Một Phát Một Mạng

Chương 18:




Ông đáp, “Anh thuê một căn phòng không xa đây lắm. Anh sẽ loanh quanh đây thôi.”
Bà đáp, “OK.”
“Trừ phi anh vào tù rồi.”
Cô bồi bàn quay lại và họ gọi đồ tráng miệng. Reacher gọi thêm cà phê và Hutton thì gọi thêm trà. Họ tiếp tục trò chuyện. Những đề tài bất kỳ, những câu hỏi bất kỳ. Họ có đến mười bốn năm để bắt kịp.
Helen Rodin lục qua sáu thùng giấy đựng chứng cứ và tìm thấy một bản sao khá rõ của một tờ giấy được tìm thấy cạnh điện thoại của James Barr. Đấy là tất cả những gì có thể gọi là niên giám riêng của hắn. Nó có ba số điện thoại, được viết bởi một nét chữ ngay ngắn và cẩn thận. Hai số dành cho em gái Rosemary của hắn, một số là số căn hộ của cô, và số kia ở sở làm. Số thứ ba là của Mike. Người hàng xóm. Không có số của ai là Charlie cả.
Helen bấm số của Mike. Điện thoại reo sáu tiếng rồi chuyển qua hộp thư thoại. Cô để lại số của văn phòng mình và yêu cầu ông ta gọi lại về một chuyện rất quan trọng.
Emerson mất một giờ với tay họa sĩ ký họa và có được một cái chân dung khá giống Jack Reacher. Bức họa được quét vào máy vi tính và tô màu. Tóc vàng thẫm, đôi mắt xanh biếc, màu da rám nắng gần sậm. Sau đó Emerson đánh máy cái tên, và ước lượng chiều cao khoảng một mét chín, tuổi trạc giữa ba mươi lăm đến bốn mươi lăm. Ông ghi thêm số điện thoại của sở cảnh sát ở dòng cuối. Rồi ông gửi e-mail cho các nơi và cho máy in ra hai trăm bản màu. Ông ra lệnh cho mỗi xe tuần tiễu lấy một xấp và phân phát đến tay mọi nhân viên khách sạn và bồi bàn trong thị trấn. Rồi ông thêm: mọi nhà hàng, quán ăn, quầy thức ăn nhanh, và tiệm bánh mì.
Mike, bạn của James Barr, gọi cho Helen Rodin lúc ba giờ chiều. Cô hỏi địa chỉ của ông và thỏa thuận được một cuộc trao đổi trực tiếp. Ông nói mình ở nhà từ giờ đến hết ngày. Vì thế cô gọi một chiếc taxi. Mike sống cùng con phố với James Barr, cách khu trung tâm hai mươi phút lái xe. Có thể thấy nhà của Barr từ sân trước nhà Mike. Hai căn tương tự nhau. Tất cả các căn nhà trên đường này đều tương tự nhau. Chúng là kiểu nhà trệt thập niên 50, dài và thấp. Helen đoán rằng thoạt đầu chúng đều giống nhau. Nhưng nửa thế kỷ thêm thắt vào, lợp mái lại, mở rộng ra và làm vườn tược đã làm cho bề ngoài của chúng khác nhau. Một số trông khá theo thời và một số khác vẫn như cũ. Căn của Barr trông xập xệ. Căn của Mike được tỉa tót kỹ lưỡng.
Mike là một người đàn ông mệt mỏi trạc năm mươi, làm ca sáng cho một đại lý bán sơn. Vợ của ông về giữa chừng khi Helen đang tự giới thiệu. Bà ta cũng là một người đàn bà mệt mỏi trạc năm mươi. Tên bà là Tammy, có vẻ không hợp với bà lắm. Bà là một y tá nha khoa bán thời gian. Bà làm việc hai buổi sáng mỗi tuần cho một nha sĩ dưới trung tâm. Bà dẫn Helen và Mike vào phòng khách rồi đi pha cà phê. Hai người ngồi xuống và ban đầu ngượng nghịu im lặng trong nhiều phút.
Sau cùng Mike hỏi, “Thế tôi có thể cho cô biết chuyện gì đây?”
Helen nói, “Ông là bạn của ông Barr.”
Mike liếc nhìn cánh cửa phòng khách. Nó để mở.
