Hồ Yêu Báo Thù

Chương 1:




Tôi được nghe một bà lão trong làng kể lại rằng, nhà bà ấy từng xảy ra một chuyện rất kì lạ.
Lúc bà còn nhỏ từng cứu một con hồ ly màu trắng, bởi vì chuyện đó mà trong nhà đột nhiên có được một món tiền lớn.
Không lâu sau đó, nhà của anh cả bà cưới được một cô gái đẹp tựa tiên nữ, chưa từng nghĩ đến vận rủi lại bắt đầu từ đây…
- ---
Chuyện xảy ra trong thời kì loạn lạc ở Quan Đông, sau khi bà lão theo nhà mình chạy nạn đến vùng Đông Bắc.
Gia đình họ sống trong một ngôi làng hẻo lánh gần kề với núi, tuy rằng cuộc sống nghèo khổ, nhưng mỗi ngày đều trôi qua rất êm đềm.
Hôm đó, cha của bà hào hứng trở về nhà, mặt mày hớn hở nói: “Chúng ta phát tài rồi.”
Mẹ bà ngồi trên giường đất, khó hiểu nhìn chồng mình, không nhịn được hỏi: “Ông trúng phải gió gì vậy? Ông phát tài ở đâu đưa tôi xem xem.”
Cha bà đưa tay ra, trên tay ông ấy vậy mà lại xách một cái lồng bện bằng cỏ, bên trong có một con vật đang cuộn tròn.
Mẹ bà liếc nhìn một cái, không nhịn được hét ầm lên.
Thứ trong lồng vậy mà lại là một con hồ ly có bộ lông óng ánh.
Con hồ ly đó mệt mỏi nhắm chặt mắt lại, như thể đang say ngủ.
Ngay lúc này bà ngửi được một mùi rượu nồng nặc xọc lên mũi, không khỏi lùi lại một bước.
Mẹ bà không vui nói: “Ông lại uống say rồi à? Trong nhà bây giờ thành cái dạng gì rồi!”
“Làm gì có.” Cha của bà lão lắc đầu, chỉ vào con hồ ly ra vẻ thần bí nói: “Nói ra bà không dám tin đâu, rượu là con hồ ly này uống đấy.”
Sau đó cha bà bèn kể lại tình cảnh nhặt được con hồ ly này, ông làm nghề thợ mộc, trên đường đi làm về thì gặp được nó.
Con hồ ly này giống như đang say rượu vậy, đi đường loạng choạng không vững, nhìn thấy người cũng không tránh đi.
Sau đó nó ở trước mặt ông, ngã cắm đầu xuống đất, ngủ mê man không tỉnh.
Cha của bà mặt mày hớn hở nói: “Hồ ly ở vùng Đông Bắc đều biết uống rượu sao? Tôi sống hơn nửa đời người vẫn là lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng kì lạ thế này.”
Nào ngờ mẹ bà lại chửi như tát nước vào mặt ông ấy: “Não của ông bị úng rồi đúng không? Đây là hồ tiên, mau đem nó trở về nếu không sẽ gặp báo ứng đấy.”
Cha bà nghểnh cổ lên, vẻ mặt khinh khỉnh nói: “Gì mà hồ tiên, chuyện này tôi chẳng thèm tin. Đem nó lột da lấy thịt ăn, da hồ ly còn có thể bán được giá cao, tốt hơn bất cứ thứ gì.”
Mẹ bà chỉ vào ông ấy mắng: “Ông muốn tạo nghiệp phải không! Một con hồ ly bình thường làm sao biết uống rượu chứ?”
“Tôi mặc kệ nó uống cái gì! Trên đường có biết bao người chết chứ, cũng chưa từng thấy hồ tiên cứu mạng người nào.”
Tiếng cãi vã ồn ào của bọn họ đã đánh thức con hồ ly trong lồng.
Hồ ly mở mắt ra, nó nhìn cảnh tượng xung quanh một lúc, sau đó bắt đầu di chuyển quanh chiếc lồng, ánh mắt chứa đầy vẻ sợ hãi cùng bất an.
Triệu Nga cũng chính là bà lão trong câu chuyện khi đó mới 15 tuổi, rất hiểu chuyện, bà cúi đầu nhìn con hồ ly trước mặt, bất giác động lòng thương xót.
Có điều bà không dám cãi lời cha mình, chỉ có thể đưa ánh mắt đáng thương nhìn nó.
Sau trận cãi vã, cha bà chuẩn bị tìm một con dao để lột da hồ ly.
Mẹ bà bất lực mở miệng nói: “Tốt nhất ông nên để nó còn sống như vậy mà bán đi thì hơn.”
“Ông không phải thợ săn, cũng không biết lột da thú, lỡ như làm hỏng bộ lông của nó, đến lúc bán đi cũng chẳng được giá cao.”
