Sau khi Vân Cẩm Đông rời khỏi hoàng cung, trong lòng đấu tranh, cuối cùng vẫn tới gặp Lục Thất, nói cho Lục Thất biết chuyện đã xảy ra, cũng đề nghị thẳng với Lục Thất, quân tử không đứng dưới tường sắp đổ. Nếu không có ý định quy về dưới trướng Chu quốc, vậy thì mau mau trốn đi.
Lục Thất nghe xong cảm kích Vân Cẩm Đông trọng nghĩa. Vân Cẩm Đông đi rồi, Tiểu Điệp đề nghị Lục Thất ngày mai rời đi, Lục Thất suy nghĩ rồi lắc đầu. Một là nếu ngày mai đi đương nhiên sẽ liên lụy đến Vân Cẩm Đông. Hai là theo lời Vân Cẩm Đông, Hoàng đế Chu quốc thật ra là để mắt tới hắn. Nếu hắn chạy trốn, dĩ nhiên sẽ bị truy sát, còn liên lụy người thân ở huyện Thọ. Ba là theo lời Vân Cẩm Đông, Hoàng đế Chu quốc cũng không có ý giết hắn, nếu chim gặp cành cong đều chạy trốn, thì chỉ là hạ sách mà thôi.
Lục Thất kiên nhẫn ẩn mình, hắn lờ mờ cảm thấy Hoàng đế Chu quốc có thể sẽ có quyết sách gì đó. Kỳ thật bây giờ hắn hy vọng Chu quốc sẽ tấn công Đường quốc, Chu quốc công Đường, Tấn quốc có thể từ bị động phòng ngự chuyển sang chiến lược tấn công rồi.
Nếu nói xưa không bằng nay, trải qua một thời kì Tấn quốc quy trị, nội chính vô cùng ổn định. Nhưng ổn định cũng khiến lòng người Tấn quốc cầu an. Đa số người sống trên đời đều không hy vọng có chiến tranh nổ ra, nếu Lục Thất phát động chiến sự với bên ngoài, dù có thể thi hành đúng theo lệnh đã ban, cũng sẽ khiến lòng người Tấn quốc phản cảm, dù sao Tấn quốc cũng là một quốc gia thành lập chưa được bao lâu.
Nếu Chu quốc tấn công Đường quốc, vậy thì chiến sự mà Lục Thất phát động chính là cố ý. Chu quốc công Đường, đương nhiên sẽ khiến cho một bộ phận quân lực của Chu quốc bị kiềm chế trong chiến sự ở Đường quốc. Khi đó Tấn quốc có thể lựa chọn tranh đoạt lãnh thổ Đường quốc với Chu quốc, cũng có thể phát động chiến sự tiến quân đến Ba Thục. Nếu không thôn tính được Ba Thục Hán quốc, Tấn quốc sẽ không thể dẫn binh vào Chu quốc được. Nếu dẫn binh tiến thẳng vào Chu quốc, rất dễ bị Hán quốc tới Kinh Châu chặt đứt đường lui.
Nếu Chu quốc công Đường, có thể có bao nhiêu quân lực? Lục Thất đã từng suy xét về vấn đề này, đoán chừng hơn ba mươi vạn một chút, mà Tấn quốc có thể dùng sáu mươi vạn quân lực thực thi việc phòng ngự trước. Nhược điểm của quân lực Tấn quốc là thiếu thốn về võ bị, ý chí chiến đấu không dũng mãnh gan dạ bằng quân Chu, cho nên Lục Thất vẫn chú trọng phát triển võ bị đánh xa, thành thạo sử dụng vũ khí không thể trong thời gian ngắn mà đạt tới được.
Đương nhiên, Chu quốc cũng có thể đột kích Ba Thục và Kinh Châu, thủ đoạn dùng sức mạnh đánh lâu dài với Tấn quốc. Nhưng đánh lâu dài đối với Chu quốc mà nói, cũng không thể thực hiện được, cho nên nếu Chu quốc có lòng mở mang bờ cõi thì tiến công Đường quốc là dễ dàng nhất. Đường quốc hiện giờ, chỗ giáp với Chu quốc là chỗ yếu nhất, chỉ mềm như trái hồng, quân lực không mạnh lại không có viện minh, quá ỷ lại vào nơi hiểm yếu Đại Giang để phòng ngự trước sự tấn công của Chu quốc.
Lục Thất yên tĩnh ẩn mình trong Ngô Vương phủ ba ngày, chợt có Ban Trực tới tìm hắn, tuyên hắn tới gặp Hoàng đế Bệ hạ. Được Hoàng đế Chu quốc tuyên vào gặp, cũng nằm trong dự liệu của Lục Thất. Hắn rời khỏi Ngô vương phủ trong ánh mắt bất an không ngừng dõi theo của Thái tử.
