Ba Đường Luân Hồi

Chương 25:




Dịch Táp xem bức tranh hồi lâu, cuối cùng chịu thua trước tài hội họa của Khương Xạ Hộ, người biên soạn gia phả dường như cũng chẳng thấy có gì kỳ quặc, hời hợt bình một câu…
Đoán là yêu ma quỷ quái.
Người cổ đại cũng từng va chạm xã hội, ma quỷ trong truyền thuyết có con lưỡi dài, có con miệng to như chậu máu, có con còn có thể cắp đầu dưới nách – mở nhiều thêm một sọ não cũng không có gì kỳ lạ.
Tông Hàng cũng sáp lại xem: “Là người ngoài hành tinh à?”
Người ngoài hành tinh đúng là ổ điện vạn năng, thế lực kỳ bí thần ma loạn xạ gì cắm lên người nó cũng chuyển xuôi hết được. Dịch Táp nguýt hắn: “Cậu chỉ nghĩ được đến người ngoài hành tinh thôi hả.”
Tông Hàng ngạc nhiên: “Ai bảo, tôi còn nghĩ được nhiều lắm đấy.”
“Ví dụ?”
“Ví dụ như mở não phẫu thuật chẳng hạn, người này đang được phẫu thuật não.”
Dịch Táp suy xét thử, cảm thấy cũng có lý: “Ví dụ nữa xem?”
“Ví dụ như não bộ biến dị cho nên không giống não người bình thường lắm. Còn có thể là người máy nữa, ở các hội chợ triển lãm khoa học công nghệ bây giờ,” Tông Hàng khoa tay múa chân minh họa cho cô xem, “Người máy đều được tạo cho rất giống người thật, bên ngoài bọc một lớp da mô phỏng sinh học, kỳ thực bên trong là đủ loại máy móc tinh vi, những sản phẩm trưng bày trong triển lãm thế này còn có thể cho người ta xem trong đầu trông như thế nào nữa đấy…”
Dịch Táp giật mình, lại giơ trang giấy lên xem.
Không nói thì không nhận ra, nói một cái lại cảm thấy càng xem càng giống.
Những đường nét phác họa nguệch ngoạc không có kết cấu này có khi nào lại thật sự là kiểu lắp đặt máy móc mà người thời Khương Xạ Hộ không hiểu được hay không?
Có điều lần xuống hầm đất trôi nổi năm chín sáu đó quả thực là một chuyến nghĩ lại mà kinh, thế nên lúc Đinh Bàn Lĩnh nói với cô đề nghị tổ chức lại đoàn xe lần nữa, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là nhất định không được giẫm lên vết xe đổ.
Nhưng vì sao Khương Xạ Hộ đi xuống rồi lại có thể lành lặn đi ra, là do “nhân số” quá ít, không đáng vì một người mà huy động lực lượng sao, hay là bởi chưa tới thời cơ “Chẳng phải lông vũ mà bay” nên án binh bất động?
***
Buổi chiều, xe đi vào huyện Cát nơi có Hồ Khẩu.
Vị trí địa lý của Hồ Khẩu rất xảo quyệt, Sơn Tây Thiểm Tây lấy đúng đoạn Hoàng Hà này làm ranh giới, bởi vậy nên danh thắng này một nửa thuộc về Sơn Tây, một nửa thuộc về Thiểm Tây.
Xem Hồ Khẩu ở Sơn Tây thì vào huyện Cát, lợi ở chỗ có thể xem cận cảnh. Xem Hồ Khẩu ở Thiểm Tây thì vào Diên An, góc nhìn ở đó tương đối rộng, ảnh chụp thuyền bè khí thế hào hùng, hơn nữa những tài nguyên du lịch khác quanh Diên An cũng khá phong phú, đa số du khách vẫn thường chọn tuyến Diên An hơn.
Nhưng mục đích ba họ lần này qua đây cũng không phải là để ngắm cảnh.
