Điệu Vũ Bên Lề

Chương 16:




Ngày 23 tháng Mười Một, 1991
Bạn thân mến,
Bạn có thích được nghỉ lễ cùng người thân không? Ý tôi không phải là gia đình nhỏ với ba mẹ, mà là gia đình của chú bác, cô dì, anh em họ của bạn? Riêng tôi thì thích vì nhiều lý do.
Đầu tiên là tôi rất thích thú khi thấy mọi người tỏ ra thương yêu nhau dù không có ai thực sự ưa nhau cả. Thứ hai là những vụ cãi vã lúc nào cũng y hệt.
Thường sẽ có chuyện khi ba của mẹ tôi (tức ông ngoại của tôi) cạn chầu rượu thứ ba. Từ lúc này ông bắt đầu nói nhiều. Ông ngoại của tôi thường chỉ phàn nàn về chuyện có người da đen tới sống trong khu ngụ cư lâu đời, rồi chị tôi bực ông, rồi ông ngoại bảo chị ấy sống ở ngoại thành thì biết gì mà nói. Rồi ông than rằng chẳng ai tới nhà dưỡng lão thăm nom ông. Cuối cùng ông khề khà kể những bí mật trong nhà, ví dụ chuyện người em họ gì-gì-đó từng “tặng ba-lô ngược” một cô phục vụ ở quán Big Boy. Tiện thể phải nói rằng có lẽ ông ngoại đã lãng tai, nên ông cứ oang oang khi kể mấy chuyện này.
Chị tôi cố đấu lý với ông những chẳng bao giờ thắng cuộc. Ông ngoại chắc chắn là ương ngạnh hơn chị nhiều. Mẹ tôi thường giúp bà dì nấu nướng đồ ăn, ông ngoại thì ăn gì cũng chê là “khô quá”, kể cả món súp. Tới khi bà dì phát khóc và tự nhốt mình trong phòng vệ sinh.
Nhà bà dì chỉ có một phòng vệ sinh, thế là thành chuyện khi mấy đứa anh em họ bắt đầu bị bia hành tội. Cả bọn đứng kẹp chân kẹp cẳng lại mà đập mấy phút liền, tới khi suýt dỗ được bà dì chịu ra ngoài thì lại có tiếng ông la mắng gì đó, thế là mọi chuyện trở lại từ đầu. Chỉ trừ mỗi kỳ nghỉ khi ông ngoại tôi ngất xỉu ngay sau bữa tối, còn thì các anh em họ của tôi đều phải đi vệ sinh lộ thiên chỗ mấy bụi cây. Nếu bạn nhìn ra ngoài cửa sổ như tôi làm khi ấy, có thể thấy họ lom khom như đi săn vậy. Tôi thấy rất tội nghiệp các chị em họ và các bà dì khác, bởi họ không ra bụi cây được, nhất là lúc trời lạnh.
À, còn ba tôi thường chỉ ngồi rất yên lặng mà uống rượu thôi. Ba tôi hiếm khi uống nhiều, nhưng hễ ở chơi với gia đình bên mẹ tôi là ông “xả láng”, nói theo cách thằng em họ Tommy. Tôi nghĩ tận đáy lòng, ba thích về chơi với nhà nội Ohio hơn. Vì như thế ông không phải gần ông ngoại. Ba không thích ông ngoại lắm, nhưng ông không hé nửa lời về chuyện đó. Ngay cả khi lái xe về nhà. Đơn giản là ba tôi thấy không hợp.
Rồi tàn buổi tối, ông ngoại tôi thường say lịm đi không làm gì được nữa. Ba mẹ và mấy anh em họ cùng khiêng ông ra xe của người nào hôm ấy ít giận ông nhất. Lần nào cũng là tôi đứng mở sẵn cửa cho họ ra. Ông ngoại của tôi rất to béo.
Tôi nhớ có một lần anh tôi đưa ông về nhà dưỡng lão, có tôi theo cùng. Anh tôi luôn thấu hiểu ông ngoại. Anh hiếm khi nổi cáu với ông, trừ khi ông ngoại nói điều gì đó khó nghe về mẹ tôi, chị tôi hoặc gây ra cảnh không hay. Tôi nhớ lúc đó tuyết rơi dày, chung quanh yên tĩnh. Thật thanh bình. Rồi ông ngoại tỉnh ra và bắt đầu nói chuyện kiểu khác hẳn.
Ông kể rằng hồi ông mười sáu, ông phải bỏ học vì ba của ông chết, mà phải có người đứng ra gánh vác gia đình. Ông kể về giai đoạn ông phải đi tới nhà máy ba lần một ngày xem có việc gì cho ông làm không. Rồi ông kể trời lúc đó lạnh cỡ nào. Và ông đói cỡ nào, bởi vì ông muốn chắc cả nhà được ăn no trước đã. Những chuyện ấy bọn trẻ như tôi không hiểu được bởi vì bọn tôi may mắn. Rồi ông kể về các cô con gái, mẹ tôi và dì Helen.
