Ma Thổi Đèn

Chương 1: Tổ sư trộm mộ




Quy Khư Nam Hải

Lão Trần mù dường như đột nhiên biến mất khỏi Bắc Kinh, tôi đi tìm khắp nơi không thấy đâu, đành phải bỏ cuộc, chắc là lão này lại rúc vào xó xỉnh nào đó chờ qua cơn sóng gió này rồi. Vì vậy, tôi một mặt nhờ người để lại lời nhắn cho lão, mặt khác chuẩn bị lên đường sang Mỹ. Ngày đi xa đã gần kề, chúng tôi muốn ngắm cảnh mùa đông ở Bắc Kinh thêm một lần nữa, vậy là tôi bèn dẫn Shirley Dương ra ngoài tản bộ, đến hồ Bắc Hải xem trượt băng, tiện thể bàn bạc những chuyện sau khi sang Mỹ luôn. Bắc Kinh ngày đông gió rất mạnh, bầu trời xám xịt dự báo một trận tuyết lớn sắp đổ xuống, nhưng cũng không thể ngăn được sự hào hứng của mọi người, niềm vui khi trượt băng trong khu lâm viên cổ điển của hoàng gia khiến chẳng ai muốn về nhà.
Tôi nói với Shirley Dương rằng đã chuẩn bị rửa tay gác kiếm, sau này không muốn đem tính mạng ra đánh liều, treo đầu vào thắt lưng đi đổ đấu nữa, đồng thời móc cái bùa Mô Kim của Răng Vàng cho giơ ra đung đưa trước mặt cô, biểu thị rõ quyết tâm, không đeo bùa Mô Kim, tổ sư gia sẽ không phù hộ cho nữa.
Chính ra, tôi thực cũng từng nghĩ đến việc ném bỏ cái bùa Mô Kim rồi, có điều, những trải nghiệm bao năm nay đã cho tôi biết một điều, cuộc đời này không có gì là tuyệt đối, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, vì vậy, tốt nhất cứ giữ lại cho mình một khoảng trống để còn lui bước. Người xưa không chỉ một lần nói: “Thà chuẩn bị mà không dùng, chứ không thể dùng mà không chuẩn bị.”
Trên đường từ Bắc Hải về nhà, Shirley Dương rất vui vẻ, nhưng hình như vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với tôi, bèn đòi cầm lá bùa Mô Kim, nói là để bảo quản giúp. Tôi nghĩ bụng, thứ này giao vào tay nàng ta thế quái nào được, vội lên giọng trịnh trọng nói: “Nước loạn mong tướng tài, nhà nghèo ngóng hiền thê, tôi cứ tưởng quen biết cô xong, hiện trạng cuộc sống bát nháo tệ hại của tôi sẽ triệt để thay đổi, cớ sao cô vẫn cứ không thèm tin tôi vậy? Thế này... thế này đâu có phù hợp với quy luật khách quan biện chứng tự nhiên của ông Engels.”
Shirley Dương nói: “Đừng giở cái trò ấy ra nữa, chính vì quá hiểu anh nên tôi mới không yên tâm đấy. Tôi đã phát hiện ra, phàm lúc nào anh làm bộ nói năng nghiêm túc thì đều chẳng kiếm được chữ nào đáng tin hết, ngược lại những câu thoạt nghe tưởng như bỡn cợt chẳng đếm xỉa gì đến ai kia, lại toát lên đôi chút chân tâm. Anh đưa lá bùa Mô Kim ấy cho tôi xem nào, vừa nãy tôi cũng chưa nhìn rõ là đồ thật hay đồ giả nữa đấy.”
Tôi bị cô nàng nói cho ngẩn cả người, bất giác tự hỏi: “Mình thật sự như vậy sao? Bình thường nói năng đều lung tung như vậy à? Nói nghiêm chỉnh thì bị coi là xằng bậy xằng bạ? Lời đùa cợt lại coi như thật? Chắc chắn không phải vậy, nếu không thì người ta đâu cần nói văn hóa Trung Quốc và Mỹ có nhiều khác biệt, phải tìm điểm chung, gác những bất đồng lại. Riêng một điểm này thôi cũng thấy đúng là có khác biệt rồi.” Ý nghĩ chuyển động trong đầu, tôi chợt nghĩ ra cách để lái chú ý của Shirley Dương sang hướng khác: “Theo mấy truyền thuyết về Mô Kim hiệu úy, ấn phù hay phân giáp thuật đều do tổ sư gia truyền xuống, làm nghề này đều phải trông cậy ở tổ sư gia để kiếm bát cơm ăn, lúc đổ đấu phải thầm khấn tổ sư gia phù hộ, nhưng nói đi nói lại, rốt cuộc tổ sư gia của cái nghề đứng đầu bảy mươi hai nghề trong thiên hạ này là ai? Đến giờ chắc chẳng ai nói rõ ngọn ngành được nữa nhỉ.”
