Kiêu Phong

Chương 45: Hòa thân




Hòa thân? Tình thế xảy ra đột ngột khiến Ngư Hoa Hiên bất ngờ và lúng túng, trước đó Đường quốc tỏ thái độ miễn cưỡng tán thành đối với việc Tấn quốc thành lập, bây giờ lại đột nhiên đưa ra đề nghị kết thông gia với Tấn vương, Ngư Hoa Hiên biết, đây là hành động cho thấy Đường quốc coi trọng sự tồn tại của Tấn quốc và muốn lôi kéo, tuy nhiên y không biết do Hưng Hóa quân làm loạn, khiến cho cuộc phản công quy mô lớn của Đường quốc bị trì trệ, cũng khiến Lý quốc chủ đột ngột coi trọng Tấn quốc, mong rằng Tấn quốc có thể kìm chế và uy hiếp Sở quốc.
Việc khác thì Ngư Hoa Hiên còn có thể làm chủ, nhưng việc hòa thân này thì y có điều cố kỵ không dám nhận lời, bởi vì hiện giờ quốc mẫu Tấn quốc đang ở Giang Ninh, nếu y nhận lời kết thông gia, chỉ sợ sau này sẽ trở thành mối họa.
Ngư Hoa Hiên thận trọng nói sẽ cân nhắc việc này, ngày mai sẽ trả lời, Hình thái giám nghe vậy cảm thấy tức tối, thầm nghĩ chuyện tốt như vậy, ngươi là một sứ thần tiểu quốc, vậy mà còn làm ra vẻ, thật là không biết tốt xấu gì cả. Tuy nhiên Hình thái giám chỉ truyền lời lại, đương nhiên sẽ không tự tìm phiền phức, không nói gì thêm, trở về phục mệnh.
Ngư Hoa Hiên khá nhanh trí, lập tức phái mười thủ hạ ngoài mặt là đi hỏi thăm về vị tôn nữ kia, nhưng thật ra trong số đó có một người ngầm đến Di Tâm Trà Các, chuyển thư của y cho Tiểu Phức để báo tin, việc hòa thân này, Ngư Hoa Hiên khôn khéo thể hiện sự tôn trọng đối với quốc mẫu.
Sau khi nhận được tin, Tiểu Phức hết sức vui mừng, quan điểm của nàng lúc này đương nhiên không tức giận Lý quốc chủ không có chí hướng, ngược lại là thấy vui mừng vì Tấn quốc được coi trọng, đồng thời cũng vui vẻ vì được Ngư Hoa Hiên tôn trọng, địa vị quốc mẫu của nàng hiện giờ, cũng không phải là nhất định sẽ không thay đổi.
Tiểu Phức cẩn thận suy xét rồi trả lời mật thư của Ngư Hoa Hiên, trước khi Ngư Hoa Hiên tới kinh thành, đã gửi mật thư vấn an, đồng thời nói rõ việc thành lập và hiện tình của Tấn quốc, mà khi trở lại Giang Ninh, Tiểu Phức khiêm tốn tỏ lời miễn tiếp khách, hàng ngày đều ở trong phủ không ra ngoài.
Nhận được hồi âm của quốc mẫu, Ngư Hoa Hiên thầm khen quốc mẫu là người phụ nữ hiểu được chuyện lớn, cũng là người có trí tuệ, trong thư, nàng không chỉ chỉ định người thực hiện việc kết thông gia, mà còn xác định hệ thống hậu cung gồm có Vương hậu, Hoàng phi, Quý phi, Đông vương phi, vị tôn nữ hoàng tộc kết hôn với Tấn vương sẽ là Hoàng phi.
Hậu cung Tấn quốc lại lập Hoàng phi và Quý phi, đó vốn là điều đại bất kính, có vẻ như sắc phong của một triều đình, nhưng hôm nay, Tấn quốc phong cho tôn nữ của Đường quốc làm Hoàng phi, là biểu lộ thành ý vô cùng tôn trọng thượng quốc.
Ngày hôm sau, Ngư Hoa Hiên trình quốc thư lên Hồng Lư Tự xin dâng sính lễ kết thân, các quan viên Hồng Lư Tự đã được thông báo trước, nhưng vừa xem nội dung thư đã nhíu mày, chỉ ra điều không ổn, đề nghị Ngư Hoa Hiên suy xét lại.
Ngư Hoa Hiên nói, Tấn vương đã có Vương hậu và phi tần có quan hệ thông gia vô cùng quan trọng, y là sứ thần, tuy rất tôn trọng thượng quốc, nhưng chỉ có thể thỉnh hôn như thế, nếu không lúc trở về, y sẽ đắc tội với rất nhiều thế lực, nếu thượng quốc không đồng ý, thì sau khi trở về, y sẽ xin Tấn vương quyết định rồi hãy nói.
