Mê Tông Chi Quốc

Chương 183: đầm lầy dạ quang






Hội Tư Mã Khôi lánh nạn trong khe nứt hẹp giữa vách tường, rồi bất giác ngủ thiếp đi, không ngờ lại bị nhốt trong giấc mộng chung quái đản kéo dài bất tận, dẫu cả hội đã nghĩ hết mọi cách, nhưng rốt cuộc vẫn không thể thoát khỏi cơn ác mộng ma mị ấy. Nếu chỉ nhờ vào ý thức của bản thân, thì họ không thể nào tỉnh dậy được, mà cần phải có một ngoại lực tác động vào, ngặt nỗi khắp nơi trong tòa thành cổ dưới lòng đất toàn xương khô, đến một bóng ma còn không có nữa là. Xem ra, mọi cách đều rơi vào ngõ cụt, họ chỉ còn biết đợi chờ chiếc bóng của thần chết viếng thăm trong nỗi sợ hãi và dày vò.

Giữa cái khó, Hải ngọng chợt ló cái khôn: “Lúc trước, mấy cỗ cương thi cũng rơi vào thành cổ rồi đột nhiên biến mất dạng, sau đó lại thình lình xuất hiện ngay trên đỉnh động, nhất định có con vật nào đó đã kéo chúng lên đó, chắc bọn này là loài động vật ăn xác thối dưới lòng đất, chúng đã đục được cái hố to thế trong vách tường, thì không chừng chúng sẽ lần theo mùi hơi, chui vào trong khe tường, chỉ cần chúng chạm vào người một cái là bọn ta có thể tỉnh dậy ngay tức thì”.

Tư Mã Khôi lắc đầu bảo: “Cậu tưởng hễ đeo kính cận là thành bác học được chắc, trí thức dỏm? Cậu nghĩ kỹ xem nếu bọn quỷ ăn xác thối săn mồi dưới lòng đất chui vào trong khe tường, thì mẹ kiếp, chúng nó còn để cho cậu yên chắc? Không khéo lúc cậu tỉnh lại, thì nửa cái sọ của cậu đã chuyển chỗ đến dạ dày chúng nó xong đâu vào đấy rồi!”

Thắng Hương Lân nói: “Đừng hi vọng xảy ra trường hợp ấy! Vì đề phòng bất trắc nên ngay từ lúc đầu chúng ta đã lấy ba lô bịt chặt miệng khe nứt, dẫu bên ngoài có con gì thì chúng cũng không thể chui vào trong này được đâu”.


Cao Tư Dương lo lắng nhìn Tư Mã Khôi: “Thường ngày anh nổ ghê lắm cơ mà, sao vào giờ phút then chốt lại tắc tịt thế?”

Tư Mã Khôi cũng không cam tâm chờ chết, bụng bảo dạ: “Bao gian nan nguy hiểm dọc đường đều đã vượt qua, giờ cái bia đá đã lù lù ngay trước mắt, làm gì có chuyện chịu chết tức tưởi ở đây? Lúc này có lo sợ hay hoảng loạn thì cũng vô ích, chi bằng ta phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh trước mắt, xem có cách nào phá giải được cơn ác mộng quái đản này không… nghĩ đến đây, anh bảo mọi người lần lượt kể lại cơn ác mộng xem họ đã mơ thấy gì.

Xuống đến đáy Tử thành, rồi trốn vào trong khe nứt giữa bức tường để lánh nạn, lúc này cả hội đã mệt nhoài, cổ họng khát cháy, từ lúc bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ mê mệt, mỗi người đều mơ thấy một cơn ác mộng vô cùng đáng sợ và kỳ lạ.

Cơn ác mộng của Nhị Học Sinh xảy ra trong núi Đại Thần Nông Giá, khi ấy cậu ta vẫn đang làm việc trong khu lâm trường Hầu Tử Thạch. Để kiếm thêm chút công điểm, cậu ta đi canh ruộng ngô vào ban đêm cùng một người bản địa họ Trần, biệt danh là Trần “liều”. Lâm trường khai hoang được mấy chục mẫu đất trên núi để trồng ngô, đến đêm mùa hạ, họ phải dựng một gian nhà tranh, rồi tìm người canh ngô hòng tránh dã thú và kẻ trộm. Nhưng nơi đó rừng sâu núi thẳm, bóng người thưa thớt nên khó tránh khỏi những lời đồn đại về hồn ma bóng quế, bình thường chẳng ai dám đi canh đêm, bởi thế người nào trong lâm trường chịu đi sẽ được gấp đôi công điểm.

