Nạn Nhân Thứ Tư

Chương 14:




Ở trung tâm thành phố Mexico, máu người đã từng chảy qua. Bên dưới thủ đô hiện đại là đống đổ nát của khu đền Mayor, khu vực lớn nhất của tộc người Ax-tec, những người đã thống trị toàn bộ vùng đất Tenochtikm. Tại đây, hàng nghìn những nạn nhân xấu số đã bị cống hiến cho Chúa.
Vào hôm ta đến khu đất cũ của ngôi đền, ta cảm thấy khá thích thú với một nhà thờ lớn gần đó. Ở đó có những ánh nến của đạo Thiên chúa và những người cầu nguyện đang thì thầm xin Chúa rủ lòng lành. Họ quỳ trên chính nơi mà trước khi những tấm đá trơn nhẫy vì máu. Ta đến đó vào một chiều thứ bảy. Ta không biết là thứ bảy họ miễn vé cho người đến thăm.
Bảo tàng Đền Mayor đầy trẻ con. Những giọng nói lanh lảnh của chúng vang vọng khắp dãy hành lang. Ta không quan tầm đến trẻ con hay những thứ lộn xộn chúng gây ra và nếu có dịp trở lại, ta sẽ không đi thăm Bảo tàng vào thứ bảy.
Nhưng hôm đó là ngày cuối cùng của ta trong chuyến thăm thành phố. Vì vậy ta đã chịu đựng tiếng ồn. Ta muốn xem khu khai quật. Ta muốn tham quan sảnh đường số hai. Đó là Sảnh đường tổ chức Nghi lễ và Tế thần.
Những người Ax-tec tin rằng cái chết rất cần cho sự sống. Để duy trì năng lượng vĩnh cửu cho thế giới, để tránh tai ương và bảo đảm mặt trời sẽ mọc mỗi ngày, những vị thần phải ăn những quả tim người. Ta đứng ở Sảnh đường Nghi lễ và thấy trong lồng kính có một con dao tế thần đã cứa vào xác thịt của con người. Nó có tên là: Tecpatl Ixcuahua, nghĩa là Con dao có Bản rộng. Nó được chế tạo từ đá lửa, tay cầm có hình một người đang quỳ.
Ta tự hỏi làm sao họ có thể cắt một quả tim người bằng một con dao đá như vậy?
Câu hỏi đó ám ảnh ta khi ta đi bộ ở Trung tâm Alameda vào tầm chiều muộn hôm đó. Ta không để ý đến bọn trẻ bẩn thỉu lõng nhõng theo ta xin tiền xu. Một lúc sau, chúng nhận ra là ta không bị lừa phỉnh bởi những cặp mắt nâu và những nụ cười nhe răng. Vì vậy chúng để ta yên. Cuối cùng, ta cũng được chút yên tĩnh - giả sử như điều đó tồn tại ở thành phố Mexico náo nhiệt này. Ta tìm một quán cà phê, ngồi xuống một chiếc bàn gần cửa sổ và nhấm nháp cà phê. Người duy nhất phải đứng ngoài nắng là viên cảnh sát tuần tra. Ta khao khát hơi ấm, nó giúp làn da sần sùi của ta mềm lại. Ta đã thấy loài bò sát đi tìm những viên đá ấm. Vì vậy, vào ngày oi bức đó, ta uống cà phê và suy nghĩ về ngực của con người. Ta tự hỏi làm cách nào để tiếp cận tốt nhất với vật đang đập bên trong đó.
Nghi lễ tế thần của người Ax-tec được mô tả diễn ra rất nhanh, chỉ hơi đau đớn và điều này tượng trưng cho một việc khó xử. Ta biết việc đập vỡ xương ức, xé toang lồng ngực như một tấm khiên bảo vệ quả tim bên trong là công việc không hề dễ dàng. Các bác sỹ tim mạch rạch một đường dọc theo ức và dùng cưa xẻ đôi phần ngực. Họ có người giúp họ tách phần xương làm đôi. Họ dùng những dụng cụ phức tạp để mở rộng ổ bụng. Mỗi dụng cụ đó đều được làm bằng chất liệu thép không gỉ hiện đại.
