Anh Chàng Mộ Bên

Chương 53:




Vá bong bóng xà phòng,
Chọc cười búp bê bông,
Tốn thời gian, tốn lắm!
Tôi mơ thấy mình đi mua giày hạ giá. Giữa một đống giày trên bàn, tôi tìm thấy một chiếc giày kiểu dây da màu xanh rất dễ thương. Đó là chiếc giày chân phải, và tôi đã thử nó. Chân tôi ngoài đời giống như những chiếc gậy bóng chày, thẳng đuột và trắng xanh, nhưng trong mơ chân phải của tôi trở nên nuột nà và duyên dáng, với một cái mắt cá như của dân múa, khi xỏ vào chiếc giày ấy. Thế là tôi bắt đầu đi tìm chiếc giầy chân trái. Khi tìm thấy, nó có kích thước nhỏ xíu của một đứa bé năm tuổi. “Thỉnh thoảng cũng gặp chuyện này”, người bán hàng thờ ơ lên tiếng. “Chị thích mua hay không thì tùy. Đó là đôi cuối cùng đấy.” Nhưng làm thế nào tôi có thể mua một đôi giày cọc cạch? Không lẽ tôi phải gọt chân cho vừa giày? Thất vọng, tôi bước ra khỏi cửa hàng, và tỉnh giấc.
Tôi buộc mình phải nhớ tới giấc mơ đó mỗi khi suy nghĩ của tôi quay về với Benny. Gọt chân cho vừa giày.
Nhưng thay đổi bề ngoài cũng là một phần chương trình hồi phục của tôi. Đầu tiên, tôi dùng một chút mascara để che giấu đôi mắt sưng húp, đánh phấn phủ lên quầng thâm. Sau đó tôi tô son, và nhận ra trở nên nổi bật hơn trong mắt đàn ông cũng hay. Mỗi khi ai đó nhìn tôi hơi lâu, tôi lại cảm thấy như được trả thù Benny: anh thấy chưa, dù sao cũng có người để ý đến tôi! Tôi mua vài bộ trang phục đẹp mắt với tông màu sáng, trước hết là để tự nhắc mình vẫn đang sống. Tôi đã khá thành công.
Vào tháng Năm, thư viện đã cử tôi đi học ở Lund trong hai tuần lễ. Nhân thể tôi ghé qua Copenhahgen để tham quan bảo tàng Glyptoteket, nơi có bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật cổ đại. Ngay ở sảnh vào là tượng Niobe với đàn con vây quanh. Tôi đã chụp ảnh bức tượng dưới mọi góc độ. Sau đó tôi đã dành hàng giờ trong phòng trưng bày tượng bán thân của các hoàng đế, nữ hoàng La Mã. Vào khoảng thế kỷ thứ hai, thứ ba sau Công nguyên, các bức tượng bắt đầu có sự sắc nét như chụp ảnh, và ta có thể quan sát diện mạo của một người từ khi còn bé cho đến lúc về già.
Tôi sẽ thế nào sau năm mươi năm tới? Cả Benny nữa?
Tôi đã tự hứa sẽ đi gặp anh khi tôi tám mươi tuổi, bất chấp chuyện gì xảy ra. Như thế chí ít anh cũng không thể trách cứ tôi được.
Trong dịp hè, tôi đăng ký học vẽ màu nước ở vùng bờ đông Ai Len. Đồng hành cùng tiếng chim mòng biển, suốt cả ngày trời chúng tôi cố gắng vẽ lại ánh mặt trời phản chiếu trên mặt nước dưới chân những vách đá. Một cặp anh em người Mỹ đã mời tôi nghỉ Giáng sinh tại nhà họ, ở Wisconsin. Người anh là một giáo sư đại học, chúng tôi đã trải qua những khoảng khắc tĩnh lặng rất dễ chịu.
Trong một quán rượu cũ kỹ ở Ballylaoghaire, thậm chí tôi còn nhìn thấy một chiếc tủ lạnh kiểu cổ giống như chiếc trong nhà bếp của Benny. Không biết nó còn nằm ở đó không nhỉ?
