Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 359: Sám hối




Môi ông Thường run lên, sắc mặt vốn đang hồng hào dần dần trở nên nhợt nhạt trắng bệch.
“Tiểu Dương còn trong căn hộ đó... Con bé còn ở trong căn hộ đó ư? Chúng... Chúng tôi...” Ông Thường lắp ba lắp bắp: “Đã ngần ấy năm rồi... cũng đã ngần ấy năm rồi... con bé vẫn cứ ở trong đó một mình...”
Tôi thấy ông Thường như vậy, nhất thời bắt đầu khẩn trương.
Gã Béo và Tí Còi nhanh chóng đứng dậy, mỗi người dìu ông Thường một bên.
Tôi bỗng cảm thấy rất hối hận, tôi nghĩ bọn Tí Còi cũng cảm thấy vậy. Chúng tôi đã quá nóng vội rồi, đáng lẽ không nên hỏi ông ấy sớm như thế. Nếu đã biết rõ cô bé ấy là cháu gái ông Thường, vậy thì cứ đến làm phiền Trần Dật Hàm trước đi, rồi từ từ tiếp xúc với ông Thường và cha mẹ của cô bé sau, lúc ấy thể nào cũng sẽ hỏi ra được điều gì đó. Cần gì cứ phải gấp gáp như vậy?
Ông Thường thở dốc từng hơi mạnh.
Tôi xém chút đã nhấn chuông gọi y tá vào.
Gã Béo và Tí Còi một người thì giúp ông Thường xoa ngực, một người thì giúp vỗ lưng, trên trán ai cũng toát mồ hôi.
Ông thường làm động tác nuốt lấy hơi, đẩy tay hai người ra và nói: “Không cần đâu, tôi không sao.”
“Ông Thường, chuyện này không thể coi là trò đùa đâu. Vẫn cứ nên gọi bác sĩ thôi. Ông vừa khỏi bệnh, còn vừa trải qua ca phẫu thuật lớn nữa...” Tí Còi nói chưa dứt lời thì bị động tác huơ tay của ông Thường chặn lại.
“Không cần. Tôi biết cơ thể tôi thế nào. Tôi đã là người bước một chân vào quan tài rồi. Lão Tiền cũng đã mất được mấy năm, vợ của ông ta cũng không xong rồi. Vậy tôi thì còn có thể sống được bao lâu nữa chứ? Với lại...” Hai tay ông Thường đỡ lấy đầu gối, khóe mắt ươn ướt, “Tôi tự biết rõ, bao năm nay lo lắng sợ hãi... Tôi không dám ở đó, cũng không muốn để trống căn hộ, nói trắng ra là sợ chết nhưng hám tiền nên mới đem cho thuê. Trong lòng tôi, mấy năm nay đều không yên ổn, sợ có ai thuê căn hộ đó, sau đó thì... Cái cậu họ Chu kia xảy ra chuyện, trên tin tức còn nói là ống nước ở khu đó bị bể, tôi liền cảm thấy thấy có chuyện không hay rồi. Tôi cũng không dám đi gặp cậu thanh niên đó, nên tôi nhờ chủ nhiệm Mao thay tôi đến nói chuyện với cậu ta... Cũng là do tôi sợ chết... Sau khi con bé Tiểu Dương gặp chuyện, thì tôi càng nghĩ lại càng hoảng sợ, cho nên vừa có thể chuyển đi cái là tôi chuyển đi ngay. Lúc cậu Diệp Thanh trở về, tôi vui lắm chứ, tôi thật sự rất mừng! Tôi cũng không nghĩ đến chuyện cậu ta chỉ là một đứa bé, trong nhà cậu ta đã chết bao nhiêu người, cậu ta cũng khổ biết bao...”
Tôi nghe những lời của ông Thường mà trong lòng trĩu nặng.