“Ông biết mẹ các con nghĩ sao về ông. Cả Helen nữa. Có một lần… ông đến nhà máy, không có việc gì cả…không hề… Tận hai giờ sáng ông mới về tới… buồn bực hết chỗ nói… Bà ngoại của con cho ông xem sổ liên lạc của hai đứa… C+ trung bình… Mà bọn nó đâu có ngu dốt gì. Nên ông vào phòng bọn nó cho chúng một trận ra trò… xong thì bọn nó khóc, ông chỉ giơ mấy cuốn sổ liên lạc lên mà nói… ‘Không có lần sau đâu đấy nhé’… Con bé tới giờ còn nhắc vụ đó, mẹ của con ấy mà… nhưng con biết không, quả là không bao giờ thấy điểm thấp nữa… Hai đứa nó vào đại học hết cả hai… Hồi xưa ông ước đủ khả năng cho bọn nó đi học… ông luôn muốn như thế… Giá mà con Helen hiểu được điều đó… Ông nghĩ mẹ con hiểu được…thật tâm… con bé tốt lắm… Tụi con nên tự hào về mẹ mình.”
Khi tôi kể lại chuyện này cho mẹ nghe, bà trông rất buồn bởi ông không nói những điều này với bà. Chưa bao giờ. Ngay cả khi ông đưa bà đến bục làm lễ cưới.
Nhưng kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn này có khác. Chẳng là nhà tôi mang băng video thu lại trận đấu bóng bầu dục của anh tôi cho bà con xem. Cả đại gia đình quây quần bên tivi, có cả các dì của tôi, vốn trước giờ không xem bóng bầu dục. Tôi sẽ không bao giờ quên biểu cảm trên gương mặt họ mỗi khi anh tôi giữ bóng. Rất phức tạp. Một người anh họ của tôi làm ở trạm xăng dầu. Một anh khác thất nghiệp đã hai năm nay vì bị thương ở tay. Và người khác nữa bảy năm nay luôn muốn trở lại trường đại học mà không được. Ba tôi bảo họ rất ghen tị với anh tôi, bởi anh tôi có được cơ hội và thực sự tận dụng được cơ hội ấy.
Nhưng trong giây phút anh tôi dẫn bóng, tất cả những điều ấy không quan trọng nữa, mọi người đều hết sức tự hào. Đến lúc anh tôi dẫn bóng ngoạn mục ở lượt xuống bóng thứ ba, mọi người òa ra hoan hô mặc dù có người đã xem trận đấu rồi. Tôi nhìn ba, thấy ông đang mỉm cười. Tôi nhìn mẹ, bà cũng đang mỉm cười dù hồi hộp sợ anh tôi bị thương. Kể cũng lạ vì đây là băng thu lại trận đấu mà, mẹ đã biết rằng anh ấy không hề hấn gì. Các dì, mấy người anh em họ lẫn con cái của họ, tất thảy đều cười. Cả chị tôi nữa. Chỉ có hai người không cười. Là ông ngoại và tôi.
Ông ngoại tôi đang khóc.
Đó là kiểu khóc thầm kín đáo, không thành tiếng. Chỉ có mỗi tôi để ý thấy. Tôi nghĩ tới cảnh ông đi vào phòng mẹ hồi mẹ còn nhỏ, đánh mẹ rồi giơ sổ liên lạc của bà lên, quát rằng không bao giờ được điểm thấp nữa. Có lẽ ông cũng có ý nói thế với anh trai tôi. Hoặc chị tôi. Hoặc tôi. Ông muốn đảm bảo rằng ông là người cuối cùng trong nhà phải đi làm ở nhà máy.
Tôi không biết như vậy là tốt hay xấu. Tôi không biết để con cái vui vẻ, không phải bận tâm học đại học gì cả thì liệu có tốt hơn không. Tôi không biết nên gần gũi với con gái hay nên nghiêm khắc để chắc rằng sau này nó sống sung sướng hơn mình. Đơn giản là tôi không sao biết được. Tôi chỉ yên lặng quan sát ông.
Khi trận đấu kết thúc, bữa tối cũng xong, đến lượt mọi người tỏ lời cảm ơn nhân dịp lễ. Phần nhiều lời cảm ơn ấy nhắc tới anh tôi, gia đình, con cái, hay Chúa trời. Ai nấy đều nói thật lòng, bất kể ngày mai có thế nào. Tới lượt tôi, tôi nghĩ thật kỹ bởi đây là lần đầu tiên tôi ngồi ở bàn chính với toàn người lớn, thế chỗ anh tôi.
“Con biết ơn vì anh con chơi bóng bầu dục trên tivi để không ai phải cãi nhau.”
Hầu hết mọi người khi đó đều thấy sượng. Có người còn có vẻ tức giận. Ba tôi ra ý tán đồng, nhưng ông không lên tiếng bởi đây không phải gia đình của ông. Mẹ tôi cứ nơm nớp không biết ông tôi phản ứng sao. Chỉ có một người cất tiếng đáp. Đó là dì lớn của tôi, cũng là người thường hay tự nhốt mình trong phòng vệ sinh.
“A-men.”
Và lời ấy làm mọi thứ ổn cả.
Khi nhà tôi sửa soạn về, tôi bước lại chỗ ông ngoại, ôm ông rồi hôn lên má ông. Ông đưa tay lên quệt dấu môi, rồi nhìn tôi. Ông không thích con trai cháu trai trong nhà bày tỏ tình cảm gần gũi như thế. Nhưng tôi rất vui vì đã hôn ông, phòng khi ông đột ngột qua đời. Tôi đã không kịp làm thế với dì Helen.
Thương mến,
Charlie

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.