Các quan viên Hồng Lư Tự cảm thấy bất đắc dĩ, đành phải trình lên Lý quốc chủ ngự phê, cũng báo lại lời giải thích của sứ thần. Lý quốc chủ xem xong, Hạ đại nhân cũng báo cáo những việc làm của sứ thần Tấn quốc rồi kết luận, sứ thần Tấn quốc là một người thận trọng và khéo đưa đẩy, nội dung thư thỉnh phong có phần bất kính, nhưng đó cũng là sách lược lấy lòng cả hai phía.
Lý quốc chủ thật sự coi trọng sự tồn tại của Tấn quốc, cũng không quan tâm đối với việc thỉnh phong hậu cung vượt mức như vậy của một tiểu quốc man di, cho dù ông ta có sắc phong vượt mức, thì tiểu quốc cũng vẫn chỉ là tiểu quốc, bất quá chỉ là một tiểu quốc tự cao tự đại mà thôi, ông ta cũng không có tâm trạng đâu mà gọi trọng thần đến để bàn xem có nên sắc phong vượt mức như thế này hay không, mà bèn ngự phê đồng ý luôn.
Ngư Hoa Hiên nhận được hồi âm, vô cùng mừng rỡ, đây hoàn toàn là thu hoạch lớn rất bất ngờ, từ xưa đến nay, danh hiệu hoàng tộc không thể tùy ý sắc phong, quận chúa Đường quốc gả cho Tấn vương làm Hoàng phi, như vậy chẳng khác nào thừa nhận Tấn vương được sánh vai với các vương của Đường quốc, Hoàng phi Đại Tấn được sắc phong, sẽ khiến trong tiềm thức thần dân Tấn quốc đều cho rằng, Tấn vương thuộc hoàng tộc.
Ngư Hoa Hiên ở lại thêm ba ngày, Tiểu Phức cũng đột nhiên hoạt động, chủ động đến gặp Quận chúa được chọn, là một Quận chúa mới mười lăm tuổi, là một tiểu mỹ nhân thuộc nhánh bên của hoàng tộc ở phủ Quận công, hôm nay được phong làm Vân Khê quận chúa.
Sau ngày Tiểu Phức đến gặp Vân Khê quận chúa, Ngư Hoa Hiên bỗng dâng thư thỉnh cầu, Đường quốc có thể phái Kinh quân hộ tống, tốt nhất là có một vị sứ tống hôn, mà trùng hợp là Ngô Thành quận chúa cũng dâng thư, xin phép cho Quận mã ở Nhiêu Châu, được trở về kinh thành.
Thư của Tiểu Phức đến tay Lý quốc chủ, Lý quốc chủ hơi tức giận, khi cuộc chiến ở Tây bộ diễn ra, Chiêu Võ quân phản bội, Lục Thất đã từng dâng thư từ Tây bộ, khiến Lý quốc chủ thầm căm hận.
Thật ra trước đó, Ngô Thành công chúa tự mình chuyển lúa gạo đến Nhiêu Châu cứu trợ thiên tai, đã khiến Lý quốc chủ nổi sát khí, hôm nay Ngô Thành quận chúa lại xin cho Quận mã trở về trong lúc chiến sự Tây bộ đang còn tiếp diễn, khiến Lý quốc chủ càng tức giận, Lý quốc chủ đáp ứng lời thỉnh cầu, dự định đợi Lục Thất trên đường trở về, sẽ sai người giết hắn.
Thế nhưng, Lý quốc chủ vừa ưng thuận không bao lâu, thì quan viên Hồng Lư Tự, bẩm báo lời thỉnh cầu của sứ thần Tấn quốc. Lý quốc chủ nghe xong, hơi cau mày, đương nhiên ông ta không muốn để Kinh quân tống hôn đi Tấn quốc, Kinh quân là lực lượng trung thành với ông ta, làm sao có thể dùng vào việc đưa dâu cơ chứ? Nhưng ông ta biết hôm nay đến Tấn quốc, phải đi qua khu vực Sở quân chiếm đóng, bởi vậy ông ta cũng hiểu lý do vì sao sứ thần Tấn quốc lại thỉnh cầu như vậy.
Suy nghĩ một hồi, Lý quốc chủ chợt nhớ tới Nam Ưng vệ của phủ công chúa, Nam Ưng vệ vốn thuộc hệ Nam Đô quân, nhưng hôm nay cũng hộ vệ Ngô Thành quận chúa tới Cứu, không những thế sẽ còn ở lại không đi, rõ ràng là không muốn tới Tây bộ tham chiến.
- Truyền chỉ, lệnh cho Nam Ưng vệ của Ngô Thành tại Cứu, đi hộ tống Vân Khê quận chúa tới Tấn quốc, Vũ Lâm lang tướng Lục Thiên Phong làm sứ tống hôn.
Thỉnh cầu của sứ thần Tấn quốc đã cải biến quyết định trước đó của Lý quốc chủ, chuyện nguy hiểm, không thể để Kinh quân tham gia và bị tổn hại.