Ông nói, “Chỉ là một người hàng xóm thôi.”
“Em gái ông ấy gọi ông là bạn.”
“Chúng tôi ăn ở hòa thuận với nhau. Có người xem đó là thân mật.”
“Hai người có thường gặp nhau không?”
“Chúng tôi trò chuyện với nhau một chút khi anh ta dẫn chó đi ngang.”
“Về những chuyện gì vậy?”
Mike đáp, “Về sân vườn của chúng tôi. Nếu anh ta sơn sửa nhà thì sẽ hỏi tôi về sơn. Tôi hỏi anh ta ai sửa lối xe vào. Đại loại những chuyện như thế.”
“Còn bóng chày?”
Mike gật đầu, “Chúng tôi có trò chuyện về đề tài đó.”
Tammy bước vào, bưng ba tách cà phê trên khay. Có kem và đường, một đĩa nhỏ bánh ngọt và ba tờ khăn giấy. Bà đặt cái khay lên chiếc bàn thấp rồi ngồi kế bên chồng.
Bà mời, “Mời cô dùng.”
Helen đáp, “Cám ơn bà rất nhiều.”
Mọi người lấy cà phê và căn phòng trở nên yên lặng.
Helen hỏi, “Có bao giờ ông vào nhà của ông Barr chưa?”
Mike liếc vợ.
Ông đáp, “Một hai lần.”
Tammy nói, “Họ không phải là bạn.”
Helen nói, “Chuyện này có bất ngờ không? Chuyện mà ông ta làm ấy?”
Tammy nói, “Có. Bất ngờ thật.”
“Vì thế ông không phải cảm thấy khó chịu về việc trước đây có quen biết với ông ấy. Chuyện đó không ai lường trước được. Những chuyện đó luôn luôn bất ngờ. Hàng xóm không thể biết.”
“Cô đang cố gắng giải thoát cho anh ta.”
Helen đáp, “Thật ra không phải. Nhưng có một giả thuyết là ông ta không hành động một mình. Tôi chỉ đang cố gắng làm cho tên kia cũng phải bị trừng phạt luôn.”
Tammy nói, “Kẻ đó không phải là Mike.”
Helen nói, “Tôi không nghĩ như vậy. Thật sự. Không nghĩ thế chút nào. Nhất là bây giờ khi tôi đã gặp ông. Nhưng dù cho người kia là ai, thì bà hay ông Mike có thể biết hắn hay nghe nói về hắn hay thậm chí đã thấy hắn đâu đó.”
Mike nói, “Barr thực tình không có mấy bạn bè.”
“Không một ai cả?”
“Anh ta không nói với tôi về ai hết. Anh ta sống với em gái cho tới khi cô ấy dọn đi. Tôi nghĩ điều đó cũng đủ đối với anh ta.”
“Cái tên Charlie có nghĩa gì với ông không?”
Mike chỉ lắc đầu.
“Khi còn làm việc ông Barr làm gì?”
Mike đáp, “Tôi không biết. Anh ta thất nghiệp đã nhiều năm rồi.”
Tammy nói, “Tôi có thấy một người đàn ông ở đó.”
“Khi nào?”
“Thỉnh thoảng. Hắn ta ghé đến rồi đi. Bất chừng, khi ngày khi đêm, như là một người bạn vậy.”
“Trong bao lâu?”
“Từ khi chúng tôi dọn đến đây. Tôi thường ở nhà nhiều hơn là Mike. Thế nên tôi để ý nhiều hơn.”
“Lần cuối bà thấy người này là lúc nào?”
“Tuần trước. Tôi nghĩ vậy. Đôi lần.”
“Thứ Sáu?”
“Không, trước đó. Có lẽ là thứ Ba hay thứ Tư gì đó.”
“Trông ông ta như thế nào?”
“Hắn nhỏ con. Hắn có mái tóc trông buồn cười. Tóc đen, như lông chó.”
Helen nghĩ, Charlie.
