Liêu Trai Chí Dị

Chương 87: Đào mả cô canh




(Canh Nương)
Kim Đại Dụng, con một nhà thế gia cũ ở Trung Châu, lấy con gái quan thái thú họ Vưu làm vợ.
Nàng tên là Canh Nương, đẹp mà hiền đức. Vợ chồng rất âu yếm hoà thuận. Vì có loạn giặc cỏ đánh phá, ai nấy phải bỏ nhà, tìm đường xa lánh.
Kim dẫn gia quyến đi về miền nam. Giữa đường gặp một thiếu niên cũng đem vợ đi chạy loạn, tự giới thiệu mình là Vương Thập bát và tình nguyện làm hướng đạo, Kim mừng lắm, đi đứng lúc nào cũng có nhau. Canh Nương ghé bên tai chồng nói nhỏ:
- Ta chớ nên đi chung ghe với người đó. Hắn hay dòm liếc, đôi mắt nhấp nháy mà sắc mặt biến đổi, trong bụng hẳn là nham hiểm khó lường đó.
Chàng gật đầu.
Vương Thập bát sốt sắng đi tìm mướn chiếc ghe thật lớn, khiêng vác hành lí hộ chàng, ra vẻ khó nhọc đáo để. Chàng không nỡ từ chối để đi tách riêng. Lại suy nghĩ hắn có đem vợ trẻ đi theo, chắc không có chuyện gì xảy ra mà lo.
Vương phụ cùng Canh Nương ở chung một khoang thuyền, xem người cũng có vẻ hiền từ. Còn Vương thì ngồi trên mũi ghe, cùng người chân sào nghiêng mình nói chuyện, dường như có họ hàng hay là quen biết đã lâu.
Không mấy chốc mặt trời lặn, mà sóng nước mênh mông, chẳng phân biệt phương hướng đâu là nam bắc.
Kim nhìn quanh tứ phía, thấy chỗ này thâm sâu hiểm hóc, trong bụng hơi nghi sợ. Một lúc sau trăng mọc, nhìn thấy lau sậy bát ngát.
Ghe đậu lại đó.
Vương mời cha con Kim lên mui đứng xem phong cảnh, thừa cơ đẩy tuốt Kim xuống sông. Thân phụ Kim thấy vậy muốn kêu lên, nhưng người chủ ghe cầm sào đẩy ông xuống nước chết luôn. Đến bà mẹ chàng đang ở trong ghe, nghe tiếng ồn ào, chạy ra dòm xem, cũng bị dìm sông chết đuối nữa.
Bấy giờ Vương mới làm bộ kêu cứu.
Lúc bà mẹ bước ra, Canh Nương ở phía sau đã dòm biết sự tình ra sao rồi. Khi thấy cả nhà mình chết đuối, nàng cố trấn tĩnh, không lộ vẻ kinh hoàng, chỉ ôm mặt khóc nói:
- Cha mẹ chồng chết, chồng cũng chết nữa, thân tôi biết nương dựa vào đâu bây giờ, hỡi trời?
Vương đến bên vỗ về, khuyên nhủ:
- Nương tử chớ lo, xin theo tôi về Kim Lăng, tôi có ruộng đất cửa nhà đủ sinh sống, chẳng phải lo gì.
Nàng lau nước mắt và nói:
- Được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Vương rất mừng, đãi đằng chiều chuộng hết sức. Tối đến nó lôi kéo nàng đòi giao hoan. Nàng nói trong mình đang kì kinh, bấy giờ nó mới chịu về chỗ vợ nằm. Cuối canh một, nghe tiếng vợ chồng cãi nhau rầm rĩ, không hiểu vì cớ gì, chỉ nghe vợ nói:
- Mày làm chuyện đó, tao e sấm sét đánh nát đầu cho mày xem.
Vương đánh vợ. Vợ la lớn:
- Mày giỏi đánh chết tao đi càng hay, tao không muốn làm vợ một đứa giết người đâu.
Vương gào thét giận dữ, túm đầu vợ lôi ra bên ngoài, liền nghe một tiếng ùm, rồi Vương nói rêu rao lên rằng vợ té xuống sông chết đuối rồi.
Mấy hôm sau đến Kim Lăng, Vương dẫn Canh Nương về nhà, chào hỏi bà mẹ. Bà lấy làm lạ sao người này không phải vợ cũ, Vương trả lời vợ cũ chết đuối, nên mới lấy người này.