Vào huyện Cát, xe đi thẳng tới khu thắng cảnh, nói là vào khảo sát, xem thế nước mấy ngày nay thế nào.
Thế nước tất nhiên là không yếu, còn cách một đoạn mà Dịch Táp đã nghe thấy tiếng nước ầm ầm, nói là “trống trăm trượng nơi bãi cát Hoàng Hà” cũng không ngoa chút nào. Tông Hàng chưa từng tới đây, lúc ở trong xe đã ngồi không yên, xe vừa dừng lại lập tức nhảy xuống.
Cảm giác nghe bên ngoài xe cũng khác với ở trong xe, vang dội khắp bầu trời, mặt đất cũng như hơi chấn động.
Tông Hàng chạy đi xem giới thiệu khu thắng cảnh trước.
Trên đó giới thiệu sự hình thành của thác nước.
Nói là khi Hoàng Hà chảy tới cao nguyên Tấn Thiểm giống như một con ngựa hoang thoát cương, mặt sông trải rộng tới hơn nghìn mét, nhưng đổ tới tới chỗ huyện Cát này, gặp phải một khe nứt lớn, chiều rộng cùng lắm chỉ hai, ba mươi mét nhưng lại sâu đến bốn, năm mươi mét.
Thử nghĩ mà xem, mặt sông rộng như vậy đột ngột phải thu hẹp, hơn nữa còn chênh lệch hơn mấy chục mét, lượng nước lớn như vậy, gầm thét rơi đổ mà trút xuống, thế tiếng sao có thể không kinh người?
Hèn chi có câu thơ “Nghìn dặm Hoàng Hà trọn một bầu”, ví nơi này như bụng bầu nước, thế vẫn chưa xong – nước Hoàng Hà đổ xuống rồi, còn chưa kịp thở dốc đã lại lập tức tràn vào một con kênh hẹp dài mấy chục dặm, tên là Long Tào (*).
(*) Giải nghĩa tên địa danh: câu thơ trong đoạn trên nguyên Hán-Việt là “Thiên lý Hoàng Hà nhất hồ thu” – “hồ” là cái bình đựng nước, địa danh Hồ Khẩu ở đây có nghĩa là “miệng bình”; Long Tào nghĩa là “rãnh rồng”. Nhân tiện, cao nguyên Tấn Thiểm – Tấn là Sơn Tây, Thiểm là Thiểm Tây.
Nó có năng lực thanh thế lên trời xuống đất, anh lại lấy một bầu nước tù túng, một con kênh chật hẹp như thế đi trói buộc gò bó nó, nó sao có thể để yên? Tất nhiên là phải cuồn cuộn nhảy dựng lên, gào thét ngày đêm như sấm rồi, hay còn gọi là “Sét gầm ruộng cạn”.
Bên dưới còn một đoạn truyền thuyết thần thoại, Tông Hàng khom lưng xuống xem, trong lòng đánh thịch một tiếng.
Vậy mà lại trông thấy cái tên “Đại Vũ”.
Trong truyền thuyết, Hoàng Hại tàn phá bốn phía, gây hại rất nhiều, Đại Vũ khảo sát địa thế, cảm thấy Long Môn ở thung lũng Tấn Thiểm rất tốt, muốn thu Hoàng Hà vào đây, nhưng thu được nửa chừng lại có một tảng đá lớn chặn đường, trong cơn thịnh nộ, Đại Vũ xẻ tảng đá này ra thành một khe khe nứt, khe nứt đó chính là Hồ Khẩu.
Tức nhưỡng đã dính dáng tới Đại Vũ rồi, hiện giờ tới Hồ Khẩu cũng liên quan tới Đại Vũ?
Đương nghĩ ngợi, Dịch Táp cách đó không xa gọi hắn: “Cậu tới chơi đó hả? Còn lượn đi du ngoạn? Có cần chụp cho cậu một bức ảnh luôn không?”
Tông Hàng lại lóc cóc chạy về.