Nghe vậy cha bà mới bình tĩnh lại một chút, bỏ con dao trong tay xuống.
Buổi tối, anh cả và anh hai của Triệu Nga dẫn theo con trai đi làm về, nhìn thấy con hồ ly đó người nào người nấy đều vô cùng phấn khích.
Tuổi tác của họ đều đã hơn bốn mươi rồi, lớn hơn nhiều so với Triệu Nga, con trai của người anh cả cũng đã trưởng thành.
Ở thời đó, có rất nhiều gia đình kiểu vậy. Tuổi của Triệu Nga thậm chí còn nhỏ hơn cháu trai Triệu Quảng của bà ấy.
Hồ ly trong lồng không vùng vẫy nữa, cứ luôn phát ra tiếng thút thít hệt như một con người vậy.
Trên bàn ăn, mọi người không ngừng thảo luận xem đem bán con hồ ly này rồi sẽ mua được những gì.
Nhưng Triệu Nga lại lén đi xem thử con hồ ly.
Hồ ly trong nhà kho vẫn đang thút thít, nhưng khi Triệu Nga bước đến nó liền không phát ra tiếng nữa, chỉ mở to hai mắt nhìn bà.
Triệu Nga tuổi nhỏ, tâm địa rất lương thiện. Nhìn thấy con hồ ly đáng yêu như vậy, có chút không nỡ. Bà biết nó bị bán cho thợ săn nhất định khó tránh khỏi cái chết.
Có điều vừa nghĩ đến tính cách nóng nảy của cha mình, Triệu Nga liền gạt bỏ ý định thả hồ ly đi.
Nhưng ai ngờ được lúc này hồ ly lại kêu lên một tiếng, đôi mắt đầy vẻ cám dỗ nhìn thẳng vào Triệu Nga.
Triệu Nga chỉ cảm thấy cơ thể mất kiểm soát, đưa tay ra mở cửa lồng.
Hồ ly từ trong lồng nhảy ra ngoài, lúc này Triệu Nga mới phản ứng lại, vội vàng muốn tóm lấy nó.
Nhưng hồ ly lại chạy rất nhanh, trong nháy mắt nó đã thoát khỏi nơi trói buột mình, sau đó hồ ly còn quay về phía sau nhìn Triệu Nga bằng ánh mắt sâu thăm thẳm, kế đến mới xoay người chạy đi mất.
Triệu Nga thả hồ ly đi, đương nhiên đã khiến cha bà nổi trận lôi đình.
Mặc dù mẹ bà đã ra sức ngăn cản, nhưng Triệu Nga vẫn bị một trận đòn rất dã man, sau đó chuyện cũng xem như kết thúc.
Chưa được mấy ngày, nửa đêm canh ba, có một cụ già vội vã gõ cửa nhà bà, nói rằng Hồ lão gia vừa mới thăng quan chuyển đến nhà mới, muốn mời cả làng đến ăn tiệc, bảo cha của Triệu Nga đến dự.
Cha bà là một người nát rượu, nghe thấy có chuyện tốt như vậy, liền nhanh chân đi ngay.
Nhưng đi được nửa đường, ông lại nhận ra có điều gì đó không ổn.
“Tôi không quen biết lão gia nhà ông, đi ăn tiệc thế này không thích hợp lắm.”
Ông lão đó cười nói: “Ông nhất định biết lão gia nhà tôi, đợi đến đó rồi ông sẽ biết.”
Nghe ông lão nói thế, cha bà cũng có chút chần chừ, nhưng nghĩ đến trong người mình chẳng có xu nào, cũng chẳng có gì để người khác phải hãm hại. Bèn cắn răng dứt khoát đi theo ông lão kia.
Đợi đến lúc tới được nhà Hồ lão gia, cha của bà liền hối hận rồi.
Nhà của Hồ lão gia là một dinh thự rộng lớn, vừa liếc nhìn vào đã thấy ngay đó là một ngôi nhà lớn có bốn cửa chính.
Cha bà nghĩ thầm trong lòng, nhưng chuyện đã đến nước này, ông cũng chẳng còn cách nào khác, chỉ có thể theo vào.
Vừa vào đến sân đã nhìn thấy khắp nơi đầy là khách khứa, cha bà vừa định tìm một cái bàn khuất xa một chút để ngồi xuống, đúng lúc này lại thấy Hồ lão gia mặc mã quái đích thân bước tới, dẫn ông đến ngồi ở bàn lớn.
Cha bà không biết tại sao, nhưng thái độ của Hồ lão gia này đối với ông rất nhiệt tình.
Bữa tiệc này khiến cha bà phải mở rộng tầm mắt, đời này của ông chưa từng nhìn thấy nhiều thức ăn đến vậy bao giờ, càng chưa từng được uống rượu ngon như thế.
Nha hoàn phục vụ quanh bàn ai nấy đều xinh đẹp như tiên, chuyện này khiến ông vừa mừng vừa lo.
