Hoàng Đình

Chương 107: Không thuận theo cầu ác, không can thiệp nhân họa




Dịch giả: †Ares†
oOo
Trong phủ tổng binh ở thành Ngọa Hổ, chỉ thấy lấp ló phía sau chiếc ghế tựa lớn có tổng binh đang ngồi, còn Văn Tuấn Khanh đã lui ra ngoài sau khi Trần Cảnh tiến vào.
So sánh với tổng binh Ngô Sĩ Kỳ mặc nguyên một bộ quân phục, Trần Cảnh chỉ khoác một thân áo bào bình thường lại không hề có vẻ lép vế, tựa như so sánh một mãnh hổ trong núi với một con hạc tự do bay giữa mây.
Ngô Sĩ Kỳ ngồi trên một chiếc ghế ngọc được nạm vàng, hai chân vắt lên trên bàn, tay cầm một thanh trường kiếm, đang nhẹ nhàng lau kiếm bằng một chiếc khăn lụa.
- Không biết chân nhân tu hành ở bảo sơn nào?
Người tu hành đều thích thăm dò lai lịch của nhau, nhưng lại không tiện dùng pháp thuật, cho nên phần lớn đều chọn cách mở miệng hỏi.
Trần Cảnh mặc một bộ áo bào xanh, trong tay còn cầm phướn trắng, nói:
- Nơi nào có sinh linh sẽ là chỗ tu hành của ta.
Ngô Sỹ Kỳ giương mắt nhìn Trần Cảnh, nói:
- Hóa ra không phải là đạo nhân, mà là thần linh.
- Là người hay là yêu quái?
Ngô Sĩ Kỳ lại hỏi.
Chỉ thấy ánh mắt của Trần Cảnh như có một làn nước mờ mờ. Hắn nhìn Ngô Sỹ Kỳ, đáp:
- Đã là thần linh, sao còn phân người với yêu?
- Ha ha ha...
Ngô Sĩ Kỳ cười to, "Choeng" một tiếng, đã tra kiếm vào vỏ, lớn tiếng nói:
- Nói rất hay, đã là thần linh, sao còn phân người với yêu.
Nói xong, y bước tới trước mặt Trần Cảnh, thân thể mặc áo giáp màu đồng cổ của y cao hơn Trần Cảnh nhiều, khiến lúc y bước đi như tỏa ra uy thế của người trên.
Trần Cảnh vốn thân tượng đá, cao lớn hơn người bình thường, nhưng theo thời gian, thân thể hắn đã phát sinh biến hóa, nhỏ đi nhiều. So với Ngô Sĩ Kỳ một thân áo giáp thì đúng là có vẻ "mỏng manh".
- Như vậy, ngươi tới thành Ngọa Hổ của ta là để thu tín ngưỡng của cả thành sao?
Ngô Sĩ Kỳ đột nhiên hùng hổ dọa người.
Trần Cảnh chưa bao giờ gặp người hỏi thẳng như vậy. Tuy rằng câu hỏi rất đơn giản, nhưng Trần Cảnh phát hiện mình lại không trả lời nổi.
Hắn không nói gì, nhưng trong lòng nghĩ: "Là vì tín ngưỡng sao? Nếu không phải, thì vì cái gì đây?"
- Ha ha ha ha...
Ngô Sĩ Kỳ cười to, nói:
- Những lời này ta đã hỏi qua rất nhiều thần linh, ngươi biết bọn họ trả lời thế nào không?
Trần Cảnh nói:
- Tướng quân, thỉnh giảng.
Ngô Sĩ Kỳ chậm rãi quay đi, trong mắt hiện vẻ mỉa mai, nói:
- Bọn họ có thể chia làm ba loại, trong đó một loại trả lời thẳng rằng vì tín ngưỡng mà đến, một loại khác nói là vì không muốn để người thành Ngọa Hổ phải chịu loạn thần nô dịch mà đến. Còn một loại cuối cùng thì giống như ngươi, không thể trả lời. Hai loại trước, ta gọi là hư thần, giả thần, còn loại thứ ba, ngươi cảm thấy nên gọi là gì?
Trần Cảnh đáp:
- Loại thứ ba còn không bằng hai loại trước. Làm thần linh, cần tín ngưỡng, vậy mà không dám nói thẳng. Làm thần linh, để chúng sinh không bị loạn thần nô dịch vốn là chức trách, lại không dám mở miệng. Cho nên so sánh với hai loại trước, loại thứ ba càng kém cỏi.
Ngô Sĩ Kỳ quay đầu lại nhìn Trần Cảnh, ánh mắt như kiếm. Y nhìn chằm chằm Trần Cảnh trong chốc lát, rồi đột nhiên cười to, cực kỳ khinh thường phất tay, ý bảo Trần Cảnh rời đi.
Trần Cảnh đi một lát, Văn Tuấn Khanh tiến vào, hỏi:
- Tướng quân cảm thấy thế nào?
