Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1566: Lấy đồ (1)




Tôi không hiểu lời của Diệp Thanh nói, mà anh ta cũng không có ý giải thích cho tôi hiểu.
Có lẽ, từ xưa đến nay, Diệp Thanh đều đang âm thầm bố trí gì đó sau lưng chúng tôi, gồm cả nhóm người của Thanh Diệp.
Diệp Thanh đã biến mất ngay trước mặt tôi, không nói gì thêm với tôi nữa.
Tôi ngồi trong phòng nghiên cứu thêm một lát, đợi đến lúc điện thoại đổ chuông.
Là do sáng nay không thấy tôi đâu, nên mẹ tôi mới gọi điện hỏi.
Tôi đành kiếm cớ lấp liếm cho qua chuyện.
Ngắt máy, ngón tay tôi lại lướt trên màn hình, gọi điện cho Ngô Linh.
Nội dung cảnh mộng, những gì Trịnh Tiểu Khê nói và cả những câu nói không đầu không đuôi của Diệp Thanh khi nãy, tôi thuật lại hết cho Ngô Linh nghe.
Ngô Linh chỉ “ừ”
một tiếng: “Cậu có xem tin tức mới nhất chưa?”
Tôi chỉ đọc được bài báo nói về chuyện phóng viên Nhật đã tìm ra Sayuri, còn những tin khác thì chưa.
Ngô Linh bèn thông báo cho tôi biết tình hình bên đó.
Hai ba tiếng đồng hồ trước, cũng chính là thời gian tôi trong cảnh mộng, trong khu nhà tắm nữ đã xảy ra một vụ ngộ độc khí than đá.
Tất cả những phụ nữ trong nhà tắm đều chết ngạt.
Cảnh sát địa phương đã qua quýt kết án vội vàng.
Một sự cố lớn như vậy, phía chính quyền địa phương, cảnh sát và cả chủ kinh doanh khu nhà tắm ấy đều bị truy cứu trách nhiệm.
Đoàn làm phim lại một lần nữa lên trang đầu các tờ báo.
Lần này còn có bài báo thuật lại cuộc phỏng vấn với pháp sư ở Kyoto.
Sự tình càng lúc càng đi theo hướng quái dị.
“Bên đó không khống chế dư luận sao?”
Tôi hỏi.
“Pháp sư Duyên Không là người theo phái khác, chủ trương công khai tất cả, bồi dưỡng sinh lực mới, học tập pháp thuật, chú ngữ để chống lại ma quỷ.”
Ngô Linh hờ hững trả lời.
Tôi há miệng, nhưng không biết nói gì nữa.
Tình huống như vậy cũng không hẳn là khiến người ta thấy bất ngờ.
Làm gì có chuyện tất cả mọi người đều đạt đến sự thống nhất tư tưởng.
Đặc biệt là kiểu hợp tác xuyên quốc gia này, thì càng thiếu sót sự quản lý và kiểm soát.
Có ai đó bằng mặt không bằng lòng, thậm chí hát ngược điệu thì cũng chẳng có gì lạ.
Chuyện này chỉ khiến người ta bất lực.
“Nam Thiên thì sao? Và cả những người đàn ông trong đoàn làm phim…”
Tôi hỏi.
“Cái chết của Hàn Tế khiến cậu ta chịu đả kích.
Ma Cô bảo cậu ta đã yêu rồi, còn Nam Cung thì hình như không nghĩ vậy…”
Ngô Linh nói: “Ngoài ra, những người khác trong đoàn làm phim, bao gồm đạo diễn Otsuki Ichiro, nam diễn viên chính Furukawa Kazuma, nữ diễn viên chính Miki Sakai và lão diễn viên Yoshinaga đều gặp nạn.
Sau khi điền lời khai, họ trở về phòng và tất cả đều bị đột tử.
Kết quả khám nghiệm pháp y vẫn chưa có.
Phỏng đoán là có vấn đề về tim.
Tôi thấy trên thân thể họ có âm khí còn sót lại, nghi là họ đã bị dọa đến chết.”
“Dọa chết?”
“Trên thân thể họ không có âm khí của ma nữ, mà là một loại âm khí khác.
Như cậu đã nói khi nãy, Địa Phủ đã không còn, hồn ma đã không có nơi nào để đi.
Thế thì, những người đã chết trong khách sạn đều đã biến thành ma mới đúng.”
Ngô Linh nói.