Vào tới hoàng cung Chu quốc, Lục Thất được lệnh chờ ở bên ngoài Thùy Củng Điện. Lục Thất bình tĩnh chờ đợi, vốn tưởng rằng sẽ chờ khá lâu, không ngờ sau thời gian chừng nửa nén hương, Ban Trực đi ra bảo hắn vào cầu kiến.
Lục Thất vào Thùy Củng Điện, vừa nhìn đã thấy trong điện ngoài mười mấy thái giám và Ban Trực ra, chỉ có hai nhân vật lớn, một vị mặc hoàng bào khoan thai ngồi ở chính giữa bàn dài, một vị lão thần mặc quan bào màu tím, râu tóc đã hoa râm ngồi phía bên phải bàn dài.
Lục Thất bước vào trong điện, quỳ xuống cung kính nói:
- Thần Lục Thiên Phong khấu kiến Hoàng đế Bệ hạ.
- Đứng lên đi.
Chu hoàng đế bình thản nói.
- Tạ ơn bệ hạ.
Lục Thất cung kính đứng lên.
Chu hoàng đế nhìn Lục Thất một lát, mới bình thản nói:
- Lục Thiên Phong, ngươi là người đất Ngô, lại có thể nói được khẩu âm Khai Phong Phủ, tuy rằng không được tự nhiên lắm.
- Bệ hạ, thần là nhập gia tùy tục, đã đặc biệt trao đổi với người Khai Phong Phủ rất nhiều.
Lục Thất hồi đáp.
- Ngươi có ấn tượng gì về Khai Phong Phủ?
Chu hoàng đế hỏi.
- Bệ hạ, Khai Phong Phủ rất phồn vinh.
Lục Thất trả lời.
- So với Giang Ninh thì sao?
- Giang Ninh là nơi phồn thịnh, nơi nơi đều có thể thấy văn hoa cẩm tú, còn Khai Phong Phủ cũng là cảnh tượng phồn vinh, nơi nơi đều có thể thấy những con người giản dị bận rộn với công việc của mình.
Lục Thất trả lời.
- Nói vậy thì, Giang Ninh tốt hơn Khai Phong Phủ rồi.
Chu hoàng đế bình thản nói.
- Thần nói, Giang Ninh phồn hoa, có rất nhiều văn nhân thảnh thơi nhàn rỗi, còn ngoài Giang Ninh ra, có thể thấy cảnh khốn khổ ở khắp nơi. Đường quốc chỉ dùng tiền của cả nước, cung cấp cho Giang Ninh thôi.
Lục Thất hồi đáp.
Chu hoàng đế im lặng, một lát sau hỏi:
- Ngươi đã gặp vương Tấn quốc chưa?
- Thần đã gặp.
Lục Thất trả lời.
- Ồ, Tấn vương là người thế nào?
Chu hoàng đế nói tiếp.
- Tấn vương tuổi chừng ba lăm, ấn tượng của thần về người này là kiên quyết và quả cảm.
Lục Thất trả lời.
- Ngươi chiếm cứ Hấp Châu, Tấn vương không mời chào ngươi sao?
Chu hoàng đế hỏi.
- Khi thần vì Tống đi sứ, đã từng gặp Tấn vương. Tấn vương có giữ thần lại, thần cự tuyệt, Tấn vương cũng không làm khó thần, để thần trở về Đường quốc. Sau đó, Tấn quốc phát triển nhanh chóng, lúc ấy Tấn quốc diệt nước Mân, trùng hợp Hưng Hóa quân Đường quốc đột kích Cù Châu và Vụ Châu của Việt quốc, đánh bại chín vạn Võ Thắng quân mạnh nhất của Việt quốc. Không ngờ rằng, Hưng Hóa quân vừa chiếm cứ Vụ Châu không lâu, Sở quốc đột nhiên công Đường quy mô lớn, Hưng Hóa quân bị bắt bỏ thành quả chiến đấu để đi đối phó với Sở quốc, Tấn vương thừa cơ đánh chiếm Tây Bộ Chư Châu của Việt quốc, bức bách Việt quốc xưng thần với Tấn quốc. Sau nữa Tấn quốc lại tiến công Sở quốc, cuối cùng, cùng với nghịch thần Đường quốc Vũ Văn Thị khiến Sở quốc diệt vong.
Lục Thất vẫn hỏi một đáp mười.
Chu hoàng đế gật đầu, hỏi:
- Nghe nói ngươi đang thống soái hơn mười lăm quân lực vùng Hồng Châu công Sở, mà vẫn chưa công diệt Sở quốc, là vì nguyên nhân gì vậy?
