Đại Mỹ Nhân Thập Niên 80

Chương 22:




Lâm Tố Mỹ xách giỏ về nhà. Sau khi lấy hoa kim ngân rồi rải xa, cô đi tìm Lâm An bàn bạc chuyện cô muốn đào cây hoa dành dành đó về nhà. Lâm An căn bản không hiểu loại hoa có mùi thơm mà em gái nói là thứ gì, nhưng em gái đã nói là muốn đào về nhà trồng, vậy thì cứ mang cuốc đi đào về thôi! Anh chẳng mảy may do dự.
Hai anh em đến nơi đó, Lâm An kiên quyết không cho Lâm Tố Mỹ trèo lên núi theo anh, còn bản thân anh nhanh nhẹn trèo lên, cũng chẳng cần hỏi cô thì đã biết hoa mà cô nói ở nơi nào. Hoàn toàn không thể nhận sai được, bởi vì đó là một loại hoa tỏa ra mùi thơm.
Động tác trèo núi của Lâm Tố Mỹ bị Lâm An ngăn cản. “Anh, anh cẩn thận quá rồi đấy, anh nói xem, nếu em không trèo lên thì sao phát hiện ra được loại hoa dành dành đó?”
“Nếu bị mẹ biết thì đảm bảo sẽ nói em.” Lâm An cẩn thận đào hoa dành dành lên, sợ sẽ làm rễ của nó bị thương. “Em quên rồi hả, năm ngoái Vương Thành đi đào dưa đất dại ngã xuống từ vách núi, đầu đập vào tảng đá, chảy rõ nhiều máu.”
Cô nghĩ ngợi, trong kí ức hình như có chuyện đó, nhưng điều cô chú ý nhất nằm ở chỗ tháng sau có thể đi đào dưa đất dại để ăn rồi. Đào dưa đất dại cũng là một chuyện rất thú vị. Dưa đất dại đó thường bị giấu hơn một nửa trong đất, lộ ra ngoài rất ít, muốn đào được nhiều dưa đất dại thì phải dựa vào vận may, hơn nữa rất nhiều bụi dưa đất dại căn bản không ra quả. Bụi dưa đất không ra quả không phải thật sự không ra quả, mà là quả mọc ra là loại rất cứng, không ăn được, thậm chí bên trong còn có một vài con bọ nhỏ, mọi người đều nói đó là dưa đất cái. Điều này khiến cô vô cùng khó hiểu, vì sao dưa đất đực thì ăn được còn dưa đất cái không ăn được chứ, không phải là nên ngược lại sao?
“Biết rồi, anh đừng nói cho mẹ biết là được mà.”
Lâm An cười.
Lâm An mau chóng đào hoa dành dành ra, còn để lại ít bùn đất trên rễ.
“Anh, để em cầm cho!”
“Đừng, trên này có bùn, đừng để dính vào người em.”
“Thế em cầm cuốc.”
Lâm An lắc đầu. “Em cứ đi thôi là được, chút đồ này anh trai em vẫn có thể cầm được mà.”
Lâm Tố Mỹ le lưỡi.
Sau khi về đến nhà, Lâm Tố Mỹ bắt đầu nghịch cây hoa dành dành này. Cô vốn muốn trồng ở trước nhà để buổi sáng vừa mở cửa ra đã có thể nhìn thấy nó, ngửi thấy mùi hương thì nhất định tâm trạng sẽ rất tốt. Nhưng chiếc sân này sẽ mau chóng được tận dụng để phơi thóc, phơi ngô, thân ngô và rơm, đến lúc đó khắp nơi đều bụi bặm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cây hoa dành dành này, vì thế vẫn nên trồng hoa dành dành ở sân sau thì hơn.
Sân sau của nhà họ Lâm rất sạch sẽ, bởi vì có một giếng nước nên căn bản không để gà vịt bén mảng đến đó. Không giống như các nhà khác, ở sân sau đâu đâu cũng thấy dấu tích của gà vịt.
Lâm Tố Mỹ trồng cây hoa dành dành xong, đột nhiên nhìn thấy một vùng đất trống ở bên cạnh. Cô lập tức cảm thấy bất ngờ. Nơi đó còn được phủ lên một lớp bùn, phía trên có chút lá tre thối, khác biệt rõ ràng với những chỗ khác.
“Anh, đây là gì thế?” Cô tò mò ngồi xổm xem.
Lâm An vốn muốn cốc đầu cô, nhưng trên tay còn có bùn, vì thế anh đành thôi. “Em quên rồi hả? Đây là nấm chuôi ô đấy!”