Eileen Hutton đi bộ từ khách sạn Marriott qua ba khối phố về hướng Nam và đến tòa án đúng bốn giờ kém một phút. Thư ký của Alex Rodin xuống đưa bà lên tầng ba. Những cuộc lấy lời khai được thực hiện ở một phòng họp lớn vì phần lớn các nhân chứng mang theo luật sư riêng của họ và các phóng viên tòa án. Nhưng Hutton chỉ đi một mình. Bà ngồi một mình ở một bên của cái bàn lớn và mỉm cười khi thấy một cái micro được đặt trước mặt và máy quay phim chĩa ống kính vào mặt mình. Rodin bước vào và tự giới thiệu. Ông ta mang theo một toán nhỏ. Một phụ tá, một thư ký, một phóng viên tòa án có trang bị máy móc.
Ông yêu cầu, “Xin bà đọc tên họ và chức vụ để ghi hình.”
Hutton nhìn vào máy quay phim.
Bà nói, “Eileen Ann Hutton, Chuẩn tướng, thẩm phán Đơn vị JAG, Lục quân Hoa Kỳ.”
Rodin nói, “Tôi hy vọng việc này không mất nhiều thì giờ.”
Hutton nói, “Không lâu đâu.”
Và quả là không lâu. Rodin đang giăng lưới trên cái biển mà ông chưa rành hải đồ. Ông như đang ở trong một căn phòng tối. Tất cả những gì ông có thể làm là phóng mò lung tung và mong gặp được điều gì đó. Sau sáu câu hỏi ông nhận ra rằng mình sẽ chẳng thu được kết quả gì.
Ông hỏi, “Bà mô tả hoạt động trong quân ngũ của James Barr như thế nào?”
Hutton đáp, “Kiểu mẫu nhưng không có gì vượt trội.”
Ông hỏi, “Có bao giờ ông ta gặp rắc rối không?”
Hutton đáp, “Theo tôi biết thì không.”
Ông hỏi, “Có bao giờ ông ta phạm tội ác không?”
Hutton đáp, “Theo tôi biết thì không.”
Ông hỏi, “Bà có biết về những sự kiện mới đây trong thành phố này không?”
Hutton đáp, “Tôi có biết.”
Ông hỏi, “Trong quá khứ của James Barr có gì chứng tỏ được ông ta có hoặc không có khả năng dính líu vào những sự kiện đó hay không?”
Hutton đáp, “Theo tôi biết thì không.”
Sau cùng ông hỏi, “Có một lý do nào đó khiến Lầu năm góc có thể quan tâm đến James Barr hơn những cựu chiến binh khác không?”
Hutton đáp, “Theo tôi biết thì không.”
Đến đó thì Alex chịu bỏ cuộc.
Ông nói, “Vâng. Cám ơn bà, thưa tướng Hutton.”
Helen Rodin bước đi ba mươi thước rồi đứng lại trên đường một lúc, bên ngoài ngôi nhà của James Barr. Cảnh sát đã giăng băng dây chắn ngang lối vào và một tấm ván được đóng đinh lên cánh cửa trước bị phá vỡ. Ngôi nhà trông hoang vắng đìu hiu. Không có gì để xem. Thế nên cô dùng điện thoại di động gọi một chiếc taxi đưa về bệnh viện của hạt. Khi cô đến đó thì đã quá bốn giờ chiều và mặt trời đang nằm ở hướng Tây. Nó rọi sáng tòa nhà bê tông trắng thành những mảng cam và hồng nhạt.
Cô đi thang máy lên tầng sáu và ghi danh với Ủy ban Trừng giới và tìm thấy tay bác sĩ mệt mỏi ba mươi tuổi, cô hỏi anh ta về tình trạng của James Barr. Tay bác sĩ không cung cấp thông tin gì mấy. Anh ta không hứng thú gì về tình trạng của Barr. Điều đó hiển nhiên. Thế nên Helen chỉ đi ngang qua anh ta và mở cửa phòng Barr.
Barr đang thức. Hắn vẫn bị còng tay vào thanh chắn giường. Đầu hắn vẫn bị kẹp lại. Đôi mắt hắn mở và nhìn trừng trừng lên trần nhà. Hơi thở hắn nhẹ và chậm, và máy theo dõi nhịp tim đang kêu chậm hơn một nhịp mỗi giây. Đôi tay hắn run nhè nhẹ và hai chiếc còng va leng keng vào thanh chắn giường. Những tiếng động mệt mỏi, vô tri của loài sắt lạnh.
Hắn hỏi, “Ai đó?”
Helen bước gần lại và cúi xuống tầm mắt của hắn.
Cô hỏi, “Họ có chăm sóc anh không?”