Tiểu Phức nhận được chỉ dụ từ trong cung truyền tới, thầm thở phào nhẹ nhõm, phương pháp “Dục phóng cố quy” (1) tài tình ấy, là do Tiêu Tri Lễ sai người mang mật thư kiến nghị, mục đích là để Lục Thất trở về Tấn quốc chủ trì mọi việc.
Tiêu Tri Lễ cho rằng, Tấn quốc vừa mới thành lập, để lòng quân dân hướng về một mối, phải có có mặt Lục Thất, Tiêu Tri Lễ cũng lo lắng, nếu tướng soái nào đó của Tấn quốc nắm lấy binh quyền, thì có khả năng uy danh sẽ lấn át Lục Thất, về lâu về dài sẽ làm binh biến giành lấy nền tảng của Tấn quốc.
Tiểu Phức cũng rất tin ở năng lực của Tân Cầm Nhi, đồng thời cũng tin vào sự trung thành của các tướng soái xuất thân từ Dực Vệ, tuy nhiên sự lo âu của Tiêu Tri Lễ cũng khiến nàng cũng sợ lây.
Tiêu Tri Lễ nói, những hành động gần đây của phủ Công chúa, đã phạm vào cấm kỵ của Lý quốc chủ, chủ yếu là việc xuất binh áp tải lương thực tới Nhiêu Châu cứu trợ thiên tai, nhất định khiến Lý quốc chủ muốn giết người, bởi vậy tốt nhất là đừng cho Lục Thất trở về Giang Ninh, nếu cần thiết, thì cứ ở bên ngoài giả chết, rồi đến Tấn quốc làm Tấn vương.
Tuy nhiên, Tiêu Tri Lễ cũng nói, hiện nay Tấn quốc mới thành lập, tình hình Tô Châu cũng không ổn định, hãy cố gắng hết mức dựa vào trụ cột của Đường quốc sao cho ổn thỏa, một khi Đường quốc biết chuyện Lục Thất chính là Tấn vương, tất nhiên Đường quốc và hai nước cùng chung mối thù là Việt quốc và Chu quốc sẽ đem quân thảo phạt, nói tóm lại, nền tảng của Tấn quốc còn rất yếu kém.
Lúc tiếp nhận sách lược kiến nghị của Tiêu Tri Lễ, Tiểu Phức nàng cũng lo lắng là khéo quá hóa vụng, nhưng trong thư, Tiêu Tri Lễ đã nói nhất định thành công, Tiêu Tri Lễ làm quan nhiều năm ở kinh thành, đã thấu hiểu suy nghĩ và đi guốc trong bụng Lý quốc chủ, muốn giở trò với Lý quốc chủ là việc rất dễ dàng.
Hiện nay Tiêu thị đã thật sự ủng hộ Lục Thất, sự tin nhiệm của Lục Thất đối với Tiêu thị, khiến Tiêu thị cảm nhận được sự tri ngộ của hắn, mà quan trọng nhất là, Lục Thiên Phong đã đi tới bước thành lập một nước, lúc ở tại Tô Châu, kế tiếp sẽ chiếm cứ khu vực Lục Châu ở phía tây nam, đã có khí thế tranh hùng giành ngôi bá chủ rồi.
Tiêu Tri Lễ còn kiến nghị với Tiểu Phức, hiện nay tình hình Đường quốc còn thay đổi rất nhiều, Đường quốc đã hạ mình xưng thần với Chu quốc, khiến cho việc Ngô Thành quận chúa tự mình khai phủ, trở thành không hợp quy chế, mà ở Thường Châu chỉ có hai vạn phủ dũng (2), lương thực tiêu hao sẽ tăng lên rất nhiều, so với việc để Lý quốc chủ ngấm ngầm mưu tính, chi bằng giao cho triều đình cho rảnh nợ.
Tiêu Tri Lễ còn nói, qua một thời gian nữa, Tiểu Phức nên dâng thư thỉnh cầu được mở phủ quân chính, sau đó giao Thường Châu cho triều đình tiếp quản. Hiện nay, trước sự uy hiếp của Chu quốc và cuộc chiến ở Tây bộ, một khi triều đình tiếp quản Thường Châu, tất nhiên sẽ bóc lột quân hộ (3) một khi quân hộ bị bóc lột, đợi đến khi thời cơ chín muồi, từ Tô Châu có thể đột nhiên xuất binh chiếm cứ Thường Châu.
(1) Dục phóng cố quy: Muốn được thả cho đi nhưng lại cố ý quay về.
(2) Dũng: binh lính không biên chế, có thể được chiêu mộ tạm thời trong chiến tranh.
(3) Quân hộ: Chế độ sung quân thời phong kiến Trung Quốc, thường là mấy đời đi lính, cha chết, con thay, anh mất em thế. Binh lính và gia đình của họ được gọi là quân hộ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.