Đại Đế Cơ

Chương 182: Hàng ngày




Tống Nguyên vội vàng bước vào hình bộ, áo bào tung bay. Rõ ràng lúc này hắn đang rất không thoải mái.
Tên quan viên nhỏ đi bên cạnh càng nín thở im lặng hơn nhưng có một số chuyện không thể trốn tránh mà phải xin chỉ thị của cấp trên.
“Vậy theo như nguyện vọng trong thơ, cho người đi điều Liêu đại nhân trở về ạ?” Viên quan hạ giọng hỏi.
Tống Nguyên nói: “Nếu không như vậy thì làm như thế nào? Ta đi mời hắn quay về hay sao?  Đồ ăn hại này!”
Quan viên lập tức lên tiếng trả lời dạ rồi lùi ra phía sau.
Lại một vị quan khác tiến lên, hạ giọng nói: “Vậy để tên hung đồ Chung Thế Tam lại đó hay là giải về...”
Tống Nguyên dừng bước, xe mấy sợi râu ngắn rồi nói: “Giải về, ta muốn đích thân thấy xương cốt con cháu nhà họ Chung cứng rắn đến đâu.”
Vị quan đó thở phào nói: “Vậy những nghi phạm khác, còn có người do Tông đại nhân chọn lựa...”
Tống Nguyên xua tay nói: “Nghi phạm ở phủ Trường An thẩm vấn ngay tại chỗ, nếu là kẻ giết người thì diệt, nếu không phải thì thả ra, thậm chí những nữ tử kia... đều xui xẻo, không cần, không cần nữa.”
Đám quan chức đồng thanh đáp vâng, nhìn Tống Nguyên bước ra khỏi cửa nha môn, ngồi lên chiếc xe ngựa màu đen, xung quanh có thị vệ canh giữ nghiêm ngặt, đao kiếm giáo thương nhọn hoắc dày đặc, khiến mọi người nhìn thấy từ xa liền phải tránh sang một bên.
...
Phố xá kinh thành phồn hoa náo nhiệt, có thật nhiều đình, đài, lầu, các còn cao hơn so với trong hoàng thành, ngồi trong đó có thể quan sát toàn bộ kinh thành. Lúc này nhìn đám người trên đường giống như đang bị thủy triều đẩy ra, nổi bật lên chiếc xe ngựa màu đen đi trong đó.
“Tống đại nhân phô trương càng ngày càng lớn...”
“Chiếc xe ngựa này ngày càng giống con bọ hung rồi...”
Một tràng cười nhẹ từ trong phòng lan ra, lấn át cả âm thanh của những ca nữ cầm nương, thiếu nữ ôm cây đàn kia có mấy phần hiếu kỳ nhìn qua cửa sổ, ánh mắt quyến luyến nhìn vào chiếc xe ngựa màu đen, gẩy một dây đàn, tiếng leng keng của ca khúc Thập Diện Mai Phục (1) không ngừng vang lên.
Đám đông vốn tránh đường có sự nhốn nháo, các tiểu thương bán làn tre, các cụ già bán trà ven đường, các bà lão và các thiếu nữ dắt tay nhau đi tản bộ, các thanh niên cưỡi ngựa dắt la cùng lúc hầu như đều xúm đến đội quân màu đen này, trong tay ánh lên binh khí sắc bén lấp lánh.
Trên đường vang lên tiếng binh khí va vào nhau leng keng, cùng tiếng kêu la thảm thiết và máu tươi bắn tung tóe khắp nơi.
Tất cả chỉ xảy ra thoáng qua trong chớp mắt, những thân ảnh trong đám người đó đều không phản ứng lại, từ trên cao nhìn xuống rất rõ ràng, cầm nương rít lên một tiếng chói tai, mọi người trong phòng đều hướng về bên cửa sổ.