“Số tiền này, số tiền bồi thường di dời này, tôi không để ý đến. Tôi có thể nhìn ra được các cậu đang cảm thấy kỳ quái, nhưng thật sự là tôi không dám lấy. Tôi đem căn hộ đi cho thuê, bao nhiêu năm nay thu tiền thuê nhà, tôi thật đúng là không có lương tâm. Dù cho không có người gặp chuyện thì đó cũng là số tiền thiếu đạo đức. Tôi biết chỗ đó có nguy hiểm, vậy mà vẫn đi hại người ta. Tiểu Dương cũng vậy... Lúc đó có người trong xưởng đã nói là căn hộ có chỗ kỳ quái rồi, vậy mà tôi vẫn cứ gọi người nhà đến chơi... Giờ căn hộ đó bị di dời, nếu tôi còn muốn lấy một khoản tiền lớn như thế thì đây không phải là muốn tổn thọ sao? Mặc dù tôi cũng không sống được bao lâu nữa... Nhưng tôi còn có con trai, còn có cháu nữa, cũng phải tích đức cho thế hệ sau này chứ. Tôi không ngờ rằng... Tiểu Dương...” Cuối cùng ông Thường cũng rơi nước mắt. Ông ấy đưa tay nắm lấy tay tôi, bàn tay khô ráp sần sùi nhưng có chút lạnh ngắt. “Tôi muốn đi gặp... Tôi muốn đi gặp con bé!” Ông Thường nói với giọng kích động.
“Ông Thường, ông đang bệnh như thế này thì sao mà ra viện được?” Tôi nắm lấy tay của ông, “Nếu ông muốn đi gặp thì cũng không cần phải vội, trước tiên cứ dưỡng bệnh cho khỏe lên đã. Căn hộ kia vẫn ở đó, không có chạy mất đâu. Đợi đến khi di dời, ông chắc chắn sẽ còn phải về đó một chuyến, đồ đạc trong nhà chắc cũng cần phải dọn dẹp mà đúng không?”
Ông Thường lắc đầu liên tục, “Tôi phải đi gặp... Tôi phải đi gặp con bé!”
Ba người chúng tôi ra sức khuyên nhủ, nhưng ông Thường vẫn cứ không nghe, còn vùng vẫy muốn đi thay đồ.
Tôi bị ông Thường nắm lấy, còn Gã Béo thì chạy đi kêu bác sĩ đến.
Việc lần này chúng tôi đã xử lý quá tệ, bác sĩ quở trách chúng tôi một trận, ông Thường vẫn cứ dùng dằng không buông. Tôi bèn nghĩ ra cách mời con trai ông đến khuyên nhủ ông.
Bác sĩ cau mày nói: “Ông ấy có con trai hả?”
Vấn đề này khiến cả ba chúng tôi ngớ người ra.
Ông Thường đang bị y tá kéo giữ lấy bỗng nhiên không còn vùng vẫy nữa.
Tôi nhìn ông.
Ông Thường nói chuyện rất rõ ràng, lại nhắc đến con trai hai lần, còn nhắc đến cả cháu trai nữa. Từ thông tin mà Phòng Di dời chúng tôi điều tra ra, ông Thường đích thật có con trai, là người kế thừa hợp pháp của ông. Trong quá trình di dời mà ông Thường xảy ra chuyện thì chúng tôi bắt buộc phải liên lạc với con trai của ông. Rất may là ông ấy chỉ có một đứa con trai duy nhất thôi. Nếu như mà gặp nhà nào nhiều con cái và căn hộ khi ấy trở thành di sản thì tiền bồi thường di dời sẽ phải chia ra, lúc ấy có khả năng sẽ xảy ra tranh cãi.
Tôi rất chắc chắn là ông Thường có con trai, nhưng lời nói của bác sĩ kia xem ra không phải nói dối, ông ấy cũng không có việc gì mà phải nói dối chúng tôi cả.
Bác sĩ phát giác có chuyện không đúng, liền giải thích nói: “Ông ấy là do hàng xóm gọi điện kêu xe cấp cứu chở đến đây, từ lúc nằm viện đến nay cũng không thấy có người nhà tới thăm. Hàng xóm của ông ấy cũng không rõ tình huống của nhà ông ấy như thế nào.”
Không lẽ giống Vương Căn Bảo, con trai bất hiếu, bỏ rơi cha không quan tâm?
Bác sĩ thấy ông Thường không làm ầm ĩ nữa nên cũng không ở lại trong bầu không khí gượng gạo này và cũng chẳng thèm biện lý do gì mà rất tự nhiên rời đi cùng với y tá. Lúc đi, họ còn giúp đóng cửa phòng lại.
Ba người chúng tôi cùng nhìn ông Thường.
