Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1413: Mã số 072 – Nguyên nhân tử vong là một câu đố (3)




“Nhưng mà gì ạ?”
“Thì… chuyện này, không phải tận mắt tôi chứng kiến…”
“Mời ông nói.”
“Phù…”
“Ông hút điếu thuốc nữa nhé?”
“Ui chà, thuốc này mắc lắm, cho tôi thì phí quá.”
“Ông đừng khách sáo. Gói này chúng cháu tặng ông. Ông cứ từ từ hút.”
“Cảm ơn cảm ơn. Phù... Chuyện khi nãy tôi kể, chuyện tìm đứa bé ấy. Thực ra không chỉ tìm được đứa bé đâu. Trong số người lặn xuống sông khi ấy, có chú của tôi, ông ấy mất rồi, mất cách đây mấy năm. Ông ấy không tìm thấy người, là một người khác lặn xuống rồi kéo đứa bé lên. Chú của tôi thì men theo bờ sông bơi một đoạn. Nước sông không trong lắm vì có nhiều bùn. Ông ấy cứ bơi như thế được một đoạn thì bị rong quấn vào chân. Mà ông ấy bơi lặn giỏi lắm, nên có thể tự mình gỡ đám rong ra. Nhưng vừa gỡ ra được một chùm, thì bùn dưới lòng sông đều trào lên đục ngầu. Chuyện này là chú ấy kể cho tôi nghe, mà cũng không phải kể ngay lúc đó. Từ dưới sông trở lên, mặt ông ấy tái mét, người thì run như cầy sấy. Sau đó mấy hôm người cứ đờ ra, hình như sợ đến mất hồn. Vốn dĩ chú ấy sẽ lấy vợ vào năm sau đó, nhưng không thành. Bà thím đó chỉ thẳng mặt chú ấy chửi một trận. Lúc đó tôi cũng không biết tại sao, chỉ biết là trong năm đó, chú ấy đã bỏ quê lên thành phố đi làm thuê, suốt mấy năm sau chẳng thấy về, Tết cũng không về. Trong nhà cứ nghĩ chú ấy mất ở xứ người luôn rồi, hoặc học xấu rồi. Đến năm thứ 9 hay năm thứ 10 gì đó, ông ấy trở về, vẫn chưa có vợ con gì hết. Ông ấy bị tai nạn ở công trường, tàn phế một cánh tay, nhận tiền bồi thường rồi đành trở về quê.”
“Ông ấy đã kể cho ông nghe chuyện năm xưa?”
“Đúng vậy. Ông ấy không có con, còn gia đình tôi, cha tôi sinh được ba đứa con trai, tôi là con út. Lúc đó ông ấy xem tôi như con của mình. Lúc mất, tôi chính là người đập bồn* trong đám tang ông ấy.”
* Đập bồn: tục lệ trong đám tang, người thân thiết nhất sẽ đập bồn đốt vàng mã trong đám tang của người chết trước khi di quan, để cầu phúc cho người sống lẫn người chết.
“Ông ấy đã kể cho ông nghe chuyện gì? Năm xưa lúc ông ấy lặn xuống sông, đã xảy ra chuyện gì sao?”
“Cũng không phải xảy ra chuyện. Chỉ là sau khi ông ấy nhổ rong lên, thì thứ nằm dưới bùn cũng trào lên theo. Có một cái đầu lâu của trẻ con nổi lên. Lúc đó ông ấy sợ quá chừng. Ban đầu ông ấy cứ ngỡ đó là đứa trẻ bị mất tích kia, còn tìm kĩ một lượt nữa. Dưới đáy sông, rong bị nhổ lên, bùn đất bung ra, thấy toàn là xương. Toàn bộ đều là xương của con nít! Ông ấy không dám đếm. Nhìn thấy mấy cái đầu lâu của trẻ con là đủ hãi rồi, nên vội vàng bỏ đi.”
“Là những đứa trẻ trong thôn đã mất tích ạ?”