Trên đường lớn đã hỗn chiến với nhau, có người né ra, cũng có người nhào đầu về hướng chiếc xe ngựa màu đen, giống như con thiêu thân gặp phải lưới lớn do thị vệ áo đỏ giăng ra, có người lượn vòng bay lên, sau đó rơi đầu xuống đất, đứt lìa tứ chi, máu tươi dưới ánh mặt trời sáng tựa như sương.
Xe ngựa màu đen từ đầu đến cuối đứng yên tĩnh trên đường, người phu xe không hề lo lắng sợ hãi, con ngựa đen cũng bình thản hắt hơi, tựa hồ như tất cả đã thấy nhiều rồi nên quá đỗi quen thuộc.
Trời ơi, dưới thanh thiên bạch nhật, giữa ban ngày ban mặt mà có kẻ cướp dám tập kích quan lớn đương triều, đây chính là kinh thành dưới chân thiên tử hay sao? Mọi người lần đầu đến kinh thành đều trợn mắt há mồm thất kinh hồn vía.
Người trên phố chạy loạn xạ, kẻ tập kích càng hiện rõ trước mắt, nhóm này chưa đầy mười người, nam nữ già trẻ đều có cả, bản lĩnh tài năng khác nhau.
Ông già bà lão kia rõ ràng là không có bản lĩnh cao thâm gì, ném giỏ xách bàn trà vào thị vệ áo đỏ rồi xông người tới vung đao lớn lên, liền bị thị vệ áo đỏ chém đứt tay chân, quằn quại trên đất. Nhưng tiếng kêu la thảm thiết cũng không thể ngăn cản được bọn họ, họ ôm lấy tay chân những tên thị vệ gần đó chặt cứng.
Hai nữ tử trẻ tuổi mở rộng một sợi dây thừng, dùng điệu bộ nhẹ nhàng vung lên quăng về hướng bọn thị vệ, tuy rằng nhìn như sợi dây thừng nhưng hễ chạm vào cổ, đầu, vai mấy tên thị vệ liền bị chảy máu ngay, dĩ nhiên còn sắc bén hơn cả đao kiếm.
Bốn năm tên thị vệ đón lấy sợi dây thừng rồi dùng trường đao trong tay chống đỡ nó, xoay tròn như chong chóng, hai nữ tử kia bị hất bay lên, va vào bên trên xe ngựa nhưng không đợi bọn họ lật người, một tên thị vệ vốn đợi sẵn đã dùng cây kiếm dài trong tay đâm bọn họ chết tại chỗ. Máu chảy đầy đất, đôi mắt đẹp trên khuôn mặt người trẻ tuổi ấy trợn tròn không nhắm lại.
Tất cả xảy ra trong chớp mắt và cũng kết thúc một cách chóng vánh, máu chảy khắp nơi trên đường, xác người không toàn vẹn tay chân rải rác khắp nơi, binh mã từ phía đằng xa lao đến, bên này đám thị vệ áo đỏ đã thu hồi xong binh khí.
“Được rồi. Đi thôi.” Một giọng nói không kiên nhẫn từ trong xe ngựa vọng ra.
Phu xe vung roi thúc ngựa, xe ngựa màu đen lắc lư chạy về phía trước, thi thể hai nữ tử trên xe ngựa rơi xuống đất, ngay sau đó móng ngựa giẫm qua bọn họ hướng về phía trước.
“… Tống đại nhân lại bị ám sát sao?”
“… Có ai sống sót không?”
“… Đại nhân yên tâm chúng ta đến để lùng bắt hung đồ...”
Lính của Binh mã tư chào hỏi lộn xộn, đưa mắt nhìn theo chiếc xe ngựa của Tống Nguyên đang hướng về phía rước, từ đầu đến cuối Tống Nguyên không hề lộ diện.
“Một năm có 365 ngày thì có hơn phân nửa số ngày đó gặp phải mai phục, ám sát nên sớm đã là chuyện bình thường như ăn cơm bữa.” Có tên binh sĩ lẩm bẩm.