Trần liều là người không tin chuyện ma mãnh, càng nghèo lại càng liều, gặp cơ hội tốt thế không tranh đi mới lạ. Hôm đó đến phiên anh ta và Nhị Học Sinh canh đêm, hai người mang theo súng tự chế để tránh thú dữ, rồi vào núi. Ban ngày, hai người đặt bẫy được một con thỏ hoang, liền lột da rửa sạch, đợi đêm xuống mới lấy chiếc nồi gốm trong gian nhà tranh vách đất mang ra hầm thỏ, hai người vừa canh nồi vừa chấm chấm mút mút, thịt thỏ trong nồi càng hầm càng thơm nức mũi. Trần liều không khỏi cảm thán kể, nhà anh ta lít nhít một đống con, đứa nào đứa nấy cứ như là những con ma đói đầu thai, thường ngày nếu anh có săn được lợn hay thỏ rừng thì cũng phải nhường con ăn trước, đợi đến khi kẻ làm cha là anh ta được động đũa thì đến khúc xương cũng chẳng còn, bây giờ ra ngoài canh đêm đúng là tự do, cứ việc ăn no căng bụng thì thôi, nói xong anh ta liền gắp một miếng thịt thỏ to đùng đút vào miệng.

Bụng Nhị Học Sinh cũng lép kẹp, đói mờ cả mắt nhưng cậu ta nào dám thò đũa ăn tranh với Trần liều, mắt nhìn chằm chằm đối phương đang ngon lành nhét miếng thịt thỏ vào mồm. Đột nhiên, cậu ta nghe thấy tiếng “ầm” vang lên, rồi vách đất bỗng thủng một lỗ lớn, một bàn tay to như cái quạt, lông lá đen sì thò từ ngoài vào, bàn tay xòe rộng khua khoắng khắp nơi, có vẻ như muốn tìm nồi thịt thỏ đang bốc khói nghi ngút. Hai người biết mình không may gặp phải dã nhân ở Thần Nông Giá, thì sợ mềm nhũn cả chân tay. Trần liều thường ngày tuy rất liều, nhưng giờ cũng sợ vãi đái ra quần, cuống cuồng đặt nồi thịt thỏ xuống đất, mặc cho cánh tay đen sì toàn lông lá khua khoắng, vớt lên ăn. Nào ngờ, gã người rừng ăn hết thịt trong nồi nhưng vẫn chưa chịu bỏ đi, nó tiếp tục thò cánh tay vào trong gian nhà tranh sục sạo.

Nhị Học Sinh và Trần liều đành đâm thủng vách tường phía sau, xách theo khẩu súng tự chế rồi chui ra ngoài chạy trốn. Họ nghe thấy tiếng bước chân gấp gáp đuổi theo, liền ngoái đầu lại nhìn, vừa nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, hai người suýt nữa thì lăn ra ngất xỉu tại trận, cách đó không xa là con quái vật hình người đứng thẳng bằng hai chân, lông dài thượt phủ kín toàn thân, tóc tai rũ rượi, dáng hình cao lớn, trông lừng lững chẳng khác nào người khổng lồ, có điều dưới ánh trăng bàng bạc, họ cũng không nhìn rõ mặt mũi nó ra sao. Trần liều hoảng quá hóa liều, cuống quýt giương súng săn lên bắn, trong lúc hoảng loạn dường như anh ta bắn mù một mắt con dã nhân, nó ôm đầu dừng bước, không đuổi theo hai người nữa.

Hai người loạng choạng bỏ chạy, chạy đến một khe núi, thì hai chân cứng đơ không thể nhích được nữa, đến lúc sắc trời hửng trắng như bụng cá, đoán chắc giờ đã bình an vô sự, Trần liều mới thở phào nhẹ nhõm, huênh hoang nói với Nhị Học Sinh: “Chắc nó không phải dã nhân đâu, dã nhân làm sao cao to thế được? Không chừng là sơn tiêu hay ma cây gì đấy. May mà chú đi cùng Trần liều anh đấy, chứ nếu là người khác thì lấy đâu ra dũng khí giương súng lên bắn nó?”, anh ta miệng nói tay khua, đang lúc thao thao bất tuyệt thì đột nhiên bên tai vang lên một âm thanh quái lạ, rồi một bàn chân khổng lồ lông rậm rì giẫm xuống khe núi.


Trần liều đáng thương bị giẫm nát bét, thân thể bấy máu. Cái đùi to lớn của con vật đó lại nhấc lên chuẩn bị giẫm vào Nhị Học Sinh. Cậu ta sợ hãi trân mắt đứng nhìn, hồn vía bay chín tầng mây, kinh hoàng tỉnh dậy, lúc ấy mới biết đó chỉ là một giấc mơ. Điều quái lạ là cơn ác mộng này lại lồng trong một cơn ác mộng khác, mà tầng thứ hai của cơn ác mộng đến giờ vẫn còn chưa tỉnh.