Một thầy tu người Ax-tec chỉ cầm một con dao đá sẽ gặp khó khăn nếu sử dụng phương pháp đó. Ông ta sẽ cần một cái đục để làm vỡ xương ức, chọc thẳng vào giữa ngực. Nạn nhân sẽ giãy giụa, và la hét rất dữ dội.
Không, quả tim chắc chắn đã được lấy ra bằng cách khác.
Một đường rạch ngang xương sườn, dọc hai bên chăng? Cách này cũng có vấn đề. Bộ xương người là một cấu trúc cứng cáp. Để tách hai xương sườn đủ rộng để cho tay vào thì cần sức khỏe và những dụng cụ đặc biệt. Liệu phương pháp sau có khả thi không? Một đường rạch rất gọn xuống bụng sẽ mở khoang bụng. Tất cả những gì các thầy tu cần làm là cắt đứt cơ hoành và thọc tay lên gần quả tim. À, nhưng đây là một phương án không được gọn gàng cho lắm, vì ruột sẽ xổ ra bệ thờ. Trong các bức tranh khắc trên đá cửa người Ax-tec, không bức tranh nào có hình ảnh vẽ nạn nhân bị lòi ruột.
Sách là những vật kỳ thú: chúng có thể cho ta biết bất cứ điều gì, tất cả mọi điều, thậm chí là làm cách nào để cắt quả tim bằng dao đá và không để lại một đống lộn xộn. Ta tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách tựa đề Sự hy sinh và những cuộc chiến của con người. Nó được viết bởi một học giả, một người đàn ông tên là Sherwood Clarke. (Dạo này trường học của ta rất hay ho!). Ta rất muốn gặp ông ấy một ngày nào đó.
Ta nghĩ chúng ta có thể dạy cho nhau nhiều điều.
Ông Clarke nói người Ax-tec dùng cách cắt ngang để lấy quả tim. Vết thương rạch ngang phần ngực trước, bắt đầu ở giữa xương sườn số hai và số ba, ở một bên xương ức. Ta sẽ rạch ngang xương ức sang bên kia. Xương sẽ bị tách ra theo chiều ngang, có thể bằng cách dùng một cái đục và một cú đập thật mạnh. Kết quả sẽ cho ta một lỗ thủng mở ngoác ra. Phổi bị tiếp xúc với không khí bên ngoài nên lập tức sẽ ngừng hoạt động. Nạn nhân nhanh chóng bất tỉnh. Trong khi tìm vẫn còn đập, thầy tu cho tay vào khoang ngực, dứt đứt động mạch và mạch máu. Ông ta giật đứt quả tim vẫn đang co thắt khỏi phần cuống đầy máu và giơ lên trời.
Vì vậy việc đó đã được mô tả trong cuốn Bernadino de Sahagan của tác giả Coclex Florentino, cuốn sách đó tên là Sơ lược lịch sử của Tân Tây Ban Nha:
Thầy tu cúng tế giơ cao thanh gậy,
Đặt nó lên ngực người bị bắt giữ,
Đã từng có một quả tim ở đó,
Cây gậy bị nhuốm máu và thực sự chìm trong máu.
Rồi vị thầy tu giơ cây gậy nhuốm máu về phía mặt trời
Thầy tu nói: "Mặt trời, xin hãy uống đi"
Và người bắt giữ lấy máu của người bị bắt,
Đựng trong chiếc bát xanh có lông vũ viền quanh.
Những thầy tu cúng tế đổ máu vào cái bát.
Rồi máu đổ lên cây gậy rỗng, cũng có lông vũ viền quanh
Và những người bắt giam hiến máu cho quỷ dữ.
Hiến máu cho quỷ dữ.
Máu có ý nghĩa thật lớn lao.
Ta nghĩ về việc này khi ta nhìn một sợi chỉ được nhúng vào chiếc ống hút nhỏ như lỗ kim. Quanh ta là những ống nghiệm và tiếng máy lì rì trong không khí. Những người cổ xưa coi máu là một vật hiến tế thiêng liêng, là vật chứa đựng sự sống, là thức ăn của quỷ dữ. Ta và họ có chung sự đam mê với máu, mặc dù ta hiểu đó chỉ là một chất dịch sinh học, một chuỗi các tế bào được liên kết bởi huyết tương. Đây là thứ ta làm việc và tiếp xúc hàng ngày.