Nấm chuôi ô? Cô nghệt mặt, một lúc lâu sau mới nhận ra chỗ bùn đất này là gì. Nấm chuôi ô là một loại nấm thường gặp ở nơi này, cây nấm khá to, thế nên cho dù gặp được một cây thì cũng là nhờ may mắn, nấm này có thể dùng để nấu canh. Mà nấm chuôi ô có một đặc điểm, đó chính là năm nay mọc ở chỗ này, chỉ cần không phá hỏng phần bùn của nó, năm sau nó vẫn sẽ mọc ở đó. Cho nên có vài người nhanh trí, dứt khoát đào bùn ở nơi nấm chuôi ô xuất hiện mang về nhà, đào nhiều bùn thì sẽ hình hành một mảnh đất nhỏ như vậy.
Nghĩ đến việc mảnh đất nhỏ này sẽ nhanh chóng mọc ra nấm chuôi ô, Lâm Tố Mỹ háo hức mong chờ.
Trước đây cô rất ít khi được ăn loại nấm này, bởi vì cho dù nhặt được thì cô cũng sẽ không được ăn, luôn luôn là húp cháo loãng kèm với dưa muối. Nhưng cô nhớ rất rõ, khi ấy “Lâm Tố Mỹ” đã từng ăn loại nấm chuôi ô này, hình như là nhặt về được, Trần Đông Mai dùng lá bí đao bọc nấm đã xé vụn lại, bên trong bỏ một chút muối, sau đó dùng lửa nướng chín. “Lâm Tố Mỹ” chê rất khó ăn, chỉ ăn một miếng rồi vứt đi, hơn nữa còn vô cùng tốt bụng nhắc nhở cả nhà, nhất định đừng ăn nấm chuôi ô như vậy, hương vị rất kì lạ.
“Em đột nhiên quên mất!” Cô le lưỡi.
“Được rồi, mau đi rửa tay đi, nhìn tay em bẩn rồi kìa.”
“Còn nói em hả, không phải anh cũng thế hay sao?”
……
Hai anh em trêu chọc nhau một hồi, sau đó đi rửa tay rồi chuẩn bị ăn cơm. Thức ăn hôm nay là món mướp mà Lâm Tố Mỹ rất thích. Cô cực kì thích ăn món này, mướp xào sẽ tiết ra chút nước, nước đó ngòn ngọt, chan vào cơm rất ngon. Đương nhiên, bây giờ đều là cháo, không thể chan cơm, nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến hương vị thơm ngon của mướp.
Ăn cơm xong, Trần Đông Mai đến ao nước giặt đồ, nhân tiện hỏi một câu xem trong nhà có quần áo của ai cần giặt không để dì cùng mang đi giặt một thể. Lương Anh trông con nên không tiện, giặt quần áo thường dùng nước trong chiếc giếng của nhà để giặt, lúc có nhiều thời gian sẽ tự giặt, nếu quên mất thì cũng sẽ để Trần Đông Mai ôm đi giặt.
Còn vào thời gian này, Lâm Bình và Lâm An sẽ tìm mấy anh chàng cùng tuổi trong thôn để tụ tập. Lúc này, thấy Trần Đông Mai không ở nhà, Lâm Kiến Nghiệp cũng đi tìm mấy người Lâm Kiến Quốc nói chuyện. Thông thường khi có mặt cả bốn anh em, anh một câu em một câu, một chuyện cũng có thể nói rất lâu, những lúc như vậy, Lâm Kiến Nghiệp sẽ trở nên rất nhiều lời.
Hôm nay Lâm Tố Mỹ theo Trần Đông Mai đi giặt quần áo. Bình thường quần áo cô thay ra đều được Lương Anh cầm đi giặt, điều này khiến cô rất ngại, vẫn phải tự giặt quần áo của mình trước thì hơn.
Ao nước chuyên giặt quần áo trong thôn rất rộng, cũng rất sâu, còn từng có người chết đuối ở đây, cũng có một vài câu chuyện liên quan đến nó được lưu truyền. Chẳng hạn như lúc tắm ở đây, ai đó nhận ra có người kéo chân anh ta, đợi khi tỉnh lại liền phát hiện có một dấu tay màu xanh trên bắp chân. Câu chuyện là thật hay giả thì không biết, nhưng khi giặt quần áo, mọi người vẫn thường gọi bạn đi cùng.
Xung quanh ao nước có vài bãi đá, mỗi bãi đá đều có từ hai đến ba người giặt quần áo. Cho nên rất nhiều lúc, khi giặt quần áo, nơi này vô cùng nhộn nhịp, mọi người vừa gặt quần áo vừa bàn tán chuyện trong thôn, rất náo nhiệt.
Nhưng lúc này chỉ có hai người Lâm Tố Mỹ và Trần Đông Mai mà thôi.
Chẳng mấy chốc, lại có người đến, người đến lựa chọn một bãi đá khác.
