Livestream Siêu Kinh Dị

Chương 82: Thang máy thông xuống nhà xác




Dịch: Âm Giang Tú Tràng
ICU là khu chăm sóc tích cực, thường được tăng cường bác sỹ và y tá trông coi, thăm khám. Chỉ có người đau ốm trầm trọng, có rủi ro tắt thở bất cứ lúc nào mới vào đây nằm.
Người mẹ của thằng nhóc đang nằm trên giường bệnh, đeo ống thở. Đôi tay bà ta buông thõng, trông như đang hôn mê sâu, nào có phải là đang nằm ngủ.
Một người đang nằm hấp hối như thế, làm cách nào để bà ấy tự nhổ ống thở, rồi bước ra khỏi phòng nhỉ? Một lời giải thích nào đó dần dần xuất hiện trong đầu tôi.
Tôi bước đến, gõ nhẹ cửa phòng. Bé trai quay đầu lại, trông thấy tôi, nhưng một lát sau mới đến mở cửa.
"Cháu xin lỗi." Cậu bé buồn bã, miệng lặp đi lặp lại mấy từ như thế.
Tôi nhìn nét mặt non nớt đầy nước mắt của thằng nhóc. Gương mặt nó vẫn láng mịn, nào có dấu bàn tay vừa tát ban nãy in hằn lên.
"Mẹ cháu nằm hôn mê tại đây bao lâu rồi?"
"Một ngày một đêm."
"Ba của cháu đâu? Tại sao có một mình cháu trong phòng?"
Vừa nghe nhắc đến người bố, thằng nhóc gục đầu xuống, siết chặt nắm tay, chẳng thèm trả lời.
"Chú xin lỗi." Tôi im lặng, lùi tới gần cửa phòng. Khi chuẩn bị đi khỏi, tôi hỏi một câu cuối cùng: "Ai kêu cháu chạy qua phòng 9114 gõ cửa vậy? Chú chắc chắn không phải là mẹ của cháu nha."
"Không phải." Bé trai nhìn tôi: "Là một ông cụ."
"Ông ấy có đặc điểm thế nào?"
"Ông cụ ấy có nhiều nếp nhăn trên mặt... Hơn nữa, ông ta hổng có thân thể, có mỗi một cái đầu hà!"
"Chỉ có một cái đầu à?"
...
Tôi đóng cửa phòng ICU, rồi quay lại căn phòng số 9114. Có đôi khi, lời nói của trẻ nhỏ rất khó hiểu. Nhưng có ai dám cam đoán rằng, bọn trẻ luôn nói dối đâu?
Lúc Tưởng Thi Hàm phát điên, cô ấy từng chỉ về phía cửa sổ một lần. Khi đó, tôi dùng điện thoại của Âm Gian Tú Tràng ra soi lên, cũng thấy một gương mặt già nua ngay tại đó.
Nhớ đến cảnh ấy, tôi bỗng thấy sởn tóc gáy. Vị trí xuất hiện của khuôn mặt đó là ngay ô cửa sổ kính, theo cách nói thông thường, thân thể của lão già đó phải ngang tầm với tôi.
Tôi bước giữa dãy hành lang tối tăm, bốn phía đều yên tĩnh, chẳng có một tiếng động. Những căn phòng hai bên hành lang đều đóng cửa, tắt đèn. Vạn vật chìm trong bóng tối. Dù có nhìn vào bên trong, tôi cũng chẳng thấy gì hết.
Bước ngang phòng trực ban, cô y tá trực ca vẫn chưa quay lại. Tôi ngó nghiêng ngó dọc một hồi, vì không thấy ai, tôi bèn chống hai tay vào mặt bàn, nhảy qua nó.
Không gian trong phòng trực ban không lớn lắm. Phía trước là góc làm việc của y tá, phía sau có một căn phòng đơn. Bởi vì nơi đây có ca làm việc 24/24 thay phiên nhau, nên bác sĩ hoặc y tá có thể ngủ lại phòng trực nếu đổi ca lúc giữa đêm.
Tôi đẩy cửa bước vào, thấy trên bàn có đặt sổ trực ban, bệnh án, và tài liệu của từng phòng bệnh riêng biệt, tỷ như trạng thái của bệnh nhân hiện tại.
Trên tường có dáng những bảng nội quy, chế độ, xác định cung cấp đầy đủ các nhu cầu cho bệnh nhân, cùng với cảnh báo sẽ có người thường xuyên đến đây kiểm tra công tác trực.
Nếu vừa nhìn qua các loại tài liệu ở đây, phỏng chừng ai ai cũng nghĩ rằng người y tá hay bác sĩ tại đây thực hiện chức trách vô cùng tận tụy và cẩn thận.
Nhưng thực tế lại khác xa một trời một vực. Y tá rời khỏi cương vị trực ban hơn 15 phút chưa quay lại, nhưng quản lý bệnh viện chẳng hề phản ứng lại chút nào.
