Cổ Đạo Thần Ký

Chương 55: Vãng Nguyệt





Cuối cùng cũng an tĩnh lại.
Lạc Tư Thần phất tay áo đi vào bên trong phòng, y không tiếp tục tu luyện mà chậm rãi pha trà thưởng thức.
Không lâu sau bên ngoài cửa có tiếng gõ nhẹ, Lạc Tư Thần ra mở cửa, nhìn bên ngoài có hai người, một người y đã từng gặp là vị trưởng quầy, người còn lại vừa nhìn liền biết không phú cũng quý.
" Không biết các hạ tới đây có việc gì?".
Bính Hà Luận đáp " Thật ra nơi này là do ta làm chủ, chuyện vừa xảy ra khi nãy gây ra bất tiện cho quý khách, ta tới muốn nói một lời xin lỗi với các hạ".
" Cũng không có gì, là rắc rối do ta gây ra thì đúng hơn, các hạ không cần phải khách sáo như vậy" Lạc Tư Thần định mời hai người bọn họ vào uống trà nhưng Bính Hà Luận từ chối.
" Ngoài là chủ nhận của khách quán này ta cũng là thành chủ hiện tại ở nơi đây, cũng sắp tới ngày tổ chức lễ hội nên có rất nhiều việc phải đi xử lý, mong các hạ sẽ có những ngày vui vẻ tại Thanh Hải quốc".
Lạc Tư Thần cũng khách sáo đáp lại một câu rồi quay trở lại trong phòng.
Mục đích y tới Thanh Hải quốc cũng chính là nghe nói ở đây có một lễ hội lớn sắp diễn ra, nhưng cái chính là y không hề biết chút gì về nó cả.
Lạc Tư Thần dạo quanh một vòng bên giá sách, thích thú phát hiện một cuốn sách kể về lễ hội này, y liền mở ra đọc.