Trung bình, một người nặng bảy mươi cân có năm lít máu. Trong đó, bốn mươi lăm phần trăm là tế bào máu, còn lại là huyết tương. Đó là một súp hóa học được tạo thành từ mười lăm phần trăm nước, còn lại là pro-tê-in, chất điện phân và chất dinh dưỡng. Một số người nói rằng nếu giới hạn nó vào một bộ phận sinh học thì việc đó sẽ làm mất bản chất thiêng liêng của nó. Nhưng tôi không đồng ý với ý kiến đó. Khi nhìn chúng như những khối chất kết cấu thì chúng ta mới nhận ra những đặc tính tuyệt vời của nó.
Chiếc máy đã kêu. Đó là tín hiệu cho biết máy đã phân tích xong, tờ kết quả cuộn ra từ máy in. Ta xé tờ giấy, xem kết quả.
Chỉ cần nhìn qua, ta đã biết nhiều điều về bà Susan Carmichael, người ta chưa gặp bao giờ. Nồng độ hồng cầu của bà ta rất thấp - chỉ ở mức hai mươi tám, trong khi mức độ bình thường là bốn mươi. Bà ta bị thiếu máu, thiếu các tế bào máu màu đỏ bình thường. Chúng chính là các tế bào vận chuyển ô-xi. Đó là pro-tê-in hemoglobin được bao bọc trong các tế bào hình đĩa. Nó khiến máu chúng ta có màu đỏ, làm đỏ viền mắt và làm hồng đôi má của những cô gái. Viền mắt của bà Carmichael tái xám. Nếu lật ngược mí mắt của bà ta thì màng kết chỉ có màu hồng rất nhạt. Do bà ta bị thiếu máu nên tim phải đập nhanh hơn để bơm máu vào các động mạch. Vì vậy mới leo được vài bậc cầu thang, bà ta phải dừng lại lấy hơi, và làm mạch chậm lại. Ta hình dung ra bà ta cúi về phía trước, tay ôm cổ, ngực đập như trống dồn. Bất cứ ai thấy bà ta leo cầu thang đều nhận thấy bà ta không khỏe.
Chỉ cần nhìn tờ giấy này, ta đã hình dung ra điều đó.
Còn nữa! Miệng bà ta có những đốm đỏ - đó là các đốm xuất huyết. Ở đó máu bị vỡ qua những mao mạch và tụ lại dưới lớp màng mỏng. Có lẽ bà ta không nhận ra chứng xuất huyết nhỏ như mũi kim đó. Có lẽ bà ta chú ý đến hiện tượng đó ở bộ phận nào đó trên cơ thể như dưới móng tay, hay dưới ống quyển. Có lẽ bà ta thấy những vết thâm tím mà bà ta không thể gỉải thích nổi. Có những vệt màu xanh đậm khó hiểu trên cánh tay và đùi bà ta. Bà ta nghĩ đi nghĩ lại xem có thể mình đã bị thương ở đâu. Liệu có phải do ba ta vấp vào cửa ô tô không? Hay một đứa bé nào đó bám chặt vào đùi bà ta? Bà ta tìm những nguyên nhân bên ngoài, trong khi nguyên nhân thật sự lại ẩn nấp trong mạch máu.
Số lượng tiểu huyết cầu của bà ta là hai nghìn. Lẽ ra nó phải cao gấp mười lần. Nếu không có tiểu huyết cầu, các tế bào nhỏ sẽ hình thành nên cấc vết máu tụ và chỉ cần va chạm nhẹ đã để lại vết thâm tím.
Vẫn còn nhiều điều có thể biết được từ tờ giấy nhỏ này.
Ta quan sát các tế bào máu dị thường và thấy nguyên nhân chứng bệnh của bà ta. Máy xét nghiệm đã phát hiện ra hiện tượng rối loạn bạch cầu, đó là dạng nguyên thủy của tế bào máu và nó vốn không có trong mạch máu. Susan Carmichael đã mắc bệnh rối loạn bạch cầu cấp tính.
Ta hình dung ra cuộc sống của bà ta diễn ra trong những tháng sau này. Ta thấy bà ta nằm trên bàn điều trị. Mắt bà ta nhắm nghiền vì đau đớn khi những chiếc kim cắm ngập vào xương tủy bên hông bà ta.
Ta thấy tóc bà ta rụng thành đống cho đến khi bà ta khuất phục trước điều tất yếu. Đó là dùng đến dao cạo bằng điện.