“Không phải, trong thôn lấy đâu ra nhiều con nít mất tích đến thế? Tôi nhớ thì chỉ có lần đó và một vụ cách đây bảy, tám năm trước, có đứa nhỏ chạy ra còn đường quốc lộ ngoài kia, bị xe tông chết. Ngoài ra thì hết rồi. Chưa từng nghe ai nói có lắm con nít mất tích như vậy, cũng không nghe nói con nít trong thôn sau khi chết sẽ ném xác xuống sông. Tôi chưa từng nghe ai nói, chú tôi cũng vậy.”
“Ông cũng không biết hài cốt của những đứa trẻ đó là ở đâu mà có sao?”
“Cái này thì không phải. Vừa rồi chẳng phải đã kể chuyện cá chuối tinh hay sao? Ông nội tôi đã kể đó, thì cá chuối tinh tác quái dâng nước sông, bị đạo sĩ thu phục. Bên cạnh nhà có một cụ, lại bảo là con cá chuối tinh đó ăn thịt người, bị một vị đại tướng quân nào đó chém đứt làm đôi. Mà tôi cũng quên mất là ai rồi. Tôi thì nhớ mang máng là mình nghe được một truyền thuyết thứ ba nữa, đó là cá chuối tinh dâng nước sông gây lụt, dân trong thôn đã đem đồng nam đồng nữ ném xuống sông hiến tế, nên nó không tác quái nữa.”
“Ông nghi đó chính là xác của những đứa trẻ năm xưa?”
“Thì đại khái là vậy. Chuyện này ai mà biết chắc được chứ?”
“Thế chú của ông có kể lại phát hiện của mình cho ai khác nghe nữa không?”
“Hết rồi. Ông ấy sợ muốn vỡ mật cơ mà. Ông ấy nhát lắm.”
… Rè rè…
“… Nghe nói trong thôn lúc trước có một sinh viên mất tích đúng không ạ?”
“À… vừa rồi tôi có thấy mấy cô cậu đi từ nhà lão Chương ra. Ông ta đã kể mấy người nghe chuyện cá chuối tinh đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Đầu óc ông ta không tốt, mấy người chớ có tin ông ta nói bừa. Ông ta nối nghiệp ông chú độc thân của ông ta đấy. Cái ông Chương Tục Nhận đó đầu óc có vấn đề. Năm xưa sắp kết hôn đến nơi mà lại bỏ đi, mà cũng chẳng nên hồn nên vía gì, còn bị phế mất cánh tay. Sau khi trở về, suốt ngày uống rượu, không chịu đi làm, lại còn hay nói lung tung. Lão Chương kia đầu óc cũng có vấn đề như thế. Tôi thấy ấy hả…”
“Ông biết những chuyện gì vậy?”
“Cũng không phải… chỉ là ông ta cứ thần thần bí bí, còn thường xuyên chạy vào trong rừng, rảnh thì nhảy xuống sông, chẳng biết mò cái gì dưới ấy… Cô bé nhà họ Chu, nói không chừng… Khụ…”
“Lúc cảnh sát đến, có điều tra về ông Chương đó không? Các ông có kể cho cảnh sát nghe chuyện về con sông đó không?”
“Sao không chứ? Còn lặn xuống sông tìm cơ mà. Nhưng không có. Đồ đạc của cô bé ấy, một cái ba lô to tướng còn để lại trong nhà. Mẹ cô bé ấy kể lúc cô bé ra khỏi nhà, chắc là có mang theo điện thoại, có một chùm lớn để móc lên không ít đồ trên điện thoại, cũng mất luôn. Sống không thấy người, chết không thấy xác. Đoán là bị bắt cóc. Chỗ của chúng tôi không có tụi buôn người, nhưng ở đâu mà chẳng có lần đầu chứ.”
… Rè rè…

Ngày 8 tháng 9 năm 2011, trao đổi với bà Sa Thục Tuệ, mẹ của Chu Mẫn. File ghi âm 07220110908.wav.
“Xin chào bà Sa.”
“…”
“Xin lỗi đã làm phiền bà.”
“Không sao. Tôi… Nếu đăng lên báo như vậy, có phải… các cậu sẽ đăng hình con gái tôi lên luôn không?”