Shirley Dương đáp: “Có gì mà không rõ được, bảy mươi hai ngành nghề, đồ cổ xếp trước, đổ đấu thuộc tám ngành ngoài. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, những nghề nghiệp tự hình thành một hệ thống riêng, có bộ quy tắc và truyền thừa hoàn chỉnh tổng cộng có bảy mươi hai nghề, tất cả đều có riêng tổ sư gia. Tổ sư nghề đào kép trong gánh kịch là Đường Minh Hoàng, kẻ làm nghề mổ lợn thì thờ Trương Dực Đức, người làm nghề may cúng Hiên Viên, thợ mộc thờ Lỗ Ban, trộm đạo bái Đông Phương Sóc... Bảy mươi hai nghề lại phân thành nhiều đẳng cấp khác nhau, tám ngành ngoài là nhất, Mô Kim đứng đầu tám ngành ngoài, vì vậy Mô Kim hiệu úy cũng chính là vương trung chi vương của bảy mươi hai ngành nghề truyền thống. Có điều, nói đến tổ sư gia, thì nghề đổ đấu lại có đến ba vị.”
Vừa nãy, tôi chẳng qua chỉ muốn dùng lời nói đánh lạc hướng Shirley Dương, tiện mồm hỏi một câu, chẳng ngờ hỏi ra được một đống lý lẽ, lại còn toàn những thứ cả đời chưa nghe đến, bèn lập tức thỉnh giáo, nhờ cô nàng giảng giải cặn kẽ ngọn nguồn, ngộ nhỡ sau này có ai hỏi, còn biết chút ít mà mô tê ất giáp với người ta, đỡ hóa thành trò cười cho thiên hạ, Mô Kim hiệu úy cái nỗi gì mà đến tổ sư gia là ai cũng chẳng biết.
Hiểu biết của Shirley Dương về quy củ truyền thống nghề đổ đấu đều là đọc được trong cuốn nhật ký của ông ngoại cô, tức kẻ trộm mộ biệt hiệu Gà Gô năm xưa để lại. Những người được tôn xưng làm tổ sư gia của bảy mươi hai ngành nghề truyền thống này, không nhất định phải giỏi giang nhất trong nghề, nhưng đều là người được lưu danh sử sách, hoặc ít nhất cũng chiếm một chỗ trong bảng tên các nhân vật phong vân trong lịch sử.
Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, thế gian đã có chuyện đổ đấu trộm mộ, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng nhất, sợ rằng phải tính đến vụ Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Vương, lấy roi quật xác rửa hận làm đầu. Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Vương là để báo mối thù không đội trời chung, chứ không phải vì minh khí bồi táng trong lăng mộ. Hành động của ông ta rõ ràng là “có mục đích nhưng không vì tiền tài”, nên được Ban Sơn đạo nhân, với tôn chỉ “có sở cầu nhưng không cầu tài”, bái làm tổ sư gia.
Cuối thời nhà Tần, Hán sở tranh hùng, Hạng Vũ phá lăng Tần, hỏa thiêu cung A Phòng, báu vật cướp được nhiều không kể xiết. Hạng Vũ, Lưu Bang là nghĩa quân phản Tần, nên các Xả Lĩnh lực sĩ đời sau đều lấy chữ “nghĩa” làm chiêu bài tụ hợp, tôn thờ Tây Sở Bá vương làm tổ sư gia. Còn nữa, Sở Bá vương có sức dời núi lấp biển, cũng là điềm lành đối với đám người chuyên dùng ngoại lực phá mộ như bọn họ.