Hắn đáp, “Tôi không có gì để than phiền.”
“Cho tôi biết về ông bạn Charlie của anh?”
“Anh ta có ở đây không?”
“Không, anh ta không có ở đây.”
“Mike có đến không?”
“Tôi không nghĩ là họ cho phép khách vào thăm. Chỉ có luật sư và thân nhân thôi.”
Barr không nói gì.
Helen hỏi, “Có phải họ là những người bạn duy nhất của anh không? Mike và Charlie?”
Barr đáp, “Tôi nghĩ vậy. Và Mike là một người hàng xóm thì đúng hơn.”
“Còn Jeb Oliver thì sao?”
“Ai?”
“Anh ta làm ở tiệm bán phụ tùng xe.”
“Tôi không biết anh ta.”
“Anh có chắc không?”
Đôi mắt Barr chuyển động, môi hắn mím chặt như một người đang cố nhớ lại, cố tỏ ra mình có thiện chí, khao khát được chấp thuận.
Hắn nói, “Tôi rất tiếc. Tôi chưa bao giờ nghe biết gì về anh ta.”
“Anh có sử dụng ma túy không?”
Barr đáp, “Không. Chẳng bao giờ. Tôi không làm chuyện đó.” Hắn im lặng một giây. “Thật ra tôi không làm gì cụ thể cả. Tôi chỉ sống, thế thôi. Đó là lý do toàn bộ chuyện này thật vô lý đối với tôi. Tôi đã sống mười bốn năm trên đời này. Tại sao giờ đây tôi lại vứt bỏ đi tất cả mọi chuyện?”
Helen hỏi, “Kể cho tôi nghe về Charlie đi.”
Barr đáp, “Chúng tôi có gặp gỡ nhau. Làm chung vài thứ.”
“Súng?”
“Một ít.”
“Charlie sống ở đâu?”
“Tôi không biết.”
“Hai người quen nhau bao lâu?”
“Năm năm. Có lẽ sáu năm.”
“Mà anh không biết anh ta ở đâu à?”
“Anh ta không nói với tôi.”
“Anh ta từng đến nhà anh.”
“Thì sao nào?”
“Anh chưa bao giờ đến nơi anh ta ở?”
“Thì anh ta đến nhà tôi.”
“Anh có số điện thoại của anh ta không?”
“Anh ta chỉ thỉnh thoảng đến, lúc này lúc khác.”
“Các anh có thân nhau không?”
“Vừa đủ thân.”
“Chính xác là thân như thế nào?”
“Chúng tôi chơi được với nhau.”
“Đủ thân để kể với anh ta về chuyện mười bốn năm trước?”
Barr không trả lời. Chỉ nhắm mắt lại.
“Anh có kể với anh ta không?”
Barr không nói gì.
Helen nói, “Tôi nghĩ anh có nói với anh ta.”
Barr không nhận cũng không chối.
“Tôi ngạc nhiên lại có người không biết bạn mình sống ở đâu. Nhất là một người bạn thân như Charlie.”
Barr nói, “Tôi không gặng hỏi gì. Tôi thấy may mắn vì cũng có được một người bạn. Tôi không muốn làm hỏng tình bạn ấy bằng những câu hỏi.”
Eileen Hutton đứng dậy khỏi bàn lấy lời khai của Alex Rodin và bắt tay mọi người. Rồi bà đi ra hành lang và chạm mặt với một người mà bà nghĩ là viên cảnh sát tên Emerson. Người mà Reacher đã cảnh báo với bà. Ông ta khẳng định điều đó bằng cách trao cho bà một tấm danh thiếp của mình.
Ông hỏi, “Chúng ta có thể trao đổi chút ít không?”
Bà hỏi lại, “Về chuyện gì?”
Emerson đáp, “Về Jack Reacher.”
“Ông ấy thì sao?”
“Bà biết ông ta, tôi nói thế có đúng không?”
“Tôi biết ông ta mười bốn năm trước.”
“Lần cuối cùng bà gặp ông ấy là khi nào?”
Bà đáp, “Mười bốn năm trước. Khi đó chúng tôi cùng ở Kuwait. Rồi ông ta thuyên chuyển đi nơi khác. Hay tôi thuyên chuyển. Tôi không nhớ nữa.”
“Hôm nay bà không gặp ông ấy?”