Ta thấy những buổi sáng, bà ta bò toài bên bệ nhà vệ sinh và những ngày dài đằng đẵng nhìn lên trần nhà. Vũ trụ của bà ta thu nhỏ lại trong bốn bức tường trong phòng ngủ.
Máu là sự sống, là chất lỏng kỳ diệu duy trì sự sống của chúng ta. Nhưng máu của Susan Carmichael đã quay lại chống bà ta, nó như chất độc chảy trong mạch máu bà ta.
Ta biết hết những chi tiết vụn vặt nhất về bà ta mà không cần gặp bà ta lấy một lần.
Ta chuyển kết quả phân tích máu bằng fax cho bác sỹ điều trị của bà ta, cho báo cáo thí nghiệm vào ngăn hồ sơ để nghiên cứu sau này. Rồi ta lấy mẫu máu tiếp theo, lại một bệnh nhân khác, một ống nghiệm khác.
Mối liên hệ mật thiết giữa máu và sự sống đã được con người biết đến từ thuở sơ khai. Người xưa không biết rằng máu được tạo ra bên trong tủy. Phần lớn chất tạo nên máu chỉ là nước nhưng họ đề cao sức mạnh của nó trong các nghi lễ và lễ hiến tế. Người Ax-tec đã dùng dụng cụ đục thủng xương, những cái kim làm từ cây thùa để đâm vào da mình, lấy máu. Họ đục lỗ trên mô, lưỡi hay ngực. Cuối cùng họ sẽ có máu của chính họ để dâng hiến lên thần linh. Hiện nay, việc tự cắt cơ thể mình như vậy được coi là bệnh hoạn, kỳ quái và là biểu hiện của bệnh điên.
Ta tự hỏi người Ax-tec nghĩ gì về chúng ta.
Ta ngồi đây, trong không gian tiệt trùng tuyệt đối toàn màu trắng toát. Tay ta đeo găng để bảo vệ ta khỏi những chất dịch bị đổ ra. Chúng ta đã làm mất bản chất cốt lõi của mình từ khi nào? Chỉ cần nhìn thấy máu, một số kẻ đã ngất xỉu. Người ta vội vã che giấu không cho người khác biết nỗi sợ đó. Họ rửa sạch những vỉa hè dính máu, hay che mắt trẻ con khi có cảnh bạo lực trên ti vi. Con người thực sự đã quên mất họ thực sự là ai và là gì trên thế giới này.
Tuy nhiên, vài người trong số chúng ta vẫn chưa quên.
Chúng ta thuộc số còn lại, bình thường ở mọi phương diện; có lẽ chúng ta bình thường hơn bất cứ ai khác, vì chúng ta không cho phép mình bị bao bọc, bị ướp xác trong những lố băng tiệt trùng của nhân loại văn minh. Chúng ta thấy máu, và không quay đi. Chúng ta nhận ra vẻ đẹp huyền bí của nó, chúng ta cảm thấy sức lôi cuốn nguyên thủy của nó.
Bất cứ ai thấy một tai nạn khi đang lái xe và không thể cưỡng lại mong muốn nhìn thấy máu thì sẽ hiểu điều này. Đằng sau nỗi sợ hãi, sau sự thôi thúc muốn quay đi là một sức mạnh lớn hơn. Đó là sự lôi cuốn.
Tất cả chúng ta. đều muốn nhìn. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều dám thú nhận điều đó.
Thật cô đơn khi đi lại quanh những kẻ bị hôn mê. Vào buổi chiều, ta lang thang trong thành phố và hít thở không khí. Không khí dày đặc đến nỗi dường như ta nhìn thấy nó. Nó khiến phổi ta như nước ngọt bị đun nóng. Ta nhìn những mặt người trên phố. Ta tự hỏi có ai trong số họ là anh em có quan hệ máu mủ thân thiết với ta, giống như anh bạn trước đây. Có ai vẫn chưa mất đi sức mạnh nguyên thủy vốn chảy trong người chúng ta? Ta tự hỏi chúng ta có nhận ra nhau nếu gặp nhau không. Ta e là không, vì chúng ta giấu mình trong những chiếc áo choàng để vượt qua tiêu chuẩn bình thường.
Vì vậy ta đi một mình. Và ta nghĩ về anh, người duy nhất đã từng hiểu ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.