 22 và 23 của sư đoàn Hồng quân số 9 vẫn giữ được trên bờ bên trái sông Đông. Con sông ngăn cách hai bên. Hồi ấy chỗ rộng nhất không quá tám mươi xa- gien, có nơi chỉ còn ba mươi. Hồng quân không có những hành động tích cực để vượt sông: ở một chỗ có thể lội qua được, họ cũng có thử một lần, nhưng lại bị đánh bật. Trên suốt mặt trận ở khu vực ấy, hai bên đã bắn nhau kịch liệt hai tuần liền bằng hoả lực pháo binh và súng trường. Quân Cô- dắc chiếm được những điểm cao ở ngay ven bờ, kiểm soát được vùng chung quanh, chúng bắn quét những đám quân địch tập trung ở những chỗ ra sông không cho họ tiến tới bờ sông lúc ban ngày. Nhưng vì các đại đội Cô- dắc trong khu vực ấy là những bộ phận kém nhất về sức chiến đấu (toàn là những tên già lão và non trẻ từ mười sáu đến mười chín) nên chính chúng cũng không tìm cách vượt sông để đuổi Hồng quân đi và tấn công sang bờ bên trái.
Sau khi rút lui sang bờ bên phải sông Đông, ngay hôm đầu quân Cô- dắc cứ tưởng nhà cửa trong các thôn bị Hồng quân chiếm đóng sẽ lập tức làm mồi cho ngọn lửa, nhưng chúng đã hết sức ngạc nhiên vì thấy ở bờ bên trái chẳng có đám khói nào bốc lên. Hơn nữa những người dân bên kia sông đêm đêm lẻn sang còn cho biết rằng các tài sản không bị Hồng quân lấy đi gì cả và nếu họ có mua đồ ăn thức uống thì đến quả dưa, hũ sữa, họ cũng trả rộng rãi bằng tiền Xô viết.
Điều đó làm cho quân Cô- dắc hoang mang và hết sức thắc mắc. Chúng cứ tưởng rằng sau cuộc nổi loạn, Hồng quân sẽ phải đốt trụi tất cả các thôn xóm và thị trấn bạo động. Chúng tin chắc rằng số dân còn lại, ít nhất cũng là cánh đàn ông, sẽ bị giết hại tàn nhẫn, nhưng theo những tin chính xác Hồng quân không động tới một ai trong số những người yên phận làm ăn, và nhìn tình hình chung thì có thể đoán rằng họ thậm chí không nghĩ tới chuyện trả thù.
Đêm mười chín, những tên Cô- dắc vùng sông Khop phụ trách vọng gác trước mặt Vosenskaia quyết định tìm hiểu thêm về thái độ kỳ quặc nầy của quân địch. Một gã Cô- dắc to mồm khum tay làm loa, gào lên:
- Nầy cái bọn đỏ lông kia! Sao chúng mày không đốt nhà của chúng ông đi! Chúng mày không có diêm hay sao? Nếu không có thì bơi sang bên nầy, chúng ông sẽ cho!
Trong bóng tối có một người trả lời gã, giọng oang oang:
- Chúng tao không tóm cổ được chúng mày tại chỗ, nếu không đã thiêu chúng mày cả người lẫn nhà một thể rồi!
- Chúng mày nghèo xác ra như thế rồi à? Không còn có cách gì để đốt nữa à? - Gã Cô- dắc vùng sông Khop hỏi to một cách khiêu khích.
Người ta đã trả lời gã, giọng bình thản và vui vẻ:
- Nầy con đĩ Trắng kia, mày hãy bơi sang bên nầy đi, chúng tao sẽ châm cho ít lửa vào đũng quần. Rồi mày sẽ được gãi suốt đời?
Hai bên vọng gác cứ thế chửi nhau và tìm mọi cách chọc tức nhau rất lâu. Họ bắn nhau đì đẹt vài phát rồi tất cả lại lặng đi.