Một lần, chỉ một lần duy nhất thôi, tôi đã mượn một chiếc xe hơi và lái qua làng của Benny. Tôi vờ như mình đi hái phúc bồn tử chỗ trảng rừng lớn ở ngôi làng bên. Trên đường, tôi đã trông thấy Benny và một phụ nữ tóc nâu có làn da rám nắng. Hai người chạy xe đạp về phía tôi, một chiếc giỏ picnic treo trên ghiđông, nhưng dĩ nhiên họ không thể trông thấy tôi trong xe hơi. Có vẻ như Benny đang giảng giải gì đó và chỉ tay về các cánh đồng. Anh gầy gò, sạm nắng, và đã thay đổi kiểu tóc. Anh có vẻ hạnh phúc.
Còn cô gái trông khá tầm thường. Chắc cô này hợp với Violet lắm đây, tôi nghĩ bụng. Rồi tôi tự hỏi liệu anh có làm tình với cô theo cùng một cách như đã làm với tôi. Thế là mọi thứ trở nên không chịu đựng nổi. Tôi khó khắn lắm mới quay về được, và tôi quyết định sẽ không bao giờ tới đó nữa.
Märta đã tìm lại được bản thân – bề ngoài thôi. Cô khiến tôi nhớ đến món đồ chơi tôi từng có hồi còn bé. Đó là một con vịt bằng thiếc màu vàng biết đi lạch bạch và kêu quạc quạc khi được lên dây cót. Một hôm, tôi vặn quá tay, làm hỏng mất dây cót. Tôi không tài nào hiểu được tại sao nó không hoạt động nữa, mặc dù bề ngoài vẫn không hề thay đổi.
Chiếc dây cót của Märta đã bị hỏng.
Nhưng điểm khác nhau giữa một con người và một con vịt đồ chơi là dây cót của chúng ta có thể được sửa chữa cùng với thời gian. Märta đã gặp một người đàn ông ngồi xe lăn. Anh đã trải qua một cuộc phẫu thuật làm hậu môn giả, và kể từ đó anh không chịu được món súp sữa. “Thật đấy!” Märta đã nói như thế. “Nhưng ít ra với anh ấy, tớ còn biết anh ấy ở đâu!” Cuộc đời của anh chàng đã trở nên mạo hiểm hơn từ sau cuộc gặp gỡ với Märta. Cô ấy xác định trong đầu là những người ngồi xe lăn vẫn có thể làm tất cả những gì mà người khác làm được. Trong một chuyến đi chơi núi, cô từng để tuột chiếc xe khi đang leo một ngọn dốc làm nó bị lật và anh mắng loạn lên. Nhưng cô chỉ lắc đầu rồi lôi anh lên một ngọn núi khác.
Vào tháng Chín, tôi lại bắt đầu những buổi kể chuyện cổ tích. Một cậu bé tóc vàng mắt nâu thường đến ngồi ngay hàng ghế đầu tiên. Cậu rất hay phát biểu và đề ra những tình tiết mới để cải thiện câu chuyện. Bố cậu ngồi đợi ở một chỗ gần sát tường. Anh ta có vẻ vừa hãnh diện vừa ngượng. Một hôm, họ ngồi lại để nói chuyện với tôi, và tôi đã đi uống cà phê với hai bố con. Ông bố tên là Anders, sống một mình cùng cậu con trai. Chúng tôi bắt đầu gặp nhau, đi dạo, tham quan bảo tàng, và dùng bữa tối ở nhà. Anders là một nhà sử học. Anh ấy kể chuyện quá khứ theo một cách nhẹ bẫng và thiếu tôn trọng đến nỗi tôi không biết phải nghĩ thế nào, nhưng anh thường xuyên khiến tôi cười.
Tôi hy vọng mình sắp sửa yêu anh.
Một hôm, khi ba chúng tôi đi dạo công viên, cậu bé Daniel bỗng thốt lên với đôi môi run run:
- Con thấy tội nghiệp cho mấy con chim ưng!
- Tại sao? – Anders hỏi.
- Chúng quá to để chui vào mấy cái nhà cho chim.
Tự dưng tôi hiểu ra người mình yêu là cậu bé Daniel.
Vào tháng Mười, đã xảy ra một điều kỳ diệu thường ngày. Trong một tủ kính bày hàng, tôi nhìn thấy đôi giày dây da màu xanh. Tôi nhận ra nó. Lập tức tôi bước vào mua đôi giày, xỏ đi luôn. Rồi tôi về nhà và gọi điện cho anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.