Ngô Sĩ Kỳ nói:
- Loại thứ ba có thể là dạng thần linh tùy tiện, không có khát vọng, yếu đuối nhát gan, không dám gánh vác trách nhiệm, nhưng cũng có thể là chân thần, nói năng thận trọng, lấy bình định lại trời đất, trật tự thần đạo làm ý nghĩa sinh mạng. Ngươi cảm thấy hắn là loại nào?
- Không rõ ràng lắm.
Văn Tuấn Khanh nói.
Ngô Sĩ Kỳ ngồi trở lại trên ghế, chậm rãi nói:
- Ta lấy thế áp tới, hắn không hề kinh hoảng. Ta dùng giọng mỉa mai, hắn không giận. Ta hỏi hắn có phải tới vì tín ngưỡng không, hắn mặc dù không đáp, nhưng lại tỏ vẻ trầm tư nghĩ ngợi. Không e ngại, không sợ hãi, biết suy nghĩ, đây có lẽ thần linh cần tìm.
- Pháp lực của hắn ra sao?
Văn Tuấn Khanh hỏi.
- Theo ta thấy, trong thế gian này, không có một thần linh nào có tư cách trọng định lại trật tự Thiên đình. Pháp lực cao thấp cũng không trọng yếu.
Ngô Sĩ Kỳ nói.
* * *
Trần Cảnh lại trở về trước miếu Long vương, tiếp tục tính mưa gió cho người. Ngẫu nhiên còn có người tìm đến hắn để cầu phúc, thậm chí có cả đến xin tên cho con cháu.
Cuối ngày, hắn trở lại căn phòng đã thuê. Phòng này nằm ở một dãy tiểu viện độc lập, trong viện có một cây hòe lớn. Lúc này trời tối đen, Trần Cảnh đứng dưới cây hòe, ngẩng đầu nhìn lá cây. Trên lá có sâu, trên cây có tổ chim, ở thân cây lại có những cái tên có nam có nữ, có nét nhìn nguệch ngoạc chắc hẳn do trẻ con khắc lên, có nét lại cứng cáp nghiêm chỉnh, hẳn là từ tay người trưởng thành.
Nếu đây là một gốc cây bình thường thì cũng thôi, nhưng cái cây này lại là một cái cây đã khai linh.
- Ngươi luôn đứng ở chỗ này, hẳn thấy được rất nhiều chuyện chứ?
Trần Cảnh đột nhiên mở miệng hỏi cây hòe già.
Bốn phía yên tĩnh không tiếng động, chỉ có âm thanh xào xạc từ gió thổi lá cây. Đây là lần thứ ba Trần Cảnh nói chuyện với cây hòe.
Ngay khi Trần Cảnh nghĩ nó vẫn không trả lời thì cây hòe già lại mở miệng. Âm thanh của nó vang vọng theo tiếng lá rì rào.
- Sở dĩ ta không trả lời, bởi vì ta chỉ là một tiểu thụ yêu, nào có tư cách nói chuyện với thiên thần như ngài.
Cây hòe già nói.
- Ta sao có thể là thiên thần gì, ta chẳng qua có khí lực hơn người thường một chút mà thôi.
Trần Cảnh nói.
- Tuy ta không biết pháp lực của ngài cao bao nhiêu, nhưng trên thân ngài có khí tức của thiên thần, chuyện này ta sẽ không nhận sai.
Cây hòe nói.
Trần Cảnh biết, chỉ thần linh có thần vị trước tam phẩm mới có tư cách vào Thiên đình, cho nên thần linh tam phẩm và trên tam phẩm đều được gọi là thiên thần.
- Ngươi đã thấy rất nhiều thiên thần sao?
Trần Cảnh hỏi.
- Hơn một nghìn năm trước gặp qua không ít, sau đó thì chưa từng, mãi mười năm trước mới lại thấy một vị.
Cây hòe nói.
Trần Cảnh có chút bất ngờ, nói:
- Hóa ra ngươi đã khai linh trước cả thiên hà kiếp.
Cây hòe già thở dài một tiếng, nói:
- Kể cả khai linh từ hỗn độn thì cũng thế nào chứ? Những vị đại thần thông từng có thể loạn thiên địa, phá luân hồi, định càn khôn, giờ cũng biết ở nơi nào?
- Bọn họ đều biến mất, nhưng ngươi đang ở đây, có thể thấy bọn họ có chỗ không bằng ngươi.
Trần Cảnh nói.
- Không phải ta có chỗ hơn họ, mà là vì ta tình nguyện bình thường, cho nên ta sống, mà bọn họ biến mất.
Cây hòe nói.
Trần Cảnh trầm mặc một hồi, lẩm bẩm:
- Tình nguyện bình thường sao? Lẽ nào cứ sống mà không muốn làm chuyện gì đó sao?
- Làm chuyện gì đó? Thanh lọc đất trời? Hay vì chúng sinh tạo thái bình?
Cây hòe nói.