Lúc nàng vào phòng riêng, Vương lại muốn mò mẫm kia khác, nàng cười và nói:
- Con trai ngót ba chục tuổi đầu mà không biết việc phải ở đời thế nào ư? Dầu là con nhà đầu đường xó chợ, khi mới lấy vợ cũng phải có ly rượu lạt gọi là thủ lễ. Nhà ngươi giàu có, việc ấy hẳn không khó khăn, chả lẽ đối diện suông tình với nhau còn ra thể thống gì nữa.
Vương nghe nhằm lí, bèn dọn tiệc rượu ngồi đối diện nhau. Canh Nương nâng chén khuyên mời hết sức niềm nở ân cần. Vương gần say, chối từ không uống được nữa. Nàng lại rót một li lớn, giả đò lả lơi mời ép Vương uống cho kì được. Vương thấy vậy khoái chí không nỡ chối từ, liền uống cạn một hơi.
Bấy giờ nó say mèm, cởi tuột quần áo thúc giục Canh Nương đi ngủ.
Nàng dọn dẹp mâm chén rồi tắt phụt đèn, lấy cớ đi tiểu bước ra ngoài phòng, dắt dao trong lưng đem vào, lò mò trong đêm tối, lấy tay vít chặt lấy cổ Vương.
Nó mơ màng ngỡ là người yêu bá cổ mình, cho nên còn nắm lấy cánh tay nàng nói giọng lả lơi. Nàng thừa thế ấn dao xuống thật mạnh. Vương kêu rú và vùng dậy, nàng chém bồi thêm mấy dao nữa hắn mới chết. Bà mẹ nghe có tiếng động chạy đến hỏi chuyện gì, nàng thuận tay giết nốt. Em trai nó là Thập cửu hay tin chạy đén. Canh Nương tự biết mình không thoát khỏi, liền trởmũi dao lại đâm cổ. Nhưng vì hốt hoảng nên đâm vào không sâu, vội vàng mở cửa vọt ra chạy trốn.
Thập cửu rượt theo bén gót.
Nàng kịp nhào đầu xuống giếng tự tử. Thập cửu hô xóm giềng vớt lên cứu, thì nàng đã tắt hơi rồi, mà nét mặt vẫn tươi đẹp như lúc còn sống.
Mọi người cùng vào buồng xem xét tử thi của Vương, thấy trên cửa sổ có để bức thư liền mở ra xem, tức là thư Canh Nương kể số nỗi oan khổ của mình.
Ai nấy đều tấm tắc khen ngợi nàng nghĩa liệt, bàn nhau chung đậu tiền bạc mua vải liệm xác và lo cuộc tống táng.
Sáng ra thiên hạ tựu lại có mấy ngàn người.
Ai trông thấy dung nhan nàng cũng kính cẩn vái lạy. Trọn ngày, quyên góp được trăm bạc, an táng nàng ở ngoại ô phía nam. Có kẻ bày đặt nhiều chuyện đem cả mão nạm hột châu và áo bào phục mặc vào thi thể nàng rồi đem chôn một cách sang trọng, đầy đủ.
Giờ xin trở lại Kim Đại Dụng, lúc bị xô té xuống sông, tưởng chắc chết đuối, nhưng may phúc níu được tấm ván trôi nổi theo dòng nước, thành ra thoát chết. Gần xế chiều, trôi đến Hoài Thương, nhờ một chiếc thuyền nhỏ vớt lên.
Thuyền này vốn của Doãn ông, nhà giàu có, thả luôn trên sông, chuyên việc cứu vớt những kẻ đắm, đuối làm phúc.
Chừng được hồi tỉnh, Kim đến tận nhà Doãn ông để cảm tạ.
Ông đãi rất tử tế, lại muốn giữ Kim ở lại trong nhà để dạy con học. Nhưng Kim sốt ruột vì không biết tin tức cha mẹ sống chết thế nào, cho nên còn đang lưỡng lự, chưa quyết.
Giữa lúc ấy có người vô trình Doãn ông biết sự mới vớt được xác một cụ già và một bà lão chết trôi. Kim ngờ là cha mẹ mình, chạy ra nhìn mặt quả đún. Doãn ông sắm sửa quan tài chôn cất tử tế.
Chàng đương khóc lóc, lại được tin mới vớt một chị đàn bà, tự nói chồng nàng là Kim Sinh.