Đến thời Hán, hoạt động trộm mộ đã cực kỳ phát triển, tên gọi Mô Kim hiệu úy nói là xuất hiện thời Tam Quốc phân tranh, nhưng trên thực tế thì manh nha từ thời Tây Hán, có điều, lúc bấy giờ Mô Kim phái vẫn chưa gây được thanh thế gì. Về sau, vào thời Tam Quốc, Tào Tháo lấy cớ cần quân lương dẹp yên loạn thế, trả lại cho dân chúng cuộc sống bình yên, thu hút không ít cao thủ đổ đấu, đồng thời thiết lập một đội quân đổ đấu chính quy chuyên nghiệp, từ đó chính thức có danh hiệu Mô Kim hiệu úy, trải qua nghìn năm vẫn tiếp tục được gọi cho đến giờ. Cổ nhân có câu: “Danh bất chính, ngôn bất thuận”, ngành nghề có tên hiệu của tổ sư gia mới có thể thành một hệ thống, truyền thừa cho hậu thế, nên trong nghề phải phát triển các quy định và đủ loại kỹ thuật thủ nghệ cùng hệ thống dịch lý ngũ hành, đến thời nhà Đường coi như hoàn bị, về sau lại dung nạp thêm tinh túy trong lý luận phong thủy của Hình Thế tông ở Giang Tây, hình thành những bí thuật phong thủy độc đáo, chỉ Mô Kim hiệu úy mới biết, chẳng hạn như Tầm Long quyết hay thuật Phân kim định huyệt.
Thời Tam Quốc, quần hùng cát cứ, không chỉ mình Tào Tháo mới có đội quân chuyên dụng đi đổ đấu đào mộ. Để bổ sung kinh phí quân đội, Đông Ngô từng đào mộ Nam Việt vương ở Lĩnh Nam, có điều đội quân đổ đấu dưới trướng Tôn Quyền gặp sự cố rất lớn trong quá trình đào mộ, rốt cuộc bị tiêu diệt sạch sành sanh, không sống sót mống nào. Chuyện này vẫn được truyền miệng trong giới đổ đấu, nhưng sách sử không hề ghi chép lấy nửa chữ. Lạ một điều nữa, dã sử hoàn toàn trái ngược với truyền thuyết, chỉ nói vụ đào mộ đó thành công, chẳng biết thực hư thế nào.
Các chuyện dã sử truyền kỳ còn nói, mộ Tào Tháo cũng do Mô Kim hiệu úy thiết kế, nên hậu thế khó mà phát hiện, đúng như câu: việc chôn cất, phải giấu, không để thiên hạ biết được. Điều này nghe ra xem chừng rất hợp lý, một số cổ mộ quả thực chiếm địa thế rất tốt, nếu không am tường chân tướng bên trong, không dùng phương pháp đặc thù để tìm kiếm, thì gần như là không hề có cơ hội nào để phát hiện.
Tôi sực tỉnh ngộ: “Thì ra lịch sử truyền thừa của nghề trộm mộ này là thế. Tuy ba vị tổ sư gia ở ba thời đại khác nhau, nhưng cùng có một điểm chung. Tào Tháo vừa là thi nhân vừa là quân nhân, Ngũ Tử Tư là tướng quân phạt sở, Hạng Vũ lại càng là bậc bá vương thống lĩnh ba quân, có thể nói đều xuất thân nhà binh, điểm này sợ rằng không đơn thuần chỉ trùng hợp thôi đâu. Dám cầm đầu đi đổ đấu trộm mộ, tôi thấy quá nửa là kẻ từng trải chiến trận, khí phách mạnh mẽ, không tin vào mấy chuyện tà ma. Nếu không phải xuất thân từ quân ngũ, thử hỏi lấy đâu ra bao nhiêu đảm lược và kiến thức như vậy.”
Tôi nói với Shirley Dương: “Tổ sư gia của Ban Sơn đạo nhân và Xả Lĩnh lực sĩ lần lượt là Ngũ Tử Tư và Tây Sở Bá vương, tôi lần đầu nghe nói đấy, quả là được mở mang kiến thức rất nhiều. Còn Mô Kim hiệu úy thờ Tào Tháo làm tổ sư gia thì không nằm ngoài dự liệu, tôi biết lâu lắm rồi. Có điều, nghe ông nội tôi bảo, chuyện này chưa chắc là chính xác, không biết bên trong còn có ẩn tình gì hay không?”
Shirley Dương đáp: “Mô Kim hiệu úy thờ Tào công là xuất phát từ thời Hậu Hán, nhưng trên thực tế, quy định ‘gà gáy đèn tắt không mò vàng’ đã có từ thời Tây Chu. Bấy giờ, có một nô lệ tuẫn táng theo Chu U vương bị chôn xuống mồ rồi mà không chết, lại tìm được một cuốn dị thư viết bằng chu sa trong mộ, bèn truyền cho hậu thế. Các phép tiến thoái của Mô Kim hiệu úy, toàn bộ đều từ sách này mà ra cả. Đúng lý ra, tổ sư gia của Mô Kim hiệu úy chính là vị kỳ nhân đã sống sót thoát ra khỏi mộ ấy, chỉ tiếc một điều rằng, danh tính và số phận của vị ấy về sau đều đã thất truyền, không thể khảo chứng được.”