Tôi nhớ đến những người mình đã nhập vào trong cảnh mộng mà không khỏi rùng mình.
Nếu như đúng là họ thì… “Có lẽ sắp tới cậu sẽ lại mơ thấy chuyện này, nên hãy cẩn thận nhé.”
Ngô Linh quan tâm dặn dò tôi.
Sẽ lại mơ thấy? Tôi không nặng lòng chuyện này lắm.
Rời khỏi phòng nghiên cứu, tôi ra trước cổng khu dân cư kiếm đại gì đó ăn sáng, rồi nhắn tin cho nhóm Tí Còi, ở lại ngay thôn Sáu Công Nông chờ họ qua.
Trước khi họ đến, tôi nhìn thấy bà cụ Tống Hiền.
Tình cảnh gia đình này khá giống như gia đình Từ Quang Tông, con trai lớn và con trai út cật lực tranh giành căn nhà của bà cụ Tống Hiền.
Có điều, sau khi thôn Sáu Công Nông xảy ra bao nhiêu chuyện, hai đứa con của bà đã hòa bình trở lại, không còn tranh cãi nữa.
Họ cũng đã đồng ý và kí tên vào bản hợp động mà chúng tôi soạn sẵn cho bà cụ Tống Hiền vào tuần trước.
Tôi nhìn quanh, chẳng thấy con trai hay con dâu của bà cụ đâu, lòng cảm thấy là lạ, bước đến gọi một tiếng.
“À, Tiểu Lâm đấy hả?”
Bà cụ Tống Hiền nheo mắt ngẩng lên nhìn tôi.
Chắc do tuổi đã cao, nên thân thể bà cụ đã hơi rút lại, chỉ đứng đến ngực tôi.
Mái tóc trắng phau đã thưa đi khá nhiều, nếp nhăn trên mặt rất sâu.
Nhìn khuôn mặt bà cụ, tôi đoán bà là một người hay cười.
Trong ấn tượng của tôi, bà cũng hay cười lắm, cười với chúng tôi, cười với con trai và con dâu, dù là lúc hai đứa con trai cãi vã suýt đánh nhau thì bà cũng cười tít mắt.
“Bà Tống đang đi đâu vậy ạ? Sớm như vậy, sao lại đi có một mình thế?”
Tôi đưa tay đến dìu bà đi.
“Ừ, tôi đến đây từ hồi sớm.”
Tai bà Tống Hiền chắc không tốt, cũng có thể là do đầu óc đã không còn minh mẫn, nên hỏi một đằng đáp một nẻo.
Trước đây ít khi nói chuyện nhiều với bà, toàn phải tập trung đối phó với hai người con trai bên cạnh bà, nên tôi cũng không biết bà cụ có vấn đề ở phương diện nào, đành lớn giọng hơn một chút, hỏi lại lần nữa, rồi hỏi nhà bà ở chỗ nào.
Bà nhấc tay chỉ về một hướng: “Bên kia, bên kia kìa.”
Tôi đành dìu bà ấy đi tới.
Do có hơi nghi thần nghi quỷ, tôi quan sát bà một hồi lâu rồi nhìn trái ngó phải.
Thôn Sáu Công Nông bây giờ thực sự quá quạnh quẽ, giờ này rồi mà chẳng có lấy một bóng người trong khu dân cư.
Cũng chẳng thấy ma quỷ gì hết.
Hướng mà cụ Tống Hiền chỉ là hướng của tòa lầu số 6.
Nhưng điểm đến của bà ấy không phải chỗ đó.
Vừa vòng qua tòa lầu số 6, thì sẽ nhìn thấy tòa lầu số 8.
Nhà bà cụ Tống Hiền là tòa lầu số 10, nằm đằng sau tòa lầu này.
Tôi còn nhớ nhà của bà cụ Tống Hiền đã cho thuê từ lâu, sau khi xảy ra chuyện thì hợp đồng thuê nhà bị hủy, lấy lại nhà, bây giờ chắc cũng không có ai ở.
Bà cụ Tống Hiền lấy từ trong túi áo khoác ra một sợi dây đeo lên trên cổ, giống như loại dây mà học sinh tiểu học dùng để cột chìa khóa, trên ấy đang treo một chùm chìa khóa to.
Bà cụ mày mò hồi lâu, cuối cùng vẫn phải nhờ tôi giúp mới tìm ra chiếc chìa khóa mở cửa cầu thang đi lên lầu.