Kim giật mình gạt lệ định chạy ra tận nơi xem mặt thì người đàn bà ấy đã tới nhà Doãn ông. Kim nhìn không phải Canh Nương, mà chính là vợ cũ Vương Thập bát.
Nàng trông thấy mặt Kim khóc ròng, một hai năn nỉ chàng đừng bỏ mình tội nghiệp. Chàng nói:
- Hiện tôi bối rối ruột gan, còn có bụng dạ nào lo việc hộ người cho đặng.
Nàng càng khóc già.
Doãn ông hỏi rõ nguồn cơn, mừng là đạo trời báo ứng, cho nên khuyên nhủ Kim Sinh nên lấy nàng làm vợ.
Kim chối từ:
- Đúng lúc cư tang, lấy vợ không tiện, vả lại còn phải lo việc báo thù cho cha mẹ, sợ có đàn bà bịn rịn bên mình, sinh ra hệ luỵ chăng?
Nàng nói:
- Theo như lời chàng, giả tỉ Canh Nương còn sống thì chàng cũng lấy cớ báo thù và cư tang mà bỏ chị ấy đi chăng?
Doãn ông cho lời nàng nói đúng, ông xin chàng hãy tạm thu dưỡng nàng, để sau sẽ tính. Lúc đó Kim mới khứng chịu, rồi lo việc chôn cất ông cụ và bà cụ. Nàng cũng mặc đồ gai và khóc lóc như đối với cha mẹ chồng thật.
Sau khi an táng cha mẹ xong, Kim giấu dao nhọn trong lưng, đeo bị ăn xin dọc đường định tới Quảng Lăng tìm kẻ thù. Nàng ngăn lại và nói:
- Tôi họ Đường, tổ tiên vốn ở Kim Lăng, cùng làng với thằng khốn nạn đó. Lúc trước nói ở Quảng Lăng ấy là nói láo. Vả lại quân ăn cướp giang hồ, phần nhiều là đồng đảng của nó. Chàng chớ có mạo hiểm vu vơ e rằng đại cừu không báo được mà tự rước lấy tai vạ vào mình đấy thôi.
Kim nghe ngần ngừ không biết tính sao cho phải.
Chợt nghe thiên hạ đồn ầm về chuyện một người con gái giết chết kẻ thù, khắp cả đò dọc biển sông, đâu đâu cũng biết, lại nói rõ cả tên họ. Kim nghe lấy làm khoái chí, nhưng lại càng thấy đau đớn trong lòng, nhất định chối từ không lấy Đường thị, nói rằng:
- Cũng may, vợ tôi không chịu ô nhục mà giết được kẻ thù. Một người có vợ nghĩa liệt đến thế, nỡ lòng nào phụ rẫy mà lấy vợ khác cho đành.
Đường thị trả lời rằng đã có lời nói nhất định trước rồi, không chịu giữa đường bỏ dở, thôi thì nguyện làm nàng hầu vợ mọn cũng cam.
Vừa vặn lúc đó có quan phó tướng Viên công, vốn quen biết Doãn ông, nhân tiện đổi đi trấn thủ miền tây, ghé vào thăm Doãn ông, được trông thấy Kim, đem lòng yêu mến, xin chàng đi theo làm thư kí.
Không bao lâu, giặc cướp phạm vào đất Thuận, họ Viên đánh dẹp có công to, Kim cũng tham dự khó nhọc trong việc quân cơ, được thưởng chức quan du kích mà về. Bấy giờ mới cùng Đường thị làm lễ kết hôn, thành ra vợ chồng chính thức.
Ở lại mấy ngày rồi dắt vợ đi Kim Lăng, định tìm viếng mộ Canh Nương.
Kim bảo ghé thuyền đỗ bến Trấn Giang, ý muốn lên núi Kim Sơn viếng cảnh, chợt thấy giữa dòng có một chiếc ghe nhỏ đi qua, bên trong có bà cụ và một thiếu phụ ngồi. Kim thoáng trông lấy làm lạ, thiếu phụ hơi giống Canh Nương.
Chiếc ghe lướt qua mau lẹ, thếu phụ thò đầu ra cửa sổ dòm Kim, khiến chàng nhận thấy hình dung càng giống như đúc, nhưng trong bụng nửa kinh nửa ngờ, không dám đuổi theo mà hỏi, chỉ vội vàng nói câu này thật lớn: “Xem đàn vịt đang bay trên trời kia kìa!”.
Thiếu phụ nghe lọt cũng nói to tiếng: “Chó con lại muốn ăn thịt của mèo ư?”. Ấy là câu nói lóng của vợ chồng thường đùa bỡn nhau trong chốn khuê phòng.