Mấy người trên xe đều đã tụ tập lại một chỗ, như một đoàn du lịch nhỏ, từ sớm đã có dân địa phương nhà họ Đinh qua đây nghênh đón, dẫn đầu là một cậu trai trẻ tuổi mặt tròn, trong tay cầm phiếu vào đã mua từ trước, cánh tay khoác chừng mười cái áo mưa dùng một lần, đang quang quác nói chuyện với Đinh Trường Thịnh.
Mùa hè vốn không phải thời điểm lượng nước Hồ Khẩu đạt mức lớn nhất nhưng năm nay khác thường, đầu hè có mấy trận mưa to, lượng nước tăng lên đột biến, thác nước như sôi sục bốc khói vậy… Vào xem là biết;
Đinh Ngọc Điệp đã ở bên trong, đang chờ hội hợp với mọi người;
Đã mua được cá chép Hoàng Hà, và bè da dê trên đường, đúng đêm nay sẽ tới, ca sĩ cũng đến rồi, đang nghỉ ngơi trong khách sạn.

Ca sĩ? Khóa canh vàng còn phải có ca sĩ, vừa múa vừa hát chắc? Tông Hàng lấy làm khó hiểu, Dịch Táp thì hiểu, nói là nghi thức canh vàng buổi tối – nghi thức của ba họ cũng không giống nhau, trên Hoàng Hà rất phổ biến ương ca chiếc ô.
Đoàn người đi tới bên thác nước nhìn một hồi.
Từ xa Tông Hàng đã phải trợn mắt há hốc rồi.
Trước mắt chỉ toàn là nước sông vàng đục, giống như một nồi nước lớn đang sôi vậy, mặt nước không có lấy một tấc phẳng lặng, gọi là nước cũng không chính xác, là bùn nhão thì phải hơn, sinh động như một bát canh đặc để lâu đã ngả sang màu vàng, đụng dọc xô ngang, hình ma dạng quỷ, không chỉ ở “Hồ Khẩu” mà hai bên Long Tào cũng đổ xuống vô số thác nước. Chưa tới mấy giây, trong tai toàn là tiếng nước ầm ầm, căn bản không nghe được tiếng người nói chuyện.
Khói vàng cuồn cuộn trong không trung, đều là sương mù bốc lên. Mặt nước thế này, đừng nói là đi thuyền, một trang giấy bay xuống cũng sẽ bị cuốn lấy mất hút, không còn cơ hội thò đầu ra nữa.
Những người ở gần đó đều che ô hoặc mặc áo mưa, vẫn không tránh được bị bắn bùn khắp người. Cậu trai mặt tròn nhà họ Đinh đi qua phát áo mưa cho Tông, Tông Hàng thấy Dịch Táp không lấy, đang định xua tay tỏ ý mình cũng không cần – giương mắt lên chợt thấy có một người mặc áo mưa đi về phía họ.
Là Đinh Ngọc Điệp, trên áo mưa tí tách nhỏ nước, nước bùn chảy xuống thành sông, trên đầu bắt chước dân bản địa bọc một cái khăn mặt lòng dê trắng (*), cũng đã bị bắn cho thành màu giẻ lau.
(*) Nguyên văn: 白羊肚手巾, là một phong tục dùng khăn quấn đầu của người dân đất Tấn và Lữ Lương, xoắn khăn thành dạng vòng rồi buộc nút trên trán.
Hắn lớn tiếng nói gì đó, thấy hai người nghe không rõ bèn ngoắc tay: “Qua đây, qua đây nói!”
Hắn đưa hai người lên một chỗ cao, đi một mạch rất lâu mới dừng lại.
Tiếng người và tiếng nước rốt cuộc cũng cách xa hơn chút, Đinh Ngọc Điệp đưa tay chỉ vào nơi dòng nước xiết nhất ở cửa Long Tào: “Chỗ đó đó, thấy không? Anh vừa thấy Đinh Bàn Lĩnh cầm lịch canh vàng so vị trí, đêm nay là ở dưới đó.”