Tôi thừa cơ kéo chủ đề câu chuyện đi càng lúc càng xa hơn: “Xem ra trong các lăng mộ cổ đại đúng thực là có thần phù linh dược với các thứ mật quyết âm dương, có điều chưa chắc đã tác dụng nhỉ? Nếu không thì chủ mộ đâu phải chui vào nằm trong quan tài chứ, thời ấy chẳng biết có bao nhiêu người vì ăn tiên đơn diệu dược mà chết nữa...”
Trong lúc nói chuyện không để ý, chúng tôi đã sắp về đến đầu con ngõ chỗ tôi đang ở, chẳng ngờ nói lằng nhằng bao lâu thế mà tư duy Shirley Dương vẫn không nhiễu loạn, lại đòi tôi đưa lá bùa Mô Kim kia ra. Tôi đang lưỡng lự không biết làm sao, chợt vớ được vị cứu tinh từ trong ngõ đi ra.
Ở đầu ngõ có máy điện thoại công cộng, lại có bà thím họ Lưu chuyên nghe điện thoại, hễ có điện thoại gọi đến, bà thím sẽ hỏi rõ là tìm ai, rồi mới vào ngõ gọi người, mỗi lần đi gọi hai hào tiền công. Làn này vừa khéo có điện thoại tìm Tuyền béo, cậu ta đang khoác áo ba đờ xuy đong đa đong đưa theo thím Lưu đi ra, thấy tôi và Shirley Dương từ ngoài ngõ đi vào liền giơ tay vẫy chào, rồi cầm cái ống nghe ngoác miệng: “A lố a lô... tôi là sếp của công ty trách nhiệm hữu hạn Đổ đấu Hoàn Cầu Vương... Cái gì... Chưa nghe nói đến bao giờ hả? Chưa nghe bao giờ thì điện thoại tìm tôi làm quái gì? Này... tôi nóng tính đấy thì sao, có phải muốn chọc tức nhau không hả? Ở đâu ra thế? Có giỏi thì vác mặt ra đây, ông béo mày bóp phát chết tươi luôn...”
Tôi nhân cơ hội vội bảo Shirley Dương: “Cô xem Tuyền béo kìa, từ sau bận ở núi Côn Luân về, mới làm bộ thâm trầm được vài hôm đã lại không biết mình họ gì nữa rồi, nói năng vô ý quá, giữa chốn công cộng đông người thế này mà cứ đổ đấu với chẳng đổ điếc. Thường vẫn có câu, bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng, thằng này cứ thế rồi sớm muộn gì cũng rước vạ vào thân thôi.”
Kỳ thực tôi đâu thèm để ý xem Tuyền béo nói gì, chẳng qua chỉ tranh thủ cơ hội tính gạt chuyện bùa Mô Kim đi mà thôi, vừa nói tôi vừa cùng Shirley Dương vào nhà. Một chốc sau, Tuyền béo cũng nghe điện thoại xong quay về, hớn hở bảo: “Vừa có người gọi điện mời cơm tối, lại được một bữa sướng mồm rồi, sớm biết thế này buổi trưa tôi đã nhịn luôn cho bớt một bữa, phải cần kiệm mới làm cách mạng được chứ.” Tôi hỏi ai gọi điện đến? Tuyền béo đáp chưa kịp hỏi, mới hỏi xem ăn ở đâu thôi, chỗ ấy cũng được lắm, nghe đồn rất đặc sắc, nhưng giọng trong điện thoại thì hình như giông giống lão già Minh Thúc.
Shirley Dương chợt lên tiếng xen vào: “Không được, giáo sư Trần đã khỏi bệnh từ Mỹ trở về Bắc Kinh rồi, tối nay ông ấy đặc biệt mở tiệc tại nhà, muốn mời mấy người cùng đi Tân Cương hồi nọ tụ tập một bữa. Tôi đã nhận lời, tối nay chúng ta phải đến nhà giáo sư Trần. Giờ không còn sớm nữa, hai anh đi thay quần áo rồi đi luôn thôi.”
Đã vậy thì hết cách, dĩ nhiên không thể không nể mặt giáo sư Trần rồi. Tôi nghĩ bụng, hồi xưa mới đến Bắc Kinh nghèo suýt chết đói, có cái bánh nướng chan nước xốt đã là được bữa cải thiện to lắm rồi, lúc ấy sao chẳng ai mời ăn cơm khách? Nguyên nhân sâu xa hẳn có rất nhiều, thôi gạt quách đi không cần nghĩ nữa, cả cú điện thoại không đầu không đuôi kia tôi cũng gạt ra khỏi óc, tùy tiện chỉnh trang sơ sơ rồi cả bọn cùng kéo nhau đến nhà giáo sư Trần.