Lâm Tố Mỹ bất giác nhìn qua, là một cậu trai rất trẻ. Cô nhíu mày nhìn đối phương. Cô không nhớ trong thôn có người này, còn người ngoài thôn cũng có nơi để giặt quần áo, chắc chắn họ không thể chạy xa như vậy để đến đây giặt quần áo. Cho nên người này là ai?
Rất mau chóng, Lâm Tố Mỹ đã biết.
Bởi vì lại có người đến.
“Tiểu Uyên, con đến giặt quần áo làm gì?” Rõ ràng bà Cát Hồng chạy đuổi theo Tống Uyên nên vừa nói vừa thở hổn hển. “Đã bảo con bỏ quần áo xuống, chị con sẽ biết đường giặt, con còn đòi tự giặt… Thôi bỏ đi, để mẹ giặt cho, con buông xuống.”
“Mẹ, con tự giặt là được, ở trường không phải con tự giặt quần áo đấy sao.”
“Ở trường là ở trường, ở nhà là ở nhà, ở trường con đã chịu khổ rồi, sao còn về nhà chịu khổ nữa chứ.”
Bà Cát Hồng kéo Tống Uyên sang một bên, còn bản thân bà ngồi xổm trên bãi đá, vừa giặt quần áo vừa nói với con trai, giặt quần áo đều là việc của đàn bà con gái, cậu ta không cần làm, sau này nhất định đừng như thế nữa.
Lâm Tố Mỹ vẫn luôn nhìn về phía đó.
Thì ra đó chính là Tống Uyên, con trai cưng của nhà họ Tống.
Dường như cảm nhận được ánh mắt của Lâm Tố Mỹ, Tống Uyên cũng nhìn qua. Không biết ý thức được điều gì, lần này cậu ta yêu cầu tự giặt quần áo với thái độ vô cùng kịch liệt, đòi kéo bà Cát Hồng ra. Bà Cát Hồng không cho, Tống Uyên lại kiên trì, hai mẹ con khá ầm ĩ.
Lâm Tố Mỹ cúi đầu nhếch khóe miệng, xem ra Tống Uyên cũng biết người trong thôn thích bàn tán về nhà cậu ta.
Lâm Tố Mỹ và Trần Đông Mai mau chóng giặt quần áo xong, sau đó bê quần áo về nhà. Đi xa rồi, Trần Đông Mai mới bĩu môi. “Chỉ con trai mụ ta là quý giá, giặt có bộ quần áo cũng không được.”
Tuy phần lớn các gia đình trong thôn đều là phụ nữ giặt quần áo, nhưng nếu cánh đàn ông giặt quần áo mấy lần thì cũng là chuyện bình thường. Nhất là vào mùa hè, có vài người nhân tiện giặt luôn quần áo lúc đi tắm, tránh phiền đến vợ. Cát Hồng đó nói chuyện, dù thế nào cũng khiến Trần Đông Mai nghe mà không thoải mái.
Lâm Tố Mỹ mím môi, không nói gì. Trong lòng bà Cát Hồng, con trai quý hơn con gái, con trai nên ăn ngon mặc tốt, còn con gái dù sao cũng là “món đồ lỗ vốn” phải đi lấy chồng, vậy thì nên làm nhiều một chút. Thậm chí bà Cát Hồng còn cho rằng tập tục ở đây không ổn, con gái lấy chồng lại còn cần nhà mẹ đẻ trợ cấp đồ, phong tục này rất có vấn đề.
Trần Đông Mai khẽ hừ một tiếng. “Sau này ai mà gả vào cái nhà đó thì đúng là bi thảm.”
“Mẹ, Tống Uyên đó vẫn còn đang đi học ạ?”
“Ừ, sao thế?”
“Nhà cậu ta không ưng được cô con dâu ở nông thôn đâu, nếu mà cưới về thì cũng phải là con gái thành phố!”
Trần Đông Mai ngẫm nghĩ, quả thực là đạo lý đó. Tuy con gái thành phố cũng có người có tính cách dịu dàng ôn hòa, song phần lớn các cô gái đều không thể chịu đựng được kiểu mẹ chồng như Cát Hồng, cho nên đến lúc đó ai chê ai còn chưa chắc đâu!
Trần Đông Mai nghĩ đến cảnh tượng đó, tâm trạng trở nên tốt lên một cách rất thần kì.
Khi về đến thôn, vậy mà hai mẹ con nhìn thấy một màn hay, lại vẫn liên quan đến nhà họ Tống.
Nhà họ Tống và nhà họ Tưởng sống gần nhau, đều đối diện chiếc sân đá tập thể. Bây giờ dì Thục Phương nhỏ của nhà họ Tưởng đang cầm chiếc chổi tre to tướng đập vào cổng nhà họ Tống. Chiếc chổi đó đập vào khiến cánh cửa vang lên ầm ầm, làm người ta sợ nó sẽ rụng xuống.