"Có lẽ, đây chính là vấn đề mấu chốt. Chuyện này có dính liếu đến các vị trí cao tầng của tòa bệnh viện này."
Tôi thử đập mạnh cửa, rồi thét to lên, nhưng chẳng có bất cứ nhân viên bệnh viện nào xuất hiện cả. Dù là bác sĩ, hay y tá, cũng chẳng có mống nào. Dường như cái tầng lầu cao nhất của tòa bệnh viện này đều bị tất cả mọi người cố gắng ngó lơ.
"Chẳng lẽ là chỉ thị của gã chủ nhiệm Lý kia ư?" Hiện tại, tôi chắc chắn 70% rằng, cái chết của Hoàng Quan Hành không hề liên quan gì đến Âm Gian Tú Tràng cả. Nếu do Âm Gian ra tay, họ sẽ không để lại nhiều kẽ hở đến vậy. Tỷ như cái chết của ông chú Hoàng, ông ta xui rủi bị một chiếc xe tải lạc tay lái tông vào cái đùng, rồi cứ thế mà tắc thở thôi.
Những cái chết trắng trợn giữa ban ngày ban mặt do xui rủi như thế không cần thiết phải điều tra. Nó giống như số mệnh đã an bày như vậy, bạn có muốn trốn cũng không thoát.
So sánh giữa hai cái chết, vụ tai nạn của Hoàng Quan Hành bộc lộ ra rất nhiều vấn đề.
"Chúng mày càng làm chuyện mờ ám, thì bí ẩn bên trong lại càng lòi ra mà thôi." Quyết định ở lại đây đêm nay của tôi rất sáng suốt. Có thể ở bên cạnh Tưởng Thi Hàm, tôi liền có thể trông thấy những mối quan hệ phức tạp của những bàn tay ẩn giấu xung quanh cô ta.
Thật ra, chỉ giải quyết một sự vụ chuyển viện thôi mà, chẳng lẽ phải nhờ đến sự nhúng tay của một người lãnh đạo bệnh viện như chủ nhiệm Lý ư?
"Chính là do chúng nó đang sợ hãi, sợ sự xuất hiện của mình sẽ dẫn đến hậu quả không thể vãn hồi." Tôi tìm tòi một hồi, bèn trông thấy bệnh án của Tưởng Thi Hàm và tài liệu ghi chép về căn phòng 9114. Không chần chờ lâu, tôi lật ra xem ngay.
"Nhập viện lúc 16:00 ngày 23 - do cục ông an Giang Thành chuyển đến. Dựa theo sự phân phó của công ty dược Càn Đỉnh và người nhà bệnh nhân - gửi vào phòng bệnh đặc biệt số 9114."
"Đêm 23, bệnh nhân mắc chứng mất nước nghiêm trọng, đi kèm là chứng động kinh ngắt quãng và biểu hiện khó thở."
"Lúc 06:00 ngày 24, bệnh nhân bắt đầu bị ảo giác, kể ra những cảnh tượng kì lạ cho bác sĩ, y tá và người thân nghe."
"Lúc 21:00 ngày 24, bệnh nhân bắt đầu tự tàn phá cơ thể, hành vi càng lúc càng kỳ lạ, có xu hướng tấn công y tá và người thân."
"Lúc 23:00 ngày 24, sau khi chích thuốc, tình hình của bệnh nhân có chuyển biến tốt hơn."
"Lúc 09:00 ngày 25, bác sỹ tâm lý từ bệnh viện Hận Sơn đến, bắt đầu tiến hành điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
"Lúc 12:00 ngày 25, bệnh nhân ăn uống bình thường trở lại, nhưng từ chối giao tiếp với bất cứ một ai."
"Từ 19:00 ngày 25 trở đi, bệnh nhân bắt đầu dùng tất cả những đồ vật bên người để phác họa đồ án trên trần nhà.
"Lúc 23:00 ngày 25, bệnh nhân lại thực hiện hành vi tự tổn hại thân thể một lần nữa."
"Lúc 02:00 sáng ngày 26, bệnh nhân muốn trốn khỏi phòng bệnh, đập hư cửa, nhưng bị bác sỹ trực ban trông thấy, bèn ngăn cản đúng lúc."
...
Những gì liên quan đến ca bệnh Tưởng Thi Hàm đều được ghi chép lại vô cùng tỉ mỉ. Qua những dòng chữ này, tôi liền phát hiện ra hai điểm kỳ quái.
Đầu tiên, bệnh tình của Tưởng Thi Hàm không nghiêm trọng cho lắm, "nhờ vào" sự điều trị dần dần của bệnh viện này, mà bệnh tình càng lúc càng nghiêm trọng hơn.
Thứ hai, đối chiếu vào bảng ghi giớ giấc, Tưởng Thi Hàm chưa bao giờ phát bệnh vào ban ngày, hoặc có hành vi tự tàn phá cơ thể mình vào ban ngày. Thế nhưng, khi trời vừa tối, dường như cô ấy lại biến thành một người hoàn toàn khác.