Răng Vàng cũng được mời. Hắn và giáo sư Trần quen biết từ trước, tôi và Tuyền béo tham gia đội thám hiểm sa mạc của ông cũng do hắn giới thiệu. Lần tụ tập này không có người ngoài, chẳng phải khách sáo, mọi người phân chia chủ khách ngồi xuống, vừa ăn vừa nhắc chuyện cũ và tình hình gần đây của mỗi người, ai nấy không khỏi một phen bồi hồi xúc cảm.
Giáo sư Trần tuy nhặt lại được cái mạng ở sa mạc mà sống sót trở về, nhưng trong chuyến đi thành cổ Tinh Tuyệt năm ấy, đã mất đi không ít đồng nghiệp, toàn là những người thân thiết nhất. Những tổn thương tinh thần khiến ông sa vào trạng thái rối loạn, sau khi được chữa trị ở Mỹ một thời gian, về cơ bản đã coi như bình phục hoàn toàn, ông nhung nhớ cố hương, không muốn ở lại nước người, vừa khỏi bệnh một tháng đã nôn nóng trở về Trung Quốc ngay.
Giáo sư Trần uống vài ly rượu, nhớ đến những trợ lý và học trò bất hạnh của mình đã chôn thân nơi biển cát, tinh thần hơi kích động, bàn tay cầm đũa cầm bát run bần bật. Chúng tôi lo ông bệnh cũ tái phát, vội khuyên không nên uống nữa, lại nói, người chết cũng đã chết rồi, chẳng ai có thể thay đổi được gì, người sống nên nghĩ thoáng một chút, không thể nào sống mãi trong cái bóng của quá khứ được.
Giáo sư Trần thở dài một tiếng: “Tuy chuyện cũ đã qua, nhưng nếu con người ta không hoài niệm chuyện cũ, không còn hồi ức, vậy thì sống khác nào cái xác không hồn. Cũng như mỗi dân tộc đều có lịch sử của mình, những văn vật, di tích cổ xưa chính là hồi ức của dân tộc, từ đó, chúng ta có thể tìm hiểu được nguồn gốc của mình ở đâu, huyết mạch của mình ở đâu, có vậy thì mới có tinh, khí, thần của một quốc gia. Tôi ngần này tuổi rồi, muốn làm việc gì, cũng đã có lòng mà chẳng còn sức, hễ nghĩ đến những chuyện này, tôi lại cảm thấy gánh nặng lịch sử trên vai thật chẳng nhẹ chút nào...”
Tôi nghe giáo sư Trần nói cả một tràng dài, trong lòng không khỏi giật thót, càng nghe càng cảm thấy không ổn lắm, chắc chắn ông già có ẩn tình chi đây, không hiểu rốt cuộc muốn nói gì nữa, nghe ý tứ thì cuối cùng thể nào cũng đổi giọng, có việc muốn nhờ vả đến tôi. Nhưng tôi chẳng muốn dính líu đến đồ cổ đồ kiếc nữa, chắc phải tìm cách khéo léo từ chối vậy, có điều cũng phải nghe xem giáo sư Trần này rốt cuộc muốn nói gì đã. Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với ông: “Giáo sư, cháu nói câu này ông đừng giận, tuy chúng cháu không có văn hóa gì, nhưng những đạo lý lớn lao ấy, ít nhiều cũng hiểu được một chút. Nếu một người không tôn trọng lịch sử, kính sợ lịch sử, cuộc sống chẳng có mục đích gì, tiến lên mà chẳng biết đi đâu, thì ăn cơm cũng chẳng thấy ngon. Đạo lý này bọn cháu đều hiểu rất rõ, vả lại từ lâu nó đã tan chảy vào huyết quản, khắc ghi trong xương cốt, đồng thời cũng được áp dụng vào hành động thực tế của chúng cháu rồi. Có điều, tất cả thực sự quá sâu sắc, nói ra sợ rằng một chốc một nhát không thể nói hết được, bác vừa khỏi bệnh chắc vẫn còn mệt, nên cháu thấy bác đừng nhắc đến nữa, để dành khi nào giảng bài hay làm báo cáo cũng chẳng muộn đâu. Còn nếu bác thực sự muốn nói, không rõ liệu có thể trực tiếp nói ra những điều ẩn giấu đằng sau đạo lý vĩ đại đó được chăng? Chắc không phải là lại muốn dẫn đám chúng cháu tổ chức thành đội thám hiểm đi khảo sát nền văn minh cổ đại đã biến mất gì gì đó đấy chứ?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.