Đến mấy ngày đầu tháng Mười, chủ lực của Quân đội sông Đông gồm hai quân đoàn tập trung trong khu vực Kazanskaia Pavlovsk, chuyển sang tấn công. Quân đoàn sông Đông số Ba, với quân số 8.000 tay súng và hơn 6.000 tay gươm, đã đánh bật được sư đoàn Hồng quân số 56 và bắt đầu tiến quân có kết quả về hướng đông. Ít lâu sau Quân đoàn Hai của Konovalov cũng vượt qua sông Đông. Quân số của quân đoàn nầy phần lớn là kỵ binh, vì thế chúng đã có khả năng thọc sâu vào trận địa địch và giáng một đòn chí mạng.
Trước kia vẫn được dùng làm lực lượng dự bị của mặt trận, sư đoàn khinh binh số 21 của Hồng quân đã được đem ra sử dụng. Nó cũng ghìm giữ được đôi chút bước tiến của Quân đoàn sông Đông số Ba, nhưng cũng phải bắt đầu rút lui trước áp lực của hai quân đoàn Cô- dắc phối hợp tác chiến. Ngày 14 tháng Mười, Quân đoàn Cô- dắc số Hai đã đánh tan và gần như tiêu diệt toàn bộ Quân đoàn khinh binh số 14 của Hồng quân, sau một trận chiến đấu ác kiệt. Trong một tuần Hồng quân đã bị đánh bật khỏi bờ bên trái sông Đông về tới sát thị trấn Vosenskaia. Sau khi chiếm được một bàn đạp tấn công rộng lớn hai quân đoàn Cô- dắc dồn các đơn vị thuộc Tập đoàn quân số 9 của Hồng quân tới tuyến Ludzevo - Sirinki - Vorobirka, sau khi bắt sư đoàn 23 của Tập đoàn quân số 9 phải cấp tốc tổ chức lại mặt trận ở hướng tây, từ thị trấn Vosenskaia tới thôn Krutovsky.
Gần như cùng một lúc với Quân đoàn Hai của tên tướng Konovalov, cả Quân đoàn sông Đông số Một đang có mặt trong khu vực thị trấn Kirskaia cũng thường tập vượt sông trong phạm vi của nó.
Hai sư đoàn Hồng quân số 22 và 23 ở sườn bên trái đứng trước nguy cơ bị bao vây. Tính tới tình huống đó, bộ chỉ huy Mặt trận Đông - Nam đã ra lệnh cho Tập đoàn quân số 9 rút về một tuyến kéo dài từ cửa sông Ikorest qua Buturlinovca, Uxpenskaia, Chisanskaia, Kumygienskaia. Nhưng tập đoàn quân cũng không cố thủ được trên tuyến đó. Vô số những đại đội Cô- dắc rời rạc tổ chức sau cuộc tổng động viên đã từ bờ bên phải vượt sông Đông rồi sau khi hợp nhất với các đơn vị chính qui của Quân đoàn Cô- dắc số Hai, chúng tiếp tục đánh dồn, bắt tập đoàn Hồng quân rút lui rất nhanh về phía bắc. Từ 24 đến 29 tháng Mười, quân Trắng đã chiếm được hai nhà ga Filonovo, Povorino và thành phố Novokhopesk. Tuy nhiên, dù trong tháng Mười Quân đội sông Đông đã dành được những thắng lợi to đến đâu, tinh thần của bọn Cô- dắc đã không còn cái tin tưởng nó làm cho chúng như mọc cánh dạo mùa xuân, hồi chúng tiến quân thắng lợi về địa giới phía bắc của Quân khu. Phần lớn bọn cựu chiến binh hiểu rằng thành công nầy chỉ là tạm thời và chúng sẽ không thể nào giữ vững được quá mùa đông.
Chẳng bao lâu tình hình Mặt trận miền Nam đã thay đổi hẳn. Thất bại của Tập đoàn quân tình nguyện trong trận đánh tơàn lực ở hướng Orlovsky - Kromsky cùng các hoạt động tài tình của kỵ binh Budionnyi trong khu vực Voronez đã quyết định kết cục của cuộc chiến: trong tháng Mười một, Tập đoàn quân tình nguyện rút về phía nam, để hở sườn bên trái của Quân đội sông Đông và lôi cả nó cùng rút theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.