Tôi dìu bà vào trong, bà ấy cũng không bảo tôi đi, nên tôi tiếp tục dìu lên lầu, đến trước cửa nhà bà.
Bà ấy lại bắt đầu mày mò chùm chìa khóa, thử đi thử lại mấy lần mới tìm ra chiếc chìa khóa chính xác.
Có vẻ bà cụ Tống Hiền không gấp gáp, lúc tìm nhầm thì chỉ hơi bực một chút.
Mở cửa ra, cảnh tượng trong nhà cũng giống như tôi đã thấy lần trước.
Khách thuê trước đây đã dọn đi, trong nhà chỉ còn lại đồ dùng.
Có một số rác vẫn chưa được quét dọn, trên bàn đọc sách trong phòng ngủ vẫn còn sót lại một số hộp mỹ phẩm đã dùng hết.
Bà cụ Tống Hiền không vào phòng ngủ mà đi ra ban công.
Nơi đây chắc hẳn vốn là chỗ ở của con út.
Tôi nghe chủ nhiệm Mao kể, lúc người con cả lấy vợ, thì điều kiện gia đình vẫn còn khó khăn.
Hai vợ chồng già ở trong phòng ngủ chính, hai vợ chồng con trai cả ở trong phòng ngủ thứ hai.
Hai anh em vốn ngủ chung một phòng, đến lúc đó không thể không dọn ra ban công.
Cứ thế sống đến mấy năm thì hai vợ chồng con cả mới dọn đi.
Mà lúc dọn đi họ đã có con rồi.
Trên ban công vẫn còn một chiếc giường xếp, bên cạnh có một bộ bàn ghế.
Bàn thì nhỏ xíu, ghế cũng chỉ là loại ghế nhựa.
Trên tường có lắp tủ, cửa tủ đã bị hỏng, không thể đóng kín được.
Trên trần nhà có mắc cây phơi đồ đã bị gỉ sét, trên đó còn mắc mấy cái móc đồ méo mó lộn xộn.
Cửa sổ là loại cửa song sắt, kiểu đẩy mở thời trước, mặt kính dơ bẩn.
Ngoài cửa sổ cũng có cây phơi đồ, cũng bị gỉ sét hết, do quanh năm không có ai dọn dẹp.
Tôi trông thấy bà cụ Tống Hiền kéo cái ghế nhựa đến, hình như định leo lên, nên tôi vội đến ngăn lại.
“Bà muốn lấy gì thì để cháu lấy cho.”
Tôi nói.
Bà cụ Tống Hiền chỉ lên cái tủ đã bị hỏng trên vách.
Tôi nhìn thì thấy cái ghế nhựa vẫn còn tốt.
Tôi đứng lên, mở cái tủ ở trên đầu ra.
Mùi mốc từ bên trong bay ra.
Trong tủ tối đen, có vẻ đang cất đồ đạc trong ấy.
Tôi lấy điện thoại mở đèn lên soi vào, nhìn thấy trong ấy có thùng giấy.
Mặt thùng in tên hãng rượu mà tôi chưa hề thấy.
Có điều, đọc thời gian sản xuất thì đã hơn mười năm về trước.
Cũng không biết bây giờ đã đóng cửa hay chưa, có thể bản thân hãng này cũng không nổi tiếng.
Tôi cảm thấy may mắn vì không nhìn thấy chuột gián chết trong tủ.
Tuy đóng không ít bụi, nhưng lấy cái thùng giấy ra thì không khó.
Thùng giấy rất nhẹ, chắc là thùng rỗng.
Tôi lấy đồ ra, đặt lên chiếc bàn đọc sách bên dưới, đang định leo xuống thì bị bà cụ Tống Hiền vỗ một cái.
Bà cụ tiếp tục chỉ tay về phía cái tủ trên cao.
Tôi không hiểu, đứng lên lại, dùng đèn pin điện thoại soi vào lần nữa.
“Nằm sát trong tường, gỡ ra.”
Bà cụ Tống Hiền hướng dẫn.
Bà ấy vừa nói thì tôi nhận ra ngay, mặt tấm ván đang áp sát vách của cái tủ đã hơi bị vểnh lên, giống như do gỗ bị nứt ra.
Nhưng nhìn kĩ sẽ nhận ra không gian của cái tủ này không đúng lắm.
Không phải tấm gỗ này không đủ dày, mà là vẫn còn một ngăn kẹp bên trong.
Một gia đình bình thường, sao lại có cái thứ như vậy? Lông tóc tôi lập tức dựng lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.