Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1571: Lấy đồ (4)




“Hôm qua tôi gọi điện cho hai anh em ông là vì thấy bà đã lớn tuổi, lại nhất quyết muốn lấy đồ đi đến nghĩa trang. Để phòng ngừa chuyện bất trắc, nên mới thông báo cho hai ông. Còn tro cốt và di vật sẽ xử lý như thế nào, là chuyện của gia đình ông, không hề liên quan gì đến Phòng Di dời và tôi.” Tôi bình tĩnh nói: “Đây là đạo lý bình thường đúng chứ?”
Lưu Chí Quốc chưa mở miệng thì Chủ nhiệm Mao đã lên tiếng nói giúp chúng tôi.
Chủ nhiệm Mao khuyên Lưu Chí Quốc: “Có gì thì gia đình ông nói rõ với nhau chứ. Ông bà ngoại ông đã mất lâu lắm rồi đúng không? Trong giai đoạn ấy chắc đã xảy ra chuyện gì, nên bà ấy mới để đồ lại nhà, không cho anh em ông biết. Chuyện này ông phải hỏi cho rõ ràng chứ? Cả chuyện nghĩa trang đó nữa, không chừng bà ấy cũng có ý định gì đó. Ông đừng tùy tiện làm theo ý mình. Bà ấy đã lớn tuổi lắm rồi, có lẽ chỉ còn mỗi nguyện vọng này, nếu ông muốn báo hiếu cho bà ấy, thì nên làm theo lời bà ấy chứ.”
Là Chủ nhiệm của ủy ban khu dân cư, Chủ nhiệm Mao giảng giải những chuyện này đều rất rõ ràng rành mạch.
Tôi im lặng lắng nghe Chủ nhiệm Mao khuyên can Lưu Chí Quốc. Thực ra thì bà ấy nhỏ hơn Lưu Chí Quốc mấy tuổi, nhưng lúc này nói đến Tống Hiền, chồng của Tống Hiền và cả chuyện thời còn trẻ của hai anh em nhà họ Lưu thì bà đều nói rõ ràng đâu vào đó. Chuyện Lưu Chí Quân làm em đã nhường lại phòng cho anh trai làm phòng cưới, vợ chồng bà cụ Tống Hiền chăm lo cho vợ Lưu Chí Quốc những ngày ở cữ, rồi giúp họ trông con, tất cả đều được bà ấy liệt kê ra như đang kết sổ.
Sắc mặt Lưu Chí Quốc mỗi lúc một khó coi, cũng không muốn nghe nữa, đành kiếm cớ ứng phó vài câu rồi chuẩn bị rời đi.
Chủ nhiêm Mao nói với chúng tôi: “Vẫn phải thông báo cho Lưu Chí Quân một tiếng. Thực sự cũng không biết hai anh em họ muốn làm gì. Bà cụ thì đã lớn tuổi lắm rồi…”
Bà ấy chưa than thở xong, thì Trần Hiểu Khâu đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ: “Kia chẳng phải bà Tống sao…”
Chúng tôi nghe vậy nhìn qua thì thấy bà cụ Tống Hiền từ bên ngoài đi vào.
Bà ấy cũng đụng mặt Lưu Chí Quốc.
Tôi trông thấy hai mẹ con tranh chấp. Lưu Chí Quốc đang dìu bà cụ, cáu bẳn nói gì đó. Bà cụ Tống Hiền im lặng, mím môi, bộ dạng cực kỳ kiên quyết.
“Tiểu Lâm à, các cậu chạy ra xem thử thế nào. Để dì gọi cho Lưu Chí Quân.” Chủ nhiệm Mao nói.
Tôi và Quách Ngọc Khiết cùng nhau chạy ra.
“… Mẹ, đừng có làm khó con nữa.” Tôi nghe thấy Lưu Chí Quốc la lên.
Lưu Chí Quốc trông thấy chúng tôi chạy qua thì tránh ánh mắt sang chỗ khác.