"Cùng một người, nhưng lại có hai cách biểu hiện hoàn toàn khác nhau... Như vậy, là do bản thân cô ấy tự thay đổi, hay do hoàn cảnh xung quanh tác động dẫn đến thay đổi?"
Từ khi bước vào căn phòng 9114, tôi đã nghe câu "trời tối, đừng nhắm mắt!" nhiều lần.
Câu nói đó có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ tôi nhắm mắt lại, trước người tôi có thứ gì đó vô cùng kinh khủng xuất hiện ư? Hay là ám chỉ tình cảnh tại tầng lầu cao nhất này sẽ đổi khác giữa hai quãng thời gian ban ngày và ban đêm?
Tôi đã xem xong cuốn tài liệu này. Sau vài ngày trị liệu, biểu hiện của Tưởng Thi Hàm càng lúc càng kỳ lạ. Không những cô ấy tự đóng kín bản thân mình, mà còn thực hiện một vài hành động vô cùng khó hiểu.
Những người bác sỹ phán định là họ bó tay, chỉ có thể theo dõi tình hình bệnh nhân, rồi chờ chuyên gia ở tỉnh đến đây hỗ trợ.
Bản ghi này rất kĩ càng, tường tận, nhưng thiếu sót điểm quan trọng nhất - Đó chính là quá trình trị liệu cụ thể.
Bác sĩ chủ đạo trong việc chữa trị cho Tưởng Thi Hàm là một vị bác sĩ tâm lý vừa trở về từ nước ngoài. Nếu có thể tìm ra ông ta, tôi sẽ giải quyết được nhiều câu hỏi hóc búa.
"Bệnh viện tâm thần Hận Sơn." Tôi nhớ kỹ cái tên này, rồi sắp xếp đồ vật trở lại như cũ. Xong xuôi, tôi liền nhảy ra khỏi phòng trực ban.
Cửa phòng 9114 vẫn đang mở, đèn trong phòng tờ mờ chiếu hắt vào dãy hành lang.
"Nếu sống sót qua đêm nay, mình có thể nắm quyền chủ động trong tay rồi." Vừa đi được vài bước, tôi bỗng thấy nhìn về phía những mảnh kính vỡ dưới đất ban nãy.
"Đó là..." Có vết máu dính trên những mảnh kính vỡ ấy, nếu không nhìn kỹ, sẽ khó mà nhận ra.
"Nguy rồi!" Tôi hô to một tiếng, chạy vội đến, bật tung cửa ra.
Căn phòng 9114 trống rỗng, chẳng có một ai.
"Tưởng Thi Hàm đâu rồi?" Trái tim của tôi đập loạn lên. Tôi vọt vào trong phòng, kéo sát rèm cửa, rồi cúi đầu xuống gầm giường.
"Không có... không có... vẫn là không có!"
Tôi vừa đến phòng trực ban có 4 - 5 phút là cùng, chẳng ngờ đối phương lại lợi dụng khe hỡ thời gian này để bắt Tưởng Thi Hàm đi.
"Bọn chúng có lẽ chưa đi xa, mình đuổi theo vẫn kịp."
Tôi lấy điện thoại ra, gọi báo cho cảnh sát, rồi bật sáng điện thoại hết mức, dò theo vết máu để đuổi theo.
"Mảnh kiếng bể lan dần về phía Đông của dãy hành lang này. Chắc là cô ấy bị bắt đi theo hướng đó." Chạy được vài mét, tôi lại thấy vết máu trên nền nhà lần nữa, bèn chắc mẫm rằng mình đã đi đúng hướng.
Ấy thế mà, hoàn cảnh kế tiếp lại khiến tôi cảm thấy lo lắng, bất an. Vì cuối cùng, vết máu chấm dứt ở ngay khu thang máy chính của tòa nhà.
"Bọn chúng rời khỏi đây bằng thang máy ư?" Liếc mắt nhìn điểm dừng của thang máy, bất giấc tôi đổ ướt mồ hôi: "Tầng: -3"
Tôi chẳng biết bệnh viện sử dụng tầng hầm để làm gì, nhưng chắc chắn đó không phải là một địa phương tốt đẹp, họa chăng chính là nhà xác chứ chẳng đùa.
"Tại sao bọn chúng muốn mang Tưởng Thi Hàm xuống đó? Chẳng lẽ muốn hù dọa cô ấy chết tươi sao?" Thủ đoạn giết người này còn đau đớn, tàn nhẫn hơn gấp trăm ngàn lần so với việc bạn dùng dao giết người nữa. Đó là một sự dằn vặt tinh thần, khiến nỗi sợ hãi lan tỏa như từng con kiến bỏ trên mỗi sợi dây thần kinh, cuối cùng chết tươi giữa những cơn tuyệt vọng vây bủa.
"Không được! Mình phải cứu cô ấy!"
Chờ hoài nhưng thang máy không hề đi ngược trở lên, tôi điên tiết vọt vào hành lang thoát hiểm, lao nhanh xuống tầng dưới bằng cầu thang bộ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.