Dịch Táp ngạc nhiên: “Thế không phải vừa xuống đã bị cuốn đi mất rồi sao?”
Đùa gì thế, nơi này hoàn toàn khác hẳn Lão Gia Miếu: Lão Gia Miếu ít nhất còn có thể cho anh bình tĩnh mà xuống nước, bình tĩnh mà lặn sâu, nơi này sóng cuộn hung dữ như vậy, người chưa kịp lặn xuống đã bị trôi ngang cuốn đi rồi.
Đinh Ngọc Điệp lại không thấy lo lắng, kéo khăn buộc trên đầu xuống, vì tác dụng của tĩnh điện mà vô số tóc con chổng lên tựa hồ cũng đang nóng lòng muốn thử: “Mỗi nhà đều có bản lĩnh riêng, chú Bàn Lĩnh đã bảo là không vấn đề thì mày sợ cái gì, còn có thể dìm chết chúng ta chắc?”
Nói xong lại liếc sang Tông Hàng: “Cậu ta tới làm gì vậy? Một người thường, chúng ta làm gì cậu ta cũng theo, thế nào, muốn ở rể à?”
Tông Hàng không hé răng.
“Một người thường” cái gì chớ? Hắn mới là nhân vật chính của ngày hôm nay đấy được không, hơn nữa, ở rể thì mắc mớ gì đến anh?
Có phải ở rể nhà anh đâu.
***
Giống với mở canh vàng, khóa canh vàng ma nước cũng phải giữ thể lực, lần khóa canh vàng này quy mô không lớn, Đinh Bàn Lĩnh không tham gia, chỉ có hàng tiểu bối xuống nước: Đinh Ngọc Điệp dẫn đầu, Dịch Táp coi như là trợ thủ, Tông Hàng là “quan sát viên”.
Xem thế nước của thác rồi, ba người được dẫn tới bãi đỗ xe “nghỉ ngơi”, giữa chừng có người đưa “bữa nhận nước”, còn không bằng lần ở hồ Bà Dương: cá chép Hoàng Hà sống đã cạo vẩy, công thêm một cốc nước Hoàng Hà đã đun sôi – nhìn qua lớp thủy tinh có thể thấy dưới đáy cốc đọng một lớp bùn dày.
Ngạc nhiên là Đinh Ngọc Điệp ăn rất nghiêm túc, còn Dịch Táp thì lại giở trò bịp bợm, tìm một cái túi ni lông, đổ hết bữa nhận nước đi dưới sự che chắn của Tông Hàng.
Đợi thẳng đến đêm mới lại có người dẫn họ vào khu thắng cảnh.
Cảm giác lần này lại khác, không có tiếng người, không có ánh đèn, trước mặt tối đen như quay về thời viễn cổ, giữa trời đất ngoài núi đá ra thì chính là sông lớn.
Chỉ có một chỗ cạnh thác nước là dựng hai ngọn đèn dã ngoại màu vàng chiếu sáng, rọi chiếu chừng mười bóng người lập lòe, có mấy cái bóng bị ánh đèn kéo ra rất dài, vắt ngang lên mặt sông, nhìn vừa hoang đường vừa không chân thật.
Lại gần, trông thấy một ông già ngồi trên ghế nhắm mắt dưỡng thần, da mặt nhăn nheo, tóc, lông mi và chòm râu ôm trọn môi cằm đều trắng xóa.
Quần áo cũng thuần một màu trắng, mặc một chiếc áo khuy tròn dài tay rộng thùng thình kiểu Tàu và quần thụng, bên chân đặt một chiếc ô giấy dầu màu đỏ chế tác thủ công – dưới ánh đèn rọi sáng, mặt ô như được mạ lên một lớp dầu đỏ trơn bóng.
Dịch Táp thấp giọng giải thích cho Tông Hàng: “Lão tiền bối nhà họ Đinh, hát âm ca.”