“Tống đại nhân rốt cuộc là có bao nhiêu kẻ thù vậy.” Có tên lính cúi đầu nhìn thi thể người nằm trên đất: “Tên thích khách kiên nhẫn đến thế kia.”
“Nào nào, uống rượu uống rượu.”Ông lão, bà cụ này vốn nên dưỡng tuổi già, những nam nữ trẻ tuổi này đáng ra cũng nên hưởng thụ cuộc sống, sao lại không sống cho yên mà lại chịu chết? Ta nghĩ không ra... có nhiều chuyện không thể hiểu nổi nữa, binh lính giải tán nhóm người tụ tập, thu gom thi thể người chết lại rồi sửa sang con đường lớn đầy máu me. Trên đường một lần nữa trở nên ầm ĩ, mọi người ở bên cửa sổ quán rượu xem náo nhiệt cũng thở phào nhẹ nhõm.
“Cầm nương, cầm nương, đừng ngừng tiếng tỳ bà.”
Trong phòng một lần nữa vang lên tiếng cười nói rộn ràng, cầm nương cúi đầu chơi đàn, tràn ngập tiếng đàn bi hùng từ bài Thập Diện Mai Phục rồi đến Ô Giang Tự Vận. Trong căn phòng sang trọng đó tiếng cười nói hòa lẫn với tiếng đàn, đột nhiên cửa bị kéo ra, có người đưa tờ giấy tiến vào.
“… Một vần thơ hay… Trong triều mới xuất hiện một vần thơ hay... Mọi người nhanh nghe ta ngâm.” Hắn ta lớn tiếng nói.
Mọi người trong phòng đều dừng nói chuyện, cầm nương cũng nén tiếng đàn lại.
“… Minh nguyệt kỷ thời hữu... Bả tửu vấn thanh thiên... Bất tri thiên thượng cung khuyết kim tịch thị hà niên...”
“Thơ hay thơ hay, là tác phẩm mới của vị hàn lâm nào trong triều vậy?”
“Không phải, là của một người học trò ở phủ Trường An... Gọi là Tiết Thanh...”
.....
“Tiết Thanh.”
Nghe tiếng hét này, Tiết Thanh ngẩng đầu lên, nhìn thấy Bùi Yên Tử đi tới.
Đám người Sở Minh Huy tránh ra vài bước.
Bùi Yên Tử nói: “Có thể ra tác phẩm mới ư?”
Trương Song Đồng ở một bên phất tay áo gào lên một tiếng nói: “Yên Tử thiếu gia, là lúc nào mà có thể xuất thành thơ như vậy?”
Tiết Thanh cũng cười lắc đầu nói: “Không có.” Mời Bùi Yên Tử ngồi.
Bùi Yên Tử ngồi xuống xem quyển sách bày ra trước mặt, so với các học trò khác trong phòng, Tiết Thanh vẫn là người đọc sách chăm chỉ nhất.
Bùi Yên Tử nói: “Bên ngoài không còn thấy bắt người nữa rồi.”
Ở nơi này thường còn có thể nghe thấy tiếng náo nhiệt ở bên ngoài nhưng không cho người vào thêm nữa.
Sở Minh Huy nằm nghiêng trên mặt đất, bộ dạng uể oải nói: “Có lẽ nơi này không phù hợp nữa rồi.”
Đang nói chuyện, bên cạnh truyền đến tiếng tranh chấp ầm ĩ của các học trò, có người còn bật khóc, điều này khiến không khí trong phòng trở nên càng nôn nóng, buồn bã.
Bởi vì bị nhốt lại một hồi lâu, mọi người trong lòng đều có chút bực bội bất an. Đa số học trò ở đây đều xuất thân phú quý, quá quen với cuộc sống giàu sang, bị nhốt ở nơi này thiếu ăn thiếu mặc, không được tắm rửa, không được tự do, càng không được các người hầu, tỳ nữ hầu hạ, không ít người tính cách trở nên nóng nảy, cũng không ít người mơ hồ hối hận chuyện của bản thân, vì thế tiếng tranh chấp ầm ĩ ngày càng nhiều.