Trong thực tế cũng từng diễn ra sự việc này, điều khác biệt duy nhất là, hôm đó lẽ ra Nhị Học Sinh phải đi gác đêm với Trần liều, nhưng cậu ta lại mắc chứng Khắc Sơn, lúc ấy đột nhiên thấy khó chịu trong người, nên phải ở lại lâm trường, một mình Trần liều vác súng tự chế vào bãi canh ngô, kết quả ngày hôm sau người khác đến thay ca thì phát hiện Trần liều đã mất tích, trong gian nhà tranh chỉ còn chiếc nồi gốm vỡ nát, trên vách có nhiều lỗ thủng rất to.

Cuối cùng người ta phát hiện thấy Trần liều chết thảm trong khe núi, thi thể nát bét nom rất đáng thương, như thể bị người khổng lồ dùng chân giẫm chết, súng tự chế văng sang một bên, người trong lâm trường nghi thủ phạm là dã nhân, nên tập hợp dân binh mang theo súng săn lùng sục trong núi dọc theo dải Hầu Tử Thạch trong suốt nửa tháng, nhưng từ đầu chí cuối chẳng tìm thấy nửa sợi lông của dã nhân, rồi vụ án cũng khép lại, từ đó trở đi không ai dám canh đêm ở bãi ngô nữa. Nhị Học Sinh tận mắt thấy bộ dạng nằm chết thảm thương của Trần liều, hình ảnh ấy khắc sâu vào trí não cậu ta, nên giờ mắc kẹt dưới lòng đất này cậu lại nằm mơ thấy cảnh tượng đó, nhưng có lẽ vì giấc mơ chịu sự tác động của tiềm thức, nên Nhị Học Sinh mới mơ thấy mình trực tiếp cùng Trần liều trải qua sự kiện bị dã nhân giẫm chết năm ấy.

Cơn ác mộng của những thành viên còn lại đều liên quan đến những sự kiện bản thân từng trải qua, mỗi cơn ác mộng đều có điểm ly kỳ, đáng sợ riêng, người nào người nấy kể vanh vách giấc mơ của mình như thể vừa mới thực sự trải qua.

Tư Mã Khôi biết rõ mình có thể mơ thấy giếng máu trong rừng rậm Miến Điện, nhưng không thể mơ thấy chuyện gặp phải dã nhân ở Thần Nông Giá, mà dẫu có mơ thấy cũng không thể chi tiết, sống động như vậy được, điều đó đủ để chứng minh giờ đây mọi người đang cùng trải qua một cơn ác mộng trùng lặp. Giải mộng, xem phong thủy, bói toán đều là đạo thuật trong Kim Điển, bởi vậy Tư Mã Khôi cũng thông hiểu ít nhiều. Anh nhớ cổ nhân từng giải thích cặn kẽ từng loại giấc mộng, trên đời ngoài cương thi ra, không người nào không nằm mơ, nếu tỉnh dậy cảm thấy không hề mơ thì chẳng qua là do trí não đã hoàn toàn quên hết. Giấc mơ thường chia ra thành hai loại, giấc mơ nông và giấc mơ sâu.

Tầng thứ nhất của giấc mơ là tầng nông nhất, thường gọi là “thân cảnh” tức giấc mơ cõi người, những chuyện xảy ra trong giấc mơ này liên quan đến bản thân người ngủ mơ và nó chịu sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, ví dụ khi cơ thể bị trói thì trong giấc mơ thường thấy rắn xuất hiện, nếu mái nhà bị dột, thì sẽ mơ thấy mình bị rơi xuống nước, cái này gọi là “ngày ra sao, đêm chiêm bao là vậy”. Tầng thứ hai của giấc mơ sâu hơn, gọi là “linh chúc” tức ngọn nến cõi tâm linh, căn nguyên của giấc mơ này xuất phát từ nội tâm, chủ yếu chịu sự tác động của tiềm thức, bởi vậy đôi khi những chuyện ngày thường không làm, đột nhiên lại xuất hiện trong giấc mơ. Tầng thứ ba của giấc mơ là tầng sâu nhất, gọi là “hồn yểm” tức là chỉ hồn rời khỏi xác đi chu du trong cõi mơ, lỡ gặp phải trường hợp này, thì chỉ còn cách đợi người khác đánh thức mình dậy mà thôi.