Trần Cảnh giữ im lặng, đứng dưới tàng cây một đêm. Ngày hôm sau, hắn lại tới miếu Long vương làm người tính toán thời tiết, giúp người vẽ bùa hộ thân. Liên tiếp vài ngày, mỗi ngày đều như thế.
Đột nhiên có một ngày, mọi người trong thành Ngọa Hổ tụ tập cả trên một con đường. Thì ra là tổng binh phụng mệnh mang binh đi Bắc Hải bình loạn, dân chúng tới đây để tiễn đưa thân bằng bạn hữu. Trần Cảnh đột nhiên sinh ra cảm giác những người này cách mình vô cùng xa xôi. Cho tới nay hắn đều cho mình là nhân loại, nhưng giờ lại chẳng thể nào cảm thụ được tâm tình của những người trước mắt này.
- Hóa ra, ta đã cách bọn họ thật xa.
Trần Cảnh chợt sinh ra ý nghĩ này trong đầu.
Chớp mắt đã qua ba tháng. Trần Cảnh vẫn ở nơi này bày quán, tính toán thời tiết, không lúc nào không chính xác. Thanh danh của hắn truyền thật xa, cho dù là mấy thần linh nho nhỏ trong thành cũng đều từng tới nơi này dò xét thử. Thế nhưng dù bọn họ đều đã chuẩn bị sẵn những lời làm khó, thì tới khi ngồi xuống trước quầy, lập tức những gì chuẩn bị đều loạn cả lên. Nhìn về phía Trần Cảnh với đôi mắt như tràn ngập khói mây kia, tất cả đều cảm giác như mình bị nhìn thấu hết thảy, dưới con mắt ấy chẳng biết phải làm gì nữa. Còn có cả không ít người tu hành đi qua thành Ngọa Hổ đều tới miếu Long vương. Bọn họ hoặc là luận đạo đàm huyền cùng Trần Cảnh, hoặc lại muốn dò xét lai lịch của hắn.
Đột nhiên có một ngày, Văn Tuấn Khanh vẫn luôn theo quân chinh chiến bên ngoài trở lại, đi thẳng tới trước mặt Trần Cảnh. Trần Cảnh nhìn người này, thấy một thân phong trần, trên người vẫn mang theo cái khí sát phạt chỉ người ở chiến trường mới có.
- Hiện tại có ba vạn tính mạng tướng sĩ đặt ở trước mắt ngươi, ngươi cứu hay là không cứu?
Văn Tuấn Khanh đi tới trước mặt Trần Cảnh, nói thẳng vào vấn đề.
- Cứu.
Trần Cảnh đáp không do dự.
- Vậy theo ta đi.
Văn Tuấn Khanh nói.
Trần Cảnh lại ngồi không hề động, nhìn Văn Tuấn Khanh, nói:
- Ta cứu người, nhưng không thể bởi vì cứu một người mà giết một người.
- Không phải tộc ta, đều không phải người.
Văn Tuấn Khanh đáp trả.
Trần Cảnh lắc đầu, nhìn Văn Tuấn Khanh, không nhắc lại. Văn Tuấn Khanh nói:
- Nếu ngươi bất động, có ba vạn tướng sĩ chết đi, không một người cảm kích ngươi. Nếu ngươi đi, ngay cả sẽ có ba vạn tướng sĩ oán hận ngươi, thì lại cũng sẽ có ba vạn tướng sĩ khác cảm kích ngươi, thậm chí thờ phụng ngươi, dành trọn tín ngưỡng thành Ngọa Hổ cho ngươi.
Trần Cảnh nói:
- Ta không dùng thần thông với người phàm tục.
- Không cần ngươi tới đối phó người phàm. Sở dĩ tướng quân lâm vào khốn cảnh là bởi vì đối phương có thần linh trong quân. Chỉ cần ngươi hàng ngụ thần linh tu sĩ của đối phương là được.
Văn Tuấn Khanh nói.
Trần Cảnh nghĩ một lát, liền đồng ý. Hắn đồng ý không phải vì sự cảm kích của ba vạn tướng sĩ, cũng không phải vì tín ngưỡng, mà là cảm thấy nếu tất cả đều không về, trong thành Ngọa Hổ nhất định sẽ có rất nhiều người thương tâm. Còn nếu bọn họ về được, tất nhiên sẽ có rất nhiều người vui sướng. Hắn chợt nghĩ, dân chúng cả thành mừng vui nhất định sẽ cho cảm giác tốt hơn lúc xuất chinh trước nhiều.
Chỉ là mặc dù như thế, hắn cũng vẫn tự đặt ra một chuẩn mực trong lòng: "Thần không thuận theo những lời cầu độc ác, không can thiệp vào nhân họa." Sau hắn lại thêm một câu: "Trong thiên hạ, bất kể là tu sĩ nhân loại, hay quỷ mị trong núi thành tinh, hay yêu quái, hay thần linh, cũng không nên chủ động hiển lộ thần thông ở nhân gian."
-----oo0oo-----

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.