Kim cả kinh, giục ghe quay chèo lộn lại. Té ra thiếu phụ chính là Canh Nương.
Con hầu đỡ Canh Nương bước sang thuyền Kim. Vợ chồng ôm nhau khóc nức nở. Đường thị lấy lễ vợ bé đối với vợ lớn, chào hỏi Canh Nương.
Canh Nương sửng sốt hỏi tại sao vợ Vương Thập bát lại ở đây. Kim thuật rõ đầu cuối. Canh Nương cầm tay Đường thị và nói:
- Câu chuyện đàm đạo trong khi cùng một chuyến đò, vẫn ghi nhớ trong lòng không quên, chẳng dè ngày nay được sum họp với nhau một nhà. Tôi nhờ có chị thay mặt tống táng cha mẹ chồng, đáng lí tôi phải tạ ơn chị trước, sao chị lại lấy lễ đích thứ đối với tôi thế?
Canh Nương hỏi ra Đường thị kém mình một tuổi bèn gọi Đường thị là em.
Nguyên hồi Canh Nương chết rồi, được các người hảo tâm chôn cất, không tự biết là trải bao xuân thu đắp đổi. Một hôm chợt nghe có người gọi tên và nói:
- Canh Nương ơi! Chồng mi không chết đâu, rồi vợ chồng mi sẽ lại được sum họp.
Khi đó nàng như chiêm bao mới tỉnh, rờ tay thấy bốn phía bưng bít như tường kín, bấy giờ mới tỉnh ngộ rằng mình đã chết, chôn trong quan tài, nhưng trong trí chỉ thấy buồn bực, chứ không có điều chi khổ sở.
May sao, có bọn người tham lam, thấy được khi người ta liệm nàng có nhiều đồ vật sang trọng, bèn thừa đêm khuya rủ nhau ra đào mả bửa hòm, để lấy những vật quý giá đó. Nào dè mở ra, thấy Canh Nương còn sống, cả bọn sợ hãi cuống quýt.
Canh Nương sợ chúng sát hại mình, cho nên lấy lời nhỏ nhẹ năn nỉ:
- Thật là nhờ có mấy anh, mà tôi lại trông thấy mặt trời. Vậy bao nhiêu trâm cài lược giắt trên đầu tôi, xin mấy anh cứ việc lấy đi, rồi đem tôi bán cho một chùa nào làm ni cô thì mấy anh còn được món tiền nhiều ít nữa. Tôi thề giữ kín, không lộ với ai mà sợ.
Bọn trộm cúi đầu thưa:
- Nương tử nghĩa liệt, dù người hay quỷ thần đều phải kính nể. Anh em chúng tôi chỉ vì nghèo túng vô phương mà làm việc bất nhân thế này. Chỉ cầu nương tử không nói lộ chuyện là may phúc cho anh em chúng tôi lắm rồi, đâu dám đem nương tử đi bán cho chùa.
Canh Nương đáp:
- Điều đó tự lòng tôi muốn mà.
Một đứa trong bọn nói:
- Tại Trấn Giang có Cảnh phu nhân, goá chồng mà không có con cái chi, nếu được nương tử về làm con nuôi, thì hẳn bà mừng lắm.
Canh Nương tạ ơn, rồi tự tháo các món châu báu trang sức trên đầu trao cho lũ trộm. Chúng không dám nhận. Nàng cố ép mãi, chúng mới chịu lãnh rồi mời nàng xuống ghe, chở tới nhà Cảnh phu nhân, nói thác rằng nàng bị bạt phong chìm thuyền lưu lạc đến đây.
Cảnh phu nhân nhà cao cửa rộng, thân đàn bà goá vò võ một mình, đang trong cảnh buồn, bỗng được Canh Nương, trong lòng vui mừng khôn xiết, liền nhận nuôi nàng và chăm nom chiều chuộng không khác nào con đẻ.
Hôm nọ, Kim Sinh gặp ở trên sông, là lúc hai mẹ con đi chơi Kim Sơn trở về.
Canh Nương kể rõ tình đầu cho bà nghe, rồi Kim Sinh qua chào. Bà tiếp đãi như mẹ vợ đối với chàng rể, lại mời đến nhà ở chơi mấy ngày mới cho về.
Từ đó hai vợ chồng lui tới nhà phu nhân luôn.
Đào Trinh Nhất dịch

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.