Bà cụ Tống Hiền xô Lưu Chí Quốc một cái: “Không cần anh lắm chuyện. Cha mẹ của tôi, tự tôi đi an táng họ. Đợi tôi chết rồi anh hãy lo!”
Câu này nặng lời quá rồi.
Tôi khựng bước chân lại.
Bà cụ Tống Hiền cũng đã nhìn qua.
“Bà Tống.” Quách Ngọc Khiết gọi.
Vẻ mặt bà cụ đã hơi dịu lại: “À. Đứa bé ngoan.” Bà ấy đưa tay ra, hình như muốn nắm tay Quách Ngọc Khiết.
Quách Ngọc Khiết bước đến đỡ bà ấy.
“Mặc kệ nó đi. Mấy đứa đưa bà đi lấy đồ nhé.”
Tôi thấy Lưu Chí Quốc đang rất bực bội liền nói: “Bà Tống à, bà biết cái nghĩa trang đó ở đâu rồi sao?”
“Tôi biết.” Bà Tống gật đầu quả quyết.
“Nhưng có biết thì cũng không thể đi thế này được đâu ạ. Tài xế còn không biết đường cơ mà. Hơn nữa, an táng cũng rất rắc rối. Đầu tiên phải liên hệ người bên nghĩa trang để mua mộ phần trước…” Tôi vin theo chuyện này mà khuyên can.
Lưu Chí Quốc bực bội lên tiếng: “Đã bảo là không có nơi nào như thế rồi mà. Ven Dân Khánh đâu có nơi nào như thế chứ? Bọn con đã hỏi thăm người ta cả rồi, không có mà! Mẹ, mẹ đừng có làm rối lên nữa. Chắc chắn là mẹ nhớ nhầm rồi. Chẳng phải mộ phần của cha cũng rất tốt sao? Mẹ với cha chẳng phải đã mua phần mộ đôi ở nghĩa trang ấy sao? Hơn nữa chính mẹ đã đi xem mà…”
“Cha mẹ tôi không thể an táng ở đó, phải an táng ở Vạn Thọ. Bàn bạc xong hết rồi, cha tôi đã nhờ người coi giúp rồi, tôi cũng đã hứa với họ.” Tống Hiền khăng khăng nói.
“Cái chỗ ấy không có mà!” Lưu Chí Quốc gắt lên: “Để con đưa mẹ về trước. Một mình mẹ đi như thế, thiệt tình… mẹ làm vậy sao bọn con yên tâm được chứ? Lỡ đâu mẹ đi lạc thì sao…”
“Không lạc đâu! A Hiền tìm ra rồi, A Hiền tìm ra cha mẹ rồi!” Đột nhiên bà cụ Tống Hiền la lên, trợn mắt nhìn Lưu Chí Quốc như người dưng nước lã.
Lưu Chí Quốc giật mình thốt lên: “Mẹ…”
“Không lạc đâu, không lạc đâu…” Bà cụ Tống Hiền lặp lại mấy lần nữa, hất tay Quách Ngọc Khiết ra, bước đi.
Quách Ngọc Khiết vội vàng đi theo.
Lưu Chí Quốc trố mắt nhìn mất mấy giây mới đuổi theo.
Bà cụ Tống Hiền không chịu nói chuyện nữa, chỉ khăng khăng bước tới.
Tôi đành khuyên Lưu Chí Quốc trước: “Xem ra bà ấy không ổn. Hay là ông cứ chiều theo ý bà trước đi? Nghĩa trang ấy, bà bảo mình biết, vậy thì cứ đưa bà đến đó xem thế nào? Rất có thể là nghĩa trang ngày xưa, bây giờ đã bị giải tỏa rồi.”
Chuyện ấy cũng không phải là không có.
Bản thân tôi không rành về mảng này, cũng chưa tìm hiểu. Biết đâu trước đây Dân Khánh từng có nghĩa trang Vạn Thọ thật cũng không chừng.