Nghe nói người như vậy đều là được đào tạo từ nhỏ, bình thường cố gắng nói ít nhất có thể, có nói cũng phải nhỏ nhẹ, nhỏ tới mức, thắp một ngọn nến đặt trước miệng, nói hết một câu, ngọn lửa cũng không thấy lung lay chút nào.
Sức lực cả đời đều dùng vào việc hát âm ca, nghe nói hát nghe rất cao rất vang nhưng cũng không hẳn là vậy – cách thức trong đó Dịch Táp cũng không rõ lắm.
Cách ông già không xa bày một cái bàn, trên bàn đặt một vật lấp lóe màu lục tối, quanh bàn có mấy người đang đứng chà sát miếng da trong tay rồi đưa lên miệng thổi.
Thổi bóng à?
Tông Hàng nhìn chăm chú một hồi, lúc này mới phát hiện ra vật phát sáng kia là một bình thủy tinh bụng phình có lỗ thông khí, trong bình chỉ toàn đom đóm, mà vì thân bình bọc một lớp màu xanh lục nên ánh sáng xuyên ra mới có màu xanh lục sẫm – thổi bóng xong rồi, họ cũng không vội buộc miệng ngay mà mở nắp bình ra, thuận tay tóm một nắm đom đóm cho vào bóng.
Mấy người cùng làm, hiệu suất rất cao, bóng được thổi phồng lên rồi bỏ ánh sáng vào, không bao lâu sau, trên bàn dưới bàn, bên chân bên thân đã lăn lông lốc đầy ắp những quả bóng sáng.
Tông Hàng không biết mấy quả bóng khí này được làm từ bàng quang dê đã xát qua nitrat, còn cảm thấy rất lo lắng cho đom đóm bên trong, sợ chúng không bao lâu sau đã chết ngạt rồi.
Trong chỗ tối vọng lại tiếng người liên miên.
Rìa Long Tào có rào chắn để đề phòng du khách rơi xuống nước, đám người Đinh Bàn Lĩnh đang đứng trong rào chắn, cố định một cột trụ, trên đỉnh cột trụ buộc một sợi cáp bằng thép to bằng ngón tay cái, đung đưa trong ánh sáng mờ tối, theo sợi cáp nhìn sang, Dịch Táp mới phát hiện ra đối diện cũng có một cột trụ, sợi cáp này vắt ngang qua kênh nước, giống đường dây điện mắc trên dòng nước xiết.
Thấy đám Dịch Táp đã qua đây, Đinh Bàn Lĩnh thở ra một hơi, chỉ vào sợi cáp: “Lát nữa bọn chú sẽ dùng đom đóm định mắt nước, định xong rồi thì dựng bè nước, dựng bè xong thì hát âm ca mở đường, mở đường rồi mấy đứa có thể xuống nước.”
***
Định mắt nước, dựng bè nước, hát âm ca mở đường.
Tông Hàng nghe không hiểu ra sao, Dịch Táp cũng nửa hiểu nửa không, dù sao cũng khác họ, tuy hiểu được trình tự nhưng cụ thể như thế nào thì phải tới lúc tận mắt chứng kiến mới có thể hiểu ý được.
Cô kéo Tông Hàng qua một bên, nhỏ giọng dặn: “Đợi lát nữa xuống nước rồi, mặc kệ những cái khác, ôm chặt lấy Đinh Ngọc Điệp trước đã.”
Tông Hàng lập tức hiểu được.
Hang canh vàng này chắc chắn có cơ chế tự động thẩm định tuyển chọn, chỉ tiếp nhận người phù hợp với điều kiện: thuộc ba họ, cũng phải là ma nước.
Hắn và Dịch Táp đều thiếu một chút tư chất, bởi vậy nên lần trước ở Lão Gia Miếu mới “không đi đường thường”, bị ném vào động ổ ngao sò, suýt nữa làm mồi cho ngao sò, lần này nói thế nào cũng phải ngoan ngoãn một chút.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.