“Ông ấy đang ở Indiana à?”
“Ông ấy đang ở trong thị trấn. Ở ngay đây, ngay lúc này.”
“Trái đất quả là tròn.”
“Bà đến đây bằng phương tiện gì?”
“Tôi bay đến Indianapolis rồi thuê một chiếc xe.”
“Ở qua đêm?”
“Tôi có lựa chọn nào à?”
“Ở đâu?”
“Khách sạn Marriott.”
“Tối qua Reacher giết một cô gái.”
“Ông có chắc thế không?”
“Ông ta là nghi can duy nhất của chúng tôi.”
“Điều đó nghe không giống con người ông ta chút nào.”
“Hãy gọi cho tôi nếu bà gặp ông ấy. Số của sở cảnh sát trên tấm danh thiếp. Và số máy lẻ của tôi. Và có cả số điện thoại di động nữa.”
“Tôi gặp ông ta làm gì?”
“Như lời bà vừa nói, thế giới này nhỏ lắm.”
Chiếc xe tuần tra màu trắng và đen của cảnh sát trườn đi về hướng Bắc xuyên qua dòng xe giờ cao điểm đang tích tụ. Chạy qua tiệm bán súng. Qua tiệm cắt tóc.Mọi kiểu chỉ $7. Rồi nó giảm tốc độ, rẽ phải vào nhà trọ. Tay cảnh sát ngồi ghế cạnh tài xế bước xuống và đi vào phòng tiếp tân. Trao cho tay quản lý tờ bướm. Đặt nó lên quầy, xoay nó lại và đẩy ngang qua.
Tay cảnh sát nói, “Gọi cho chúng tôi nếu thấy tên này xuất hiện nhé.”
Tay quản lý nói, “Ông ta ở đây. Nhưng tên ông ấy là Heffner, chứ không phải Reacher. Tôi xếp ông ấy ở phòng số tám, tối qua.”
Tay cảnh sát đứng yên. “Giờ hắn có ở trong đó không?”
“Tôi không biết. Ông ta đi ra đi vào vài lần.”
“Hắn thuê trong bao lâu?”
“Ông ấy trả tiền cho một đêm. Nhưng chưa trả lại chìa khóa.”
“Vậy là hắn định ở lại đêm nay nữa?”
“Tôi đoán vậy.”
“Trừ phi hắn có mặt ở đây rồi.”
“Vâng, trừ phi.”
Tay cảnh sát bước lùi ra cửa. Ra hiệu cho người đồng nhiệm. Tay cảnh sát kia tắt máy, khóa xe lại và bước đến.
Tay thứ nhất nói, “Phòng số tám, dùng tên giả.”
Tay kia hỏi, “Giờ hắn ở trong phòng à?”
“Chúng tôi không biết.”
“Vậy thì lên xem nào.”
Họ mang theo tay quản lý. Họ để anh ta đứng lui ra xa. Họ rút súng và gõ cửa phòng số tám.
Không ai trả lời.
Họ gõ lại.
Không ai trả lời.
Tay thứ nhất hỏi, “Có chìa khóa chính không?”
Tay quản lý trao ông ta một chiếc chìa khóa. Tay cảnh sát nhẹ nhàng tra nó vào ổ khóa, bằng một tay. Xoay chầm chậm. Mở cánh cửa ra một phân rồi dừng lại, rồi ông ta tông cho cửa mở toang ra và bước vào. Tay đồng sự bước vào ngay sau ông. Súng của họ chĩa qua lại khắp mọi phía, thật nhanh, hú họa và căng thẳng.
Căn phòng trống không.
Không có gì bên trong phòng cả, trừ một dãy vật dụng phòng tắm nho nhỏ trơ trọi xếp hàng trên cái kệ gắn trên chậu rửa mặt. Một gói dao lam loại dùng một lần còn mới được mở ra, một cái đã qua sử dụng. Một lon xà phòng cạo râu mới, có bọt bám quanh vòi xịt. Một ống kem đánh răng mới, được nặn hai lần.
Tay thứ nhất nói, “Cha nội này đi du lịch gọn nhẹ quá.”
Đồng nghiệp của ông ta nói, “Nhưng hắn chưa trả phòng. Chắc chắn vậy. Có nghĩa là hắn sẽ trở lại.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.