Dì Thục Phương nhỏ đập mệt, hai tay chống hông, thấy có người đến hóng chuyện cũng không sợ, ngược lại còn gào lên với mọi người: “Người ta nói tôi hung dữ, nhưng chuyện này mọi người đến phân xử xem nào. Hôm nay gà nhà tôi đẻ trứng muộn, nhốt trong nhà mà mãi không đẻ trứng, tôi bèn thả nó ở cổng nhà, nghĩ nó đẻ trứng xong rồi sẽ kêu, đến lúc đó thì đi ra nhặt trứng về. Kết quả là gà kêu rồi, tôi lập tức chạy ra, nhưng trứng lại chẳng thấy đâu. Gà nhà tôi chạy đến đống củi nhà họ Tống đẻ trứng là do nhà tôi không đúng, nhưng nhà họ Tống bọn họ nhặt trứng gà của nhà tôi thì phải trả lại cho tôi.”
Trong nhà truyền ra âm thanh: “Không lấy trứng của nhà cô.”
“Bà không lấy trứng của nhà tôi, thế trứng mọc cánh bay mất hả?” Dì Thục Phương nhỏ lại đập cửa.
“Dù sao nhà này cũng không lấy.”
“Thôi đi, khi đó không có ai khác, tôi đã tìm đến ổ gà đẻ trứng rồi, vẫn còn ấm kia kìa, không phải nhà bà lấy thì nhà ai lấy?”
“Có khi gà nhà cô căn bản không đẻ trứng đấy.”
Dì Thục Phương cười lạnh. “Ha ha, gà có đẻ trứng hay không tôi lại không biết hay sao? Mọi người đều biết là gà đẻ trứng xong sẽ kêu, khi không đẻ trứng sẽ không kêu như thế, hơn nữa tôi sờ gà rồi, trứng đã không còn nữa.”
……
Những người bên cạnh thấy dì Thục Phương nhỏ không chịu bỏ qua, cũng bắt đầu khuyên: “Lấy trứng của người ta thì trả đi, một quả trứng thôi lại còn ầm ĩ thành như vậy.”
Người nhà họ Tống nói: “Nhà tôi không lấy trứng nhà đó.”
Dì Thục Phương nhỏ cũng làm tới cùng họ, đập cửa càng mạnh hơn.
Người nhà họ Tống như con rùa rụt đầu, cứ không chịu ra. Dì Thục Phương nhỏ cáu, gạt tất cả củi ngoài nhà họ Tống xuống đất, khiến ngoài cổng nhà họ Tống như một mớ hỗn độn.
Lúc này bà Cát Hồng và Tống Uyên cũng đã về.
“Sao thế này?” Bà Cát Hồng ngẩn người, thấy dáng vẻ cầm chổi tre của dì Thục Phương nhỏ thì bất giác lùi hai bước về sau.
“Nhà cô lấy trộm trứng gà của nhà tôi.” Dì Thục Phương nhỏ nhìn thấy Tống Uyên, cười lạnh một tiếng. “Không phải Tống Uyên nhà cô là học sinh cấp ba đấy sao, thế cháu đến phân xử xem nào, hành vi trộm trứng gà nhà người ta nên xử lý ra sao?”
Mặt Tống Uyên thoắt xanh thoắt trắng.
Lúc này cuối cùng cửa nhà họ Tống cũng mở, bà cụ nhà họ Tống chạy ra. “Cô bắt nạt cháu nội tôi, tôi liều mạng với cô.”
Bà cụ và dì Thục Phương nhỏ đánh nhau, mọi người vội đến kéo họ ra. Bà cụ nhà họ Tống nằm bò trên mặt đất, căn bản không dậy nổi, nước mắt nước mũi giàn giụa nói bà ta đáng thương đến mức nào, từ xa xôi gả đến đây, ai ai cũng ức hiếp bà ta…
Chuyện này nháo nhào cả lên, mọi người bèn đi gọi trưởng thôn đến xử lý.
Lâm Tố Mỹ bất giác nhìn Tống Uyên, thấy đáy mắt cậu ta xẹt qua chút bất mãn và chán ghét. Cô đột nhiên sững người, sau đó lại thông suốt.
Nếu đã sớm quyết định cáo biệt cuộc sống trong quá khứ, nhà họ Tống sống có tốt hay không liên quan gì đến mình?
Lâm Tố Mỹ và Trần Đông Mai cùng về nhà.
“Bác cả lại phải ngao ngán rồi.”
“Bác cả con chắc chắn sẽ xử lý tốt, chức trưởng thôn của bác ấy có phải là làm vô ích đâu.”
“Dạ.”
Chỉ là lần sau khi tán gẫu có nhắc đến chuyện này, mấy anh em họ sẽ không ngừng phỉ nhổ và bày tỏ sự bất mãn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.