“Vì sao phải học?”
Một giọng điệu điềm tĩnh vang lên trong phòng, đám học trò đều nhìn qua, thấy Thanh Hà tiên sinh đứng ở trước phòng, bị nhốt lại mấy ngày nay, mọi người đều chẳng ra làm sao nhưng hình tượng nhà nho của Thanh Hà tiên sinh không hề giảm đi.
“Học để nhận thức vậy.”
Thanh Hà tiên sinh khoanh tay nói, phóng tầm mắt vào các học trò trong phòng, tựa như đang giảng bài ở trường xã.
“Các ngươi thông qua việc học sẽ biết được thế gian này, biết được vạn vật, đạo lý.”
Tiếng các học trò tranh cãi ầm ĩ dần yên tĩnh, mọi người ngồi phân tán khắp nơi.
“Các ngươi đã từng lập nên một bài viết về đọc sách là vì thiên địa lập tâm, vì dân chúng lập mệnh, vì thánh tiếp tục học, vì muôn đời khai thái bình. Vậy các ngươi có biết làm sao mới có thể lập tâm, lập mệnh, thừa kế thánh học, khai thái bình hay không?”
“Học mà thức, thức mà biết, có học bao giờ cũng tồn tại, có thức bất luận ở chỗ nào cũng được.”
“Ngươi phải dựa vào học thức mới có thể phụ trợ quân vương, an lê dân, mới có thể tiếp nhận được sự nghiệp thái bình, bất cứ lúc nào ở đâu và trong hoàn cảnh gì cũng đều không sợ hãi, hối hận.”
Tiếng Thanh Hà tiên sinh vang vọng khắp phòng, đuổi sạch hết bầu không khí nôn nóng ấm ức, các học trò hoặc là ngồi hoặc là đứng đều tĩnh tâm lắng nghe.
Tiết Thanh than nhẹ một tiếng, cúi đầu.
Bùi Yên Tử nói: “Hay là cảm thấy bắt Thanh Hà tiên sinh vào đây là quá tốt?”
Tiết Thanh bật cười nói: “Làm sao có thể bất kính với tiên sinh như vậy được.” Vẻ mặt kính nể nói: “Thanh Hà tiên sinh thật không hổ danh là tiên sinh.” Lúc đám học trò bị bắt, ông là người đầu tiên đứng dậy bảo với đám người của Liêu Thừa rằng nếu muốn bắt học trò thì phải bắt ông ta trước tiên, đương nhiên Liêu Thừa sẽ không để ý tới lời ông ấy và tất cả đều bị bắt vào đây. Lại nhìn Bùi Yên Tử: “Yên Tử thiếu gia vì sao cũng đến tham gia vào chuyện này?”
Đây là chuyện mà từ đầu mọi người đã tò mò tranh luận nhưng không có ai hỏi thẳng Bùi Yên Tử cả.
Bùi Yên Tử ê a rồi nói: “Vui mà, ta chưa từng bị bắt vào đại lao.” Lại nhìn xung quanh, mang theo vài phần tiếc nuối: “Đáng tiếc nơi này cũng không phải là đại lao thực sự.”
***
(1) Ca khúc Thập Diện Mai Phục: Khoảng trước thế kỷ XVI được lưu truyền trong nhân gian, là khúc nhạc diễn tấu bằng đàn tỳ bà. Là nhạc phổ sớm nhất do Hoa Thư Bình biên soạn. Toàn khúc nhạc là kết cấu từng đoạn miêu tả chiến tranh Hán Sở. Khúc ca nói về chuyện Hàn Tín dùng trận pháp Thập Diện Mai Phục trên núi Cửu Lý để phục kích đánh bại quân Sở vì thế Hạng Vũ nhảy xuống sông tự vẫn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.