Suy nghĩ đầu tiền của tôi là con trai ông có phải bất hiếu không, suy nghĩ thứ hai là hướng theo phương hướng chuyện quái dị mà nghĩ, nghĩ đến các loại khả năng kỳ lạ hiếm thấy có thể xảy ra.
Ông Thường không để tôi nghĩ ngợi lung tung lâu, ông nói với giọng uể oải: “Con trai tôi không hay liên lạc với tôi. Từ lúc dọn đi chỗ khác, nó liền oán trách tôi, sau khi lập gia đình thì càng không qua lại nữa.”
“Oán trách?” Tôi nghi ngờ, “Không lẽ là vì cháu gái ông...”
“Không chỉ vì con bé, còn có vợ tôi nữa.” Ông Thường khổ tâm nói, “Tôi nói thiệt, tôi thấy rất đau lòng, đó đều là những chuyện sau khi vợ tôi mất. Bà ấy mới thật sự là người có tâm địa lương thiện, lúc mới đầu bà ấy không đáp ứng mời khách đến nhà, sau đó cũng không đồng ý đem căn hộ cho người ta thuê. Nhưng lúc ấy tôi cảm thấy để trống căn hộ thật lãng phí. Tiền thuê nhà một tháng cũng cả mấy trăm đồng, bây giờ đã mấy ngàn đồng rồi, số tiền đó không lấy cũng uổng. Bà ấy... bà ấy cứ nghĩ đến chuyện của căn hộ đó, còn thường ghé qua đó xem, quan tâm đến người thuê phòng. Bà ấy cứ luôn nhớ nhung đến chuyện này, nhiều lúc còn không buồn ăn uống gì, cả người trở nên già nhanh hơn, không được mấy năm liền qua đời. Những người khác cũng không dọn đi, cứ thế mà sống ở đó. Tiền Trung và vợ ông ta là sống lâu nhất. Còn những người khác... Con trai tôi oán trách tôi, nó nghĩ là vì tôi hám chút tiền đó nên hại chết mẹ nó.”
“Ông không muốn nhận tiền bồi thường di dời kia là bởi vì muốn xoa dịu mối quan hệ với con trai phải không?” Tôi hỏi, “Còn chuyện cháu gái của ông, ông kích động như vậy cũng là sợ con trai ông trách móc đúng không?”
Ông Thường không nói nữa, bắt đầu im lặng.
Nói ra thì chuyện ông Thường làm cũng không được coi là chuyện ác độc gì, càng không cố ý hại tính mạng người khác. Nhưng là một người biết rõ sự tình, vậy mà lại bỏ mặc không lo thì cũng trở thành kẻ tiếp tay rồi. Nhất là lúc bên cạnh có người có tâm địa thiện lương như vậy, khi đem ra so sánh thì phút chốc ông ấy bỗng trở thành một kẻ tội ác tày đình. Nếu người khiển trách ông ấy còn là con trai ông nữa thì cái cảm giác ấy nhất định vô cùng khó chịu.
Nhưng tôi lại thấy, việc “sám hối” của ông Thường là chuyện sau khi nằm viện.
Vợ ông cũng đã qua đời mười mấy hai mươi năm rồi. Con trai ông không thân với ông cũng không phải chuyện vài năm ngắn ngủi. Căn hộ đó, ông cũng vẫn cho thuê như thường, vẫn thu tiền thuê phòng, khách thuê vẫn người đến rồi người đi. Cũng có nghĩa là “Người sắp gần đất xa trời cũng trở nên hiền lành”, quẩn quanh một vòng quỷ môn quan, ông Thường mới xem nhẹ tiền tài vài phần, và muốn bù đắp mối quan hệ với con trai.
“Về việc này ông không cần phải nóng vội. Lúc giải tỏa di dời, ông chắc chắn sẽ phải đến dọn nhà, sẵn dịp đó thì liên lạc với con trai ông. Còn chuyện cháu gái của ông, tụi con cũng chưa xác định được là chuyện gì đang xảy ra. Nếu bây giờ ông tùy tiện qua đó sẽ không tốt lắm. Huống hồ ông còn đang bị bệnh nữa.” Tôi khuyên nhủ.
Không biết là do ông Thường nghĩ thông rồi hay là dũng khí và quyết tâm bùng phát lúc nãy bị ngăn cản nhiều lần nên đã vơi đi, ông ấy thở dài một tiếng, gật đầu, không nhắc đến chuyện muốn đi gặp cháu gái nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.