Tư Mã Khôi nhớ trong cổ tịch tướng vật có ghi chép rằng, ở núi Côn Lôn có loại sắt huyền thiết, loại sắt này có khả năng nhốt người ta vào cơn ác mộng khó lòng tỉnh giấc. Nghe nói, Hán Vũ Đế cũng từng có một viên. Quả cầu sắt to lớn đen sì nằm lún trong thành cổ có lẽ chính là loại dị vật kiểu này, mọi người nhất thời sơ ý, lăn ra ngủ mê mệt ngay trong khe nứt giữa vách tường, nên đều lần lượt chìm vào ác mộng, khi giật mình bừng tỉnh giấc, thì lại trượt vào một tầng ác mộng khác sâu hơn, không những vậy tiềm thức của tất cả mọi người chồng chéo, trùng lặp tại một điểm. Tuy đã hiểu ra vấn đề, nhưng cả hội nghĩ nát óc vẫn không thể tìm được cách hóa giải nút thắt hóc búa này.

Lúc này, Hải ngọng lên tiếng bảo đã tìm ra kế sách giúp cả hội thoát khỏi không gian của cơn ác mộng quỷ quái. Thường ngày, ác mộng sẽ kết thúc khi ta sợ hãi quá độ và giật mình tỉnh giấc…


Thắng Hương Lân không đợi Hải ngọng nói dứt lời, đã hiểu ý anh muốn nói gì, cô vội vàng xua tay gạt đi. Cơn ác mộng quái đản này vô cùng bất thường, hoàn toàn khác với những ác mộng con người từng mơ thấy, nó đã khiến chúng ta sợ hãi đến tột độ, nhưng vẫn không thể đánh thức chúng ta dậy, ngược lại còn kéo chúng ta xuống tầng mộng sâu hơn.

Tư Mã Khôi thầm nghĩ, com ác mộng quái lạ này quả thực diễn ra quá dài và dường như không có khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc, chắc điểm tận cùng là mọi người sẽ dần dần biến mất, từng người từng người một, bởi một khi cơ thể chết đi, thì tiềm thức cũng không thể tồn tại. Để tìm con đường sống, cách gì cũng phải thử mới được, ngay cả ý tưởng ngu ngốc của Hải ngọng cũng phải thử một lần. Đang lúc Tư Mã Khôi còn mải đăm chiêu suy nghĩ, thì anh lờ mờ phát hiện tựa có bóng người thấp thoáng trốn sau lưng Cao Tư Dương, bóng người ấy co rúm, ngồi xổm trong góc tối, án binh bất động, nom bộ dạng khá quen mắt, có điều trong chốc lát anh không thể nhớ ra đã từng gặp ở đâu.

Tư Mã Khôi bỗng lạnh gáy, trong tòa Tử thành này, ngoại trừ năm thành viên của đội khảo cổ ra, chẳng lẽ còn có người thứ sáu may mắn sống sót? Nghe nói, mộng là hệ quả của quá trình ngủ động mắt nhanh(1) và tiềm thức tầng sâu, chính vì vậy người nào cũng phải ngủ mơ, thậm chí cả chó mèo cũng vậy. Mỗi người, mỗi loài có một giấc mơ riêng biệt, nói theo quan niệm mê tín thì bản thân trong giấc mộng chính là “hồn sống”, còn giấc mộng là không gian hỗn độn giao thoa giữa cõi âm và cõi dương, dương hồn của người sống có thể nằm mơ, âm hồn của người chết cũng có khả năng đi vào giấc mộng, bởi vậy mới xảy ra chuyện người chết thác mộng cho người sống.

Chẳng lẽ kẻ mới đến là âm hồn của người đã chết cách đây mấy ngàn năm, đang đi nhầm vào cõi mộng của các thành viên đội khảo cổ? Hay hắn chính là linh hồn của Nấm mồ xanh đang tàng hình ẩn trốn? Nếu là vậy thì chẳng lẽ hồn phách của Nấm mồ xanh cũng bị nhốt trong cơn ác mộng ư?

1 Ngủ động mắt nhanh: là một trong hai giai đoạn mang tính chu kỳ của giấc ngủ, gồm có: ngủ động mắt nhanh và ngủ không động mắt nhanh.

Suy nghĩ ấy vừa lóe lên, Tư Mã Khôi đã xách súng, bước nhanh đến gần, thò tay tóm lấy kẻ lạ mặt. Gã đang cúi đầu rất thấp, khi bị tóm mới chầm chậm ngẩng lên, mặt đối mặt với Tư Mã Khôi. Có điều, khuôn mặt đó nhẵn thín như mặt thớt, không hề có mắt mũi tai miệng, nom như dán một lớp giấy trắng rất dày lên mặt vậy. Tư Mã Khôi có cứng gan đến đâu, thì trong khoảnh khắc đó, tim gan cũng thấy thấu lạnh. Anh hiểu, đó là âm hồn nhập mộng, nhưng không hiểu âm hồn không có mặt đó là ai?



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.