“Dạ đương nhiên rồi.”
“À… Thế các cậu muốn hỏi gì?”
“Bà hãy kể lại từ lúc mọi chuyện bắt đầu đi. Mọi người về đây là để chịu tang phải không ạ?”
“Ừ. Cha chồng tôi bị vỡ mạch máu não mà qua đời đột ngột. Nhận được điện thoại, cả nhà tôi tức tốc mua vé xe chạy về đây. Lúc đến nơi, cha chồng đã được đưa về nhà, linh cữu để tại nhà luôn. Trong nhà ngoài hai ông bà ra, còn có gia đình em gái chồng tôi. Tang sự chủ yếu là do họ lo liệu. Em chồng kể, cha đang ngồi xem tivi thì đột nhiên gục xuống. Sau khi đưa đến bệnh viện chẳng được bao lâu thì mất. Mẹ chồng thì vẫn ổn. Tuổi mẹ cũng đã cao…nhưng chẳng khóc gì nhiều, chỉ là sau khi gặp Tiểu Mẫn, thì kéo nó lại, kể đủ chuyện lúc cha còn sống. Còn chúng tôi thì bận rộn lo đám tang. Cha trước giờ sức khỏe rất tốt. Ông ấy nhỏ hơn mẹ chồng mấy tuổi, nên sức khỏe vẫn ổn. Trước đấy chúng tôi đã có chuẩn bị rồi, áo tang, quan tài này nọ, nhưng tất cả là chuẩn bị cho mẹ chồng. Vì thế cho nên mới bận bịu…”
“Cô Chu luôn ở bên cạnh với bà ấy sao?”
“À, cũng không hẳn… sức khỏe của bà không tốt, tinh thần cũng vậy. Mỗi ngày đều ngủ sớm dậy sớm, đến trưa cũng phải chợp mắt một chút. Không phải nó luôn bên cạnh mẹ chồng tôi đâu, mà chỉ ở suốt trong phòng, ôm cái điện thoại. Tôi cũng không hiểu những thứ của đám trẻ.”
“Cô Chu thường ngày ở nhà cũng như vậy ạ?”
“Ừ.”
“Theo như chúng tôi được biết, thì cô Chu không trả lời tin nhắn của bạn bè. Mà bà thì lại nói cô ấy luôn dùng điện thoại để chơi gì đó. Thế bà có nhìn thấy cô ấy chơi gì không?”
“Không. Tôi không để ý. Chuyện này cảnh sát cũng có hỏi qua. Chúng tôi đều không hiểu lắm. Ở đây là nhà quê, không có internet, nhưng tín hiệu tốt lắm. Lúc đó tôi không mấy quan tâm những chuyện này…”
“Mời bà nói tiếp, vừa rồi đến chỗ cô Chu không phải ở cạnh bà nội, mà là chơi trên điện thoại.”
“Ừ. Đại khái là vậy đấy… Suốt mấy ngày liền, phải đón tiếp bạn bè thân hữu, bà con lối xóm; mỗi ngày đều phải cúng cơm đốt giấy… Tối đến thì con bé phụ tôi, có cả người nhà của em gái chồng nữa. Gia đình tôi ở một phòng, nằm ở bên cạnh căn phòng đó. Nhà vệ sinh thì ở bên ngoài, từ chỗ này đi qua một gian, có lắp đèn. Tối hôm đó, nó cũng đang chơi trên điện thoại. Tôi và cô nó thì xem tivi. Rồi nó đi vệ sinh, tôi ngồi trong nhà có thể nhìn thấy nhà vệ sinh sáng đèn. Đến lúc hai chị em xem hết một tập phim truyền hình, mà vẫn chưa thấy nó trở ra. Nên tôi liền chạy qua hỏi thử. Gõ cửa, rồi gọi nó mà chẳng thấy nó trả lời gì hết. Tôi đẩy cửa thử thì nhận ra cửa không khóa. Bên trong… không có ai… không có ai cả, nhà vệ sinh cũng chưa được dùng, hoàn toàn sạch sẽ…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.