Chẳng mấy chốc cha của bà đã uống quá chén, ông áy náy bất an ngồi ở trên ghế, lẩm bẩm nói: “Hồ lão gia thật sự khách sáo quá rồi, đời này của tôi chưa từng được dự một bữa tiệc nào ngon như vậy, thật sự rất cảm ơn ngài.”
“Ông có thể tha cho con trai ta, ta nên cảm ơn ông mới phải chứ.” Hồ lão gia cười nói.
Cha bà cảm thấy rất khó hiểu, không nhịn được hỏi: “Tôi chưa từng gặp con trai ngài, sao lại nói là tha chứ? Hồ lão gia thật biết nói đùa.”
Nhưng Hồ lão gia lại cười một cách thần bí nói: “Không phải ông cứu con trai ta, mà là con gái ông đã cứu con trai ta.”
“Phần ân tình này, ta sẽ báo đáp ông.” Nói rồi Hồ lão gia sai nha hoàn bên cạnh bưng đến một cái khay.
Sau khi mở tấm vải đỏ trên khay ra, liền nhìn thấy bên trong chất đầy những đồng bạc.
Cha của Triệu Nga sống đến từng tuổi này vẫn chưa được nhìn thấy nhiều bạc như vậy bao giờ, lắp ba lắp bắp nói không nên lời.
Nhưng ông từ chối hết lần này đến lần khác, Hồ lão gia vẫn kiên quyết đưa nó cho ông. Cuối cùng cha của bà cầm lấy bạc, say bí tỉ ngồi lên một cái kiệu, cứ thế rời khỏi ngôi nhà đó.
Ngồi trong kiệu, cha bà nhìn đống bạc trong tay, vẻ mặt vô cùng sung sướng.
Đường đi càng lúc càng tối, rất nhanh đã tới được cổng làng. Vừa hay cha của bà nhìn thấy người quen, không nhịn được ló đầu ra khỏi kiệu chào người đó.
Nào ngờ người quen đó vừa nhìn thấy ông mặt liền biến sắc.
“Hồ ly!” Người đó chỉ vào cha của bà hét lớn.
Cha bà còn đang không hiểu gì, chiếc kiệu lại đột nhiên nặng nề hạ xuống, ông bước ra khỏi kiệu, lúc này những người khiêng kiệu không biết đã biến đâu mất.
Người quen đó là lão Phạm ở đầu làng, ông ta mặt mày kinh hãi trợn mắt nhìn cha của bà lão.
Cha bà khó hiểu hỏi: “Ông sợ cái gì vậy? Hồ ly ở đâu ra?”
“Ông không biết thật à?” Lão Phạm dè dặt hỏi.
Cha bà liền lắc đầu.
Lúc này Lão Phạm mới giải thích: “Vừa nãy nhìn thấy ông vào làng, tôi liền sợ đến chết khiếp. Đám khiêng kiệu cho ông không phải người, mà là những con hồ ly đi thẳng một hàng.”
“Không thể nào! Đưa tôi quay về chính là gia đinh của ngôi nhà giàu có kia kìa, người ta còn cho tôi bạc nữa.”
Nói rồi cha bà mở chiếc túi trên tay ra, lão Phạm vừa nhìn một cái, lập tức trợn tròn hai mắt.
Lão Phạm run lẩy bẩy cầm hai thỏi bạc lên, gõ chúng vào nhau, sau đó kinh ngạc thốt lên: “Là thật!”
Cha của bà vội giật thỏi bạc lại, nhanh chân bước về nhà.
Bởi vì chuyện này mà cả nhà Triệu Nga phát tài rồi, một lúc xây liền căn nhà lớn có ba gian, chia cho con trai trưởng, con trai thứ và bản thân mỗi người một gian, cuộc sống trong nhà lập tức trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ông ấy nghiễm nhiên trở thành một nhân vật lớn ở trong làng.
Có người nói bởi vì Triệu Nga thả hồ tiên đi, hồ tiên trả ơn đã cho nhà họ phú quý ngút trời.
Cha bà sau khi nghe xong không khỏi gật gù, nét mặt vô cùng hớn hở.
Đều nói chuyện tốt thành đôi, không bao lâu sau con trai của người anh cả trong nhà là Triệu Quảng cũng dắt về một cô gái, cô gái này đẹp như tiên trên trời vậy.
Hôn lễ long trọng được tổ chức ngay lập tức.
Hôn lễ được tổ chức rầm rộ, người ở tám làng mười dặm đều đến tham gia, trong hôn lễ, cha của Triệu Nga uống đến say khướt, mặt mày hứng khởi.
Nào ngờ vừa sang hôm sau, nhà của anh cả Triệu Nga đã xảy ra chuyện!
Triệu Quảng chết rồi! Chết ngay trên chiếc giường tân hôn.
(Còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.