Thanh Hải quốc không biết từ bao giờ đã xuất hiện lễ hội này, hình như đã rất rất lâu rồi, lễ hội này gọi là Vãng Nguyệt.
Tại sao lại có cái tên này phải kể tới năm xưa.
Ở phía bắc có một đất nước rất hung hăng và tàn ác, bọn chúng lăm le muốn thôn tính Thanh Hải quốc từ lâu nhưng bởi vì ngoài sức mạnh ra thì mưu sách của bọn chúng rất ngu muội, thế nên dù ra tay không dưới mười lần cũng chưa thể xâm chiếm được Thanh Hải.
Một năm nọ, đất nước man rợ kia không biết từ đâu có được sức mạnh của yêu ma, khiến binh lính đã mạnh cành mạnh hơn, bọn chúng dường như không cảm nhận được đau đớn, chỉ có xông lên và chém giết.
Năm đó, Thanh Hải quốc gần như một nửa đã chìm trong biển máu.
Công tử nhà quốc công văn nhã tài giỏi có tiếng, nghe nói y là vị công tử có nhan sắc còn xinh đẹp hơn cả nữ nhân, ngoài đánh đàn ca hát, y còn biết làm thơ, lễ hội đố đèn năm nào y cũng dành được hạng nhất, được các cô nương hâm mộ không dứt.
Khi đám người man rợ kia đành tới phủ quốc công, vị công tử kia bất lực nhìn từng người thân máu mủ và bằng hữu chết đi trong tiếng oán than, mà y...lại chỉ có thể nằm giả chết ở một góc sau khi bị tên tướng địch đánh cho thừa sống thiếu chết.
Lúc đó y mới nhận ra sự thật, liệu quân địch có vì tiếng đàn của y mà tha cho y không, liệu bọn chúng có thích thú với bài thơ mà y viết.
Không...!không đời nào!
Bọn chúng chỉ thương tiếc y vì khuôn mặt xinh đẹp này.
Vậy thì, y liền không luyến tiếc dùng dao tự rạch một đường trên khuôn mặt mình.
Y một mình lết thân mình đi tới cổng thành, nhìn bá tánh nằm trong biển máu mà tròng mắt y cũng như muốn đổi thành màu đỏ.
Y ngước lên nhìn, mặt trăng tròn vành vạnh bên tường thành, bên dưới là cả một thành trì nằm trong biển máu và lửa, trong lòng âm thầm hạ quyết tâm trả thù.
Y dùng hai tháng vừa đau khổ vừa đói rét để đi tới doanh trại, lại xin nhập ngũ vô thời hạn để bảo vệ quốc gia khỏi lũ man rợ kia.
Từ một tên lính quèn tay cầm kiếm còn không nhấc lên được, chỉ trong hai năm, y đã trở thành vị tướng lĩnh mạnh mẽ nhất trấn thủ nơi biên cương, ngày ngày đánh giặc, ngày ngày đối mặt với hiểm nguy, giành lại từng tấc đất cho quốc gia, bảo vệ không biết bao người dân khổ cực giống như y hồi xưa.
Thời điểm đã đến.
Ngày hôm đó, y dẫn theo mười vạn binh đánh tới chủ thành của địch, khí thế vang trời lở đất, mang theo mối thù năm xưa, y chiến đấu không ngừng suốt hai ngày ba đêm.
Vào lúc bình minh chiếu qua chân trời, y buông biếm, một tay nhấc cái đầu đã lìa của tướng địch giơ lên cao.
Đại quân toàn thắng trở về.
Khi trở về, hoàng đế ban cho y chức vị vương, cai quản năm thành trì bao gồm cả quê hương năm xưa của y, từ đó con dân được ấm no, quốc gia cũng dần trở nên thịnh vượng.
Vị tướng quân cởi bỏ mũ giáp, y mặc thường phục, tay cầm quạt tranh làm thơ, hạ quạt xuống lại gảy đàn, giống như ngày xưa, nhưng có rất nhiều thứ đã thay đổi.
Hằng năm hễ tới ngày trăng tròn tháng bảy, y lại tới tòa lâu cao nhất gảy khúc đàn năm xưa, tưởng niệm cho sinh linh đã ra đi vào ngày hôm đó.
Người dân cả nước đều coi y như thần tiên mà thờ phụng, nhưng có lẽ điều này đã khiến các vị thần tiên trên trời cao phật ý hạ một tia sét phá tan bàn thờ lớn mà người dân dựng lên cho y.
Mấy năm sau, vị công tử đó không còn xuất hiện lại vào ngày rằm tháng bảy nữa, có tin đồn y đã phi thăng lên làm thần, cũng có tin đồn nói y xa vào ma đạo, trở thành cánh tay phải của quỷ vương.
Tin đồn càng ngày càng phóng đại, cho tới khi có một lần người ta bắt gặp y ra tay giết hại rất nhiều người.
Từ đó tin đồn y xa vào ma đạo càng trở nên phổ biến hơn.
Người dân thi nhau đạp đổ tượng của y, phá bàn thờ của y, từ một công thần trở thành ma thần mà người người đều ghét bỏ.
Vãng Nguyệt, vốn là một lễ hội vui vẻ mà người dân tổ chức vào rằm tháng bảy để tưởng nhớ chuyện năm đó, cũng như tỏ lòng biết ơn với người kia, nhưng không biết từ khi nào lại trở thành một lễ hội của ma quỷ.
Vào ngày này, mọi người sẽ ăn mặc giống như ma quỷ đi ra đường để xả xui.

Nhưng càng về lâu sau thì lễ hội càng biến chất, từ một lễ hội ma quái biến thành một lễ hội vui vẻ, mọi người ngoài việc đeo những chiếc mặt nạ ma quái ra thì không hề có không khí đen đủi nào, thậm chí còn tổ chức bắn pháo hoa, ca hát nhảy múa và nhiều hoạt động khác.
Hiện tại, nhiều người dân Thanh Hải quốc cũng không biết tới gốc gác của lễ hội này từ đâu mà ra, đối với họ ngày này là ngày để thoải mái vui vẻ là chính.
Lạc Tư Thần đóng sách lại, y không ngờ một lễ hội tưởng như đơn giản lại có câu chuyện sâu xa tới vậy.
Vị công tử trong câu chuyện đó không hiểu sao lại khiến y có một cảm giác rất tiếc nuối.
Mọi thứ dù có từng quan trọng thế nào, từng ý nghĩa thế nào thì cuối cùng vẫn sẽ bị thời gian làm cho lãng quên.
Đến một lúc nào đó cũng chỉ còn là một câu chuyện được người đời sau kể lại bằng câu " Nghe nói...!đã từng có" mà thôi.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.