- Bệ hạ, khi đó thần thống lĩnh quân đội, trên thực tế là cáo mượn oai hùm. Mười lăm đại quân phân nửa là binh tốt của Kinh Châu, phân nửa là Ngạc Châu quân. Lúc ấy Quốc chủ bệ hạ không chịu nổi sức ép của Hữu tướng đại nhân, bị bức phải sai Lâm Nhân Triệu đại nhân chủ trì chiến sự Tây Bộ, nhưng Quốc chủ bệ hạ vẫn phân công Chu Lệnh Vân giám sát quân đội, kiềm chế Lâm Nhân Triệu đại nhân, khiến cho Lâm Nhân Triệu đại nhân chỉ có cái danh là Thống soái tối cao, lại không thể điều động quân lực trú đóng ở Hồng Châu. Khi đó thần đã là Phủ sử trấn Hồng Châu, kỳ thật cũng chỉ là hư chức. Quốc chủ bệ hạ không giao cho thần bất kì quyền lực gì, nhưng chính vì không có quyền lực trong tay, cho nên được Lâm Nhân Triệu đại nhân giao cho quyền lĩnh quân, sai thần lấy danh nghĩa đi chuyển lương thảo để suất quân rời khỏi Hồng Châu, giúp ba vạn quân lực thoát khỏi sự kiềm chế của Chu Lệnh Vân.
Sau khi thần lĩnh quân, tới Tín Châu bí mật vòng về Ngạc Châu, hợp binh với Tiết độ sứ Ngạc Châu Vu Hoa đại nhân, sau đó đột kích Giang Hạ cướp lấy lương thực Kinh Châu. Sau khi thuận lợi công chiếm Kinh Châu rồi, mới có được tám vạn quân Kinh Châu. Sau đó Vu Hoa tướng quân lệnh cho thần suất lĩnh binh tốt của Kinh Châu và Ngạc Châu quân cùng trở về Ngạc Châu, bắt đầu chinh phạt Sở quốc, còn Vu Hoa tướng quân thì suất lĩnh ba vạn kỳ quân của thần ở lại Kinh Châu. Kỳ thật khi đó cực kỳ bất ngờ, thần thật không ngờ có thể tiến chiếm Kinh Châu, mà quân lực của Hán quốc và Chu quốc lại không hề phát giác.
Lục Thất tự thuật một lượt, hắn cố ý lừa gạt Hoàng đế Chu quốc.
Chu hoàng đế nghe xong nhíu mày, vị lão thần kia thì liếc mắt nhìn sâu vào Lục Thất. Trong lòng Lục Thất cũng hiểu được, Chu hoàng đế tất nhiên sẽ giận vì quân lực trấn thủ Hán Thủy vô năng, không ngờ lại có thể bỏ lỡ cơ hội cướp lấy Kinh Châu như thế.
Mà trên thực tế, khi Lục Thất dùng quân lực Cán Châu thay cho quân Kinh Môn, đã cố ý phân phó phải canh phòng nghiêm ngặt mật thám Chu quốc ẩn núp. Nếu hắn đã phân phó, những tướng sĩ kia tự nhiên sẽ tuần tra nghiêm mật Hán Thủy, phát hiện có người Kinh Châu tới gần Hán Thủy, sẽ bắn chết ngay lập tức. Thời kì ấy, theo con số Giang Lăng có được, tuần sát đến hơn ba trăm người, có thể nói là phong tỏa bởi máu tanh. Không biết có bao nhiêu người chết uổng, nhưng kiểu phong tỏa này diễn ra hơn một tháng, sau khi đạt thành đồng minh với quân Hán ở Phàn Thành mới cho phép đánh cá.
- Sau đó tại sao lại thua?
Chu hoàng đế rất nhanh đã ôn hòa hỏi.
- Sau đó nghe nói vì Vũ Văn Thị phản loạn, mới khiến Tây Bộ đại bại. Trên thực tế Tây Bộ đại bại, là do Quốc chủ bệ hạ đó.
Lục Thất trả lời.
- Ồ, sao lại nói vậy?
Chu hoàng đế hỏi.
- Tây Bộ đại bại có hai nguyên nhân. Một là Quốc chủ bệ hạ nắm trong tay phân nửa tình hình Tây Bộ, còn cố ý hủy đi một phần Hưng Hóa quân, làm cho Hưng Hóa quân hùng mạnh thành ra chia năm xẻ bảy, còn dẫn tới việc hơn một vạn tướng sĩ Hưng Hóa quân bất ngờ làm phản đào tẩu. Hai là Quốc chủ bệ hạ dùng Chu Lệnh Vân để kiềm chế Lâm Nhân Triệu đại nhân, sai thần chinh chiến Sở quốc, để quân Hồng Châu chậm chạp không hưởng ứng. Nếu Hưng Hóa quân không bị hủy một phần, Vũ Văn Thị tạo phản cũng không thành công. Mười vạn Hưng Hóa quân là quân lực dũng mãnh nhất của Đường quốc, Vương Văn Hòa đại nhân lại là danh tướng thiện chiến, còn cao minh hơn Lâm Nhân Triệu đại nhân nhiều lắm.
Lục Thất cố ý đáp vẻ sùng bái.