Lưu Chi Quốc bối rối, sau khi bình tĩnh lại thì cười mếu máo: “Hôm qua chúng tôi đã hỏi thăm rồi. Bà ấy bảo mình biết nhưng cũng có mô tả rõ ràng được đâu. Hai anh em tôi bàn với nhau, cứ an táng trước, chuyện sau này từ từ tính. Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ nghe nói về ông bà ngoại…”
Xem ra ông ta rất bực bội.
Bà cụ Tống Hiền thì cứng rắn, còn ông ta cũng không giống mẫu người đủ kiên nhẫn để dỗ người già.
Tình hình bế tắc cứ thế kéo dài rất lâu, tiếng của bà cụ mỗi lúc một lớn, còn quay qua đánh Lưu Chí Quốc mấy cái, hoàn toàn xem ông ta như người dưng.
Cứ tưởng tình hình sẽ cứ tiếp tục như thế thì tôi lại nghe thấy tiếng bước chân.
Lưu Chí Quân đang thở hổn hển chạy tới, bên cạnh còn có Tí Còi cũng đang theo qua đây.
Bà cụ Tống Hiền cũng tỏ ra như không quen biết Lưu Chí Quân, vẫn đòi đi lấy tro cốt, an táng cho cha mẹ.
“Không thì cứ làm như tổ trưởng Lâm nói đi, cùng mẹ đi một chuyến xem sao.” Có vẻ tính của Lưu Chí Quân ôn hòa hơn: “Em đã lấy xe của cơ quan qua đây, cũng đã báo với sếp rồi, để em đưa mẹ đi tìm thử. Nếu không bà sẽ không yên tâm.”
Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng hai anh em cãi vã suýt đánh nhau, nên không mấy có cảm tình với họ.
Với lại chuyện này, rốt cuộc cũng là chuyện gia đình của Tống Hiền.
Hai anh em họ định đưa bà cụ lên nhà lấy đồ, tôi, Tí Còi và Quách Ngọc Khiết chuẩn bị rời đi.
Nhưng bà cụ Tống Hiền cứ giữ chặt Quách Ngọc Khiết, đưa ánh mắt đề phòng nhìn hai đứa con.
Chúng tôi nói muốn rát cả lưỡi mà bà ấy vẫn không chịu buông tay. Nói với bà đấy là con của bà, bà không phản đối, nhưng không đồng ý đi chung với họ.
“Bà ấy có bệnh gì không?” Tôi hỏi.
Nếu bị lẫn đến mức độ này, vậy chữ kí trên hợp đồng bồi thường trước đó sẽ phải xem xét lại.
Hai anh em kia lên tiếng biện minh.
“Hôm qua còn bình thường mà.”
“Hôm qua khuyên được rồi, bảo chúng tôi sẽ đi mua mộ phần trước…”
Sau đó hai người liền nuốt lời mà chuẩn bị an táng luôn? Câu hỏi này đã chực trào ra khỏi miệng, nhưng tôi kịp nuốt trở lại.
Bà ấy nói không chừng không hề lẫn, chỉ là không tin tưởng hai đứa con mà thôi.
“Thế này đi, hai chúng tôi sẽ cùng đi với mọi người.” Nhìn thấy bộ dạng của bà cụ như thế, tôi thở dài đề nghị, “Bà Tống à, cháu với Tiểu Quách cùng đi. Chúng cháu lái xe, bà chỉ đường. Nếu như tìm được, thì sẽ nhờ con của bà mua mộ phần, rồi an táng cho cha mẹ bà. Bà thấy vậy được không?”
Quách Ngọc Khiết nắm tay bà, gật đầu lia lịa.
Bà cụ ngẫm nghĩ, nhìn chúng tôi, rồi quay qua nhìn hai người con đang vô cùng chán ngán, cuối cùng đã gật đầu đồng ý.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.